Đề thi tuyển sinh môn văn lớp 10 tỉnh Bình Thuận (kèm đáp án)

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH THUẬN
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 NĂM HỌC 2007 -2008
ĐỀ BÀI (Thời gian làm bài 120 phút)

Câu 1: 2 điểm


a. Từ “xuân” trong hai câu thơ sau, từ nào mang nghĩa gốc, từ nào mang nghĩa chuyển:

a1: Làn thu thủy, nét “xuân” sơn.

a2: “Xuân” xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

b. Các tổ hợp sau đây là tục ngữ hay thành ngữ?

- Màn trời chiếu đất

- Nước mắt cá sấu.

Nghĩa của mỗi tổ hợp từ ấy là gì ?

Câu 2: 4 điểm


Ngày xuân con én thoi đưa
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du).

Nêu cảm nhận của em về bốn câu thơ trên (Viết không quá bốn mươi dòng).

Câu 3: 4 điểm


Con đường mỗi ngày đến trường (Viết không quá bốn mươi dòng).

ĐÁP ÁN


Câu 1: 2 điểm

a. Yêu cầu nêu được nghĩa gốc, nghĩa chuyển của từ “xuân” và cách cho điểm như sau:

- Từ “Xuân” ở câu a1 là nghĩa gốc: 0.25 điểm
Nghĩa của từ “xuân” ở câu trên là mùa xuân: 0.25 điểm

- Từ “xuân” ở câu a2 là nghĩa chuyển: 0.25 điểm.

Nghĩa của từ “xuân” ở đây là chỉ tuổi trẻ (tuổi xuân): 0.25 điểm.

b. Học sinh nêu được:

- Các tổ hợp từ đều là thành ngữ: 0.5 điểm

- Nghĩa của thành ngữ ”Nước mắt cá sấu” là muốn nói đến giọt nước mắt của những kẻ tỏ ra sự cảm thông, thương xót nhưng giả dối để đánh lừa người khác. 0.25 điểm

- Nghĩa thành ngữ “Màn trời chiếu đất” là không nhà cửa, chịu cảnh dãi dầu mưa nắng.

Câu 2: 4 điểm

Về kiến thức
: học sinh cảm nhận đoạn thơ và diến đạt bằng nhiều cách khác nhau, miễn sao tỏ ra hiểu được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Trong 4 câu thơ, tách ra làm hai phần, cụ thể như sau:

a. Hai câu thơ trước: vừa nói không gian, vừa gợi thời gian. Có thể trình bày theo hai cách (cả hai đều chấp nhận).

- Cách 1: bám sát vào giải thích để làm rõ nội dung.
Ngày xuân con én bay đi bay lại như chiếc thoi đưa. “Chiếc thoi đưa” nhằm nói thời gian trôi qua nhanh qua. “Thiều quang” chỉ ánh sáng đẹp, chỉ ánh sáng ngày xuân. Ý câu thơ là ba tháng mùa xuân có chín mươi ngày (chín chục) mà nay đã qua sáu mươi rồi, tức là đã hết tháng giêng và tháng hai, đã bước sang tháng ba.

- Cách 2: không bám vào giải thích thành ngữ nhưng vẫn nêu được nội dung.
Ngày xuân thấm thoát trôi mau, tiết trời đã chuyển sang tháng 3 – tháng cuối của mùa xuân. Những con chim én bay liệng như thoi dệt cửi chao qua đảo lại giữa bầu trời trong sáng. Ngoài việc tả cảnh, tác giả còn ngụ ý tiếc ngày xuân trôi qua nhanh quá.

b. Hai câu sau:

Một màu cỏ non trải rộng mênh mông đến tận chân trời, trên cái nền màu xanh cảu mùa xuân ấy, điểm vài bông hoa lê trắng làm cho cảnh vật không đơn điệu, nhưng trở nên thoáng nhẹ và hài hòa, gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân thanh thoát, khoáng đạt.

