Chỉ còn mấy tháng nữa thôi là các em sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào cấp III vô cùng cam go và khốc liệt. Để đồng hành cùng các em trong cuộc hành trình khó khăn này Sen Biển xin giới thiệu với các em các đề thi thử môn Ngữ Văn 9 - có đáp án, để các em tham khảo và ôn luyện. Mời các em tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Đề 1:

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU


Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Tôi nghe kể rằng, khi một con chim đại bàng biết sắp có bão, nó sẽ bay tới một chỗ nào đó thật cao và chờ gió tới. Khi cơn bão ập đến, đại bàng sẽ mở rộng cánh và chính cơn gió đầy nguy hiểm ấy sẽ nâng đại bàng lên cao, cao hơn cả bão. Trong khi mưa bão gầm gào giận dữ ở bên dưới, thì đại bàng đang sải cánh bên trên. Đại bàng không đi trốn cơn bão, đại bàng lại dùng cơn bão để nâng nó lên cao hơn, vì nó cưỡi trên những cơn gió mang bão tới, có lẽ chính vì vậy mà đại bàng mạnh mẽ, oai hùng và được coi là vua chim chăng?...
(Theo Sống đẹp - Điều kì diệu của cuộc sống, NXB Hà Nội, 2017, tr 21)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?

Câu 2: Nêu nội dung của văn bản?

Câu 3: Trong văn bản trên, đại bàng đã làm gì để tránh bão? Hành động đó của đại bàng có ý nghĩa như thế nào?
Câu 4: Bài học rút ra từ văn bản trên là gì?

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: Từ câu chuyện ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nếu cứ chờ đợi cho đến lúc mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu” (I.Turgeniev)

Câu 2: Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng :
“Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”
Bằng hiểu biết của mình và dựa vào ý kiến của Trần Đăng Khoa, em hãy chứng minh rằng: bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (Ngữ văn 9, Tập 1) là một bài thơ hay.

---------------------Hết------------
Đề thi thử môn Ngữ Văn 9 số 1- vnkienthuc.com.jpeg

(Ảnh sưu tầm internet)
Mời các em xem gợi ý làm bài dưới phần bình luận nhé! Hãy ghé thăm Vnkienthuc.com thường xuyên để cùng nhau ôn luyện những kiến thức bổ ích nhé!

Sen Biển (sưu tầm và biên soạn)
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU


Câu Nội dung
1 Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp với nghị luận
2 Nội dung của văn bản: Chuyện kể về cách chim đại bàng đối mặt với cơn bão
3 Trong văn bản trên, ta thấy đại bàng đã tránh bão bằng cách:
+ nó sẽ bay tới một chỗ nào đó thật cao và chờ gió tới
+ khi cơn bão ập đến, nó mở rộng cánh và chính cơn gió đầy nguy hiểm ấy sẽ nâng đại bàng lên cao, cao hơn cả bão
- Ý nghĩa: Những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta cũng giống như những cơn bão vậy. Khi gặp khó khăn hãy làm như đại bàng, đừng lẩn tránh mà đối mặt với vấn đề, học hỏi, thích nghi và xử lí chúng với nghị lực và niềm tin vào bản thân.
4 Bài học:
Cuộc sống dẫu khó khăn thì đừng vội vàng bỏ cuộc, lẩn tránh; hãy đối mặt, kiên cường, có niềm tin sẽ thành công trong cuộc sống.

