• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

[Dự thi] Kí ức chiều quê chạy về

Huỳnh Diễm

New member
Xu
0
Bài tham dự cuộc thi "Mùa Hè Của Tôi"
Tác Phẩm: Kí ức chiều quê chạy về
Tác giả: Huỳnh Diễm
Thể loại: Truyện ngắn


Kí ức chiều quê chạy về
Đã gần 4 giờ chiều rồi mà cái nắng vẫn còn như thiêu như đốt trên mảnh đất vốn dĩ đã khô cằn này. Những con trâu đen chạy tới chạy lui trên bờ đê, không chịu ăn vì cái nắng như đang chiên thân hình vạn vỡ của nó. Có những con trâu cứ chạy mải miết để trốn cái nắng, làm cho tôi cũng phải hì hục phía sau nó với tiếng gọi ngày càng yếu và lạc giọng hẳn “Bầy! Dừng lại! Dừng lại bầy ơi!” Người ta thường hay nói “lỳ như trâu”, cũng đúng thật. Gọi rát, khan cả cổ mà nó cứ đi. Trong đôi mắt to, đen ngòm ấy luôn hiện hữu những bờ cỏ xanh rì, những hồ nước mát rượi và cứ thế là theo chủ quan suy nghĩ của nó, nó cứ đi đến nơi ấy trong tâm tưởng.
Hai chú chó Xù và Đốm hôm nay lại đi chăn trâu cùng với tôi. Cái tên ấy được tôi đặt dựa vào vẻ bề ngoài của chúng. Chẳng biết nó chui ra từ cái ngõ ngách nào, cứ lao vào người tôi, liếm chân rồi liếm lên tận mặt tôi. Chân nó cào chiếc quần rin tôi, tạo thành những đường vàng hòe bởi mớ đất sắt chèm nhem. Một đôi dép màu vàng chạch, đẹp lạ lùng trên chân nó.
Lâu lắm rồi tôi mới lại chăn trâu. Có lẽ từ mùa hè năm trước đến tận bây giờ. Mỗi lần chăn trâu, tôi lại có cảm giác khác. Nhớ hồi xưa, khi tôi còn học cấp 1. Hồi đó, ngày nào tôi cũng chăn trâu cùng lũ bạn trong xóm. Cứ học buổi sáng là buổi chiều lại dành với anh, chị để được chăn trâu, khỏi phải làm công việc nhà.
Ngày ấy, tôi cùng lũ bạn cũng chăn trâu trên chính cái bờ đê bây giờ tôi đang ngồi chăn trâu. Những tiếng nói í ới, tiếng cười rật rật, chí chóe cứ như loa phát thanh buổi sáng sớm. Những thứ âm thanh ấy cứ đùn vào man tai tôi, không nghỉ. Và, những kế hoạch được bàn bạc kĩ lưỡng. Nào là “Thằng Ròm về nhà lấy muối lên. Thằng Bảy Ngón đi kiếm củi. Còn lại ba đứa mày. Con Lý, thằng Đầu Bự và con Gà Rù đi đào khoai trộm. Địa điểm là rẫy khoai ông Khứu, cuối chân bờ hồ”. Còn cái đứa đầu xỏ, đứa lên kế hoạch tác chiến này là Thắng. Nó lớn hơn tôi một tuổi nhưng chỉ được cái bụng to chà bá, còn chiều cao thì phải chặt thêm lóng mía mới bằng tôi. Nhưng nó có quyền uy dữ, hễ nó cái gì là tụi tôi nghe răm rắp bởi cái miệng nó như cái lu thủng đáy. Cái thằng mỏ to, bụng bự ấy chẳng làm gì khác ngoài việc ngâm mình trên bãi cỏ xanh mơn mởn, hít hà cái không khí mát lành từ dưới lòng hồ thổi lên, dang tay, xè chân tứ phương rồi đắp chiếc nón cời trên mặt, đánh một giấc cho đến khi bọn tôi quay lại với thành quả trên tay. Tôi và mấy đứa còn lại thì mồi hôi lấm tấm trên mặt, rơi đồm độp trên chiếc nón cời của nó mà nó chẳng hay biết. Tôi tức quá, đá phăng luôn chiếc nón của nó bay đi. Trên chiếc nón cời rách của nó còn in dấu chân “voi” của tôi. Đáng lẽ, tôi chẳng dám làm thế đâu nhưng mà tức quá, chịu hổng nổi. Cú đá của tôi hình như còn 0,00001 giây nữa là chạm cái sân bay đen nước da trâu của nó. Hú hồn! Tưởng đâu đi phăng luôn cái sân bay mặt tiền của nó rồi chứ. Nếu vậy chắc tôi cũng bị nó lôi xuống hồ, cho uống một trận nước hồ no nê, căng bụng.