Chỉ bốn câu thơ, chi tiết không nhiều, chấm phá đôi nét, khá chọn lọc: có chim én bay, một vài bông hoa trắng, nền cỏ xanh nhưng đã vẽ nên được cái hồn của bức tranh mênh mông đầy sức sống.

Về kỹ năng


- Bố cục bài viết rõ ràng, trình bày bài viết mạch lạc.

- Văn viết trôi chảy, lập luận vấn đề chạt chẽ, sắc sảo.

- Ít mắc lỗi chính tả và diễn đạt.

Cho điểm

- Điểm 4:

+ Bài làm đáp ứng được yêu cầu ở đáp án.

+ Nêu xuất xứ đoạn thơ, cảm nhận tinh tế. Văn trong sáng, có hình ảnh.

+ Ít mắc lỗi chính tả và diễn đạt.

- Điểm 2:

+ Hiểu nội dung ý nghĩa đoạn thơ còn sơ sài, nhưng sai sót về kiến thức không quan trọng.

+ Văn viết tương đối rõ ý.

+ Mắc 4 đến 5 lỗi chính tả và diến đạt thông thường.

- Điểm 1:

+ Nhìn chung bài viết tuy có đề cập đến đoạn thơ nhưng chưa hiểu nội dung đoạn thơ. Văn viết lủng cũng, đôi câu không rõ nghĩa, bố cục không roc ràng. Chữ viết cẩu thả.

+ Mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt thông thường.

- Điểm 0:

+ Làm bài hoàn toàn lạc đề.

+ Hoặc chỉ viết đôi ba câu nhập đề,

Câu 3: 4 điểm

Về kiến thức:
Đây là loại đề thuyết minh kết hợp với miêu tả là chính. Con đường đến trường với học sinh là hình ảnh quá quen thuộc nhưng học sinh cư trú trên những địa bàn hoàn toàn không giống nhau (thành phố, nông thôn,miền núi, miền biển…). Vì thế, học sinh giới thiệu con đường đến trường theo cảm nhận riêng của mình, có thể đó là một hẻm phố ngắn hoặc con đường rừng dài hun hút… nhưng dù ở góc độ nào, học sinh cũng phải làm rõ được trong bài viết:

1. Hình dạng con đường và cảnh vật chung quanh (có thể con đường là một hẻm phố hai bên đường nhà san sát vơi nhau hoặc con đường đất ngang qua đồng lúa, ngoằn ngoèo xuyên qua rừng, lên dốc xuống đồi…).

2. Những ấn tượng ngày tháng với những kỉ niệm nắng mưa, sớm chiều, bạn bè…

Về kỹ năng


- Bố cục bài viết rõ ràng, trình bày vấn đề mạch lạc.

- Văn viết trôi chảy, trình bày vấn đề chặt chẽ, sắc sảo.

- Ít mắc lỗi chính tả và diến đạt.
Cho điểm

- Điểm 4:

+ Làm bài đáp ứng được các yêu cầu ở phần đáp án.

+ Biết làm bài kiểu thuyết minh kết hợp với miêu tả. Tỏ rõ quan sát tinh tế.

+ Văn trong sáng, có hình ảnh.

+ Ít mắc lỗi chính tả và diễn đạt.

- Điểm 2:

+ Thuyết minh, miêu tả còn sơ sài. Óc quan sát tỏ ra hời hợt. Hoàn toàn chưa đề cập đến nội dung về “ấn tượng ngày tháng với những kỉ niệm nắng mưa, sớm chiều, bạn be” hoặc ngược lại.

+ Văn viết tương đối rõ ý.

+ Mắc khoảng 4 đến 5 lỗi chính tả và diễn đạt thông thường.

- Điểm 1:

+ Bài làm nhìn chung có nói đến con đường, nhưng quan sát tỏ ra quá hời hợt, không biết cách diễn đạt.

+ Văn viết lủng củng, đôi câu không rõ nghĩa, bố cục không rõ ràng, chữ viết cẩu thả.

+ Mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt thông thường.

