Định nghĩa thành công

Thandieu2

Thần Điêu
Thành công không chỉ là kiếm được nhiều tiền


“Thành công có nghĩa là đạt được kết quả tốt nhất với những gì ta đang có.” – Wynn Davis.

Khám phá ý nghĩa của cuộc sống

Có thể bạn cho là trễ nhưng lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa thật sự của hai từ Thành Công là khi tôi ba mươi chín tuổi. Lúc đó tôi chẳng phải là giám đốc điều hành của một trong 500 công ty lớn nhất thế giới, hay là vừa mua được chiếc Mercedes đời mới nhất, cũng không trúng số độc đắc. Chỉ là tôi đã tìm ra quy luật của cuộc sống, giờ đây tôi đã tìm được điều mà tôi đã từng mãi kiếm tìm, đó là sự bình yên trong tâm hồn và cảm nhận được giá trị của bản thân. Và từ đó, cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi.

Theo tôi, thành công cũng có những quy luật của nó, chỉ là chúng ta chưa được nghe nói đến trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thôi. Những quy luật đó cũng chẳng có gì là mới mẻ hay bí ẩn cả. Nó bình dị, gần gũi và đã tồn tại từ lâu, nhưng nó rất đúng.

Sau nhiều năm tự xoay xở và tìm tòi nghiên cứu, tôi đã nhận ra rằng cuộc sống được hình thành từ những quy luật đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Sau khi lần theo những con đường khác nhau mong tìm được “một cuộc sống tốt hơn!”, cuối cùng tôi đã trở lại nơi mà tôi bắt đầu cùng với những thứ mà có lúc chúng ta cho là lỗi thời. Như Edward Albee viết trong vở kịch Câu chuyện sở thú, “… khi cần thiết chúng ta nên đi một đoạn đường dài để sau đó quay trở lại và nhận ra đâu là con đường ngắn hơn mà mình đang tìm”.

Có một câu thành ngữ Thụy Điển nói rằng “Chúng ta bị già đi quá nhanh, trong khi sự trải nghiệm lại đến với chúng ta quá chậm”. có thể điều đó là không đúng và cũng có thể cuốn sách này sẽ giúp bạn có được những sự trải nghiệm sớm hơn tôi ngày trước. Thậm chí, dù bạn đã lớn tuổi hơn nhưng hãy hiểu không bao giờ là quá muộn! từ những điều đã qua tôi rút ra được rằng: Người hiểu bết không phải là người tìm ra cách hơn người khác mà là người biết cách sống thế nào để hạnh phúc.

Mối liên hệ giữa thành công và tiền bạc

Ai sống trên đời cũng cần có tiền. Việc kiếm tiền đầu tiên có thể là mục đích nhưng sau đó đồng tiền sẽ là phương tiện chứ không phải là mục đích sau cùng. Chúng ta không thể nói tự thân tiền là tốt hay xấu. Tiền giúp chúng ta sống, học tập để đạt được ước mơ của mình và giúp đỡ những người khác. Mỗi năm những người giàu có đóng góp hàng tỉ đô la vào những công trình phúc lợi xã hội, những chương trình nhân đạo, giúp những người nghèo và bệnh tật… Vậy tiền là tốt chứ! Nhưng chẳng phải tiền bạc cũng là nguồn gốc của nhiều điều xấu xa đó sao ??

Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội thường đánh đồng thành công và tiền bạc với thành công cuộc sống nên có đôi điều tôi muốn chia sẻ cùng các bạn:

1. Tự thân đồng tiền không phải là xấu. Bản thân đồng tiền không phải là cội rễ của tất cả mọi sự xấu xa mà thật ra, chính sự ham tiền mới là nơi bắt nguồn của mọi điều xấu xa. Chẳng có gì sai khi bạn muốn có tiền, ngay cả khi bạn đang có thật nhiều tiền. vấn đề là chúng ta kiếm tiền bằng cách nào và sử dụng nó như thế nào? Nếu chúng ta kiếm tiền bằng những cách chân chính và chúng ta tiêu tiền vào những mục đích chính đáng thì khi đó, đồng tiền sẽ sản sinh ra những điều tốt.

