• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Dự đoán đề Văn 2016 - Đề thi số 2

Ngọc Suka

Cộng tác viên
DIỄN ĐÀN KIẾN THỨC

Butnghien.com

Đề thi có 02 trang

DỰ ĐOÁN ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2016 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề



I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác ngây thơ
Ông ra đi
9/1994
(Vị tướng già, Anh Ngọc)

1. Bài thơ lấy hình tượng nguyên mẫu từ ai? Thông qua đoạn thơ này, nhà thơ gửi gắm những tư tưởng, tình cảm gì đối với hình tượng nguyên mẫu đó?

2. Đoạn thơ trên sử dụng nhiều từ láy. Đó là những từ láy nào, nêu hiệu quả của những từ láy đó đối với việc xây dựng hình tượng của vị tướng?

3. Cảm nhận của anh (chị) về câu thơ “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ”

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 4 đến câu 7

“Tháng 4-2009, một cô sinh viên người Hàn Quốc đã viết thư cho Tuổi Trẻ thể hiện sự “không hiểu nổi” về việc chẳng thấy những người đến căng tin của Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) khi đó chịu xếp hàng.

Ngay lập tức diễn đàn về văn hóa xếp hàng được mở ra, nhiều người thấy chuyện kỳ cục đó và đã có một vài nơi người ta biết xếp hàng.

Nhưng hơn bốn năm sau, việc xếp hàng đang khiến nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là trào lưu, qua từng đợt rồi đâu lại vào đó. Đến những nơi công cộng hiện nay, nỗi sợ hãi vô hình của nhiều người vẫn là cảnh chen lấn, giành chỗ.

Một nhà báo sống tại Pháp có thẻ VIP khi đi máy bay kể lại cảnh “ấn tượng” tại một số sân bay ở VN: “Mặc dù được ưu tiên không phải xếp hàng làm thủ tục nhưng cảnh chen lấn thiếu ý thức từ những vị khách VIP cũng luôn xảy ra. Có lần tôi làm thủ tục ở quầy, chỉ có vài khách đang đợi đến lượt. Vậy mà một ông từ đâu xộc tới chen vào trước chỗ tôi đứng với vẻ mặt tỉnh queo. Cô nhân viên phải nhắc nhở anh ta mới chịu lùi xuống xếp hàng. Nhưng thái độ thì không có gì là mắc cỡ. Có vẻ như đó là thói quen của vị khách VIP này…”

(Đâu rồi, chuyện tử tế?Nguyễn Nghĩa, báo Tuổi trẻ)

Câu 4. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn.

Câu 5. Vấn đề xã hội nào được đề cập trong đoạn văn? Tác giả thể hiện thái độ gì khi bàn về vấn đề này.

Câu 6. Anh/chị hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn văn.

Câu 7. Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn… Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về điều đó.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm)

Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…”.

Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về lời khuyên đó.

Câu 2 (4,0 điểm)

So sánh hai nhân vật Huấn Cao (truyện ngắn “Chữ người tử tù”) và ông lái đò (tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”) để làm nổi bật cách xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân.

Gợi ý

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Trả lời :

1. Bài thơ lấy hình tượng nguyên mẫu từ đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tình cảm, tư tưởng mà nhà thơ gửi gắm đó là tình cảm yêu mến, kính trọng và nể phục. Một vị tướng đã từng tung hoành ngoài trận mạc, ghi được những chiến công chấn động năm châu, vang dội địa cầu giờ trở về với cuộc sống đời thường bình dị và gần gũi.

2. Đoạn thơ sử dụng nhiều từ láy, đa phần có tính tương hình đã góp phần khắc họa rõ hình tượng của vị tướng: chầm chậm, nhăn nheo, run rẩy, lặng lẽ, ngơ ngác.

Từ”chầm chậm” diễn tả bước đi chậm rãi của thời gian, tuy vậy nó cũng phản ánh được quy luật nghiệt ngã: thời gian qua đi sẽ mang đến tuổi già cho con người.

Các từ láy “nhăn nheo, run rẩy, lặng lẽ” đã miêu tả rất rõ dấu vết của tuổi già in đậm trên con người của vị tướng.

Từ “ngơ ngác” khắc họa rõ vẻ đẹp lạc quan của vị tướng giữa cuộc sống đời thường.

