Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn thành phố Hà Nội

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
NĂM HỌC 2009 – 2010, KHÓA NGÀY: 24 – 06 – 2009
MÔN THI: NGỮ VĂN (HÀ NỘI)
(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề)

Phần I: 4 điểm


Cho đoạn văn sau: (…) “Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những lát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung. (…)”
(Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long – sách Ngữ văn 9, tập 1).

Câu 1:
Đoạn văn trên là lời nhân vật nào? Được nói ra trong hoàn cảnh nào? Những lời nói đó giúp em hiểu gì về hoàn cảnh sống và làm việc của nhân vât? Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống của nhân vật còn có điều gì đặc biệt?

Câu 2:
Bằng hiểu biết của em về tác phẩm, hãy cho biết: Trong hoàn cảnh ấy, điều gì đã giúp nhân vật trên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Câu 3:
Chỉ ra một câu có sử dụng phép nhân hóa trong đoạn văn trên.

Phần II: 6 điểm

Hình ảnh mùa xuân được khắc họa thật đẹp trong đoạn văn sau:

“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”


Câu 1:
Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời tác phẩm ấy?

Câu 2:
Dựa vào đoạn thơ trên, em hãy viết một đoạn văn dài khoảng 10 – 12 câu theo cách lập luận – tổng hợp – phân tích – tổng hợp, trong đó có sử dụng phép nối và một câu chứa thành phần tình thái với chủ đề: vẻ đẹp của mùa xuân, thiên nhiên và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy (gạch dưới thành phần tình thái và những từ ngữ dùng làm phép nối).

Câu 3:
Cũng trong bài thơ trên có câu:
“Mùa xuân người cầm súng / lộc giắt đầy trên lưng).
Trong câu thơ trên, từ “lộc” được hiểu như thế nào? Theo em, vì sao hình ảnh “người cầm súng” lại được tác giả miêu tả là “lộc giắt đầy trên lưng”.?

GỢI Ý


Phần I: 4 điểm

Câu 1: Đoạn văn là lời của nhân vật thanh niên, nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long kể về công việc của mình cho ông họa sĩ già và cô kỹ sư nông nghiệp trẻ, qua lời giới thiệu của bác lái xe, lên thăm nơi làm việc của anh thanh niên trên đỉnh núi Yên Sơn cao hai ngàn sáu tram mét trong thời gian ba mươi phút.

  • Những lời tâm sự đó giúp em hiểu: nhân vật anh thanh niên đó sống một mình trên núi cao, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi ở Sa Pa.
Công việc của anh là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, chiến đấu. Anh lấy những con số, mỗi ngày báo về “nhà” bằng mấy bộ đàm lúc bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối và một giờ sáng. Công việc anh thanh niên kể trong đoạn văn là ghi báo về những con số lúc một giờ sáng trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt.

  • Ngoài khó khăn được nói đến trong đoạn trích trên, hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên còn có điều đặc biệt là: Anh thanh niên mới có hai mươi bảy tuổi, cái tuổi đang hừng hực sức sống và sự bay nhảy. Thế mà, anh đã sống một mình suốt bốn năm trên đỉnh Yên Sơn. Trong suốt bốn năm đó, ông họa sĩ già và cô gái trẻ là đoàn khách thứ hai lên thăm nhà anh. Như vậy, cái gian khổ nhất đối với anh là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng chỉ có một mình trên đỉnh núi cao, không một bóng người. Công việc của anh làm âm thầm, lặng lẽ một mình báo về “ốp” những con số để phục vụ sản xuất, chiến đấu. Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
Câu 2: Trong hoàn cảnh sống và làm việc đặc biệt ấy, điều đã giúp nhân vật anh thanh niên sống yêu đời và hoàn thành tốt nhiệm vụ là:

  • Trước hết, anh thanh niên rất yêu nghề. Anh có những suy nghĩ đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống của con người: “Khi ta làm việc, ta với công việc là một đôi, sao gọi là một bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.
  • Anh thấy đươc công việc thầm lặng của mình có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh đã thấy mình “thật hạnh phúc” khi được biết một lần đo phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên bầu trời Hàm Rồng.
  • Cuộc sống của anh không cô đơn, buồn tẻ, anh không phải là người “cô độc nhất trên thế gian” như lời giới thiệu của bác lái xe. Vì anh có một nguồn vui khác nữa ngoài công việc: Đó là niềm vui đọc sách mà lúc nào anh thấy cũng như có người bạn để trò chuyện.
  • Anh biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình ở trạm khí tượng thật ngăn nắp, chủ động: Nuôi gà, trồng hoa, tự học và đọc sách ngoài giờ làm việc.
Câu 3: Chép một trong hai câu có sử dụng phép nhân hóa trong đoạn văn:

