• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 3 - có đáp án

Mời các em thử sức cùng Vnkienthuc.com trong Đề thi thử môn Ngữ văn 9 số 3 - có đáp án nhé! Chúc các em làm bài tốt!

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:


“Ông ấy cũng giống như chúng ta”. Đây là nhận xét của giới truyền thông phương Tây trong những ngày vừa qua về Bill Gates, người giàu thứ 2 thế giới hiện nay với khối tài sản ước tính lên đến 96 tỷ USD.
Tờ Sydney Morning Herald thuật lại rằng, nhà đồng sáng lập Microsoft khi đến cắt tóc tại một cửa hàng ở Double Bay thuộc ngoại ô Sydney, trong một chuyến thăm thành phố này đã xếp hàng như bao người khác.
Đây quả là một thông tin tin khiến không ít người cảm thấy hiếu kỳ, vì trong tưởng tượng của hầu hết chúng ta một đại tỷ phú như Bill Gates hẳn phải có thợ cắt tóc riêng hoặc phải có những “đặc quyền đặc lợi” khi đến bất cứ đâu, được ưu tiên, được cung phụng,vv và vv...
Thế nhưng ông ấy vẫn xếp hàng như bao vị khách khác. Điều thú vị là khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có
thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu.
Bill Gates khiêm nhường thì đã đành, mà quy định của cửa hiệu cắt tóc này rất rõ ràng. Họ coi mọi khách hàng đều bình đẳng như nhau. Đây không phải hoàn toàn là điều dễ gặp, khi mà đứng trước một nhân vật nổi tiếng, đầy quyền lực như Bill Gates đâu phải ai cũng giữ được cách ứng xử điềm nhiên, sòng phẳng như người thợ cắt tóc kia!
(...) Có thể nhiều người có tiền mua burger hay cắt tóc, nhưng không phải ai cũng khiêm nhường xếp hàng như Bill Gates. Ngược lại không phải ai cũng có thể kiếm tiền giỏi như Bill Gates, song vẫn có thể học được rất nhiều điều về phong cách sống của ông, tôn trọng người khác và ứng xử đầy lịch lãm, văn minh!
(Theo Bích Diệp, ngẫm về sự giản dị của tỷ phú - Báo Dân trí)


Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 2: Câu văn in đậm ở văn bản trên, xét về cấu tạo thuộc loại câu gì? Vì sao?

Việc “Tỷ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê, miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” nói lên điều gì trong cách ứng xử nơi công cộng của Bill Gates và người thợ cắt tóc?

Câu 3: Theo người viết, Bill Gates là tỷ phú có phong cách sống như thế nào? Điều gì khiến ông ghi điểm trong lòng công chúng?

Câu 4: Em rút ra bài học gì cho bản thân từ văn bản trên?

Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 3- có đáp án- vnk.jpeg

(Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ văn bản ở phần Đọc - hiểu, theo em người giàu có về trí tuệ có cần giàu có về nhân cách không? Hãy viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 từ) để nêu lên ý kiến của mình.

Câu 2: “Không có tiếng nói riêng, tác phẩm văn học sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.”
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ Văn 9 tập 1- Nhà xuất bản Giáo Dục).
-----------Hết -----------

Các em có thể tham khảo các đề thi ôn tập vào lớp 10 tại địa chỉ https://vnkienthuc.com/forums/de-thi-on-tap-vao-10.1262/. Cảm ơn các em luôn đồng hành và ủng hộ. Mời các em xem tiếp phần gợi ý trả lời và các bài văn mẫu dưới phần bình luận nhé!

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC - HIỂU



Câu 1
Nội dung: Lối sống giản dị; cách ứng xử văn minh, lịch thiệp của tỷ phú Bill Gates nơi công cộng.

Câu 2

- Câu văn “Điều thú vị là khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu ông có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu”, xét về cấu tạo thuộc loại câu đơn.

- Vì câu này có 1 cụm chủ vị chính.

+ Điều thú vị là: chủ ngữ

+ Khi vị tỷ phú 63 tuổi hỏi người thợ cắt tóc rằng liệu có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không thì được trả lời: Ông có thể tự do đi lấy cà phê miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu: vị ngữ.

- Việc “Tỷ phú Bill Gates 63 tuổi xếp hàng và hỏi người thợ cắt tóc có thể ra khỏi hàng để lấy một tách cà phê hay không” cho thấy cách ứng xử văn minh, tôn trọng người khác của Bill Gates.

- Câu trả lời của anh thợ cắt tóc: “Ông có thể tự do đi lấy cà phê, miễn rằng ông không ngại xếp hàng lại từ đầu” cho thấy anh thợ cắt tóc:

+ Tôn trọng người khác.

+ Tôn trọng nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.