2. Tiền bạc không phải là điều kiện đủ để thành công. Trước đây, có nhiều sách viết về con đường thành công của những nhà triệu phú tỉ phú … trong số đó có vài người đã vào tù bởi chính con đường dẫn đến thành công của mình. Ivan Boesky, một nhà tài phiệt nỗi tiếng đã nói hơi quá rằng: “Tham lam đôi khi cũng tốt” – và chỉ vài tháng sau, ông bị truy tố. Boesky đã tuyên bố một điều mà nhiều người thường nghĩ nhưng không phải bao giờ cũng đúng, đó là: thành công đồng nghĩa với giàu có.

Còn nhớ những năm 90, khi phong trào giao dịch trên mạng và tham gia vào thị trường chứng khoán nổi lên như cồn, ngày nào cũng có những người bỗng chốc trở thành tỉ phú. Thế là một số giá trị về mặt đạo đức và tinh thần đành phải nhường chỗ cho sự giàu có và kiểu sống của những người “mới phất” đó.

Nguyên nhân của vô số những vụ tai tiếng và bê bối tập thể liên tục xảy ra tại Enron, Arthur Andersen, Tyco, Xerox, WorldCom, … là bởi vì họ chưa có cái nhìn đúng đắn về đồng tiền. những kẻ vào tù trong những năm 80 hoặc những người bị phá sản vào những năm 90 là những kẻ đã tự đánh mất chính mình trước mãnh lực của đồng tiền. Khi được phỏng vấn, có rất nhiều nhà quản lý đã nói rằng, mặc dù đã bỏ rất nhiều thời gian để cố sức đạt những mục tiêu tài chính, nhưng dường như cuộc sống đối với họ vẫn “trống rỗng và vô nghĩa”. Có đến 60% những nhà điều hành cấp cao tiết lộ rằng họ thực sự hối tiếc khi đã đánh đổi cuộc sống gia đình để có thể theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp.

Tại sao những người đã có đầy đủ tiền bạc, quyền lực và cả địa vị vẫn không cảm thấy hạnh phúc? Câu trả lời thật đơn giản, đó là bởi vì sở hữu những thứ đó không hẳn có nghĩa là đã đạt được thành công. Họ chưa nhận ra điều gì là chính yếu cho cuộc sống của mình. Họ trở thành nô lệ của đồng tiền và những thứ do đồng tiền mang lại. Khi đó họ đã vô tình gây tổn hại cho cuộc sống của bản thân cũng như của những người khác. Khi phóng đại quá mức tầm quan trọng của đồng tiền chính là bạn đang đánh lừa chính mình, gạt mình ra khỏi những điều tuy bình dị nhưng lại có ý nghĩa lớn, những điều có thể làm cho cuộc sống thú vị hơn, sâu sắc và đáng yêu hơn.

Thế nào được gọi là thành công?

“Hãy để mỗi người tự hoàn thiện mình bằng chính những khả năng tiềm ẩn mà họ vốn có.” - Hal Urban

Tôi không biết phải định nghĩa thành công là như thế nào nhưng tôi biết rằng cuộc sống luôn đặt ra những thử thách để chúng ta có cơ hội hoàn thiện khả năng của mình. Và chúng ta đã thành công khi đạt đến giá trị cao nhất và cho đi những điều tốt nhất trong giới hạn của những khả năng và trải nghiệm mà ta đang có. Cuộc sống không đòi hỏi chúng ta phải đứng ở hàng đầu, mà chỉ yêu cầu chúng ta cố gắng làm tốt tối đa trong từng việc chúng ta đang làm.

Đây là những phẩm chất thường thấy ở người thành công:

• Chấp nhận rằng cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn và thử thách. Họ hội nhập với cuộc sống và vươn lên khắc phục hơn là chỉ biết phàn nàn, than vãn. Họ dám chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình thay vì đổ lỗi hoặc bào chữa để tìm đến sự thanh thản cho bản thân.