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu Yêu cầu nội dung
1 * Triển khai nội dung của bài viết
- Giải thích: Nếu chỉ khoanh tay ngồi chờ thời cơ đến rồi mới hành động thì ta sẽ chẳng bao giờ làm được cả (phủ định lối sống ỷ lại, thụ động, chờ thời, ngại khó)
- Bàn luận:
+ Hoàn cảnh khách quan chỉ là thứ yếu
+ Thời cơ thực sự không tự nhiên đến, cuộc sống không phải cũng dọc sẵn cho ta những điều thuận lợi để thực hiện thành công một dự định gì
+ Nếu không có sự nỗ lực hành động, không chủ động thúc đẩy tạo cơ hội cho chính mình thì con người sẽ chẳng bao giờ bắt đầu, chẳng bao giờ khởi nghiệp được
+ Nêu 1 số dẫn chứng: cách mạng tháng 8/1945 ...
- Mở rộng vấn đề: Bài học nhận thức và hành động
+ Có thể liên tưởng đến một vài ý kiến: Người bình thường chỉ biết chờ đợi cơ hội, người thông minh biết nắm lấy cơ hội còn người tài trí biết tạo ra cơ hội...
+ Thời đại ngày nay, thời đại đòi hỏi tính chủ động sáng tạo, khả năng “đi tắt đón đầu” của mỗi con người, mỗi quốc gia
+ Mỗi người
phải sớm từ bỏ lối sống ỷ lại, thụ động chờ thời. Luôn phải chủ động hành động, dám vươn đầu thách thức, vượt lên trên hoàn cảnh
+ Khi đang ngồi trên ghế nhà trường phải luôn học tập và rèn luyện chuẩn bị hành trang cho ngày mai, tạo cho bản thân một tư thế luôn sẵn sàng chủ động cho dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa...
2 a. Mở bài:
- Giới thiệu Nguyễn Duy và bài thơ “Ánh trăng”. Giới thiệu ý kiến
b. Thân bài:
* Giải thích:
- Một bài thơ hay là bài thơ có sự kết hợp của các yếu tố: giản dị, xúc động và ám ảnh. Ba yếu tố này cùng một lúc được thể hiện hòa quyện trong bài thơ. Nó là kết tinh tình cảm nồng cháy và lí trí một cách nhuần nhuyễn mang tính nghệ thuật của nhà thơ
- Thế nào là giản dị, xúc động, ám ảnh trong thơ?
+ Giản dị trong thơ: nó thể hiện ở đề tài, ngôn ngữ, trong đặt câu, hiệp vần, trong sử dụng hình ảnh và nội dung thể hiện...
+ Xúc động: trước hết là sự xúc động của chính nhà thơ. Thơ là tiếng lòng của thi nhân trong một sự dồn nén cao độ của cảm xúc. Từ tiếng lòng của thi nhân, bằng thơ và qua thơ tạo sự giao cảm và hội ngộ về cảm xúc giữa độc giả và nhà thơ. Từ đó, thấy được thơ là sự giao hòa giữa thế giới riêng tư của cá nhân và xã hội.
* Chứng minh:
- Bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy là một bài thơ hay bởi đó là một bài thơ hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố: giản dị, xúc động và ám
ảnh.
- Bằng sự cảm thụ văn học chứng minh cái giản dị, xúc động và ám ảnh thể hiện trong bài thơ qua đề tài, chủ đề, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh, hình tượng ... của bài thơ:
+ Bài thơ có nội dung chủ đề rất quen thuộc, đã trở thành đạo lý của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ
+ Để thể hiện nội dung chủ đề, nhà thơ chọn trăng - hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hồn nhiên, khoáng đạt, tươi mát làm biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp bình dị, vĩnh hằng của đời sống và nhắc con người cùng có thái độ sống ân nghĩa, thủy chung.
+ Cả bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn rất bình dị, tạo giọng điệu tâm tình sâu lắng, tự nhiên như một lời tự nhắc nhở, đồng thời cũng là sự sẻ chia, gợi nhắc với mọi người
+ Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự với trữ tình - nhân vật trữ tình trong bài thơ, người đọc cảm nhận được những cảm xúc sâu lắng, xúc động, những trăn trở, suy nghĩ mà tác giả muốn gửi gắm.
+ Kết cấu, giọng điệu của bài thơ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, tạo tính chân thực, bình dị, có sức truyền cảm sâu sắc, gây ấn tượng mạnh cho người đọc
+ Tình cảm, cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ tự nhiên, chân thành và thấm thía qua cách chọn lọc các hình ảnh, chọn tình huống, chọn từ ngữ.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại tài năng, tấm lòng của Nguyễn Duy
- Đánh giá lại nhận xét

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bài văn mẫu phần làm văn

Câu 1: Từ câu chuyện ở phần Đọc - hiểu, em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nếu cứ chờ đợi cho đến lúc mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu” (I.Turgeniev)


Có rất nhiều bạn trẻ ngày nay lựa chọn cách ngồi không ăn sẵn, há miệng chờ sung mà không biết rằng không có điều gì tự nhiên mà có. Lối sống thụ động, hưởng thụ không bao giờ được hoan nghênh trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chính bởi thế, có ý kiến cho rằng “Nếu cứ chờ đợi cho đến lúc mọi thứ đã sẵn sàng, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bắt đầu » . Em cho rằng đây là một ý kiến vô cùng đúng đắn sáng suốt. Bởi chuyện tốt luôn đến với những người thực sự biết nắm bắt thời cơ.

