Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn tỉnh Tuyên Quang (có hướng dẫn chấm bài)

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG
KHOA NGÀY 26 – 6 – 2009, MÔN: NGỮ VĂN (CHUYÊN)
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian phát đề).

Câu 1:
2 điểm
Đọc đoạn văn sau:
“…Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết… Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng… Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày lại thêm đáng buồn…
Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo nghĩa khác.”
(Nam Cao – Lão Hạc)

  1. Theo em, đoạn văn trên là lời độc thoại hay độc thoại nội tâm. Giải thích lí do.
  2. Từ nội dung đoạn trích và toàn tác phẩm, hãy tìm hiểu hàm ý của câu: “Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo nghĩa khác.”
Câu 2: 3 điểm
Tiết kiệm là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về chủ trương đó (khoảng 20 dòng của trang giấy thi).
Câu 3: 5 điểm
Từ những hiểu biết về nhà văn Nguyễn Thành Long và truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, em hãy phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn nói trên, qua đó hãy nêu nhận xét của mình về nghê thuật của truyện ngắn này.


KÌ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG

KHOA NGÀY 26 – 6 – 2009
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN (CHUYÊN)

I/ HƯỚNG DẪN CHUNG


  • Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
  • Do đặc trưng của bộ môn ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
  • Việc chi tiết hóa hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong tổ chấm thi.
  • Điểm toàn bài không làm tròn.
II/ HƯỚNG DẪN CHẤM TỪNG CÂU
Câu 1: 2 điểm

  1. Đoạn văn là lợi độc thoại nội tâm – 0.25 điểm.
Giải thích lí do:

  • Độc thoại là lời của một người nào đó nói với chính mình hoặc nói với ai đó trong tưởng tượng. Trong văn bản tự sự, khi người độc thoại nói thành lời thì phía trước câu nói có gạch đầu dòng; còn khi không thành lời thì không có gạch đầu dòng. Vì vậy, đoạn văn trên là độc thoại nội tâm.
  • Lời trong văn bản là lời độc thoại nội tâm của nhân vật “tôi” (Ông giáo).

  1. Tìm hiểu hàm ý của câu văn: “Không! Cuộc đời.. nghĩa khác” – 1 điểm.

  • Sư khẳng định mạnh mẽ, niềm vui, niềm tin của ông giáo về nhân cách cao đẹp của lão Hạc – nhân cách của một người lương thiện – 0.5 điểm.
  • Nỗi buồn nỗi xót xa cho số phận, cuộc đời tăm tối, bế tắc của người nông dân nghèo trong xã hội cũ. – 0.5 điểm.
Câu 2: 3 điểm
Yêu cầu
Yêu cầu về kỹ năng:

  • Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề (khoảng 20 dòng trên trang giấy thi).
  • Viết được một văn bản nghị luận xã hội.
  • Vận dụng được các thao tác lập luận và các phương thức biểu đạt khác đã hoc.
  • Bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp và dùng từ.
Yêu cầu về kiến thức:

  1. Giải thích:

  • Thế nào là tiết kiệm?
(Tiết kiệm là sử dụng tiền bạc, của cải vật chất, sức lao động, thời gian… môt cách hợp lí, đúng mức, không lãng phí).

  • Vì sao tiết kiệm lại trở thành một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay?
+ Đất nước ta bị chiến tranh nặng nề.
+ Đời sống nhân dân ta còn nhiều khó khăn.
+ Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu.
Vì vậy, mỗi người phải tiết kiệm để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

  1. Cảm nghĩ của bản thân:

  • Mỗi người phải có ý thức tự giác tiết kiệm và thể hiện điều đó bằng những việc làm cụ thể hàng ngày.
  • Học sinh phải biết tiết kiệm và vân động người khác cùng thực hành tiết kiệm.
Thang điểm

  • Điểm 3: Bài làm đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên, viết mạch lạc, lập luận chạt chẽ, có cảm xúc, bố cục hợp lí, mắc một số sơ sót nhỏ, thông thường (dùng từ, chính tả…).
  • Điểm 2: Bài làm cơ bản đạt các yêu cầu nêu trên, nhất là các yêu cầu về nội dung và cách lập luân. Có thể có một vì sơ sót nhỏ nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Diễn đạt lưu loát, có thể mắc một vài lỗi nhỏ nhưng không làm sai ý người viết.
  • Điểm 1: Bài đạt khoảng ½ yêu cầu nêu trên hoặc có thiếu ý, sơ sài. Diễn đạt chưa tốt, mắc những lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, đặt câu.
  • Điểm 0: Không làm được gì hoặc sai lạc hoàn toàn.
Câu 3: 5 điểm
Yêu cầu về kỹ năng

  • Biết cách làm bài văn nghị luận về một nhân vật văn học.
  • Bài văn có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Chữ viết cẩn thận, rõ ràng.
Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở hiểu biết về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, thí sinh phải chỉ ra và phân tích được những phẩm chất, đức tính đẹp đẽ, đáng yêu của nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trong tác phẩm này với các ý cơ bản sau:
+ Phần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

  • Nguyễn Thành Long viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, ông là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.
  • Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của Nguyễn Thành Long.
  • Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
+ Phần phân tích: nhân vật anh thanh niên trong truyện với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc rất đáng trân trọng.

  • Yêu đời, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao trong công việc.
  • Có những suy nghĩ đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống của con người.
  • Có đời sống tinh thần phong phú: say mê đọc sách, xem đọc sách là một niềm vui, là một người bạn.
  • Một con người thành thực, mến khách, luôn quan tâm tới người khác.
  • Một con người khiêm tốn, hi sinh thầm lặng…
Chú ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh phải dẫn chứng và phân tích các dẫn chứng để làm rõ từng đặc điểm, tích cách của nhân vật (sự phân tích, giải thích, chứng minh phải có căn cứ thuyết phục)
+ Phần nhận xét:
Với cốt truyện nhẹ nhàng, chi tiết chân thực, tinh tế, đối thoại sinh động, tình huống truyện bất ngờ, thú vị, tác giả đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ thanh niên trong cuộc sống xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Thang điểm

  • Điểm 4 - 5: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, có thể còn một vài sai sót nhỏ về diễn đạt.
  • Điểm 2 – 3: đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, còn một vài lỗi về diễn đạt nhưng không làm sai lệch ý của người viết.
  • Điểm 1: trình bày thiếu ý hoặc sơ sài, mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
  • Điểm 0: không làm được gì hoặc sai lạc hoàn toàn.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top