• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Góc tối của cánh rừng

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
195878005.jpg

Minh họa: Tuấn Anh

Đoàn người nối nhau đi nghiêm trang nhưng lầm lụi, đưa tiễn người đàn ông ấy qua một đoạn đường làng dài ngoằn ngoèo để lần ra cánh rừng xào xạc trong một buổi mù sương cuối hạ. Đoàn người lướt đi như một bè trầm luyến dài qua vùng không gian tuyệt đối tĩnh lặng. Ban mai.
Trong đoàn người ấy, có những mái tóc đã bạc hơn cả mái tóc người đàn ông, có những người mái tóc hãy còn xanh lắm, xanh hơn cả thời thơ ấu của người đàn ông.

Những người già cầm hoa vạn thọ tượng trưng cho lời cảm ơn thời gian. Những người đàn bà cầm hoa huệ tượng trưng cho sự trinh trắng tinh tuyền trong tâm hồn mà họ dành cho người họ yêu thương. Những thiếu nhi, trên tay cầm những chùm hoa cúc vàng rực rỡ, cúc trắng tinh khôi.

Tại sao lại là hoa cúc? Chúng hiểu rằng chỉ có hoa cúc mới diễn tả hết sự hiền hòa trong tính cách của người đàn ông ấy. Và trong buổi sáng êm ả này, họ muốn diễn đạt, biểu lộ tình cảm với người đàn ông mà họ đang đưa về nơi cánh rừng. Bọn nhóc muốn nói rằng: Chú ơi, hãy để chúng con dẫn chú đi hết một đoạn đường. Như hằng ngày chú đã dẫn chúng con đi trong những con đường của ý nghĩ. Rằng tình yêu của chú hiện thân no đầy giữa chúng con; tình yêu ấy hiền hòa như hoa cúc. Giữa mùa thu. Vàng đến mê say. Và trắng, đến tinh tuyền.

Có ai đủ kiên nhẫn để ngồi lặng, lắng nghe được mùi hương da diết và bay bổng của hoa cúc trong một buổi sáng mùa thu? Có lẽ chỉ có bọn trẻ. Phía sau sự huyên náo hiếu động là những giờ tĩnh tại, đắm chìm trong mối giao cảm vô úy với thiên nhiên. Bọn trẻ là những triết gia của hương thơm và sắc màu, giải mã được cả những lay động tinh tế bên trong thế giới cỏ hoa. Chúng là những người tự tay hái khóm hoa cúc trước cổng nhà mà người đàn ông đã gieo trồng, chăm sóc ba mùa qua; chúng bảo rằng: Chú ơi, để tụi con đưa chú đi. Những đôi mắt của chúng nhìn lên bầu trời đang hừng đông! Lúc ấy, những cụm mây nhoài ra từ vùng tối, bay bên nhau như những hình người cúi đầu chào nhau. Và từ trên không trung bao la ấy, người đàn ông nhìn chúng với đôi mắt hiu hiu muôn thuở và nụ cười xa vắng: Sao năm nay cúc nở sớm dữ. Tụi bây cứ hái rồi chừa lại một khóm cho những người đến sau, vào tháng cuối mùa thu có thể nhìn thấy rộ hoa nơi sân vườn này!

...

Con đường cuối mùa hạ thơm da diết mùi hoa cúc. Mùi hoa khiến chúng ta phải cảm nhận và thấu đạt không chỉ bằng khứu giác, mà còn phải bằng những giác quan khác.

Đó là thính giác. Người ta có thể nhắm mắt mà nghe thanh âm vi tế của hương hoa lan tỏa ngát nơi ý niệm, tỏa ngát ở vùng đất mênh mông tâm tưởng mà chẳng có ngôn từ nào diễn đạt thấu suốt cả. Ngôn từ là cái chúng ta có được, sở hữu, nhưng những văn cảnh chất chứa đầy thiên kiến có khi lại mang đến những bất lực không cáng đáng nổi những gì chúng ta kỳ vọng và gởi gắm. Chỉ có thể trầm tư và lặng thinh để nghe một mùi hương. Như thể, trong nỗi bất an không sao gói trọn một mùi hương trong vỏ ngôn từ, chúng ta có thể say mê nghe một làn hương nhưng không tài nào tụng ca trọn nghĩa lý thực tại của nó được. Cái khoảnh khắc lặng thinh ấy mới thật tuyệt vời. Với cách này, có lẽ một người chết ham lang thang sẽ biết cách thấu đạt một mùi hương hơn những kẻ nơi dương thế, vì họ vô ngôn, không bợn đến ngôn từ biểu đạt; vì linh hồn họ là những ngọn gió, có thể nghe thấu mọi âm thanh, run rẩy trước những chao động nhỏ nhất của vạn vật...

