SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH NAM ĐỊNH
ĐỀ THI TUYỂN CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
NĂM HỌC 2006 – 2007
ĐỀ THI TUYỂN CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 9
NĂM HỌC 2006 – 2007
ĐỀ BÀI (Thời gian làm bài: 150 phút)
Câu 1: 4 điểm
Chỉ ra tên rồi phân tích cái hay của phép tu từ từ vựng được sử dụng ở các câu thơ in nghiêng đậm trong các đoạn thơ dưới đây:
a. Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
(Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)
b. Ngày ngày mặt trời đi qua bên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
c. Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cưa ngắm nhà thơ
(Ngắm trăng – Hồ Chí Minh)
d. Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
(Bếp lửa – Bằng Việt)
Câu 2: 6 điểm
Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau:
“Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đúng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy tình cha con như bỗng trỗi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗi thét lên:
Ba… a… a… ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó đã cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ra ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc sau ót nó như dựng đứng lên.
Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:
- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con.
Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má ba nó nữa.”
(Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sang)
Câu 3 : 10 điểm
Cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du biểu hiện trong đoạn thơ Chị em Thúy Kiều (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du – SGK Ngữ văn 9, tập 1)
ĐÁP ÁN- BIỂU ĐIỂM
Tổng điểm cho cả bài thi: 20 điểm, phân chia như sau:
Câu 1: 4 điểm
Yêu cầu
Chỉ ra tên rồi phân tích cái hay của phép tu từ từ vựng được sử dụng trong câu thơ in đậm trong các đoạn thơ, cụ thể:
- Phép tu từ từ vựng được sử dụng: so sánh
Cái hay là: nhà thơ đã mượn hình ảnh thiên nhiên “vì sao” sáng đẹp lung linh với sức sống trường tồn để so sánh làm ngời lên vẻ sáng đẹp lung linh, sức sống trường tồn của “đất nước”.
- Phép tu từ từ vựng được sử dụng: ẩn dụ
Cái hay là: nhà thơ đã mượn hình ảnh thiên nhiên “mặt trời” rạng rỡ và luôn cung cấp sự sống cho muôn loài để ví ngầm với Bác, từ đó, làm ngời lên hình ảnh rạng rỡ cùng với vai trò, vị trí lớn lao của Bác trong tâm hồn dân tộc.
- Phép tu từ từ vựng sử dụng: nhân hóa
Cái hay là: ở đây, Bác đã nhân hóa một đối tượng tự nhiên thành một người tri âm, tri kỉ cùng mình.
- Phép tu từ từ vựng được sử dụng: điệp ngữ
Cái hay là: hình ảnh “một bếp lửa” quen thuộc, bình dị, ấp ủ tình nhà, tình đời được thể hiệ gây ấn tượng đậm, khơi gợi biết bao cảm xúc, suy ngâm cho tâm hồnngười đọc.
Cách cho điểm các đối tượng trong mỗi trường hợp:
- Chỉ ra phép tu từ từ vựng được sử dụng: 0.25 điểm
- Phân tích được cái hay của phép tu từ từ đó: 0.75 điểm
Câu 2: 6 điểm
Yêu cầu
Cảm nhận được:
Đây là đoạn văn dựng lại cảnh ngộ: Sauk hi sang nhà bà ngoại, được bà giải thích, Thu hiểu ra vì sao ba nó có cái thẹo dài trên mặt, sự nghi ngờ trong nó đã được giải tỏa, trước phút ông Sáu phải lên đường, lần đầu tiên, bất ngờ, bé Thu cất tiếng gọi “ba” rồi nó níu giữ, liên tiếp hôn lấy hôn để “cùng khắp” ba nó.
Nhà văn đã sử dụng kết hợp các phép so sánh, tang tiến, liệt kê, các yếu tố miêu tả, bình luận… cùng tập trung diễn tả thật ấn tượng, sinh động và cảm động các tình tiết, hành động tỏa sáng tình yêu ba hồn nhiên, mạnh mẽ, da diết có cả vương vít nỗi niềm chân thành của bé Thu.
Thái độ, hành động của bé Thu đột ngột thay đổi mà vẫn kết hòa vào mạch diễn tâm lí bé một cách tự nhiên ấm áp.
