• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Bài giảng Đọc hiểu văn bản tác phẩm Thương vợ

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Thương vợ
- Trần Tế Xương -
cam-nghi-bai-tho-thuong-vo-cua-tran-te-xuong-1.jpg

Tác phẩm Thương vợ - Trần Tế Xương
Vài nét về tác giả, tác phẩm:

1. Trần Tế Xương (1870 - 1907) thường gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Tú Xương có cá tính sắc sảo, phóng túng, khó gò vào khuôn sáo trường quy, nên dù có tài nhưng tám lần thi vẫn chỉ đỗ tú tài. Tú Xương sinh vào giai đoạn giao thời, xã hội có nhiều thay đổi. Xã hội phong kiến già nua chuyển mình trở thành xã hội thực dân phong kiến. Quê hương ông thể hiện rất rõ sự chuyển mình ấy. Hàng ngày, những điều ngang tai trái mắt cứ đập vào mắt ông, gây phản ứng trong tâm trạng, và thể hiện thành hai nội dung lớn trong thơ ông : trữ tình và trào phúng.

2. Thơ Tế Xương dù là trữ tình hay trào phúng đều thể hiện một cái nhìn sắc sảo của một nhà nho có Tâm và có Tài. Trong thơ ông bao giờ cũng xuất hiện một nhân vật trữ tình với đủ cả dáng vẻ và tâm hồn. Và thơ ông thể hiện thái độ phản kháng đối với thời cuộc. Ông luôn phê phán sâu cay những mặt trái của xã hội. Vì thế giọng thơ thường chua cay và đanh đá.

3. Tú Xương là một trong số không nhiều nhà thơ trung đại hay làm thơ về vợ. Các nhà nho, đệ tử của cửa Khổng sân Trình vốn chỉ coi vợ là người “nâng khăn sửa túi” nên sự vất vả của vợ, với họ, là lẽ đương nhiên. Vì thế, họ ít viết thơ về vợ như các nhà thơ hiện đại. Riêng Tú Xương viết rất nhiều thơ về vợ, trong đó tiêu biểu có bài Thương vợ. Đây là bài thơ thể hiện cả tài thơ và nhân cách Tú Xương.

4. Thương vợ là bài thơ tiêu biểu cho mảng thơ trữ tình của Tú Xương. Bài thơ thể hiện tấm lòng của nhà thơ đối với vợ, đồng thời thể hiện nhân cách Tú Xương. Đây cũng lại là tâm sự chua cay của người chồng - nạn nhân của xã hội lố lăng, đảo điên biến con người trở thành vô tích sự với chính mình và gia đình.

- Bài thơ được cấu tạo làm bốn phần theo kết cấu đề, thực, luận, kết. Bài thơ ngợi ca đức hi sinh của những người phụ nữ và sự cảm thông thấu hiểu của người chồng. Ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng với tài năng và tấm lòng, Tú Xương đã tạo nên một bài thơ sâu sắc, chứa đựng những giá trị nhân văn bền vững.

- Đọc chậm, chú ý nhấn giọng ở mom sông, năm con, một chồng, lặn lội thân cò, eo sèo mặt nước, năm nắng mười mưa. Hai câu cuối đọc lên giọng cao hơn.

* Hướng dẫn đọc hiểu văn bản:

1. Hai câu đề:

Kể về công việc làm ăn và gánh nặng mà bà Tù phải đảm đang:
- Quanh năm : Cách tính thời gian vất vả, triền miên, hết năm này sang năm khác.
- Mom sông : Địa điểm làm ăn cheo leo, nguy hiểm, không ổn định.
- Nuôi đủ 5 con… 1 chồng : Bà Tú nuôi 6 miệng ăn. Ông Tú tự coi mình như một thứ con riêng đặc biệt ( Một mình ông = 5 người khác).
==> Lòng biết ơn sâu sắc công lao của bà Tú đối với cha con ông Tú. Lòng vị tha cao quí của bà càng thêm sáng tỏ.

