Đề tài nông thôn trong truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới
Trên dải đất Việt Nam hình chữ S, từ bao đời nay, nông dân vẫn là lực lượng cơ bản chiếm tới 90% số lượng dân cư. Bởi vậy trong văn học, đề tài nông thôn bao giờ cũng là một đề tài lớn, luôn có nhiều khoảng trống hứa hẹn và thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ cầm bút.
Thành tựu của văn học quá khứ đã ghi danh nhiều truyện ngắn xuất sắc viết về nông thôn mà tiêu biểu nhất là Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)... Sau Đổi mới, đề tài nông thôn tiếp tục là một vùng đề tài nóng bên cạnh đề tài chiến tranh hay đề tài thành thị. Cùng với các tiểu thuyết nổi tiếng như Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Bến không chồng (Dương Hướng), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Thời xa vắng (Lê Lựu) thì nhiều truyện ngắn viết về nông thôn cũng tiếp tục tạo được ấn tượng với bạn đọc, trong đó có những chuyện đánh dấu sự trưởng thành về chất lượng nghệ thuật như Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)...
Khảo sát truyện ngắn viết về nông thôn từ sau Đổi mới, trước hết ta thấy có sự chuyển biến cơ bản về chủ đề tư tưởng – một sự chuyển hướng tất yếu khi đất nước từ thời kì chiến tranh bước sang thời kì hòa bình, từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường với những biến động phức tạp trong đời sống xã hội. Trước kia (sau 1954 - trong thời kì cải cách ruộng đất) trong văn xuôi về đề tài nông thôn đã xuất hiện những đề tài như giác ngộ cách mạng và đấu tranh giai cấp hay chủ đề về sự lựa chọn giữa hai con đường ra hay vào hợp tác trong thời kì đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, rồi tiếp đến là chủ đề con người mới trong thời kì cải tiến quản lý hợp tác xã và xây dụng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong sáng tác của các tác giả như Đào Vũ, Nguyên Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú... Sau Đổi mới, cùng với sự chuyển biến của văn học nói chung, truyện ngắn viết về nông thôn nói riêng đã quan tâm đến những chủ đề mới mà bình diện trung tâm là khám phá số phận con người cá nhân trên nhiều góc độ xoay quanh các mối quan hệ: con người cá nhân với dòng họ, làng xóm và con người cá nhân trong quan hệ với chính mình. Ngoài ra, một chủ đề khác được các nhà văn quan tâm là hiện thực nông thôn thời mở cửa. Các chủ đề này được thể hiện với nhiều góc nhìn khác nhau đã tạo nên một bức tranh nông thôn thời kì mới quen thuộc mà lạ lẫm, đơn giản mà phức tạp với bao thăng trầm, biến cải – một nông thôn Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập, giàu bản sắc truyền thống mà hiện đại.
1. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng: vấn đề dòng họ và số phận của người nông dân
a. Vấn đề dòng họ
Ở bất kì một vùng quê nào của nông thôn Việt Nam, mối quan hệ họ tộc trong làng xã bao giờ cũng là mối quan hệ thống chế chi phối các mối quan hệ khác. Khác với những người dân thành phố, những người dân ở thôn quê bao giờ cũng coi trọng tình làng nghĩa xóm cũng như những vị trí ngôi thứ trong làng, trong dòng họ, bởi vậy vấn đề họ tộc rất được coi trọng. Xung quanh vấn đề của các mối quan hệ diễn ra trong cùng một dòng họ hay giữa dòng họ này với dòng họ khác luôn là những vấn đề lớn, thậm chí là những vấn đề nhức nhối trong đời sống thôn quê xưa nay. Truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh là một trong những truyện ngắn đầu tiên xới xáo lên câu chuyện về dòng họ ở các vùng quê, đặt ra nhiều vấn đề thế sự khiến chúng ta phải suy nghĩ. Mối tình trong sáng giữa Quý Anh (con địa chủ Hứa vốn có nợ máu với gia đình nhân vật “tôi” dai dẳng từ bốn đời) với “tôi” - người được giao trách nhiệm nặng nề phải trả thù cho dòng họ, sẽ rơi vào bi kịch, vào sự hận thù truyền kiếp nếu con người không dám bước qua thù hận, bước qua rào cản lời nguyền để phá bỏ những vòng trầm luân trên cõi nhân thế. Sau Tạ Duy Anh, truyện ngắn Nỗi đau dòng họ của Sương Nguyệt Minh cũng tiếp tục chủ đề này. Câu chuyện kể về mối hận thù truyền kiếp (dựa trên câu chuyện có thật) giữa hai dòng họ trong một ngôi làng chỉ vì bộ xương vô chủ. Không hiểu sao một bộ xương vô chủ lại táng vào mộ tổ dòng họ Nguyễn. Sự nghi ngờ dòng họ Ninh làm việc này đã dẫn đến việc họ Nguyễn và họ Ninh rơi vào cuộc chiến tương tàn suốt mấy thế hệ. Sự đố kỵ, kình địch giữa các dòng họ đã gây ra những tấn bi kịch thảm khốc: những cuộc đụng độ xảy ra hàng ngày, những vụ kiện tụng dai dẳng, những cuộc trả thù đẫm máu, gây ra oan nghiệt cho bao kiếp người. Từ đời này qua đời khác, những mối tình trai gái bị cấm đoán, những đứa con sinh ra không được thừa nhận, bị tẩy chay, phải chịu nỗi bất hạnh không cha không mẹ. Trong làng quê tưởng như êm đềm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bóng đêm đã phủ lên số phận của bao người nông dân. Họ không chỉ đói nghèo vì thiên tai, bệnh tật mà còn tàn lụi đi vì những “nỗi đau dòng họ”. Chỉ là chuyện xây cất lăng mộ thôi (Đi trên đồng năn – Sương Nguyệt Minh) mà giữa dòng họ này với dòng họ khác cũng ganh đua quyết liệt. Sợ mộ tổ của dòng họ khác to hơn mộ của dòng họ mình nên cả làng nháo nhác chạy tiền đóng góp xây mộ tổ. Năm hết Tết đến, trong nhà chưa có lấy một đồng, nhưng ai cũng cố chạy vạy, vay mượn hoặc xem trong nhà có gì bán được. Nhà này đóng một, nhà kia tức khí đóng hai, đóng ba nên đã xảy ra cảnh vợ chồng cãi cọ, anh em đánh lộn, lừa đảo nhau... Thực trạng về những câu chuyện dòng họ này đã được các nhà văn gióng lên như một tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi xóa bỏ tận gốc những vết thương đang âm ỉ trong các làng quê Việt Nam tưởng như bình lặng hiền hòa sau lũy tre xanh. Trong tiểu thuyết, những câu chuyện bi kịch dòng họ còn được thể hiện một cách nhức nhối hơn qua những tác phẩm nổi tiếng như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Lão Khổ của Tạ Duy Anh, Cuốn gia phả để lại của Đoàn Lê.