Đó là vị giác. Chúng ta có thể nếm và cảm nhận vị ngọt của thứ mật trinh đầu mùa, thứ mật trinh sinh ra từ dưới những mắt sương li ti, trong vắt ôm chứa cả đất trời, thứ mật ảo diệu được lũ ong từ chín cánh rừng xa bay về khua động trên những ngọn gió tháng bảy, thứ mật trong mà chúng ta nếm được nơi đầu lưỡi nhưng thật ra, dư vị đọng lại ở tầng sâu nhất của vỏ não phải, nơi mạch nguồn của thần kinh xúc cảm vui buồn, nhớ thương và bi hận khởi sinh. Và nơi đó, làn hương ngự trị trong sự nếm trải vô ngôn. Cũng như chúng ta không sao diễn giải hết tinh thần của một vùng văn hóa qua một món ngon dân gian, sự linh thiêng của tình mẹ qua một dòng sữa mát lành. Và như thế, không cần một nêm nếm nào, chúng ta đã có thể thấu suốt dư vị cuộc đời trên món ăn mùa thu dọn ra hôm nay - đó là món ăn được gọi bằng cái tên mơ màng - hương hoa cúc.

Đó là xúc giác. Chúng ta đứng nhìn những chùm hoa cúc vàng ngọt đẫm sương kia vẽ lên nền trời cuối hạ hình hài đám mây hương. Chúng ta đi chìm trong sự phấn khích của những đám mây ấy lan tỏa vào mình. Chúng ta cúi đầu xao xuyến bởi những hoài niệm mà làn hương ấy tương tác vào trí não và từng mạch máu, từng tế bào da đang căng mở. Chao ôi, thật hạnh phúc lớn lao và tuyệt vời khi được sờ chạm một làn hương bằng cách huy động toàn bộ da thịt thân thể mình. Này bọn trẻ kia, sau một giấc ngủ dài, tóc tai, da thịt chúng bây đã nguội, mùi rong rêu của buổi trưa tắm suối hôm trước cũng đã phôi phai, linh hồn chúng bây đã hết lang thang trong những nẻo rừng hoang thẳm, những trò chơi hồn nhiên hay những câu nói dối, chối cãi ngỗ ngược, ngỗ nghịch hay hoang đàng... Chúng bây đang đi trong làn hương và nghe làn hương thấm vào từng lỗ chân lông; hoa cúc sẽ làm cho thân thể chúng bây trở nên thơm tho, tinh khiết và hoa cúc sẽ làm cho mọi thể xác ố bẩn đêm qua được tắm gội, thanh tân...


Và trên cả, linh giác của chúng ta đã rộng mở để có thể cảm thụ tất cả mọi xao xuyến, âm giai của một làn hương. Linh giác reo lên: Mùa thu, mùa thu thật tuyệt vời. Và lúc đó, trong khoảnh khắc lóe sáng của thứ phúc âm không ngôn từ, của những bài công án truyền trao trong mặc tưởng, chúng ta với hoa cúc là một. Chúng ta đã nở và tỏa hương cùng hoa cúc trong mùa thu mênh mang...

...

Bấy giờ, giọng solo cất lên lời hát mênh mang: Lòng tôi không lo âu khi lạc giữa lưới vây quân thù. Lòng vẫn êm đềm dù rừng sâu thung lũng đầy sương mù... Tiếng đàn organ nhà thờ du dương, nhưng đôi khi lạc một nốt lạ dìu giọng ca của người đàn bà đứng tuổi hơi lạc đi tìm lại thấy âm chuẩn nhảy nhót trên những khuông nhạc.

