Đề thi tuyển sinh môn văn lớp 10 (Có gợi ý)

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Hải Dương
Năm học 2008 – 2009
Đợt I ngày 26 tháng 6 năm 2008


Mùa xuân thiên nhiên, đất nước và cảm xúc của Thanh Hải trong đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lung
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.
(Thanh Hải – Mùa xuân nho nhỏ, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2006, trang 55 -56)

a.
Yêu cầu về kỹ năng:

- Có kỹ năng nghị luận về một đoạn thơ, thể hiện được sự cảm thụ tinh tế.
- Nêu được thiên nhiên, đất nước, cảm xúc qua từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu cảu bài thơ.
- Văn viết trong sáng, giàu tình cảm.

b.
Yêu cầu về kiến thức:

Làm nổi bật vẻ đẹp, sức sống mùa xuân thiên nhiên, đất nước và cảm xúc của tác giả. Đại thể trình bày các ý sau:
- Mùa xuân của thiên nhiên mang nét đặc trưng của Huế, cảnh vật thơ mộng, màu sắc tươi thắm. Hình ảnh, âm thanh của mùa xuân chọn lọc tinh tế.
- Mùa xuân của đất nước thể hiện qua hình ảnh, con người trong lao động và chiến đấu. Con người đã đem đến sức sống cho mùa xuân.
- Cảm xúc: say sưa, trìu mến, thể hiện niềm tin yêu cuộc đời, niềm tự hào, tin tưởng vào sức sống và tương lai của đất nước.

Đợt II ngày 28 tháng 6 năm 2008


Câu 1: (1.5 điểm).

Chép lại (theo trí nhớ) 3 câu cuối trong bài thơ Đồng chí chủa Chính Hữu và phân tích hình ảnh “Đầu súng trăng treo”.

Câu 2: (6.0 điểm).

Vẻ đẹp của biển cả và niềm vui của người lao động trong đoạn thơ sau:
Sao mờ, kéo lưới lịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chum cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá, SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2006. Trang 140)

Yêu cầu


Câu 1:

- Chép chính xác đoạn thơ (0.5 điểm):
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo

- Nêu được ý sau:
Hình ảnh “đầu súng trăng treo được xây dựng trên cơ sở hiện thực đồng thời là sự sáng tạo của nhà thơ, là hình ảnh đẹp về lòng yêu nước, ý chí chiến đấu và niềm lạc quan của người lính, ở đó hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn. trữ tình và chất thép.

Câu 2:

a. Yêu cầu về kỹ năng:

- Có kỹ năng nghị luận về một đoạn thơ; thể hiện được sự cảm thụ tinh tế
- Nêu được vẻ đẹp của biển và niềm vui của người lao động qua từ ngữ, hình ảnh trong đoạn thơ.
- Viết văn trong sáng, có cảm súc.

b. Yêu cầu về kiến thức:

Vẻ đẹp của biển và niềm vui của người lao động – yếu tố tạo nên cảm xúc lãng mạn của đoạn thơ. Đại thể trình bày những ý sau:

- Cảnh biển vào lúc bình minh bao la, kì vĩ, rực rỡ sắc màu: vẩy bạc, đuôi vàng, nắng hồng; mọi vật đều rạng ngời, tỏa sáng. Lưu ý các từ ngữ diễn tả sự vận động và sức sống mới đang bừng lên: lóe rạng đông, nhô màu mới…

- Không khí lao động khẩn trương, hăng say. Các từ “kéo, xếp, đón, chạy” tạo một sự vận động mạnh mẽ, hào hung.

- Con người cất cao tiếng hát, niềm vui tràn ngập tâm hồn. Trước thiên nhiên, con người không nhỏ bé mà còn gần gũi hòa hợp, tự tin làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên THPT tỉnh Hải Dương
Năm học 2008 – 2009

1.
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Theo Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2005, trang 84)

Nhiều người khẳng định hai dòng thơ trên của Nguyễn Du là một “Bức tranh xuân thơ mộng”, em có đồng ý không? Hãy giải thích.

2/ Em hãy viết lời bình về những “khúc hát ru” trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lung mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Yêu cầu

1/ Phân tích hai dòng thơ của Nguyễn Du để khẳng định ý kiến đúng:

· Hai dòng thơ với hai chi tiết đơn giản (cỏ và hoa lê) như một ức tranh vẽ bằng ngôn ngữ về cảnh sắc mùa xuân tươi đẹp, thơ mộng, đầy sức sống.

- Màu của cỏ non (cùng với màu của cây cỏ mùa xuân đầy sức sống) làm nền, tạo một màu xanh bất tận, nhuộm xanh không gian.

- Nền xanh được điểm thêm sắc trắng của hoa lê, tạo cảnh thanh tao, trang nhã (có thể so sánh thêm thơ cổ: “Phương thảo liên thiên bích – Lê chi sổ điểm hoa).

- Bức tranh xuân được phác họa, chấm phá ở trạng thái tĩnh nhưng dường như vẫn có sự vận động tinh tế.

· Nghệ thuật phối màu tương phản, dựng cảnh tinh tế, ngôn ngữ điêu luyện đã phác họa sinh động một bức tranh xuân thơ mộng có màu sắc, đường nét, hình khối.

