Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
HAI BÀ TRƯNG - HAI BẬC NỮ DANH TƯỚNG ĐẦU TIÊN CÓ CÔNG GIƯƠNG CAO NGỌN CỜ CHỐNG CHỦ NGHĨA BÀNH TRƯỚNG ĐẠI HÁN
"Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nối áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành"
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
1. GỐC TÍCH HAI BÀ TRƯNG TRONG GHI CHÉP CỦA THƯ TỊCH CỔ
Thư tịch cổ nhất của nước ta có chép chuyện Hai Bà Trưng là bộ Đại Việt sử lược. Sách này cho hay: "Trưng Trắc người huyện Mê Linh, con gái của quan Lạc tướng vùng này. Trưng Trắc lấy chồng người huyện Chu Diên, tên là Thi Sách. Người vợ tính rất hùng dũng, (Thi Sách) làm việc có sai phạm nên bị Thái thú Tô Định dùng pháp luật để trừng trị. Trưng Trắc giận quá, bèn cùng với em gái là Trưng Nhị khởi binh ở Phong Châu, đánh phá các quận huyện. Dân ở hai quận Cửu Chân và Nhật Nam đều hưởng ứng cả. Bà chiếm được 65 thành ở ngoài phía Nam của nhà Hán rồi tự lập làm Vua, đóng đô ở huyện Mê Linh".
Thư tịch cổ thứ hai của nước ta có chép chuyện Hai Bà Trưng là bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê biên soạn. Sách này có mấy đoạn rất đáng chú ý :
"Năm Kỷ Hợi, đời Hán Quang Vũ Lưu Tú (người khai sáng ra nhà Hậu Hán (tức Đông Hán: 25-220), ở ngôi 32 năm (25-57), mất năm 57, hưởng thọ 63 tuổi (06 TCN-57). Trong thời gian ở ngôi, Hán Quang Vũ sử dụng 2 niên hiệu là Kiến Vũ (25-56) và Kiến Vũ Trung Nguyên (56-57)), niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 15,Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định, chính sự tàn tạo và tham lam, Trưng Nữ Vương liền dấy binh để đánh (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỉ, quyển 3, tờ 1-b). ).
"(Vua) tên huý là Trắc, họ Trưng, nguyên họ Lạc, con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (Phong Châu), vợ của Thi Sách ở huyện Chu Diên. Thi Sách cũng là con Lạc tướng. Con hai nhà Lạc tướng kết hôn với nhau".
"Mùa xuân, tháng 2 (năm Canh Tý 40 - NKT), Vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù Tô Định giết chồng mình, mới cùng với em gái là Nhị nổi binh đánh hãm trị sở các châu. (Tô) Định chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng. (Trưng Trắc) lấy được 65 thành rồi tự lập làm Vua, xưng là họ Trưng".
Từ hai thư tịch cổ nói trên, chúng ta có thể rút ra được mấy vấn đề chung nhất và nổi bật nhất vế lý lịch cuộc đời của Hai Bà Trưng như sau:
- Hai Bà người họ Trưng mà nguyên lại là họ Lạc.
- Quê quán: huyện Mê Linh.
- Thành phần gia đình: cha là Lạc tướng của huyện Mê Linh.
- Trưng Trắc là vợ của Thi Sách mà Thi Sách là con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên.
- Thái thú Tô Định tham lam và tàn bạo, giết chết Thi Sách nên Trưng Trắc cùng với Trưng Nhị khởi binh đánh cho đại bại. Hai Bà giành được thắng lợi, chiếm 65 thành rồi xưng Vương.
Đọc các thư tịch cổ viết về Hai Bà Trưng, cảm giác đầu tiên thường có ở hầu hết mọi người là: chừng như tất cả chỉ mới dừng lại ở mức độ sơ bộ nhắc nhở về những sự kiện gắn liền với Hai Bà Trưng chứ chưa đủ để làm thoả mãn ý nguyện hiểu biết của hậu thế về hai nhân vật lịch sử kiệt xuất này. Sự bất nhất và sự giản lược của thư tịch cổ khiến cho người đọc lấy làm tiếc. Không còn cách nào khác, phương pháp phổ biến của giới sử học hiện đại vẫn là kết hợp chặt chẽ giữa việc phân tích và xử lý thư tịch cổ với việc tổ chức khảo sát trên một bình diện ngày càng rộng để tìm kiếm thêm các tài liệu có liên quan đến Hai Bà Trưng. Hai nguồn tài liệu mới hơn được các nhà sử học đặc biệt chú ý, đó là các tờ thần tích và truyền thuyết dân gian.
2. GIẢI MÃ MỘT CÁCH ĐẶT TÊN
Tất cả thư tịch cổ đều khẳng định rằng Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em người họ Trưng (mà họ Trưng lại nguyên là họ Lạc), nhưng trong thực tế thì cả họ Trưng và họ Lạc đều không có ở nước ta. Vả chăng, vào những năm đầu Công nguyên thì hầu như toàn bộ xã hội người Việt đều chỉ mới có tên chứ chưa có họ (Có thuyết nói rằng, thân mẫu của Hai Bà Trưng là Trần Thị Đoan, nhưng, sức thuyết phục của thuyết này rất thấp. Chúng tôi cho rằng đó chỉ là sự tự ý thêm thắt của người đời sau). Như vậy vấn đề quan trọng còn lại có lẽ chỉ là tìm cách giải mã ý nghĩa tên gọi của Hai Bà Trưng.