b. Số phận người nông dân
Bên cạnh những vấn đề của cộng đồng, một chủ đề mới mà văn xuôi viết về nông thôn sau Đổi mới quan tâm nhiều nhất là số phận người nông dân. Truyện ngắn đầu tiên mở màn cho chủ đề này là Khách ở quê ra và sau đó là Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Với hai truyện ngắn có cùng nhân vật này, lần đầu tiên người đọc biết đến lão Khúng - một con người mang những nét điển hình về thân phận, tâm trạng, suy nghĩ của người nông dân, “một nông dân ròng”: chịu khó làm lụng, vun vén gây dựng cơ đồ, đầy ý chí và bản lĩnh nhưng cũng là một con người mềm yếu, cô đơn và đầy niềm trắc ẩn. Trong con người lão Khúng ẩn chứa cái xấu nguyên thủy lẫn vẻ đẹp nguyên sơ làm cho lão vừa đáng thương vừa đáng trọng, với ý thức mãnh liệt về sự thay đổi số phận, một số phận quá đỗi nhọc nhằn, “nửa người nửa con vật” của mình. Sau hai truyện ngắn này của Nguyễn Minh Châu, nhiều nhà văn viết về nông thôn (đặc biệt là các nhà văn lớp sau) đã hướng đến việc khai thác số phận người nông dân ở nhiều bình diện khác nhau. Bi kịch và thân phận của lão Khúng sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những môtíp biến thể khác mà ta sẽ gặp lại, khi mà nông thôn hôm nay không còn là một nông thôn thuần khiết xưa bởi áp lực của nền kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa.
Đất nước sau những năm dài chiến tranh đã thực sự bước sang cuộc sống thời bình. Người nông dân Việt Nam qua bao thăng trầm của thời chiến tranh loạn lạc giờ đây chắc sẽ có một cuộc sống yên bình, no ấm bên lũy tre làng? Sau các tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Rừng động của Mạc Phi, Vào hang của Vi Hồng, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn của Ma Văn Kháng, Đàn trời của Cao Duy Sơn..., truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục cho ta thấy một phần thực trạng cuộc sống và số phận của những người nông dân hôm nay: họ vẫn tiếp tục đói nghèo bởi cuộc sống lang thang không nhà không cửa, bởi thiên tai dịch bệnh cùng cả sự hận thù giữa đồng loại, đã và đang nhấn chìm họ vào sự khốn cùng. Ngoài những hiểm họa của thiên tai, dịch bệnh thì bệnh quan liêu hình thức, máy móc và cả nạn tham nhũng của những người cầm cân nảy mực đang hoành hành ở nông thôn đã gây ra muôn vàn nỗi khổ cho người nông dân ngày đêm lặn lội trên cánh đồng để kiếm miếng ăn (Lũ vịt trời – Tạ Duy Anh, Trần gian biến cải – Sương Nguyệt Minh, Xóm Chùa Ông – Đoàn Lê). Bên cạnh đó là lối sống thực dụng đang làm rạn nứt nếp nghĩ truyền thống, rồi cái xấu xa phi pháp của bọn phản động khuấy đảo sự bình yên của làng quê (Ngôi làng có quỷ – Thu Loan, Lửa cháy trong rừng hoang – Sương Nguyệt Minh, Cà phê vẫn nở hoa trắng – Hlinh Niê, Phía mặt trời mọc – Hiền Quyên). Với những truyện ngắn trên, các nhà văn đã mang đến thông điệp: một hiện thực khắc nghiệt vẫn đang bao phủ lên đời sống của người nông dân Việt Nam, và để làm thay đổi nó còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức.
