• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Giảng dạy triết học ở châu Á

PHÚC KEYNES

New member
Xu
0
Tạp chí Triết học
Số 12 (235), tháng 12-2010
--- o0o ---

GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC Ở CHÂU Á
ĐÁNH GIÁ TỪ QUAN ĐIỂM GIỚI TÍNH TRONG BỐI CẢNH HÀN QUỐC

CHOE HYONDOK (*)


I. Triết học và sự mù mờ giới tính

Thật không có gì mới khi chỉ ra đặc trưng thống trị nam quyền trong khoa học, kể cả khoa học nhân văn. Triết học cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Mặc dù việc phản tư về các điều kiện tiềm ẩn và tiên liệu là một trong những nhiệm vụ chính của triết học, song những nhân tố nhất định chi phối hoạt động triết học thì vẫn chưa được phản tư. Ẩn sau sự tuyên bố về tính phổ quát của triết học, nhất là ở triết học phương Tây, thì sự nhận thức liên quan tới đặc tính địa phương và sự ảnh hưởng của giới tính hầu như chưa được làm sáng tỏ.

Mối quan hệ giữa triết học và phụ nữ luôn là một vấn đề hóc búa trong xã hội gia trưởng, dù ở phương Tây hay phương Đông. Một xã hội gia trưởng được thiết lập trên cơ sở sự phân chia lao động và chức năng con người theo giới tính. Để duy trì hệ thống này thì cần phải tạo dựng một hệ tư tưởng về phân biệt đối lập giữa nam và nữ, nam tính và nữ tính. Sự phân biệt giới tính này lại được tái hiện sâu hơn trong sự phân chia mang tính nhị nguyên giữa trời và đất, lý tính (tư duy) và cảm tính (cảm giác), văn hoá và tự nhiên, cái công và cái tư,… Thuộc tính đầu ứng với nam giới còn thuộc tính thứ hai ứng với nữ giới. Chúng được ấn định khả năng phán đoán cao với thuộc tính của giống đực là vượt trội hơn. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của nền giáo dục gia trưởng là làm cho đàn ông trở nên nam tính hơn, phụ nữ trở nên nữ tính hơn. Giới tính định đoạt bản sắc của con người và nếu thiếu nó, con người sẽ không tồn tại.

Do sự phân biệt này, phụ nữ bị cho là không thích hợp với triết học, một hoạt động chủ yếu là tư duy và sử dụng lý tính. Định kiến này là sản phẩm của hệ tư tưởng gia trưởng không thể bỏ qua. Bắt đầu từ Aristotle chúng ta nhận thấy rằng, số lượng đáng kể các triết gia nam phát triển các học thuyết triết học về sự phân biệt nam - nữ với sự hạ thấp nữ giới. Các học thuyết này là thành tố vững chắc của các truyền thống triết học chủ đạo. Thậm chí, trong Triết học pháp quyền, Hegel, khi nỗ lực miêu tả mối quan hệ lý tưởng giữa gia đình, xã hội dân sự (tư sản) và nhà nước trong xã hội hiện đại mới xuất hiện, cũng mặc nhiên đề cập đến sự phân biệt mang tính gia trưởng và thừa nhận phụ nữ không phù hợp với công việc sử dụng đến lý tính. Nhà triết học nữ thường lâm vào tình cảnh nghịch lý, họ tiếp thu và dựa vào học thuyết phức tạp của các nhà triết học “kinh điển” với tư cách nguồn trong khi nguồn này bao gồm một số thành tố phủ nhận sự tham gia của nữ giới vào triết học.

Định kiến chống lại phụ nữ này đã sản sinh và tái sản sinh những hậu quả quyết định tình cảnh khó khăn của nữ giới tham gia vào triết học. Điều này có thể nhận thấy ở hai phương diện:

1) Về mặt hòa nhập xã hội và giáo dục trẻ em, trẻ em gái thường không được khuyến khích phát triển tư duy triết học. Nghĩa là thiếu các ứng cử viên tiềm năng cho triết học ở các trẻ em gái. Rất rõ ràng là số các nhà triết học nữ ít hơn nhiều số các nhà triết học nam. Không nên bỏ qua mặt số lượng, vì đó là tiềm năng tạo nên chất lượng.

2) Định kiến thì luôn dẫn tới một thái độ, tâm lý phi lý tính nhất định. Nó chống lại khả năng sử dụng lý tính của nữ giới, tạo nên thái độ, tâm lý không thừa nhận bất cứ thành tựu triết học nào do nữ giới sáng tạo. Phụ nữ ít được thừa nhận là nhà triết học hơn so với nam giới. Nếu chúng ta xem những bộ lịch sử triết học nổi tiếng hay từ điển các nhà triết học, chúng ta hiếm khi bắt gặp tên của nữ giới[1]. Tuy nhiên, do nghiên cứu của một số nữ sử gia về triết học trong những thập kỷ gần đây, nên hiện nay có thể thấy có ít nhất hàng trăm triết gia nữ trong lịch sử của chúng ta[2]. Điều này có nghĩa là phần lớn các nữ triết gia đã bị gạt ra trong tiến trình tái xây dựng lại lịch sử triết học do các sử gia nam thực hiện.