Tôi, ngày ấy với biệt danh là Gà Rù vì cái tên ấy bọn bạn anh của tôi đặt cho anh tôi nên tụi bạn tôi nó gọi tôi như vậy cho tiện. Chẳng thấy tiện đâu, nghe cái tên là muốn ủ rũ luôn rồi.
Giữa cái nắng đang gắt gao thế mà đầu đứa nào, đứa nấy không mũ, người thì không áo khoát, chỉ vỏn vẹn cái áo cánh mỏng trên người, hơn nữa chân không dép. Tôi chạy trước ra hiệu cho hai đứa kia chạy nhanh, nhưng càng ra hiệu chúng càng thụt lùi lại sau. Nắng đã làm cho con đường bê tông như được chiên giòn trong cái chảo dầu của ông trời. Chân tôi có cảm giác bỏng rát vì đường quá nóng bỏng. Mỗi lần đặt chân xuống là mỗi lần như được tôi đang đưa những trái bắp nướng trên bếp than hồng. Đôi bàn chân này cả ngày chẳng chịu mang dép, trừ lúc trong lớp học, đi ăn giỗ. Thế cũng đỡ cho mẹ tôi, mỗi năm bà đâu tốn tiền nhiều mua dép cho tôi đâu. Vỏn vẹn một năm, một đôi dép đi học, thế mà có lúc dép tốt cũng phải hai, ba năm mới đứt. Dần dà, đôi chân voi ấy cũng chai sạn, to chà bá tổ và cái nắng nóng của không có cách nào xuyên thấu nó. Rồi đến lúc ba cái bóng ngắn cỏn con của chúng tôi cũng từ từ kéo lê trên mặt đường. Ba đứa, đứa nào cũng thấm mệt sau một quãng đường dài. Miệng đứa nào há hốc, lưỡi lè ra như cún con, nước miếng, nước dãi chảy lòn thòng. Những giọt hồi môi cứ như suối nguồn, chảy xối xả trên ba gương mặt đỏ au. Chân tay nhễ nhại như mới được ùm dưới làn nước mát. Có mùi lạ! Mùi hồi môi. Mùi riêng của mỗi đứa bắt đầu nồng nàn, hòa chung, đặc quánh, khó cưỡng nổi giữa cái nóng hè. Tiếng ve trong vườn ông An cứ kêu rên rĩ, không đứt quãng mặc dù chúng tôi đã ném đá vào khu vườn ấy. Chắc nó chẳng trúng, hoặc có trúng cũng trúng như con ve ve đực.
Trước mắt tôi và hai đứa kia là cả một núi khoai, vừa khoai lang vừa khoai xiêm. Bọn chúng tôi thì không khoái ăn khoai xiêm vào mùa nắng cho lắm vì nó không hợp, nó chỉ thích hợp vào mùa mưa. Ăn khoai lang thì mùa nào cũng thích, nhứt là lúc hè về.