• Luôn giữ thái độ sống tích cực. Họ tìm kiếm, khám phá những điều tốt đẹp ở người khác và thế giới xung quanh. Đối với họ, khó khăn và thử thách chính là những cơ hội để họ thử sức và trải nghiệm.

• Tạo những quan hệ tốt. Họ nhạy cảm với những nhu cầu và cảm nhận của người khác. Họ luôn quan tâm, tôn trọng và biết cách khơi dậy những điều tốt đẹp ở người khác.

• Luôn có phương hướng và mục đích. Họ luôn hình dung và biết trước nơi mình sẽ đến. Họ hoàn thành những mục tiêu đã định rồi lại đặt ra mục tiêu mới. Vui vẻ chấp nhận thử thách là một đức tính thường thấy ở những người này.

• Có nhu cầu học hỏi mạnh mẽ. Đối với những người này, học hỏi là một thú vui chứ không phải là một nhiệm vụ. Những kiến thức mới sẽ làm phong phú hơn cho cuộc sống của họ và từ đó giúp họ trưởng thành hơn.

• Hành động theo định hướng. Không sa vào thói quen xấu hoặc tỏ ra buồn chán vì những người này luôn “tranh thủ” tích lũy những kinh nghiệm mới.

• Chú trọng phẩm chất đạo đức cá nhân. Họ hiểu rằng, trung thực là một trong những giá trị cơ bản của con người và quyết tâm thể hiện phẩm chất này cả trong công việc và đời sống.

• Hiểu được sự khác biệt giữa “sống” và “tồn tại”. Họ “sống” thật sự với tất cả nhiệt huyết chứ không để cuộc sống “cuốn trôi” mình. Họ yêu quý cuộc sống với tất cả các giá trị của nó cùng những thành quả mà họ đã nỗ lực đạt được.

Khởi đầu cho thành công thực sự

“Có rất nhiều người không bao giờ sử dụng hết năng lực của chính bản thân họ. có thể do họ chưa gặp được một môi trường phù hợp hoặc có thể nó đã thực sự cằn cỗi.” - John Gardner

Trong cuộc sống ngày nay, mỗi chúng ta thường bị vây bọc bởi quá nhiều thông tin. Nó thúc giục chúng ta tìm kiếm những gì thích hợp nhất thời cho mình ở bên ngoài hơn là khai thác nội lực của chúng ta. Và thế là, khả năng của chúng ta vẫn bị chôn vùi. Mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ nắm bắt được những cơ hội đang đến với mình.

“Khám phá năng lực bản thân” chính là một trong những thông điệp chính của cuốn sách. Dù còn trẻ hay đã có tuổi, dù mới lớp 9 hoặc đã là tiến sĩ, chúng ta vẫn nên tìm hiểu và phát huy những tiềm năng của mình để sống tốt hơn. Trong mỗi con người chúng ta đều ẩn chứa những phẩm chất tốt đẹp có thể đưa ta đến thành công thực sự.

“Bất kể hoàn cảnh hiện tại là như thế nào thì những điều tốt đẹp nhất vẫn đang còn ở phía trước, bởi 90% năng lực để làm nên điều đó vẫn chưa được bạn phát hiện và sử dụng đến.” - Tim Hansel


Sưu tầm
 
Thành công là gì?

Thành công là gì?

Có một lần, tôi đến nhà bác họ chơi. Hôm đấy là ngày nghỉ, tình cờ bác tôi lại mời thêm rất nhiều những người bạn thân của mình đến ăn cơm và trò chuyện về công việc. Xin giới thiệu trước, bác và những người bạn đều là những nhà doanh nhân được coi là thành công trên trường đời. Ở đây, do không tiện nên tôi xin phép không nêu tên các chú, các bác ra đây.

