• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đề thi HSG lớp 9 môn Văn tỉnh Hà Nam

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TÀO TỈNH HÀ NAM
KÌ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2008 – 2009
MÔN: NGỮ VĂN – ĐỀ CHÍNH THỨC
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1: 4 điểm

Phân tích nghệ thuật sử dụng từ ngữ độc đáo trong những câu thơ sau:

a. “Nao nao dòng nước uốn quanh
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

b. “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.”

(Bằng Việt – Bếp lửa).

Câu 2: 7.5 điểm

Ý kiến của em về nghệ thuật sử dụng hình ảnh, chi tiết mang tính biểu tượng trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu. Từ đó lí giải nhan đề “Bến quê” của tác phẩm.

Câu 3: 8.5 điểm

Suy nghĩ của em về việc hút thuốc lá.
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TÀO TỈNH HÀ NAM
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2008 – 2009
MÔN: NGỮ VĂN – ĐỀ CHÍNH THỨC

I/ YÊU CẦU CHUNG


Giám khảo cần chủ động, linh hoạt trông việc vận dụng tiêu chuẩn cho điểm. Đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách đơn thuần.

Chỉ cho điểm tối đa nếu đảm bảo tốt các yêu cầu về kiến thức và yêu cầu về kĩ năng (bài viết đủ ý, có bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh, diễn đạt tốt, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ ngữ pháp, chữ viết cẩn thận). Những bài viết có sáng tạo hoặc bài viết có kiến giải riêng nhưng có lí cần được tôn trọng và cho điểm phù hợp.
Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn điểm đến 0.25, 0.5, 0.75.

II/ CÁC YÊU CẦU CỤ THỂ VÀ THANG ĐIỂM

Câu 1: 4 điểm

a/ Phân tích nghệ thuật dùng từ trong hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

- Nhận xét chung: (1 điểm)
+ Tác giả sử dụng các từ láy: nao nao, nho nhỏ.
+ Dùng từ tinh tế, chính xác gợi nhiều cảm xúc cho người đọc.
+ Vừa gời tả được sắc thái của sự vật vừa thể hiện tâm trạng con người.
- Phân tích được cái hay của hai từ láy: nao nao, nho nhỏ (1 điểm)
+ Gợi tả cảnh sắc mùa xuân lúc chị em Thúy Kiều du xuân trở về, cảnh thanh tao, trong trẻo, êm dịu.
+ Gợi tả cảm giác bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui xuân đang còn mà sự linh cảm về một điều gì đó sắp xảy ra đã xuất hiện.

b/ “Một bếp lửa… nắng mưa”.

- Biện pháp tu từ: (1 điểm)
+ Điệp ngữ « Một bếp lửa » : khắc họa một hình ảnh quen thuộc, bình dị, ấp ủ tình nhà, tình đời, gây ấn tượng sâu đậm, gợi biết bao cảm xúc, suy ngẫm cho người đọc.
+ Ẩn dụ « nắng mưa » : chỉ sự vất vả chịu đựng bao đổi thay, tác động của cuộc đời, sự từng trải gian nan của bà.
- Sử dụng từ (1 điểm)
+ Từ gợi hình “chờn vờn”: vừa gợi hình ảnh bếp lửa thực quen thuộc trong mỗi gia đình, lại vừa gợi lên hình ảnh bếp lửa chập chợn trong kí ức.
+ Từ gợi cảm “ấp iu”: gợi đến sự nâng niu, ôm ấp, bàn tay kiến nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa.

Câu 2: 7.5 điểm
. Truyện ngắn Bến quê

· Yêu cầu về kĩ năng

- Có kĩ năng phân tích, nhận xét, đánh giá về nghệ thuật của tác phẩm văn học.
- Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, rõ ý.
- Chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp.

· Yêu cầu về kiến thức

1/ Về nghệ thuật sử dụng chi tiết, hình ảnh mang tính biểu tượng

a. Nhận xét (1 điểm)

- Đây là một đặc điểm nổi bật trong nghệt thuật của truyện ngắn Bến quê. Tác giả đã có nhiều sáng tạo mới mẻ trong việc sử dụng hình ảnh, chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng.
- Nhiều hình ảnh, chi tiết trong truyện mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực. Hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất khiến cho các hình ảnh không bị tước đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm.

b. Phân tích minh họa bằng các hình ảnh, chi tiết tiêu biểu (4.5 điểm)

- Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện vừa là hình ảnh thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng cho vẻ đẹp đẹp của đời sống thân thuộc, bình dị, vẻ đẹp cảu quê hương, xứ sở.
- Những bông hoa bằng lăng cuối mùa đậm sắc hơn; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu mùa đã dồn về đổ ụp vào trong giấc ngủ chủa Nhĩ lúc gần sáng. Hai chi tiết này gợi ra cho biết sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
- Đứa con trai của Nhĩ sa vào một đám chới phá cờ thế bên lề đường, gợi ra điều mà Nhĩ gọi là sự chùng chình, sự vòng vèo mà trên đường đời con người ta khó tránh khỏi.
- Chuyến đó ngang duy nhất trong ngày mà không khéo con trai Nhĩ ham chơi để trễ mất, gợi lên ý nghĩa về thời cơ mà con người không biết nắm bắt sẽ bị bỏ lỡ, qua đi.
- Hành động và cử chỉ của Nhĩ ở cuối truyện: “…đu mình đưa người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy ruộc ra phía ngoài cửa sổ, khoát khoát – ý như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”, là hành động nôn nóng, thúc giục người con trai của anh mau mau kẻo lỡ chuyến đò. Nhưng hình ảnh này cũng gợi ra ý ngĩa thức tỉnh mọi người thoát khỏi cái chùng chình, vòng vèo trên đường đời để hướng tới những giá trị đích thực vốn rất giản dị, gần gũi mà bền vững.

c. Đánh giá (0.5 điểm)

Qua việc sáng tạo hệ thống hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, nhà văn đã tạo được chiều sâu ý nghĩa khái quát và triết lí cho tác phẩm, mang đến cho người đọc cách nhìn mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới văn học Việt Nam trong chặng mở đầu từ những năm 80 của thế kỉ XX.

2/ Nhan đề “Bến quê” (1.5 điểm)

“Bến quê” cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, mang hai lớp nghĩa:
- Nghĩa thực:là bến sông quê nhà Nhĩ
- Nghĩa biểu tượng:
+ Là gia đình, quê hương, xứ sở gần gũi và bền vững, nới nương tựa của mỗi con người, nơi bến đỗ sau cuộc hành trình của đời người.
+ Là nơi cội nguồn, mang giá trị đích thực của cuộc sống, thức tỉnh mọi người sự trân trọng vẻ đẹp và giá trị bình dị, gần gũi của gia đình, của quê hương.
Thang điểm
- Điểm 6 - 7.5: đáp ứng tốt yêu cầu về kĩ năng và kiến thức (hoặc tương đối đầy đủ về kiến thức song có ý sáng tạo hợp lí khác).
- Điểm 4 – 5: đáp ứng yêu cầu về kĩ năng và kiến thức ở mức khá (chưa đủ ý và có một số lỗi về chính tả, ngữ pháp).
- Điểm 1 – 3: nội dung sơ sài, thiếu ý, nhầm lẫn kiến thức, diễn đạt kém, mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: sai lạc hoàn toàn hoặc không viết được gì.

Câu 3: 8.5 điểm


1. Yêu cầu về kĩ năng: biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí mà xã hội đang quan tâm.

2. Yêu cầu về kiến thức:

a/ Ý khái quát: Nêu vấn đề và sự cần thiết phải bày tỏ ý kiến cá nhân về ván đề đó (0.5 điểm).

b/ Nội dung nghị luận:

· Bày tỏ suy nghĩ:
- Là những hiểu biết về thuốc lá và thực trạng hút thuốc lá.
+ Là sản phẩm gây độc hại cho sức khỏe con người.
+ Đã có từ lâu, nhiều người dùng, ở nhiều lứa tuổi, nhiều nơi.
+ Là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
- Nguyên nhân hút thuốc lá:
+ Do thói quen và xã giao trong giao tiếp.
+ Do làm việc căng thẳng mệt mỏi.
+ Do môi trường sống, lao động và công tác.
+ Do đua đòi, bắt chước.
- Tác hại:
+ Ảnh hưởng trực tiêp đến sức khỏe và tuổi thọ của người hút thuốc.
+ Vô tình, gián tiếp làm hại sức khỏe của những người xung quanh.
+ Ảnh hưởng đến hiệu quả lao động.
+ Tiêu tốn tiền bạc của cá nhân và cộng đồng, làm nảy sinh những tác hại khác.
+ Là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong.
· Những đề xuất
- Cần có những biện pháp cụ thể của cộng đồng và các nhân nhằm giải quyết vấn đề này (tuyên truyền, ngăn cấm…)
- Xác định trách nhiệm: không hút thuốc lá, vận động mọi người không hút thuốc lá.

c/ Kết luận: nêu nhận thức và hành động đúng.

· Lưu ý: bài viết cần thể hiện thái độ rõ ràng trước vấn đề. Thí sinh có thể trình bài ý kiến theo lô gich khác, nếu có lý, có sức thuyết phục cần được đánh giá cao. Cần lưu ý cách nêu, giải quyết vấn đề, khả năng lựa chọn dẫn chứng phù hợp có sức thuyết phục để đánh giá bài làm của thí sinh.

Thang điểm


- Điểm 7 – 8.5: đáp ứng tốt các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng. Bài viết có cảm xúc, lập luận chặt chẽ.
- Điểm 5 – 6: đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng ở mức độ khá. Bài viết tương đối có cảm xúc, lập luận đôi chỗ chưa chặt chẽ. Có một số lỗi câu, chính tả, diễn đạt.
- Điểm 3 – 4: đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng ở mức trung bình, lập luận chưa chặt chẽ.
- Điểm 1 – 2: chưa giải quyết được các yêu cầu của đề bài, nội dung bài sơ sài, mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: sai lạc hoàn toàn hoặc không viết được gì.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top