...

Bọn trẻ vẫn cầm hoa cúc. Chúng bước đi, chân rộn ràng. Lòng xao xuyến. Có đứa còn huýt sáo theo lời bài hát. Thi thoảng, có đứa chậm nhịp chân đá một hòn cuội bay sang bên đường. Chúng đi ngay ngắn theo một hàng dài. Và ngoan như một bầy chiên con thong thả bước vào đất hứa đầy sữa và mật ong trong Kinh Thánh.

Bấy giờ, người đàn ông nói với những ông già cầm hoa vạn thọ:

- Hãy chờ tôi chút đã, đi chi mà vội, đằng nào chúng ta chẳng đến Cánh Rừng đó!

Ông già nói:

- Thì biết vậy. Nhưng chúng ta phải đến trước khi trời sáng.

- Tại sao phải là lúc trời sáng? - Người đàn ông hỏi lại như thể cho rõ lẽ, dù biết chắc đó là một thói quen, tập quán khó bỏ. Mọi chuyện sẽ kết thúc lúc trời sáng.

Cụ già cầm hoa vạn thọ lại nói:

- Đó là lúc khí âm của đất trời bị xua tan. Đó là giờ bóng tối bị đánh bại. Vạn vật tràn ngập dương khí. Đó là giờ sinh sôi. Những tà ma sẽ biến mất từ khi tiếng gà cất lên. Giờ thức tỉnh. Những cỏ cây đang được tắm gội. Và chúng ta...

- Chúng ta sẽ được tắm gội như chúng, bằng những giọt sương chứ? - Người đàn ông hỏi với giọng trẻ thơ.

- Ừ, chúng ta sẽ được tắm gội, bằng nguồn nước trong đọng trên những cành cây rừng.

- Nhưng ai sẽ đi gom nhặt những giọt sương ấy? - Người đàn ông được dẫn đi lại hỏi.

- Có gì đâu, khi đến cánh rừng, những bông hoa cúc sẽ được bọn trẻ vẩy lên trời, những bông vạn thọ sẽ được chúng tôi tung lên trời.

Sương của chúng sẽ làm mưa một vùng. Và chúng ta tha hồ tắm gội. Đừng đợi chờ gì nơi những dòng suối. Đừng chờ gì nơi những dòng sông. Vì chúng tuôn chảy không ngừng! Cứ mặc bụi đất rơi xuống vô tình.

Vị trí địa lý của dòng suối, dòng sông được nhắc đến trong câu chuyện: cách không xa cánh rừng; đó là một loại suối đá, nước sâu cạn khó lường; mùa mưa, con nước đục hung dữ tràn lên những đọt cây và đe dọa hiểm nguy; mùa trong, nước gợi lên một tiết tấu suy tưởng như thể chắt ra từ trung tâm của những vú nham thạch tủi hờn ngày xưa không ngừng cựa quậy, chưa chịu khuất phục; chỉ những sáng mùa thu, khi đám rêu xanh lan đầy những vách đá, thì người ta mới dám ngâm mình, tắm mát.

Người đàn ông của chúng ta đã từng ngâm mình nơi đây một mùa thu trước. Nhiều người đi trong đoàn cũng đã ngâm mình mùa thu trước. Đó là mùa dòng nước lành nhất trong năm.

***

Đoàn người đi đến một khúc quanh, nơi bờ rào đầy những cây đậu bét xòe những tán lá xanh nõn nà như những bàn tay thiên thần trong vũ điệu diễm tuyệt ban mai. Nơi khúc quanh ấy, có một vùng khói mù khiến mọi người trở ho sặc sụa. Người đàn ông cũng ho khẳn. Thì ra, bên kia vài liếp nhà tranh, người ta đang đốt một đống phân trâu. Mùi mục của cỏ đã trôi qua, mục nát trong dịch vị của những con trâu đực khỏe mạnh, những con trâu cái mắn đẻ, hun qua ngọn lửa, ứa lên một thứ mùi đặc trưng làng quê. Người đàn ông cười, mắt ánh lên vẻ thật thà nhưng phảng phất buồn, ông nói với bọn trẻ:

- Này, họ đốt phân trâu chi sớm?

