Đề thi thử môn Ngữ văn 9 số 11 - có đáp án

Sen Biển mời các em giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 11 - có đáp án. Chúc các em làm bài tốt.

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU

Đọc văn bản sau:

NHÀ LÀ NƠI ĐỂ VỀ


Nhà, một tiếng gọi thân thương với rất nhiều tình yêu và sự quan tâm, chia sẻ. Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.
Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “Gia đình”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện.


(Con đã về nhà, Tăng Quang, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020, tr. 71)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra thành phần phụ chú trong câu văn sau:


Hai tuần cách ly giúp chúng con thấu hiểu rằng chúng ta luôn có nhiều hơn một Mái Nhà, nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.

Câu 2. Theo văn bản, sau những biến cố cuộc sống, tác giả hướng tình cảm đến những đối tượng nào?

Câu 3. Theo em, việc viết hoa từ “Mái Nhà” trong văn bản trên có ý nghĩa gì?

Câu 4. “Hai tuần cách ly” gợi nhắc đến những ngày cả nước phòng chống đại dịch COVID-19. Trong biến cố ấy, việc tốt nào của người Việt Nam để lại ấn tượng nhất trong em? Vì sao?

Đề thi thử môn Ngữ Văn 9 số 11 - có đáp án - vnk.jpeg

( Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1:
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự biết ơn.

Câu 2: Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và đất nước trong đoạn thơ sau:


Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng, Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng đi
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...


(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 55-56)

Mời các em xem phần gợi ý đáp án và các bài văn mẫu dưới phần bình luận. Đừng quên ghé thăm vnkienthuc.com mỗi ngày các em nhé!

Sen Biển( biên soạn)
 
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu 1 Thành phần phụ chú: nơi luôn dang rộng vòng tay chào đón, chân thành yêu thương và cùng chung bước đi qua những thăng trầm cuộc sống.

2 - “Gia đình”, “Tổ quốc”
- Những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện.

3 - Khẳng định ý nghĩa thiếng liêng của “Gia đình”, “Tổ quốc”

- Thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng của tác giả đối với “Gia đình”, “Tổ quốc”.

4 Câu trả lời của thí sinh cần đảm bảo được hai ý:
- Nêu được một việc tốt của người Việt Nam trong đại dịch COVID -19. Có thể tham khảo một số gợi ý sau: chia sẻ gạo cho người khó khăn; tận tình cứu chữa người mắc bệnh COVID -19; ân cần tiếp đón, hỗ trợ đồng bào trong các khu cách ly…

- Lí giải được vì sao bản thân ấn tượng với việc tốt đã nêu, lí lẽ phải chặt chẽ, thuyết phục, phù hợp với đạo đức và pháp luật.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1


a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức của đoạn văn.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: ý nghĩa của sự biết ơn

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Vận dụng tốt các thao tác lập luận để bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải có lí lẽ, căn cứ xác đáng, phù hợp; có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được ý nghĩa của sự biết ơn đối với cá nhân và cộng đồng. Có thể triển khai nội dung đoạn văn theo hướng:

- Sự biết ơn thể hiện cách ứng xử văn hóa của mỗi người; người biết ơn được mọi người yêu mến, tin tưởng, quý trọng; có cuộc sống bình an, hạnh phúc và dễ gặt hái thành công…

- Sự biết ơn tạo ra sự gắn kết tình cảm giữa người với người, giúp xã hội phát triển nhân ái và nhân văn. Sự biết ơn còn góp phần thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc, tạo ra sức mạnh tinh thần và vật chất để phát triển đất nước.

d. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2

1. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận:

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát vấn đề.

2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và đất nước trong đoạn thơ

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

3.1. Mở bài:

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và đoạn thơ:

- Thanh Hải là một trong số những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kì đầu.

- Mùa xuân nho nhỏ được viết vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, không bao lâu trước khi ông qua đời.

- Đoạn trích gồm hai khổ thơ đầu của bài thơ, thê hiện vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, đất nước, con người.