2. Hai câu thực: Đặc tả cảnh làm ăn vất vả để mưu sinh của bà Tú.
- Lặn lội thân cò: Vất vả, đơn chiếc khi kiếm ăn.
- Quãng vắng, đò đông: Cảnh kiếm sống chơi vơi, nguy hiểm.
- Eo sèo: Chen lấn, xô đẩy, vì miếng cơm manh áo của chồng con mà đành phải rơi vào cảnh liều lĩnh cau có, giành giật.
- Nghệ thuật đảo ngữ: Sự vất vả, sự hi sinh lớn lao của bà Tú đối với gia đình
==> Nói bằng tất cả nỗi chua xót. Thấm đẫm tình yêu thương.

3. Hai câu luận:
- Một duyên / năm nắng
- Hai nợ / mười mưa
- Âu đành phận / dám quản công
à Câu thơ như một tiếng thở dài cam chịu. Cách sử dụng phép đối, thành ngữ, từ ngữ dân gian, bộc lộ kiếp nặng nề nhưng rất mực hi sinh của bà Tú.
- Dùng số từ tăng tiến: 1-2-5-10: Đức hi sinh thầm lặng cao quí. Bà Tú hiện thân của một cuộc đời vất vả, lận đận. Ở bà hội tụ tất cả đức tính tần tảo đảm đang, nhẫn nại. Tất cả hi sinh cho chồng con.
==> Ông Tú hiểu được điều đó có nghĩa là vô cùng thương bà Tú. Nhân cách của Tú Xương càng thêm sáng tỏ.

4. Hai câu kết:
- Tú Xương tự chửi mình vì cái tội làm chồng mà hờ hững, để vợ phải vất vả lặn lội kiếm ăn. Ông vừa cay đắng vừa phẫn nộ.
- Tú Xương chửi cả xã hội, chửi cái thói đời đểu cáng, bạc bẽo để cho bà Tú vất vả mà vẫn nghèo đói.
- Từ tấm lòng thương vợ đến thái độ đối với xã hội.
==> Nhân cách của Tú Xương ân tình, nhân ái, chân thật.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Cảm nhận văn bản

Bài thơ xuất hiện hai nhân vật: người vợ và người chồng. Hình ảnh người vợ hiện lên qua cảm nhận của nhân vật trữ tình - người chồng:

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.


Bốn câu thơ đã khái quát những nỗi vất vả hàng ngày của người vợ bươn chải để kiếm sống và nuôi chồng, nuôi con. Nỗi vất vả của người vợ được thể hiện ngay ở dòng thơ đầu. “Quanh năm” là thời gian không ngừng nghỉ, “mom sông” là địa điểm chông chênh, tất cả đều gợi sự vất vả, cực nhọc. Nguyên nhân của sự vất vả ấy là gánh nặng gia đình. Một hình thức so sánh lạ. Chiếc đòn gánh trên vai người vợ với một bên là năm con, một bên là một chồng. Người chồng là một bên của gánh nặng lo toan ấy. Dường như đó là lời tự trách chua cay. Vì gia đình, vì người chồng có quá nhiều nhu cầu ấy mà người vợ vất vả hơn. Hai câu thơ sau nỗi vất vả như càng tăng tiến. Những từ ngữ như lặn lội - quãng vắng, eo sèo - đò đông có sức gợi. Hình ảnh người vợ vất vả như hiện rõ hơn, day dứt hơn trong cảm nhận của người chồng. Người chồng rất thấu hiểu nỗi cực nhọc của vợ. Thấu hiểu để cảm thông, để trân trọng người vợ thảo hiền. Nhân cách của người chồng thể hiện ở sự thấu hiểu ấy. Không phải ông vô trách nhiệm với gia đình và vợ con mà bởi ông bế tắc. Giữa lúc cuộc sống xã hội đầy rẫy những chuyện đảo điên:

Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.


mà người vợ vẫn nhẫn nại miệt mài, vẫn một lòng một dạ với chồng con. Chính điều đó đã khiến người chồng cảm phục. Ông nói lên sự cảm thông của mình:

Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.