3. Câu thơ “Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ” đã so sánh vị tướng đã qua tuổi tám mươi với một đứa trẻ. Ở tuổi tám mươi người ta đã trải qua biết bao những thăng trầm, những bộn bề trong cuộc sống, nhất là đối với Đại tướng. Suốt tám mươi năm ông đã trải qua biết bao nhiêu gian khổ, ghi được bao nhiêu chiến công lẫy lừng nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, với bao bộn bề phức tạp, thậm chí ông còn phải trải qua những bất công, thế nhưng cái nhìn cuộc sống, cái nhìn cuộc đời của ông vẫn trong trẻo và lạc quan như cái nhìn của một đứa trẻ. Đó là một nhân cách đáng quý, một nhân cách vĩ đại, một tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo.

4. Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn: chính luận. (0.25 điểm)

5. – Vấn đề xã hội được đề cập trong đoạn văn: chuyện xếp hàng ở những nơi công cộng

– Tác giả thể hiện thái độ khi bàn về vấn đề này:

+ Khó chịu khi thấy mọi người (có cả những khách được trao thẻ VIP) cũng không có thói quen này

+ Sợ hãi mỗi khi phải đến những nơi công cộng và phải chứng kiến thói quen không chịu xếp hàng mà chen lấn, xô đẩy, giành chỗ của một số người.

6. Anh/chị hãy đề xuất một vài biện pháp để nâng cao ý thức của mọi người trong vấn đề được tác giả đề cập đến trong đoạn văn.

– Áp dụng cách mà nhiều nơi (như bệnh viện) đã từng làm: lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt

– Nâng cao ý thức bằng cách tuyên truyền, nêu gương điển hình ở mọi nơi, mọi lúc.

7. Thậm chí có người còn cảm thấy băn khoăn với suy nghĩ tử tế chỉ có thiệt thòi, có người thì xem những chuyện không tử tế chẳng liên quan gì đến mình, chuyện thiếu tử tế lại nhiều hơn… Anh/Chị suy nghĩ như thế nào về điều đó.

– Khi nghe chuyện văn hóa xếp hàng ở nơi công cộng hay nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có em nhỏ, phụ nữ mang bầu trên máy bay hoặc trên xe buýt, không ít người cũng đã có suy nghĩ như trên. Suy nghĩ đó không phải là không có căn cứ khi những chuyện chen lấn, giành chỗ diễn ra ở hầu khắp những nơi công cộng. Mỗi ngày đi ra đường, chúng ta đều phải chứng kiến những hiện tượng như vậy.

– Nhưng không dưới một lần, chúng ta cũng đã thấy những hành vi đẹp, những hành động nghĩa hiệp, như: một vài thanh niên, sinh viên nhường chỗ cho phụ nữ mang thai hoặc em nhỏ trên xe buýt; nhường lượt của mình cho một người bệnh nặng hơn mới vào mà chưa đến lượt, …

– Xã hội với muôn kiểu hành vi, cách ứng xử, nhưng nếu biết rằng xếp hàng là một nét văn hóa thì nên thực hiện ngay, đừng chậm chễ. Xếp hàng cũng là một cách để mang lại sự công bằng: ai đến trước được trước. Nếu mình là người đã từng có hành vi đẹp, có văn hóa thì hãy làm thường xuyên, liên tục và nhắc nhở mọi người cùng làm theo để xã hội ngày càng văn minh hơn.

II. PHẦN LÀM VĂN

Câu 1 (3,0 điểm) Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: Trong bài hát “Tâm hồn của đá”, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: “Đừng sống như hòn đá, sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn luôn băng giá, đừng hóa thân thành đá…”.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25đ)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)

Nghề nghiệp không làm nên sự cao quí cho con người mà chính con người mới làm nên sự cao quí cho nghề nghiệp.

c. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí luận và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Giải thích quan niệm của tác giả

– “ Đá” là vật vô tri vô giác được dùng trong cuộc sống con người, có vẻ ngoài cứng nhắc, rắn rỏi.

– Theo cách khắc họa của tác giả, đá được hiện lên với vẻ thô mịch tự nhiên của nó” sống không một tình yêu, sống chỉ biết thân mình, tâm hồn luôn băng giá”. Đá tồn tại giữa cuộc đời nhưng lại sống như thể vũ trụ chỉ có riêng nó.