3.2. Thân bài

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

* Vẻ đẹp cùa mùa xuân thiên nhiên dạt dào sắc xuân, đậm chất Huế, thơ mộng và bình yên được thể hiện qua:

- Không gian cao rộng (với dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la).

- Màu sẳc tuơi thẳm (sông xanh, hoa tím biếc).

- Âm thanh tươi vui ( tiếng chim chiền chiện hót vang trời)

* Vẻ đẹp của mùa xuân đất nước căng tràn sức sống thể hiện qua:

- Hai hình ảnh tiêu biểu cho con người trong công cuộc chiến đấu và lao động xây dựng đất nước (người cầm súng – người ra đồng)

- Mùa xuân của đất trời đọng lại trong hình ảnh lộc non; sức sống của mùa xuân đất nước còn được cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, những âm thanh xôn xao.

* Cảm xúc của tác giả: say sưa, ngây ngất trước vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời; tin yêu, tự hào trước sức xuân của đất nước, con người.

* Nghệ thuật: thể thơ năm tiếng có nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca; hình ảnh đẹp, giản dị, gợi cảm; sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp từ…

3.3. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.

4. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

5. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Sen Biển ( biên soạn)
 
Bài văn mẫu:

Câu 1:
Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của sự biết ơn

Bài làm


Trong cuộc sống, lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự hoàn thiện và phát triển nhân cách con người. Lòng biết ơn là tấm lòng tri ân, luôn ghi nhớ công ơn nuôi dạy, giúp đỡ của người khác với mình. Lòng biết ơn được biểu hiện ở cả trong suy nghĩ lẫn những hành động từ cụ thể đến lớn lao. Đó là suy nghĩ, thái độ trân trọng, kính mến, là hành động trả ơn, báo đáp công ơn của bản thân với những người có ơn với mình. Cụ thể, đất nước Việt Nam đã thể hiện lòng biết ơn của mình bằng những ngày lễ mang tính chất kỉ niệm, tưởng nhớ, ví dụ như ngày 20/11 là ngày để tất cả thế hệ học sinh cả nước tri ân đối với công lao dạy dỗ của thầy cô giáo, ngày 27/7 là ngày ghi nhớ công lao của thương binh liệt sĩ – những người đã hy sinh máu xương, cuộc đời của mình để bảo vệ Tổ quốc… Lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng và là sợi dây để gắn bó tình cảm giữa người với người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, có rất nhiều người đi ngược lại với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có thái độ và hành động vô ơn, “ăn cháo đá bát”. Những hành vi này đều đáng bị lên án để họ có thể nhận thấy lỗi sai, từ đó thay đổi nhận thức, suy nghĩ một cách tích cực nhất.

Sen Biển ( biên soạn)
 
Câu 2: Vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và đất nước trong đoạn thơ sau:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng, Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng đi
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...


(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 55-56)

Bài làm


Thiên nhiên vạn vật với vẻ đẹp hấp dẫn, phong phú luôn là nguồn đề tài thu hút, khơi nguồn cảm hứng ở các tác giả. Đặc biệt là khoảnh khắc giao mùa, những tâm hồn tinh tế nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc mùa cũ qua đi, mùa mới ghé đến. Bằng tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, Thanh Hải đã nắm bắt trọn vẹn vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế mộng mơ. Nó được thể hiện đặc biệt rõ trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.

Mùa xuân nho nhỏ được viết vào tháng 11 năm 1980, không bao lâu trước khi nhà thơ qua đời. Hoàn cảnh đó giúp ta càng hiểu rõ hơn lòng yêu cuộc sống thiết tha của tác giả. Ông vẫn mở rộng mọi giác quan để cảm nhận đầy đủ nhất vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật.

Viết về đề tài mùa xuân, không phải là một đề tài hiếm có trong thơ ca. Ta từng biết đến mùa xuân rộn ràng sắc hương trong thơ Nguyễn Bính:

Đây cả mùa xuân đã đến rồi
Từng nhà mở cửa đón vui tươi
Từng cô em bé so màu áo
Đối má hồng lên nhí nhảnh cười.


