• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Địa lý các vùng của Việt Nam

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
ĐỊA LÍ CÁC VÙNG CỦA VIỆT NAM

1. Trung du và miền núi phía Bắc.

1.1. Thiên nhiên và tài nguyên.


Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm vùng núi Tây Bắc và vùng đồi núi Đông Bắc.

Tây Bắc là một vùng gồm chủ yếu là núi trung bình và núi cao. Đây là nơi có địa hình cao nhất, bị chia cắt nhất và hiểm trở nhất Việt Nam. Các dạng địa hình phổ biến ở đây là các dãy núi cao, các thung lũng sâu hay hẻm vực, các cao nguyên đá vôi có độ cao trung bình. Dãy núi cao và đồ sộ nhất là dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều đỉnh cao trên 2500m, đỉnh núi cao nhất là Fansipan (3143m).

Vùng đồi núi Đông Bắc gồm chủ yếu là núi trung bình và núi thấp. Khối núi thượng nguồn sông Chảy có nhiều đỉnh cao trên dưới 2000m là khu vực cao nhất của vùng. Từ khối núi này ra tới biển là các dãy núi hình cánh cung thấp dần về phía biển. Có bốn cánh cung lớn là cánh cung sông Gâm, cánh cung Ngân Sơn, cánh cung Bắc Sơn và cánh cung Đông Triều.

Chuyển tiếp từ vùng núi Đông Bắc tới đồng bằng sông Hồng, từ Vĩnh Phú đến Quảng Ninh là những dải đồi với đỉnh tròn, sườn thoải. Đây là vùng trung du điển hình của nước ta, ranh giới rất khó xác định.
Vùng giàu có về tài nguyên khoáng sản và tiềm năng thủy điện dồi dào nhất nước ta. Ngoài ra, vùng còn giàu có tài nguyên du lịch, tài nguyên đất đai, khí hậu để phát triển nông nghiệp (trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn…).

1.2. Con người và hoạt động kinh tế.

Năm 2001 số dân của vùng là 113493 người, mật độ dân số là 65 người/km2 (Tây Bắc) và 138 người/km2(Đông Bắc). Vùng có gần 30 dân tộc ít người sinh sống. Các dân tộc có số dân tương đối đông là :người Mường, người Tày, người Thái, người Nùng, người Thổ, người Mông, người Dao.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp chính của vùng là trồng cây công nghiệp (chè), cây làm thuốc (tam thất, đương quy, đỗ trọng…), cây ăn quả (mận, đào, lê, vải…) và chăn nuôi trâu, bò. Lúa được trồng nhiều ở các cánh đồng giữa núi, thung lũng, trên các ruộng bậc thang hoặc sườn núi. Ngô, sắn cũng được trồng trên các sườn núi. Nhìn chung, sản xuất lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại đây vẫn còn tồn tại những hình thức canh tác, sinh sống lạc hậu: đốt rừng làm rẫy, du canh, du cư…

Hoạt động sản xuất công nghiệp của vùng gồm một số ngành chính: ngành than, ngành điện (thủy điện, nhiệt điện), hóa chất (sản xuất phân bón hóa học, hóa chất cơ bản…) và khai thác khoáng sản…

Ngành du lịch được đẩy mạnh phát triển trong những năm gần đây với nhiều loại hình đa dạng: du lịch văn hóa, lịch sử, lễ hội, tôn giáo, tham quan phong cảnh thiên nhiên…

1.3. Một số thành phố.

Việt Trì, thành phố công nghiệp trung tâm của công nghiệp hóa chất (sản xuất hóa chất cơ bản, phân lân…), giấy, vật liệu xây dựng.

Thái Nguyên, thành phố công nghiệp gang thép.

Hạ Long, thành phố du lịch và cũng là thành phố công nghiệp, thành phố cảng.

Hoà Bình, thành phố công nghiệp bên bờ sông Đà, cửa ngõ của vùng Tây bắc, nơi có nhà máy thủy điện Hoà Bình lớn nhất nước ta.

Điện Biên Phủ, thành phố trẻ, trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh Điện biên, nơi có di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

(Sưu tầm)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
2. Tây Nguyên.

2.1. Thiên nhiên và tài nguyên.


Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng. Đây là vùng không giáp biển và có diện tích là 56.082,8 km2, dân số, mật độ 67 người/ km2.

Tây Nguyên là bộ phận rộng lớn nhất của hệ thống núi Trường Sơn Nam. Địa hình bao gồm chủ yếu các cao nguyên lượn sóng. Các cao nguyên này tạo ra các bậc địa hình: 100 - 300m, 300 - 500m, 500 - 800m. Về phía đông, các cao nguyên được bao bọc bởi các khối núi, dãy núi cao (cao nhất là Ngọc Linh 2.598m). Sườn của các khối núi, dãy núi đổ dốc xuống các đồng bằng nhỏ hẹp ven biển.

Tài nguyên chính của Tây Nguyên là các cao nguyên phủ đất đỏ bazan thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp, chăn nuôi… với quy mô lớn. Rừng Tây nguyên có nhiều loài thực, động vật, nhiều loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao. Thực vật có thông nước, thông năm lá, cây quao xẻ tua, gạo lông đen, các loại cây thuốc quý như sâm bố chính, sa nhân, sâm ngọc linh, actisô, xuyên khung…

Khoáng sản của Tây nguyên không nhiều, đáng kể nhất là bô xit có trữ lượng hang tỉ tấn. Ngoài khoáng sản, Tây nguyên cũng là vùng có trữ năng thủy điện khá lớn trên các sông Xê - xan, Xrê - pốc và thượng nguồn sông Đồng Nai.