Tôi muốn giới thiệu kinh nghiệm cá nhân của tôi ở đây. Mùa xuân năm 2001, Hội Triết học xã hội Hàn Quốc (Society for Social Philosophy in Korea) tổ chức buổi thuyết trình ở một trường đại học ở Seoul. Một đồng nghiệp nam đã sử dụng hình chiếu để báo cáo về chuyến đi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ của mình nhằm tìm kiếm dấu tích của triết học Hy Lạp cổ đại. Khán giả là các giáo sư, giảng viên và sinh viên triết học. Bài thuyết trình đó thật tuyệt vời, nó giới thiệu một cách sâu sắc về triết học Hy Lạp, đồng thời tạo mối quan tâm hơn trong nghiên cứu về chủ đề này. Mặt khác, người thuyết trình đã nhận thức được vấn đề nữ giới bị gạt ra ngoài khi tái dựng lịch sử triết học Hy Lạp. Ông trình bày một số dấu tích về Aspasia (chẳng hạn, những bích họa trên cổng chính của Đại học Athen). Tôi đánh giá cao hầu hết bài thuyết trình của ông ta. Tuy nhiên, tôi lại thất vọng về cách ông ta giải thích về phẩm giá triết học của Aspasia[3]. Tiểu sử khác thường của Aspasia tùy thuộc vào sự miêu tả về đời sống của bà như là một gái điếm cao cấp (điều này vẫn còn tranh cãi) trong sự so sánh với đời sống của gái điếm cao cấp ở Hàn Quốc được giới thiệu như điểm nhấn trong sự lý giải của ông ta.

Tôi đã cắt ngang và giải thích hoạt động triết học của Aspasia, nhất là ý nghĩa của bà đối với Socrates và phương pháp của Socrates trong triết học. Khi đang nói, tôi bất chợt nhận thấy những điệu cười nhăn nhở khác thường từ các sinh viên nam. Tới tận hôm nay, “điệu cười nhăn nhở” đó vẫn hiện rõ trong tâm khảm tôi. Từ điệu cười đó, tôi nhận thấy bức tường của sự gia trưởng. Dường như dưới con mắt của họ, bất kể tôi nói điều gì thì cũng chỉ là một người phụ nữ thấp hèn đang gào thét nổi loạn để che giấu mặc cảm tự ti của mình. Dù có nhận được sự tán thưởng tích cực của các sinh viên nữ và các đồng nghiệp nam, thì cũng rõ ràng là tôi đã bị tổn thương gấp đôi trong buổi chiều hôm đó với tư cách một người phụ nữ làm triết học. Trước tiên, đã hơn một lần tôi trải nghiệm rằng, thành tựu triết học của một triết gia nữ lừng danh luôn kém hấp dẫn hơn một câu chuyện tán gẫu. Thứ hai, tính khách quan của một người phụ nữ với những lập luận vững chắc không được xem xét nghiêm túc. Ở khía cạnh này, tôi không nghiệm thấy nam giới có lý tính (duy lý). Điều mà hệ tư tưởng gia trưởng dạy chúng ta rằng nam giới là những tồn tại duy lý tính tỏ ra không chuẩn xác.

Khi nêu vấn đề về sự loại trừ các triết gia nữ trong lịch sử triết học, chúng ta thường hỏi liệu thực sự đã từng có những phụ nữ với những thành tựu quan trọng tới mức mà họ xứng đáng được lưu danh trong lịch sử triết học. Giả sử có một số phụ nữ tạo dựng nên những hệ thống mới, như Aristotle, Kant hay Hegel, thì tên tuổi của họ không thể bị phớt lờ.

Đối với quan điểm này, những câu hỏi sau cần được xem xét: a) Chúng ta có đủ nguồn tài liệu gốc về các nữ triết gia để sử dụng với tư cách tư liệu lịch sử quan trọng? Cho tới nay, có bao nhiêu tài liệu lý giải về một nữ triết gia nhất định đã được viết? Các nguồn hiện có và sự tích lũy của các kết quả nghiên cứu và sự lý giải (nguồn tài liệu thứ cấp) là những yếu tố, căn cứ để đánh giá ý nghĩa lịch sử của bất cứ một triết gia nào.

Mary Allen Waithe miêu tả những khó khăn trong thu thập tài liệu để nghiên cứu về một nữ triết gia khi bà nỗ lực biên tập về lịch sử của các nữ triết gia[4]. Nhiều công trình (nguồn tài liệu gốc) được đề cập trong tư liệu lịch sử đã bị thất lạc hay trong tình trạng bị bám bụi ở những góc khuất của một số kho lưu trữ không nhận được sự quan tâm thỏa đáng. Trong nhiều trường hợp, việc đầu tiên chúng tôi phải thực hiện để tiến hành nghiên cứu về một nữ triết gia là trang bị cho mình tinh thần và phương pháp khảo cổ học. Chúng tôi cần đầu tư nhiều thời gian vào việc thu thập các tài liệu nghiên cứu liên quan. Có sự khác biệt lớn khi so sánh với các trường hợp về các triết gia nam nổi tiếng - các công trình của họ được công bố ở nhiều loại ấn phẩm và bảng thư mục của những nghiên cứu về triết học của họ chứa đựng trong hàng tập.