=>Tác giả muốn phủ nhận lối sống ích kỉ, hẹp hòi; sống khô khan thiếu thốn tình cảm của con người hiện nay. Nếu như sự cứng nhắc của đá là bản chất thì lối sống tiêu cực này đang dần trở thành “bản chất” của không ít người – những người chỉ biết đến mình mà quên đi người khác.

Bàn luận

– Sống yêu thương là lối sống cao đẹp, là cách sống của những con người luôn gắng sức để trở thành người có ích cho xã hội. Như những viên ngọc sáng lung linh giữa đời, họ trở thành biểu tượng chân thực nhất về tấm lòng nhân ái cao thượng.
Dẫn chứng: Cô Nguyễn Khánh Thương- giảng viên khoa Báo chí truyền thông-ĐH Khoa học xã hội và nhân văn- ĐH là người có nhiều cống hiến cho công tác từ thiện từ khi là sinh viên cho tới khi qua đời vào năm 2015. Thậm chí, trong quá trình chống chọi với bệnh ung thư quái ác cô vẫn dành thời gian đến cuối đời để thành lập và hoạt động

Mạng lưới ung thư vú Việt Nam – tổ chức giúp đỡ và động viên các bệnh nhân ung thư vú trên cả nước.

Bác Lê Thị Gìn (65 tuổi, quê Thái Bình) người không nhà, không cửa lên Hà Nội làm nghề ve chai. Dù không đủ tiền phục vụ cho cuộc sống gia đình nhưng bác vẫn dùng mấy chục nghìn kiếm được mỗi ngày để mua quà, khi thì hộp sữa, khi thì chiếc bánh để giúp đỡ người nghèo.

– Sống yêu thương để xua đi trong thâm tâm mỗi người hạt nhân của sự ích kỉ, nhỏ nhen, không biết tới người khác. “Nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực, mà là lời thiếu tình thương”. Những tấm lòng ấm áp tình nghĩa của mọi người sẽ xóa đi lạnh giá của tự nhiên và lạnh giá của cuộc đời.

Dẫn chứng: Chú lính chì Nguyễn Thiện Nhân đã vượt lên số phận để có thành công nhờ nguồn “ấm áp” vô hạn của người mẹ nuôi luôn động viên, vỗ về.
– Lấy tình yêu thương là cốt lõi, lẽ sống ở đời; mỗi người sẽ luôn thấy hạnh phúc. Tình thương nơi tâm hồn trong mỗi người sẽ tạo ra niềm vui sướng cho người khác. Và hơn hết, chính bản thân chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp khi đã biết cho đi ”Sống là cho đâu phải nhận riêng mình” (Tố Hữu). Phải biết cho đi; sống biết mình thì phải biết người chúng ta mới không bị “hóa thân thành đá” sống vô tâm, ích kỉ.

Phê phán

– Cuộc sống coi trọng vật chất của con người hiện đại đã chi phối lối sống trọng tình cảm, tôn thờ tình người của người Việt Nam truyền thống. Nhiều người sống vô cảm, độc ác, thờ ơ với người khác.

Dẫn chứng: Vì mối thù cá nhân mà Nguyễn Hải Dương đã ra tay giết 6 người (bao gồm cả người yêu) gây ra vụ giết người khủng khiếp ở Bình Phước. Không ít những vụ vợ chồng chém giết lẫn nhau; anh giết em; cháu giết bà… trên báo chí chỉ vì một câu nói không vừa ý, một hành động không vừa mắt, hay 20.000 để vào quán net chơi game…

– Những người sống tự kỉ, không giao du, mở rộng tấm lòng với người khác, với cuộc đời.

d. Sáng tạo (0,25đ)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25đ)

Đảm bảo quí tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về hai nhân vật

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. (0,25đ)

Có đủ phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. (0,5đ)

c. Triền khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; cảm nhận sâu sắc; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Hoàn cảnh

* Điểm chung

– Phải đối mặt với một môi trường sống chứa đựng nhiều nguy hiểm, đầy thử thách.
– Môi trường ấy đồng thời cũng là cơ hội để họ bộc lộ trọn vẹn những vẻ đẹp độc đáo trong tâm hồn, tính cách, khả năng của họ.

* Điểm riêng

– Huấn Cao

+ Chế độ phong kiến suy tàn, bắt đầu bộc lộ tính chất xấu xa, đen tối.
+ Vì chống lại triều đình phong kiến mà Huấn Cao đã bị bắt, bị xử án tử hình, bị giam cầm để chờ ngày ra pháp trường chịu án chém. Những ngày cuối cùng của cuộc đời ông phải sống trong buồng giam tử tù, nơi không có chỗ cho sự tồn tại của thiên lương hay cái đẹp. Do đó, Huấn Cao luôn phải chuẩn bị tâm thế cho những trò đốn mạt, cạm bẫy xấu xa của kẻ tiểu nhân.