2.2. Dân cư và hoạt động kinh tế.

Tây Nguyên là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: Raglai, Xơđăng, Cơho, Êđê, Ba Na, Mạ, Mơ Nông…Người Việt (Kinh) có sự phân bố rộng rãi trong vùng do di cư từ các vùng khác đến. So với các vùng khác, Tây Nguyên là vùng thưa dân, tỉ lệ người chưa biết đọc, biết viết cao, người lao động lành nghề, cán bộ khoa học-kĩ thuật còn thiếu.
Công nghiệp của vùng đang trong giai đoạn hình thành với các điểm, trung tâm công nghiệp nhỏ. Tây nguyên là vùng trồng cây công nghiệp lâu năm lớn nhất nước ta. Đây là vùng trồng cà phê, dâu tằm lớn nhất, vùng trồng cao su, chè, hồ tiêu thứ hai cả nước.

Lâm nghiệp là thế mạnh của Tây Nguyên. Do sự suy giảm tài nguyên rừng nên sản lượng khai thác đã giảm hẳn.

- Các thành phố: Tây Nguyên có 3 thành phố tỉnh lị là Plây - cu, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt.

(sưu tầm)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
3. Đồng Bằng Sông Hồng.

3.1. Thiên nhiên và tài nguyên.


Đồng bằng châu thổ sông Hồng gồm thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà tây, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh với diện tích 14.685,5 km2, số dân là 16.862,7 nghìn người (1997).

Địa hình đồng bằng tương đối bằng phẳng, lớp đất phù sa được hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp rất màu mỡ, hàng năm lấn ra biển khoảng 100m ở bờ biển phía đông nam của đồng bằng. Đất đã sử dụng hiện có trên 1triệu ha, chiếm 82,48% diện tích tự nhiên của vùng. Tỉ lệ này cao nhất của cả nước (bình quân của cả nước là 50-56%, Đồng bằng sông Cửu Long là 78,71%). Khả năng mở rộng diện tích của đồng bằng không nhiều, gắn liền với quá trình chinh phục biển.

Dọc theo các con sông của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình là hệ thống đê ngăn lũ với tổng chiều dài khoảng 1600km.

Nét đặc trưng cho khí hậu của vùng là có một mùa đông lạnh kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trong đó có ba tháng nhiệt độ xuống dưới 180C (tháng 12, 1, 2).

Tài nguyên khoáng sản ở đồng bằng không nhiều, tiềm năng khoáng sản lớn nhất là than nâu, trữ lượng hàng chục tỉ tấn ở độ sâu từ 200-2000m, hiện chưa có điều kiện khai thác.

Ngoài ra, vùng còn có tiềm năng về khí đốt.

3.2. Con người và hoạt động kinh tế.

Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước (1180 người/km2, năm 1999). Dân số đông, mức độ đô thị hóa nhanh, nguồn lao động có trình độ học vấn cao hơn các vùng khác, nhưng với nguồn lao động quá dư thừa nên việc giải quyết vấn đề việc làm trở nên cấp bách.

Đất nông nghiệp chiếm 57,65% diện tích tự nhiên của vùng được sử dụng chủ yếu để trồng lúa. Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa lớn thứ hai, cung cấp khoảng 20% sản lượng lúa của cả nước. Ngoài ra, vùng còn chuyên canh rau quả thực phẩm, xuất khẩu, nhiều nhất là vụ đông xuân. Vùng ít có khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp bằng khai hoang.

Công nghiệp ở đây khá phát triển, đứng thứ hai cả nước với một số nhóm ngành quan trọng: công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp dệt may, giày, da, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, hóa chất, phân bón, cao su…Trên địa bàn đồng bằng đã hình thành một số cụm công nghiệp tập trung (Hà Hội, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc), các khu công nghiệp lớn.

Ngành dịch vụ phát triển mạnh, thương mại chiếm vị trí quan trọng, hoạt động tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, bưu điện, du lịch…mở rộng trên phạm vi cả nước.

3.3. Các thành phố lớn


Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, khoa học kĩ thuật, văn hóa, đào tạo, y tế lớn nhất cả nước.

Hải Phòng thành phố cảng.

Các thành phố khác: Hải Dương, Nam Định, Thái Bình.

(Sưu tầm)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
4. Đồng bằng sông Cửu Long:

4.1. Thiên nhiên và tài nguyên:

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến tre, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang có diện tích tự nhiên 39.569,9km2 và dân số khoảng 16, 4 triệu người (năm 1999).

Đây là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta có địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình so với mặt biển từ 3 - 5 m, có khu vực chỉ cao 0,5 đến 1m.

Khí hậu nhiệt đới ẩm với tính chất cận xích đạo và ít thiên tai tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Tài nguyên chính của vùng là đất phù sa màu mỡ có diện tích lớn, nhiều diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và những vùng đất phèn, mặn được cải tạo cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Đồng bằng vẫn còn một diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước có ý nghĩa nhiều mặt về kinh tế và môi trường. Vùng biển với thềm lục địa mở rộng có trữ lượng hải sản lớn nhất nước ta.

Tuy nhiên vùng cũng có những khó khăn cho sản xuất và đời sống:

- Ngập lũ kéo dài trên diện rộng vào mùa mưa.

- Diện tích đất đồng bằng phần lớn là đất phèn, mặn và có nguy cơ bị bốc phèn nếu canh tác không hợp lí.

4.2. Con người và hoạt động kinh tế.

Số dân của vùng là 16,1 triệu người với mật độ trung bình: 406 người/ km2 (1999).

Tốc độ gia tăng dân số của đồng bằng sông Cửu Long cao hơn đồng bằng sông Hồng.

Người dân ở đây có nhiều kinh nghiệm cải tạo đất phèn, mặn để trồng trọt, chọn giống lúa thích hợp cho từng vùng sinh thái… kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản…

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước. Đây là vùng có diện tích và sản lượng lúa lớn nhất cả nước. Ngoài lúa, vùng còn trồng nhiều cây ăn quả với xu hướng ngày càng gia tăng.

Ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản của đồng bằng nổi bật hơn các vùng khác. Đây là vùng nuôi nhiều tôm, cá, thủy sản xuất khẩu lớn nhất cả nước. Các tỉnh có sản lượng thủy sản lớn là Kiên Giang, Cà Mau, An Giang…

Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm của vùng khá phát triển chiếm tới hơn 60% giá trị sản lượng công nghiệp của vùng. Tuy nhiên, ngành này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến lương thực, thực phẩm của vùng.