Đề cập đến số phận người nông dân, điều mà các nhà văn quan tâm nhiều nhất là số phận người phụ nữ nông thôn. Vấn đề thân phận người phụ nữ nói chung xưa nay là một vấn đề lớn mang ý nghĩa quốc tế. Nỗi bất hạnh cũng như hạnh phúc của người phụ nữ luôn là những đề tài đặc biệt, thức tỉnh những ngòi bút lớn của nhân loại. Trong các truyện ngắn xuất sắc viết về nông thôn miền xuôi như Xưa kia chị đẹp nhất làng của Tạ Duy Anh, Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, Bến trần gian của Lưu Sơn Minh các nhà văn luôn gửi đến những thông điệp thể hiện khát vọng về tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ nông thôn. Chị Túc trong Xưa kia chị đẹp nhất làng đã “chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” để chờ đợi người mình yêu nhưng rồi bất chấp tất cả để giành lại hạnh phúc cho mình khi mọi thứ tưởng đã tuyệt vọng. Người con gái trong Mùa hoa cải bên sông bất chấp đòn roi và lời nguyền cay nghiệt của người cha để thỏa nguyện khát khao hạnh phúc. Còn người con gái tên Thùy và bà mẹ trong Bến trần gian vẫn đau đáu về một niềm hạnh phúc sum họp với người con trai đã ở bên kia của “bến trần gian”. Đối với người phụ nữ miền núi, những người luôn phải sống trong sự trói buộc của thần quyền và hàng trăm hủ tục lạc hậu khác, khát vọng được tự do, được hạnh phúc càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Nhiều truyện ngắn cho thấy những người phụ nữ miền núi hôm nay đã không chịu mãi kiếp sống nô lệ làm “cục đá kê chân cột nhà chồng”. Suy nghĩ của Líu, một người con gái trẻ khao khát tình yêu bị mẹ chồng giam hãm bao năm trong cảnh góa bụa ở truyện ngắn Góc trời tây có cơn mưa đá của Cao Duy Sơn, rồi cảnh “mẹ già” từ bỏ gia đình sau bao năm hy sinh, lặng lẽ đi tìm người tình xưa trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, hay hình ảnh người con gái Dao đỏ sống giữa hoang dại núi rừng mà không nguôi khát vọng về một cuộc sống tự do và tình yêu mạnh mẽ trong truyện Lá Vàng Chải của Phạm Duy Nghĩa cho ta thấy người phụ nữ miền núi hôm nay đã có sự lột xác. Họ đã thức tỉnh và ý thức được rằng phải tự mình giải phóng để giành lấy tự do và hạnh phúc cho mình. Việc thể hiện chân dung những người phụ nữ ở khía cạnh mới này phần nào cho ta thấy sự đổi mới trong quan niệm hiện thực và con người của truyện ngắn viết về miền núi trong dòng chảy của truyện ngắn đương đại, cũng là đánh dấu sự đột phá của văn học về đề tài miền núi nói chung trong việc đi sâu khám phá và thể hiện con người cá nhân, con người bản năng.
2. Hiện thực nông thôn thời mở cửa
Nền kinh tế thị trường với những mặt tốt xấu, được mất của nó đang chạm vào từng căn nhà, góc phố, xóm thôn. Một nông thôn đã từng là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến với bao hy sinh thầm lặng sẽ ra sao trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường? Nó còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống xưa hay không? Nó đã biến cải như thế nào? Hiện thực này cũng là một vấn đề lớn, khiến nhiều cây bút quan tâm và thể hiện khá sắc sảo. Ở đây có hai mảng hiện thực nông thôn thời mở cửa được nhà văn quan tâm thể hiện.
a. Bi kịch đô thị hóa nông thôn
Truyện ngắn Xóm Chùa Ông của nhà văn nữ Đoàn Lê là một khái quát khá toàn diện bức tranh nông thôn thời mở cửa trong quá trình đô thị hóa với những vui buồn, được mất của nó. Từ một vùng quê bình lặng, thuần phác với những người nông dân cần mẫn trên đồng ruộng, xóm Chùa Ông đã chộn rộn lên vì sự thay đổi, bắt đầu từ sự hiện đại hóa đồ vật kéo theo sự thay đổi nếp cảm nếp nghĩ và lối sống của một xóm nghèo ven đô. Đầu tiên là sự xuất hiện chiếc cát-xét của ông Sĩ Duệ - cái đồ vật không chỉ phục vụ đắc lực cho đám cưới với “những bài hát giậm giật” mà còn thay được người khóc trong đám ma, “đỡ được bao nhiêu hơi sức cho con cháu”. Sự kiện tiếp theo là cái Nhớn, con bà cả Thận được tuyển làm diễn viên đoàn xiếc trung ương, hôm trở về làng đã thay đổi hoàn toàn - “hai mắt xanh lè”, “quần áo miếng xanh, miếng tím”. Sự kiện lớn nhất là tin đồn mở đường cao tốc qua làng khiến đất mặt đường đắt như vàng, bao gia đình tan cửa nát nhà trong dịch “sốt đất”: con cả lão Tự Nghệch chém vỡ đầu thằng thứ hai, bà Lăng kiện con rể, lão Hớn cấm khẩu rồi tự vẫn… Tình làng nghĩa xóm bao năm phút chốc tan ra mây khói, nhà nhà suốt ngày nháo nhác chuyện mua bán đất, không ai còn thiết tha làm ăn. Nền kinh tế thị trường đã kéo theo những thay đổi ghê gớm trong đời sống tinh thần, văn hóa của người dân xóm Chùa, làm tha hóa từ tầng lớp cán bộ cầm quyền đến cả những người dân hiền lành bình thường. Điều bi thảm nhất “khiến cả làng há hốc mồm ra” là khi biết kết quả khám nghĩa vụ quân sự, “một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản dương tính với con Hít”... Những tấn thảm kịch xảy ra tại cái xóm Chùa nhỏ bé thời kinh tế thị trường - cũng là bi kịch chung ở các vùng quê thời mở cửa - đã được Đoàn Lê thể hiện sống động trên từng trang viết bằng một giọng văn ngỡ như bình thản lạnh lùng mà ẩn chứa bao đau đớn, xót xa.