2/ Viết lời bình về những “khúc hát ru” trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Về nội dung
: bài làm có thể có bố cục khác nhau nhưng phải biết nghị luận về thơ, các ý có thể trình bày không giống nhau nhưng trên cơ sở cảm thụ văn bản Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ; nhìn chung về đại thể cần nêu được:

· Bài thơ có 3 đoạn, mỗi đoạn có hai lời ru: lời ru của nhà thơ và lời ru của người mẹ:

- Lời ru cuả nhà thơ có hai dòng được lặp lại 3 lần: Em cu Tai … lưng mẹ.

- Lời ru của người mẹ lặp lại: ngủ ngoan, mẹ thương, mai sau nhưng từng lời ru, nỗi niềm và mơ ước không lặp lại.

- Từ lời ru của nhà thơ hiện lên hình ảnh của của bà mẹ lao động và phục vụ kháng chiến.

- Lời ru của bà mẹ nói nhiều về tình thương vô bờ bến đối với con nhưng được hòa vào tình cảm chung với bộ đội, với buôn làng, với cách mạng. Qua từng lời ru thấy rõ sự trưởng thành trong tình cảm và suy nghĩ, qua từng lời ru những mơ ước của mẹ về con trai yêu quý cũng phát triển, mở rộng với mơ ước về nhân dân, đất nước và cách mạng.

- Lời ru của nhà thơ hướng vào thực tại, lời ru của người mẹ hướng vào tương lai.

· Bài thơ về khúc hát ru đã phản ánh cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ; những khúc hát ru có nhịp điệu tinh vi ( cách ngắt nhịp như nhịp chày, nhịp chọc lỗ tỉa bắp, nhịp bước chân), nội dung tiến triển (giã gạo, tỉa bắp, chuyển lán…), ước mơ của người mẹ mỗi ngày một lớn.

Về hình thức
: bài làm biết vận dụng nhuần nhuyễn các phép lập luận, biết kết hợp các phương thức biểu đạt. Bố cục chặt chẽ, hợp lí, văm viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc. Không mắc lỗi về câu, từ, chính tả thông thường.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Hà Tĩnh
Năm học 2008 – 2009

Về giá trị truyện ngắn Lặng lễ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, sách giáo viên Ngữ văn 9, tập một, trang 204 nhận định: “một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là chất trữ tình”.
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Yêu cầu


Yêu cầu về kiến thức


Trên cơ sở hiểu biết về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thanhg Long (Phần trích sách Ngữ văn 9), học sinh cần vận dụng các thao tác nghị luận để làm rõ được yêu cầu của đề bài.

Yêu cầu về kỹ năng


Bài viết đúng kiểu bài nghị luận văn học vơi việc kết hợp nhiều thao tác; bố cục cân đối, hợp lý; biết chọn lọc, sắp xếp dẫn chứng có hệ thống; lời văn trong sáng có cảm xúc; lập luận chặt chẽ, lô gich; không sai lỗi dùng từ, đặt câu…

Từ những yêu cầu trên, định hướng chính của bài lamg như sau:

1. Giới thiệu khái quát chung về tác giả, tác phẩm, trích dẫn ý kiến.

2. Giải thích ý kiến:

- Thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa có nhiều yếu tố (tình huống truyện, cốt truyện, xây dựng nhân vật, cách kể chuyện…) trong đó chất trữ tình là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn và giá trị của tác phẩm.

- Chất trữ tình của tác phẩm được tạo nên bởi những cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng và thể hiện bằng lời văn nhiều nhịp điệu, giàu hình ảnh…

3. Chứng minh:

- Chất trữ tình được tạo nên bởi những chi tiết, khung cảnh thiên nhiên đẹp và đấy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của người họa sĩ già.

- Chất trữ tình được toát lên chủ yếu từ nội dung của truyện: cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những nét đẹp giản dị, từ những truyện kể về cuộc sống lặng lẽ ở Sa Pa (qua lời kể của anh thanh niên và bác lái xe, suy nghĩ của ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ) và từ những cảm xúc, tình cảm mới nảy nở trong tâm hồn của các nhân vật đối với anh thanh niên.

- Để tạo nên không khí trữ tình của tác phẩm, tác giả đã sử dụng lời văn giàu cảm xúc, hình ảnh giọng điều tâm tình, nhẹ nhàng.

4. Đánh giá: chất trữ tình kết hợp với bình luận, tự sự đã làm nổi bật chủ đề tác phẩm: truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa khắc họa thành công những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Hà Nam
Năm học 2008 – 2009
Đề dự bị

Về một người đã cho em cuộc sống

Yêu cầu

1/ Yêu cầu về kỹ năng:

- Không bắt buộc về kiểu văn bản. Thí sinh có thể viết bằng phương thức lập luận hoặc kết hợp giữa lập luận, tự sự và biểu cảm về một hiện tượng của đời sống xã hội.
- Thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc về một người đóng vai trò cho em cuộc sống: cha, mẹ, ông bà, người đỡ đầu, ân nhân hoặc người giúp thay đổi nhận thức…
- Bố cục mạch lạc (có mở, thân, kết bài), lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có chất văn, tình cảm chân thực.

2/ Yêu cầu về kiến thức:

- Cần làm rõ: người mang lại cho em một cuộc sống là người như thế nào? Mối quan hệ với em? Người đó đã có suy nghĩ và hành động như thế nào vì cuộc sống của em? Đã mang lại cho em cuộc sống vật chất, tinh thần, niềm hạnh phúc, sự hiểu biết, trưởng thành của em?
- Suy nghĩ, nhận thức, tình cảm của em đối với người đã cho em cuộc sống.
- Đánh giá về ý nghĩa cuộc sống, sự trân trọng giá trị cuộc sống đang có, em đang được hưởng.
- Liên hệ rộng ra với truyền thống dân tộc: đức hi sinh và đạo lý “uống nuocs nhớ nguồn”.
- Thể hiện lòng biết ơn của em bằng những suy nghĩ, hành động cụ thể.