Bọn trẻ nói:

- Sắp xuống mùa rồi, phải dọn nương để gieo vụ mới đó chú!

- À, rứa à? Trí óc mình lạ thiệt. Thiệt là lâu lắm rồi nằm bệnh trong nhà thương, quên hết tập tính của mùa màng đó nghe! - Nói xong, người đàn ông lim dim rơm rớm mắt vì khói phân trâu. Anh chần chừ hơn trong từng bước chậm. Như thể đi cũng dở, ở chẳng xong. Người đi đầu đoàn người với cây thập ác, đang mon men dẫn đi qua khúc quanh mù mịt. Nhờ thế, anh tranh thủ trốn thoát đoàn người. Họ để anh lại phía sau. Những đợt gió tần ngần thổi lạnh dưới hai ống chân, anh nghĩ vui: Lẽ nào ta không mê lú mùi hương hoa cúc, hoa huệ, hoa vạn thọ sang trọng hiền hòa mà lại bị hớp hồn bởi mùi phân trâu cháy bên góc vườn nhà quê? Lẽ nào ta lại bị quyến rũ bằng một thứ mùi quá ư đơn giản và tầm thường thế này? Lẽ nào... Anh nói như thể chính anh đã có thể quyết định và chọn lựa được thực tại.

Anh nói như thể chính anh đã trốn thoát được đoàn người rồng rắn kia, những kẻ đã bỏ ra cả buổi mai tươi đẹp này để đưa anh đi với lòng thành kính lạ lùng. Anh có trốn thoát được không? Không thể. Chỉ là họ để mặc cho anh lang thang rong chơi một lúc mà thôi. Cũng như họ đã để cho anh nằm lại trong gian nhà của mình một vài ngày để lắng nghe những người thân quen nhắc lại những câu chuyện vui buồn. Đã đến lúc họ không thể ép buộc anh phải làm điều gì theo những ràng buộc chung của cộng đồng. Nhưng những lúc như thế thì sự tự nguyện nơi anh càng được hỏi đòi. Anh không thể tách rời đoàn người. Anh không thể phụ tấm lòng của họ....

***

Lúc bấy giờ, đoàn người dừng lại bên cánh rừng. Bọn trẻ đặt hoa cúc lên những phiến đá. Những người đàn bà cắm hoa huệ trắng vào những ụ đất mềm. Và những ông lão bắt đầu móc cành hoa vạn thọ lên mấy cành khô. Họ nói với nhau rằng, phải đợi cho được người đàn ông đi lạc trở về. Và trong giờ chờ đợi, họ dùng bữa sáng bằng bánh mì quệt sữa. Có nguyên một bao bánh mì được xổ ra tấm chiếu trải trên bãi cỏ. Họ ăn từ tốn và mắt lơ đễnh nhìn trời, nơi có những đám mây hình người không trò chuyện nữa mà đang chào biệt nhau.

Vừa dùng bữa sáng, họ vừa nói với nhau những câu chuyện vui về người đàn ông. Họ bảo rằng, đó là một kẻ mơ tưởng và đểnh đoảng, họ cũng nói rằng, đó là một người nhiều sai lầm nhất là trong chuyện tình yêu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đó là một kẻ chẳng bao giờ dứt khoát được vấn đề gì, kể cả chuyện xác thịt với phụ nữ...