Tiến trình quyết định tư liệu nào xứng đáng được lưu giữ dựa trên sự phán xét về giá trị. Trong xã hội, nơi phụ nữ bị đánh giá thấp hơn nam giới thì chẳng có gì lăn tăn khi thái độ phớt lờ những công trình của nữ giới được phản ánh trong chính sách và thực tế ở các thư viện và văn khố. Giới tính của nhà triết học được điều tra, nếu là nữ giới, khởi đầu với quan điểm bất bình đẳng đối với nghiên cứu.[4]

b) Bối cảnh cuộc sống của nhà triết học được trung gian hóa một cách có ý thức hay vô thức bởi quá trình xác định vấn đề triết học. Chúng ta để ý sẽ thấy rằng, nếu xã hội gia trưởng đã dựa vào sự phân biệt giới để ấn định các không gian khác nhau và lối sống, thì bối cảnh cuộc sống, thế giới quan và hệ giá trị phần nào đó sẽ khác nhau từ khía cạnh giới tính. Nếu liệt kê ra những vấn đề điển hình của triết học châu Âu truyền thống, thì chúng ta có thể dễ dàng khẳng định rằng hầu hết chúng là trừu tượng và xa rời tiến trình cụ thể của việc sản xuất và tái sản xuất đời sống - cái thuộc lĩnh vực điển hình của đời sống phụ nữ[5]. Có phải vì bối cảnh đời sống của nam giới đã được tách biệt với công việc cụ thể đối với sản xuất và tái sản xuất của đời sống?

Những vấn đề xuất hiện từ lĩnh vực điển hình của đời sống phụ nữ (chẳng hạn như không gian riêng tư của đời sống, lao động sản xuất và tái sản xuất của cuộc sống) đã không được xem là vấn đề triết học. Waithe viết về cuộc thảo luận liệu các công trình của phụ nữ của trường phái Pythagore có thể được xem là triết học. Thoạt đầu, dường như đây là tuyển tập các bài giảng về công việc nội trợ và chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, đọc kỹ hơn thì rõ ràng chúng phản ánh ý nghĩa hài hòa, một khái niệm quan trọng trong triết học Pythagore, trong sự liên quan tới quản lý nhà nước và gia đình với cách thức hết sức cụ thể. Chẳng khó khăn gì khi mường tượng rằng, các sử gia nam viết về triết học không xem dạng công trình này là triết học.

Một ví dụ nữa là một công trình tầm cỡ về lịch sử khái niệm “bình đẳng” trong từ điển tiếng Đức do Reinhart Kosllek và một số học giả khác[6]biên soạn không dành nhiều hơn một câu về lịch sử của sự thảo luận về bất bình đẳng giới[7]. Việc chép sử về các nữ triết gia chứng minh rằng, chủ đề này đã được đề cập đến từ rất sớm trong tư duy triết học châu Âu (Leontion, Hipparchia…). Phải chăng thảo luận về bất bình đẳng không quan trọng đối với kết cấu của khái niệm “bình đẳng”?

“Chủ nghĩa sôvanh nam quyền” thể hiện trong việc xác định vấn đề triết học không chỉ ảnh hưởng tới công việc triết học của nữ giới. Có bao nhiêu người biết rằng John Stuart Mill viết tác phẩm Bàn về tự do/On Liberty và có bao nhiêu người biết đến tác phẩm Sự nô dịch của phụ nữ/The Subjection of Women của ông? Có phải học thuyết tự do về giải phóng phụ nữ của ông được hiểu phổ biến với tư cách là bộ phận cấu thành học thuyết triết học chính trị về chủ nghĩa tự do của ông?

c) Bối cảnh đời sống của nhà triết học cũng ảnh hướng tới phương pháp làm triết học. Có thể nhận thấy rằng, Hildegard von Bingen (1098-1179) đã phát triển thứ triết học về thuyết thần bí trung cổ sớm hơn Meister Eckhard (1260-1327) nhiều. Tuy nhiên, bà thường ý thức về sự thiếu hụt sự giáo dục học thuật chính thống và không tự tin viết ra quan điểm của riêng mình. Chúng ta cần phải phản tư về sự liên kết giữa hình thức và phương pháp triết học và kiểu lý tính được phát triển trong các thể chế hàn lâm và không gian công khác, là nơi mà phụ nữ bị gạt ra ngoài lề trong một thời gian dài. Chúng ta phải có thái độ cởi mở với phương pháp triết học (miêu tả tầm nhìn, hình thức kể chuyện hay đàm thoại…) được phát triển ở lĩnh vực tiêu biểu của nữ giới.