Chúng ta thường thấy sự chờ đợi nhẫn nhịn ở những người phụ thuộc quá nhiều vào hoàn cảnh nhưng chúng ta sẽ thán phục vô cùng với một người biết nỗ lực thay đổi cuộc sống của mình. Chủ động tích cực tìm kiếm cơ hội cho mình ngay khi bạn có thể bắt đầu. Đừng chờ đợi khi mọi thứ có thể bắt đầu bởi lúc đó bạn chẳng bao giờ là người chiến thắng.Ai cũng mong muốn có một kết quả tốt đẹp khi bắt đầu một công việc. Thế thì tại sao bạn lại không lấy kết quả ấy làm động lực để bắt đầu ? Hãy luôn sẵn sàng để bắt đầu chứ đừng chờ đợi. Người dân Việt Nam muôn đời sau sẽ vô cùng tự hào và biết ơn hành động chớp thời cơ vô cùng sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách Mạng Tháng 8 Năm 1945. Nếu Người không quyết liệt hành động thì biết đâu đấy sẽ chẳng có ngày 2-9 tươi đẹp của mùa thu năm 1945? Bác chính là minh chứng hùng hồn cho việc hành động bắt đầu đầy bản lĩnh và quyết đoán mà thế hệ trẻ ngày nay cần học tập và noi theo.

Những ai yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia chắc hẳn không xa lạ với quán quân Olymipa năm thứ 5. Từ một cậu học trò nghèo của miền đất Bố Trạch ( Quảng Bình) đầy nắng gió Lê Vũ Hoàng đã bắt đầu chinh phục đỉnh Olympia từ những khốn khó của gia đình và trời không phụ lòng người, Hoàng trở thành quán quân Olympia năm đó. Giờ đây sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu Hoàng trở thành triệu phú đô la trên xứ sở chuột túi với một gia đình hạnh phúc khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nếu Hoàng không bắt đầu ước mơ và thực hiện ước mơ thì làm sao có trái ngọt ngày nay Một khi bạn dũng cảm bắt đầu công việc ngay khi nó chưa thực sự sẵn sàng, bạn sẽ có đủ động lực để vượt qua khó khăn, thử thách, mạnh mẽ tiến lên phía trước. Có thể sẽ rất vất vả nhưng nó giúp bạn tiết kiệm được thời gian phải chờ đợi và tìm kiếm được những cơ hội mới hơn. Cuộc sống là một hành trình khốc liệt, ngay khi bạn chờ đợi, đã có biết bao người đã bắt đầu nó. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ luôn biết ước mơ và hành động để thực hiện ước mơ đó. Bởi em hiểu rằng tương lai của mình phụ thuộc vào hành động của ngày hôm nay.

Đừng ngần ngại, đừng sợ sệt. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ khi bạn còn bồng bột và chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi thử thách đầu tiên chính là kinh nghiệm ngày sau cho bạn. Người đón đầu cơn bão và đi qua cơn bão sẽ là người thành công.

Sen Biển( biên soạn)
 
Sửa lần cuối:
Bài văn mẫu phần làm văn

Câu 2: Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng :
“Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”
Bằng hiểu biết của mình và dựa vào ý kiến của Trần Đăng Khoa, em hãy chứng minh rằng: bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy (Ngữ văn 9, Tập 1) là một bài thơ hay.


Nói đến các nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, không thể không kể đến nhà thơ Nguyễn Duy. Một trong số những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Duy là bài thơ Ánh trăng. Trong bài viết này thông qua nhận xét của Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng :“Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”. Em sẽ chứng minh rằng bài thơ Ánh trăng là một bài thơ hay.

Trước hết, phải khẳng định rằng nhận định của nhà thơ Trần Đăng Khoa” Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” là hoàn toàn chính xác. Vậy bài thơ Ánh trăng giản dị, xúc động và ám ảnh như thế nào?

Có thể nói rằng ài thơ mang dáng đấp một câu chuyện được kể theo trình tự thời gian. Trong đó, "ánh trăng" là hình ảnh xuyên suốt và giàu ý nghĩa. Tác phẩm bắt đầu bằng những hồi ức thơ ấu của tác giả:

"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển".