4.3. Các thành phố:

Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương.

Các thành phố khác: Mĩ Tho (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Cà Mau

(Sưu tầm)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
5. Đông Nam Bộ.

5.1. Thiên nhiên và tài nguyên.

Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận (còn có nhiều ý kiến về mở rộng ranh giới của vùng ra các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận và cả Lâm Đồng, Tiền Giang).

Đông Nam Bộ là một dải đất cao hơi lượn sóng chuyển tiếp từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng sông Cửu Long. Độ cao phổ biến thay đổi từ 20-200m, rải rác có một số ngọn núi cao dưới 1000m. Phần lớn đất đai là đất badan và đất xám phù sa cổ thuận lợi cho việc trồng cây công nghiệp. Khí hậu của vùng mang tính chất cận xích đạo và ít bị thiên tai.

Đông Nam Bộ có tài nguyên khoáng sản nổi bật là dầu khí ở vùng thềm lục địa và gần các ngư trường lớn phong phú hải sản.

5.2. Con người và hoạt động kinh tế.

Đông Nam Bộ có số dân là 12.361.000 người, mật độ dân số là 356 người/ km2 (2001). Nguồn lao động khá dồi dào, có kĩ thuật, nhạy bén với tiến bộ khoa học kĩ thuật và tính năng động cao với sản xuất hàng hóa.

Đông Nam Bộ có cơ cấu ngành kinh tế khá hoàn chỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (khoảng 11-12%) và là vùng có nền kinh tế phát triển năng động nhất nước ta.

Công nghiệp chiếm tới 54,8% giá trị sản lượng công nghiệp của cả nước (1999). Các ngành chiếm tỉ trọng lớn là: nhiên liệu (dầu mỏ) 28,5%; thực phẩm 27,5%; dệt, may mặc 10,9%; hóa chất, phân bón, cao su 12,2%.

Nông nghiệp của vùng khá phát triển với cơ cấu ngành toàn diện. Đông Nam Bộ trồng nhiều cây công nghiệp: cao su, hồ tiêu (đứng đầu), cà phê (thứ 2), bông (thứ nhất), các loại cây công nghiệp khác như mía, lạc, đậu tương thuốc lá …Vùng cũng trồng nhiều cây ăn quả rau, chăn nuôi gia súc, thủy, hải sản…

5.3. Các thành phố:

+ Thành phố Hồ Chí Minh
+ Các thành phố khác: Biên Hoà, Vũng Tàu, Phan Thiết.

(ST)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
6. Duyên hải miền Trung.

6.1. Thiên nhiên và tài nguyên.


Duyên hải miền Trung bao gồm Bắc Trung Bộ (các tỉnh Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) và duyên hải Nam Trung Bộ (thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà). Đây là một dải đất hẹp kéo dài theo chiều bắc – nam bên sườn đông của dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Tuy nhiên, theo chiều hẹp tây-đông, thiên nhiên phân hóa rất rõ rệt. Ở tất cả các tỉnh của vùng, từ tây sang đông đều gồm các bộ phận: biển phía đông, đồng bằng hẹp ở giữa và núi phía tây. Vùng đồi chuyển tiếp giữa đồng bằng với miền núi rất hẹp và khó xác định. Vùng núi Trường Sơn Bắc có dãy núi đá vôi Kẻ Bàng với động Phong Nha (Quảng Bình) đẹp nổi tiếng, được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Chính những đặc điểm của vị trí, địa hình đã làm cho vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất so với các vùng khác (gió phơn tây nam khô nóng), sông ngòi ngắn dốc, ít phù sa. Đây cũng là vùng đất đai kém màu mỡ và nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán…

Duyên hải miền Trung có khá nhiều tài nguyên:

- Khoáng sản có sắt, crôm, titan, thiếc, đá quý, đá vôi...

- Tài nguyên lâm nghiệp tương đối giàu có (sau Tây Nguyên)

- Tài nguyên biển có giá trị kinh tế nhiều mặt, vùng có bờ biển dài, đẹp, nhiều vũng vịnh kín gió nhất và cũng là vùng biển rộng lớn có nhiều quần đảo lớn nhất so với các vùng khác. Những điều kiện này là cơ sở để phát triển du lịch, xây dựng cảng biển nước sâu, khai thác, nuôi trồng thủy sản…

6.2. Con người và hoạt động kinh tế.

Số dân của vùng 16.882.000 người, mật độ khoảng 200người/ km2 (2001). Dân trong vùng chủ yếu là người kinh tập trung đông ở các đồng bằng, nguồn lao động ở đồng bằng dồi dào, số người chưa có việc làm khá cao. Miền núi dân cư thưa thớt, thiếu lao động. Đây là nơi cư trú của một số dân tộc ít người (người Mường, Thái, Dao, Mông, Xơđăng, Raglai, Cơtu, Êđê, Ba na…). Người dân duyên hải miền Trung nổi tiếng về tính năng động, cần cù, chịu khó, ham học hỏi, nhưng nhân tài của vùng ít trở lại quê hương sinh sống.

Quá trình sinh sống và lịch sử đã tạo dựng cho vùng đất này nhiều di sản văn hóa, lịch sử. Trong đó có 3 di sản được công nhận là di sản thế giới: Cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), đô thị cổ Hội An, thánh địa Mĩ Sơn (Quảng Nam).