Hai thành ngữ xuất hiện trong hai câu thơ đều có nghĩa diễn tả sự vất vả của người phụ nữ phải nuôi chồng nuôi con. Và cũng ở đây, một lần nữa, người chồng thể hiện sự trân trọng đối với người vợ. “Âu đành phận”, “dám quản công” không phải là sự cam chịu của người vợ mà đó là lời của nhân vật trữ tình - người chồng. Hình ảnh người vợ cứ lặng lẽ làm việc nuôi chồng nuôi con với một đức hi sinh vô cùng lớn lao đã là hình tượng nổi bật trong bài thơ. Chỉ đến hai câu thơ cuối, người chồng mới bày tỏ thái độ của mình với chính mình. Câu thơ có vẻ như một sự thay đổi mạch cảm xúc khá đột ngột:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.


Đó là hình thức một câu chửi. Ai chửi ? Tất nhiên theo mạch cảm xúc của bài thơ thì đây là lời của nhân vật trữ tình. Từ cảm thông đến Thương vợ mà giận mình, giận đời. Giận mình vì là kẻ vô tích sự, đã không giúp gì được cho vợ lại còn trở thành gánh nặng cho vợ trong cuộc mưu sinh đầy vất vả ; giận đời vì đã biến những ông chồng thành kẻ vô tích sự như thế. Trong nhiều bài thơ tự trào, Tú Xương cũng đã thể hiện tâm sự này. Không thể bán mình, biến mình thành kẻ làm thuê cho thực dân và tay sai nên người chồng không thể san sẻ được gánh nặng cho vợ. Người đàn ông, người chồng, con người có nhân cách ấy, trước vất vả nhọc nhằn của người vợ đã cất lên lời chửi. Như tự chửi mình nhưng là chửi đời. Chửi những ông chồng vô tích sự nhưng lại thích hưởng thụ, chửi cuộc đời đen bạc để những người phụ nữ vốn đã vất vả, thiệt thòi lại càng vất vả, thiệt thòi hơn. Chửi “thói đời ăn ở bạc” đã biến những ông chồng không thành kẻ hư hỏng thì cũng thành người vô tích sự.

Là một nhà nho sinh ra vào thời kì Hán học đã thất thế nên một ông Tú chẳng thể giúp gì được cho vợ con. Tâm trạng Thương vợ được trở lại nhiều lần trong thơ Tú Xương. Thấu hiểu và trân trọng sự vất vả của vợ, tình cảm đối với người vợ hiền thảo tảo tần đã khiến Tú Xương đóng góp cho văn học Việt Nam một hình tượng đẹp về người phụ nữ phương Đông. Ngôn ngữ dung dị, đời thường, sử dụng nhiều yếu tố dân gian, với tài năng và tấm lòng, Tú Xương đã tạo nên một bài thơ hay có giá trị nhân văn sâu sắc.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Tham khảo (đọc để tăng lòng yêu văn nhé mọi người):

- Sinh ra vào thời buổi “Tây Tàu lố lăng”, đạo đức xã hội suy đồi nghiêm trọng, Tú Xương luôn mang trong mình tâm sự cay đắng của một người có nhân cách nhưng bất lực. Bao nhiêu điều ngang tai trái mắt đã được Tú Xương đưa vào thơ. Mỗi bài thơ trào phúng của ông là một tiếng chửi chua chát và cay độc ném vào lũ người sẵn sàng bán rẻ lương tâm, giẫm đạp lên quyền lợi và danh dự dân tộc, chà đạp lên đạo lí để hòng hưởng cuộc sống no nê. Đó chính là mảng thơ trào phúng.

