GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU
Câu 1 Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm
Câu 2 Biện pháp tu từ so sánh: “Như con chim suốt ngày chọn hạt”
Câu 3 Muốn có được quả ngon, ngọt thì cần phải trải qua những ngày tháng vất cả, chăm sóc cây mới có được thành quả. Ở đây muốn nói đến sự kiên trì và quyết tâm.
Câu 4 Qua những lời thơ nhẹ nhàng như một bài hát du dương, gợn chạm vào tâm hồn người đọc để qua đó cũng là những lời răn dạy con, nhẹ nhàng và sâu lắng của cha mẹ.
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1
*Giới thiệu vấn đề nghị luận: suy nghĩ của em về nghị lực của con người trong cuộc sống.
*Giải thích: Nghị lực là bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ đến đâu để đạt được mục tiêu đề ra.
*Biểu hiện của nghị lực: Người có nghị lực luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp.
*Vai trò, ý nghĩa của ý chí nghị lực
- Nghị lực giúp con người đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Ví dụ: Bill Gate,…
- Có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống
- Thay đổi được hoàn cảnh số phận, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn
- Trở thành những tấm gương về ý chí, nghị lực vượt lên số phận.
- Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục, đồng thời tạo được lòng tin ở người khác.
* Bình luận, mở rộng
- Phê phán những người không có ý chí, nghị lực:
+ Những người chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí, thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời.
+ Những người có điều kiện đầy đủ nhưng không chịu học tập, buông thả, không nghĩ đến tương lai
+ Những người khi gặp khó khăn là buông xuôi, nản chí, phó mặc cho số phận
=> Lối sống cần lên án gay gắt. Từ đó rút ra bài học nhận thức và hành động
Câu 2
a. Mở bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm
- Trích dẫn thơ: Là dòng cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên và đất nước.
b. Thân bài:
1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của thiên nhiên (6 câu đầu):
– Bức tranh mùa xuân thiên nhiên trong 6 câu thơ đầu được vẽ bằng vài nét phác hoạ nhưng rất đặc sắc.
– Không gian cao rộng của bầu trời, rộng dài của dòng sông, màu sắc hài hoà của bông hoa tím biếc và dòng sông xanh – đặc trưng của xứ Huế.
– Rộn rã, tươi vui với âm thanh tiếng chim chiền chiện hót vang trời, tiếng chim trong ánh sáng xuân lan tỏa khắp bầu trời như đọng thành “từng giọt long lanh rơi”.
– Cảm xúc của tác giả trước mùa xuân đất trời thể hiện qua cái nhìn trìu mến với cảnh vật, trong những lời bộc lộ trực tiếp như lời trò chuyện với thiên nhiên “ơi, hót chi… mà…”. Đặc biệt cảm xúc của nhà thơ được thể hiện trong một động tác trữ tình đón trân trọng vừa tha thiết trìu mến với mùa xuân: đưa tay hứng lấy từng giọt long lanh của tiếng chim chiền chiện.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.
– Có thể hiểu câu thơ theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, “giọt long lanh” là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.
– Ở đây, giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoà vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.
2. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước
– Hình ảnh lộc xuân theo người ra tràn theo người ra đồng làm đẹp ý thơ với cuộc sống lao động và chiến đấu, xây dựng và bảo vệ, 2 nhiệm vụ không thể tách rời. Họ đã đem mùa xuân đến mọi nơi trên đất nước.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
+ “Mùa xuân người cầm súng. Lộc giắt đầy trên lưng”: liên tưởng đến những người chiến sỹ ra trận mà trên vai, trên lưng họ có cành lá nguỵ trang. Những cành lá ấy mang lộc biếc, chồi non, mang theo mùa xuân của thiên nhiên, cây cỏ. Từ “lộc” còn làm cho người ta liên tưởng đến hình ảnh người lính khi ra trận, mang theo sức sống của cả dân tộc. Chính màu xanh sức sống đó đã tiếp cho người lính có thêm sức mạnh, ý chí để họ vươn xa ra phía trước tiêu diệt quân thù.
+ “Mùa xuân người ra đồng. Lộc trải dài nương mạ”: nói về những người lao động, những người ươm mầm cho sự sống, ươm những hạt mầm non trên những cánh đồng quê hương, từ “lộc” cho ta nghĩ tới những cánh đồng trải dài mênh mông với những chồi non mới nhú lên xanh mướt từ những hạt thóc giống đầu mùa xuân. Từ “lộc” còn mang sức sống, sức mạnh của con người. Có thể nói, chính con người đã tạo nên sức sống của mùa xuân thiên nhiên, đất nước.
+ “Tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao”. Nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận mùa xuân đất nước bằng hai từ láy gợi cảm “hối hả” là vội vã, khẩn trương, liên tục không dừng lại. “Xôn xao” khiến ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hoà lẫn với nhau xao động. Đây chính là tâm trạng tác giả, là cái náo nức trong tâm hồn. Tiếng lòng của tác giả như reo vui náo nức trước tinh thần lao động khẩn trương của con người. Mùa xuân đất nước được làm nên từ cái hối hả ấy. Sức sống của đất nước, của dân tộc, cũng được tạo nên từ sự hối hả, náo nức của người cầm súng, người ra đồng. Như vậy, hình ảnh mùa xuân đất nước đã được mở rộng dần. Đầu tiên, nó chỉ gói gọn trên đôi vai, tấm lưng của người ra trận, đã được mở rộng thành một cánh đồng bao la.
3. Nghệ thuật đặc sắc:
– Thể thơ 5 chữ gần với điệu dân ca, âm hưởng trong sáng, nhẹ nhàng, tha thiết, điệu thơ như điệu của tâm hồn, cách gieo vần liền tạo sự liền mạch của dòng cảm xúc.
– Hình ảnh tự nhiên, giản dị, những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, đặc biệt một số hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân được lặp đi lặp lại và nâng cao, gây ấn tượng đậm đà.
c. Kết bài: Cảm nhận của em.
Sen Biển( biên soạn)