Về nông nghiệp, vùng phát triển các ngành trồng cây lương thực, nhưng sản lượng thấp. Cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc là sản phẩm hàng hóa của vùng. Các cây công nghiệp được trồng nhiều lạc, mía, thuốc lá, hồ tiêu , cao su, cà phê…Gia súc được nuôi nhiều là bò, trâu, lợn…

Khai thác và nuôi trồng thủy sản là nghề quan trọng của vùng. Tỉnh nào cũng có bãi tôm, bãi cá nhưng lớn nhất là vùng biển cực Nam Trung Bộ. Sản lượng thủy sản xếp thứ 2 sau đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có những loại cá, tôm quý như các thu, ngừ, tôm hùm, tôm sú…

Công nghiệp của vùng nhìn chung còn nhỏ bé, thua kém nhiều vùng khác. Trong vùng nổi lên một số cơ sở công nghiệp tương đối lớn như: xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, thủy điện Hàm Thuận- Đa Mi… Ngoài ra vùng còn có các ngành: khai thác khoáng sản (crôm, thiếc, ôxit titan…), công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và sản xuất hang tiêu dùng. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) đang được chú trọng đầu tư. Việc xây dựng cảng nước sâu Dung Quất, nhà máy lọc dầu số một ở khu công nghiệp Dung Quất và nhiều dự án về xây dựng cảng biển, khu công nghiệp của các tỉnh khác trong vùng sẽ tạo điều kiện cho vùng có bước phát triển rõ rệt trong thập kỉ tới.


6.3. Các thành phố:

Đà Nẵng, Huế, Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang, Thanh Hóa.

Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, các thành phố khác là các tỉnh lị của mỗi tỉnh trong vùng.

(ST)
 

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
7. Biển Đông các đảo và quần đảo.

7.1. Biển Đông:


Biển Đông là một biển lớn và tương đối kín trải dài từ khoảng chí tuyến Bắc (bờ biển Phúc Kiến, Trung Quốc) đến vĩ tuyến 300N (giữa các đảo Banka, Billiton của Indonesia). Phía đông, mở rộng đến đường bờ biển phía tây của các đảo thuộc Philippin.

Diện tích khoảng 3 447 000km2. Chín nước nằm quanh biển Đông là: Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Xingapo, Inđônêxia, Philippin và Brunây.

Tuy tương đối kín nhưng bốn phía của Biển Đông đều có các đường thông ra hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, chế độ thời tiết và khí hậu của biển Đông khá phức tạp. Đây là nơi thường phát sinh nhiều cơn bão.

Biển Đông là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng. Trên không phận thuộc biển Đông cũng có nhiều tuyến đường hàng không quốc tế.

7.2. Biển Việt Nam và các đảo.


Vùng biển Việt Nam thuộc biển Đông có diện tích rộng hơn 1 triệu km2.
Đường bờ biển dài 3.260km, trong số 64 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có tới 30 tỉnh thành phố, tiếp giáp với biển. Biển Đông có nhiều đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của nước ta. Số lượng các đảo ven bờ là 2773 hòn đảo. Trong đó, các đảo có diện tích lớn nhất là: Phú Quốc 573 km2 (Kiên Giang), đảo Cát Bà 277km2 (Hải Phòng) và các đảo lớn khác là Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu)…Vịnh Bắc Bộ là nơi có nhiểu đảo nhất của cả nước.

Ngoài khơi biển Miền Trung có hai quần đảo lớn: Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) gồm khoảng trên 30 hòn đảo, cồn, bãi trong một vùng nước rộng ước chừng 15000 km2. Trong đó, Hoàng Sa là đảo lớn nhất với chiều dài hơn 900m, chiều rộng gần 700m. Quần đảo Trường Sa ( tỉnh Khánh Hòa) gồm khoảng 100 hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô trong một vùng biển rộng khoảng 160.000 km2 đến 180.000 km2( từ bắc xuống nam dài khoảng 274 hải lí, từ đông sang tây rộng khoảng 325 hải lí).

Trong số 100 hòn đảo, cồn, bãi của quần đảo có 23 hòn đảo thường xuyên nhô lên khỏi mặt nước với diện tích tổng cộng khoảng 10 km2. Một số hòn đảo lớn nhất của quần đảo là: Ba Bình, Nam Yết, Song Tử Đông, Song Tử Tây, Sinh Tồn, An Bang...

Vùng biển nước ta có tài nguyên phong phú và giá trị kinh tế nhiều mặt.
Nguồn lợi hải sản phong phú, có thể cho phép khai thác khoảng 1,5 - 2 triệu tấn cá tôm trong một năm. Vùng bờ biển và các đảo có nhiều thắng cảnh đẹp như: vịnh Hạ Long, bãi biển Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu... Các vịnh biển kín gió là nơi xây dựng các hải cảng lí tưởng (Cam Ranh, Đà Nẵng, Cái Lân...). Nhiều khu vực ven biển và đảo còn bảo tồn được nguồn tài nguyên sinh vật (khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Vườn quốc gia đảo Cát Bà, Côn Đảo, Hòn Mun...).

Dầu khí có 5 bể trầm tích là: Sông Hồng, Nam Côn Sơn, Bể Mã Lai - Thổ Chu; Cửu Long…Tổng trữ lượng khai thác ước tính là 4 - 5 tỉ tấn.

(ST)
 

Máycày

New member
Xu
0
Bài viết nếu là tổng hợp thì còn quá nghèo nàn thông tin. Không biết bài viết này dành cho đối tượng nào ?

Bài viết về Địa lý Tự nhiên hay Xã hội cũng chẳng lấy làm rõ ràng .
 

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
93
Bài viết nếu là tổng hợp thì còn quá nghèo nàn thông tin. Không biết bài viết này dành cho đối tượng nào ?

Bài viết về Địa lý Tự nhiên hay Xã hội cũng chẳng lấy làm rõ ràng .

bài viết tồi quá đi

Bài này dành cho những người cần thông tin khái quát và thông tin chi tiết về địa lý bạn ạ.