Thật thú vị khi thấy rằng, những điều tương tự như vậy có thể được nhận ra khi bàn về triết học nữ quyền và triết học liên văn hóa: triết học nữ quyền nhắm tới sự cải tổ triết học thông qua việc chuyển sự chú ý của nó sang khía cạnh giới. Nó mang lại kết quả trong xác định vấn đề triết học, sự đa dạng phương pháp… Nó không có nghĩa là một lĩnh vực mới của triết học, mà là một thách thức nhằm giải phóng triết học khỏi những hạn chế khác nhau xuất phát từ sự mù mờ giới của nó. Đó không phải là hiện tượng biệt lập mà dựa trên nghiên cứu liên ngành về phụ nữ như là một bộ phận của phong trào phụ nữ nhắm tới sự thay đổi thực tế của thế giới[8].

II. Thực trạng triết học ở Hàn Quốc

Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo được truyền vào Hàn Quốc từ thế kỷ IV tới thế kỷ VII. Các thành tố tư duy mang tính Đạo giáo đã hiện diện ở Hàn Quốc trước khi Đạo giáo từ Trung Quốc truyền vào Hàn Quốc. Theo thời gian, các nhà tư tưởng Hàn Quốc phát triển triết học Hàn Quốc trên nền tảng tiếp thu Khổng giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Sự tiếp xúc của các nhà triết học Hàn Quốc với triết học phương Tây có lẽ khởi đầu vào năm 1631 thông qua sách đến từ Trung Quốc được viết bằng tiếng Trung bởi các nhà truyền giáo (chủ yếu là dòng Tên)[9]. Vào cuối thế kỷ XVIII, hơn bao giờ hết các sách về công nghệ, vũ trụ, khoa học tự nhiên của phương Tây và Kitô giáo được giới thiệu và truyền cảm hứng từ các học giả Khổng giáo Hàn Quốc. Họ là những trí thức phê phán những người thách thức thuyết Trung Hoa trung tâm (Sino-centrism) (Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ về địa lý cũng như về văn hóa) và trăn trở về cuộc cải tổ xã hội phong kiến dưới triều đại Choson (triều đại cuối cùng của bán đảo Triều Tiên, 1392-1910). Họ quan tâm tới tri thức khoa học - cái có thể cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân thường. Họ cam kết về sự tham gia xã hội thực sự. Để đạt được điều này, họ thấy rằng cần phải phản bác khuôn mẫu triết học của Tân Khổng giáo cả về lý thuyết và thực hành. Đồng thời, họ “nỗ lực đưa ra lý giải mới về ý nghĩa nguyên thủy của Khổng giáo từ quan điểm cải tạo xã hội “hiện thực” trong khi chống lại Tân Khổng giáo chính thống”[10]. Đó là một minh chứng của sự tiếp xúc bình đẳng của hai nền văn hóa. Song, những nỗ lực của họ không mang lại kết quả trong thực tế.

Nửa sau của thế kỷ XIX, Hàn Quốc đứng trước mối đe dọa của nhiều thế lực thực dân được trang bị bởi văn minh phương Tây. Có hai thái cực và thái độ xung đột nhau khi đối mặt với những mối đe dọa này: một phái gồm của nhóm ưu tú nỗ lực dựa vào truyền thống Hàn Quốc, còn phái kia muốn tiếp thu văn hóa và văn minh phương Tây càng sớm càng tốt và nhiều tới mức có thể.

Sự cai trị Hàn Quốc của Nhật Bản vào năm 1910 khơi mào sự tự phê phán sâu sắc ở các trí thức Hàn Quốc. Tân Khổng giáo Hàn Quốc, hệ tư tưởng thống trị của triều đại Choson bị quy trách nhiệm trước tất thảy mọi thứ. Triết học Hàn Quốc truyền thống, vốn không thành công trong việc tạo dựng một kế hoạch cho con đường tự trị và hiện đại hóa xã hội Hàn Quốc, đã tạo ra không gian cho triết học phương Tây. Có một số sinh viên sang châu Âu hay Mỹ nghiên cứu về triết học.

Năm 1945, Hàn Quốc thoát khỏi sự cai trị của Nhật Bản và sau đó bị chia cắt thành Nam Triều Tiên (dưới sự bảo trợ của quân đội Mỹ) và Bắc Triều Tiên (dưới sự bảo trợ của quân đội Liên Xô). Sự chia cắt quốc gia, cái bị đẩy mạnh bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), dẫn đến sự phân liệt về hệ tư tưởng: cánh tả ở miền Bắc và cánh hữu ở miền Nam. Chính sách chống cộng cực đoan của chính phủ quân sự Mỹ (1945-1948) và tiếp theo là chế độ độc tài Hàn Quốc đã đặt dấu chấm hết cho việc tiếp thu triết học mácxít ở Nam Triều Tiên.

