• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT HOÀNG DIỆU - Sóc Trăng NĂM HỌC 2007 -2008

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH SÓC TRĂNG
ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT HOÀNG DIỆU NĂM HỌC 2007 -2008
ĐỀ BÀI (Thời gian làm bài: 120 phút)

  • Câu 1: 2 điểm

Cho các từ, ngữ sau:

Yếu điểm|Điểm yếu|Điểm thiếu sót|Khuyết điểm
Phương tiện|Cứu giúp|Mục đích cuối cùng|Viện trợ
Đề đạt|Đề bạt|Đề xuất|Đề cử
Hoảng hốt|Hoảng sợ|Hoảng hồn|Hoảng loạn

Hãy chọn những từ, ngữ thích hợp điền vào chỗ trống trong những câu văn sau:

  1. Đồng nghĩa với nhược điểm là (…).
  2. “Cứu cánh” nghĩa là (…).
  3. Trình bày ý kiến, nguyện vọng lên cấp trên là (…).
  4. Ở trạng thái mất tự chủ đột ngột do sợ hãi trước sự đe dọa bất ngờ là (…).

  • Câu 2: 2 điểm
Cách đặt nhan đề tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính có gì khác lạ? Hãy làm rõ giá trị độc đáo của cách đặt tựa đề ấy. (Diễn đạt không quá một trang giấy thi).

  • Câu 3: 6 điểm.
Vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân trong Truyện Kiều qua đoạn trích:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lên trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.
Tà tà bóng ngã về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Dần bước theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2004 trang 85)

ĐÁP ÁN – BIỂU ĐIỂM


  • Câu 1:
Yêu cầu: thí sinh cần điền đúng các từ, ngữ sau:

  1. Điểm yếu.
  2. Mục đích cuối cùng.
  3. Đề đạt.
  4. Hoảng sợ.
Cách chấm điểm: đúng mỗi từ ngữ chấm 0.5 điểm.

  • Câu 2:
Yêu cầu: thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng phải đáp ứng những ý kiến cơ bản sau:

  • Điều khác lạ: hình ảnh những chiếc xe không kính và “bài thơ”.
  • Nét độc đáo: nhan đề có vẻ như thừa (có thêm từ “bài thơ” vào một văn bản vốn là thể loại thơ) nhưng thật sự vẫn nằm trong chủ định của tác giả, tạo nên sự kết nối giữa hai sự vật có vẻ xa lạ “bài thơ” và “xe không kính”. Tác giả đã tìm ra chất thơ ở những điều tưởng chừng như rất khô khan trần trụi. Đó là chất lạc quan, thơ mộng từ hiện thực gian khổ, ác liệt nơi chiến trường.
Cách chấm điểm:

  • Trình bày đủ ý rõ ràng, mạch lạc: 2.0 điểm.
  • Chỉ lí giải về vẻ độc đáo: 1.5 điểm.
  • Chỉ nói được cái lạ: 1.0 điểm.
  • Các mức điểm còn lại, giám khảo tự cân nhắc.

  • Câu 3:
Về kĩ năng:

  • Thí sinh biết cách thực hiện một văn bản nghị luận về một tác phẩm tự sự nhưng được viết theo thể thơ lục bát (đây không phải là thơ mà là truyện thơ).
  • Thể hiện rõ các bước làm văn nghị luận văn học, cách tổ chức, triển khai luận điểm, nêu được những nhận xét, đánh giá và sự cảm thụ riêng của người viết dựa trên sự phân tích, bình giá ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, nội dung, kết cấu của tác giả.
  • Có khả năng vận dụng nhiều thao tác khác nhau để thực hiện văn bản.
Về kiến thức:
Thí sinh có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng phải thể hiện những yêu cầu sau đây:

  • Truyện Kiều: được coi là kiệt tác không chỉ ở bản thân câu chuyện mà quan trọng hơn là nghệ thuật thể hiện của Nguyễn Du, trong đó có yếu tố miêu tả nhân vật.
  • Vì là một tác phẩm tự sự nên sự kết cấu được thể hiện theo trình tự thời gian.
Bốn câu đầu: khung cảnh thiên nhiên mùa xuân với vẻ đẹp riêng.

  • Thời gian thấm thoát trôi mau, tiết trời đã chuyển sang tháng ba (Thiều quang chín chục… ) nhưng sức xuân vẫn tràn trề (con én đưa thoi).
  • Bức tranh mùa xuân có sự hài hòa màu sắc: trên nền cỏ xanh điểm một vài hoa lê trắng. Từ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên sinh động có hồn.
  • Tất cả làm cho mùa xuân có vẻ riêng: mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non), khoáng đạt, trong trẻo (xanh tận chân trời) nhẹ nhàng, thanh khiết.
Tám câu tiếp theo: Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

  • Có hai hoạt động diễn ra: tảo mộ và du xuân chốn thôn quê (Hội đạp thanh).
  • Không khí lễ hội náo nức, rộn ràng đông vui (Dập dìu tài tử giai nhân / ngựa xe như nước áo quần như nêm). Cách dùng từ láy (nô nức, sắm sửa, dập dìu…) tạo hiệu quả miêu tả rất xinh động.
  • Qua cuộc du xuân của chị em Thúy Kiều, tác giả khắc họa một truyền thống văn hóa lễ hội xa xưa.
Sáu câu thơ cuối: khung cảnh chị em Thúy Kiều du xuân về.

  • Không khí lễ hội không còn nữa, tất cả đang nhạt dần, lạnh dần, mọi chuyển động đều nhẹ nhàng, mặt trời từ từ chuyển bóng về tây, bước chân con người thơ thẩn, một dòng nước uốn quanh.
  • Cảnh vẫn vậy nhưng do thời gian thay đổi nên sắc thái khác nhau, nhưng quan trọng hơn, cảnh đã nhuốm tâm trạng con người. Những từ láy (tà tà, thanh thanh, nao nao…) không chỉ miêu tả trạng thái sự vật mà còn mang cái nhìn của con người. Cảm giác “nao nao” dự cảm trước những cái vui buồn lẫn lộn.
  • Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du: kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình.
Biểu điểm

  • Điểm 6: đáp ứng được yêu cầu nêu trên, có sự cảm nhận tinh tế sâu sắc ở một vài điểm, văn viết có cảm xúc, có thể còn vài sai sót nhỏ.
  • Điểm 3: cơ bản biết cách triển khai văn bản nghị luận và hiểu đúng nội dung đoạn trích chưa thật chắc chắn. Cách phân tích còn một vài hạn chế. Còn diễn xuôi, thiếu chất văn, còn mắc một số lỗi diễn đạt, chính tả.
  • Điểm 1: tuy có viết về thơ nhưng sai về nội dung và phương pháp, mắc nhiều lỗi về câu, chữ.
  • Điểm 0: viết vài dòng chiếu lệ hoặc bỏ giấy trắng.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top