Từ "với" được lặp lại đến ba lần, thể hiện mạnh mẽ sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Cánh đồng, dòng sông, biển cả là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, thân thương. Đó chính là biểu tượng của quê hương máu thịt, nơi in dấu biết bao kỉ niệm hồn nhiên, tinh nghịch tuổi thơ.

Bốn câu thơ ấy đã thể hiện một cách ấn tượng sự vận động của các hình ảnh. Phải chăng con người khi đã lớn lên thì gắn bó "với đồng" - biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, điềm tĩnh. Rồi khi bước chân đi xa hơn đến "với sông", rồi "với bể" - biểu hiện của sự trưởng thành và khát vọng vươn xa?
Do hoàn cảnh lịch sử của dân tộc, con người bước vào cuộc chiến má lửa với kẻ thù, vầng trăng vẫn luôn kề cận, cùng con người đến mọi nẻo đường:

"Hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ".


Những người bạn rất thân, hiểu con người như hiểu chính mình nên mới gọi nhau là tri kỉ. Vầng trăng với người lính trong những năm tháng chiến đấu ở rằng là người bạn tri kỉ tâm giao. Người chiến sĩ thường ngồi bên nhau dưới ánh trăng thanh hay hành quân dưới bầu trời trăng.

Trăng soi bước chân người đi, cùng chia sẻ hiểm nguy, gian khổ; cùng chiến đấu và chiến thắng. Vầng trăng trong sáng tinh khiết kia còn là biểu tượng cho lý tưởng và tâm hồn cao đẹp của con người. Tâm hồn ấy được nuôi dưỡng từ ấu thơ, được tôi luyện trong cuộc chiến hào hùng cảu dân tộc.

Sang khổ thơ thứ hai, hình ảnh vầng trăng càng hiện rõ

"Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ".


Trăng có vẻ đẹp vô cùng bình dị. Việc dùng hai tính từ kép "trần trụi" và "hồn nhiên" ở đầu dòng thơ là một chủ định của tác giả. Chính điều đó đã tạo nên một sự khái quát thật mạnh mẽ và giàu cảm xúc, vẻ đẹp vô tư , hồn nhiên. Trăng tượng trưng vẻ đẹp tiên nhiên nên trăng đã hòa vào thiên nhiên, hòa vào cây cỏ. Vầng trăng ấy cũng gắn bó với con người bằng một tình cảm mộc mạc, thủy chung. Ai có thể quên được người bạn tri kỉ ấy?

"ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa"


"Vầng trăng tình nghĩa" ấy đâu chỉ là thiên nhiên thơ mộng, mát lành. Đó còn là biểu tượng của quá khứ nghĩa tình, một thời kỉ niệm của cuộc sống gắn bó, hồn nhiên, trong sáng, một thời chiến tranh lửa đạn, nguy hiểm vẫn bên nhau.

Cuộc chiến tranh thần thánh kết thúc, hoàn cảnh sống của con người cũng đổi thay:

"Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương"


Con người sống trong một môi trường hoàn toàn khác: "ánh điện" "cửa gương". Sự ồn ã của phố phường, những công việc của mưu sinh tốt đẹp trước kia giờ đã phai mờ. "Vầng trăng tình nghĩa" năm nào giờ đã bị lãng quên. Người bạn tri kỷ ấy trở thành "người dưng". Một so sánh khiến người đọc xót xa:

"Vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường".


Trăng được nhân hóa, lặng lẽ bước đi. Trăng thành "người dưng" chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay. Giọng thơ trở nên sâu lắng, trầm buồn đến xa xót!

"Bi kịch" của tác phẩm bùng nổ bởi hai câu thơ rất thực, thực hơn cả câu nói thường:

"Thình linh đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om".


"Đèn điện", "phòng buyn - đinh" là những hình ảnh tượng trưng cho cái thực vật chất mà con người bị cuốn vào. Nhưng chúng vô cùng thờ ơ, vô cảm với con người. "Đèn điện" thì "thình lình" tắt, "phòng buyn - đinh" thì "tối om". Chúng chẳng bao giờ là "tri kỷ", "tình nghĩa" đối với con người cả. Điều gì sẽ cứu con người ra khỏi cảnh "tối om" ấy hay con người cả. Điều gì sẽ cứu con người ra khỏi cảnh "tối om" ấy hay con người sẽ bị chết đắm trong bóng tối lạnh lẽo đó?