Theo chúng tôi, việc giải mã này chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta trở lại với đất quê hương của Hai Bà. Như trên đã nói, Hai Bà là con gái của Lạc tướng Mê Linh (Chữ Mê trong tên quê hương của Hai Bà cũng đọc là Mi. Bởi lẽ này, nhiều người phiên âm là Mi Linh. Tuy nhiên, cách phiên âm phổ biến nhất xưa nay vẫn là Mê Linh). Đất Mê Linh nguyên thuộc bộ Văn Lang (một trong 15 bộ hợp thành của nhà nước Văn Lang, gồm: Văn Lang, Giao Chỉ, Tân Hưng, Dương Tuyền, Vũ Định, Vũ Ninh, Chu Diên, Phúc Lộc, Ninh Hải, Lục Hải, Cửu Chân, Hoài Hoan, Cửu Đức, Việt Thường và Bình Văn), vào thời Tây Hán (206 TCN-08), đổi gọi là Phong Châu, thời Hậu Hán (25-220), là 1 trong số 12 huyện (Theo Phạm Việp (Trung Quốc) trong Hậu Hán Thư (Quận quốc chí) thì 12 huyện thuộc quận Giao Chỉ gồm: Long Biên, Luy Lâu, An Định, Câu Lậu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đới, Kê Từ, Tây Vu, Chu Diên, Phong Khê và Vọng Hải) của quận Giao Chỉ. Thời thuộc Ngô (220-280), đất Mê Linh thuộc quận Tân Hưng. Đến thời Tấn (280-420) thì Tân Hưng đổi thành Tân Xương và Mê Linh là một trong số 6 huyện (Theo Phòng Kiều (Trung Quốc) trong Tấn Thư thì 6 huyện của quận Tân Xương (mới lập) gồm: Mê Linh, Gia Ninh, Ngô Định, Lâm Tây, Tây Đạo và Phong Sơn) của quận Tân Xương mới lập. Dưới thời Tuỳ (602-618), đất Vạn Xuân (quốc hiệu do Lý Nam Đế đặt ra từ năm 544) cộng với một phần lãnh thổ thuộc vương quốc của người Chăm được chia lại thành 6 quận (Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Tị Ảnh, Hải Âm và Lâm Ấp), Mê Linh thuộc quận Giao Chỉ. Năm 679, khi chính quyền đô hộ của nhà Đường tiến hành chia đặt lại các đơn vị hành chính, đất Mê Linh thuộc Phong Châu (1 trong số 12 châu ở vùng đồng bằng và trung du của An Nam Đô hộ phủ. 12 châu đó gồm: Giao Châu, Trường Châu, Phong Châu, Ái Châu, Diễn Châu, Phúc Lộc Châu, Hoan Châu, Lục Châu, Vũ An Châu, Vũ Nga Châu, Thang Châu và Chi Châu). Dưới thời Đinh (968-980), thời Tiền Lê (980-1009) và thời Lý (1010-1225), đất Mê Linh một phần thuộc về Phong Châu và một phần thuộc Quốc Oai Châu. Sang thời Trần (1226-1400), đất Mê Linh thuộc Lộ Quốc Oai (rồi Trấn Quốc Oai). Thời Hậu Lê, Mê Linh thuộc Thừa Tuyên Sơn Tây. Dưới thời nhà Nguyễn, đất Mê Linh thuộc tỉnh Sơn Tây. Tỉnh này có 5 phủ và 1 phân phủ (5 phủ của tỉnh Sơn Tây là: Quảng Oai, Quốc Oai, Vĩnh Tường, Lâm Thao và Đoan Hùng. 1 phân phủ là phân phủ Vĩnh Tường). Mê Linh thuộc phân phủ Vĩnh Tường. Bấy giờ, phân phủ Vĩnh Tường quản lĩnh 2 huyện Yên Lãng và Yên Lạc. Đất Mê Linh chủ yếu thuộc huyện Yên Lãng.
Đất Mê Linh nay tương ứng với cả một khu vực lãnh thổ rộng lớn. kéo dài từ Ba Vì đến Tam Đảo, tức là vùng tiếp giáp giữa Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Đây là nơi phát tích của một loạt những nền văn hoá khảo cổ học từ đầu thời đại đồ đá cũ. đến cuối thời đại đồ đồng. Đây cũng là đất dựng nghiệp của Hùng vương và cũng là trung tâm chính trị của nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của lịch sử nước nhà. Về kinh tế, Mê Linh được coi là đất tổ của nghề trồng dâu nuôi tằm.
Thực ra, ngay từ sơ kì của thời đồ đá mới (Với nền văn hoá tiêu biểu là Bắc Sơn, nay thuộc tỉnh Lạng Sơn), cư dân tiền sử trên đất nước ta đã biết tới kỹ thuật đan lát với trình độ khá cao. Đến trung kỳ của thời đồ đá mới (Với nền văn hoá tiêu hiểu là Bàu Tró, nay thuộc tỉnh Quảng Bình), nghề dệt đã xuất hiện. Tất nhiên, sợi dệt lúc đầu được khai thác chủ yếu từ vỏ cây. Sang thời sơ sử, nghề trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa được khai sinh mà người được tôn làm tổ sư của nghề này chính là Thiều Hoa - một trong những người con gái của Hùng Vương.
Truyền thuyết dân gian kể rằng: "Công chúa Thiều Hoa là người rất xinh đẹp, lại có biệt tài hiểu được và nói chuyện được với muôn loài. Ngày nào cô vào rừng chơi là ngày đó muôn loài lại nô nức chào đón. Chim hót cho cô nghe, bướm bay lượn khoe màu cho cô vui mắt. Một ngày nọ, nhân ngày hội của các loài bướm, Công chúa Thiều Hoa vào rừng. Hôm đó, Thiều Hoa bỗng thấy loài bướm nâu xấu xí chỉ lặng lẽ đậu trên cành cây quan sát chứ không hề bay lượn như những loài bướm khác. Nghe Công chúa Thiều Hoa hỏi, bướm nâu bèn trả lời rằng :
- Em không thích bay lượn. Không giống như tất cả những loài bướm khác, em đẻ trứng rồi trứng ấy nở thành sâu chứ chẳng nở thành bướm. Sâu ấy chỉ ăn lá dâu chớ không hề phá hoại mùa màng. Ăn lá dâu rồi sẽ nhả ra những sợi óng ánh rất đẹp...
Bướm nâu vừa kể vừa bay dẫn đường cho Thiều Hoa Công chúa đến một nơi có rất nhiều cây dâu. Ở đó, cô say mê ngắm những sợi nhỏ óng ánh được những con sâu cuốn lại thành từng cuốn, treo khắp cả rừng dâu. Và cô thận trọng gỡ từng sợi mỏng mảnh ấy ra, đan thành vải rồi đem may thành áo, khiến cho bất cứ ai trông thấy cũng phải ưa. Từ đấy, Thiều Hoa Công chúa đặt tên cho loài bướm nâu ấy là bướm ngài, trứng do bướm ngài đẻ ra thì gọi là trứng ngài, loài sâu nở ra từ trứng ngài thì gọi là tằm và những sợi óng ánh do tằm nhả ra thì gọi là sợi tơ. Vải dệt từ sợi tơ thì gọi là lụa. Để có thật nhiều lụa, Thiều Hoa Công chúa bèn tâu xin cha là Hùng Vương cho di dân đến bãi đất ven sông Hồng để làm nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Chính cô là người đã lập ra làng lụa Cổ Đô lừng danh (Làng Cổ Đô xưa nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).
Thật ra, trong kho tàng truyền thuyết dân gian, Thiều Hoa Công chúa không phải là người duy nhất mà chỉ là một trong số không ít những người được tôn làm tổ sư của nghề dệt, nhưng, điều đáng nói là phần lớn những bậc được tôn làm tổ sư của nghề dệt đều là người Mê Linh hoặc là người quê ở vùng kế cận đất Mê Linh. Nói khác hơn, quê hương Hai Bà Trưng cũng chính là quê hương của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Ở đó, loại trứng ngài nào tốt thì được gọi là trứng chắc, loại nào kém hơn thì được gọi là trứng nhì. Tương tự như vậy, tổ kén nào tốt thì gọi là kén chắc, tổ nào kém hơn thì được gọi là kén nhì. Thuở xưa, khi mà chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện để thấm sâu vào nhận thức của xã hội thì xu hướng chung của cách đặt tên người là rất giản dị và mộc mạc, thể hiện rất rõ sự gắn bó thiết tha với cuộc sống đời thường. Từ thực tế sinh động của xu hướng đặt tên chung này, chúng ta có thể suy luận rằng, Hai Bà Trưng chẳng những thuộc lớp người hoàn toàn chưa có họ mà ngay cả tên gọi cũng mang âm hưởng rất thân quen của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt luạ (Theo thần tích làng Lâu Thượng, nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thì gia đình Hai Bà Trưng chuyên làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa. Ở đó, tổ kén tốt thì gọi là kén chắc, kén kém hơn gọi là kén nhì, loại trứng ngài nào tốt thì được gọi là trứng chắc, loại nào kém hơn thì được gọi là trứng nhì... Vì lẽ này, cha mẹ đặt tên cho Hai Bà là Chắc và Nhì. Theo thần tích làng Hạ Lôi thì Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi). Những chữ trứng chắc và trứng nhì vốn để chỉ hai loại cao thấp khác nhau của trứng ngài, có lẽ đã được dùng làm tên cho hai chị em hơn kém nhau về tuổi tác. Sau này, tên gọi của Hai Bà được phiên âm Hán-Việt thành Trưng Trắc và Trưng Nhị. Như trên đã nói, xu hướng đặt tên người theo cách này còn tiếp tục được duy trì rất lâu dài ở những vùng chữ Hán chưa có điều kiện để thấm sâu vào nhận thức của xã hội. Khảo sát cách đặt tên người ở một số địa phương, chúng tôi còn thấy khá rõ dấu ấn của điều này. Ví dụ:
- Cha mẹ làm ruộng thì thường đặt tên con là: Trần Văn Cày, Trần Văn Bừa, Trần Thị Liềm, Trần Thị Hái...