– Ông lái đò

+ Môi trường lao động đầy nguy hiểm: Con sông Đà hung bạo, độc dữ như kẻ thù số một.

+ Công việc lái đò lại là công việc dễ tổn thọ bởi nó đầy những hiểm nguy, buộc người lái đò phải luôn tay, luôn mắt, luôn gân, luôn tim. Nguy hiểm nhất là những lần vượt thác – nơi dòng sông thể hiện đầy đủ nhất cái uy lực khủng khiếp của nó.
Đặc điểm:

Tài năng phi phàm, xuất chúng:

– Huấn Cao:

+ Tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật – đòi hỏi sự uyên bác và một tâm hồn phóng khoáng.
+ Tài viết chữ: Nét chữ vuông vắn, tươi tắn, viết nhanh và đẹp. Hồn chữ – điều được kí thác trong từng nét chữ là hoài bão tung hoành của một đời người. Danh tiếng: chữ Huấn Cao nổi tiếng khắp vùng tỉnh Sơn đến kẻ vô danh tiểu tốt cũng biết đến mà ngưỡng mộ. Chữ Huấn Cao là một vật báu ở đời, là niềm ao ước của những ai có sự am hiểu về chữ thánh hiền và cảm nhận được giá trị của cái đẹp. Chữ Huấn Cao có khả năng lay động, chinh phục lòng người.

– Ông lái đò

Tài năng bộc lộ trong lao động với một công việc rất bình thường: lái đò
+ Tay lái ra hoa: Những động tác chèo lái chứa đựng vẻ đẹp. Cái đẹp đời thường, giản dị mà cũng vô cùng độc đáo.

+ Linh hoạt trong từng động tác để ứng phó, hoá giải những đòn đánh, thế tấn công của con sông không chỉ độc dữ mà còn có khả năng quân sự tuyệt vời.
Sông Đà đã phối hợp được sức mạnh của cả đá và nước. Ông lái đò chỉ đứng trên một con thuyền với một mái chèo, một mình đơn độc giữ bao la sóng thác. Đá sông Đà dàn thạch trận với những cửa sinh, của tử biến ảo không lường. Nước sông Đà có những thế võ và sức mạnh đủ để quật ngã những tay lái non gan và ít kinh nghiệm. mái chèo chỉ là một công cụ bình thường nhưng khi ở trong tay ông lái đò lại như một cây đũa thần, giúp ông ổn định thế trận, hoá giải sức mạnh của mọi đòn tấn công.

Với sự linh hoạt của động tác, ông lái đò đã đưa chiếc thuyền vượt qua thạch trận. Lúc thì đè sấn lên sóng thác mà đi, chặt đôi sóng mà tiến,… Con thuyền dưới sự điều khiển của ông lái đò khi tiến khi thoái, khi công khi thủ. Có lúc nó lao vút như một mũi tên tre, xuyên nhanh qua nước, vừa bơi, vừa tự dộng lái được, lượn được.
Qua mỗi trùng vi thạch trận, ông lái đò lại đổi tay lái và đổi luôn chiến thuật. Trong trận chiến trên sông, không phải không có lúc người lái đò méo bệch mặt đi vì những vết thương bởi sóng đánh đòn âm, đòn tỉa vào chỗ hiểm. Nhưng chính nhờ xự linh hoạt của động tác, sự biến hoá của chiến thuật đã khiến cho lũ đá nơi ải nước phải tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng. Con thuyền của ông lái đò đã bỏ lại phía sau mình tiếng gieo hò của sóng thác để thanh thản hoà mình vào một không gian mới, không khí mới trên chính con sông vừa mới đây thôi còn là đối thủ trong trận chiến sinh tử.

Khí phách hiên ngang, bất khuất trước những hiểm nguy, thử thách không chịu đầu hàng, lùi bước mà sẵn sàng đối mặt với một tâm thế bình thản, ung dung nhất có thể. Thậm chí, họ còn coi những hiểm nguy như một niềm sinh thú trong cuộc sống của mình.