"vội bật tung của sổ
đột ngột vầng trăng tròn".


Hành động "bật tung cửa sổ" như một bản năng không chuẩn bị trước. Cảm giác "đột ngột" cho ta thấy rằng con người trong cuộc thực sự không biết gì đang đợi mình bên ngoài. Anh ta chẳng hề biết rằng người bạn "tri kỷ", "tình nghĩa", người mà con người coi như "người dưng" vẫn cứ đang sẵn sàng có mặt. Vầng trăng ấy không bao giờ bỏ rơi con người, dù họ có vô tình lãng quên. Hình ảnh này đã chứng tỏ tính vị tha, chất bền vững trong sâu thẳm nguồn cội tâm hồn Việt. Khổ thơ này tạo ấn tượng rất đặc biệt với toàn bộ bài thơ.

Trăng xưa như đã đến với người. vẫn tròn, vẫn đẹp, vẫn thủy chung. Người ngắm trang rồi bang khuân suy ngẫm:

"Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rung rung".


Con người đang "mặt đối mặt" với trăng, với những giá trị tinh thần mình đã lãng quên, khước từ. Hai "mặt" ấy mãi là một, không thể tách rời và cũng chưa từng tách rời. Chỉ có con người cắm cúi vào những vật chất, phồn hoa tầm thường mà quên mất thôi. Từ láy "rưng rưng" đã thể hiện sâu sắc cảm giác con người lúc này. Vì lẽ gì mà con người "rưng rưng", nếu không phải là:
"như là đồng là bể
như là sông là rừng".
Điệp ngữ "như là" lập lại bốn lần. Bốn hình ảnh thân thương chợt hiện về trong ký ức: "đồng", "bể", "sông". Sự láy lại những hình tượng quá khứ đã làm sáng tỏ những gì con người đang cảm nhận lại được. Cái kí ức nghĩa tình ấy, vẻ đẹp thân thương ấy không bao giờ mất đi. Nó chỉ lặng lẽ sống trong tâm hồn con người mà thôi.
Khổ 6: Suy ngẫm của nhà thơ về tình đời, tình người và lời nhắc nhở trách nhiệm đối với quá khứ

Trăng cứ vẹn nguyên, chung thủy khiến người đọc cũng ngỡ ngàng, cức động:

"Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình".


Mặc cho người "vô tình" vầng trăng vẫn tròn "tròn vành vạnh", độ lượng, bao dung. Hay nói khác đi, những giá trị bền vững, thần thiết vẫn luôn bao bọc, che chở cho con người một cách vô hình. Khi con người quay về với cội nguồn tinh thần, họ mới nhận ra mình đã bỏ phí quá nhiều điều vô giá:

"Ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình".


Ánh trăng như người bạn, nhân chứng nghĩa tình đang nghiêm khắc nhắc nhở con người. Cái "im phăng phắc" ấy giống như một người dẫn đường nghiêm khắc chỉ vào cái quá khứ nghĩa tình mà con người tự đánh mất, tự bỏ quên... Hai chữ "giật mình" ở cuối bài thơ như một sám hối một sự tự cảnh tỉnh chính mình của con người.
Cất lên như một lời nhắc nhỏ, bài thơ không còn có ý nghĩa đối với một lớp người, một thế hệ vừa mới đi qua cuộc chiến tranh mà còn có ý nghĩa đối với nhiều người khác. Nó đã đặt ra một thái độ sống với quá khứ, với những người đã khuất với cả chính mình. Đừng bao giờ lãng quên quá khứ, hãy thủy chung với nghĩa tình đẹp đẽ, bình dị của đất nước, của nhân dân. Đó chính là điều tác giả muốn gởi gắm trong bài thơ.

Bài thơ Ánh trăngcủa tác giả Nguyễn Duy đã gây xúc động nhiều thế hệ độc giả bởi cách diễn đạt bình dị, chân thành. Giọng thơ trầm tĩnh, sâu lắng. Từ thơ bất ngờ, mới lạ. tác phẩm như một lời tâm sự, nhắc nhở về tình nghĩa thủy chung, bài học đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sâu sắc, khiến người đọc phải giật mình, suy nghĩ nhìn lại bản thân.

Sen Biển( sưu tầm và biên soạn)
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top