+ Công bằng, không xu nịnh người khác, không vì tiền bạc và quyền lực. Mà làm những việc trái với nguyên tắc ứng xử nơi công cộng.

Câu 3
- Theo người viết: Bill Gates là tỷ phú có phong cách sống tôn trọng người khác và ứng xử lịch lãm, văn minh.

- Điều khiến ông ghi điểm trong lòng công chúng: không phải là quyền lực, tiền bạc mà chính là sự giản dị, văn hóa trong ứng xử và tấm lòng nhân ái trong các dự án thiện nguyện.

Câu 4
Bài học:
Học học sinh có thể có những cảm nhận để từ đó rút ra bài học với những cách diễn đạt khác nhau nhưng cần cụ thể thuyết phục và đảm bảo các ý cơ bản sau:

- Tôn trọng người khác; ứng xử văn minh, lịch thiệp ở mọi lúc mọi nơi.

- Sống giản dị khiêm nhường.

- Học tập, trau dồi tri thức; rèn luyện nhân cách đạo đức để bản thân trở thành những công dân chân chính.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1

1. Mở bài:
Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

Đảm bảo 4 luận điểm:
* Luận điểm 1: Giải thích

- Giàu có về trí tuệ là người tài giỏi thông minh, am hiểu một số lĩnh vực nào đó trong xã hội và biết vận dụng tố chất thông minh, linh hoạt của mình vào những mục đích chính đáng để đạt được thành công.

- Giàu có về nhân cách là người có tâm hồn đẹp sống khiêm nhường, biết đối nhân xử thế khéo léo, lịch lãm, văn minh.
 Trí tuệ và nhân cách là hai mặt cần thiết tạo nên vẻ đẹp của con người, vì vậy người giàu có về trí tuệ cần giàu có về nhân cách.

* Luận điểm 2: Tại sao người giàu có về trí tuệ cần giàu có về nhân cách?

- Trí tuệ và nhân cách là hai yếu tố quan trọng để khẳng định giá trị của con người và giúp mỗi người thành công trong cuộc sống.

- Xã hội ngày càng phát triển, đòi hỏi con người có bộ óc thông minh, nhân cách lớn lao và tiến bộ.

- Những người thực sự thành công và dũng cảm, dám thử thách đi lên bằng chính thực lực của mình thường có bên trong họ là một tâm hồn cao cả. Nhân vật Bill Gates trong văn bản ở phần đọc - hiểu là một người có nhân cách đẹp và giàu có về trí tuệ.
(Học sinh phân tích 1-2 dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ)

* Luận điểm 3: Phê phán những người có tài nhưng nhân cách tầm thường hoặc có nhân cách tốt nhưng không chịu học tập bồi dưỡng tri thức.

* Luận điểm 4: Nhận thức thái độ và hành động đúng

- Trí tuệ và đạo đức là thước đo giá trị con người, 2 yếu tố này tạo nên vẻ đẹp của một con người.
- Trân trọng những người có trí tuệ và nhân cách.

- Cần chăm chỉ học tập, trau dồi kinh nghiệm để trở thành người có trí tuệ.

- Tu dưỡng rèn luyện đạo đức; sống giản dị khiêm nhường, biết giúp đỡ yêu thương mọi người để trở thành người có nhân cách.

- Ghi nhớ lời dạy của Bác: “người có tài mà không có đức thì vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

3. Kết bài: Khái quát nâng cao vấn đề.

Câu 2


1. Mở bài (giới thiệu vấn đề nghị luận)

- Giới thiệu vấn đề, trích dẫn ý kiến.

- Giới hạn vấn đề phân tích: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (Nguyễn Thành Long).

2. Thân bài (giải quyết vấn đề nghị luận)

Đảm bảo những ý sau:

a. Giải thích ý kiến:
- Tác phẩm văn học: Là sự sáng tạo của người cầm bút, được tạo nên bởi ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, cùng những rung động trong tâm hồn, tình cảm.

- Tiếng nói riêng: Phong cách, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật độc đáo, riêng biệt của nhà văn thể hiện trong tác phẩm.

- Không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc: Không có giá trị, không được bạn đọc yêu thích.
 Sáng tạo nghệ thuật mang cá tính riêng sẽ tạo nên giá trị cho tác phẩm và vị trí của người sáng tác.

b. Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm.

c. Chứng minh ý kiến.
Tiếng nói riêng trong văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long được thể hiện ở các khía cạnh:

c1. Lựa chọn đề tài:
- Bắt nhịp theo cảm hứng chủ đạo của văn học dân tộc đương thời theo 2 xu hướng: ca ngợi cuộc sống lao động xây dựng Chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ cứu nước

- Dung hòa cả hai xu hướng sáng tác để tạo ra một nét riêng trong tác phẩm em.

c2. Cách xây dựng cốt truyện và tình huống:
- Đơn giản, nhẹ nhàng, không có mâu thuẫn không có kịch tính
- Chủ yếu liệt kê sự kiện, sự việc nhưng vẫn đan xen tâm trạng sâu kín của nhân vật.

c3. Cách đặt nhan đề.
- Để hình thức sử dụng nghệ thuật đảo ngữ nhằm nhấn mạnh nội dung.

