• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Địa lí Nông nghiệp-Những vấn đề lí luận chung

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Địa lí Nông nghiệp

1. Những vấn đề lí luận chung

1.1. Vai trò của nông nghiệp đối với sự phát triển kinh tế- xã hội

Nông nghiệp theo nghĩa hẹp là sự hợp thành của trồng trọt và chăn nuôi, còn theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm nghiệp và ngư nghiệp. Tựu chung lại, toàn bộ nền kinh tế có thể được chia thành 3 khu vực, trong đó khu vực 1 bao gồm nông- lâm- ngư nghiệp.

Từ khi ra đời cho đến nay, nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế nói chung và bảo đảm sự sinh tồn của loài người nói riêng. Ănghen đã khẳng định: nông nghiệp là ngành có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ thế giới cổ đại và hiện nay nông nghiệp lại càng có ý nghĩa như thế.

Vai trò to lớn của nông nghiệp được thể hiện ở các điểm sau:

a) Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu cơ bản của con người.

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất xuất hiện sớm nhất của xã hội loài người. Sản phẩm quan trọng hàng đầu mà con người làm ra để nuôi sống mình là lương thực. Cách đây khoảng 1 vạn năm, con người đã biết thuần dưỡng động vật hoang, trồng các loại cây rừng và biến chúng thành vật nuôi, cây trồng. Sự ổn định bước đầu của dân số thế giới từ khi loài người biết trồng trọt và tạo được cơ sở lương thực, thực phẩm.

Với sự phát triển của khoa học- kỹ thuật, nông nghiệp ngày càng được mở rộng, các giống cây trồng, vật nuôi ngày càng đa dạng và phong phú. Các Mác đã khẳng định, con người trước hết phải có ăn rồi sau đó mới nói đến các hoạt động khác. Ông đã chỉ rõ: nông nghiệp là ngành cung cấp tư liệu sinh hoạt cho con người... và việc sản xuất ra tư liệu sinh hoạt là điều kiện đầu tiên cho sự sống của họ và của mọi lĩnh vực sản xuất nói chung. Điều này khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp trong việc nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như sự ổn định chính trị- xã hội của đất nước. Từ đó, chúng ta có thể khẳng định ý nghĩa to lớn của vấn đề lương thực trong chiến lược phát triển nông nghiệp và phân công lại lao động xã hội. Cho đến nay, chưa có ngành nào dù hiện đại đến đâu, có thể thay thế được sản xuất nông nghiệp.

b) Nông nghiệp là một trong những ngành quan trọng cung cấp nguyên liệu để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tạo thêm việc làm cho dân cư.

Nông nghiệp là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp chế biến. Các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống; công nghiệp dệt, da và đồ dùng bằng da... đều sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp.

Đối với các nước đang phát triển, nguyên liệu từ nông sản là bộ phận đầu vào chủ yếu để phát triển công nghiệp chế biến và nhiều ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Một số loại nông sản, nếu tính trên đơn vị diện tích, có thể tạo ra số việc làm sau nông nghiệp nhiều hơn hoặc tương đương với số việc làm của chính khâu sản xuất ra nông sản ấy. Hơn nữa, thông qua công nghiệp chế biến, giá trị nông sản được tăng lên và đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Vì thế, trong chừng mực nhất định, nông nghiệp có ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố các ngành công nghiệp chế biến.

c) Nông nghiệp và nông thôn là thị trường rộng lớn tiêu thụ sản phẩm hàng hoá của cả nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Đối với các nước đang phát triển, nông nghiệp và nông thôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và cơ cấu ngành nghề của dân cư. Đời sống dân cư nông thôn càng được nâng cao, cơ cấu kinh tế nông thôn càng đa dạng và đạt tốc độ tăng trưởng cao thì nông nghiệp và nông thôn sẽ trở thành thị trường tiêu thụ rộng lớn và ổn định của nền kinh tế quốc dân.

d) Nông nghiệp là ngành cung cấp khối lượng hàng hoá lớn để xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước.