Hệ tư tưởng hiện đại hóa phương Tây song hành cùng các kế hoạch phát triển kinh tế dưới chế độ độc tài quân sự đã ảnh hưởng tới nhiều xu hướng trong tiến trình hình thành triết học Hàn Quốc đương thời. (a) Nó thúc ép nỗ lực “nhập khẩu” triết học phương Tây. Khát vọng học tập cái mới từ một thế giới phát triển, quyền lực và chưa biết mạnh đến nỗi mà các nhà triết học Hàn Quốc cố gắng tiếp cận mọi dòng triết học phương Tây, tuy nhiên, đảm bảo cho họ đủ thời gian để nhận thức sự liên quan của nó đến bối cảnh Hàn Quốc. b) Trong sự bùng nổ này, triết học Hàn Quốc truyền thống không bị bỏ qua hay cổ súy cho sự bám chặt một cách thái quá vào truyền thống này. c) ở cả hai phương thức, có xu hướng phi bối cảnh hóa triết học Hàn Quốc. Triết học được giảng dạy trong các trường đại học Hàn Quốc ngày càng thiếu hấp dẫn đối với sinh viên và dân chúng. Cùng với đó, phong trào phản kháng chống độc tài ngày càng lớn mạnh. Trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, các nhà hoạt động sinh viên bắt đầu tiếp thu triết học mácxít và khám phá mối liên hệ giữa triết học và thực tiễn. Nhiều cuốn sách giới thiệu về triết học trên nền tảng của cái gọi là “chủ nghĩa Mác chính thống” được xuất bản. Một trong số đó là Những bài luận về triết học(1983), cuốn sách đắt khách nhất ngay sau khi xuất bản. Hàng trăm nghìn bản đã được tiêu thụ trong vòng hai năm. Bên cạnh một số phê phán chống lại kiểu giới thiệu này về triết học, thì bản thân hiện tượng đó đã nhận được sự quan tâm hết sức nghiêm túc. Đó là thách thức đối với triết học chính thống phi bối cảnh hóa không xem xét vấn đề hiện thực và không thể hiểu được, ngoại trừ một số chuyên gia[11]. Sinh viên đặt tên cho kiểu triết học mà họ mong muốn là “triết học xã hội”. Họ đòi hỏi các nhà quản lý đại học cung cấp những khóa học về “triết học xã hội” và mời giáo sư giảng dạy các khóa học này. Dù sự đổ vỡ của các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã khiến nhiều sinh viên và các học giả trẻ đánh giá lại triết học mácxít và làm phai nhạt sự nhiệt tình ban đầu của họ, song tôi tin rằng đó là sự trải nghiệm lịch sử rất tốt thách thức các nhà triết học Hàn Quốc suy nghĩ về mối quan hệ giữa triết học và bối cảnh hiện thực của nó.

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngày càng có nhiều nỗ lực nhận thức mối quan hệ giữa triết học và bối cảnh thực tiễn của nó cũng như việc nhận thức vị thế của truyền thống triết học Hàn Quốc trong việc xác định vấn đề của triết học Hàn Quốc đương thời[12]. Sự phân chia cứng nhắc triết học phương Đông và phương Tây được định chế hóa (theo phòng ban, chương trình giảng dạy…) ở Hàn Quốc đã bị chất vấn. Nếu chúng ta muốn tạo nên sự đóng góp triết học đối với những vấn đề của xã hội đương thời, thì sẽ là thuận lợi hơn khi viện dẫn nguồn kinh điển của cả triết học phương Tây lẫn phương Đông.

Đã có một số sự phát triển tích cực trong lĩnh vực này: các nhà triết học Hàn Quốc (chủ yếu chuyên ngành triết học phương Đông) đã bắt đầu thể hiện vị thế triết học hướng tới những vấn đề của xã hội đương thời, chẳng hạn những đóng góp của họ đối với sự phát triển triết học sinh thái. Có một số nhà triết học nữ (chuyên ngành triết học phương Đông hay phương Tây) đang nỗ lực khám phá những lực lượng giải phóng trong kinh điển Khổng giáo hay Phật giáo cũng như đọc lại các kinh điển triết học phương Đông từ quan điểm nữ quyền. Một số nghiên cứu so sánh về khái niệm “giải kiến tạo” (deconstruction) giữa các nhà triết học hậu hiện đại và Lão Tử hay Trang Tử cũng được xuất bản.

Lịch sử dấn thân của phụ nữ vào tư duy triết học Hàn Quốc rất ngắn. Trong xã hội Khổng giáo truyền thống, phụ nữ không được tiếp cận với nền giáo dục chính thống. Năm 1998, tuyển tập các công trình của Yunjidang, một nữ triết gia Khổng giáo dưới triều đại Chosun được xuất bản ở Hàn Quốc, song đó là một ngoại lệ. Năm 1886, trường học đầu tiên dành cho nữ giới, trường Ewha Hakdang, được thành lập bởi bà Scranton, nhà truyền giáo của Methodist Episcopal Church (Mỹ). Vào thời điểm đó, đây là một tư tưởng cách mạng vì nó phá vỡ phong tục truyền thống và mang lại cho phụ nữ cơ hội tiếp cận một nền giáo dục mới, điều vốn rất khó khăn ngay cả với nam giới vào thời điểm đó. Cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều trường theo giáo dục hiện đại được xây dựng bởi các nhà truyền giáo hay người Hàn Quốc. Thời điểm đó, “khai sáng” là thuật ngữ chính cho các trí thức thực hiện cam kết xã hội. Năm 1910, trường cao đẳng dành cho phụ nữ đầu tiên được thành lập trong trường Ewha Hakdang (trường này được thừa nhận là trường đại học sau khi giải phóng khỏi Nhật Bản năm 1945). Các khóa học triết học được mở thường xuyên với tư cách là một phần của nghiên cứu đại cương.