  • “Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”.
  • Hoặc là câu: “Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị gió chặt ra từng khúc, mà gió thì giống như những nhát chổi lớn muốn quét đi tất cả, ném vứt lung tung”.
Phần II: 6 điểm
Hình ảnh mùa xuân được khắc họa thât đẹp trong đoạn thơ sau:
Hình ảnh mùa xuân được khắc họa thật đẹp trong đoạn văn sau:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Câu 1: Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.
Bài thơ được viết vào tháng 11 – 1980, không bao lâu trước khi tác giả qua đời, thể hiện niềm yêu mến thiết tha cuộc sống, đất nước và ước nguyện được cống hiến của tác giả.
Câu 2: Đoạn văn viết phải đảm bảo được những yêu cầu sau:

  1. Về hình thức: là đoạn văn tổng – phân – hợp, đúng số câu đề bài quy đinh (khoảng từ 10 đến 12 câu), không sai lỗi chính tả. lỗi ngữ pháp, chữ viết sạch sẽ, rõ nét.
  2. Về nội dung:

  • Câu mở đoạn: giới thiệu khổ thơ nằm ở phần đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.
  • Ý chính: Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của mùa xuân xứ Huế và cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp ấy.
  • Thân bài: đảm bảo được rõ hai mạch ý.
  • Ý 1: mùa xuân thiên nhiên xứ Huế được miêu tả qua vài nét khắc họa: Dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời.
Qua vài nét khắc họa nhưng tác giả vẽ ra được cả không gian mênh mông, cao rộng của dòng sông xanh, hoa tím biếc – màu tím đặc trưng cho xứ Huế; cả âm thanh rộn rã của chim chiền chiện hót vang trời vọng từ trên cao, bông hoa mọc lên từ nước, giữa dòng sông xanh. Bức tranh xuân còn tràn trề sức sống được thể hiện qua nghệ thuật đảo ngữ. Từ “mọc’ lên trước chủ ngữ và đứng đầu khổ thơ.

  • Ý 2: cảm xúc của tác giả sâu sắc, say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp tươi sáng tràn trề sức sống của mùa xuân được bộc lộ qua lời gọi, lời gọi chim “Ơi”, “hót chi”; qua sự chuyển đổi cảm giác, cảm nhận âm thanh tiếng chim từ chỗ: Cảm nhận âm thanh bằng thính giác chuyển thành “từng giọt”, có hình, khối, cảm nhận bằng thị giác. “Từng giọt long lanh” ấy có ánh sáng, màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác: “Tôi đưa tay tôi hứng”.
Kết đoạn: hình ảnh mùa xuân được khắc họa thật đẹp ở khổ 1 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, được viết vào tháng 11, thời tiết lúc đó đang là mùa đông giá rét. Tác giả đang bị bệnh nặng, chỉ hơn một tháng ông qua đời. Vì vậy, qua khổ thơ, bạn đọc cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống tha thiết của nhà thơ – người có công xây dựng nền văn học cách mạng miền Nam từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

  1. Về ngữ pháp:

  • Sử dụng đúng, thích hợp các thành phần tình thái và phép nối trong đoạn.
  • Gạch chân, chú thích rõ ràng thành phần tình thái được sử dụng trong một câu và những từ ngữ dùng làm phép nối trong đoạn văn.
Câu 3: Từ “lộc” trong câu thơ là từ có tính nhiều nghĩa.

  • Nghĩa chính: là những mầm non nhú lên ở cây khi mùa xuân đến.
Nghĩa chuyển: sức sống, sức phát triển của đất nước, với nhiệm vụ bảo vệ đất nước trong những ngày đầu xuân.

  • Hình ảnh “người cầm súng” lại được tác giả miêu tả “lộc giắt đầy trên lưng” là vì: Trên đường hành quân, trên lưng của người lính lúc nào cũng có những cành lá để nguy trang, trên đó có những lộc non mới nhú lên khi mùa xuân đến. Với nghĩa chuyển của từ “lộc”, ta cảm nhận anh bô đội như mang trên mình mùa xuân của đất nước. Anh cầm súng để bảo vệ mùa xuân tươi đẹp đó. Cách diễn đạt sức sống của một đất nước vào mùa xuân với nhiệm vụ lớn lao: Bảo vệ đất nước thật cụ thể và sinh động.
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 – NĂM HỌC 2007 – 2008
ĐỀ BÀI (Thời gian làm bài: 120 phút).

Phần I: 7 điểm


Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tác nghệ thuật. Mở đầu tác phẩm của mình, một nhà thơ viết:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác…”
Và sau đó tác giả viết:
“…Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”.


Câu 1:
Những câu thơ trên trích trong tác phẩm nào? Nêu tên tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ ấy.
Câu 2: Từ những câu thơ đã dẫn kết hợp với những hiểu biết của em về bài thơ, hãy cho biết cảm xúc trong bài thơ được biểu hiện theo trình tự nào? Sự thật là Người đã ra đi nhưng vì sao nhà thơ vẫn dùng từ “thăm” và cụm từ “giấc ngủ bình yên”?
Câu 3: Dựa vào câu thơ hãy viết một đoạn văn khoảng 10 câu theo phép lập luận quy nạp (có sử dụng phép nạp và có một câu chứa thành phần phụ chú) để làm rõ niềm kính yêu và lòng xót thương vô hạn của tác giả đối với Bác khi vào trong lăng.
Câu 4: Trăng là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thi ca. Hãy chép chính xác một câu thơ khác đã học có hình ảnh trăng và ghi rõ tác giả, tác phẩm.