- Điểm 0: bài làm hoàn toàn lạc đề, hoặc chỉ mới viết được vài ba câu nhập đề.

Lưu ý: cho câu 2 và câu 3:

- Đáp án và biểu điểm đã cân nhắc để đánh giá yêu cầu tuyển sinh, nên giám khảo không được tự ý thay đổi. Nghĩa là giám khảo không được tự ý yêu cầu cao hơn hoặc hạ thấp hơn so với đáp án và biểu điểm.

- Bài làm của học sinh không yểu cầu phải viết dài, chỉ yêu cầu căn cứ vào sự chính xác và đầy đủ những nội dung cơ bản ở đáp án để cho điểm.

Những bài có nội dung chưa thật sự đầy đủ theo yêu cầu ở từng mốc điểm, nhưng văn viết trong sáng, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, dùng từ ngữ chính xác, chữ viết sạch đẹp, giám khảo cần xem xét kỹ để cho điểm hợp lý nhất. Những bài viết đủ ý so với mốc điểm, nhưng chữ viết cẩu thả, mắc quá nhiều lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, giám khảo cần xem xét cho điểm ở giới hạn cuối hoặc thấp hơn mốc điểm. Ví dụ: Mốc điểm 4, giới hạn cuối là 3.5 hoặc thấp hơn giới hạn cuối là 3,…

- Điểm lẻ của bài làm văn là 0.5

- Khi cộng điểm toàn bài, điểm lẻ không làm tròn số. Ví dụ: 5.25 vẫn giữ nguyên là 5.25.
 
SỞ GIÁO DUC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BÌNH THUẬN
ĐỀ THI TUYỂN CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC 2006 – 2007
ĐỀ BÀI (Thời gian làm bài 150 phút)

Câu 1: 6 điểm

Cảm nhận hai khổ thơ sau trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng
(…)
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
(SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005)

Câu 2: 6 điểm

Qua đoạn trích Những đứa trẻ (Trích Thời thơ ấu của Mác – xim Go – rơ – ki theo sách Ngữ văn 9, tập một) hãy nói về tình bạn và tình mẹ con.

Câu 3: 8 điểm

Bao nì ni lông có mặt khắp nơi – lợi và hại.

Lưu ý : mỗi đề viết không quá 800 từ.

ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM


A. Yêu cầu chung

Quy định ở đề viết không quá 800 từ, nhưng không cần phải chính xác ở con số ấy, mục đích là để học sinh phải biết chọn lọc ý tứ trong diễn đạt, lập luận cho chặt chẽ, cô đọng.

Trong quá trình làm bài, học sinh có thể cảm nhận theo cách riêng sáng tạo của bản thân, nhưng phải đạt được những nội dung cơ bản về kiến thức.

B. Yêu cầu cụ thể
Về kỹ năng: bố cục bài viết rõ ràng, hành văn mạch lạc, lí luận sắc sảo, ít mắc lỗi chính tả và lỗi diến đạt.

C. Yêu cầu cụ thể
Câu 1: 6 điểm

Về nội dung:
đề yêu cầu cảm nhận hai khổ thơ (Đầu và cuối bài thơ) nhưng học sinh phải nắm được đầy đủ nội dung bài thơ để làm rõ hai hình ảnh: chiếc xe và người lính lái xe, nhưng khái quát được hình ảnh những chiếc xe không kính và tư thế, tình cảm của người lính trong những ngày chiến tranh chống Mĩ ở tuyến đường Trường Sơn.

Kính, đèn, mui xe, là trạng thái hết sức cần thiết cho người lái xe, ở đây mất hết vì “bom giật bom rung” cho thấy sự thử thách khốc liệt đối với người lính lái xe trong những năm kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Tư thế người lính vẫn “ung dung” phóng tầm nhìn bao quát trực tiếp với không gian vũ trụ bên ngoài tư thế hiên ngang, dũng cảm, lạc quan, yêu đời không hề nao núng. Họ có thể là tinh thần trách nhiệm “Vì miền Nam phía trước” và ở tình cảm cách mạng đối với lí tưởng chiến đấu, đối với nhân dân, tổ quốc: “Chỉ cần trong xe có một trái tim” là họ vượt qua tất cả mọi gian khổ hi sinh.