Dù có nhiều trường đại học dành cho cả nam lẫn nữ sau năm 1945, song số lượng phụ nữ trong các trường đại học rất khiêm tốn. Trong bối cảnh đó, trường Ewha đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng trong giáo dục đại học của phụ nữ ở Hàn Quốc. Trường Đại học Phụ nữ Ewha (Womans University) thành lập khoa Triết học năm 1974 (khoa Triết học đầu tiên ở Hàn Quốc được thành lập năm 1926 tại Trường Đại học Hoàng gia Kyongsong Imperial University). Shin Ok Hi, cựu sinh viên trường Ewha (khoa tiếng Anh), là phụ nữ Hàn Quốc đầu tiên nhận được bằng Tiến sĩ triết học và trở thành nữ giáo sư triết học đầu tiên tại trường này năm 1976[13].

Hiện tại, có khoảng 50 trường đại học Hàn Quốc có khoa Triết học. Số nữ giáo sư vào khoảng 12, trong đó có 5 người giảng dạy ở trường Ewha. Hầu hết các trường đại học không có thành viên nữ trong khoa Triết học. Hiện nay, có khoảng 80 nữ giảng viên triết học thuộc Hội Triết học phụ nữ Hàn Quốc (Society of Feminist Philosophy in Korea).

III. Chương trình giảng dạy triếthọc trong các trường đại học Hàn Quốc

Ở các trường đại học của Hàn Quốc, các sinh viên khởi đầu với những khoá học đại cương trong vòng 1 hoặc 2 năm. Sau đó, họ lựa chọn một chuyên ngành chính. “Chương trình đại cương" nhằm cung cấp giáo dục mở rộng và đào tạo học thuật căn bản trong lĩnh vực nhân văn và giúp sinh viên quyết định lựa chọn chuyên ngành chính của mình. Do vậy, có hai chương trình giảng dạy triết học khác nhau: (a) Với tư cách một phần của chương trình đào tạo đại cương và (b) dành cho những sinh viên nghiên cứu triết hướng đến mục tiêu đạt được văn bằng học thuật Cử nhân văn chương, Thạc sĩ văn chương và Tiến sĩ.

1. Chương trình triết học - một phần của nghiên cứu đại cương

Giảng dạy triết học với tư cách một phần của nghiên cứu đại cương lâm vào khủng hoảng. Trong thập kỷ qua, nguyên lý "thị trường tự do" và "hướng tới khách hàng" đã tác động tới vấn đề tổ chức của các trường đại học Hàn Quốc. Ngày càng có nhiều khóa học trở thành những khóa học tự chọn. Các khóa học và các chương trình nghiên cứu (các môn học thuật, hàn lâm) không tuyển đủ sinh viên buộc phải hủy bỏ. Cùng với xu hướng này, nghiên cứu ở đại học với tư cách sự chuẩn bị cho nghề nghiệp, các khóa học và chương trình nghiên cứu không trực tiếp giúp sinh viên tìm được việc làm thì có rất ít sinh viên lựa chọn. Đã có khá nhiều khóa học liên quan tới triết học bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất dẫn tới sự hủy bỏ những khóa học này. Cũng có hiện tượng chứng tỏ sự quan tâm rất lớn đến triết học dành cho sinh viên và dân thường. Một số nhà triết học thuyết giảng ở các tổ chức bên ngoài trường đại học, chẳng hạn, các trung tâm văn hóa hay các viện tư nhân. Các khóa học này luôn chật cứng người. Do vậy, sự thiếu hứng thú đối với các khóa học ở các trường đại học phải có lý do khác nữa. Theo tôi, cần phải làm gì đó đối với đặc tính nội tại của triết học giảng dạy trong các trường đại học Hàn Quốc - nơi triết học trở nên phi hiện thực.

Gần đây, các khoa Triết học ở các trường đại học khác nhau đã có những nỗ lực cung cấp các khóa học với các chủ đề hấp dẫn sinh viên. “Cách tiếp cận triết học đối với vấn đề tính dục”, “Đạo đức y sinh học”, “Vấn đề hiện đại và hậu hiện đại”, “Triết học và phim ảnh”, “Triết học truyền thông”, “Suy tư triết học về công nghệ thông tin”, “Văn hóa và tư tưởng” là những chủ đề phổ biến rất được yêu thích. Đại học Quốc gia Seoul đã hợp nhất bốn khóa học giải quyết những vấn đề cụ thể của xã hội đương thời: triết học giới và đạo đức tính dục; đạo đức y sinh học, máy tính và tâm thức; nhận thức triết học về các vấn đề của xã hội hiện đại[14].

Dĩ nhiên, chương trình giảng dạy không nên lệ thuộc vào sự phổ biến hay chạy theo mốt “thời thượng”. Chỉ riêng sự phổ biến không phải là thước đo sự thành công của khóa học triết học. Tuy nhiên, triết học cần nhạy bén với nhu cầu của thời điểm nhất định và thực tiễn xã hội tác động tới mối quan tâm của sinh viên và dân thường.