- Nội dung vẻ lặng lẽ bề ngoài của Sa Pa ẩn chứa bên trong một nhịp sống lao động khẩn trương, sôi nổi với những cống hiến hy sinh thầm lặng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước

 Cách đặt nhan đề độc đáo: lấy tính cả động, lấy cái giản dị nói tới cái cao đẹp.

c4. Cách xây dựng hình tượng nhân vật.

- Thế giới nhân vật đa dạng nhưng nhất quán trong hình ảnh chung của người lao động mới. Đam mê, cởi mở, nhiệt thành, biết quan tâm, chia sẻ, cống hiến đóng góp cho sự nghiệp chung.

- Học sinh phân tích các nhân vật trong văn bản, đặc biệt là nhân vật anh thanh niên để làm sáng tỏ.

Lưu ý: Nếu học sinh phân tích sơ sài, giám khảo tùy mức độ để trừ điểm.

- Cách gọi tên nhân vật: không có tên riêng, gọi tên nhân vật theo nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính. Vì vậy thế giới nhân vật hiện lên vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa mang dáng dấp chung của người lao động mới, vừa có thế giới tâm hồn riêng.

- Cách khai thác nhân vật theo hai xu hướng:
+ Cảm hứng ca ngợi: Vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn và nhân cách sống.

+ Đề cập đến những góc riêng rất đời thường ở từng nhân vật: cảm nhận về những khó khăn, gian khổ, trở ngại trong công việc của anh thanh niên, ông họa sĩ và tâm sự sâu kín của cô kỹ sư ...

 Nhà văn không lý tưởng hóa nhân vật. Thế giới nhân vật hiện lên gần gũi, chân thực, tạo độ tin cậy và thuyết phục. Đây cũng là nét riêng tạo nên sức hấp dẫn đối với người đọc và giá trị cho tác phẩm.

c5. Nghệ thuật kể chuyện:

- Linh hoạt, sáng tạo, vừa mang âm hưởng thời đại, vừa tái hiện cuộc sống đời thường một cách chân thực.

- Ngôn ngữ kể chuyện: Nhẹ nhàng, tinh tế, giàu sức gợi.

- Đa dạng trong cách dẫn chuyện, linh hoạt trong điểm nhìn để tạo dựng những không gian nghệ thuật:

+ Không gian của miền đất Sa Pa với thiên nhiên thơ mộng.

+ Chiều sâu tâm hồn các nhân vật.

 Chất thơ của truyện ngắn toát lên từ vẻ đẹp của thiên nhiên, con người và ngôn ngữ nghệ thuật.

 Như vậy: Đề tài, nhan đề, cốt truyện, cách xây dựng hình tượng nhân vật và nghệ thuật kể chuyện sáng tạo, độc đáo đã tạo nên tiếng nói riêng để tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

d. Đánh giá nâng cao vấn đề

- Giá trị của tác phẩm: Đem đến cho bạn đọc cách nhìn, cách cảm nhận về cuộc sống và con người trong một thời kỳ lịch sử của đất nước; biết trân trọng những đóng góp, cống hiến của những thế hệ con người Việt Nam; Ý thức sâu sắc về tinh thần lao động tựnguyện, tự giác; cảm nhận được tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn.

- Nhà văn phải có kiến thức sâu rộng, tư duy nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, mới lạ, hấp dẫn nhưng không xa rời thực tế, làm cho tác phẩm sống mãi trong lòng bạn đọc.

- Bạn đọc: Đồng sáng tạo với nhà văn để tạo ra mối liên hệ giữa nhà văn - tác phẩm - bạn đọc; đón nhận thông điệp của tác giả gửi đến bạn đọc thông qua tác phẩm.

e. Liên hệ mở rộng
- Vẻ đẹp của những người lính lái xe Trường Sơn trong “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính”; của ba cô gái thanh niên xung phong trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi”...

- Vẻ đẹp của con người trong lao động và chiến đấu được tạo nên bởi sự trải nghiệm, tấm lòng và phong cách nghệ thuật độc đáo của các tác giả. Điều này đã tạo nên giá trị của tác phẩm và tình cảm của bạn đọc.

3. Kết bài (kết thúc vấn đề nghị luận)

Khái quát, nâng cao vấn đề.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Bài văn mẫu phần làm văn

Câu 1: Từ văn bản ở phần Đọc - hiểu, theo em người giàu có về trí tuệ có cần giàu có về nhân cách không? Hãy viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 từ) để nêu lên ý kiến của mình.

