Theo sử sách, vua Lê Thái Tổ băng hà vào ngày 22/8 (âm lịch) năm Quý Sửu (1433) và thi hài được đưa về an táng tại đất Lam Sơn. Trước giỗ vua Lê một ngày, người dân đã làm giỗ tưởng nhớ vị tướng trung quân Lê Lai nên có câu “hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi”. Lý giải việc tướng Lê Lai giỗ trước vua Lê một ngày là câu chuyện cảm động về vị tướng trung quân, liều mình cứu chúa.
Trung thần Lê Lai quên mình cứu chúa
Theo sử sách, trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo, lực lượng nghĩa quân còn ít, thế giặc lại mạnh. Nghĩa quân nhiều lần rơi vào thế bị bao vây tưởng chừng tan vỡ. Ba lần rút lên núi Chí Linh là ba lần tuyệt nguồn lương thực, tưởng không thể chống đỡ nổi. Trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi từng tái hiện giai đoạn lịch sử gian khó này bằng những câu thơ nổi tiếng: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi huyện quân không một đội”.
Năm 1419, quân khởi nghĩa rút lên núi Chí Linh (thuộc miền Tây Thanh Hóa) lần thứ hai, quân giặc bao vây chặt, nghĩa quân hết lương ăn, phải ăn thịt cả con ngựa chiến cuối cùng. Để đánh lạc hướng quân giặc, duy trì cuộc khởi nghĩa, Lê Lai đã mặc áo hoàng bào giả làm chủ tướng Lê Lợi, cùng với 500 quân cảm tử xuống núi quyết chiến với quân Minh. Giặc bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi nên rút quân khỏi núi Chí Linh, nhờ vậy cứu nguy cho quân khởi nghĩa. Tấm gương hi sinh của Lê Lai mãi được nhà Lê ghi nhớ.
Năm 1428 ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng cho Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, soạn hai bài văn thề mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai. Trước khi mất Lê Lợi dặn lại vua nối ngôi Trần Thái Tông rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ có Lê Lai. Do ngày mất của Lê Lai không rõ nên sau khi ta chết phải làm giỗ cho Lê Lai trước khi làm giỗ cho ta một ngày”.
Hy sinh anh dũng, sử sách còn ghi
Tuy câu chuyện hy sinh của Lê Lai không được chép trong bộ quốc sử chính thống “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng trong sách “Lam Sơn thực lục”, là bộ sách kể chi tiết về diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được soạn theo lệnh vua Lê Thái Tổ ngay năm 1431, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc không lâu, đã mô tả kỹ lưỡng sự việc diễn ra năm 1418.
Sách viết rằng: "Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng: "Ai có thể thay mặc áo vàng của trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!"
Các tướng chưa ai dám nhận trách nhiệm hy sinh lớn lao này. Chỉ có Lê Lai thưa rằng: "Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!"
Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng: "Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!" Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.
Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng: "Ta đây là chúa Lam Sơn!" Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm.
Về câu chuyện tiếp theo sau khi Lê Lai liều mình cứu chúa, sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn viết thêm một chi tiết rằng Lê Thái Tổ khi hỏi chư tướng, có nhắc đến một điển tích: "Vua hỏi chư tướng có ai hay bắt chước chuyện Kỷ Tín xưa?". Đó là một điển tích thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Quốc, khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây rất ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát, nhờ Kỷ Tín đóng giả mình để lừa Hạng Vũ, vì thế Lưu Bang mới thoát nạn được.
Điển tích này từng được Hưng Đạo Vương đưa vào ngay câu mở đầu của bài “Dụ chư tì tướng hịch văn” nổi tiếng của mình: "Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế...".
Ngày 22/8/1433, vua Lê Thái Tổ băng hà. Thuận theo lời trăng trối của vua Lê, từ đó ngày giỗ Lê Lai được tổ chức trước ngày giỗ vua Lê Thái Tổ một ngày. Dân gian Thanh Hóa nay có câu “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi” bắt nguồn từ việc này.
Câu chuyện cảm động về người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh, về tấm lòng trung quân, chí khí cao cả, cương trực, giàu lòng yêu nước căm thù giặc. Sauk hi Lê Lai mất, vua Lê Thái tổ đã phong ông là Trung túc vương và lập đền thờ tưởng nhớ vị trung thần.
Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng ngưỡng mộ, triều Lê và nhân dân đã xây dựng đền thờ Lê Lai trên đất Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) vào năm Thái Hòa thứ 7 triều vua Lê Nhân Tông (1450). Năm 2013, ngôi đền gỗ 2 tầng bị cháy, sau đó được phục dựng lại trên nền cũ và khánh thành đền mới vào năm 2017.