Đề chính thức


Câu 1: ý kiến của em về nghệ thuật sử dụng hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, lí giải nhan đề “Bến quê” của tác phẩm

Câu 2: suy nghĩ của em về việc hút thuốc lá.

Yêu cầu

1/ Truyện ngăn Bến quê:

· Yêu cầu về kĩ năng:

- Có kỹ năng phân tích, nhận xét, đánh giá về nghệ thuật của tác phẩm văn học.
- Lập luận chặt chẽ, diến đạt mạch lạc, rõ ý.
- Chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp.

· Yêu cầu về kiến thức:

1. Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng:

a. Nhận xét:

- Đây là một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật của truyện Bến quê. Tác giả đã có nhiều sáng tạo mới mẻ trong việc sử dụng hình ảnh, chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng.

- Nhiều hình ảnh, chi tiết của truyện mang lại hai lớp nghĩa: nghĩa thự và nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất khiến cho các hình ảnh không bị tước đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm.

b. Phân tích minh họa bằng các hình ảnh, chi tiết tiêu biểu:

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện vừa là hình ảnh thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho vẻ đẹp của đời sống thân thuộc, bình dị, vẻ đẹp của quê hương, xứ sở.

- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa sắc đậm hơn; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn đã dồn về đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ đến gần sáng. Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.

- Đứa con trai của Nhĩ sa vào một đám chơi phá cờ thế bên lề đường, gợi ra điều mà Nhĩ gọi là sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời con người ta khó tránh khỏi.

- Chuyến đò ngang duy nhất trong một ngày mà không khéo con trai Nhĩ mải chơi để trễ mất, gợi lên ý nghĩa về thời cơ mà con người không nắm bắt sẽ bị bỏ lỡ, qua đi.

- Hành động và cử chỉ của Nhĩ ở cuối truyện: “…đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát – y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”, là hành động nôn nóng thúc giục cậu con trai của anh mau mau kẻo lỡ chuyến đò. Nhưng hình ảnh này cũng gợi ra ý nghĩa thức tỉnh mọi người thoát khỏi cái chùng chình, vòng vèo trên đường đời để hướng tới giá trị đích thực vốn giản dị, gần gũi và bền vững.

c. Đánh giá:

Qua việc sáng tạo hệ thống hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, nhà văn đã tạo được chiều sâu ý nghĩa khái quát và triết lí cho tác phẩm, mang đến cho người đọc cách nhìn mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học Việt Nam trong chặng mở đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX.

2. Nhan đề “Bến quê”.

“Bến quê” cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, mang hai lớp nghĩa:

- Nghĩa thực: là bến sông quê nhà Nhĩ.

- Nghĩa biểu tượng:

+ Là gia đình, quê hương xứ sở gần gũi và bền vững, nơi nương tựa của mỗi con người, nơi bến đỗ sau cuộc hành trình của mỗi đời người.

+ Là nơi cội nguồn, mang giá trị đích thực của cuộc sống, thức tỉnh mọi người sự trân trọng vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.

2/ Suy nghĩ của em về việc hút thuốc lá.

1. Yêu cầu về kỹ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý mà xã hội đang quan tâm.

2. Yêu cầu về kiến thức:

a. Ý khái quát: nêu vấn đề và sự cần thiết phải bày tỏ ý kiến cá nhân về vấn đề đó.

b. Nội dung nghị luận:

· Bày tỏ suy nghĩ:

- Là những hiểu biết về thuốc lá và thực trạng hút thuốc lá.

+ Là sản phẩm gây độc hại cho sức khỏe con người.
+ Đã có từ lâu, nhiều người dùng, ở nhiều lứa tuổi, nhiều nơi.
+ Là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

- Nguyên nhân hút thuốc lá:

+ Do thói quen và xã giao trong giao tiếp.
+ Do làm việc căng thẳng mệt mỏi.
+ Do môi trường sống, lao động và công tác.
+ Do đua đòi, bắt chước.

- Tác hại:

+ Ảnh hưởng trực tiêp đến sức khỏe và tuổi thọ của người hút thuốc.
+ Vô tình, gián tiếp làm hại sức khỏe của những người xung quanh.
+ Ảnh hưởng đến hiệu quả lao động.
+ Tiêu tốn tiền bạc của cá nhân và cộng đồng, làm nảy sinh những tác hại khác.
+ Là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.

· Những đề xuất

- Cần có những biện pháp cụ thể của cộng đồng và các nhân nhằm giải quyết vấn đề này (tuyên truyền, ngăn cấm…)
- Xác định trách nhiệm: không hút thuốc lá, vận động mọi người không hút thuốc lá.

c. Kết luận: nêu nhận thức và hành động đúng.

· Lưu ý: bài viết cần thể hiện thái độ rõ ràng trước vấn đề. Thí sinh có thể trình bài ý kiến theo lô gich khác, nếu có lý, có sức thuyết phục cần được đánh giá cao. Cần lưu ý cách nêu, giải quyết vấn đề, khả năng lựa chọn dẫn chứng phù hợp có sức thuyết phục để đánh giá bài làm của thí sinh.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Huế
Năm học 2007 -2008

Phân tích tình cảm cha con ông Sáu và bé Thu

Từ câu chuyên, em rút ra cho mình bài học gì?