Những người phụ nữ sồn sồn sáng nay bước đi ý tứ và má hồng hây hây, cười thẹn thùng. Hoa huệ bồng bềnh hương trên tay họ. Và có lẽ họ đang nhớ đến một điều gì đó, một bí mật nào đó riêng tư trong cuộc đời với người đàn ông mà họ đang đưa đến Cánh Rừng. Những bí mật thánh thiện đến nỗi nếu nói ra thì sẽ bị truyền lan đi và ô nhiễm, sự thiêng liêng sẽ bị đụng chạm. Cứ để mọi thứ sống và trỗi mầm trong mảnh đất của hồi niệm. Từ lâu, họ sống không ngưỡng vọng tương lai mà gìn giữ những mảnh đất tươi mát êm ái của quá khứ như những tên lính già quả cảm để chống lại sự cằn khô bạc màu của hiện tại.
Và họ lưu giữ những hạt mầm tưởng đã bỏ hoang trong sâu kín tâm hồn. Như trong tình cảnh này, họ hiểu rằng, người đàn ông đường hoàng ấy, không thuộc sở hữu riêng mình, những câu chuyện bí mật trong tâm khảm, như những tấn tuồng đã kéo màn từ lâu. Và họ hiểu rằng, những bí mật kiểu như vậy trong cuộc đời không hề là độc quyền của một con người nào. Người đàn ông ấy, tình thương từng cháy trong trái tim ấy không thuộc về độc quyền một con người nào. Cần tháo bỏ thói quen được sở hữu anh ta như một món đồ dùng. Tiếc thay, điều hay ho này, họ hiểu ra quá muộn.

Bây giờ, những đôi mắt nhìn nhau, những người đàn bà mang chung một mẫu số trong bài toán bí mật của hoài niệm. Họ không cãi được thực tại và tương lai. Họ chỉ có quá khứ.
...

Ở một chỗ mát mẻ, người đàn ông nghỉ chân. Nhật ký mà anh ta viết trên lá dầu, dưới bụi cây trâm bầu, có một đoạn như sau:

Những ký ức sống động thường gắn với nụ cười. Nhưng những điều được lưu giữ lâu dài lại thuộc về nước mắt. Nước mắt, đó là mặt khác của nụ cười. Chúng ta chúc phúc cho những kẻ biết khóc than trước số phận con người và biết mỉm cười an nhiên, tự cứu rỗi. Nụ cười giải hoặc cái long lanh xót xa đắm đuối của đường đi một giọt nước mắt. Và cũng như thế, nước mắt soi chiếu làm tỏa rạng ánh hào quang mê đắm của nụ cười.

Hãy nhìn nước mắt của loài hoa cúc nở trong sáng tháng bảy, để hiểu rằng cả một mùa thu rộn ràng da diết rồi cũng sẽ phiêu diêu trong cõi thời gian mịt mù. Chúng ta nhớ đến điều gì nhiều nhất khi cảm nhận một làn hương? Phải chăng chúng ta sẽ nhớ đến ngọn gió, như thể khi nhìn những vách suối chịu mòn dưới thảm rêu trước sức chảy miệt mài của dòng nước. Ngọn gió sẽ mang mùi hương trinh khiết sớm mai này đi xa, rất xa.

Và chúng ta bảo nhau rằng, hóa ra mùa thu là điều không có thật. Chúng ta hân hoan và chúng ta sụp đổ. Cả mùa đông cũng thế. Mùa xuân nữa. Mùa hạ nồng nàn rồi cùng chung số phận. Tuần hoàn có nghĩa là biến mất. Bao nhiêu mùa, bao nhiêu hoa, bao nhiêu ý nghĩa, bao nhiêu sự hiện hữu...

Chỉ là chóng vánh. Chỉ có trong thần thức của chúng ta, mùi hương mãi còn!

***

Anh ngồi thừ, hít căng lồng ngực mùi khói phân trâu một lần cuối từ cái góc vườn nhỏ bên chái nhà tranh èo ọp còn sót lại cuối làng, rồi cố vươn mình đứng dậy. Anh đi ngược chiều ngọn gió sớm mai mù sa. Đường mòn đi xuyên qua bãi cỏ, qua một rìa ao đầy lục bình nở hoa tím, anh đứng lại nhìn cảnh vật lần nữa, rồi lại tần ngần bước đi. Anh lần theo mùi hoa cúc để biết hướng đến của đoàn người: Cánh Rừng. Và Cánh Rừng đây rồi. Anh reo lên. Mắt ràn rụa nước. Anh không biết mình khóc. Anh không biết mình cười. Giữa cuộc tao ngộ ấy.