Thế rồi chúng tôi cũng đặt chân trên rẫy khoai nhà ông Khứu. Giờ là lúc tôi phân công nhiệm vụ cho hai đứa kia. Con Lý theo tôi phụ đào khoai, còn thằng Đầu Bự nhát gan đứng ngoài rẫy quan sát xem ông Khứu hay vợ con ổng chiều ni có đi rẫy không? Rồi chúng tôi bắt tay vào công việc. Những củ khoai lang tím cứ thi nhau ưỡn mình trước mắt tôi và con Lý. Màu tím hồng ngọt ngào làm sao. Những củ khoai này chắc vài hôm nữa sẽ được bới đem về làm khoai chà hay khoai lang chín, ăn thêm cho đỡ đói vào mùa mưa. Nghĩ tới đây mà nước dãi tôi cứ chảy nhễ nhại. Con Lý đứng bên cạnh tôi, đánh vào vai tôi, ra hiệu có người vào rẫy. Tôi chẳng nghe nó nói gì cả vì tôi đang bận nghĩ đến mấy rổ khoai chín dai ngon kia và những thúng khoai chà được sắp xếp sẵn trước mắt tôi như biết tôi sẽ đến. Một cái bốp thật mạnh trên đầu tôi. Tôi giật mình, vung tay tán vào chân con Lý củ khoai tôi đang mò dỡ. Những món khoai lang ngon ngọt như làn khói tan nhẹ trong miền kí ức của tôi. Con Lý nói với cái giọng thỏ thẻ:
- Mày làm cái gì mà cứ ngây người ra như thế. Chạy thôi! Ông Khứu lên tới chân bờ hồ rồi kìa. Hông chạy kịp là ổng hốt mấy đứa mình luôn đấy!
Nghe tới đó tôi vội cầm bao khoai chạy thục mạng, phi như bay qua cái bờ rào tre. Gai cào chân tôi mà tôi chẳng nghe đau. Ra tới nơi tôi mới nhận ra là mình đã bỏ con Lý, và chân tôi đang chảy máu. Chờ con Lý một lúc mà vẫn chưa thấy nó ra, tôi định ngược vào rẫy tìm nó nhưng đã thấy loáng thoáng bóng nó vất vưỡng sau khóm hoa cẩm tú cầu.
- Làm chi mà mi chạy như điên thế. Chạy cũng không nói tau tiếng. Cứ như tên, phóng cái là bay xa tầm mắt. Mà mày chạy kiểu chi mà khoai rớt đầy lối đường thế, làm tau vừa chạy vừa nhặt khoai, muốn gãy cả tay, đù cả tay– Giọng thở dốc của con Lý.
Tôi vừa gãy đầu – Tau quên. Mày cũng biết tau rồi mà. Mỗi lần nghe ai nói từ chạy là tau cứ chạy thục mạng như thế mà. Tau là vận động viên maraton cơ mà.
- Cơ.. cơ cái đầu mày í. Chạy bỏ bạn. Tau không thèm chơi với mày nữa. Tau mắc thèng Thắng cho nó xử mày – Lý tức.
- Chứ ai biểu mày bảo tau chạy, thì tau chạy thôi chứ. Mày cứ nói đi. Tau không sợ- Tôi vung tay rớt cả mấy củ khoai còn sót trong bao. Hứ một tiếng rồi bỏ ra chỗ thằng Đầu Bự.
Lúc thấy tôi ra trước, không thấy con Lý đâu, thằng Đầu Bự bị tôi la một trận vì tội hỏi:
- Con Lý đâu? Sao mày ra rồi mà tau không thấy nó. Còn khoai đâu?
- Khoai, khoai, khoai, khoai cái đầu mày chứ khoai – Vừa nói tôi vừa chỉ tay vào trán nó.