Yêu cầu


Phân tích tình cảm cha con ông Sáu và bé Thu, từ đó rút ra bài học: (4 điểm).


Yêu cầu về kỹ năng:

- Bài làm có đủ ba phần: mở - thân – kết bài.
- Bài làm thể hiện khả năng nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học.
- Bố cục chặt chẽ; luận điểm mạch lạc, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng chính xác, chọn lọc; suy nghĩ chân thành; diễn đạt trôi chảy,bài sạch sẽ, chữ rõ ràng.

Yêu cầu về kiến thức:


Phân tích tình cảm cha con ông Sáu và bé Thu: (3.5 điểm).


- Có thể phân tích vấn đề theo hai nhân vật chính (ông Sáu và bé Thu).
- Cũng có thể phân tích theo hai tình huống truyện (cuộc gặp gỡ sau 8 năm xa cách của hai cha con và sự kiện ông Sáu làm chiếc lược ngà ở khu căn cứ).
- Sau đây là các ý trọng tâm cần làm:
+ Sự bộc lộ tình cảm mạnh mẽ, nồng nhiệt của bé Thu đối với cha mặc dù trước đó em cố tình xa cách, cứng đầu, ương ngạnh. (1.25 điểm)
+ Sự thể hiện tình cảm sâu sắc, thiết tha của ông Sáu đối với con, đặc biệt qua kỉ vật “chiếc lược ngà” – biểu hiện của tình cha con cao đẹp. (1.75 điểm)
+ Để diễn tả tình cha con sâu nặng, xúc động, thiêng liêng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng thành công: tình huống truyện bất ngờ, hợp lý; hệ thống nhân vật chân thực, tự nhiên; ngôn ngữ tác phẩm đặc sắc, đậm chất Nam Bộ. (0.5 điểm)

Bài học rút ra từ câu chuyện: (0.5 điểm)


Học sinh có thể nêu nhiều bài học khác nhau trong đó có các ý cơ bản là:
- Tình cảm cha con nói riêng, tình cảm gia đình nói chung là tình cảm quý báu, mỗi người cần biết trân trọng, giữ gìn, phát huy.
- Con người phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với các tình cảm cao quý đó.
- Đây cũng là truyền thống đạo lý của dân tộc, cần kế thừa và gìn giữ.

Chú ý:
- Giám khảo cho điểm các ý về yêu cầu nội dung, kiến thức trên cơ sở gắn liền với yêu cầu về kỹ năng.

- Trong phần “phân tích tình cảm cha con… “giám khảo không cho quá 0.5 điểm nếu học sinh sa vào kể chuyện
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Hồ Chí Minh
Năm học 2008 – 2009

1/ Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về đức hi sinh.

2/ Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm sa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng

Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cá đuôi em vẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọ cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
(Huy Cận – Đoàn thuyền đánh cá)

Yêu cầu


1/ Đề bài yêu cầu học sinh viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bản thân về đức hi sinh. Đây là dạng bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng đạo lý) đã khá quên thuộc với học sinh. Dù vậy, các em cần đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Trình bày bài viết đúng với yêu cầu cảu đề: không quá một trang giáy thi.

- Có thể diễn đạt theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau.

+ Giải thích sơ lược, nêu biểu hiện của đức hi sinh: là những suy nghĩ, hành động vì người khác, vì cộng đồng. Người có đức hi sinh không chỉ có tấm lòng nhân ái mà còn là người biết đặt quyền lợi của người khác, của cộng đồng lên trên quyền lợi của bản thân mình…

+ Khẳng định: đức hi sinh là tình cảm cao đẹp, là phẩm chất cao đẹp của con người. Người có đức hi sinh luôn được mọi người yêu mến, trân trọng.

- Liên hệ thực tế để thấy:

+ Có nhiều tấm gương giàu đức hi sinh, quên mình vì người khác, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bác Hồ chính là biểu tượng cao đẹp nhất của con người hi sinh quên mình vì nhân dân, vì dân tộc.

+ Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có một số người có lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân mình…

- Đức hi sinh từ lâu đã trở thành tình cảm có tính chất truyền thống đạo lý của con người, dân tộc Việt Nam… Mỗi người cần ý thức được điều này để góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn.

2/ Trên cơ sở những kiến thức khái quát về tác giả Huy Cận, về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, học sinh có thể trình bài cảm nhận, suy nghĩ về đoạn thơ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng được một số ý kiến sau:

· Cảm nhận, suy nghĩ về nội dung đoạn thơ:

- Khung cảnh đánh cá giữ biển đêm được khắc họa bằng nhiều vẻ đẹp:

+ Vẻ đẹp của con người: được miêu tả ở nhiều góc độ: khỏe khoắn, đầy hứng khởi được thể hiện qua không khí lao động – hoạt động đánh bắt cá – khẩn trương sôi nổi (Ra đậu dặm xa dò bụng biển / Dàn đan thế trận lưới vây giăng; Ta hát bài ca gọi cá vào / Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao); tư thế, tầm vóc lớn lao, thậm chí sánh ngang cùng vũ trụ (Thuyền ta lái gió với buồm trăng / Lướt giữa mây cao với biển bằng); tình yêu, lòng biết ơn đối với biển (Biển cho ta cá như lòng mẹ / Nuổi lớn đời ta tự buổi nào).

