Các thí sinh đang tìm hiểu phương thức tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Ngày 14/3, hàng ngàn thí sinh đến từ các trường THPT tại Hà Nội đã đổ về ĐH Quốc gia Hà Nội để tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp việc làm. Tất cả những vấn đề "nóng" nhất liên quan đến tuyển sinh, cơ hội việc làm và cách chọn trường, chọn nghề đã được các thí sinh thẳng thắn đặt câu hỏi với các chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục.
Liên thông trong một trường, liên thông khác trường
Khối ngành kinh tế được các thí sinh khá mặn mà, không chỉ vì có nhiều trường đào tạo, cơ hội việc làm đa dạng mà trong thời gian học, các em có thể học "hai trong một", hoặc "ba trong một", nghĩa là cùng một lúc có thể học song song hai, hoặc ba chuyên ngành.
Thầy Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, thí sinh thi vào ĐH Kinh tế có thể học được được cả ngành tiếng Anh phiên dịch của ĐH Ngoại ngữ và ngành Tài chính Ngân hàng của ĐH Kinh tế, với điều kiện, sau năm học thứ nhất, thí sinh có điểm trung bình chung tích luỹ đạt từ 2.0 (trung bình khá) là có thể được học liên thông ngay với trường khác, hoặc học liên thông trong cả những ngành khác của ĐH Kinh tế. Một thông tin khá hấp dẫn là năm 2010, thí sinh nào đạt điểm tối đa sẽ được ĐH Kinh tế thưởng 30 triệu đồng.
Việc học "hai trong một" cũng là ưu điểm của hình thức đào tạo theo tín chỉ. TS. Lê Thị Thu Thuỷ, ĐH Ngoại thương cho hay, đây là năm thứ hai trường đào tạo tín chỉ. Cũng giống như ĐH Kinh tế, chỉ cần đạt điểm 2.0 tích luỹ trung bình cho các tín chỉ, các sinh viên ĐH Ngoại thương có thể đăng ký học cả ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và tài chính thương mại. Ngoài ra, ĐH Ngoại thương còn có hai chương trình tiên tiến "nhập khẩu" từ Hoa Kỳ.
Có rất nhiều ngành mới mở tại nhiều trường ĐH. Ths Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài chính marketing TP HCM thông tin tới thí sinh, năm nay trường mở rộng đào tạo chuyên sâu nhiều chuyên ngành, trong đó có ngành quản trị bán hàng, ngành đầu tiên được đào tạo trong hệ thống các trường ĐH.
Cũng theo Ths Hứa Minh Tuấn, rất nhiều trường phía Nam dành chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho các thí sinh phía Bắc có điểm chuẩn khá cao. ĐH Tài chính marketing TP HCM năm 2008 đã dành 300 chỉ tiêu, năm 2009 là 200 chỉ tiêu cho thí sinh phía Bắc.
Ths Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Kinh tế TP HCM cho hay, sau 3 học kỳ, sinh viên học tại trường có quyền được đăng ký lại nguyện vọng của mình và nhà trường sẽ xếp lại ngành học theo nguyện vọng và theo kết quả học tập của sinh viên. Với những sinh viên đã trúng tuyển, trường sẽ kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào để chia thành 3 nhóm lớp, từ đó có chương trình đào tạo ngoại ngữ phù hợp với các em.
Điện tử viễn thông, công nghệ sinh học, y học cổ truyền... đều có nhiều cơ hội việc làm
Nhu cầu việc làm, học xong được thử sức tại các doanh nghiệp, công ty luôn là khát vọng chính đáng của bất cứ thí sinh nào. Nhiều thí sinh quan tâm tới nhu cầu nhân lực ngành điện tử viễn thông, điểm chuẩn cao hay thấp so với các ngành khác...
PGS TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng ĐH KHTN cho biết, ngành điện tử viễn thông của ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội đào tạo theo chuẩn quốc tế. Tất cả sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm sau khoảng ba tháng bởi cơ hội việc làm của ngành này rất đa dạng, có thể làm việc ở tập đoàn bưu chính viễn thông, các công ty viễn thông trong và ngoài nước.
Với các thí sinh muốn tìm hiểu việc làm của những ngành như công nghệ sinh học, y học cổ truyền, nuôi trồng thuỷ sản, tư vấn cho các em, PGS.TS Nguyễn Hữu Dư cho rằng, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ của công nghệ sinh học. Ra trường, các em có thể giảng dạy ở các trường hoặc được cho đi đào tạo ở nước ngoài, các phòng thí nghiệm, các đơn vị, bệnh viện. Công nghệ sinh học có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp (chế biến thực phẩm), y học và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Cũng theo PGS - TS Nguyễn Hữu Dư, bác sĩ y học cổ truyền có thể làm việc ở các bệnh viện cổ truyền, khoa y cổ truyền.
TTO