Chủ đề nông thôn thời đô thị hóa cũng được đề cập khá nhiều trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh qua tập truyện ngắn viết về nông thôn, với Đi qua đồng chiều, Đi trên đồng năn, Mây bay cuối đường, Trần gian biến cải, Làng động, Bản kháng án bằng văn... Không khí bình yên, trong trẻo ở cái làng Yên Hạ trung du không còn nữa khi có chủ trương đầu tư làm đường từ thị xã qua làng. Những “chuyện dữ, ghê gớm, động rừng, động làng” đã xảy ra ở làng khi xuất hiện một khu du lịch sinh thái, xuất hiện những quán karaokê, những ông Tây ba lô bụi... Người trong làng đua nhau làm kinh tế, kẻ mở công ty cổ phần, người buôn bán đặc sản rừng, người đấu thầu đất làm trang trại, bọn con gái mới lớn thì xúng xính ăn diện làm tiếp viên nhà hàng, bọn con trai thì nhoai ra thành phố kiếm sống. Làng xóm có khang trang hiện đại hơn nhưng đi liền với nó là những hệ lụy đáng buồn. Những bi kịch xảy ra đã nhấn chìm bao thuần phong mỹ tục đẹp đẽ và nghĩa tình láng giềng từ bao đời. Viết về sự biến đổi của nông thôn trong kinh tế thị trường, diễn ra ở cả miền xuôi và miền núi, ngòi bút Sương Nguyệt Minh và các tác giả khác như Đỗ Bích Thuý, Thu Loan… đầy nhức nhối, day dứt. Họ đã viết với tất cả tình yêu và nỗi lòng đau đáu cho vùng đất quê hương mình. Vẫn biết quá trình đô thị hóa là tất yếu, nhưng niềm mong mỏi đặt ra trong các tác phẩm là, con người hãy biết trân trọng và gìn giữ những giá trị tốt đẹp, những truyền thống tương thân tương ái của làng quê, thôn bản xưa.
b. Trở về nét đẹp xưa
Chạm ngòi bút tới vùng đề tài nông thôn, với mỗi nhà văn, trong tâm thức sâu xa của mình, là mong muốn được trở về với cội nguồn, trở về với những gì trong sáng, đẹp đẽ của tuổi ấu thơ, trở về một miền đất bình yên trong trẻo của Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân), với lòng tự hào Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn (Nguyễn Huy Thiệp). Tình yêu nồng nàn đó với quê hương xứ sở khiến cho mỗi nhà văn dù đi đâu, về đâu vẫn luôn hướng về quê hương bản quán với tấm lòng trĩu nặng yêu thương và lòng biết ơn, tự hào vô bờ bến. Biết ơn quê hương, cha mẹ đã sinh thành, che chở mình và tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, cho mình những bài học làm người để lớn khôn. Bởi vậy bên cạnh hình ảnh một nông thôn đổi thay theo dòng thời gian biến cải, ta còn bắt gặp những trang viết giàu tình yêu với cội nguồn xứ sở của một nông thôn thuần hậu ấm áp, giàu bản sắc văn hóa và đậm nghĩa tình. Một nông thôn như thế đã được chạm khắc rõ nét trong những trang viết của Sơn Nam (Hai mươi sáu truyện ngắn), Đỗ Chu (Loài chim trên sóng), Dạ Ngân (Miệt vườn xa lắm), Dương Duy Ngữ (Rước chữ). Theo chân Sơn Nam, Dạ Ngân ta được trở về với những không gian thiên nhiên trù phú của rừng đước Cà Mau bạt ngàn mênh mông và âm u, của vùng U Minh đầy cọp và cá sấu, và những cảnh đời, con người của miệt vườn Nam Bộ sống hào hiệp, giàu tình huynh đệ và thủy chung. Với Đỗ Chu và Dương Duy Ngữ ta gặp lại những người dân Bắc Bộ cần mẫn làm lụng (Loài chim trên sóng - Đỗ Chu), được sống trong những không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của lệ làng nghiêm ngặt nhưng đầy tình người (Lệ làng Ghềnh - Dương Duy Ngữ), được trở về với những ngày hội làng có những món ăn đặc sản “chỉ bán cho những người già, không lấy lãi” để tỏ lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ (Ngày hội làng tôi - Dương Duy Ngữ), được chứng kiến tục rước chữ với những nghi lễ kính cẩn thiêng liêng. Rước chữ của Dương Duy Ngữ là một tập truyện gồm 9 truyện ngắn viết về đề tài nông thôn được dư luận đánh giá cao, có thể xem như một cuộc hành trình trở về cội nguồn - nơi thánh địa làng quê với bao xáo trộn thăng trầm của thời cuộc để tái sinh. Với những phát hiện công phu và lý thú, Dương Duy Ngữ cho ta thấy một nông thôn truyền thống nhưng lạ lẫm, mới mẻ, có văn hóa và nhân cách. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật, sự kiện, am hiểu tường tận, miêu tả đến tận cùng lẽ đời, phong tục, đạo đức, với những trầm tích của vỉa tầng văn hóa truyền thống mà hiện đại...
Cùng mạch vận động của truyện ngắn thời kì đổi mới, mảng truyện ngắn về đề tài nông thôn đã có những bước chuyển lớn trên cả hai mặt: khả năng bắt mạch hiện thực đời sống cũng như các phương thức nghệ thuật thể hiện. Các truyện ngắn tiêu biểu về vùng đề tài này của Dương Duy Ngữ, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư... được bạn đọc đón nhận đã thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, so với tiểu thuyết viết về nông thôn, trừ một số ít truyện ngắn như Bước qua lời nguyền, Cánh đồng bất tận, mảng truyện ngắn viết về đề tài này chưa thật đồng đều về chất lượng và chưa có nhiều tác phẩm thực sự có tiếng vang như tiểu thuyết. Hạn chế này cũng là một thách thức đặt ra cho các cây bút truyện ngắn viết về nông thôn.
LÊ DỤC TÚ
Trên dải đất Việt Nam hình chữ S, từ bao đời nay, nông dân vẫn là lực lượng cơ bản chiếm tới 90% số lượng dân cư. Bởi vậy trong văn học, đề tài nông thôn bao giờ cũng là một đề tài lớn, luôn có nhiều khoảng trống hứa hẹn và thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ cầm bút.