Bài làm


Trí tuệ và tâm hồn là hai phương diện quan trọng thể hiện giá trị và vị thế của con người đối với đời sống xã hội. Bởi vậy, chúng ta cần không ngừng học hỏi để nâng cao trí tuệ và luôn quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh để nuôi dưỡng đời sống tâm hồn. Bởi vậy theo em người giàu có về trí tuệ chắc chắn cần phải giàu có về nhân cách.
Như chúng ta đã biết, trí tuệ là vốn kiến thức, hiểu biết của con người sau quá trình nhận thức, tư duy bằng việc quan sát, học hỏi, tiếp thu. Trí tuệ của con người càng cao khi người đó biết tiếp nhận, làm mới tri thức và không ngừng học hỏi. Nhân cách là hình ảnh ẩn dụ cho tình cảm, cảm xúc, đời sống tâm hồn và thuộc lĩnh vực tinh thần, cách hành xử của con người. Nếu trí tuệ là biểu tượng cho sự lí trí, sáng suốt thì nhân cách là sự thể hiện của tình cảm, cảm xúc. Đây là hai phương diện quan trọng tác động và chi phối đến quan điểm cũng như thái độ sống của con người. Như vậy, cả trí tuệ và nhân cách đều rất cần thiết đối với đời sống của một con người. Hai phương diện này bổ sung và hỗ trợ cho nhau để tạo nên một con người hoàn thiện. Mỗi con người trong xã hội này đều cần phải vừa có trí tuệ vừa có nhân cách. Bởi trí tuệ giúp chúng ta thông minh, sáng suốt trong mọi tình huống còn nhân cách giúp con người ta biết cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Khi xã hội càng tân tiến, càng hiện đại thì càng đòi hỏi con người có trí tuệ thông minh hơn và nhân cách cao đẹp hơn. Thực tế đã chứng minh rằng những người càng giàu có về trí tuệ thì nhân cách của họ càng cao đẹp. Mà Bill Gates là một ví dụ tiêu biểu. Trong những tuyên bố gần đây, vị tỷ phú nổi tiếng đã quyết định rút lui khỏi Hội đồng quản trị công ty và tập trung nhiều hơn với các công việc thiện nguyện và xây dựng quỹ thiện nguyện.Ở quỹ từ thiện này Bill gates hỗ trợ vốn cho các dự án y tế, giáo dục, giảm đói nghèo và khuyến khích bình đẳng toàn cầu. Đây được coi là một sứ mệnh toàn cầu mà Bill gates và các đồng sự mong muốn mang lại cho nhân loại. Trong thời điểm dịch bệnh covid 19 đang hoành hành thì chính Bill gates và quỹ của ông đã hỗ trợ các tổ chức y tế và người dân đang gặp khó khăn. Điều đó càng chứng tỏ nhân cách rất đáng ngưỡng mộ của Bill gates.

Bác Hồ, vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc ta luôn quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách cho thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh. Trong một lần nói chuyện với học sinh, Bác đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời dạy của Bác khẳng định cho nhận định “ Người giàu có về trí tuệ cần phải giàu có về nhân cách.” Trí tuệ và nhân cách, phẩm chất và năng lực là hai mặt của một con người. Có trí tuệ mà không có nhân cách là người vô dụng, bởi lẽ có trí tuệ mà không đem ra phục vụ nhân dân, đất nước há chẳng phải là vô dụng sao? Có trí tuệ mà làm việc xấu, trái đạo đức, tiếp tay cho kẻ phản bội Tổ quốc thì chẳng những vô dụng mà còn có tội. Người có trí tuệ mà đạo đức kém thì tác hại càng lớn, càng phải phê phán, lên án. Một cán bộ quản lí giỏi nhưng tham ô, hối lộ thì chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước và trước sau cũng dẫn đến sự yếu kém của đơn vị. Một học sinh học giỏi mà vô tổ chức, kỉ luật thì chẳng có tác dụng gì trong lớp… Ngược lại, giàu nhân cách mà không có trí tuệ thì làm việc gì cũng khó, không đem lại hiệu quả lớn trong sản xuất và đời sống. Nếu có nhân cách, muốn phục vụ tốt nhưng không có hiểu biết thì mọi ý định dù tốt đến mấy cũng khó trở thành hiện thực.

Ngày nay, khi nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đòi hỏi mỗi chúng ta chẳng những phải cố gắng, nỗ lực, khiêm tốn học hỏi, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, mà còn phải phấn đấu học tập không ngừng để đáp ứng những đòi hỏi của trình độ khoa học cao, để theo kịp những thành tựu của nhân loại, của các nước tiên tiến. Thanh thiếu niên chúng ta không thể thờ ơ, chạy theo lối sống mới sa đọa, thiếu đạo lí, mà phải không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, tích cực học tập văn hóa, khoa học, tiếng nước ngoài để có khả năng tiếp cận trình độ tiên tiến của thời đại.
Như vậy trí tuệ và nhân cách phải được kết hợp hài hòa để tạo nên nhân cách con người mới. Để trở thành người vừa giàu có về trí tuệ vùa giàu có về nhân cách em thấy mình phải ra sức trau dồi, rèn luyện cả đức lẫn tài để trở thành người lao động toàn diện, có ích cho đất nước, cho cuộc sống.