- Cha mẹ làm nghề thợ mộc thì thường đặt tên con là: Lê Văn Dùi, Lê Văn Đục, Lê Thị Bào, Lê Thị Cưa...
- Cha mẹ làm nghề thợ rèn thì thường đặt tên con là: Ngô Văn Bễ, Ngô Văn Đe, Ngô Thị Lò, Ngô Thị Than...
Tóm lại, Trưng Trắc và Trưng Nhị không phải là họ và tên như suy đoán của sử cũ, Hai Bà Trưng cũng không phải nguyên là người họ Lạc như một số thư tịch cổ đã ghi. Thời của Hai Bà là thời dân ta chưa có họ. Ngay ở Trung Quốc, đến cả các bậc Thiên tử cũng chỉ mới thấy thư tịch cổ của Trung Quốc chép đầy đủ cả họ và tên từ thời nhà Chu. Tuy nhiên, hiện tượng này chưa phải là đã thật sự phổ biến: Sau đó, ngay cả hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thuỷ Hoàng cũng chưa hề có họ theo đúng nghĩa của từ này (Cha của Tần Thủy Hoàng là Tử Sở, vì từng phải làm con tin ở nước Triệu nên lấy họ Triệu chứ thực ra thì không phải là người họ Triệu).
Các dòng họ trong lịch sử nước ta xuất hiện muộn hơn ở Trung Quốc và trong bối cảnh chung đó, những nhân vật sống ở đầu Công nguyên như Trưng Trắc và Trưng Nhị, nếu chưa có họ thì cũng là lẽ tự nhiên. Một loạt các tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, những người đã từng sát cánh chiến đấu đầy hiệu quả với Hai Bà và đã lập nên công trạng lớn như: Ả Di, Ả Tắc, Thánh Thiên, Bát Nàn, Cư Ông, Đô Dương, Ích Xương, Ông Trọng... cũng đều là những người hoàn toàn chưa có họ.
3. QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG TRANG LÝ LỊCH ĐẦU TIÊN
Tác phẩm sử học cổ nhất của nước ta hiện còn lưu giữ được là Đại Việt sử lược viết: "Trưng Trắc người huyện Mê Linh". Bộ Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: "Trưng Trắc là con của Lạc tướng huyện Mê Linh". Và bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết tương tự... Nói cách khác, các thư tịch cổ đều ghi rõ quê quán của Hai Bà Trưng là huyện Mê Linh. Như đã trình bày ở trên, đất Mê Linh xưa rất rộng lớn, vậy, sinh quán cụ thể của Hai Bà là vùng nào? Về vấn đề này, kết quả của các cuộc khảo sát thực tế đã cung cấp cho chúng ta những chi tiết mang tính bổ sung rất đáng chú ý, theo đó thì quê nội của Hai Bà là làng Hạ Lôi còn quê ngoại của Hai Bà là làng Nam Nguyễn.
Hạ Lôi nguyên xưa là một làng của huyện Yên Lãng, thuộc phân phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây. Sau năm 1975, có lúc làng này thuộc huyện Mê Linh (Hà Nội), nay làng Hạ Lôi thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Hạ Lôi là một trong những làng có truyền thống trồng dâu, nuôi tằm và dệt lụa rất lâu đời. Thân sinh của Hai Bà từng là Lạc tướng của huyện Mê Linh. Bấy giờ, hầu như tất cả các Lạc tướng đều xuất thân từ đội ngũ quý tộc bộ lạc cũ và thân sinh của Hai Bà cũng là hậu duệ của đội ngũ này. Nhìn chung thì trong thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, tuy đã hoàn toàn xoá bỏ được guồng máy nhà nước của Âu Lạc, nhưng chúng vẫn chưa thể nào chi phối được tất cả các hoạt động của tổ chức xã hội cơ sở. Trong bối cảnh đó, dư âm quyền lực của đội ngũ quý tộc cũ vẫn còn rất cao, và do vậy, ngoài uy tín cá nhân lớn lao của chính mình, Hai Bà Trưng còn may mắn được thừa hưởng uy tín của cha. Tuy qua đời sớm nhưng bản lĩnh và khí khái của Lạc tướng Mê Linh vẫn có ảnh hưởng rất sâu sắc đối với con gái mình.
Làng Nam Nguyễn nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Nội. Truyền thuyết dân gian và các tờ thần tích ở đây đều khẳng định rằng, làng Nam Nguyễn là quê ngoại của Hai Bà Trưng. Làng Nam Nguyễn có Miếu Mèn là nơi thờ bà Man Thiện - thân nẫu của Hai Bà (Hai chữ Man Thiện có lẽ cũng không phải tên gọi mà chỉ là một vinh hiệu, nghĩa là người man di tốt. Đời sau vì kính phục mà gọi thế chăng?), có Mả Dạ (hay Mộ Dạ) tương truyền là mộ của bà Man Thiện. Trong tiếng Việt cổ, Dạ là từ dùng để chỉ người phụ nữ lớn tuổi mà được kính trọng, trái nghĩa với Ẩu là từ dùng để chỉ người phụ nữ trẻ tuổi mà bị coi thường. Ở huyện Ba Vì, ngoài Miếu Mèn và Mả Dạ thì đình làng Nam Nguyễn cũng là nơi kính thờ bà Man Thiện cùng Hai Bà Trưng và một số tướng lĩnh của Hai Bà. Hạ Lôi và Nam Nguyễn ngày nay là 2 làng thuộc 2 tỉnh khác nhau, nhưng khoảng cách 2 làng lại không xa lắm. Xưa Hạ Lôi và Nam Nguyễn đều thuộc Phong Châu , nay đều thuộc Hà Nội. Như trên đã nói, thân sinh Hai Bà Trưng là hậu duệ của một trong những quý tộc bộ lạc cũ. Từ khi đô hộ và nuôi mưu toan biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc, nhà Hán đã đặt các chức như huyện lệnh hoặc huyện thừa và trao chức này cho không ít quý tộc bộ lạc cũ. Tuy nhiên, dân đương thời vẫn thường gọi theo chức danh mang đậm dấu ấn tình cảm sâu sắc là Lạc tướng. Từ thực tế này, chúng ta có thể suy luận rằng, thân sinh của Hai Bà Trưng có lẽ nguyên là huyện lệnh (hoặc huyện thừa) của huyện Mê Linh nhưng vì giàu công đức nên được dân yêu quý gọi là Lạc tướng.