Về nghệ thuật:
việc miêu tả chiếc xe hiện lên khá độc đáo: tác giả đã để chất hiện thực đời sống chiến đấu tràn vào trong thơ nhiều khi đến trần trụi bằng những câu thơ gần với văn xuôi; giọng điệu thản nhiên, vẽ lên hình ảnh những chiếc xe do bom đạn chiến tranh đã làm nó méo mó, biến dạng. Không có kính, đèn, mui xe, thùng xe có xước càng gây được sự chú ý về ấn tượng khác lạ đối với người đọc.

Biểu điểm


- Điểm 6: bài làm đáp ứng được những yêu cầu ở đáp án

Cách trình bày, đặt vấn đề tỏ ra sáng tạo, hợp lí.

Văn viết có hình ảnh và cảm xúc.

Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

- Điểm 4: bài làm xác định được yêu cầu đề, nhưng cách lí giải lập luận chưa thấu đáo, có thể chưa đề cập đến những đặc điểm nghệ thuật trong hai khổ thơ.

Văn viết rõ ràng mạch lạc.

Mắc khoảng 3 đến 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

- Điểm 2: bài viết chỉ nêu lên những nội dung rất chung chung, cảm nhận thơ nhiều chỗ chưa chính xác, tỏ ra vốn sống còn nghèo nàn.

- Điểm 0: bài viết hoàn toàn lạc đề.

Hoặc chỉ viết được hai ba câu nhập đề.

Câu 2: 6 điểm

Đề nên yêu cầu: qua đoạn trích, nói về tình bạn và vị trí người mẹ trong lòng tuổi thơ.

Về đoạn trích:
Học sinh cần nắm được:

- Vài nét về tác giả, xuất sứ và nội dung đoạn trích.

- Tình bạn trong sáng, đẹp, gắn bó, cảm thông vì có chung hoàn cảnh mất mẹ, sống thiếu tình thương.

- Những hoài niệm, khát khao được sống trong tình thương của mẹ.

Phần liên hệ mở rộng:
học sinh có thể phát biểu ở nhiều góc độ về tình bạn mà sự thiêng liêng về tình mẹ con, cũng như sự chia sẻ và cảm thông với những bất hạnh tuổi thơ phải mồ côi mẹ.
Trong quá trình làm bài, học sinh có thể nói về tình bạn và tình mẹ trong đoạn trích, sau đó là liên hệ mở rộng, cũng có thể kết hợp giới thiệu phân tích đoạn trích xen kẽ với phát biểu cảm nghĩ.

Biểu điểm:


- Điểm 6: bài làm đáp án được các yêu cầu ở đáp án.
Cách trình bày, đạt vấn đề tỏ ra sáng tạo, hợp lý.

Văn viết có cảm xúc và hình ảnh.
Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

- Điểm 4: bài làm xác định được yêu cầu đề, nhưng cách lí giải lập luận chưa thấu đáo, có thể chưa đề cập đến tác giả, xuất xứ, nhưng cần nắm vững kiến thức về nội dung đoạn trích, phát biểu cảm nghĩ chân tình, cẩm động.
Văn viết rõ ràng, mạch lạc.

Mắc khoảng 3 đến 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

- Điểm 2: bài viết chỉ nêu lên những nội dung rất chung chung, nắm chưa vững nội dung đoạn trích, có chỗ trích dẫn chưa chính xác, tỏ ra vốn sống còn nghèo.

Hành văn chưa mạch lạc, nhiều chỗ còn rối.
Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

- Điểm 0: bài viết hoàn toàn lạc đề.

Hoặc chỉ viết được đôi ba câu nhập đề.

Câu 3: 8 điểm.