Thông tin khái quát: Giả sử bạn muốn biết khái quát về biển đảo Việt Nam, bạn có thể tham khảo
Thông tin chi tiết: Giả sử bạn muốn biết dân số của vùng Đông Nam Bộ, bạn sẽ search Google "Đông Nam Bộ có dân số là" và bạn sẽ biết con số thông qua trang web chúng tôi.

dongnambo1.JPG
 

hocdialy

New member
Xu
0
mình thấy bài viết có ích đấy chứ , nếu các bạn học cao rồi thì tìm hiểu cao hơn , sao phải vào chỉ trích người ta thế , theo mình cái này có thể có ích cho các bạn THPT khi đi thi mà , như vậy là bao quát và rõ ràng lắm rồi còn gì .... ít nhiều gì cũng là học mà bạn .....
 

nongkhanhlinh@

New member
Xu
0
ừ mình thấy bài viết đấy cũng khá hay nhưng có lẽ nên viết rõ ràng hơn cần đưa ra những thông tin khái quát hơn rõ hơn chút nưa có lẽ sẽ không có ai phàn nàn nữa đâu.thế nhé!
 

thanhviet007

New member
Xu
0
ĐỊA LÍ VIỆT NAM

Việt Nam (tọa độ địa lý: Kinh tuyến: 102°8′ - 109°27′ Đông; Vĩ tuyến: 8°27′ - 23°23′ Bắc) nằm ở cực Đông Nam bán đảo Đông Dương chiếm diện tích khoảng 329.314 km2. Biên giới Việt Nam giáp với vịnh Thái Lan ở phía nam, vịnh Bắc Bộ và Biển Đông ở phía đông, Trung Quốc ở phía bắc, Lào, và Campuchia phía tây. Đất nước có hình chữ S và khoảng cách từ bắc tới nam là khoảng 1.650km, vị trí hẹp nhất theo chiều đông sang tây là 50km. Với đường bờ biển dài 3.260 km không kể các đảo, Việt Nam tuyên bố 12 hải lý ranh giới lãnh hải, thêm 12 hải lý tiếp giáp nữa theo thông lệ và vùng an ninh, và 200 hải lý làm vùng đặc quyền kinh tế.

Địa hình tự nhiên Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với những vùng đất thấp, đồi núi, nhiều cao nguyên với những cánh rừng rậm. Đất đai có thể dùng cho nông nghiệp chiếm chưa tới 20%. Đất nước bị chia thành miền núi, vùng đồng bằng sông Hồng ở phía bắc; và dãy Trường Sơn, Tây Nguyên, Đồng bằng duyên hải miền trung, và đồng bằng sông Cửu Long ở phía nam.

Đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng là một vùng hình tam giác, diện tích 3.000 km vuông, hơi nhỏ hơn nhưng lại đông dân hơn đồng bằng sông Cửu Long. Thời trước nó là một vịnh nhỏ của vịnh Bắc Bộ, dần dần nó được bồi đắp nhờ khối lượng phù sa lắng đọng khổng lồ của các con sông, thuộc hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình, qua hàng nghìn năm khiến mỗi năm lấn thêm ra biển khoảng một trăm mét. Đây là nơi sinh sống của tổ tiên người Việt. Trước năm 1975, đồng bằng sông Hồng chiếm 70% sản lượng nông nghiệp và 80% sản lượng công nghiệp miền bắc Việt Nam.

Sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam ở Trung Quốc, dài khoảng 1.200km. Hai hợp lưu là sông Lô và sông Đà cùng góp phần vào tổng lưu lượng hàng năm trung bình lên tới 500 triệu mét khối mỗi giây. Con số này có thể tăng lên gấp 60 lần vào mùa mưa. Vùng châu thổ dựa lưng vào vùng trung du và thượng du núi non. Cao độ của vùng châu thổ chỉ khoảng hơn ba mét so với mực nước biển, thậm chí đa phần chỉ là một mét hay còn thấp hơn nữa. Vì là đất thấp nên châu thổ hay bị lũ lụt; ở một số nơi mức nước lụt đã từng dâng ngập làng mạc dưới 14 mét nước. Qua nhiều thế kỷ, việc phòng lụt đã trở thành một công việc gắn liền với văn hoá và kinh tế của vùng. Hệ thống đê điều và kênh mương rộng lớn đã được xây dựng để chứa nước sông Hồng và để tưới tiêu cho vùng châu thổ giàu lúa gạo này cùng để tháo nước khi bị lụt. Hệ thống này sau nhiều thế hệ đã góp phần duy trì mật độ dân số cao ở đồng bằng sông Hồng và làm tăng gấp đôi diện tích có thể canh tác lúa nước ở đây.

Miền núi và trung du
Phía Đông Bắc, Tây Bắc và Tây Việt Nam là vùng miền núi và trung du bao gồm nhiều dãy núi, khối núi, cao nguyên và các đồi. Đây là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số. Những dãy núi lớn ở đây là Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn. Nhiều ngọn núi có độ cao trên 3.000 mét, trong đó Phan Xi Păng là ngọn cao nhất, lên tới 3.142 mét. Ở vùng Đông Bắc và miền Trung, nhiều dãy núi chạy ra biển, tạo thành những cảnh quan tự nhiên tráng lệ.

Tây Nguyên
Ở Nam Trung Bộ Việt Nam có một hệ thống cao nguyên ở phía Tây dãy núi Trường Sơn được gọi là Tây Nguyên rộng gần 51.800 km vuông. Ở đây có những đỉnh núi lởm chởm, những khu rừng rộng và đất đai phì nhiêu. Tổng cộng diện tích năm vùng cao nguyên phẳng đất bazan trải dải qua các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, lên tới 16% diện tích đất canh tác và 22% diện tích rừng cả nước. Trong chiến tranh Việt Nam, cao nguyên miền trung và dãy Trường Sơn là những vùng có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ chi phối miền nam Việt Nam mà cả phần phía nam lục địa Đông Dương. Từ năm 1975, các cao nguyên là nơi cung cấp đất đai cho dân di cư từ những vùng đồng bằng thấp quá đông đúc.

Đồng bằng ven biển
Những vùng đồng bằng thấp và phẳng ven biển trải dài từ phía nam đồng bằng sông Hồng tới châu thổ sông Cửu Long. Ở phía đất liền, dãy Trường Sơn mọc dựng đứng trên bờ biển, các mũi của nó ở nhiều chỗ chạy xiên ra biển. Nói chung mảnh đất ven biển khá mầu mỡ và được canh tác dày đặc.

Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích 40.000 km vuông, là một đồng bằng thấp. Mọi vị trí trên đồng bằng này không cao hơn ba mét so với mực nước biển. Đồng bằng bị chia cắt dọc ngang bởi nhiều con kênh và các con sông. Con sông mang nặng phù sa trên mọi nhánh chằng chịt của nó làm cho đồng bằng hàng năm tiến thêm về phía biển 60 đến 80 mét. Các con sông bồi đắp nên đồng bằng này thuộc hệ thống sông Cửu Long và hệ thống sông Đồng Nai. Một nguồn thông tin chính thức của Việt Nam ước tính rằng khối lượng phù sa lắng động hàng năm là khoảng một tỷ mét khối, hay gần gấp 13 lần khối lượng phù sa lắng đọng của sông Hồng. Khoảng 10.000 km vuông đồng bằng hiện được dùng cho canh tác lúa gạo, biến đây trở thành một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới. Mũi phía nam, được gọi là mũi Cà Mau, hay mũi Bãi Bung, là nơi có mật độ rừng rậm cao và các đầm lầy đước.

Sông Cửu Long, dài 4.220 km, là một trong 12 con sông lớn nhất trên thế giới. Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, nó chảy qua vùng Tây Tạng và Vân Nam ở Trung Quốc, tạo nên biên giới giữa Lào và Myanma cũng như giữa Lào và Thái Lan, sau khi chảy qua Phnôm Pênh, nó chia thành hai nhánh là Tiền Giang và Hậu Giang rồi tiếp tục chảy qua Campuchia và vùng châu thổ sông Cửu Long trước khi đổ ra biển qua chín đường nhánh, được gọi là Cửu Long (chín con rồng). Con sông mang nhiều phù sa và tàu bè có thể đi từ ngoài biển qua trên con sông nông này đến tận Kompong Chàm ở Campuchia. Một nhánh phụ từ hồ Tonlé Sap chảy hợp vào với con sông ở Phnôm Pênh, đây là một hồ nước ngọt nông, đóng vai trò một hồ chứa tự nhiên làm ổn định dòng chảy ở hạ lưu sông Cửu Long. Khi con sông ở thời kỳ lũ, vùng đồng bằng cửa sông không thể thoát kịp lượng nước khổng lồ của nó. Nước lũ chảy ngược vào hồ Tonlé Sap, làm cho hồ ngập tràn và mở rộng ra đến 10.000 km vuông. Khi nước lũ rút đi, nước từ hồ lại tiếp tục chảy ra biển. Hiệu ứng này làm giảm đáng kể sự nguy hiểm của những đợt lũ lụt nguy hại ở đồng bằng Sông Cửu Long, nơi lũ lụt khiến cho những cánh đồng lúa hàng năm bị chìm ngập sâu từ một đến hai mét nước.

Các miền tự nhiên
Lãnh thổ Việt Nam phần trên đất liền gồm ba miền tự nhiên (có những đặc điểm địa hình, động thực vật, khí hậu chung trong miền), đó là: a- Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ; b- Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; c- Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ là miền nằm phía Bắc của sông Hồng và tới tận phía Nam của Ninh Bình. Miền này lại được chia thành ba khu tự nhiên là khu Việt Bắc, khu Đông Bắc và khu đồng bằng Bắc Bộ.

Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ là phần phía Nam của sông Hồng tới phía Bắc dãy núi Bạch Mã. Miền này cũng chia làm ba khu, gồm khu Hoàng Liên Sơn, khu Tây Bắc và khu Hòa Bình-Bắc Trung Bộ.

Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ là phần phía Nam dãy núi Bạch Mã.

Khí hậu
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm tương đối trung bình 84% cả năm. Tuy nhiên, vì có sự khác biệt về vĩ độ và sự khác biệt địa hình nên khí hậu có khuynh hướng khác biệt nhau khá rõ nét theo từng vùng. Trong mùa đông hay mùa khô, khoảng từ tháng 11 đến tháng 4, gió mùa thường thổi từ phía đông bắc dọc theo bờ biển Trung Quốc, qua vịnh Bắc Bộ, mang theo nhiều hơi ẩm; vì vậy ở đa số các vùng việc phân biệt mùa đông là mùa khô chỉ là khi đem nó so sánh với mùa mưa hay mùa hè. Trong thời gian gió mùa tây nam mùa hè, xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10, không khí nóng từ sa mạc Gobi phát triển xa về phía bắc, khiến không khí ẩm từ biển tràn vào trong đất liền gây nên mưa nhiều.
Lượng mưa hàng năm ở mọi vùng đều lớn dao động từ 120 đến 300 xentimét, và ở một số nơi có thể gây lên lũ. Gần 90% lượng mưa đổ xuống vào mùa hè. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở đồng bằng nói chung hơi cao hơn so với vùng núi và cao nguyên. Dao động nhiệt độ từ mức thấp nhất là 5°C từ tháng 12 đến tháng 1, tháng lạnh nhất, cho tới hơn 37°C vào tháng 4, tháng nóng nhất. Sự phân chia mùa ở nửa phía bắc rõ rệt hơn nửa phía nam, nơi mà chỉ ngoại trừ vùng cao nguyên, nhiệt độ mùa chỉ chênh lệch vài độ, thường trong khoảng 21°C-28°C.

Diện tích và biên giới
Diện tích:

tổng: 329.314km²
đất liền: khoảng 324.480 km²
biển nội thuỷ: hơn 4.200 km²

Các biên giới trên bộ:
tổng: 4.639 km
biên giới với các nước: Campuchia (1228 km), Trung Quốc (1281 km), Lào (2130 km)

Điểm cực Bắc: thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, kinh độ 105°20'Đ, vĩ độ 23°23'Đ

Điểm cực Nam: mũi Rạch Tàu, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, kinh độ 104°40'Đ, vĩ độ 8°27'B

Điểm cực Đông trên đất liền: mũi Đôi, bán đảo hòn Gốm, tỉnh Khánh Hoà, kinh độ 129°27'Đ, vĩ độ 12°40'B

Điểm cực Tây: A Pa Chải-Tá Miếu (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) - ngã ba biên giới Việt-Trung-Lào có tọa độ địa lý kinh độ 102°8', vĩ độ 22°44'B.