Thành tựu của văn học quá khứ đã ghi danh nhiều truyện ngắn xuất sắc viết về nông thôn mà tiêu biểu nhất là Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Làng (Kim Lân), Thư nhà (Hồ Phương), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Vụ mùa chưa gặt (Nguyễn Kiên)... Sau Đổi mới, đề tài nông thôn tiếp tục là một vùng đề tài nóng bên cạnh đề tài chiến tranh hay đề tài thành thị. Cùng với các tiểu thuyết nổi tiếng như Mưa mùa hạ (Ma Văn Kháng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Cù lao chàm (Nguyễn Mạnh Tuấn), Bến không chồng (Dương Hướng), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Thời xa vắng (Lê Lựu) thì nhiều truyện ngắn viết về nông thôn cũng tiếp tục tạo được ấn tượng với bạn đọc, trong đó có những chuyện đánh dấu sự trưởng thành về chất lượng nghệ thuật như Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát (Nguyễn Minh Châu), Những bài học nông thôn, Thương nhớ đồng quê (Nguyễn Huy Thiệp), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), Nỗi đau dòng họ (Sương Nguyệt Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư)...
Khảo sát truyện ngắn viết về nông thôn từ sau Đổi mới, trước hết ta thấy có sự chuyển biến cơ bản về chủ đề tư tưởng – một sự chuyển hướng tất yếu khi đất nước từ thời kì chiến tranh bước sang thời kì hòa bình, từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường với những biến động phức tạp trong đời sống xã hội. Trước kia (sau 1954 - trong thời kì cải cách ruộng đất) trong văn xuôi về đề tài nông thôn đã xuất hiện những đề tài như giác ngộ cách mạng và đấu tranh giai cấp hay chủ đề về sự lựa chọn giữa hai con đường ra hay vào hợp tác trong thời kì đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, rồi tiếp đến là chủ đề con người mới trong thời kì cải tiến quản lý hợp tác xã và xây dụng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong sáng tác của các tác giả như Đào Vũ, Nguyên Kiên, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú... Sau Đổi mới, cùng với sự chuyển biến của văn học nói chung, truyện ngắn viết về nông thôn nói riêng đã quan tâm đến những chủ đề mới mà bình diện trung tâm là khám phá số phận con người cá nhân trên nhiều góc độ xoay quanh các mối quan hệ: con người cá nhân với dòng họ, làng xóm và con người cá nhân trong quan hệ với chính mình. Ngoài ra, một chủ đề khác được các nhà văn quan tâm là hiện thực nông thôn thời mở cửa. Các chủ đề này được thể hiện với nhiều góc nhìn khác nhau đã tạo nên một bức tranh nông thôn thời kì mới quen thuộc mà lạ lẫm, đơn giản mà phức tạp với bao thăng trầm, biến cải – một nông thôn Việt Nam trong thời kì đổi mới và hội nhập, giàu bản sắc truyền thống mà hiện đại.
1. Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng: vấn đề dòng họ và số phận của người nông dân
a. Vấn đề dòng họ
Ở bất kì một vùng quê nào của nông thôn Việt Nam, mối quan hệ họ tộc trong làng xã bao giờ cũng là mối quan hệ thống chế chi phối các mối quan hệ khác. Khác với những người dân thành phố, những người dân ở thôn quê bao giờ cũng coi trọng tình làng nghĩa xóm cũng như những vị trí ngôi thứ trong làng, trong dòng họ, bởi vậy vấn đề họ tộc rất được coi trọng. Xung quanh vấn đề của các mối quan hệ diễn ra trong cùng một dòng họ hay giữa dòng họ này với dòng họ khác luôn là những vấn đề lớn, thậm chí là những vấn đề nhức nhối trong đời sống thôn quê xưa nay. Truyện ngắn Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh là một trong những truyện ngắn đầu tiên xới xáo lên câu chuyện về dòng họ ở các vùng quê, đặt ra nhiều vấn đề thế sự khiến chúng ta phải suy nghĩ. Mối tình trong sáng giữa Quý Anh (con địa chủ Hứa vốn có nợ máu với gia đình nhân vật “tôi” dai dẳng từ bốn đời) với “tôi” - người được giao trách nhiệm nặng nề phải trả thù cho dòng họ, sẽ rơi vào bi kịch, vào sự hận thù truyền kiếp nếu con người không dám bước qua thù hận, bước qua rào cản lời nguyền để phá bỏ những vòng trầm luân trên cõi nhân thế. Sau Tạ Duy Anh, truyện ngắn Nỗi đau dòng họ của Sương Nguyệt Minh cũng tiếp tục chủ đề này. Câu chuyện kể về mối hận thù truyền kiếp (dựa trên câu chuyện có thật) giữa hai dòng họ trong một ngôi làng chỉ vì bộ xương vô chủ. Không hiểu sao một bộ xương vô chủ lại táng vào mộ tổ dòng họ Nguyễn. Sự nghi ngờ dòng họ Ninh làm việc này đã dẫn đến việc họ Nguyễn và họ Ninh rơi vào cuộc chiến tương tàn suốt mấy thế hệ. Sự đố kỵ, kình địch giữa các dòng họ đã gây ra những tấn bi kịch thảm khốc: những cuộc đụng độ xảy ra hàng ngày, những vụ kiện tụng dai dẳng, những cuộc trả thù đẫm máu, gây ra oan nghiệt cho bao kiếp người. Từ đời này qua đời khác, những mối tình trai gái bị cấm đoán, những đứa con sinh ra không được thừa nhận, bị tẩy chay, phải chịu nỗi bất hạnh không cha không mẹ. Trong làng quê tưởng như êm đềm của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bóng đêm đã phủ lên số phận của bao người nông dân. Họ không chỉ đói nghèo vì thiên tai, bệnh tật mà còn tàn lụi đi vì những “nỗi đau dòng họ”. Chỉ là chuyện xây cất lăng mộ thôi (Đi trên đồng năn – Sương Nguyệt Minh) mà giữa dòng họ này với dòng họ khác cũng ganh đua quyết liệt. Sợ mộ tổ của dòng họ khác to hơn mộ của dòng họ mình nên cả làng nháo nhác chạy tiền đóng góp xây mộ tổ. Năm hết Tết đến, trong nhà chưa có lấy một đồng, nhưng ai cũng cố chạy vạy, vay mượn hoặc xem trong nhà có gì bán được. Nhà này đóng một, nhà kia tức khí đóng hai, đóng ba nên đã xảy ra cảnh vợ chồng cãi cọ, anh em đánh lộn, lừa đảo nhau... Thực trạng về những câu chuyện dòng họ này đã được các nhà văn gióng lên như một tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi xóa bỏ tận gốc những vết thương đang âm ỉ trong các làng quê Việt Nam tưởng như bình lặng hiền hòa sau lũy tre xanh. Trong tiểu thuyết, những câu chuyện bi kịch dòng họ còn được thể hiện một cách nhức nhối hơn qua những tác phẩm nổi tiếng như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Lão Khổ của Tạ Duy Anh, Cuốn gia phả để lại của Đoàn Lê.