+ Vẻ đẹp – giàu của thiên nhiên: không gian bao la, rộng mở, vừa kì vĩ vừa nên thơ với biển, trăng, sao, mây, gió (Thuyền ta lái gió với buồm căng / Lướt giữa mây cao với biển bằng; Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long…); với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy tựa như vẻ đẹp của tranh sơn mài (Cá nhụ cá chim cùng cá đé / Ca song lấp lánh đuốc đen hồng / Cái đuôi em quẩy trăng vàng chóe…); với sự giàu có, phong phú của các loài cá trên biển.

+ Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên hài hòa, hô ứng nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa gần gũi với con người. Đặc biệt vẻ đẹp của thiên nhiên có tác dụng làm tôn lên vẻ đẹp và tầm vóc của con người.

· Cảm nhận, suy nghĩ về nghệ thuật đoạn thơ:

- Nét nổi bật là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Chính bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng, với các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ… đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ cũng như bài thơ này.
- Sự sáng tạo trong việc sử dụng hình ảnh thơ: vừa kỳ vĩ vừa lung linh, huyền ảo, được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng và những liên tưởng phong phú, bất ngờ.
- Âm hưởng, giọng điệu trong đoạn thơ vừa sôi nổi, khỏe khoắn vừa bay bổng, nhịp thơ biến hóa linh hoạt…

· Đánh giá chung:

Đây là đoạn thơ đặc sắc của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, kết tinh vẻ đẹp, thể hiện giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bài thơ, góp phần khiến cho bài thơ trở thành một khúc tráng ca khỏe khoắn, say sưa, bay bổng ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mới, cuộc sống mới, đồng thời thể hiện sự biến chuyển về tư tưởng, tình cảm trong thơ Huy Cận.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Thành phố Hồ Chí Minh
Năm học 2006 -2007

Đồng chí
(Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật) là hai bài thơ tiêu biểu viế về đề tài người lính cách mạng trong hai thời kì chống Pháp và chống Mĩ. So sánh hình ảnh người lính cách mạng trong hai bài thơ này.

Yêu cầu


So sánh hình ảnh người lính cách mạng qua hai bài thơ Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Thí sinh cần nêu được ba ý sau:

Ý 1: giới thiệu chung”

- Về đề tài: dân tộc ta đứng lên tiến hành hai cuộc chiến tranh cách mạng oanh liệt chống Pháp và chống Mĩ. Lẽ tất nhiên, ở đất nước hơn 30 năm chưa rời tay súng. Hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” là hình ảnh “con người đẹp nhất” đáng yêu nhất trong văn thơ và là niềm tự hào lớn của dân tộc.

- Về hai tác phẩm: cùng với nhiều bài thơ khác, bài thơ Đồng chí sáng tác vào đầu năm 1948 khi tác giả Chính Hữu chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc, Bài thơ về tiểu đội xe không kính sáng tác năm 1969, khi tác giả Phạm Tiến Duật tham gia hoạt động ở tuyến đường Trường Sơn đã khắc họa thành công về đề tài người lính.

- Về luận đề: hình tượng anh bộ đội được ghi lại trong hai bài thơ đã lưu giữ trong văn chương Việt Nam hai gương mặt đẹp, đáng yêu của người lính trong hai thời kỳ kháng chiến.

Ý 2: phân tích lịch sử:

1. Những điểm chung: đây là người lính của nhân dân nên họ đều mang những vẻ đẹp chung.

- Yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng chí.

+ Có thể phân tích các câu thơ “Riếng nước gốc đa nhớ người ra lính” (Đồng chí) và “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).

+ Có thể phân tích cử chỉ nắm tay chất chưa bao tình cảm không lời trong cả hai bài thơ thể hiện sự gắn bó tình đông chí.

- Vượt qua mọi khó khăn gian khổ để quyết tâm tiêu diệt giặc hoàn thành nhiệm vụ.

+ Tất cả những khó khăn gian khổ, thử thách được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật; không né tránh tô vẽ trong cả hai bài thơ.

+ Thế mà, các chiến sĩ đều có một tư thế ngoan cường “chờ giặc tới”, “ung dung nhìn thẳng”.

- Lạc quan tin tưởng: cả hai bài thơ đều thể hiện tinh thần lạc quan của người lính. Từ “miệng cười buốt giá” của anh bộ đội kháng chiến chống Pháp đến “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” của anh lính lái xe thời chống Mĩ đều thể hiện tinh thần lạc quan, khí phách anh hùng.

2. Những điểm riêng khác nhau

- Bài thơ Đồng chí của Chính Hữu thể hiện hình ảnh người lính nông dân thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà sâu sắc. Tình đồng chí thiêng liêng hòa quyện với tình cảm giao tiếp khi lý tưởng chiến đấu đã rực sáng trong tâm hồn.

Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật thể hiện tình cảm người lính lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mĩ với vẻ đẹp trẻ trung, ngang tàng. Đây là thế hệ người lính có học vấn, có bản lĩnh chiến đấu, có tâm hồn nhạy cảm, có tính cách riêng mang chất “lính” rất đáng yêu. Họ tất cả vì miền Nam ruột thịt vơi trái tim yêu nước cháy bỏng.