Còn đối với Thanh Hải, ông cảm nhận một mùa xuân rất riêng, rất Huế với sắc tím dịu dàng, đằm thắm:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc


Thiên nhiên đẹp đẽ, là sự hòa phối hài hòa giữa các màu sắc. Giữa dòng sông xanh là sắc tím biếc của loài hoa lục bình. Động từ “mọc” được đảo lên đầu câu nhấn mạnh vào sức sống mạnh mẽ, sự trỗi dậy của thiên nhiên. Đồng thời cũng khiến cho sự biến chuyển của sắc hoa thêm rõ nét. Hòa vào khung cảnh yên bình, đậm chất Huế là tiếng chim hót vang trời ngưng đọng thành từng giọt long lanh. Hình ảnh giọt long lanh là một hình ảnh thơ đa nghĩa, vừa có thể hiểu là tiếng chim hót ngưng đọng thành giọt, nhưng cũng có thể hiểu là giọt mưa xuân. Đứng trước khung cảnh ấy, tác giả không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông ngây ngất trước vẻ đẹp thiên nhiên, nâng niu, trân trọng từng khoảnh khắc xuân về:

Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng


Đôi tay tác giả đầy nâng niu, trân trọng hứng lại giọt âm thanh, hứng lấy giọt mùa xuân của thiên nhiên. Đồng thời hành động ấy cũng cho thấy sự níu giữ, yêu tha thiết mùa xuân, cuộc đời của tác giả. Với hoàn cảnh lúc bấy giờ, tác giả đang nằm trên giường bệnh, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, ta lại càng thấy rõ hơn tình yêu quê hương, yêu cuộc sống ở ông.

Từ mùa xuân của thiên nhiên, Thanh Hải dần chuyển sang cảm nhận mùa xuân của đất nước. Đối tượng hướng đến không chỉ dừng lại là các sự vật hiện tượng mà hướng đến những con người gầy dựng lên mùa xuân:

Mùa xuân người cầm súng
Lộc dắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.


Mỗi một cặp câu thơ nhắc đến một nhiệm vụ lúc bấy giờ: nhiệm vụ chiến đấu và nhiệm vụ lao động sản xuất. Người cầm súng chính là những chiến sĩ anh dũng, ngày đêm bảo vệ đất nước. Họ mang trên mình những chiếc lộc nguy trang giặc, nhưng đồng thời họ cũng mang cả mùa xuân đất nước trên lưng, chiến đấu và bảo vệ nền độc lập cho dân tộc. Làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến là những người ra đồng, họ là những người nông dân cần mẫn, chăm chỉ sản xuất phục vụ kháng chiến, cuộc sống. Hình ảnh lộc trải dài, cho thấy sức sống mạnh mẽ, trải dài của đất nước. Hòa trong không khí chung đó ai cũng hối hả, xôn xao. Tứ thơ như được lan tỏa không khí khẩn trương, rộn ràng. Trong hai câu thơ, Viễn Phương đã sử dụng liên tiếp điệp từ “tất cả”, từ láy hối hả, xôn xao tạo nên nhịp điệu vui tươi, hào hùng, hồi hởi. Cho thấy niềm tự hào sâu sắc của tác giả trước mùa xuân của đất nước.

Trong hai khổ thơ đầu Thanh Hải đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ, cùng với đó là giọng điệu vui tươi, hào hứng đã vẽ nên vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên và sức sống của mùa xuân đất nước. Ta không thấy một Thanh Hải ốm đau, mà là một người nghệ sĩ tràn đầy tình yêu cuộc sống, tình yêu đất nước. Những vần thơ khiến ta càng thêm trân trọng hơn tấm lòng của một người nghệ sĩ lớn, nhân cách lớn.


Sen Biển( biên soạn)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top