Sen Biển( Biên soạn và sưu tầm)
 
Bài làm mẫu câu 2:

“Không có tiếng nói riêng, tác phẩm văn học sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc.”
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua văn bản “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ Văn 9 tập 1- Nhà xuất bản Giáo Dục).


Nhà văn R.Gamzatep từng nhận định: "Dù bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo tới đâu nó cũng nhất thiết phải đẹp, không chỉ đơn giản là đẹp, mà còn phải đẹp một cách riêng”. Thật đúng như vậy, văn chương luôn đòi hỏi những người nghệ sỹ biết đào sâu, tìm tòi, khơi những điều chưa ai khơi, và sáng tạo những điều chưa ai có. Giống như ai đó từng nói: "Tác phẩm không có nét riêng, sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc”. "Lặng lẽ Sa Pa là” là một minh chứng hùng hồn cho nhận định trên.
Ý kiến trên là một cái nhìn hoàn toàn đúng đắn về văn chương. Nó đã khẳng định văn chương là một lĩnh vực độc đáo mới lạ. Mỗi tác phẩm văn chương phải là một thế giới nghệ thuật riêng, một chân trời riêng, một lối đi riêng. Viên Mai từng nói ”Làm người không nên có cái tôi, nhưng làm thơ thì phải có cái tôi”. Nhà văn có phong cách thì mới được người đọc chấp nhận và yêu mến. Phong cách càng độc đáo thì sức hấp dẫn càng lớn. Và điều mới mẻ độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương. Tác phẩm văn chương không có gì mới mẻ sẽ khó được người đọc chấp nhận. Hay nhà văn có phong cách mờ nhạt, không có dấu ấn riêng sẽ dễ bị người ta lãng quên. Cái riêng ấy thường được thể hiện qua giọng điệu, cách nhìn của nhà văn, yếu tố độc đáo về nội dung hay nghệ thuật, cách sử dụng các biện pháp tu từ… Nếu lấy điều đó làm thước đo thì nhà văn Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa hoàn toàn phù hợp
Nét riêng đầu tiên toát lên từ cảnh sắc Sa Pa thơ mộng như một bức tranh. Đó là nơi núi cao, thác đổ trắng xoá, với mây, nắng, sương đều rất la. Sự bắt đầu của Sa Pa là những răng đào ven đường hay những đàn bò làng cổ, cổ đeo chuông là đặc trưng hữu hình của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nơi đây. Hình ảnh rừng cây đầu mùa bao bọc lấy nhau “Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng, những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”.
Nhất là vẻ đẹp của nắng khiến cảnh sắc thêm lộng lẫy. “Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây”; “nắng đã mạ bạc cả con mèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Người ta cảm thấy như bị cuốn theo nhịp chạy của mây hay đầy xúc cảm trong sự cuốn hút của nắng.
Chỉ là những nét phác hoạ nhưng cảnh thiên nhiên hiên lên đẹp như những bức tranh, đẹp đến hai lần. Cái đẹp tự nhiên của nó và cái đẹp qua tâm hồn người nghệ sĩ của ông hoạ sỹ. Nét riêng vút lên từ vẻ đẹp con người sống và làm việc ở nơi đây. Thiên nhiên đẹp làm nền tôn thêm vẻ đẹp con người nơi đây. Những đỉnh Yên Sơn, Phan-xi-păng cao vòi vọi gợi nghĩ tới những con người ở tầm cao của sự cống hiến và hy sinh. Cái hừng hực của nắng, của gió gợi đến nhiệt huyết hừng hực cháy của con người lao động nơi đây. Thiên nhiên thơ mộng, trong sáng như tâm hồn những con người ở Sa Pa trong sáng, mộng mơ.
Nét riêng, chất trữ tình chủ yếu toát lên từ nội dung truyện. Từ cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những nét đẹp giản dị rất đáng mến của người thanh niên, từ những câu chuyện anh kể về cuộc sống của mình giữa lặng lẽ Sa Pa, và từ những tình cảm, cảm xúc mới nảy nở của ông họa sĩ, cô kỹ sư đối với anh thanh niên.
Có thể nói, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa có dáng dấp như một bài thơ,nét riêng bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh những con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô đơn bởi sự gắn bó của họ đối với đất nước, với mọi người. Tác giả đã tao được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người rất bình di được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà chủ đề của truyện được rõ nét và sâu sắc hơn.
Nét riêng đặc sắc nữa thể hiện trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa là cách xây dựng nhân vật. Đầu tiên phải kể đến là nhân vật anh thanh niên- nhân vật chính của tác phẩm Không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, người đọc biết đến nhân vật anh thanh niên qua lời chuyện trò của bác lái xe trên chuyến hành trình lên vùng cao. Hình ảnh ấy lại được khắc họa rõ ràng hơn trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa anh và mọi người khi xe dừng lại nghỉ ở hành trình. Ông họa sĩ, cô kĩ sư ở dưới xuôi được anh mời đến thăm nơi ở của mình. Và từ đây, câu chuyện về công việc, về cuộc sống của anh được hé lộ khi anh tâm sự với ông họa sĩ, cô kĩ sư. Đoạn trích kể về cuộc trò chuyện giữa anh thanh niên với ông họa sĩ và cô kĩ sư về nơi ở, công việc của mình nằm ở phần giữa của tác phẩm.