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim

Ý 3: Đánh giá chung:

- Hình tượng người lính dù ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp hay kháng chiến chống Mĩ đều mang phẩm chất cao đẹp của “anh bộ độ Cụ Hồ” thời đại đã cung cấp cho các nhà thơ những nguyên mẫu đẹp đẽ, họ tạo nên những hình tượng làm xúc động lòng người.

- Viết về những người lính, các nhà thơ nói về chính mình và những người đồng đội của mình. Vì thế, hình tượng người chân thật và sinh động.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên Thành phố Hồ Chí Minh
Năm học 2009 -2010

Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9

Yêu cầu


Đây là một dạng đề bài tổng hợp, yêu cầu học sinh chứng minh, trình bày suy nghĩ, đánh giá, cảm nhận về hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện sâu sắc qua các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9. Các em có thể trình bày bằng những cách khác nhau, song cơ bản cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

1.
Giới thiệu sơ lược về các tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9:

- Văn học trung đại: là thời kỳ văn học lớn của dân tộc (từ thế kỉ X đến hêt thế kỷ thứ XIX). Đây là thời kỳ văn học ra đời và phát triển dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Vì vậy, theo quy luật phản ánh của văn học nói chung, văn học trung đại Việt Nam là tấm gương phản chiếu xã hội phong kiến Việt Nam.

- Những tác phẩm văn học trung đại trong chương trình Ngữ văn 9: Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI), Chuyện cũ trong phủ chú Trinh – trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (thế kỷ XVIII), Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, một số trích đoạn trong Truyện Kiều của Nguyễn du (thế kỷ XVIII), một số trích đoạn trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình chiểu (thế kỷ XIX). Đây là những tác phẩm văn học trung đại ra đời trong thời kì xã hội phong kiến Việt Nam suy tàn mục rỗng. Vì vậy, hiện thực được phản ánh chủ yếu trong các tác phẩm này chính là mặt trái của xã hội. Đó là sự rối ren, sự xấu xa, vô nhân đạo của xa hội với những thế lực chà đạp con người và thân phận khổ đau của con người – nạn nhân của chính xã hội ấy.

2.
Chứng minh các tác phẩm trên đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam:

Tập trung vào những phương diện chính sau đây:

· Phản ánh hiện thực rối ren, bộ mặt xấu xa, vô nhân đạo cảu xã hội phong kiến.

- Truyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ: phản ánh chế ddoooj nam quyền, chiến tranh phi nghĩa gây ra bao bất hạnh cho con người.

- Truyện cũ trong phủ chúa Trịnh – trích Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ : phản ánh cuộc sống xa hoa của tầng lớp vua chúa, sự những nhiễu của bọn quan lại thời Lê – Trịnh.

- Hoàng lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái: sự rối ren của xã hội phong kiến được phản ánh thông qua số phận bi thảm, bộ mặt hèn nhát của lũ quan bán nước, hại dân; sự đại bại của bè lũ xâm lược.

- Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du) phản ánh bản chất bất nhân, phi nghĩa của bọn buôn người.
- Lục Vân Tiên gặp nạn (trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu): phản ánh sự tàn ác, toan tính thấp hèn của kẻ bất nhân.

· Phản ánh số phận đau khổ, bị chà đạp của con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Là số phận oan trái, bi kịch của Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ), bị chồng nghi ngờ về lòng chung thủy, bị dồn vào bước đường cùng, phải tìm đến cái chết ở bến Hoàng Giang.

- Là số phận chìm nổi của Thúy Kiều, một người con gái tài sắc, đang sống trong cảnh ấm êm, bỗng chốc rơi vào thảm cảnh; bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích với bao nhiêu bẽ bang, chua xót (Kiều ở lầu Ngưng Bích); thành món hàng trong tay bọn buôn người (Mã Giám Sinh mua Kiều).

- Là Lục Vân Tiên nhân hậu nhưng trở thành nạn nhân của những toan tính thấp hèn, âm mưu hiểm độc (Lục Vân Tiên gặp nạn).

3.
Đánh giá chung, trình bày suy nghĩ, cảm nhận của bản thân:

- Hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam được thể hiện trong các tác phẩm nói trên được thể hiện vừa sâu sắc (trên nhiều phương diện), vừa sinh động (dưới nhiều hình thức, thể loại, các kiểu nhân vật phong phú). Hiện thực ấy đã giúp các tác giả tái hiện lại bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam trong những giai đoạn lịch sử nhất định, đặc biệt làm nên giá trị hiện thực – một trong những phương diện tư tưởng quan trọng của tác phẩm.

- Thông qua hiện thực ấy, các tác giả (Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du… ) đã lên tiếng tố cáo đanh thép xã hội phong kiến, thể hiện sự bất bình cao độ, đặc biệt là cất lên tiếng nói đồng cảm, xót xa, bênh vực và bảo về con người.

- Thông qua hiện thực ấy ta hiểu được tài năng và cả tấm lòng của các tác giả văn học thời trung đại.
 
Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT tỉnh Lâm Đồng
Năm học 2006 – 2007

Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề 1
: Văn là đạo lý, lẽ sống được thể hiện qua bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy (sách Ngữ văn 9, tập 1, trang 155)

Đề 2:
nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến Quê của Nguyễn Minh Châu đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.

Theo mẫu truyện em hãy phân tích những dòng cảm xúc với suy nghĩ của nhân vật Nhĩ.

Yêu cầu


Đề 1:

I/ Yêu cầu

- Qua phân tích bài thơ Ánh trăng của nhà thơ Nguyễn Duy, người viết phải làm nổi bật lên được chủ đề của bài thơ. Đó là lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa – đối với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu. “Uống nước nhớ nguồn” – ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ chính là đạo lí, là lẽ sống được thể hiện qua bài thơ.