Tôi cùng bác gái lúi húi trong bếp làm cơm. Còn các chú, các bác thì ngồi quanh bàn trà, đang nói chuyện rất là vui vẻ. Giữa câu chuyện, tôi chợt nghe thấy, có một chú, có lẽ tuổi trẻ nhất trong đó nhìn mọi người và đặt câu hỏi:

- Theo mọi người thế nào là thành công?

Câu hỏi bất thần ấy làm cho mọi người có phần lúng túng. Tôi vừa làm bếp vừa chăm chú lắng nghe. Và rồi, để có câu trả lời thật đúng, một bác đề nghị mỗi người hãy ghi ý kiến của mình vào một mảnh giấy nói về những gì làm nên thành công của một người.

Những câu trả lời

Khi 7 mảnh giấy được mở ra thì có tới 7 câu trả lời thật khác nhau.

Bác thứ nhất viết rằng: Thành công là đạt được hạnh phúc.

Bác khác viết rằng: Thành công là mình và gia đình mình đều làm ăn khấm khá, phát tài.

Bác thứ ba viết rằng: Một người thành công là người sống làm sao có được sự kính phục của người khác.

Một bác tiếp theo thì quả quyết: Một người chỉ có thể được coi là thành công khi mà cuộc đời của họ có ích cho người khác…

Trong khi các bác còn đang tranh luận về lời giải thì chú trẻ tuổi đã nêu ra câu hỏi ấy lại đưa ra một ý giản dị:

- Tại sao chúng ta không tra từ điển nhỉ?

Từ điển nói gì?

Đây có lẽ là cách đơn giản nhất, chúng cũng đúng đắn nhất để giải quyết vấn đề. Bác tôi với tay lên tủ sách để lấy cuốn từ điển và tra hai chữ thành công. Từ điển viết: “Thành công có nghĩa là sự hoàn thành một cách thoả đáng một dự liệu: là sự đạt được mục đích mà mình muốn, dẫu đó là mục đích gì”

Bác vừa đọc xong, một chú khác nói: “Có lẽ là chúng ta đều đã định nghĩa sai. Thành công chỉ đơn giản là đã làm trọn vẹn một cái gì mà trước đó người ta dự định sẽ thực hiện”.

Tôi nghe thấy giọng một bác xen ngang: “Chúng ta đều đã trình bày ý kiến riêng của mình về sự thành công. Và bởi vì mục đích cuộc đời của mỗi chúng ta là khác nhau, cho nên sự thành công không đồng nghĩa đối với các anh hay đối với tôi”.

Về câu hỏi: Thế nào là một người đã thành công? Thì câu trả lời rất chính xác và giản dị là: Người thành công là người đã nhận được những gì mà người ấy tính liệu muốn nhận được.

Dù rằng mục đích của anh lớn hay nhỏ, anh có thể là người muốn kiếm được một triệu đô la, hay chỉ muốn đọc một bài diễn văn thật hùng hồn... Còn như đối với một em bé, sự thành công của nó là đã xin được bố mua cho mình một que kem.

Người thì muốn xây dựng gia đình, người thì lại muốn viết một cuốn sách, người khác lại muốn đóng một con tàu, kẻ thì chỉ muốn có một việc làm, hoặc là xin lên lương, kẻ thì muốn cô thư ký trẻ đẹp nhận lời mời đi chơi, có người thì lại muốn làm cách gì để bỏ đi một tật xấu của bản thân… Chung quy, khi mà đã đạt được điều mình muốn – đó là thành công.

Bạn muốn gì?

Câu trả lời ấy bất giác làm tôi phải suy nghĩ. Bạn muốn gì về đời sống?

- Thành công phải là cái nhận được mà người ta muốn về đời sống.

Tôi thấy thích câu trả lời ấy. Nó làm cho hai chữ thành công này trở nên rõ ràng và hiển hiện.

Lúc này, thành công không còn là một quan niệm, một triết lý mơ hồ nữa mà nó đã trở thành một cái gì cụ thể mà bạn có thể quan sát và phân tích.