b. Số phận người nông dân
Bên cạnh những vấn đề của cộng đồng, một chủ đề mới mà văn xuôi viết về nông thôn sau Đổi mới quan tâm nhiều nhất là số phận người nông dân. Truyện ngắn đầu tiên mở màn cho chủ đề này là Khách ở quê ra và sau đó là Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Với hai truyện ngắn có cùng nhân vật này, lần đầu tiên người đọc biết đến lão Khúng - một con người mang những nét điển hình về thân phận, tâm trạng, suy nghĩ của người nông dân, “một nông dân ròng”: chịu khó làm lụng, vun vén gây dựng cơ đồ, đầy ý chí và bản lĩnh nhưng cũng là một con người mềm yếu, cô đơn và đầy niềm trắc ẩn. Trong con người lão Khúng ẩn chứa cái xấu nguyên thủy lẫn vẻ đẹp nguyên sơ làm cho lão vừa đáng thương vừa đáng trọng, với ý thức mãnh liệt về sự thay đổi số phận, một số phận quá đỗi nhọc nhằn, “nửa người nửa con vật” của mình. Sau hai truyện ngắn này của Nguyễn Minh Châu, nhiều nhà văn viết về nông thôn (đặc biệt là các nhà văn lớp sau) đã hướng đến việc khai thác số phận người nông dân ở nhiều bình diện khác nhau. Bi kịch và thân phận của lão Khúng sẽ còn rất nhiều, rất nhiều những môtíp biến thể khác mà ta sẽ gặp lại, khi mà nông thôn hôm nay không còn là một nông thôn thuần khiết xưa bởi áp lực của nền kinh tế thị trường, của quá trình đô thị hóa.
Đất nước sau những năm dài chiến tranh đã thực sự bước sang cuộc sống thời bình. Người nông dân Việt Nam qua bao thăng trầm của thời chiến tranh loạn lạc giờ đây chắc sẽ có một cuộc sống yên bình, no ấm bên lũy tre làng? Sau các tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Rừng động của Mạc Phi, Vào hang của Vi Hồng, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn của Ma Văn Kháng, Đàn trời của Cao Duy Sơn..., truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục cho ta thấy một phần thực trạng cuộc sống và số phận của những người nông dân hôm nay: họ vẫn tiếp tục đói nghèo bởi cuộc sống lang thang không nhà không cửa, bởi thiên tai dịch bệnh cùng cả sự hận thù giữa đồng loại, đã và đang nhấn chìm họ vào sự khốn cùng. Ngoài những hiểm họa của thiên tai, dịch bệnh thì bệnh quan liêu hình thức, máy móc và cả nạn tham nhũng của những người cầm cân nảy mực đang hoành hành ở nông thôn đã gây ra muôn vàn nỗi khổ cho người nông dân ngày đêm lặn lội trên cánh đồng để kiếm miếng ăn (Lũ vịt trời – Tạ Duy Anh, Trần gian biến cải – Sương Nguyệt Minh, Xóm Chùa Ông – Đoàn Lê). Bên cạnh đó là lối sống thực dụng đang làm rạn nứt nếp nghĩ truyền thống, rồi cái xấu xa phi pháp của bọn phản động khuấy đảo sự bình yên của làng quê (Ngôi làng có quỷ – Thu Loan, Lửa cháy trong rừng hoang – Sương Nguyệt Minh, Cà phê vẫn nở hoa trắng – Hlinh Niê, Phía mặt trời mọc – Hiền Quyên). Với những truyện ngắn trên, các nhà văn đã mang đến thông điệp: một hiện thực khắc nghiệt vẫn đang bao phủ lên đời sống của người nông dân Việt Nam, và để làm thay đổi nó còn đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức.