Đại học Phụ nữ Ewha là nơi duy nhất mở các khóa học triết học nữ quyền trong chương trình nghiên cứu đại cương. Khoa liên ngành dành cho nghiên cứu của nữ giới và Viện nghiên cứu dành cho phụ nữ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trongsự phát triển của chương trình giảng dạy nữ quyền trong hợp tác liên ngành[15]. Các khóa học mở kỳ học mùa xuân năm 2002 là “Toàn cầu hóa và giới", “Nữ quyền và công bằng xã hội”, “Cuộc sống, xã hội và công bằng”, “Triết học nữ quyền”[16].

2. Chương trình giảng dạy ở các khoa Triết học

Các khoá học trong các trường đại học ở Hàn Quốc thường hướng tới việc cung cấp tổng quan hay những tri thức cơ bản tối thiểu. Tên của các khóa học thường mang tính chung và không thể hiện một chủ đề cụ thể. Các khóa học có thể được phân chia như sau:

- Giới thiệu chung về triết học phương Tây hay triết học phương Đông.[16]

- Lịch sử triết học (lịch sử triết học cổ đại phương Tây, lịch sử triết học trung cổ phương Tây, lịch sử triết học hiện đại phương Tây - chủ nghĩa duy lý)…

- Giới thiệu những môn học của triết học (siêu hình học và bản thể luận, nhận thức luận, thẩm mỹ học, đạo đức học, triết học xã hội, triết học pháp quyền…).

- Giới thiệu những vấn đề triết học.

- Lôgíc học và phương pháp luận triết học.

- Giới thiệu những trường phái triết học xác định hay những triết gia xác định (triết học Nietzsche…).

- Đọc các tác phẩm kinh điển bằng ngôn ngữ nước ngoài.

Kiểu chương trình giảng dạy này nặng về tính bảo thủ. Các giảng viên thường tuân theo nội dung chuẩn trong công việc giảng dạy. Không có nhiều không gian cho việc đưa ra những vấn đề mới xuất phát từ bối cảnh mới và thảo luận về chúng. Sự phi bối cảnh hóa của triết học đã được định sẵn trong chương trình.

Các khóa học này thường được mở với các bài giảng cung cấp kiến thức tổng quan và trong một khung thời gian hạn chế. Điều này dẫn tới mối quan hệ giữa giảng viên - sinh viên theo kiểu chiều dọc và mang nặng tính truyền thống. Sinh viên rất thụ động.

- Các khóa học về triết học phương Đông được mở ở hầu hết các trường đại học với quy mô khác nhau tùy theo mỗi trường đại học. Có một số trường đại học được đảm nhiệm bởi các viện Khổng giáo hay Phật giáo, nó có các khoa hay phòng độc lập về triết học phương Đông[17]. Tuy nhiên, số lượng các khóa học về triết học phương Đông thường ít hơn nhiều so với các khóa học về triết học phương Tây. Tôi đã tiến hành so sánh số lượng các giáo sư về triết học phương Tây với các giáo sư về triết học phương Đông ở 10 trường đại học lớn có khoa triết học ở Seoul[18]: con số là 60 so với 20.

- Trong chương trình giảng dạy, triết học phương Tây thường bao gồm triết học Đức, Pháp, Anh và Mỹ. Triết học phương Đông bao gồm triết học Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ (Phật giáo). Điều này có nghĩa chương trình giảng dạy được định hướng cho triết học từ cái gọi là các nền văn hóa siêu đẳng. Một sự nhận thức phê phán về sự hài hòa của quyền lực văn hóa là cần thiết.

- Có rất ít khóa học so sánh triết học Đông – Tây với lý do có rất ít giáo sư có đủ tri thức về cả hai nền triết học. Điều này dẫn tới một khiếm khuyết lớn liên quan tới nền tảng cho sự phát triển của triết học liên văn hóa. Việc triết học hóa về “vấn đề” liên quan tới nguồn gốc cái có liên quan bất kể nguồn gốc vùng miền của nó là rất cần thiết. Đó là “vấn đề” mà chúng ta phải nỗ lực giải quyết. Tri thức về các truyền thống triết học rất quan trọng, tới mức nó có thể giúp đỡ việc giải quyết vấn đề này.

- Không có khóa học đặc biệt đưa ra vấn đề từ quan điểm giới. Có thể có cá nhân giảng viên đưa ra thảo luận từ quan điểm giới ở khóa học giới thiệu về môn học triết học, lịch sử triết học hay những vấn đề triết học. Song, theo trải nghiệm của tôi, những trường hợp đó rất hiếm thấy. Có rất ít tài liệu viết bằng tiếng Hàn từ quan điểm giới có thể sử dụng được ở một khóa học. Tôi chỉ biết có hai trường đại học hay cao đẳng có một khóa học về triết học nữ quyền thành chương trình chính thức (cho đến năm 2000). Đại học Phụ nữ Ewha trong khung chương trình của nghiên cứu đại cương và thảo luận chuyên đề phương pháp thần học có trong chương trình của khoa Triết học về tôn giáo.