( Còn nữa)
 
Tiếp theo câu 2

Nhắc đến nơi đây, có lẽ trong đầu mỗi người đều hiện ra một vùng đất mát mẻ, có tuyết mỗi khi đông về, là nơi tham quan, nghỉ ngơi thú vị nhưng ít ai biết rằng Sapa nơi đây còn có những con người miệt mài lao động ngày đêm để cống hiến một phần của mình cho đất nước bằng đam mê. Đoạn văn là lời của nhân vật anh thanh niên - nhân vật chính trong truyện Lặng lẽ Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên 27 tuổi đó sống một mình trên đỉnh núi cao mây mù quanh năm che phủ, quanh năm suốt tháng làm việc với cây và mây núi Sapa. Với công việc làm khí tượng kiêm vật lí địa cầu, anh có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo chấn động mặt đất và dự báo thời tiết hàng ngày phục vụ cho công việc chiến đấu và sản xuất. Mặc dù làm công việc ít ai dám làm nhưng anh lại kể cho ông họa sĩ và cô kĩ sư bằng giọng tự hào, hạnh phúc. “Cái máy nằm dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất. Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về nhà bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là ốp.” Vì công việc mà anh không thể ngủ đủ giấc, mỗi đêm đều phải dậy bốn lần. Khó có thể ngờ tới một công việc vô cùng gian lao, vất vả kia lại được làm bởi một chàng trai trẻ tuổi. 27 tuổi- một tuổi trẻ nhiều hoài bão đam mê kia tưởng chừng như sẽ bay cao bay xa với những ước mơ, lập nghiệp ở thủ đô hoa lệ, những thành phố rộng lớn nhưng anh lại chọn Sapa làm nơi lập nghiệp cho riêng mình. Hoàn cảnh sống khắc nghiệt, công việc gian khổ, vất vả là thử thách rất lớn nhưng anh thanh niên đã vượt qua hoàn cảnh ấy bằng ý chí, nghị lực và những suy nghĩ rất đẹp. Đây là sự hi sinh thầm lặng, cống hiến cao cả của anh với quê hương đất nước, dân tộc
Qua lời kể của bản thân, anh thanh niên hiện lên với lí tưởng cao đẹp, hiện lên với những nét riêng về phẩm chất của bản thân mình. Trước hết, anh là một người rất yêu nghề, hang say tận tụy với công việc. Anh đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ công tác và đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để đạt được kết quả tốt nhất. Một chàng trai trẻ tự nguyện lên đây làm việc không phải vì sự bốc đồng nhất thời mà là cả một nhận thức chín chắn, đúng đắn, sâu sắc nhất. Thân trai tráng đứng trước cảnh nước nhà còn gặp nhiều khó khăn gian khổ thì làm sao anh có thể ngồi yên hưởng thụ được. Từ đáy lòng anh từng tiếng gọi của non sông đất nước cứ mãi vang lên từng hồi thôi thúc như hồi kèn xung trận. Không ai bắt buộc anh phải lên nơi mây mù sương phủ như vậy để làm việc nhưng anh vẫn chọn nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành cho ai?”. Anh thanh niên như một viên kim cương sáng giữa vùng đất sa mạc cằn cỗi. Anh tự hào với công việc của mình, giới thiệu chi tiết từng loại máy, từng dụng cụ của mình cho ông họa sĩ và cô kĩ sư. “Cái này là máy nhật quang kí, ánh nắng mặt trời xuyên qua cái kính này, đốt các mảnh giấy này, cứ theo mức độ, hình dáng, vết cháy mà định nắng. Đây là máy Vin, nhìn khoảng cách giữa các răng cưa mà đón gió. Cái máy này dưới sâu kia là máy đo chấn động vỏ quả đất.” Phải yêu công việc lắm, gắn bó với công việc lắm mới có thể thuộc được như vậy.
Anh thanh niên là người có hành động đẹp. Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn, không có ai đôn đốc, kiểm tra nhưng anh vẫn vượt qua hoàn cảnh làm việc một cách nghiêm túc, tự giác với tinh thần trách nhiệm cao. Sống đơn độc nơi rừng núi mà làm việc thì chắc chắn sẽ không phải chuyện dễ dàng. Biết bao nhiêu vất vả, gian lao, rình rập, thiếu thốn vật chất lại phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt nhưng với lòng hăng say trong công tác, người con trai của rừng núi Sapa vẫn cố gắng vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ. Qua lời tâm sự của anh với ông họa sĩ, cô kĩ sư , ta càng hiểu những gian khổ mà anh phải chịu: “Gian khổ nhất là lần đi và báo về lúc một giờ sáng. Rét bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết ấy.” Khuya rét, mưa tuyết,..có thể là lí do