Cánh Rừng, biết rồi, khổ lắm. Đó là nơi mà mười mùa thu về trước, cũng trong mùi hoa cúc thoang thoảng, anh đã dẫn cha anh đến. Cha anh năm đó tám mươi tuổi, trí óc đã lẫn. Anh còn nhớ cái dáng lưng còng của cha mình khi ngồi lại phiến đá bên gốc cây kiết mọt. Một dáng hình trĩu nặng và chậm chạp.

Cha anh hát rằng: “Đường về làng còn xa lắm. Khu vườn cũ còn xa lắm. Bước chân tôi bay đi trong gió. Của mùa thu. Của màu thu. Cả mùa thu rồi đây cũng xa lắm”...

Chốc chốc, ông lại dừng những câu hát bay bổng để ngồi cắm cúi gọt những lá thuốc dài thành mấy nhùi sợi, vo lại và cho vào tẩu đen, rồi quẹt diêm hút khói phả mù khoảng nhìn. Miệng móm mém, mỗi hơi thuốc kèm theo những tiếng bặp bặp. Làn môi mỏng, có hai khóe sâu. Và đám râu lơ thơ. Mái tóc trắng lơ thơ. Đôi mắt lững lờ như một con thuyền chết máy trong ngày biển êm. Cha anh kể, một câu chuyện nhào trộn hư vô vào thực tại. “Ở đó, qua ba quãng đồng trồng ló (lúa), nhà miềng (mình) có đất hương hỏa, có một khu vườn, có một ngôi nhà gỗ rộng. Thời trước ông cố con làm quan thanh liêm, gia đình đỗ đạt, được nhiều ân thưởng của triều đình; khi mất, để lại nhiều vàng bạc đựng kín trong những hộp rương nhỏ, chôn theo chủ. Nhiều năm rồi. Cha con miềng không về. Người làng nói đất nớ (ấy) cứ đến những đêm mưa gió, sấm sét giáng đùng đùng, những tủ vàng trong lòng đất đã hóa ma, bay chập chờn, đỏ rực khắp vườn. Có đêm, đám trộm cỏ vô nhà phá tung mọi thứ, lượm được vài miếng bạc đem bán, sau bị phạt, kẻ đem trả thì được tha, sống sót, người cố chấp thì điên dại suốt đời!”.

- Con cũng nghe kể chuyện này - anh nói với cha - nhưng cha ơi, vườn nhà nay vẫn được giữ gìn, cha cứ an tâm.

- Ừ, ai mà dám rớ (đụng) vào mảnh đất hương hỏa nhà miềng, ai mà dám rớ vô hương hỏa làng nước miềng!

- Dạ, cha cứ yên tâm, cha nằm lại đây, rồi con sẽ đưa cha về làng.
- Ừ, “Đường về làng còn xa lắm. Khu vườn cũ còn xa lắm. Bước chân tôi bay đi trong gió. Của mùa thu. Của màu thu. Cả mùa thu rồi đây cũng xa lắm” - cha anh nửa hát nửa ngâm đoạn thơ cứ trở đi trở lại trong trí não với một giọng buồn trầm và khản đặc. Chẳng biết ai đã viết ra những câu chữ ấy. Chẳng biết những câu chữ ấy đi vào trí não cha anh tự bao giờ.

Khi ấy, có một đám mây như mảnh bông rách giăng ngang bầu trời. Đỉnh nhọn của nó đâm về hướng tây, đám ria rộng mở về hướng đông.
Anh ngồi cạnh cha lần cuối bên cánh rừng. Và nói dối cha về việc ngôi nhà hương hỏa nơi quê xa vẫn còn bảo bọc nguyên vẹn. Dù lương tâm anh đang tranh biện, cay đắng đối diện với một sự thật không nỡ nói ra: rằng đất hương hỏa đã được quy hoạch để xây dựng khu công nghiệp từ lâu rồi. Trong lần về sau cùng anh không nhận ra dấu vết nào của khu vườn. Tất cả đã chìm sâu dưới những khối nhà bê-tông vuông vắn vô cảm án ngữ mọi tầm nhìn. Công nhân đổ về tấp nập. Vùng đất được xem là thay da đổi thịt và nhiều lần lên truyền hình như một biểu dương về sức mạnh công nghiệp hóa.