Cũng theo các truyền thuyết dân gian và khá nhiều tờ thần tích thì thân mẫu của Hai Bà Trưng là cháu chắt nhiều đời bên ngoại của Hùng Vương. Lúc bấy giờ, chế độ phụ quyền và gia đình phụ hệ tuy đã được thiết lập và khẳng định một cách chắc chắn từ khá lâu trước đó, nhưng ảnh hưởng của dòng họ ngoại (nhất là dòng họ ngoại thuộc hàng giàu quyền thế và ảnh hưởng xã hội rộng lớn như dòng Hùng Vương) vẫn còn rất mạnh mẽ. Nguồn gốc xuất thân đó đủ để thân mẫu của Hai Bà Trưng được dân đương thời bày tỏ sự kính trọng. Và hơn thế nữa, điều đáng nói là bà Man Thiện đã nuôi dạy hai người con gái của mình theo những tiêu chí đánh giá đại đạo làm người rất đặc biệt. Nhờ sự nuôi dạy của người mẹ khả kính ấy, những tố chất anh hùng đã liên tục được nhen nhúm trong tình cảm cũng như nhận thức của Hai Bà Trưng: thiết tha yêu nước và thương nòi, sục sôi lòng căm thù giặc, bừng bừng tinh thần thượng võ và ý thức nuôi chí cả để tập hợp bốn phương thiên hạ vùng dậy cứu nước và cứu dân (Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây trước đây có chuyện Đỗ Năng Tế, theo đó thì Đỗ Năng Tế người ở vùng nay thuộc huyện Quốc Oai, khoẻ mạnh, nhiều cơ mưu và đặc biệt là rất giỏi võ nghệ. Bà Man Thiện đã mời Đỗ Năng Tế về dạy cho hai người con gái của mình. Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Khắc Thuấn thì việc bà Man Thiện mời thầy dạy võ nghệ cho con là điều rất phù hợp với tất cả các truyền thuyết khác, nhưng nhân vật có đầy đủ họ và tên là Đỗ Năng Tế thì ắt hẳn là do người đời sau thêm vào cho dễ nghe chứ thời Hai Bà Trưng, dân ta chưa có họ). Các bộ chính sử của Trung Quốc cũng đã phải thừa nhận thực tế này. Hai Bà Trưng được thư tịch cổ của Trung Quốc mô tả là "rất hùng dũng", "can đảm và dũng lược" (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán). Ở chừng mực nhất định, chúng ta cũng có thể nói rằng, chính thân mẫu của Hai Bà Trưng là linh hồn đầu tiên của quá trình chuẩn bị khởi nghĩa. Biệt danh Man Thiện tuy rất giản dị nhưng cũng đủ để hàm chứa thái độ thực sự cảm phục và trân trọng của hậu thế đối với Bà. Hiện chưa rõ Trưng Trắc và Trưng Nhị sinh vào năm nào, nhưng căn cứ vào những sự kiện lớn trong cuộc đời của Hai Bà, chúng ta có thể ước đoán Hai Bà sinh vào khoảng cuối thời nhà Tân (Nhà Tân do Vương Mãng lập ra năm 08 và tồn tại trước sau tổng cộng 17 năm (08-25), truyền nối được 2 đời. Trong suốt thời gian tồn tại, nhà Tân đã thay nhà Tiền Hán để đô hộ nước ta). Trước khi dựng cờ khởi nghĩa (năm 40), Trưng Trắc đã kết hôn. Chồng của Trưng Trắc tên là Thi Sách (Hầu hết thư tịch cổ của ta và Trung Quốc đều chép tên chồng của Trưng Trắc là Thi Sách, duy chỉ có Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) trong Thủy Kinh Chú (Quốc học Cơ bản Tùng thư, Thương Vụ Ấn Thư Quán) chép là Thi. Tờ 62, quyển 37 của Thủy Kinh Chú viết rằng: Chu Diên Lạc tướng tử danh Thi, sách Mê Linh Lạc tướng nữ danh Trưng Trắc vi thê. Câu này chỉ có thể dịch là 'con trai của Lạc Tướng Chu Diên tên là Thi hỏi cưới con gái của Lạc Tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ'. Chữ sách ở đây phải dịch là hỏi cưới, không thể dịch thành tên là (Thi) Sách. Tuy nhiên trong sách này, chúng tôi vẫn theo cách gọi quen thuộc và phổ biến vốn có từ muôn đời nay mà chép tên chồng của Trưng Trắc là Thi Sách), con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên. Vào đầu thời Hậu Hán, địa giới của huyện Chu Diên là vùng ngày nay đại để tương ứng với khu vực kéo dài từ huyện Đan Phượng của Hà Nội về đến huyện Từ Liêm của Hà Nội. Như vậy, đất đai của huyện Chu Diên tiếp giáp với đất đai của huyện Mê Linh. Đây là 2 huyện lớn, nằm án ngữ ngay ở khu vực trung tâm lại có dân cư đông đúc và kinh tế rất phát đạt, do vậy, cuộc hôn nhân của hai gia đình Lạc tướng Chu Diên và Mê Linh dẫn đến sự liên kết tự nhiên, nhưng cũng rất chặt chẽ giữa 2 huyện có tiềm lực mạnh mẽ này đã khiến cho chính quyền đô hộ của nhà Hậu Hán đương thời dù đang hồi cường thịnh nhất vẫn luôn cảm thấy thật sự lo sợ. Đây vừa là thuận lợi rất to lớn lại cũng vừa là khó khăn rất nặng nề đối với Hai Bà Trưng trong sự nghiệp phát động nhân dân khắp cõi vùng lên khuấy nước chọc trời. Thuận lợi vì nhân dân (mà trước hết là nhân dân 2 huyện Chu Diên và Mê Linh) sẵn sàng đồng lòng ủng hộ Hai Bà, nhưng khó khăn là vì quân đô hộ thừa biết diễn tiến tất yếu của mọi việc nên nhất định sẽ chủ động đối phó.
4. DỰNG CỜ XƯỚNG NGHĨA
Một trong những nhân vật lừng danh của lịch sử Trung Quốc là Hán Quang Vũ. Hán Quang Vũ tên thật là Lưu Tú, cháu 9 đời của Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ, người sáng lập ra nhà Tiền Hán vào năm 206 TCN). Lưu Tú sinh năm 06 TCN, lật đổ nhà Tân và khai sinh ra nhà Hậu Hán (tức Đông Hán) vào năm 25, ở ngôi hoàng đế 32 năm (25-57), mất năm 57, hưởng thọ 63 tuổi. Thời Hán Quang Vũ, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với bốn phương rất rộng lớn và mạnh mẽ. Bởi lẽ này, sử sách của Trung Quốc đã không ngớt lời ca ngợi Hán Quang Vũ. Dựa vào uy thế đó, bọn quan lại đô hộ ở Âu Lạc đã ra sức tìm đủ mọi cách để vơ vét tài nguyên và của cải. Nổi bật nhất trong số những tên đô hộ tham tàn chính là Tô Định (Thái thú Giao Chỉ từ năm 34, tức là 9 năm sau khi nhà Hậu Hán được dựng lên).