Đường bờ biển: 3.444 km (không tính các đảo)

Tuyên bố lãnh hải:
vùng tiếp giáp: 24 hải lý (44 km)
thềm lục địa: 200 hải lý (370 km) hay tới cạnh rìa lục địa
vùng đặc quyền kinh tế: 200 hải lý (370 km)
lãnh hải: 12 hải lý (22 km)

Độ cao:
điểm thấp nhất: Biển Đông 0 m
điểm cao nhất: Phan Xi Păng 3.143 m


Biên giới với Lào, được quy định dựa trên cơ sở dân tộc, giữa những vị vua cai trị Việt Nam và Lào vào giữa thế kỷ 17, nó đã được định nghĩa chính thức bằng một hiệp ước phân định ranh giới ký kết năm 1977 và được phê chuẩn năm 1986. Biên giới với Campuchia, được xác định từ thời người Pháp sáp nhập vùng phía tây đồng bằng sông Cửu Long năm 1867, hiện hầu như vẫn không thay đổi nhiều. Theo Việt Nam, một số vấn đề biên giới còn tồn tại cuối cùng đã được giải quyết vào giai đoạn 1982-1985. Biên giới trên đất liền và trên biển với Trung Quốc, được phác ra theo những hiệp ước Pháp-Thanh năm 1887 và 1895, là “đường biên giới” được chấp nhận bởi Việt Nam và Trung Quốc đã đồng ý tôn trọng nó vào năm 1957-1958. Tuy nhiên, tháng 2, 1979, tiếp sau cuộc xâm lược có giới hạn của Trung Quốc vào Việt Nam, Việt Nam đã tuyên bố rằng từ năm 1957 trở về sau Trung Quốc đã gây ra nhiều vụ xung đột ở biên giới như một phần trong chính sách chống Việt Nam của họ và ý định thực hiện chủ nghĩa bành trướng ở Đông Nam Á. Trong số những sự vi phạm lãnh thổ được nêu ra có việc Trung Quốc chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956 và đánh chiếm toàn bộ quần đảo vào ngày 19 tháng 1, 1974; cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và hiện vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Một số đảo thuộc quần đảo Trường sa cũng bị Trung Quốc lấn chiếm từ năm 1984. Việc lấn chiếm này đã gây bất ổn trong khu vực : Một số nước khác như Đài Loan, Philipine, Indonesia cũng đồng loạt tuyên bố quyền sở hữu trên một số đảo khác thuộc 2 quần đảo nêu trên.

Tài nguyên và sử dụng đất

Tài nguyên thiên nhiên: phốt phát, than đá, măng gan, bô xít, chrômát, ngoài biển: khoáng sản dầu mỏ và khí tự nhiên, rừng, thuỷ năng (thủy điện).

Sử dụng đất:
đất canh tác: 17%
mùa màng cố định: 4%
đồng cỏ cố định: 1%
rừng và vùng rừng: 30%
khác: 48% (1993 ước tính)

Đất được tưới tiêu: 18.600 km² (1993 ước tính)

[Những vấn đề môi trường

Thiên tai:
* bão nhiệt đới không thường xuyên (tháng 5 đến tháng 1) với lũ lụt trên diện rộng.

Môi trường - vấn đề hiện nay:

* Khai thác gỗ và đốt rừng làm rẫy góp phần vào sự phá rừng và xói mòn đất; ô nhiễm nước và đánh bắt cá quá mức đe doạ cuộc sống sinh vật biển; ô nhiễm nước ngầm làm giảm nguồn cung nước sạch; tăng công nghiệp hoá đô thị và di cư làm suy giảm nhanh chóng môi trường ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Môi trường - những thoả thuận quốc tế:
* là thành viên của: Đa dạng sinh học, Hiệp ước khung của Liên hiệp quốc về thay đổi khí hậu, Xa mạc hoá, Các loài có nguy cơ tuyệt chủng, Thay đổi môi trường, Các chất thải độc hại, Luật biển, Bảo vệ tầng Ozon, Ô nhiễm tàu biển (MARPOL 73/78), Đất trũng
* đã ký, nhưng chưa phê chuẩn: Hiệp ước Kyoto về thay đổi khí hậu, Cấm thử vũ khí hạt nhân

Khí hậu Việt Nam
Khí hậu Việt Nam là khí hậu Nhiệt đới gió mùa. Lãnh thổ Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới, đồng thời nằm ở rìa phía đông nam của phần châu Á lục địa, giáp với biển Đông (một phần của Thái Bình Dương), nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa mậu dịch, thường thổi ở các vùng vĩ độ thấp.
Mục lục

Các vùng khí hậu Việt Nam
Việt Nam có bốn miền khí hậu chủ yếu, bao gồm: miền khí hậu phía Bắc, miền khí hậu phía Nam, miền khí hậu Trung và Nam Trung Bộ, và miền khí hậu biển Đông.

Miền khí hậu phía Bắc
Bao gồm phần lãnh thổ phía Bắc dãy Hoành Sơn. Miền này có khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa xuân, hè, thu, đông rõ rệt. Tuy nhiên, miền khí hậu này có đặc điểm là mất ổn định vời thời gian bắt đầu-kết thúc các mùa và về nhiệt độ.