Hiện đền Lê Lai nằm trên sườn đồi phía trước là hồ sen thơm ngát, xa xa là cánh đồng dài bất tận tạo nên với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai là nơi tưởng nhớ vị tướng tài đã có công lao to lớn với nhân dân và triều đình được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn kính
Theo: Lam Sơn thực lục
Trung thần Lê Lai quên mình cứu chúa
Theo sử sách, trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định vương Lê Lợi lãnh đạo, lực lượng nghĩa quân còn ít, thế giặc lại mạnh. Nghĩa quân nhiều lần rơi vào thế bị bao vây tưởng chừng tan vỡ. Ba lần rút lên núi Chí Linh là ba lần tuyệt nguồn lương thực, tưởng không thể chống đỡ nổi. Trong Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi từng tái hiện giai đoạn lịch sử gian khó này bằng những câu thơ nổi tiếng: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi huyện quân không một đội”.
Năm 1419, quân khởi nghĩa rút lên núi Chí Linh (thuộc miền Tây Thanh Hóa) lần thứ hai, quân giặc bao vây chặt, nghĩa quân hết lương ăn, phải ăn thịt cả con ngựa chiến cuối cùng. Để đánh lạc hướng quân giặc, duy trì cuộc khởi nghĩa, Lê Lai đã mặc áo hoàng bào giả làm chủ tướng Lê Lợi, cùng với 500 quân cảm tử xuống núi quyết chiến với quân Minh. Giặc bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi nên rút quân khỏi núi Chí Linh, nhờ vậy cứu nguy cho quân khởi nghĩa. Tấm gương hi sinh của Lê Lai mãi được nhà Lê ghi nhớ.
Năm 1428 ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã truy tặng cho Lê Lai là Đệ nhất Khai quốc công thần, soạn hai bài văn thề mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai. Trước khi mất Lê Lợi dặn lại vua nối ngôi Trần Thái Tông rằng: “Ta có được ngày hôm nay là nhờ có Lê Lai. Do ngày mất của Lê Lai không rõ nên sau khi ta chết phải làm giỗ cho Lê Lai trước khi làm giỗ cho ta một ngày”.
Hy sinh anh dũng, sử sách còn ghi
Tuy câu chuyện hy sinh của Lê Lai không được chép trong bộ quốc sử chính thống “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng trong sách “Lam Sơn thực lục”, là bộ sách kể chi tiết về diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được soạn theo lệnh vua Lê Thái Tổ ngay năm 1431, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc không lâu, đã mô tả kỹ lưỡng sự việc diễn ra năm 1418.
Sách viết rằng: "Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng: "Ai có thể thay mặc áo vàng của trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!"
Các tướng chưa ai dám nhận trách nhiệm hy sinh lớn lao này. Chỉ có Lê Lai thưa rằng: "Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!"
Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng: "Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!" Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.
Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng: "Ta đây là chúa Lam Sơn!" Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm.
Về câu chuyện tiếp theo sau khi Lê Lai liều mình cứu chúa, sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn viết thêm một chi tiết rằng Lê Thái Tổ khi hỏi chư tướng, có nhắc đến một điển tích: "Vua hỏi chư tướng có ai hay bắt chước chuyện Kỷ Tín xưa?". Đó là một điển tích thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Quốc, khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây rất ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát, nhờ Kỷ Tín đóng giả mình để lừa Hạng Vũ, vì thế Lưu Bang mới thoát nạn được.
Điển tích này từng được Hưng Đạo Vương đưa vào ngay câu mở đầu của bài “Dụ chư tì tướng hịch văn” nổi tiếng của mình: "Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế...".
Ngày 22/8/1433, vua Lê Thái Tổ băng hà. Thuận theo lời trăng trối của vua Lê, từ đó ngày giỗ Lê Lai được tổ chức trước ngày giỗ vua Lê Thái Tổ một ngày. Dân gian Thanh Hóa nay có câu “Hai mốt Lê Lai, hai hai Lê Lợi” bắt nguồn từ việc này.
Câu chuyện cảm động về người đã hy sinh thân mình cứu chủ tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh, về tấm lòng trung quân, chí khí cao cả, cương trực, giàu lòng yêu nước căm thù giặc. Sauk hi Lê Lai mất, vua Lê Thái tổ đã phong ông là Trung túc vương và lập đền thờ tưởng nhớ vị trung thần.
Để tưởng nhớ người có công với dân tộc, với giang sơn xã tắc và sự trân trọng ngưỡng mộ, triều Lê và nhân dân đã xây dựng đền thờ Lê Lai trên đất Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) vào năm Thái Hòa thứ 7 triều vua Lê Nhân Tông (1450). Năm 2013, ngôi đền gỗ 2 tầng bị cháy, sau đó được phục dựng lại trên nền cũ và khánh thành đền mới vào năm 2017.
Hiện đền Lê Lai nằm trên sườn đồi phía trước là hồ sen thơm ngát, xa xa là cánh đồng dài bất tận tạo nên với vị trí đẹp mà theo thuyết phong thủy là đất tụ linh, tụ phúc, hổ chầu, long tụ. Đền thờ Trung Túc vương Lê Lai là nơi tưởng nhớ vị tướng tài đã có công lao to lớn với nhân dân và triều đình được sử sách ghi nhận, nhân dân tôn kính
Theo: Lam Sơn thực lục