Phần II: 3 điểm


Từ một truyện dân gian, bằng tài năng và sự cảm thương sâu sắc, Nguyễn Dữ đã viết thành “Chuyện người con gái Nam Xương”. Đây là một trong những truyện hay nhất được rút từ tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của ông.
Câu 1: Hãy giải thích ý nghĩa nhan đề “Truyền kỳ mạn lục”.
Câu 2: Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, lúc vắng chồng, Vũ Nương hay đùa con, chỉ vào bóng mình mà nói là cha Đản. Chi tiết đã nói lên điều gì ở nhân vật này? Việc tác giả đưa vào cuối truyện yếu tố kì ảo về sự trở về chốc lát của Vũ Nương có làm tính bi kịch của tác phẩm mất đi không? Vì sao?

Đáp án – biểu điểm


Phần I: 7 điểm

Câu 1: (2 điểm) Học sinh nêu đúng:

  • Tên tác giả: Viễn Phương – 0.5 điểm.
  • Tên tác phẩm: Viếng lăng Bác – 0.5 điểm.
  • Nêu hoàn cảnh ra đời: Năm 1976, nước nhà thống nhất, lăng Bác vừa khánh thành, tác giả ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác – 1 điểm.
(Nếu học sinh có cách diễn đạt khác mà đảm bảo đúng ý thì vẫn cho điểm)
Câu 2: (1 điểm) Học sinh nêu được:

  • Mạch cảm xúc biểu hiện theo hành trình vào lăng viếng Bác – 0.25 điểm.
  • Dùng từ “thăm”, cụm từ “giấc ngủ bình yên” ngụ ý: như Bác vẫn còn sống, như đang ngủ, gợi sự gần gũi… - 0.75 điểm.
(Nếu học sinh có cách diễn đạt khác mà đảm bảo đúng ý thì vẫn cho điểm)
Câu 3: (3 điểm) Yêu cầu chung: Đoạn văn quy nạp có đô dài khoảng 10 câu, liên kết chặt chẽ, đủ lí lẽ và dẫn chứng làm rõ ý khái quát: lòng kính yêu và niềm xót thương vô hạn của nhà thơ; biết khai thác các tín hiệu nghệ thuật, có sử dụng phép lặp và câu có thành phần phụ chú; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp…
Biểu điểm:

  • Hoàn thành tốt các yêu cầu trên – 3 điểm.
  • Đạt phần lớn các yêu cầu trên (lí lẽ dẫn chứng, phân tích chưa thật đủ để làm sáng tỏ ý khái quát, còn mắc một ít lỗi diễn đạt) – 2 điểm.
  • Chưa nêu đầy đủ nội dung khái quát hoặc phân tích sơ xài, lan man, chủ yếu diễn xuôi ý thơ, bố cục chưa thật rõ ràng, vẫn còn một số lỗi diễn đạt – 1 điểm.
  • Đoạn văn viết quá sơ sài, sai lạc về nội dung, còn nhiều lỗi diễn đạt – 0.5 điểm.
(Giám khảo căn cứ bào làm của học sinh để định ra các mức điểm còn lai)
Không phải là đoạn văn lập luận theo kiểu quy nạp – trừ 0.5 điểm.
Không có hoặc sai câu có thành phần phụ chú – trừ 0.25 điểm.
Đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn – trừ 0.25 điểm.
Câu 4: 1 điểm

  • Chép đúng một câu thơ có hình ảnh trăng – 0.5 điểm.
  • Nêu đúng tên tác giả, tác phẩm – 0.5 điểm.
Phần II: 3 điểm

Câu 1: (1 điểm) Học sinh hiểu “Truyền kỳ mạn lục”: ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền (không cần chiết tự) (thiếu mỗi ý nhỏ trừ 0.25 điểm).
Câu 2: (2 điểm) Học sinh thấy được:

  • Việc làm của Vũ Nương thể hiện tình thương đối với con, tình yêu đối với chồng, khát vọng sum họp gia đình – 0.75 điểm.
  • Yếu tố kì ảo ở cuối truyện – sự trở về chốc lát của Vũ Nương:
+ Tính bi kịch của tác phẩm vẫn còn – 0.25 điểm.
+ Vì sự trở về và những lời thoại… chỉ là ảo ảnh: Nó làm dịu bớt nỗi đau của những người bất hạnh: Hạnh phúc thực sự của gia đình không còn, Trương Sinh vẫn phải dằn vặt đau khổ… - 1 điểm.
(Thiếu mỗi ý nhỏ trừ 0.25 điểm, nếu học sinh có cách diễn đạt khác mà đảm bảo đủ ý thì vẫn cho điểm)
Chú ý: điểm toàn bài là tổng điểm thành phần không làm tròn số.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top