Theo câu chuyện đến khúc đoạn này, chúng ta có thể thở phào, cười ra nước mắt, thông cảm với bé Thu và mừng cho cha con bé. Cuộc kháng chiến cứu nước đã buộc gia đình và các thế hệ người Việt Nam yêu nước phải chịu đựng biết bao sự thiệt thòi, mất mát, hi sinh nhưng đồng thời cũng giúp họ nhận ra giá trị lớn lao, thiêng liêng của hạnh phúc gia đình riêng tư bình dị, đơn sơ và càng làm sáng kên vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Biểu điểm
- Điểm 5.25 – 6: cảm nhận đúng, phong phú, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt.
- Điểm 4.25 – 5: cảm nhận đúng, khá đầy đủ, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt.
- Điểm 3 – 4: cảm nhận được nhiều yếu tố nhưng nhìn chung còn hời hợt, diễn đạt chưa thật hấp dẫn.
- Điểm 2 – 2.75: cảm nhận hời hợt được vài yếu tố, diễn đạt yếu.
- Điểm 0.25 – 1.75: sai lạc nhưng vẫn có chi tiết chạm được vào yêu cầu của đề.
- Điểm 0: thiếu hoạc sai sót hoàn toàn.
Câu 3: 10 điểm
Mở bài: 0.5 điểm
Yêu cầu: đưa dẫn được các vẫn đề cần nghị luận: cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du biểu hiện qua đoạn thơ “Chị em Thúy Kiều”.
Cách cho điểm:
- Điểm 0.5: đạt yêu cầu.
- Điểm 0: thiếu hoặc sai sót hoàn toàn.
Thân bài: 9 điểm
Yêu cầu: phân tích, đánh gia những biểu hiện của cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du tỏa sáng qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều.
Với nhiệt tình trân trọng, ngợi ca, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật ước lệ cổ điển, lấy những hình ảnh thiên nhiên để gợi tả, khắc họa chị em Thúy Kiều thành những trang tuyệt sắc giai nhân:
- Thúy Vân có vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, với trăng, hoa, mây, tuyết…. Những tạo vật tinh khôi của đất trời, của tạo hóa.
- Thúy kiều so bề tài sắc còn hơn cả Thúy Vân, lại thêm tâm hồn mặn mà đa cảm khiến “hoa” phải “ghen”, “liễu” phải “hờn”, thiên nhiên đố kị ghen gét.
+ Cùng với tình trân trọng, ca ngợi, trong dòng cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du còn có cả niềm yêu thương, quan tâm, lo lắng cho số phận con người. Nguyễn Du đã dồn nén nhiệt tình trân trọng, ngợi ca, tài hoa, bút lực tạc dựng nên hình tượng nàng Kiều đa sắc, đa tình, có một không hai. Thế nhưng từ giọng điều ngòi bút, hình tượng thơ đều phảng phất một sự lo lắng cho số phận nàng Kiều và gợi lên một dự cảm cho kiếp đời tài hoa bạc mệnh.
+ Dẫu sao niềm yêu thương trân trọng, ngời ca cũng đã làm vợi bớt đi nỗi ám ảnh về triết lí “tài hoa bạc mệnh”, đã tạo nên nét tươi sáng cho cảm hứng nhân văn của nhà văn Nguyễn Du.
Cách cho điểm
- Điểm 8 – 9: lập luận, lí lẽ cơ bản khá đầy đủ, sâu sắc; diễn đạt tốt.
- Điểm 6.75 – 7.75: lâp, lí lẽ cơ bản khá đầy đủ, sâu sắc; diễn đạt khá.
- Điểm 4.5 – 6.5: nhiều ý đúng nhưng thiếu sâu sắc, diễn đạt chưa thật hấp dẫn.
- Điểm 3 – 4.25: có vài yếu tố đúng, diễn đạt yếu.
- Điểm 0.25 – 2.75: sai lạc nhưng vẫn có chi tiết chạm vào được yêu cầu của đề.
- Điểm 0: thiếu hoặc sai lạc hoàn toàn.
Kết bài: 0.5 điểm
Yêu cầu
Bộc lộ cảm nhận sâu đậm nhất về cảm hứng nhân văn của Nguyễn Du thể hiện qua đoạn thơ Chị em Thúy Kiều; chẳng hạn; đễn với Chị em Thúy Kiều, để trái tim mình bắt vào mạch cảm hứng nhân văn của đại thi hào Nguyễn Du, tự nhiên lòng ta cảm thấy thêm yêu thương người, trân trọng con người hơn.
Cách cho điểm
- Điểm 0.5: đạt yêu cầu
- Điểm 0: thiếu hoặc sai lạc hoàn toàn.
Chú ý: căn cứa vào khung điểm trên và chất lượng thực tế, giám khảo cho điểm thích hợp với từng bài viết của thí sinh.