Đề cập đến số phận người nông dân, điều mà các nhà văn quan tâm nhiều nhất là số phận người phụ nữ nông thôn. Vấn đề thân phận người phụ nữ nói chung xưa nay là một vấn đề lớn mang ý nghĩa quốc tế. Nỗi bất hạnh cũng như hạnh phúc của người phụ nữ luôn là những đề tài đặc biệt, thức tỉnh những ngòi bút lớn của nhân loại. Trong các truyện ngắn xuất sắc viết về nông thôn miền xuôi như Xưa kia chị đẹp nhất làng của Tạ Duy Anh, Mùa hoa cải bên sông của Nguyễn Quang Thiều, Bến trần gian của Lưu Sơn Minh các nhà văn luôn gửi đến những thông điệp thể hiện khát vọng về tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ nông thôn. Chị Túc trong Xưa kia chị đẹp nhất làng đã “chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền” để chờ đợi người mình yêu nhưng rồi bất chấp tất cả để giành lại hạnh phúc cho mình khi mọi thứ tưởng đã tuyệt vọng. Người con gái trong Mùa hoa cải bên sông bất chấp đòn roi và lời nguyền cay nghiệt của người cha để thỏa nguyện khát khao hạnh phúc. Còn người con gái tên Thùy và bà mẹ trong Bến trần gian vẫn đau đáu về một niềm hạnh phúc sum họp với người con trai đã ở bên kia của “bến trần gian”. Đối với người phụ nữ miền núi, những người luôn phải sống trong sự trói buộc của thần quyền và hàng trăm hủ tục lạc hậu khác, khát vọng được tự do, được hạnh phúc càng trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết. Nhiều truyện ngắn cho thấy những người phụ nữ miền núi hôm nay đã không chịu mãi kiếp sống nô lệ làm “cục đá kê chân cột nhà chồng”. Suy nghĩ của Líu, một người con gái trẻ khao khát tình yêu bị mẹ chồng giam hãm bao năm trong cảnh góa bụa ở truyện ngắn Góc trời tây có cơn mưa đá của Cao Duy Sơn, rồi cảnh “mẹ già” từ bỏ gia đình sau bao năm hy sinh, lặng lẽ đi tìm người tình xưa trong truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, hay hình ảnh người con gái Dao đỏ sống giữa hoang dại núi rừng mà không nguôi khát vọng về một cuộc sống tự do và tình yêu mạnh mẽ trong truyện Lá Vàng Chải của Phạm Duy Nghĩa cho ta thấy người phụ nữ miền núi hôm nay đã có sự lột xác. Họ đã thức tỉnh và ý thức được rằng phải tự mình giải phóng để giành lấy tự do và hạnh phúc cho mình. Việc thể hiện chân dung những người phụ nữ ở khía cạnh mới này phần nào cho ta thấy sự đổi mới trong quan niệm hiện thực và con người của truyện ngắn viết về miền núi trong dòng chảy của truyện ngắn đương đại, cũng là đánh dấu sự đột phá của văn học về đề tài miền núi nói chung trong việc đi sâu khám phá và thể hiện con người cá nhân, con người bản năng.
2. Hiện thực nông thôn thời mở cửa
Nền kinh tế thị trường với những mặt tốt xấu, được mất của nó đang chạm vào từng căn nhà, góc phố, xóm thôn. Một nông thôn đã từng là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến với bao hy sinh thầm lặng sẽ ra sao trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường? Nó còn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống xưa hay không? Nó đã biến cải như thế nào? Hiện thực này cũng là một vấn đề lớn, khiến nhiều cây bút quan tâm và thể hiện khá sắc sảo. Ở đây có hai mảng hiện thực nông thôn thời mở cửa được nhà văn quan tâm thể hiện.
a. Bi kịch đô thị hóa nông thôn
Truyện ngắn Xóm Chùa Ông của nhà văn nữ Đoàn Lê là một khái quát khá toàn diện bức tranh nông thôn thời mở cửa trong quá trình đô thị hóa với những vui buồn, được mất của nó. Từ một vùng quê bình lặng, thuần phác với những người nông dân cần mẫn trên đồng ruộng, xóm Chùa Ông đã chộn rộn lên vì sự thay đổi, bắt đầu từ sự hiện đại hóa đồ vật kéo theo sự thay đổi nếp cảm nếp nghĩ và lối sống của một xóm nghèo ven đô. Đầu tiên là sự xuất hiện chiếc cát-xét của ông Sĩ Duệ - cái đồ vật không chỉ phục vụ đắc lực cho đám cưới với “những bài hát giậm giật” mà còn thay được người khóc trong đám ma, “đỡ được bao nhiêu hơi sức cho con cháu”. Sự kiện tiếp theo là cái Nhớn, con bà cả Thận được tuyển làm diễn viên đoàn xiếc trung ương, hôm trở về làng đã thay đổi hoàn toàn - “hai mắt xanh lè”, “quần áo miếng xanh, miếng tím”. Sự kiện lớn nhất là tin đồn mở đường cao tốc qua làng khiến đất mặt đường đắt như vàng, bao gia đình tan cửa nát nhà trong dịch “sốt đất”: con cả lão Tự Nghệch chém vỡ đầu thằng thứ hai, bà Lăng kiện con rể, lão Hớn cấm khẩu rồi tự vẫn… Tình làng nghĩa xóm bao năm phút chốc tan ra mây khói, nhà nhà suốt ngày nháo nhác chuyện mua bán đất, không ai còn thiết tha làm ăn. Nền kinh tế thị trường đã kéo theo những thay đổi ghê gớm trong đời sống tinh thần, văn hóa của người dân xóm Chùa, làm tha hóa từ tầng lớp cán bộ cầm quyền đến cả những người dân hiền lành bình thường. Điều bi thảm nhất “khiến cả làng há hốc mồm ra” là khi biết kết quả khám nghĩa vụ quân sự, “một nửa thanh niên xóm Chùa bị loại vì máu có khoản dương tính với con Hít”... Những tấn thảm kịch xảy ra tại cái xóm Chùa nhỏ bé thời kinh tế thị trường - cũng là bi kịch chung ở các vùng quê thời mở cửa - đã được Đoàn Lê thể hiện sống động trên từng trang viết bằng một giọng văn ngỡ như bình thản lạnh lùng mà ẩn chứa bao đau đớn, xót xa.