Trong bối cảnh đó, thật đáng chú ý là khoa Nghiên cứu của phụ nữ ở Đại học Phụ nữ Ewha có chương trình đặc biệt về triết học nữ quyền đào tạo bậc tiến sĩ. Các khóa học trong chương trình này gồm: xây dựng lý thuyết nữ quyền, nữ quyền tự do, hậu hiện đại và nữ quyền, các lý thuyết phong trào nữ quyền, các lý thuyết nữ quyền, các cách tiếp cận nữ quyền với triết học phương Đông, nhận thức luận nữ quyền, đạo đức nữ quyền, phép biện chứng và thuyết nữ quyền, phụ nữ và tôn giáo.

IV. Một số đề xuất đưa quan điểmgiới vào giảng dạy triết học

Thật sự cần thiết phải giới thiệu những khoá học đặc biệt, những khóa học đặt ra vấn đề về sự mù mờ giới trong thực tiễn triết học nhưng lại có tham vọng hướng tới tính phổ quát. Trong giai đoạn đầu, điều đặc biệt quan trọng là vấn đề về ý thức dựa trên nền tảng quan điểm giới trở nên rõ nét qua những tên khóa học rõ ràng. Tuy nhiên, không nên có bất cứ sự hiểu lầm nào từ điều này, kiểu như coi triết học nữ quyền là môn học riêng bên cạnh những môn học khác (nhận thức luận, triết học xã hội…). Triết học nữ quyền đòi hỏi sự thay đổi về quan điểm, đòi hỏi sự cải tổ toàn bộ triết học thông qua nhận thức phê phán trên nền tảng quan điểm giới.

Với nhận thức này, tôi đề xuất nội dung của chương trình của các khóa học triết học như sau:

a) Phản tư mang tính phê phán cả về vai trò của quan hệ quyền lực (liên quan tới giới) trong quy trình xây dựng lý thuyết và tái dựng lịch sử sẽ lý giải tại sao và bằng cách nào phụ nữ bị gạt ra ngoài lề trong xây dựng hệ thống và tái dựng lịch sử triết học.

b) Thư mục tài liệu và công trình triết học của các nhà triết học nữ cần được giới thiệu trong các khóa học. Địa vị của các nhà triết học nữ và ý nghĩa lịch sử từ các thành tựu của họ nên được phục hồi. Nếu bạn đưa ra một khóa học giới thiệu về lịch sử triết học, thì cần cố gắng tìm hiểu liệu có bao nhiêu nhà triết học nữ trong giai đoạn lịch sử triết học mà bạn định giới thiệu. Chẳng hạn, nếu bạn giới thiệu về Leibniz, Anne Conway, thì Leibniz tiếp thu khái niệm Monad từ ai, phải được thừa nhận. Ý nghĩa của Aspasia trong sự liên quan tới phương pháp triết học Socrates cần được đưa vào các khóa học về triết học Hy Lạp cổ đại. Nếu bạn giải quyết chủ đề về nhân quyền và nếu Bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1789 của Cách mạng Pháp là một phần trong chương trình của bạn, thì Bản tuyên ngôn về quyền của nữ giới được Olympe de Gouges (1748-1793) công bố sau đó ít ngày cũng nên đưa vào đó.

c) Sự thảo luận một cách phê phán những yếu tố gia trưởng của một lý thuyết triết học, dù được thể hiện rõ ràng hay ngầm ý, cần phải được đưa vào bất kỳ khóa học nào đề cập tới các nền triết học với nhà triết học có liên quan. Chẳng hạn, trong một hội thảo chuyên đề giới thiệu về triết học của Rousseau, sự thảo luận về địa vị của nữ giới trong triết học của ông (bắt đầu với chủ nghĩa phê phán của Mary Wollstonecraft, 1759 - 1797) nên được đưa vào.

d) Có những chủ đề (chẳng hạn, bất bình đẳng giới) đã được giải quyết bởi nhà triết học, song lại bị bỏ qua bởi nhà chú giải hay nhà sử học. Cần đặc biệt chú ý tới các vấn đề, như tại sao chúng bị phớt lờ và động cơ của sự phân biệt giới là gì?... Điều này phải là một phần cấu thành của khóa học liên quan.

e) Sự thay đổi quan điểm khiến cho những sự khác biệt dễ được nhận thấy. Với sự phát triển của triết học nữ quyền trong 30 - 40 năm qua, những chủ đề mới đã xuất hiện trong lĩnh vực triết học. Vấn đề “tính khác” (tha tính) hay những thuyết trình về “sự khác biệt giới” (Judith Butler, Luce Irigaray, Hélène Cixous…), “thân thể”/body với tư cách một chủ đề triết học, “nữ quyền sinh thái”/Eco-feminism, “đạo đức quan tâm”/Care ethics”, “chính trị tính dục” là một số ví dụ. Các khóa học giải quyết những chủ đề mới này nên được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức của triết học.

Phạm Hùng dịch
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top