- Bên cạnh đó, những bài thơ trữ tình sâu lắng của Tú Xương lại thể hiện những nỗi niềm ẩn khuất đằng sau cái vẻ chanh chua, cay nghiệt với cuộc đời. Tâm sự của một con người đau đời, đau cho mình được ông dồn nén ở đây. Thương vợ là một trong số những bài thơ như thế. Hình thức thơ Đường luật đã được cách tân bởi những ngôn từ đời thường giản dị, gần gũi với dân gian và tâm sự rất thật của một người chồng khi viết về người vợ tảo tần của mình. Tú Xương có một người vợ rất thảo hiền. Cả cuộc đời bà Tú đã hi sinh cho chồng con, điều này được thể hiện qua những bài thơ nhà thơ viết về vợ. Là một nhà nho sống vào thời buổi người ta đang sẵn sàng “Vứt bút lông đi viết bút chì” để được hưởng cuộc sống “Sáng rượu sâm banh tối sữa bò”, với tâm hồn thanh sạch của một con người, ông Tú đã chẳng thể giúp gì được cho vợ. Gánh nặng gia đình dồn lên vai bà Tú, nhưng với tấm lòng tần tảo và đức hi sinh của người phụ nữ phương Đông, bà Tú đã luôn cố gắng để đảm bảo cuộc sống cho chồng con, để ông Tú vẫn được rảnh rang thực hiện vai trò “người thư kí thời đại”. Chính vì lẽ đó mà ông Tú luôn tôn trọng vợ.

2. “....Có khi tôi đã thấy giật mình cho Tú Xương, khi tôi giả tỉ thơ Tú Xương không có cái khía trữ tình, cái hơi lãng mạn của nó, mà lại chỉ rặt những “Cống hỉ - mét xì - Thôi thôi lạy mợ xanh căng lạy...”. Thật tôi thấy chối tai đấy. Ở ai thế nào tôi không hay, nhưng ở tôi, khi mà Tú Xương cứ hiện thực chỉ có như vậy thôi, cái gốc hiện thực ấy mà không có cái ngọn trữ tình, cái tán lãng mạn ấy, thì Tú Xương cũng tắt gió trong tôi từ lâu rồi và đã bay ra khỏi tôi lúc nào không biết chừng.
Cho nên ai muốn nói gì đến Tú Xương thì cứ nói ra, tôi đều coi trọng [.] nhưng tôi vẫn cho rằng thơ Tú Xương đi bằng cả hai chân hiện thực và trữ tình, mà cái chân hiện thực ở người Tú Xương chỉ là một cẳng chân trái. Tú Xương lấy cái chân phải trữ tình mà khiến cái chân trái tả thực. Chủ đạo cho đà thơ là ở chân phải và Tú Xương đã băng được mình thơ tới chúng ta bằng nước bước lãng mạn trữ tình”.
(Nguyễn Tuân, Văn nghệ tháng 5, 1961)

3. Cảm kích trước nhân vật trữ tình trong bài Thương vợ, tác giả Trần Trung Phụng Gửi bà Tú Xương:
“Quanh năm lặn lội ở mom sông ”,
Thương bà gánh kiếp lấy chồng làm thơ.
Ông nhà ra ngẩn vào ngơ,
Áo bông giữa hạ, mất ô đầu ngày.
Nặng tình muối mặn gừng cay,
Bà cười nịnh mát: - Chịu ngài giỏi giang.
Đèn xanh soi tỏ quyển vàng,
Trăm năm còn thắm đôi hàng răng đen.
Tôi: con cháu đất Vị Xuyên,
Yêu tin, bà gửi một em mở dòng.
Giống bà cái dáng vẹo hông,
Khác bà cái tính ghét chồng làm thơ.
Tôi thương biết mấy cho vừa,
Ước ao học được ông xưa tế bà.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Bài thơ Thương vợ - Tú Xương (Vũ Thanh - Trường ĐHSP Hà Nội - Số 18 - Tháng 9/2009)