Theo ghi chép của Đông quan Hán ký thì Thái thú Tô Định là tên rất khắc nghiệt, luôn mượn cớ nghiêm giữ phép nước để tìm cách hà hiếp dân lành và hễ "thấy tiền là giương mắt lên, thấy địch thì cụp mắt xuống" (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán). Lo sợ trước cuộc hôn nhân rất dễ có khả năng dẫn đến sự liên kết chặt chẽ giữa Chu Diên và Mê Linh, Tô Định đã giết chết Thi Sách và hy vọng là với đòn phủ đầu ấy, chính quyền đô hộ có thể nhanh chóng triệt tiêu hoàn toàn mầm mống của sự phản kháng nhất định sẽ bùng lên ở vùng đất trung tâm vốn có tiềm lực rất mạnh mẽ này (Về nhân vật Thi Sách, Thủy Kinh Chú của Lịch Đào Nguyên (Trung Quốc) viết rằng, chính Thi Sách đã cùng với Hai Bà Trưng khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Hậu Hán. Tuy nhiên, phần lớn các thư tịch cổ (của ta và của Trung Quốc), đặc biệt là hàng loạt những truyền thuyết dân gian đều khẳng định rằng, Tô Định đã giết Thi Sách trước khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa). Nhưng Tô Định và quân đô hộ nhà Hậu Hán đã nhầm. Bà Man Thiện đã cùng con gấp rút chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa lớn. Quyết tâm của bà Man Thiện và của Hai Bà Trưng đã lập tức nhận được sự cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ của cả xã hội. Từ đất Mê Linh, một cơn bão lửa quật khởi đã nhanh chóng hình thành. Dân bốn phương nườm nượp kéo về Mê Linh để cùng tề tựu dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây trước đây và một số bộ dã sử cho hay rằng, trước khi quả cảm phất cờ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã long trọng tổ chức một cuộc hội thề rất lớn.tại vùng Hát Môn (cửa sông Hát, nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Theo Thiên Nam ngữ lục thì trước ba quân tướng sĩ, Hai Bà đã tuyên thệ quyết tâm thực hiện cho bằng được 4 mục tiêu:
Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này.
Về cuộc hội thi tổ chức tại đất Hát Môn, Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1725-1780) (người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội, đỗ Hoàng giáp năm 1766, làm quan được trải phong dần tới chức Đốc đồng, thân sinh của Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Sĩ là tác giả của một loạt tác phẩm rất có giá trị như: Đại Việt Sử ký Tiền biên, Việt sử tiêu án, Ngọ Phong văn tập, Anh Ngôn thi tập, Nghệ An thi tập, Hải Đông chí lược...) viết rằng:
"Khi (Trưng) Trắc ra quân, dù chưa hết tang chồng nhưng Bà vẫn ăn mặc đẹp, các tướng hỏi, Bà bèn nói rằng:
- Việc binh phải tòng quyền, nếu cứ giữ lễ làm cho dung nhan xấu xí thì có khác gì là làm giảm nhuệ khí, cho nên, ta mặc đẹp như vậy để làm cho thế quân hùng tráng. Vả chăng, lũ giặc kia trông thấy, lòng sẽ không yên nên sẽ nhụt bớt chí khí chiến đấu, như thế thì ta sẽ thêm phần dễ thắng.
Mọi người nghe vậy đều vái tạ mà nói là họ không thể nào nghĩ kịp cách nghĩ của Bà" (Việt sử tiêu án - Trưng Nữ Vương).
Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa
Tháng 2 năm 40, tức là ngay sau cuộc hội thề ở Hát Môn. Hai Bà đã hạ lệnh xuất quân. Lực lượng ban đầu tuy chưa thực sự hùng hậu, nhưng khí thế và quyết tâm chiến đấu thì sục sôi bừng bừng. Mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu lớn nhất của nghĩa quân là tấn công vào trị sở của tên Thái thú Tô Định. Từ quê hương Mê Linh của mình, Hai Bà Trưng thúc quân ào ạt tiến thẳng về Long Biên, đi tới đâu nghĩa quân nhanh chóng đè bẹp sự phản kháng của lực lượng quân đô hộ tới đó, thế quân như thác đổ, không cách gì có thể ngăn cản được. Một khí thế đánh giặc cứu nước đã bừng bừng khắp nơi :
Ngàn Tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Từ bất ngờ đến khiếp đảm. Tô Định đã phải hốt hoảng bỏ cả trị sở mà cao chạy xa bay. Một số truyền thuyết dân gian còn kể rằng: "Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, vất bỏ ấn tín mà chạy" (Bấy giờ, một trong những tục lệ phổ biến của người Việt là cạo tóc cho nên Tô Định phải bắt chước làm theo như thế cho dễ chạy trốn).
Chính sử của Trung Quốc cũng đã phải buộc thừa nhận thực tế thảm hại này: "Năm Kiến Vũ thứ 16 (tức là năm 40 - NKT), người con gái ở Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái là Trưng Nhị làm phản, đánh phá sở trị các quận. Trưng Trắc là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh, người rất hùng dũng, vợ của Thi sách ở huyện Chu Diên. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trưng Trắc phẫn nộ, vì thế mà làm phản. Người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều nhất tề hưởng ứng. (Trưng Trắc) gồm chiếm được 65 thành rồi tự lập làm Vua. Thứ sử và thái thú Giao Chỉ chỉ còn giữ được mạng sống của mình mà thôi" (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán).
Các bộ chính sử của ta xưa cũng đã dành những lời rất trang trọng để chép về cuộc chiến đấu của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên và các sử thần thời Lê viết: "Tháng hai, mùa xuân năm Canh Tý, niên hiệu Kiến Vũ năm thứ 16 (tức năm 40 - NKT), Vua khổ vì Thái thú Tô Định dùng pháp luật trói buộc, lại thù (Tô) Định giết chồng mình, bèn cùng với em là (Trưng) Nhị nổi binh đánh hãm các trị sở của châu. (Tô) Định phải tháo chạy về nước. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự lập làm Vua" (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 3, tờ 2 a-b).
Quốc Sử Quán triều Nguyễn viết: "Lúc bấy giờ Thái Thú Tô Định cai trị tham lam và tàn bạo; giết mất chồng Bà. Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm vào các châu lỵ. Tô Định phải bỏ chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu như gió lướt đến đấy. Các tộc người Man, người Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đầu nhất tề hưởng ứng. Bà lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở Lĩnh Nam, tự xưng làm Vua, đóng đô ở Mê Linh. Các thứ sử và thái thú ở Giao Chỉ đều chỉ bảo toàn được thân mình thôi" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 2, tờ 10. Tất cả thư tịch cổ của ta đều nói Hai Bà Trưng chiếm được 65 thành. Tuy nhiên, theo ghi chép của Hậu Hán Thư và một số thư tịch cổ thì bấy giờ mỗi huyện có một thành. Ở Nam Việt và Âu Lạc có tất cả 7 quận với 56 huyện thành cụ thể như sau: Giao Chỉ - 12 thành; Cửu Chân - 5 thành; Nhật Nam - 5 thành; Hợp Phố - 5 thành; Nam Hải - 7 thành; Thương Ngô - 11 thành; Uất Lâm - 11 thành. Như vậy, con số 65 thành chắc là có sự nhầm lẫn nào dó. Tuy nhiên, điều đáng nói nhất không phải là Hai Bà Trưng đã giành lại được bao nhiêu thành mà là ở chỗ nhân dân toàn cõi đã nhất tề đứng về phía Hai Bà).