Chủ đề nông thôn thời đô thị hóa cũng được đề cập khá nhiều trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh qua tập truyện ngắn viết về nông thôn, với Đi qua đồng chiều, Đi trên đồng năn, Mây bay cuối đường, Trần gian biến cải, Làng động, Bản kháng án bằng văn... Không khí bình yên, trong trẻo ở cái làng Yên Hạ trung du không còn nữa khi có chủ trương đầu tư làm đường từ thị xã qua làng. Những “chuyện dữ, ghê gớm, động rừng, động làng” đã xảy ra ở làng khi xuất hiện một khu du lịch sinh thái, xuất hiện những quán karaokê, những ông Tây ba lô bụi... Người trong làng đua nhau làm kinh tế, kẻ mở công ty cổ phần, người buôn bán đặc sản rừng, người đấu thầu đất làm trang trại, bọn con gái mới lớn thì xúng xính ăn diện làm tiếp viên nhà hàng, bọn con trai thì nhoai ra thành phố kiếm sống. Làng xóm có khang trang hiện đại hơn nhưng đi liền với nó là những hệ lụy đáng buồn. Những bi kịch xảy ra đã nhấn chìm bao thuần phong mỹ tục đẹp đẽ và nghĩa tình láng giềng từ bao đời. Viết về sự biến đổi của nông thôn trong kinh tế thị trường, diễn ra ở cả miền xuôi và miền núi, ngòi bút Sương Nguyệt Minh và các tác giả khác như Đỗ Bích Thuý, Thu Loan… đầy nhức nhối, day dứt. Họ đã viết với tất cả tình yêu và nỗi lòng đau đáu cho vùng đất quê hương mình. Vẫn biết quá trình đô thị hóa là tất yếu, nhưng niềm mong mỏi đặt ra trong các tác phẩm là, con người hãy biết trân trọng và gìn giữ những giá trị tốt đẹp, những truyền thống tương thân tương ái của làng quê, thôn bản xưa.
b. Trở về nét đẹp xưa
Chạm ngòi bút tới vùng đề tài nông thôn, với mỗi nhà văn, trong tâm thức sâu xa của mình, là mong muốn được trở về với cội nguồn, trở về với những gì trong sáng, đẹp đẽ của tuổi ấu thơ, trở về một miền đất bình yên trong trẻo của Miệt vườn xa lắm (Dạ Ngân), với lòng tự hào Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn (Nguyễn Huy Thiệp). Tình yêu nồng nàn đó với quê hương xứ sở khiến cho mỗi nhà văn dù đi đâu, về đâu vẫn luôn hướng về quê hương bản quán với tấm lòng trĩu nặng yêu thương và lòng biết ơn, tự hào vô bờ bến. Biết ơn quê hương, cha mẹ đã sinh thành, che chở mình và tự hào về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của làng quê đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, cho mình những bài học làm người để lớn khôn. Bởi vậy bên cạnh hình ảnh một nông thôn đổi thay theo dòng thời gian biến cải, ta còn bắt gặp những trang viết giàu tình yêu với cội nguồn xứ sở của một nông thôn thuần hậu ấm áp, giàu bản sắc văn hóa và đậm nghĩa tình. Một nông thôn như thế đã được chạm khắc rõ nét trong những trang viết của Sơn Nam (Hai mươi sáu truyện ngắn), Đỗ Chu (Loài chim trên sóng), Dạ Ngân (Miệt vườn xa lắm), Dương Duy Ngữ (Rước chữ). Theo chân Sơn Nam, Dạ Ngân ta được trở về với những không gian thiên nhiên trù phú của rừng đước Cà Mau bạt ngàn mênh mông và âm u, của vùng U Minh đầy cọp và cá sấu, và những cảnh đời, con người của miệt vườn Nam Bộ sống hào hiệp, giàu tình huynh đệ và thủy chung. Với Đỗ Chu và Dương Duy Ngữ ta gặp lại những người dân Bắc Bộ cần mẫn làm lụng (Loài chim trên sóng - Đỗ Chu), được sống trong những không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của lệ làng nghiêm ngặt nhưng đầy tình người (Lệ làng Ghềnh - Dương Duy Ngữ), được trở về với những ngày hội làng có những món ăn đặc sản “chỉ bán cho những người già, không lấy lãi” để tỏ lòng hiếu thuận với ông bà, cha mẹ (Ngày hội làng tôi - Dương Duy Ngữ), được chứng kiến tục rước chữ với những nghi lễ kính cẩn thiêng liêng. Rước chữ của Dương Duy Ngữ là một tập truyện gồm 9 truyện ngắn viết về đề tài nông thôn được dư luận đánh giá cao, có thể xem như một cuộc hành trình trở về cội nguồn - nơi thánh địa làng quê với bao xáo trộn thăng trầm của thời cuộc để tái sinh. Với những phát hiện công phu và lý thú, Dương Duy Ngữ cho ta thấy một nông thôn truyền thống nhưng lạ lẫm, mới mẻ, có văn hóa và nhân cách. Nhà văn đã hóa thân vào nhân vật, sự kiện, am hiểu tường tận, miêu tả đến tận cùng lẽ đời, phong tục, đạo đức, với những trầm tích của vỉa tầng văn hóa truyền thống mà hiện đại...
Cùng mạch vận động của truyện ngắn thời kì đổi mới, mảng truyện ngắn về đề tài nông thôn đã có những bước chuyển lớn trên cả hai mặt: khả năng bắt mạch hiện thực đời sống cũng như các phương thức nghệ thuật thể hiện. Các truyện ngắn tiêu biểu về vùng đề tài này của Dương Duy Ngữ, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư... được bạn đọc đón nhận đã thể hiện rõ điều đó. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng, so với tiểu thuyết viết về nông thôn, trừ một số ít truyện ngắn như Bước qua lời nguyền, Cánh đồng bất tận, mảng truyện ngắn viết về đề tài này chưa thật đồng đều về chất lượng và chưa có nhiều tác phẩm thực sự có tiếng vang như tiểu thuyết. Hạn chế này cũng là một thách thức đặt ra cho các cây bút truyện ngắn viết về nông thôn.
LÊ DỤC TÚ