* Vùng Đông Bắc Bắc Bộ bao gồm đồng bằng Bắc Bộ, miền núi và trung du phia Bắc (phần phía đông dãy Hoàng Liên Sơn). Vùng này có đặc điểm địa hình tương đối bằng phẳng (đồng bằng Bắc Bộ) và thấp. Phía bắc có các dãy núi không cao lắm (1000 m ÷ < 3000 m), nằm theo hình nam quạt trên các hướng Đông Bắc-Tây Nam, Bắc-Nam, rồi Bắc Tây Bắc-Nam Đông Nam, chụm lại hướng về phía dãy núi Tam Đảo (đó là cánh cung Đông Triều, Bắc Sơn,Ngân Sơn, sông Gâm, và kết thúc là dãy Hoàng Liên Sơn trên ranh giới với vùng Tây Bắc Bộ), không ngăn cản mà lại tạo thành các sườn dẫn gió mùa Đông Bắc và gió Bắc thường thổi về mùa đông. Vùng này tiếp giáp với vịnh Bắc bộ về phía Đông, phía Tây được chắn bởi dãy Hoàng Liên Sơn cao nhất Việt Nam (> 3000 m), nên chịu ảnh hưởng của khí hậu Đại dương nhiều hơn vùng Tây Bắc Bắc Bộ. Vì vậy, vùng Đông Bắc Bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhiệt đới, về mùa hè, ít chịu ảnh hưởng của gió Lào (gió foehn).
* Vùng Tây Bắc Bắc Bộ

Miền khí hậu phía Nam
Gồm phần lãnh thổ thuộc Tây Nguyên và Nam Bộ. Miền này có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với hai mùa: mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11). Quanh năm, nhiệt độ của miền này cao. Khí hậu miền này ít biến động nhiều trong năm.

* Vùng cao nguyên Nam Trung Bộ (Tây Nguyên)
* Vùng đồng bằng Nam Bộ

Miền khí hậu Trung và Nam Trung Bộ
Gồm phần lãnh thổ phía Đông dãy Trường Sơn, kéo dài từ phía Nam dãy Hoành Sơn tới Phan Thiết. Đây là miền khí hậu chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu nói trên. Miền này lại có thể chia làm hai vùng:

* Vùng Bắc Trung Bộ là vùng Bắc đèo Hải Vân đôi khi có thời tiết lạnh và có những thời kỳ khô nóng do gió foehn gây nên. Về mùa đông, do hình thế vùng này chạy dọc bờ biển Đông theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, đón trực diện với hướng gió mùa chủ đạo thổi trong mùa này là gió mùa Đông Bắc. Lại bị hệ dãy núi Trường Sơn tương đối cao ở phía Tây (dãy Phong Nha - Kẻ Bàng) và phía Nam (tại đèo Hải Vân trên dãy Bạch Mã) chắn ở cuối hướng gió mùa Đông Bắc. Nên vì vậy vùng này vẫn bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh do gió mùa Đông Bắc mang đến và thường kèm theo mưa nhiều (đặc biệt là tại Thừa Thiên - Huế) do gió mùa thổi theo đúng hướng Đông Bắc mang theo hơi nước từ biển vào, hơi khác biệt với thời tiết khô hanh của miền Bắc cùng trong mùa đông. Gió mùa Đông Bắc thổi đến đây thường bị suy yếu và bị chặn lại bởi dãy Bạch Mã ít ảnh hưởng tới các vùng phía Nam. Về mùa Hè, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh thổi từ vịnh Thái Lan qua vùng lục địa rộng lớn đến dãy Trường Sơn thì bị trút hết mưa xuống sườn Tây Trường Sơn nhưng vẫn tiếp tục vượt qua dãy núi để thổi sang vùng này. Lúc này do không còn hơi nước nên gió mùa Tây Nam gây ra thời tiết khô nóng (có khi tới > 40 °C, độ ẩm chỉ còn 50 ÷ 60), gió này gọi là gió foehn.

* Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ phía Nam đèo Hải Vân nóng quanh năm.

Một đặc điểm quan trọng của miền khí hậu này là mùa mưa và mùa khô không cùng lúc với mùa mưa và khô của hai miến khí hậu còn lại. Mùa hè, trong khi cả nước có lượng mưa lớn nhất, thì miền khí hậu này lại đang ở thời kỳ khô nhất
 

Tongthieugia

New member
Xu
0
Sơn La
Thành phố Sơn La là tỉnh lỵ của tỉnh Sơn La, nằm cách Hà Nội khoảng 320km
Thành phố Sơn La rộng 324,93 km². Dân số là 107.282 người (năm 2008)
Thành phố Sơn La có 12 Phường Xã: Phường Chiềng Lễ, Quyết Tâm, Quyết Thắng, Tô Hiệu và Các Xã Chiềng An, Chiềng Cọ, Chiềng Cơi, Chiềng Đen, Chiềng Ngần, Chiềng Sinh, Chiềng Xôm,Chiềng La.
 

Tongthieugia

New member
Xu
0
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chính của vùng là trồng cây công nghiệp (chè), cây làm thuốc (tam thất, đương quy, đỗ trọng…), cây ăn quả (mận, đào, lê, vải…) và chăn nuôi trâu, bò. Lúa được trồng nhiều ở các cánh đồng giữa núi, thung lũng, trên các ruộng bậc thang hoặc sườn núi. Ngô, sắn cũng được trồng trên các sườn núi. Nhìn chung, sản xuất lương thực chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tại đây vẫn còn tồn tại những hình thức canh tác, sinh sống lạc hậu: đốt rừng làm rẫy, du canh, du cư…

 

Tongthieugia

New member
Xu
0
Đồng bằng sông hồng nay không còn như trước
Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước (1180 người/km2, năm 1999). Dân số đông, mức độ đô thị hóa nhanh, nguồn lao động có trình độ học vấn cao hơn các vùng khác, nhưng với nguồn lao động quá dư thừa nên việc giải quyết vấn đề việc làm trở nên cấp bách.


Đất nông nghiệp chiếm 57,65% diện tích tự nhiên của vùng được sử dụng chủ yếu để trồng lúa. Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa lớn thứ hai, cung cấp khoảng 20% sản lượng lúa của cả nước. Ngoài ra, vùng còn chuyên canh rau quả thực phẩm, xuất khẩu, nhiều nhất là vụ đông xuân. Vùng ít có khả năng mở rộng diện tích đất nông nghiệp bằng khai hoang.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top