Chúng ta đã từng biết đến một Khuê ai lục của Ngô Thì Sỹ khóc người vợ yêu qua đời giữa lúc đầu xanh tuổi trẻ, một Đoạn trường lục của Phạm Nguyễn Du thương tiếc người vợ đã khuất, những câu thơ dứt ruột của Tự Đức và trước Tú Xương một chút là câu đối khóc vợ chứa chan tình người của Nguyễn Khuyến. Các nhà thơ trung đại Việt Nam viết về vợ mình không nhiều, mà chủ yếu lại là văn tế và câu đối khóc người đã khuất. Chỉ có một số nhà thơ như Cao Bá Quát, Bùi Hữu Nghĩa, Phạm Văn Nghị là có viết về vợ mình ngay lúc đang sống. Nhưng viết nhiều nhất và hay nhất, mà lại là về một người vợ đang còn hiện hữu trên đời thì có lẽ Trần Tế Xương (1870 - 1907) là tác giả tiêu biểu hơn cả. Và nếu có làm văn tế thì cũng là Văn tế sống vợ (!),không phải để tiếc thương mà để cười thương ngợi ca người bạn đời của mình.

Tú Xương có rất nhiều khác biệt với các tác giả trước ông. Nhà thơ này của làng Vị Xuyên là con người của buổi giao thời, là dấu nối đầy ấn tượng giữa nền văn học trung đại ở giai đoạn cuối chiều nhưng lại kết tinh tinh hoa của hàng nghìn năm với nền văn học cận hiện đại đang bắt đầu có dấu hiệu hình thành với bao điều mới mẻ. Trên đầu Tú Xương không còn những áp lực nặng nề của tư tưởng và quan niệm chính thống khắt khe đã quy định các tác giả trước ông, trong ông nhiều giá trị của quá khứ đang từng bước sụp đổ và cái mới thì chưa kịp tới. Quan niệm của một nhà thơ trào phúng cũng giúp ông tiếp cận cuộc đời theo một kiểu khác, gần hơn, với một kiểu tư duy nghiêng về phân tích, mổ xẻ đối tượng, đưa vào trong thơ nhiều hình ảnh sống động hơn, quan niệm thẩm mỹ cũng biến đổi hướng về thực tại. Điều đó tạo cho ông những khoảng không sáng tạo quan trọng, giúp ông khác với truyền thống.

Thơ Nôm Đường luật đến Tú Xương đã trải qua một thời gian phát triển khá dài, nó liên tục được cách tân từ thời Nguyễn Trãi, và tác giả Thương vợ chính là người đã đem đến cho thể loại văn học đã được Việt hóa cao độ này những phá cách mới mẻ giàu giá trị nghệ thuật. Đây là một bài thơ Nôm, viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, có kết cấu theo trình tự đề, thực, luận, kết, ông Tú viết để tặng người vợ tảo tần mưa nắng của mình.

Trần Tế Xương chủ yếu là một nhà thơ trào phúng, trào phúng chuyên nghiệp. Những bài thơ nghiêng về trữ tình như Sông Lấp, Áo bông che bạn, Thương vợ không nhiều, nhưng bài nào cũng xuất chúng. Thương vợ lại tiêu biểu cho sự hòa hợp giữa hai phẩm chất nghệ thuật nổi bật trong sáng tác của ông: trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là chính, là cơ bản. Bà Tú là một đề tài khá quen thuộc trong thơ Tú Xương, hình ảnh bà đã đi vào sáng tác của ông trong các bài như: Đau mắt, Văn tế sống vợ, Tự cười mình, Hỏi mình... và Thương vợ. Những bài thơ này cho chúng ta thấy, bên cạnh một Tú Xươn trào phúng sắc sảo, ngang ngạnh, tinh quái, khác đời là một Tú Xương khác rất mực đằm thắm, biết tự hạ mình để làm đẹp người khác. Không phải lúc nào con người ấy cũng chế giễu, cười người, cay độc mà nhiều lúc ông vẫn để cho lòng mình sâu lắng lại và bật ra những bài thơ chứa chan tình cảm, giàu sự suy tư, dằn vặt.