Nói xong tôi bỏ đi trước, chẳng thèm quan tâm hai đứa kia và cả mớ khoai ngổn ngang khắp đường. Chạy một mạch xuống tới chân hồ. Tôi chọn cho mình bãi cỏ xanh mơn mởn nhất, nơi có bóng cây đa nhà ông Út sà xuống. Cây đa này không biết có tự bao giờ mà khi còn nhỏ, tôi hỏi ba thì ba bảo “Nó có từ khi ông bà ta về đây gây dựng sự nghiệp, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới”. Nhìn những tán cây to bự, sà xuống, đong đưa trước gió như những cánh quạt. Tôi nhớ! Lúc ông tôi còn sống vẫn hay lấy quạt mo, quạt cho tôi ngủ mỗi trưa hè. Những cơn gió nhẹ nhàng thổi vù vù trên mặt tôi. Gió hất bay mái tóc trước tôi dựng đứng như những khóm lúa non. Tôi lại nhớ ông. Nhớ đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn và yếu ướt của ông. Nhớ cả mái tóc bạc phơ trước gió. Nhớ giọng nói khàn khàn, kể tôi nghe những câu chuyện từ hồi ông còn tham gia kháng chiến chống Pháp, trong những buổi trưa hè ngoài lũy tre, sau nhà. Những kí ức về tuổi thơ, về những ngày còn ông bên cạnh cứ ùm ùm chạy về trong tâm thức tôi. Mắt tôi nhắm riết lại. Tôi được đưa về câu chuyện cổ tích của ông ngày xưa.
Chỗ tôi nằm cách chỗ thằng Thắng đang nằm khoảng mười cây mía cộng lại. Gần thế nhưng nó đâu có biết đâu vì nó là thằng hám ngủ. Một khi đã ngủ thì trời có sụp xuống nó vẫn ngủ rất ngon lành. Tay giang tay, chân giang chân, đánh một giấc. Mùi cỏ khô thơm nồng nàn. Tiếng cỏ sột soạt dưới chân tôi. Những bông cỏ may cứ bung trổ trên thân hình thẳng đụt của nó những bông hoa tím biếc. Những bông cỏ may màu tím, nhỏ nhắn, khẽ lay nhẹ trước làn gió đã về chiều. Những cơn gió lúc này đã mang theo hơi mát từ dưới lòng hồ lên mát rượi, nó không còn cái nóng khô cháy da thịt như lúc nảy.
Trời đã về chiều. Mặt trời đã núp nữa người sau ngọn núi tôi vừa chạy qua. Những tia nắng vàng, ấm áp, dịu nhẹ, từng tia xuyên qua đám lá cây đa, tỏa nắng vàng dưới khoảng đất tôi đang nằm. Màu vàng của nắng, màu tím của hoa cỏ may cùng màu da khô của cỏ chân vịt cứ dịu ngọt trong mắt tôi.
Con Lý vứt bịt khoai lang ngay trên mặt thằng Thắng cái bộp, làm chiếc nón của nó bị xệp xuống. Nghe như cả thế giới sụp trên mặt thằng Thắng, nó vùng dậy hét toáng:
- Sụp rồi. Chạy thôi!
Một cái tát, gián ngay mặt nó.
- Mày điên hả Lý – Giọng nó rống lên như sư tử.
- Ờ! Tau điên. Điên thật rồi đây! – Lý chống tay lên hông, đưa khuôn mặt chèm nhem mồi hôi ra nói.
Những giọt mồi hôi cứ lăn dài trên gương mặt đỏ au của con Lý. Mái tóc nó thì bay phập phồng trong gió. Những sợi tóc trước ướt nhèm, bó ba cục trước trán, không bay nổi. Đôi má hồng hồng như hai quả anh đào chín mọng. Cặp mắt hườm hườm như có viên đạn đã cho sẵn vào nòng, chỉ cần bóp cò là nó thẳng mục tiêu mà xuyên thấu tim, gan. Thằng Đầu Bự ở phía sau con Lý ra hiệu cho thằng Thắng đừng nên đôi co với con Lý, nhưng chẳng ăn thua. Thắng đang tức con Lý vì cái tát nó vừa ăn. Hai đứa như hai con hổ đói, cắn xé nhau vì miếng mồi ngon. Trai không ngại nhường gái mà gái cũng chẳng nể mặt trai. Hai đứa chí chóe nhau hồi lâu, đến khô khốc cả cổ mà không thôi. Đúng là con nít. Ồn ào mãi không ngủ được, tôi la lớn:
- Im hết đi!