- Để làm được bài này, người viết không chỉ thể hiện bằng tình cảm tự do mà còn cần phân tích, cảm nhận bài thơ theo hướng ánh trăng gợi lại:

+ Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt thì quan hệ đôi bên người lính – ánh trăng đều thủy chung son sắt.

+ Trong thanh bình hạnh phúc thì người ta lại dễ dàng quên đi mối tình tri kỷ một thời.

+Khi ánh trăng kia vẫn thủy chung, bình dị, khiêm nhường và im lặng đột ngột hiện về đã làm người lính bỗng có nhiều suy nghĩ (ở khổ thơ cuối, người viết phải thể hiện chiều sâu triết lý: vầng trăng biểu trưng cho sự bao dung, cai giật mình chứa đựng không chỉ là sự ân hận mà còn biết bao điều nhà thơ suy ngẫm và muốn nhắn gửi tới người đời về lẽ sống, về đạo lí của con người).

+ Ngoài nội dung trên, người viết phải thể hiện được những cảm xúc, suy nghĩ chân thành và nêu được bài học liên hệ cho bản thân mình.

Đề 2:

II/ Yêu cầu

a. Giới thiệu vài nét về nhân vật Nhĩ: Nhĩ là người đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”. Vậy mà lúc cuối đời, căn bênh quái ác hầu như khiến anh bị liệt toàn thân, không thể tự mình di chuyển dù cho chỉ là nhấc nửa người trên giường bệnh.

b. Dựa theo mạch truyện, thí sinh phân tích được những dòng cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật Nhĩ. (trọng tâm)

- Cảm nhận của Nhĩ về vẻ đẹp của thiên nhiên trong một buổi sáng đầu thu, được nhìn từ khung cửa sổ phòng anh.

+ Cảnh vật được tả theo tầm nhìn cảu Nhĩ, từ gần đến xa, tạo thành một không gian có chiều sâu, rộng.

+ Cảnh vật hiện ra với vẻ đẹp riêng, chỉ có thể cảm nhận được bằng những cảm xúc tinh tế.
Không gian và những cảnh sắc ấy vốn quen thuộc, gần gũi nhưng giờ đây lại như rất mới mẻ với Nhĩ, tưởng chừng như lần đầu tiên anh cảm nhận được vẻ đẹp và sự giàu có của nó.

- Những suy ngẫm của Nhĩ từ hoàn cảnh của mình mà phát hiện ra quy luật giống như nghịch lý của đời người.

+ Bằng trực giác, Nhĩ đã nhận ra rằng mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Anh đang phải đối mặt với hoàn cảnh bi đát không lối thoát.

+ Cảm nhận của Nhĩ về Liên – vợ anh: chính trong những ngày cuối đời Nhĩ mới nhận ra tất cả tình yêu thương, sự tần tảo, đức hi sinh của vợ. Anh thực sự thấu hiểu với lòng biết ơn sâu sắc người vợ thân yêu. Sự thấu hiểu của Nhĩ tuy muộn màng nhưng dù sao cũng đem lại cho anh sự bình yên, tin cậy sau cả một đời bôn tẩu, kiếm tìm giờ như được neo đậu nơi bến quê, nơi gia đình, bên những người thân yêu.

+ Nhĩ khát khao được một lần đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường mà sâu xa của cuộc sống, với Nhĩ đó là sự thức tỉnh có xen cả niềm ân hận và nỗi xót xa bởi anh “từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất” vậy mà lại chưa từng đặt chân lên “ cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình”.

- Câu chuyện của Nhĩ với cậu con trai và những chiêm nghiệm của anh về một quy luật của đời người.

+ Cái bãi bồi bên kia sông ngay trước cửa sổ nhà Nhĩ gần gũi là thế nhưng giờ đã là xa lắc, là “miền đất ước mơ” bởi Nhĩ “ lực bất tong tâm”. Không thể làm được điều mình khao khát, Nhĩ đành nhờ con trai hay mình sang bờ bên kia sông, đặt chân lên bãi cát phù sa màu mỡ. Nhưng cậu ta lại sa vào một đám chơi phá cờ thế trên hè phố và có thể để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày. Từ đây, Nhĩ đã nghiệm ra cái quy luật phổ biến của đời người: “ …con người ta trên đường đời thật khó tránh khỏi những cái điều vòng vèo hay chùng chình”.

+ Ở cuối truyện, Nhĩ có một cử chỉ có vẻ kì quặc: khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này, Nhĩ thu hết tàn lực, nhô mình ra ngoài, giơ một cánh tay gầy khoát khoát như đang khẩn thiết ra hiệu cho một ai đó. Hành động cuối cùng này của Nhĩ thể hiện là anh đang giục con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò. Nhưng hình ảnh này còn gợi ra ý nghĩa khái quát hơn: thức tỉnh mọi người vượt lên những cái vòng vèo, chùng chình mà ta đang sà vào trên đường đời để hướng tới những giá trị đích thực, vốn giản dị, gần gũi mà bền vững.

c. Nhân vật Nhĩ trong truyện là nhân vật tư tưởng, một loại nhân vật nổi lên trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau 1975. Nhà văn đã gửi gắm qua nhân vật nhiều điều quan sát, suy ngẫm, triết lý về cuộc đời và con người.
 