*Điểm chung: Coi những hiểm nguy như một niềm sinh thú trong cuộc sống của mình.
– Huấn Cao: Quản ngục vì lòng cảm mến Huấn Cao, muốn ông được sống những ngày cuối cùng thoải mái nên đã biệt đãi người tử tù nguy hiểm. Hằng ngày, quản ngục đều sai người mang rượu thịt vào tận buồng giam tử tù. Do chưa biết rõ về con người quản ngục nên trong mắt Huấn Cao, rượu thịt đưa vào là một thứ cạm bẫy. Nhưng ông không hề né tránh mà vẫn đón nhận như một thú bình sinh.

– Ông lái đò: Ông lái đò là người không thích chèo đò ở những quãng sông bằng phẳng bởi nó tạo cho ông cảm giác dại chân, dại tay và dễ buồn ngủ. Ông coi những nghềnh thác hiểm nguy chính là tình cảm đậm đà con sông dành cho nhà đò.
*Điểm riêng:Tình thế phải đối mặt

– Huấn Cao: Cái án tử hình, chốn ngục tù dơ bẩn với những trò tiểu nhân thị oai, với quyền lực xấu xa và cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đối mặt với tình thế ấy, Huấn Cao luôn giữ thái độ ung dung, bình thản, tự do, tự tại. Trò tiểu nhân thị oai không ngăn cản ông thực hiện ý định của mình. Ông sẵn sàng đối mặt với quyền lực đen tối. Ngay cả cái chết cũng không gợi trong ông dù chỉ một thoáng phân vân. Nếu cái tin ngày mai Huấn Cao bị giải về kinh chịu án chém làm viên quản ngục tái nhợt đi, thầy thơ lại hớt hơ hớt hải thì không khiến Huấn Cao bận tâm chút nào. Nỗi bận tâm của Huấn Cao bấy giờ chỉ là nên hay không nên cho chữ quản ngục.
– Ông lái đò: những trận thuỷ chiến trên sông, hiểm nguy luôn thường trực trong cuộc sống của những người lao động trên sông nước. Thậm chí, cuộc sống của người lái đò là cuộc chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về tay mình. Bởi con sông Đà mà ông lái đò phải đối mặt hung bạo, độc dữ như một người dì ghẻ, một kẻ thù số một. Vậy mà ông lái đò dám chung sống suốt đời với nghề chèo đò, dám đối mặt tới cùng (cưỡi trên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ) với tư thế hiên ngang không chịu đầu hàng, lùi bước, luôn bình tĩnh, tỉnh táo để chỉ huy con thuyền vượt sóng thác.

Tấm lòng, nhân cách đáng quý

Đều đem cái tâm trong sáng, cao quý để đối xử với cuộc sống, con người để vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp, để xây dựng những mối tri kỉ, tri âm.
* Huấn Cao

Là người có tài viết chữ nhưng ông không dùng cái tài để mưu lợi cá nhân. Bởi ông biết rằng cái quý của chữ nằm ở giá trị tinh thần của nó. Vì thế, ông chỉ cho những người tri âm tri kỉ, những con người hiểu được tấm lòng của ông.


Huấn Cao cho chữ viên quản ngục bởi ông nhận ra ở quản ngục một thiên lương trong sáng, một tấm lòng đáng trọng. Trao bức lụa với những nét chữ vuông vắn, tươi tắn vào tay quản ngục là trao cái đẹp vào tay người say mê cái đẹp, là trao tấm lòng cho người có tấm lòng. Hơn thế nữa, từ khi nhận ra con người quản ngục, Huấn Cao đã thể hiện sự trân trọng trong cách xưng hô, lựa chon không gian, thời gian viết chữ. Niềm mong muốn bảo vệ thiên lương cho con người đáng trọng đó bộc lộ ở lời khuyên chí tình. Chính tấm lòng, nhân cách của Huấn Cao đã lay động sâu sắc đến tình cảm của viên quan coi ngục, khiến quản ngục nghẹn ngào, cúi đầu xin bái lĩnh.

Như vậy, cái đẹp do Huấn Cao sáng tạo ra có thể tồn tại bất tử và có ý nghĩa đối với con người, cuộc đời.