Bấy giờ, không phải chỉ có quan quân đô hộ của nhà Hậu Hán mà ngay cả triều đình nhà Hậu Hán cũng phải hoảng hốt, bị động và lúng túng. Mãi đến hơn 2 năm trời sau thắng lợi vang dội của Hai Bà Trưng, triều đình Hán Quang Vũ mới đủ bình tĩnh để chuẩn bị kế hoạch xua quân sang đàn áp. Đúng như các sử gia xưa đã nói, nếu như nhờ chí cả và sự ủng hộ của nhân dân khắp cõi, nhờ sự phân tích sắc bén và quyết đoán thật chính xác. Hai Bà Trưng "dựng nước dễ như trở bàn tay", thì ngược lại, nhà Hậu Hán đã đi từ chỗ bất ngờ đến bất lực, hoàn toàn chịu bó tay trong một thời gian dài. Đó chính là cơ hội cực kì thuận lợi để Hai Bà Trưng có thể xưng Vương và nhanh chóng xây dựng một chính quyền độc lập và tự chủ.
5. BA NĂM GÁNH VÁC SƠN HÀ
Ngay sau khi đập tan toàn bộ guồng máy chính quyền đô hộ của nhà Hậu Hán, Trưng Trắc đã xưng Vương, sử gọi thời trị vì của Bà là thời Trưng Nữ Vương (Truyền thuyết dân gian nói rằng, cả hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị cùng xưng Vương, nhưng tất cả các thư tịch cổ đều nói chỉ có Trưng Trắc xưng Vương). Như vậy, sau Thục Phán thì Trưng Trắc là nhân vật thứ hai của lịch sử nước ta đã chính thức (Cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác, chúng tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, chữ Vương trong Hùng Vương thực ra chỉ là do đời sau tự ý thêm vào. Việc chính thức xưng Vương chỉ bắt đầu có từ Thục Phán (An Dương Vương) mà thôi) xưng Vương. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng mà nói theo cách nói của các tác giả Lịch sử Việt Nam, tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983) thì đây chính là "sự phủ định hiên ngang" đối với mưu đồ của chủ nghĩa đại Hán.
Thư tịch cổ chỉ chép việc Trưng Trắc xưng Vương vào mùa xuân năm Canh Tý (tức là năm 40) mà không hề cho biết gì về vương hiệu cũng như quốc hiệu và niên hiệu. Có lẽ lúc bấy giờ, vấn đề quan trọng hàng đầu vẫn là "lập lại nghiệp xưa họ Hùng", còn như tất cả những gì có liên quan khác thì chưa ai vội nghĩ tới. Về đất đóng đô của Trưng Vương, sử cũ nói rõ là Mê Linh:
"Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta"
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Như trên đã nói, Mê Linh là tên gọi của cả một huyện lớn, kinh đô của Trưng Nữ Vương chỉ có thể được xây dựng trên một phần nhỏ nào đấy của đất huyện Mê Linh. Theo chúng tôi, rất có thể đó chính là làng Hạ Lôi, quê nội của Hai Bà, trị sở cũ của thân sinh Hai Bà là Lạc tướng Mê Linh. Tuy nhiên, ngoài những truyền thuyết mà dân gian còn truyền tụng, đất Mê Linh không còn lưu giữ được dấu tích vật chất nào về kinh đô của Trưng Nữ Vương.
Chính quyền Trưng Nữ Vương có lẽ là chính quyền của đội ngũ các tướng lĩnh - những người từng sát cánh chiến đấu với Hai Bà Trưng và đã lập được nhiều công lao. Không một thư tịch cổ nào cho biết về kết cấu cũng như tên các chức danh cụ thể của guồng máy chính quyền Trưng Nữ Vương, tuy nhiên sự thống nhất trong lời kể của kho tàng truyền thuyết cũng đủ để cho phép chúng ta có thể kết luận rằng, đội ngũ nữ quan (mà nguồn gốc chủ yếu là nữ tướng) chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Trong truyền thuyết dân gian, những nữ quan cao cấp nhất của Hai Bà Trưng thường được gọi là Công chúa (ví dụ như Bát Nàn Công chúa, Thánh Thiên Công chúa, Lê Chân Công chúa...). Cũng có khá nhiều ý kiến cho rằng đó là tước hiệu do Hai Bà Trưng chính thức phong tặng, song điều này chưa có gì để bảo đảm chắc chắn cả. Theo chúng tôi thì có lẽ đấy cũng chỉ là những vinh hiệu do người đời sau vì kính trọng mà thêm vào. Dưới đây là một vài con số về đội ngũ quan lại của chính quyền Trưng Nữ Vương :
- Trong phạm vi ba tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ có đến 75 tướng của Hai Bà Trưng, gồm 56 nam và 19 nữ.
- Theo thống kê của Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Vĩnh Phú (nay tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) thì toàn tỉnh Vĩnh Phú cũ có đến 62 tướng của Hai Bà Trưng, gồm có 30 nam và 32 nữ.
- Riêng tại khu vực nay thuộc Hà Nội cũng đã có tới 25 tướng của Hai Bà Trưng, gồm 18 nam và 7 nữ (Lịch sử Việt Nam, tập 1.-H.: Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1983.-Tr.266).
Một vài thư tịch cổ của Trung Quốc cho biết rằng, chính quyền Trưng Nữ Vương đã thu thuế ở 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân (Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc). Thủy Kinh Chú. Quốc học Cơ bản Tùng thư, Thương Vụ Ấn Thư Quán). Có lẽ quận Nhật Nam do ở quá xa nên việc quản lý của chính quyền Trưng Nữ Vương không được chặt chẽ như tại 2 quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Từ câu ghi chép ngắn gọn này, chúng ta có thể suy đoán rằng khởi nghĩa Hai Bà Trưng tuy giành thắng lợi trên một phạm vi địa lý rất rộng lớn, đại để là tương ứng với đất đai của cả Nam Việt và Âu Lạc cũ, nhưng chính quyền của Trưng Nữ Vương thì gần như chỉ mới quản lý vùng lãnh thổ áng chừng tương ứng với cương vực của Văn Lang - Âu Lạc cũ. Dấu ấn về cố quốc của An Dương Vương và xa hơn nữa là của các Vua Hùng đã in rất sâu trong nhận thức của Hai Bà Trưng, trong nhận thức phổ biến của xã hội đương thời.