Người ta đã xóa đi ký ức và những phần huyệt mộ tâm linh để sống thức thời. Anh chơi vơi sau những cuộc chuyện trò bất tận của sụp đổ và thất vọng. Câu chuyện vàng bay những đêm mưa bão hoàn hoàn không còn nữa. Ma vàng chỉ là huyền tích trong một thế giới đã đảo lộn, một thế giới khánh kiệt những điều linh thánh. Một thế giới giải thiêng triệt để. Đôi mắt cha nhìn về những quả đồi khuất sau làn khói thuốc. Tiếng hát ngâm khản đục đang ngắt dần vì những hơi thở đứt.

“Đường về làng... còn xa lắm... (hử)... mảnh vườn cũ còn xa lắm (hức). Bước chân tôi bay đi trong gió. Của mùa thu. Của màu thu tàn úa. Rồi mùa thu cũng xa lắm...

Đường về làng chìm trong giấc ngủ của một trăm năm cũ, của những bước chân gió xóa nhòa hình dong trên cát bỏng và của mùa thu không vang động hương hoa cúc vàng...

Đường về làng. Này đường về làng. Gió xô lệch những bờ lau già

Hãy ngắm nhìn hãy ngắm nhìn! Đám tro bụi bay chơi vơi

Trên đường về làng

Trên đường về mùa thu”

***

Bấy giờ hạ chưa qua và thu chưa tới. Anh cùng đoàn người đưa cha đến cửa rừng. Anh nghe mùi hoa cúc đã dâng hương thơm lộng ngát bầu trời. Anh thấy màu hoa cúc nhuộm nguyên cả một ban mai.
Những đứa trẻ hát một câu trong Thánh Ca: ... Người dẫn tôi đi lên núi cao say sưa gió biển/Vui uống suối miền Nam/Đầu tôi người xức dầu thơm nồng nàn...

Bây giờ, anh lững thững bước về phía đoàn người đang dùng bữa sáng bên Cánh Rừng. Một người phụ nữ đứng lên trước miệng hang đá, nhón chân nhìn rồi reo to: “A, ảnh đến rồi kìa!”. Bọn trẻ cuống cuồng tìm lại những chùm đóa hoa cúc của mình để vương vãi trên sương cỏ và sửa sang lại áo xống, mấy ông già nhấp ngụm trà cuối, nhìn nhau, đưa những tín hiệu ý nghĩ hiu hắt và cầm những bông vạn thọ trên tay.
Bây giờ hoa huệ cũng đã rũ vào lòng những phụ nữ.

Không cánh hoa nào bị bỏ rơi.

“A, ảnh đến rồi kìa. Mà sao mặt ảnh buồn buồn?” - một người nữ nói.
“Chắc ảnh nhớ làng. Lâu rồi ảnh chưa về làng...” - một giọng nữ khác đáp.

“Không - một đứa bé bảo. Ba con vẫn đi về làng hằng ngày mà. Đêm nào ba con cũng gọi tên làng, cũng kể chuyện làng...”.
Một ông lão đứng chống gậy nói:

“Chết mẹ rồi, vậy là anh ta thất thểu vì hoài nhớ làng quê. Dù sao, trước khi đến đây hắn ta cũng đã có dịp trở về quê nhà một lần, vào mùa thu năm ngoái. Hắn ta đã thỏa mãn. Còn tôi thì từ giờ đến nhắm mắt, chẳng biết bao giờ mới trở lại quê nhà... Hắn ta sẽ ra đi trong những hình dung về làng quê của mình! Nào chúng ta chúc phúc cho hắn...”.

Ông lão thở dài rồi bước về phía người đàn ông đang đi tần ngần, cúi đầu. Ông ghé tai nói gì đó. Và người đàn ông đang thất thểu chợt ngẩng đầu cười. Phải là một lời nói đầy sức mạnh và lạc quan của một kẻ đã trải nghiệm cuộc đời.