để anh trốn tránh trách nhiệm. Lúc một giờ khuya lạnh lẽo ấy, liệu ai dậy đi kiểm tra xem anh có làm tốt công việc của mình hay không? Nhưng với một người chăm chỉ như anh, anh vẫn tự giác làm việc, những bản báo cáo vẫn đều đặn gửi về trạm. Dù thời tiết khắc nghiệt mùa đông giá rét mà anh đều thức dậy thắp đèn đi ốp đúng giờ: “Cháu lấy những con số, mỗi ngày báo về nhà bằng máy bộ đàm bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng. Bản báo ấy trong ngành gọi là ốp”. Ngày nào cũng vậy, anh làm việc một cách đều đặn, chính xác bốn lần trong ngày, âm thầm bền bỉ trong nhiều năm trời. Hơn ai hết, anh hiểu rõ tầm quan trọng của việc mình làm. Một cơn bão tràn vào sẽ cướp hết những gì đã và đang làm được từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân lao động. Công việc của anh thật chẳng kém gì nhiệm vụ của các anh chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Nếu như thời xưa, ông cha ta chiến đấu để giành độc lập cho đất nước, cho dân tộc mới được coi là suy nghĩ cho đất nước thì giờ đây, những công việc hi sinh thầm lặng của anh thanh niên là phẩm chất thể hiện lòng yêu nước. Anh mang tuổi trẻ, sức trẻ cùng sự nhiệt huyết của mình đến vùng cao của tổ quốc. Như Bác Hồ đã từng nói:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.”
Tuổi trẻ cùng với sự kiên trì, bền bỉ, anh thanh niên đã không ngại gian khó, gian khổ để hoàn thành công việc tốt nhất, góp phần đem lại sự phát triển cho đất nước, xã hội.
Lật giở những trang sách tiếp theo, ta lại càng thêm thán phục về anh thanh niên: người có phong cách sống cao đẹp. Tuy sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m nhưng căn nhà của anh luôn gọn gàng ngăn nắp. “Một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách.” Ghé thăm ngôi nhà nơi đây, nếu không biết trước người ở là một chàng trai thì có lẽ mọi người đều lầm tưởng đây là nơi ở của một cô gái. Sống giữa núi cao, nhưng anh không hề bị bóng núi che khuất, con người anh tuy bé nhỏ nhưng anh vẫn cao lớn lạ thường. Anh luôn có tinh thần thái độ làm việc nghiêm túc, chính xác, khoa học. Anh vẫn luôn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất dù không có ai nhắc nhở, kiểm tra. Những công việc anh đều làm đều đặn, thường xuyên, đúng giờ. Anh như một vận động viên leo núi cố gắng vượt qua mọi chông gai để lên đỉnh núi cao nhất. Người vận động viên kiên cường ấy đã làm việc trong tự nguyện, tự giác vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gặt hái những thành quả tốt đẹp. Ở con người này còn là cả một sự khao khát được vươn xa, bay xa đến những ước mơ cao đẹp. Đúng như lời của tác giả Nguyễn Thành Long đã từng nói: “Trong cái im lặng của Sapa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sapa, Sapa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến việc nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.”
Với lối kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận, đoạn trích “Lặng lẽ Sa Pa” đã khắc họa thành công hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng ở một mình trên đỉnh núi cao với lí tưởng sống cao đẹp. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. “Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hi sinh nhưng cũng thật trong sáng đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật.” và đó chính là nét riêng mà Nguyễn Thành Long xây dựng cho tác phẩm của mình. Ngoài nhân vật anh thanh niên tác phẩm còn có sự xuất hiện của các nhân vật phụ :Ông họa sĩ là nhân vật phụ, nhưng có vai trò quan trọng trong tác phẩm, góp phần vào sự thành công của truyện. Đây là nhân vật gần với quan điểm trần thuật của tác giả. Đặc biệt, dưới cái nhìn của họa sĩ, nhân vật anh thanh niên hiện ra rõ nét và đẹp hơn, có thêm chiều sâu tư tưởng, đồng thời khơi gợi nhiều khía cạnh, ý nghĩa về cuộc sống, về nghệ thuật: " Vì họa sĩ đã bắt gặp 1 điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, 1 nét thân ái như khẳng định 1 tâm hồn, khơi gợi cảm hứng sáng tác. Một nét mới đủ là giá trị 1 chuyến đi dài" Họa sĩ muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và : " Người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta nghĩ về anh và những điều anh suy nghĩ..." Ông họa sĩ là hình ảnh đẹp về 1 người lao động nghệ thuật, đồng thời, sự xuất hiện của nhân vật này đem lại chất thơ đậm đà cho truyện