Là một chính quyền rất non trẻ, ra đời trong bối cảnh của trình độ phát triển nói chung còn rất thấp kém và đặc biệt là trong tình thế phải thường xuyên sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công đàn áp của nhà Hậu Hán, cống hiến của triều đình Trưng Nữ Vương với ý nghĩa là những chính sách trị nước và những hiệu quả biến đối tích cực cụ thể đối với diện mạo quốc gia thì tất nhiên là còn rất khiêm nhượng. Tuy nhiên, công lao khơi dậy và thổi bùng lên ngọn lửa quật cường của chính quyền Trưng Nữ Vương đối với toàn thể cộng đồng người Việt là ngàn đời bất diệt. Từ ánh sáng của ngọn lửa rất thiêng liêng này, ý thức dân tộc của một bộ phận xã hội đã từng bước được xây dựng và củng cố, để rồi trên cơ sở đó dân tộc mới có thể thực sự hình thành. Khác với khá nhiều khu vực trên thế giới, bởi những quy định rất riêng của hoàn cảnh lịch sử, dân tộc Việt Nam không phải đợi đến thời cận đại mới bắt đầu hình thành, ngược lại đã được khai sinh từ rất sớm, từ ngay trong thời kỳ đầu của lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhìn ở góc độ rất đặc biệt này, cống hiến của chính quyền Trưng Nữ Vương lại có thêm những ý nghĩa khác rất lớn lao. Từ sự nghiệp của Hai Bà Trưng, ý thức dân tộc của ít nhất là một bộ phận xã hội đã bước đầu được nâng cao, nền tảng ra đời của dân tộc dã xuất hiện. Nói theo sách nói của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái thì đấy chính là sự báo phục lại cũng chính là sự bá vương:
"Ba năm gánh vác sơn hà,
Một là báo phục, hai là bá vương"
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
6. KẾT CỤC CỦA MỘT CUỘC ĐỌ SỨC KHÔNG CÂN XỨNG
Mãi đến hơn 2 năm sau ngày đại bại thảm hại của Thái thú Tô Định, triều đình Hán Quang Vũ mới đủ bình tĩnh và quyết tâm để xua quân đi đàn áp. Thực ra thì lúc bấy giờ, nhà Hậu Hán cũng đang gặp phải một số khó khăn, ví dụ:
- Những cuộc nổi dậy liên tiếp của nhân dân Trung Quốc ở Thanh Châu, Từ Châu, U Châu và Ký Châu (nay thuộc 2 tỉnh Sơn Đông và Hà Bắc của Trung Quốc).
- Cuộc khởi binh khá lớn do Lý Quảng cầm đầu ở vùng Hoãn Thành (nay thuộc tỉnh An Huy của Trung Quốc).
- Những cuộc đấu tranh của nông dân Trung Quốc ở Ích Châu (nay thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc).
- Nắm quyền tổng chỉ huy quân Đông Hán là Phục Ba Tướng quân Mã Viện (Mã Viện được Hán Quang Vũ phong làm Phục Ba Tướng quân. Chức vụ quan trọng này trước đó hơn 150 năm (năm 112 TCN) chỉ mới có một người duy nhất được triều đình Hán Vũ Đế (141 TCN-87 TCN) tấn phong là Lộ Bác Đức).
- Đệ nhất phó tướng là Phiêu kỵ Tướng quân Đoàn Chí (kẻ đã cùng với Mã Viện cầm quân đi đàn áp Lý Quảng và giết hại không biết bao nhiêu sinh linh ở Hoãn Thành), trực tiếp trông coi các đơn vị thuỷ binh.
- Đệ nhị phó tướng là Lưu Long (nguyên là Thái thú Nam Quận, vùng Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay) nhưng vì phạm gian dối nên bị bãi chức, đến đây, hắn được ra làm quan. Trước khi xuất quân, Lưu Long được phong làm Trung lang tướng).
Quân sĩ của Trưng Nữ Vương tuy có chính nghĩa và đặc biệt là có tinh thần chiến đấu rất cao, nhưng kinh nghiệm chiến đấu còn rất non kém, tổ chức do chỉ mới là bước đầu nền còn rất sơ sài, trang bị còn quá thô sơ, trình độ võ nghệ cũng còn rất thấp, cho nên năng lực và hiệu quả trận mạc chưa thể sánh với đội quân chính quy đông đảo và thiện chiến của nhà Hậu Hán do Mã Viện cầm đầu. Nói khác hơn, đây là một cuộc đọ sức hoàn toàn không cân xứng.
Từ kinh đô Mê Linh, Trưng Nữ Vương đã hạ lệnh cho đông đảo quân sĩ của mình ồ ạt tiến thẳng về vùng Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) và vùng hồ Lãng Bạc (trước đây, nhiều người nhầm tưởng Lãng Bạc là Hồ Tây. Theo chúng tôi thì Lãng Bạc là vùng đất trũng, nay tương ứng với đất đai các huyện ở phía Đông nam của Bắc Ninh, tiếp giáp với Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương) để nghênh chiến với hy vọng sẽ chặn đứng được cuộc tấn công của Mã Viện. Và một trận ác chiến đã diễn ra tại khu vực này. Bấy giờ đang là mùa hè rất nóng nực, thời tiết của miền nhiệt đới rất khắc nghiệt đã góp phần gây cho quân Mã Viện không ít những khó khăn. Chính Mã Viện cũng đã phải công khai thừa nhận rằng: "Lúc ta đang ở giữa Lãng Bạc và Tây Vu, giặc chưa bị tiêu diệt mà trời ở dưới thì nước lụt, ở trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, ngẩng đầu trông lên thì thấy cả đến chim diều hâu đang bay cũng phải rơi xuống nước mà chết." (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần xin chú thích thêm rằng, Tây Vu là khu vực nay đại để tương ứng với Từ Sơn và Tiên Du của tỉnh Bắc Ninh). Tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ có quân đông và kinh nghiệm dồi dào. Mã Viện đã lần lượt đẩy lùi được tất cả các đợt tấn công của quân sĩ Hai Bà. Tổn thất của lực lượng Trưng Nữ Vương rất nặng nề và tình thế không cho phép Hai Bà kéo dài cuộc đối đầu đầy bất lợi ở khu vực Cổ Loa - Lãng Bạc được nữa. Trưng Nữ Vương quyết định lui quân về khu vực Cấm Khê (nay đại để tương ứng với vùng thung lũng Suối Vàng ở dưới chân núi Vua Bà (thuộc dãy Ba Vì). Vùng này lưng dựa núi, mặt trông ra 3 dòng sông lớn là sông Đà, sông Hồng và sông Đáy, lại có đường hiểm thông vào Cửu Chân. Đây là vùng đệm giữa đồng bằng Bắc Bộ với Trung Bộ, rất thuận tiện cho việc tổ chức phòng ngự lâu dài) để tính kế tổ chức phòng ngự và chiến đấu lâu dài.