- Tiếng đứa nào đó – Giọng thằng Thắng khàn khàn.
Tôi ngồi nhổm dậy, đi về phía mấy đứa đang ồm ồm.
- Thì ra là con Gà Rù. Tưởng đâu thằng Ròm nữa chứ - Lại là giọng khàn khan như lu bể của thằng Thắng
- Nói thằng Ròm mới nhớ. Từ hồi phân công nhiệm vụ, không thấy nó đâu. Việc nó là nhẹ nhất rồi. Có việc lấy muối mà chậm chạp như cái bản ú nụ của nó – Tôi mỉa mai Ròm nhưng mục đích chính là đánh trống lãng để con Lý và thằng Thắng thôi chí chóe.

***

Mùi thơm của những củ khoai nướng đã bắt đầu lan tỏa, xông vào mũi của mỗi đứa. Đứa nào cũng đứng nhếch môi, nuốt nước bọt ừng ực, mắt há hốc trông về phía đốn lửa, chờ những củ khoai ngon nhất chín vàng. Tôi có lẽ là đứa khổ nhất trong mấy đứa này vì tôi to cao, có sức khỏa tốt, nên những nhiệm vụ khó khăn tôi đều đảm nhiệm. Lúc thằng Bảy Ngón đem củi về tôi lại xung phong vào nhen lửa rồi lại đi kiếm thêm củi cùng thằng Đầu Bự trong lúc con Lý và thằng Thắng vẫn còn đôi co chuyện thắng thua.
Mặt trời đã sắp qua khỏi quả núi bên kia, chỉ còn thấy cái trán vồ của ông. Những sợi tóc thưa thớt, lởm chởm dựng đứng trên nền trời xanh dương. Đó là những tia nắng cuối cùng trong ngày mang sự dịu dàng, ngọt ngào của hoàng hôn dần dần buông nhẹ. Gió đã bắt đầu thổi mạnh hơn. Ngoài kia, dưới những lớp sóng xanh là những con cá rô phi, cá lệp theo đàn, bơi vào sát những chú trâu đen, tìm thức ăn trên lớp da đen ngòm. Những quả trứng rận tròn vo, sắp nở; những con rận con chính là món ăn khoái khẩu của đàn cá, mỗi chiều. Mấy người đánh cá chèo thuyền ra giữa dòng, khua nước, gõ mạn thuyền, để lùa những đàn cá về phía lưới đã giăng sẵn. Trên những tay lưới ở mạn thuyền, những con cá rô phi, cá bống và cả lũ cá lệp dính đầy tay lưới. Nó vỗ đành đạch trong cái khoan thuyền khô khan nước. Lâu lâu lại bắt gặp những chú tôm sông với cặp càng to đùng đang dồn sức để phá lưới. Trên mép hồ, một nhóm người lớn có, nhỏ có đang tụ lại mõm đá sát biên nước, chơi đánh bài quỳ. Những hòn núi nhỏ sừng sững lắt qua lắt lại, ngước lên, cúi xuống dưới ánh nắng ban chiều.
Sáu giờ chiều. Người đã bắt đầu đổ lên bờ hồ ngày càng đông hơn. Có người ngồi trên mép đường đi, nhưng có vài người lại thích chui thọt xuống mép bờ đá, ngồi xem mấy cầu thủ nhí đá banh. Bụi bắt đầu bay vàng trên mặt sân. Những đôi chân vàng ngày càng nhiều hơn, rồi tất cả đều sử hữu cho mình cặp chân vàng, trừ hai thủ môn của hai đội. Một sân banh ngay giữa lòng hồ. Đó là mảnh đất rộng, đủ cho mấy đội banh chơi. Vào mùa hè rồi nên sân banh không còn cái vẻ xanh mơn mởn như những sân cỏ trong tivi mà cỏ đã bị bào mòn, vàng khè một màu vì lịch thi đấu dày đặc. Những thân hình được tra mỡ mồi hôi, bóng loáng, trơn tụt đang chuyền nhau quả banh trên sân cỏ. Những chiếc xe chở củi khô, hay những xe cỏ đầy nhốc và cả những xe dây khoai cho buổi chợ ngày mai đang chạy ngang chỗ chúng tôi nướng khoai. Tiếng người đàn bà xa lạ trên xe chạy qua, í ới “Thơm quá mấy cháu ơi!”