Thương vợ viết về bà Tú nhưng thực ra lại có sự song hành của cả hai hình tượng: hình tượng bà Tú được thể hiện một cách nổi bật trực tiếp và hình tượng ông Tú được khắc hoạ một cách gián tiếp nấp sau người vợ nhưng vẫn khá rõ nét. Thực chất Tú Xương viết thơ để ca ngợi vợ và muốn khắc hoạ hình qảnh một ông “chồng thừa” vô trách nhiệm chứ không hề có ý đề cao mình nhưng vô hình chung vẫn hiển hiện trong bài thơ một nhân cách cao đẹp của người chồng và từ đó là một quan niệm khác biệt về người vợ so với truyền thống.

Tú Xương đã giới thiệu vợ mình một cách thân mật, gần gũi, hóm hỉnh nhưng ẩn chứa trong đó bao tình cảm và nỗi niềm dằn vặt, xót xa:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Câu thơ ngắn gọn đã phản ánh một cách cụ thể, chi tiết không gian, địa điểm và công việc làm ăn của bà Tú. Tên thật của bà là Phạm Thị Mẫn, quê ở Lương Đường, Hải Dương, nhưng sinh tại Nam Định. Bà chuyên buôn bán gạo ở bến sông để nuôi gia đình. Hai từ “quanh năm” nói lên được nỗi vất vả, tần tảo của bà Tú triền miên hết ngày này đến ngày khác, tháng này đến tháng khác, năm này đến năm khác... Vòng quay của thời gian vô tận đã cuốn bà vào cuộc vật lộn mưu sinh đầy vất vả. Cách tính thời gian như thế vừa nói được nỗi lo toan khó nhọc của bà Tú, lại vừa là cách ông Tú tỏ lòng biết ơn công lao tần tảo sớm hôm của vợ mình. Biện pháp tăng cấp ý được sử dụng để diễn tả sự vất vả, từ thời gian (quanh năm), nghề nghiệp (buôn thúng bán mẹt), cho đến không gian, địa điểm làm ăn: “mom sông”. Mom sông là một nơi chênh vênh, ba bề là nước, nó gợi lên sự nguy hiểm, bất trắc, vốn không phải là nơi dành để buôn bán bình thường. Bởi vậy hơn ai hết, Tú Xương hiểu rõ mục đích của nỗi vất vả đó nơi người vợ:

Nuôi đủ năm con với một chồng

Đôi quang gánh cuộc đời trên vai bà Tú thật quá nặng. Một mình bà phải nuôi đến sáu miệng ăn, đó là chưa kể đến chính bản thân mình. Tú Xương không tính bà vào thành phần phải “nuôi đủ” là chính đáng, do bà là người làm ra của cải cưu mang cả gia đình, nhưng cũng là một cách đề cao bà, ngầm xếp bà ra một thứ bậc khác. Đây là cách tính công, đề cao công lao của vợ một cách chi li, rất mực ân tình của Tú Xương. Mẹ nuôi con mà không có chồng giúp sức, tuy vất vả nhưng còn là chuyện thường tình, dẫu sao cũng là thiên chức của người phụ nữ. Điều lạ là cả đến ông Tú bà cũng phải nuôi. Quả thực đây là một sự vô lý, bất công khi gánh nặng gia đình dồn hết lên vai người vợ. Tú Xương đã tách ra làm hai cái gánh nặng ấy: năm con với một chồng, để thấy rõ cái công ơn của bà với gia đình và với riêng ông. Nhưng gánh nặng dường như nghiêng lệch, trĩu nặng hơn về một bên, phía một mình ông chồng vô tích sự nhưng lại đa sự nhiều hơn năm đứa con thơ, khiến câu thơ cũng như oằn hẳn về phía cuối. Cách kể công cho vợ như vậy thật là độc đáo, thật là Tú Xương. Nhà thơ đã tự hạ mình xuống mức thấp hơn cả lũ con, đứng riêng ra một bên, vì ông là một thứ chồng đặc biệt mà bà Tú phải nuôi riêng. Liên từ “với” nghe thật buồn, thật hài hước.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top