Kết luận trên lại mở ra một cuộc thảo luận mới giữa các nhà kinh doanh thành đạt. Một đặt vấn đề.

- Vậy thì cái gì đã giúp cho một số người đạt được mục đích của mình, trong khi một số người khác thì không thể?

Trong canh bạc cuộc đời cái gì đã giúp cho một số người có được những thắng lợi, còn những người khác lại bị thua cuộc? Đó thật là một câu hỏi được đặt ra đúng lúc.

Một bác hỏi: Vậy thì có phương pháp nào cho người ta áp dụng để đạt được tới thành công không?

Bạn thân mến, câu chuyện của tôi xin được tạm dừng tại đây, kỳ sau chúng tôi xin được trình bày về những phương pháp hướng đến thành công. Trong đó, ý thức hay thái độ là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất của con người đạt được thành công của mình.

Chúc mọi người thành công!

Sưu tầm
 
Bản chất của thành công

Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời mình theo đuổi? Phải chăng đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục?

Vậy thì bạn hãy dành chút thời gian để lặng mình suy ngẫm. Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ. Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày 8-3. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy.

Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi nguyện vọng 1 lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công - bị - trì - hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ - người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ - người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá - học - của - một - người - cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hy sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ.

Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, mẹ tôi vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich - ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”.

Sưu tầm
 
Thước đo của sự thành công

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều mong muốn đạt được ít nhất một thành công nào đó. Mỗi người đều có mục đích, ước mơ để theo đuổi, nhưng liệu có thước đo nào cho sự thành công của tất cả chúng ta?

Một cô bé bán diêm chỉ mong bán được hết số diêm trước khi giáng sinh xuống, nếu bán được, đó có phải là một thành công của cô?

Một cậu bé bán vé số chỉ mong bán được hết số vé nhận được từ người chủ để có tiền mua thuốc cho người mẹ đang đau ốm, nếu cậu bán hết và mang được 50.000đ về mua thuốc cho mẹ, liệu đó có phải thành công?

Một người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời và có được vụ mùa bội thu, cả gia đình không bị đói ăn trong mùa giáp hạt, đó là thành công?

Một người ngư dân tay chèo tay chống trước sức mạnh của biển khơi mang về khoang thuyền đầy cá cho vợ, cho mẹ đi bán mang lại thu nhập cho gia đình, đó là thành công?

Một người đàn ông, sau bao cố gắng đã lên được chức Tổng giám đốc của một tập đoàn danh tiếng, nhưng gia đình tan nát, chia rẽ, đó là thành công?

Một người phụ nữ được mọi người biết đến nhờ tài năng lãnh đạo, nhưng con cái của cô lại hư hỏng, sa sút, liệu đó có là thành công?

Mỗi người có một thước đo cho thành công riêng tuỳ thuộc vào mục tiêu, quan điểm của họ, nhưng mẫu số chung của thành công phải là hạnh phúc của những người mà ta thương yêu.

Sự thành công của mỗi chúng ta sẽ chỉ có ý nghĩa khi nó mang lại hạnh phúc cho bản thân chúng ta, cho những người mà ta yêu thương và mang lại điều tốt đẹp cho xã hội.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” - Tố Hữu

Sưu tầm
 
Chăm chỉ và bạn sẽ thành công

Dĩ nhiên, sẽ khó mà thành công nếu không có sự chăm chỉ. Tuy nhiên, rất nhiều người chăm chỉ nhưng không thành công như họ mong muốn.

Thành công đến dưới nhiều hình thức. Để nhận biết nó, bạn có thể xác định các mục đích cụ thể muốn đạt được và sau đó làm việc hướng theo các mục đích ấy. Trong quá trình làm việc, bạn cũng cần phải biết các mục tiêu và mục đích của cấp trên để đồng thời nỗ lực hoàn thành chúng.