* Ông lái đò

– Gắn bó thuỷ chung với con sông Đà, ông coi sông Đà như một kì phùng địch thủ để thi thố tài năng. Đồng thời, với ông, con sông Đà lắm tài nhiều tật còn là một người tri kỉ tâm giao. Chính sự am hiểu đã giúp ông chinh phục được sông Đà.
– Tấm lòng và trách nhiệm đối với quê hương đất nước

+ Quá khứ: Thời chúa đất ngăn sông cắt bến, kẻ thù lùng sục, không thể trực tiếp chèo đò đưa bộ đội qua sông, những con đò bỏ vắng ven sông cùng với quy ước ngầm của những người lái đò (anh cán bộ nếu không muốn cho địch biết cái bến mình vừa sang thì cứ việc thả cho thuyền trôi dọc sông, người bến dưới bắt được sẽ gửi trả lại người phía trên này) chính là tấm lòng của người lao động với cách mạng, kháng chiến.

+ Hiện tại: Khi đất nước đang trong thời kì dựng xây, ông lái đò lại rất tự hào kể về việc được chở một đoàn chuyên gia ta và chuyên gia Nga đi khảo sát địa hình, chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy thuỷ điện. Đây là một ngườiềm tự hào chân chính của một người công dân khi được đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng đất nước.

Đánh giá chung

– Cả hai nhân vật đều được xây dựng bằng biện pháp lí tưởng hoá, xuất phát từ cơ sở của cái nhìn độc đáo về con người của nhà văn Nguyễn Tuân: Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ để có thể làm nổi bật những vẻ đẹp phi thường trong tài năng, cốt cách của các nhân vật. Nhà văn đã đặt nhân vật vào những tình huống đầy thử thách, những mối quan hệ nhìn bề ngoài là đối nghịch nhưng bên trong là tri kỉ, tri âm để các nhân vật vừa bộc lộ khí phách, nhân cách, tài năng xuất chúng hơn người. Đồng thời, để tạo nên sức thuyết phục của hình tượng nhân vật, Nguyễn Tuân đã huy động kho vốn kiến thức trên nhiều lĩnh vực kết hợp với trí tưởng tượng độc đáo.

* Chữ người tử tù

Sáng tác trước cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân lúc này là một nhà văn lãng mạn, ông đã tìm kiếm sự độc đáo bằng cách xây dựng những nhân vật đặc tuyển – hình mẫu lí tưởng của những cong người một thời vang bóng, những anh hùng bất đắc chí, những nho sĩ cuối mùa dù sa cơ thất thế vẫn cương quyết không chịu dung hoà với môi trường đen tối, với xã hội bát nháo, lố lăng.

* Người lái đò sông Đà

Sáng tác vào những năn 60, Nguyễn Tuân lúc này đã trở thành một nhà văn cách mạng. Ông không còn đối lập xưa – nay, cổ – kim, cũng không còn tìm kiếm cái đẹp của một thời vang bóng mà ở ngay cuộc sống hiện tại với những con người bình thường. Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, ông lái đò tuy chỉ là một người lao động bình thường nhưng lại có khí phách của một người anh hùng và tài năng, tấm lòng của một người nghệ sĩ.

– Nếu như khi xây dựng Huấn Cao, Nguyễn Tuân chủ yếu sử dụng tri thức về nghệ thuật thì khi xây dựng nhân vật ông lái đò, nhà văn cần rất nhiều vốn tri thức đời sống. Bởi vậy, những chuyến đi thực tế, sự gắn bó với những người lao động, công phu tìm hiểu cuộc sống, công việc của họ chính là điều kiện cần thiết để ngòi bút nhà văn có thể thăng hoa. Chính điều này giúp ngòi bút Nguyễn Tuân giữ được uy lực của mình, vẫn giữ được tài năng của mình. Những tác phẩm văn chương thống nhất ở tư tưởng nhưng phong phú, sáng tạo trong nghệ thuật biểu hiện.

d. Sáng tạo (0,5đ)

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25đ)

Đảm bảo quí tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
 
Có một bạn hỏi, như sau:

Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết :

"Mình là ta đâý thôi ta vẫn gửi cho mình
Sâu thẳm mình ư?
Lại là ta đấy
Ta gửi tro mình nhen thành lửa cháy
Gửi viên đá con mình lại dựng lên thành"

Em hiểu những câu thơ trên ntn? Bằng những hiểu biết về văn học hãy làm sáng tỏ điều chế lan viên muốn nói.

----------

Đề này rất hay. Thơ Chế Lan Viên hay vào, bạn nào có thể đưa ra đề cương/dàn ý bài làm không ?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top