Mùi thơm từ những củ khoai lang nướng đã bắt đầu thoang thoảng. Những cơn gió hè nhẹ nhàng mang đi hương thơm dịu ngọt đến mũi thằng Ròm. Trên tay cầm bịt muối tiêu, bò khổ sở lên bờ đê. Gương mặt phờ phợt, sợ hãi như mới chui ra từ hang cọp. Đầu tóc bù xù, đầy mạn nhện. Những sợi tơ nhện giăng trắng đầu nó như thể nó là ấu trùng mới xé toạt cái vỏ mai cứng cáp. Hơi thở còn gấp gáp:
- Muối nè!
- Mày mới đi Mỹ về đó hả - Giọng tôi càu nhàu
- Chừ mới mò cái đầu lên – Con Lý nghiến răng cờm cợm.
- Mày cũng hay đó chứ. Chờ lúc khoai chín mới mò lên – Thắng hùng hổ.
- Giỏi! Giỏi! – Đầu Bự và Bảy Ngóm đệm thêm vào.
Năm đứa chúng tôi, mỗi đứa thêm câu, góp gió thành bão. Thế là bão đến thật rồi. Bão đến, đáng lẽ kèm theo mưa để tắm mát chúng tôi trong những ngày hè nắng cháy lưng thế này. Đằng này, bão đến chỉ mang gió cấp 13 – 14, kèm mưa đá. Những “hòn đá” – nước bọt tuôn xối xả vào mặt năm đứa tôi.
- Mấy đứa tụi bây tưởng tau sướng à! Tau phải chui dưới chái củi mới vào nhà bếp lấy được ít muối, ít tiêu đem lên đây. Ngó trước, nhìn sau mà tim tau như thót ra khỏi lòng ngực. Tau còn nhớ cái lần bị má tau véo, chảy máu tai chỉ vì cái tội lấy muối cho tụi bây chấm chuối là chân, tay tau không lê nổi chứ đừng nói là bước đi. Ngon sao mấy đứa bây không về lấy muối đi, sao biểu tau. Biết má tau hay ở nhà mà bã kiết nữa. Mỗi lần ăn gì mấy đứa bây cũng bắt tau về nhà lấy muối miết. Mỗi lần lấy xong, về má tau thấy mất dấu bã chửi không đẹp mới lạ á! – Thằng Ròm nói như mưa.
Tôi đứng ngớ người, há hốc mồn ra nghe thằng Ròm nói mà không thể nói lại được tiếng nào cả. Lúc này khoai đã chín đều hết và cũng đến lúc chúng tôi khai tiệc. Trên tay sáu đứa là sáu cây củi thẳng thừng. Mỗi đứa chia nhau một mép. Sáu đứa bắt đầu đâm những cây củi sâu vào trong đốn lửa đỏ lòm. Những củ khoai lang bắt đầu chui ra khỏi cái lớp than hồng. Mỗi đứa được bốn củ, hai củ lớn, hai củ nhỏ. Tôi nhanh tay nên đã thủ ngay cho mình củ khoai còn dư. Thế là tôi được năm củ. Những củ khoai được chúng tôi cho vào những miếng lá chuối mà trong lúc thằng Bảy Ngón đi kiếm củi đã hái. Khoai nóng nên làm chín luôn cả miếng lá chuối trên tay mỗi đứa. Màu xanh chuối đã trở màu xanh chết. Bỏ lại đốn lửa với than hồng vẫn còn ửng, chúng tôi tìm cho mình chỗ ngồi lý tưởng có thể vừa ăn, vừa xem đá banh mà chẳng bị ai làm phiền, mà nói trắng phéo là không ai biết chúng tôi ăn khoai ở đâu mà lại xin, hay để biện hộ cho cái tật ăn trộm không bỏ của chúng tôi là tránh sự nhòm ngó của ông Khứu.