Từ vùng Cổ Loa - Lãng Bạc, Mã Viện nhân đà thắng thế đã thúc quân tiến gấp đến Cấm Khê. Tại đây, chúng đã vấp phải sức chống cự rất bền bỉ, ngoan cường và cũng rất lợi hại của quân sĩ Trưng Nữ Vương. Tuy nhiên, chí lớn và quyết tâm cao của quân sĩ Hai Bà không đủ để bù cho sự thua kém về thực lực và kết cục tất yếu của cuộc đọ sức không cân xứng này là Mã Viện đã thắng, Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Về cái chết oanh liệt của Hai Bà Trưng, phần lớn các tài liệu của ta đều nói Hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử:
"Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,
Chị em thất thế phải liều với sông"
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Các bộ chính sử của Trung Quốc (tất nhiên là chép theo lối khoa trương chiến thắng của chúng) đều nói rằng, Hai Bà bị tướng giặc là Mã Viện bắt sống, rồi bị chặt lấy đâu đưa về kinh đô của nhà Hán là Lạc Dương (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần chú thích thêm rằng, bản thân Hậu Hán Thư cũng chép không thống nhất. Ở phần Lưu Long truyện thì nói chính Lưu Long đã bắt dược Trưng Nhị ở cửa Cấm Khê, nhưng ở phần Mã Viện truyện lại nói Mã Viện giết chết được cả Trưng Trắc và Trưng Nhị rồi chặt đầu đưa về Lạc Dương). Truyền thuyết dân gian vùng Hà Tây, Vĩnh Phúc và Phú Thọ thì kể rằng, Hai Bà “lên núi”, “xuống nước” hoặc là “hoá” (những từ khác nhau chỉ sự qua đời) vào ngày mồng 8 tháng 3 năm Quý Mão (tức năm 43) (Ở đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, lễ hội chính để tưởng niệm Hai Bà được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 và hiện nay, cả nước cùng tổ chức tưởng niệm Hai Bà Trưng vào ngày này. Ở Đồng Nhân (Hà Nội) cũng có đền thờ Hai Bà Trưng. Lễ tắm tượng ở đền này được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng 2 hằng năm. Viện lẽ đền Đồng Nhân ở ngay trong lòng Thủ đô, nên cũng có người đề nghị lấy ngày mồng 6 tháng 2 làm ngày tưởng niệm Hai Bà Trưng chính thức chung cho cả nước. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của xã hội). Tuy nhiên, dù tạ thế theo bất cứ một trong những cách nào như sử sách (của ta và Trung Quốc) xưa đã ghi chép hay như truyền thuyết đã kể lại thì chúng ta vẫn hoàn toàn có thể nói rằng, Hai Bà Trưng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Hai Bà đã hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lăng và tái lập “nghiệp xưa họ Hùng”. Trong những lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng và nghĩa sĩ của Hai Bà, các thế hệ xưa thường rất kiêng kỵ dùng những vật dụng có màu đỏ vì cho rằng đó là màu máu, màu gợi nhớ nỗi đau thương vô hạn của cả dân tộc ta trước cuộc đàn áp dã man của Mã Viện.
7. MUÔN ĐỜI CÒN MÃI DANH THƠM
Đền thờ Hai Bà Trưng - Mê Linh, Hà Nội
Sau khi đàn áp một cách đẫm máu toàn bộ lực lượng của Hai Bà Trưng, tương truyền, Mã Viện đã mượn cớ tịch thu vũ khí trong nhân dân để gom góp những hiện vật bằng đồng về làm giàu cho mình và làm thêm 2 việc. Một là đúc một con ngựa theo đúng mẫu mã do chính Mã Viện vẽ ra. Truyền thuyết nói rằng, Mã Viện là tên rất sành về các giống ngựa, chỉ cần nghe tiếng hí không thôi là hắn đã có thể đoán đúng giống ngựa ấy sinh ra ở vùng nào và mỗi ngày có thể chạy được bao nhiêu dặm. Hai là đúc một chiếc trụ đồng, trên có khắc ghi công trạng của hắn và một lời đe doạ rất xấc xược chỉ gồm vỏn vẹn có 6 chữ Hán (phiên âm) như sau: “Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt” (Cột đồng mà gãy, Giao Chỉ mất nòi). Cũng tương truyền, bất cứ người Giao Chỉ nào hễ có việc đi qua chỗ cắm cột đồng cũng đều công khai bày tỏ thái độ phản kháng rõ ràng của mình bằng cách lấy đá ném vào. Một người ném rồi nhiều người ném, một đời ném rồi nhiễu đời ném, cứ thế kéo dài mãi, kết quả cuối cùng là cột đồng cùng với lời đe doạ ngạo mạn và ngông cuồng của Mã Viện đã hoàn toàn bị chôn vùi, khiến cho đến nay không ai còn có thể tìm thấy được nữa. Cột đồng của Mã Viện đã vĩnh viễn bị chôn vùi dưới lòng đất sâu, ngược lại, tiếng thơm về sự nghiệp cứu nước của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị thì tồn tại bất diệt với giang sơn yêu quý này.
Những cây đại bút của ngàn xưa đã trang trọng dùng không biết bao nhiêu những lời hùng tráng, tốt đẹp và kiêu hãnh nhất để viết về cuộc đời và sự nghiệp phi thường của Hai Bà Trưng. Dưới đây là một vài trích lục các đoạn đánh giá cụ thể rút từ các bộ chính sử xưa :
“Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều nhất tề hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Xem thế cũng đủ biết hình thế đất Việt ta đủ để có thể dựng được nghiệp bá vương... Trong khoảng hơn 1000 năm, bọn đàn ông chỉ biết cúi đầu bó tay làm tôi tớ cho phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi, có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy" (Lời bàn của Bảng nhãn Lê Văn Hưu. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 3, tờ 3-a).
"Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, chỉ vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ đã được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ có lúc dựng nước xưng vương đâu... Đàn bà mà có đức hạnh của kẻ sĩ, khí chất anh dũng trong khoảng trời đất không vì tấm thân đã mất mà có thể kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi dựng lấy khí phách ngay thẳng chính đại ấy ư" (Lời bàn của Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 3, tờ 3-b và 4-a).
“Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động triều đình nhà Hán. Dẫu rằng thế cô lực yếu và không gặp được thời thế, nhưng cũng đủ để làm phấn khích lòng người và lưu danh trong sử sách. Kìa những bọn tu mi nam tử mà cam chịu khép nép làm tôi mọi, thật đúng là mặt dày mày dạn và đáng chết thẹn lắm thay” (Lời phê của các sử gia trong Quốc Sử Quán triều Nguyền. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 2, tờ 12).
“Than ôi, hồng nhan trẻ đẹp xưa nay đã có biết bao người sự nghiệp bị chôn vùi, nhưng, từ Nữ Oa làm việc động trời đến giờ chỉ có Hai Bà Trưng nữa mà thôi” (Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ. Việt sử tiêu án).
Trên khắp đất nước ta, đền thờ Hai Bà Trưng được dựng lên ở khá nhiều nơi (Chỉ tính riêng trong 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đã có tới 51 địa điểm thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh của Hai Bà. Tương tự như thế, chỉ tính riêng tại Hà Nội cũng đã có tới 24 địa điểm thờ Hai Bà Trưng và những tướng lĩnh của Hai Bà), tên của Hai Bà Trưng được trân trọng đặt cho hàng loạt những đường phố của các thành phố, thị xã và thị trấn. Ngay trên đất Trung Quốc, đền thờ Hai Bà Trưng cũng đã được dựng lên bởi hậu duệ của những người từng tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà khởi xướng và lãnh đạo (Ví dụ Miếu Bà Trắc(tức miếu thờ bà Trưng Trắc) ở phía Nam hồ Động Đình, nay thuộc tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc).
Như vậy là trong toàn bộ tiến trình giữ nước trường kỳ và gian khổ, Hai Bà Trưng là những bậc nữ danh tướng đầu tiên đã có công giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa bành trướng đại Hán. Sự nghiệp của Hai Bà đã để lại những dấu ấn rất sâu sắc trong tình cảm và nhận thức về lịch sử chống xâm lăng anh dũng và ngoan cường của cả dân tộc ta, mở ra những trang sử hào hùng về truyền thống “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” của phụ nữ Việt Nam. Chừng như hai câu kết trong bài vịnh bức ảnh O du kích nhỏ của Tố Hữu còn có ý nghĩa như một lời tổng kết gọn gàng về truyền thống đặc biệt này:
"Ra thế, to gan hơn béo bụng,
Anh hùng đâu cứ phải mày râu".
Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 4 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.