Hướng dẫn mẹ cách dạy bé biết chào hỏi ngay từ khi mới được 1 tuổi
Nguồn: World Mommy Dạy bé
Nói đến “chào hỏi”, bạn có biết tại sao con người chúng ta lại chào hỏi và mục đích của việc chào hỏi là gì không?
Có thể nói mục đích của việc chào hỏi là giúp mối quan hệ của chúng ta với người khác trở nên suôn sẻ, thuận lợi hơn. Chẳng hạn như khi bạn chào người khác thì trong câu chào của bạn đã bao hàm những ý sau:
“Hôm nay có gì tôi lại nhờ anh giúp đấy nhé.”
“Tôi không làm việc gì mờ ám đâu đấy nhé!”
Giả sử bạn không chào hỏi người khác khi gặp họ thì hai bên sẽ không biết đối phương đang nghĩ gì và sẽ trở nên lo ngại.
Thế còn đối với trẻ nhỏ, “chào hỏi” là gì?
Photo by Shutterstock.com
Thông thường, nếu phát triển nhanh thì khi được khoảng 1 tuổi, trẻ nhỏ bắt đầu biết chào người khác một cách đơn giản bằng cách vẫy tay chào tạm biệt “bai bai” hoặc đập nhẹ tay của mình vào tay của người khác (high touch)...
Tuy vậy, vào lúc này trẻ vẫn chưa ý thức được việc chào hỏi sẽ giúp mối quan hệ của mình với người khác trở nên suôn sẻ, thuận lợi hơn. Phải lớn hơn một chút, trẻ mới có thể hiểu được điều này. Đối với trẻ 1 tuổi thì hành động chào tạm biệt và đập tay với người khác giống như một trò chơi bằng tay hơn là chào hỏi.
Từ khoảng 1 - 2 tuổi, dù mới quen hoặc mới gặp người khác lần đầu tiên, trẻ nhỏ sẽ trở nên dạn dĩ hơn và có thể chơi cùng những người bạn mới giống như đã quen biết từ lâu. Chẳng hạn như bạn có thể nhìn thấy trẻ nhỏ chơi cùng nhau ở bãi cát dành cho trẻ nhỏ hoặc cùng chơi trò chơi với nhau trong công viên dù trước đó chưa hề quen biết.
Giúp trẻ nhỏ hình thành thói quen chào hỏi bằng cách khiến trẻ cảm thấy việc chào hỏi giống như một trò chơi
Photo by Shutterstock.com
Bạn có thể cho rằng nếu không cần phải chào hỏi để làm quen mà vẫn có thể chơi với các bạn mới thì trẻ nhỏ chẳng cần phải chào hỏi làm gì. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy.
Dạy cho con tập chào hỏi ngay từ khi bé mới 1 - 2 tuổi và khiến bé cảm thấy việc chào hỏi giống như một trò chơi sẽ giúp con bạn hình thành được thói quen chào hỏi mọi người ngay từ khi còn nhỏ. Và chắc chắn rằng điều này cũng sẽ giúp bé trở nên lễ phép và biết chào hỏi mọi người khi lớn lên.
Để làm được điều này, bạn và chồng bạn nên làm gương cho con.
Khi thức dậy vào buổi sáng, bạn hãy chào mọi người trong gia đình bạn thật rõ ràng “Chào cả nhà!”. Khi ra khỏi nhà, bạn nên chào hỏi hàng xóm xung quanh. Hay khi đưa con đi nhà trẻ, bạn cũng nhớ chào thầy cô và bạn bè của bé ở trường. Và cũng đừng quên chào cả những người mà bạn và con bạn gặp ở công viên nữa nhé.
Cha mẹ nên làm gương và chủ động chào hỏi mọi người xung quanh, đặc biệt là trước mặt con để con quan sát và học theo. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thử đề nghị con chào hỏi mọi người giống như rủ bé chơi một trò chơi vậy “Con có làm được không nào?”.
Dù cho con bạn không nói được câu nào cũng không sao.
Dù con bạn chỉ nhoẻn miệng cười cũng không vấn đề gì.
Thay vì mắng con “Mẹ đã bảo là phải chào hỏi hẳn hoi cơ mà?!”, bạn hãy để con cảm thấy rằng việc chào hỏi giống như tham gia một trò chơi thú vị vậy.
Trẻ nhỏ bắt đầu biết nói cảm ơn khi được khoảng 2 tuổi trở lên
Photo by Shutterstock.com
Hơi khác so với việc chào hỏi, trẻ nhỏ có thể hiểu và biết nói cảm ơn khá sớm. Việc nói cảm ơn chưa hẳn đã là chất xúc tác giúp mối quan hệ giữa người với người trở nên suôn sẻ, thuận lợi hơn mà chỉ đơn giản là hành động cảm ơn khi người khác làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình. Có lẽ đây cũng chính là lý do trẻ nhỏ sớm hiểu được ý nghĩa của hành động này.
Thông thường, trẻ nhỏ bắt đầu sử dụng được thành thạo câu nói “Cảm ơn” và “Không có gì” khi được khoảng 2 - 3 tuổi. Bởi vậy, cha mẹ nên chủ động nói lời cảm ơn với con và mọi người xung quanh khi con được khoảng hơn 2 tuổi nhé.
Lời chào hỏi thường mở đầu cho những mối quan hệ. Do đó, nếu trẻ nhỏ chào hỏi người khác chỉ vì bị cha mẹ mắng hay ép buộc thì chắc chắn bé sẽ cảm thấy không thích việc chào hỏi.
“Con chào cô ạ”, “Tớ chào cậu”...
“Con cảm ơn cô”, “Cảm ơn cậu nhé”...
Do đó, bạn nên khen con mỗi khi bé hoàn thành một việc nào đó dù việc đó rất nhỏ. Và hãy để con luôn cảm thấy vui vẻ và hào hứng khi tập chào hỏi mọi người xung quanh nhé