Màu vàng ngọt dịu từ những củ khoai lộ ra sau khi chúng tôi bẽ đôi nó. Mỗi đứa đều hít hà cái mùi thơm không thể cưỡng nỗi thoang thoảng vào mũi. Một vị ngọt dịu trên đầu lưỡi lan dần dần đến cuống cổ, rơi tọt xuống cái dạ dạy đang đói cồn cào của tôi. Vị của dịu ngọt của khoai lang nướng, vị mặn mà của muối, kèm cái vị cay xè của tiêu, hòa quyện với nhau. Đúng là hương vị quê hương, không thể chối cãi vào đâu được. Đường chỉ khoai trên củ khoai nói giùm tôi rằng, tôi đang sở hữu củ khoai ngọt và bở nhất so với mấy đứa kia. Thắng là đứa ăn tham nhất. Chốc lát tôi đã thấy nó ăn sạch cả bốn củ khoai, trong khi mấy đứa chúng tôi còn những hai củ, riêng tôi thì còn ba củ. Thấy nó nước dãi chèm nhem mà tội, tôi nhường cho nó củ khoai dư. Đứa nào cũng lo tranh thủ ăn nhanh cho hết phần để còn tranh phần của đứa khác nên thằng Ròm đã bị mắc ngặn. Lo ăn nên chẳng đứa nào chịu lên tiếng hay chí chóe nhau như lúc chiều. Lúc ăn xong, tay đứa nào đứa nấy cũng đem thui thùi lùi. Mặt thằng Bảy Ngón còn dính nhọ ngọe, chúng tôi bò lăn ra mà cười nó. Tức mình, nó nhảy lại, bôi mặt đứa nào đứa nấy đầy nhọ ngọe. Chúng tôi lại chí chóe nhau, chẳng đứa nào còn nhớ chuyện gây gỗ nhau lúc chiều.
Con nít là thế đấy! Giận thì giận mà quên cũng chóng. Chỉ cần chìa tay đưa đứa kia viên kẹo, hay củ khoai nướng là mọi “ân oán” của tụi con nít được súy xóa ngay lập tức. Nên người lớn mới hay bảo “Chỉ muốn làm con nít mãi” nhưng tụi con nít chúng tôi làm gì đủ trí tuệ, đủ kinh nghiệm sống mà hiều câu nói ấy. Khi nào làm người lướn sẽ hiểu ngay. Ăn đó. Chơi đó. Giận đó. Đánh đó. Rồi lại hòa ngay lúc đó. Nhanh chóng. Dễ quên. Dễ thứ tha.
Mặt trời đã khuất sau đỉnh núi, chỉ còn vài vệt sáng lóe lên phía vùng trời tây. Phía ấy, màu vàng của hoàng kim rực rỡ như màu da vàng của người Việt, như màu hột vịt mà tôi hay ăn. Trâu đã bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước. Những con trâu cứ thế nối đuôi nhau đi về trên con đường đất đã mòn liếm. Dáng người thấp thoáng sau những đàn trâu. Tiếng nói, cười tỉ tê của những cô cậu yêu nhau trong xóm, say sưa. Ở phía cuối sân banh chỉ còn vài cục đá, nằm trơ trọi, nơi góc sân. Bụi vàng từ dưới nền sân đất sét bay vù theo cơn gió, tan nhanh trong không trung.
Chim le le bay ngay qua khu đánh trống nhà ông Lân, đánh (kêu) vài chục tiếng dài “te te tù hoách… te te tù hoách”. Chắc là tối nay, hay ngày mai sẽ có người bỏ người thân về với đất mẹ dịu hiền – Tôi buộc miệng nói trong lúc lùa trâu qua ngõ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top