Cô kĩ sư là 1 hình ảnh cao đẹp của tuổi trẻ. Cô vừa mới tốt nghiệp ra trường, đã tình nguyện lên miền núi Lai Châu công tác. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên đã khiến cô bàng hoàng. Cô hiểu thêm cuộc sống 1 mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới của những con người ngư anh. Cuộc gặp gỡ còn giúp cô đáng giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô chối từ nó và yên tâm hơn về quyết định đó của mình. Cùng với sự bàng hoàng ấy là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên. Không phải vì bó hoa to mà anh tặng cô 1 cách hết sức vô tư mà còn vì " 1 bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những người háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho cô" Cô gái cũng như các nhân vật khác trong truyện góp phần làm hoàn chỉnh góc nhìn về anh thanh niên
Bác lái xe là nhân vật xuất từ đầu truyện, nhưng cũng kịp thể hiện những nét đẹp trong tính cách. Là người rất yêu công việc, suốt 30 năm trong nghề lái xe mà vẫn luôn giữ được tính cởi mở, niềm nở có trách nhiệm với công việc, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Bác lái xe là cầu nối giữa anh thanh niên và cuộc đời ( mua sách cho anh, dừng xe dưới chân đồi để anh trò chuyện, giới thiệu những người bạn mới cho anh). Bác lái xe cũng là người dẫn dắt truyện, kích thích sự tò mò của ông họa sĩ và cô kĩ sư về anh thanh niên - người cô độc nhất thế gian, người rất "thèm người"
Trong tác phẩm, còn có những nhân vật không xuất hiện trực tiếp mà chỉ xuất hiện gián tiếp qua câu kể của anh thanh niên cũng góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm. Đó là ông kĩ sư vườn rau, ngày ngày ngồi quan sát ong thụ phấn, rồi tự tay thụ phấn cho su hào, để củ su hào to hơn, ngọt hơn. Hay anh cán bộ nghiên cứu sét: suốt 11 năm không xa cơ quan, lúc nào cũng túc trực chờ sét, quên cả hạnh phúc riêng để hoàn thành bản đồ sét giúp tăng tài nguyên cho đất nước. Dù không xuất hiện trực tiếp trong truyện mà chỉ gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên, song họ hiện lên với những nét tuyệt đẹp trong tâm hồn và cách sống. Họ là những người say mê công việc. Vì công việc làm giàu cho đất nước, họ sẵn sàng hi sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc và tình cảm gia đình. Cuộc sống của họ lặng lẽ và nhân ái biết bao.
Các nhân vật được nhà văn đặt trong tư thế hướng đến cái đẹp: " Bác lái xe vui tính, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ hướng tới anh thanh niên với tất cả niềm khâm phục, cảm mến. Còn anh thanh niên lại hướng về anh cán bộ bản đò sét, anh thanh niên trên Phan - xi - păng, ông kĩ sư vườn rau với ý nghĩ sự cống hiến của họ mới lớn lao và đáng ngợi ca. Các nhân vật phụ trong truyện đều góp phần khắc họa nhân vật chính và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Các nhân vật ở đây kể cả chính cả phụ đều không có tên riêng. Họ là lái xe, họa sĩ, kĩ sư,... phải chăng đây là dụng ý của ý tác giả muốn nói về những con người vô danh lặng lẽ, dâng cho đời tình yêu và sức vóc của mình. Cuộc sống của họ thầm lặng mà cao đẹp. Hình ảnh họ mang vẻ đẹp đẹp trong sáng, lý tưởng. Đó cũng là vẻ đẹp của con người Việt Nam trong những năm tháng gian lao và hào hùng, chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Qua câu chuyện về anh thanh niên, về những mảnh đời lặng lẽ tưởng như thầm lặng, tác giả đã chứng minh được nét riêng độc đáo của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa trong lòng bạn đọc. Dù thời gian có trôi qua nhưng Nguyễn Thành Long và tác phẩm của ông vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc các thế hệ

Sen Biển( Sưu tầm và biên soạn)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top