Căn cứ vào hai nội dung cơ bản sau để đánh giá bài làm của học sinh:

Nội dung:
không yêu cầu phải thuyết minh về cấu tạo chất ni long, chỉ thuyết minh và nghị luận về hiện tượng “Bao ni long ở khắp nơi, lợi và hại”. Học sinh cần nắm được:

- Công nghệ sản xuất ra bao ni lông với nhiều dáng vẻ rất đẹp mang tính thẩm mĩ cao để sử dụng hết sức tiện lợi cho sinh hoạt của mọi người (Học sinh có thể kể ra việc sử dụng bao ni long trong việc mua bán tất cả các loại hàng hóa ở chợ, ở tiệm, từ việc đựng con cá, mớ rau, đến thuốc men, sách vở, từ lạng tiêu, củ hành, gói quà, bánh kẹo đến các loại chai lọ …)

- Tác hại của các bao ni lông: sau khi dùng xong thì người sử dụng vứt bỏ khắp nơi, từ cống rãnh, phố phường đến ruộng vườn, gò bãi, đâu đâu cũng thấy rác bao ni lông. Quá trình tự phân hủy bao ni lông rất lâu dài, có thể mất từ 5 đến 20 năm, hoặc lâu hơn, nếu ở đất liền sẽ nghẹt cống rãnh, che khuất thủy không ở đất trồng trọt, không cho rễ ở thảo mộc – hoa màu phát triển, làm cho đất cằn cỗi; trôi thả xuống sống biển sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các thủy sản, đem đốt cháy khói ni long vô cùng độc hại, gây nhiều chứng bệnh nguy hiểm.

Nội dung 2
: trong quá trình giới thiệu, phân tích, học sinh có thể phát biểu ý kiến ở nhiều góc độ:

- Ý thức người sử dụng bao ni lông và vệ sinh môi trường sống.

- Nên phát triển sử dụng bao ni lông hay không nên, trước mắt và lâu dài.

- Học sinh cũng có thể nêu lên ước mơ sau này thành nhà khoa học tìm ra những hợp chất khác chế tạo ra các loại bao bì để sử dụng thay cho ni lông, hoặc xây dựng những đề án công trình thu gom tái chế ni lông vừa mang hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường…

Biểu điểm


- Điểm 8: bài làm đáp ứng được yêu cầu ở đáp án.

Cách trình bày, nêu vấn đề tỏ ra có vốn sống, tầm hiểu biết sâu rộng.

Câu văn sắc, liên hệ thực tế cụ thể sát hợp.

Mắc vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.

- Điểm 6: trình bày những vấn đề cơ bản ở đáp án, những kiến thức về hiện tượng sử dụng bao ni lông lợi và hại, việc bảo vệ môi trường còn hạn hẹp, lí giải vấn đề chưa thật thấu đáo.

Văn viết rõ ràng mạch lạc.

Mắc khoảng 3 đến 4 lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

- Điểm 4: bài làm xác định được yêu cầu đề, nhưng vốn sống còn nghèo, cách lí luận, lí giải vấn đề vẫn chưa thật thỏa đáng.

Văn viết rõ ràng mạch lạc.

Mắc khoảng 4 lỗi chính tả và lỗi diến đạt.

- Điểm 2: bài viết chỉ nêu lên những nội dung rấ chung chung, hiểu biết vấn đề còn sơ sài, nông cạn.

Hành văn chưa mạch lạc, nhiều chỗ còn rối.
Mắc nhiều lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.

- Điểm 0: bài viết hoàn toàn lạc đề.

Hoặc chỉ viết được đôi ba câu nhập đề.

Lưu ý chung về bài làm ở ba câu:
đặc biệt chú ý đến những bài diễn đạt trôi chảy, văn có hình ảnh, có cảm xúc, tỏ ra có năng khiếu, nếu nội dung có chưa đáp ứng được các yêu cầu ở từng mốc điểm trong đáp án, giáo viên cần xem xét cho con điểm hợp lí.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top