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Lâm Đồng
Năm học 2009 – 2010

Thí sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Trình bày cảm nhận của em về bài thu Sang thu của Hữu Thỉnh.
Đề 2: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ: Có chí thì nên.

Yêu cầu


Đề 1:


a/ Yêu cầu chung

- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận về một tác phẩm thơ: biết lựa chọn và phân tích từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu… để nêu lên những nhận xét, đánh giá cụ thể và xác đáng về giá trị nội dung, nghệ thuật bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).

- Bốc cục mạch lạc, rõ ràng.

- Diễn đạt trong sáng, gợi cảm, chân thành.

b/ Yêu cầu cụ thể:

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ và bước đầu nếu nhận xét, đánh giá khái quát của mình.

2. Thân bài

Thí sinh lần lượt trình bày những cảm nhận, đánh giá cụ thể về nội dung và nghệ thuật của bài thơ qua từng luận điểm. Ở mỗi phần, thí sinh cần biết chọn lọc, phân tích, bình giá những nét đặc sắc về nghệ thuật (những hình ảnh đặc sắc, gợi cảm về thời điểm giao mùa hạ - thu ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ, tính đa nghĩa của hai dòng thơ cuối bài…) để bộc lộ suy nghĩ, ý kiến của mình. Cần có các ý chính sau:

- Phân tích, bình giá những hình ảnh, hiện tượng thể hiện sự biến đổi của đất trời lúc sang thu (hương ổi… gió se, sương chùng chình qua ngõ) và những từ ngữ thể hiện tâm trạng ngỡ ngàng, cảm xúc bang khuâng của tác giả (bỗng, hình như) khi chợt nhận ra những tín hiệu của sự chuyển mùa (thu đã về).

- Phân tích, bình giá những hình ảnh (dòng sông, cánh chim, đám mây, nắng, mưa…) và những từ ngữ gợi tả (dềnh dàng, bắt đầu vội vã, vắt nửa mình…) để làm nổi bật bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa và cảm nhận tinh tế của nhà thơ.

- Phân tích ý nghĩa tả thực và ẩn dụ trong hai câu thơ cuối:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hang cây đứng tuổi

Để làm rõ suy ngẫm của nhà thơ: khi con người đã từng trải thì cũng vững vàng hơn trước những biến động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời.

3. Kết bài

- Khái quát ý nghĩa, giá trị bài thơ.

- Liên hệ

Đề 2:


a. Yêu cầu chung

- Thí sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý: nêu suy nghĩ của mình về câu tục ngữ “Có chí thì nên” bằng cách giải thích, nhận định, đánh giá… ý nghĩa câu tục ngữ và khẳng định tính đúng đắn của nó.

- Bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ.

- Lời văn trong sáng.

b. Yêu cầu cụ thể

1. Mở bài: giới thiệu và nêu tư tưởng chung của câu tục ngữ.

2. Thân bài

a. Giải thích nội dung: có ý chí thì con người sẽ vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành tốt công việc, để đạt cđược mục đích của cuộc sống.

b. Đánh giá ý nghĩa: “Có chí thì nên” là lời khuyên đúng đắn vì:

- Cuộc sống thường có nhiều khó khăn, trở ngại, đòi hỏi con người phải vượt qua bằng ý chí, nghị lực, lòng quyết tâm của mình.

- Ý chí, nghị lực là yếu tố quan trọng quyết định sự thắng, thua và thành bại của mỗi người.

- Thiếu ý chí, dù gặp thuận lợi trong công việc, con người cũng khó thành công.

- Đối với học sinh: câu tục ngữ trên càng có ý nghĩa sâu sắc vì trong học tập và rèn luyện, muốn thành công, học sinh cũng cần phải rèn luyện ý chí, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để đạt mục đích.
Thí sinh sử dụng một số dẫn chứng thực tế để chứng minh tính đúng đắn của vấn đề.

3. Kết bài

- Khẳng định lại giá trị câu tục ngữ.
- Liên hệ.
 
Đề thi học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Tiền Giang
Năm học 2007 -2008

Một nhà văn đã viết: “Che giấu khuyết điểm của bản thân sẽ không làm ta trở nên tốt đẹp hơn. Uy tín của ta tăng thêm nếu ta chân thành nhận khuyết điểm”.

Em hãy trình bày ý kiến của mình đối với nhận xét trên bằng cách kể lại một câu chuyện của bản thân.

Yêu cầu


1. Yêu cầu chung

· Học sinh biết kể lại một câu chuyện có liên quan đến nhận xét của nhà văn được nêu ở đề bài, để thông qua đó, trình bày ý kiến của mình đối với nhận xét trên.

· Nắm được phương pháp làm bài văn tự sự có kết hợp với các yếu tố nghị luận và miêu tả nội tâm.

2. Yêu cầu cụ thể

2.1. Làm rõ ý nghĩa của nhận xét trên.
2.2. Kể một câu chuyện của bản thân có liên quan đến việc che giấu và công nhận khuyết điểm.
2.3. Khẳng định tác hại của việc che giấu khuyết điểm và lợi ích của việc chân thành công nhận khuyết điểm.
2.4. Thể hiện được những suy nghĩ và những tình cảm chân thật.

Lưu Ý: học sinh có thể sắp xếp hoặc trình bày theo nhiều cách khác nhau, giáo viên căn cứ vào tính chất hợp lý, thuyết phục, sáng tạo để đánh giá và cho điểm bài luận.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top