Bây giờ, bình minh đã đuổi tan đêm tối. Gió buổi sáng từ cánh rừng không thôi xào xạc. Có tiếng cu gù gáy ở quả đồi bên kia. Đôi khi cái thanh âm rù rụ đơn điệu và trầm buồn ấy lại bị cắt ngang bởi một tiếng gà rừng cất lên với âm vực cao nhất hay tiếng bò con “ậm bò” từ phía đám rẫy phía nam...

Nắng lên thành những vệt chéo màu hửng đỏ. Nhưng sương chưa tan hẳn.

Và trên những cánh hoa cúc đều đặn, mảnh mai, những mắt sương li ti bắt đầu lung linh. Mùi hương bắt đầu thoang thoảng, rồi lan đi trong một vùng vắng gió. Mùi hương đã thanh lọc suy nghĩ của người đàn ông trở nên tinh tuyền. Làm xua tan mùi tầm thường hoài nhớ trần tục. Anh bước theo lối đi nhỏ, đi vào giữa đoàn người. Mọi người dạt ra hai bên, họ đưa hoa lên trời và nhìn vào khuôn mặt hiền hòa của anh lần cuối. Người đàn ông thản nhiên, từ tốn ngồi xuống và lắng nghe một đứa trẻ vận đồ trắng đứng đọc một đoạn văn giàu cảm xúc, viết về chính anh.

“Cái chết không phải là sự cô lập tuyệt đối và cuối cùng của con người. Cái chết là cây cầu nối cái hữu hạn với sự vĩnh hằng. Người đang băng qua cây cầu ấy với nỗi hoài nhớ, ưu tư và những luyến tiếc. Người cũng băng qua cây cầu ấy với sự lạc quan và niềm tin tiến về nơi cực lạc. Chúng ta đứng lại bên này cây cầu. Nhưng sự kết nối của chúng ta với Người là vĩnh viễn. Mối dây ấy chẳng bao giờ đứt!”...
Thằng bé nhìn lên trời. Mắt nó dõi theo một đám mây trắng xốp, bay nhanh qua nền trời xanh ngọc. Đó là giờ hoa huệ rũ trọn trong tay những người đàn bà ôm mang nhiều bí mật. Đó là giờ hoa vạn thọ tàn trong tay những cụ già đã trải qua nỗi xa xót của những cuộc tiễn đưa. Và đó cũng là giây phút hoa cúc reo vui. Trắng ngần. Vàng tươi. Anh ngồi giữa đám người, trên một hầm tối và ôn tồn nói: Mọi người ơi, hãy nghe, hãy thấy, hãy nếm, hãy hít thở tràn đầy hương hoa cúc sáng nay! Mùi hương thật an lành!

Những người đứng lại trong thinh lặng. Một lần nữa, nghe hương hoa cúc tràn trong ý nghĩa. Mùi hương sẽ reo ca cùng bụi đất.

Đoàn người râm ran đi về. Họ nói với nhau rằng, năm nay mùa thu đến sớm nên hương hoa cúc thơm đến nao lòng. Những người đàn bà bế những nhành hoa huệ đi về. Mắt họ soi xuống mặt hồ những ánh nhìn màu tím khổ hạnh hiu hắt bí mật, những bí mật chẳng bao giờ khai mở. Còn bọn trẻ. Chúng reo vui và rượt đuổi nhau chạy trên đồng cỏ đẫm sương. Sương cỏ bắn tung lên những chiếc áo trắng, như mưa vung vãi từ đất. Chúng hát. Những lời ca văng vẳng thế này: “Lòng tôi người đã hiểu thấu/Lòng tôi người đã hiểu thấu/Vì người chăn nuôi tôi...” (Thánh Ca).

Và chúng ta hiểu rằng, từ nay, chúng ta sẽ không còn tin vào những huyền thoại về khu vườn xa xăm nào đó có nhiều ma vàng cuộn lửa bay trong đêm giông gió. Vì nhân chứng của những câu chuyện ấy đã nằm lại ở góc tối của rừng.

Lặng yên mãi mãi. Cùng hoa cúc và hương mùa thu.

Hạnh Trí 20.7.2009


Truyện ngắn của
Nguyễn Vĩnh Nguyên - TNO
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top