Những nhân vật thành công nhất đều hiểu tầm quan trọng của sự kết hợp giữa chăm chỉ làm việc với thái độ đúng đắn, giỏi giao tiếp, tinh thần sẵn sàng học hỏi, thay đổi và khát khao cống hiến.​

Thành công ở trường học đồng nghĩa với thành công trong công việc

Bạn có thể là học sinh xuất sắc ở lớp với rất nhiều bằng khen cùng những điểm số đẹp. Nhưng bạn vẫn có thể dễ dàng vấp ngã trong sự nghiệp. Tại sao vậy? Cần phải hiểu rằng cái mang lại thành công cùng sách vở không giống cái bạn cần để xuất sắc trong công việc.

Lý thuyết và thực tế có thể khác xa nhau. Bạn rất giỏi học thuộc lòng các loại lý thuyết nên bạn có nhiều điểm 10, nhưng sếp ở công ty lại không cần một nhân viên chỉ biết thao thao đọc những định nghĩa, công thức vốn chỉ nằm trên giấy.​

Kỹ năng và kiến thức là chìa khóa của thành công

Đi làm không chỉ là đến công sở hàng ngày và hoàn thành công việc. Sếp mong đợi bạn sẽ luôn đến đúng giờ, ăn mặc gọn gàng, nhiệt tình và lúc nào cũng tập trung vào nhiệm vụ.

Chẳng có ai bị chỉ trích vì quá tích cực hoặc quá chuyên nghiệp, nhưng luôn có sẵn những lời như thế dành cho những người tiêu cực, không đáng tin cậy và khó gần. Bạn sẽ có thuận lợi trong công việc và trong cuộc sống nếu bạn thể hiện mình là người có thể tin cậy, chuyên nghiệp, linh hoạt, thân thiện và hòa đồng.​

Làm việc tốt sẽ mang lại thành công

Làm việc tốt là một yếu tố then chốt dẫn đến thành công, nhưng khả năng thành công của bạn khoanh vùng rộng hơn thế nhiều. Đừng coi nhẹ tầm quan trọng của thái độ và cách cư xử của bạn.

Có nhiều những mong đợi không được nói ra nơi công sở. Không được nói ra bởi sếp cho rằng bạn biết họ muốn gì. Nếu bạn không biết, bạn sẽ là người chịu thiệt. Nhiều nhà quản lý không để tâm tới những sắc thái làm việc nhỏ nhặt của nhân viên và chỉ chú ý tới những vấn đề hoặc lỗi trầm trọng. Tuy vậy, thường những cái nhỏ nhặt lại hay cản trở con đường thành công.​

Một số người thành công nhờ may mắn

Trong thực tế, thành công hiếm khi đến từ sự may mắn. Mặc dù một số người có vẻ có những bước đột phá khá may mắn, nhưng nếu bạn dành thời gian để xem tại sao họ lại may mắn như vậy, bạn sẽ thấy họ chẳng có gì may mắn cả. Nói một cách đơn giản, họ đã biết tự tạo sự “may mắn” cho mình chứ không ngồi im thụ động và chờ đợi. Bạn có thể làm nhiều điều để tăng cơ hội thành công của mình.​

Thành công quá phức tạp và khó đạt được

Hẳn là bạn sẽ thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng bạn cũng được nhận việc. Bạn có thể cho rằng khi đã có việc làm, bạn có thể thả lỏng bản thân, nhưng hãy ý thức rằng mọi thứ bạn làm hoặc không làm sẽ tác động đến mức lương và cơ hội thăng tiến của bạn. Tuy nhiên, thành công không phức tạp và khó đạt được như bạn nghĩ.

Hãy xem với bạn, thành công là gì. Đôi khi thành công của một cô lễ tân chỉ là nhận thành công các cuộc điện thoại trong ngày và không tiếp người khách nào với bộ mặt nhăn nhó.

Hãy sống thực với bản thân và là chính mình bởi bạn là khác biệt. Có thể mất nhiều năm để đến được nơi bạn muốn nhưng hãy kiên nhẫn, đích đến không còn xa.​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top