Nông sản dưới dạng thô hoặc qua chế biến là bộ phận hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của hầu hết các nước đang phát triển. Trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nông sản xuất khẩu- nhất là dưới dạng thô, có xu hướng giảm đi, nhưng về giá trị tuyệt đối thì vẫn tăng lên. Vì vậy, trong thời kì đầu của quá trình công nghiệp hoá ở nhiều nước, nông nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ yếu, tạo ra tích luỹ để tái sản xuất và phát triển nền kinh tế quốc dân.

Ở Việt Nam, năm 2002, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng nông- lâm- thuỷ sản chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (trên 5 tỷ đô la) với các mặt hàng chủ yếu là thuỷ sản, gạo, cà phê, cao su, hạt điều, rau quả...

e) Nông nghiệp là khu vực cung cấp lao động phục vụ công nghiệp và các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội.

Đây là xu hướng có tính qui luật trong phân công lại lao động xã hội. Tuy vậy, khả năng di chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành kinh tế khác còn phụ thuộc vào việc nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, vào việc phát triển công nghiệp và dịch vụ ở thành thị và cả việc nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn.

f) Nông nghiệp trực tiếp tham gia vào việc giữ gìn cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Quá trình phát triển nông nghiệp gắn liền với việc sử dụng thường xuyên đất đai, nguồn nước, các loại hoá chất..., với việc trồng và bảo vệ rừng, luân canh cây trồng, phủ xanh đất trống, đồi trọc... Tất cả điều đó đều có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Chính việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái còn là điều kiện để sản xuất nông nghiệp có thể phát triển và đạt hiệu quả cao.

Rõ ràng, hiện tại cũng như sau này, nông nghiệp luôn luôn có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Trên 40% lao động thế giới đang tham gia sản xuất nông nghiệp (trong đó ở các nước phát triển dưới 10%, các nước đang phát triển từ 30- 70%) và tạo ra 4% GDP toàn cầu (ở các nước phát triển là 2%, các nước đang phát triển là 27%, có những nước trên 50%).

Ở Việt Nam, cho đến hết năm 2003 có 66% lao động trong ngành nông nghiệp và tạo ra 21,8% giá trị GDP cả nước.

Tại các nước đang phát triển như ở nước ta, nông nghiệp là ngành có liên quan trực tiếp đến việc làm, thu nhập và đời sống của đại đa số dân cư. Vì vậy, nông nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự ổn định kinh tế và chính trị - xã hội.

1.2. Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là một trong hai ngành sản xuất vật chất chủ yếu của xã hội, với những đặc điểm riêng biệt. Nghiên cứu các đặc điểm của nó có vai trò quan trọng trong việc xác định phương hướng phát triển, hoạch định chính sách và tiến hành các biện pháp quản lý có hiệu quả.

a) Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt

Trong công nghiệp, giao thông, đất đai chỉ là nơi xây dựng nhà xưởng, hệ thống đường giao thông. Còn trong nông nghiệp, đất đai trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất như là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt và không thể thay thế. Thường thì, không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quy mô sản xuất, trình độ phát triển, mức độ thâm canh, phương hướng sản xuất và cả việc tổ chức lãnh thổ nông nghiệp lệ thuộc nhiều vào số lượng và chất lượng của đất đai (thổ nhưỡng). Trong quá trình sử dụng, đất đai ít bị hao mòn, bị hỏng đi như các tư liệu sản xuất khác. Nếu con người biết sử dụng hợp lý, biết duy trì và nâng cao độ phì trong đất, thì sẽ sử dụng được lâu dài và tốt hơn. Tất nhiên, việc duy trì, nâng cao độ phì trong đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đầu tư vốn, lao động, phương tiện sản xuất hiện đại, áp dụng rộng rãi các thành tựu khoa học kĩ thuật và kinh nghiệm sản xuất tiên tiến.

Trong lịch sử phát triển nông nghiệp có hai hình thức sử dụng đất là quảng canh và thâm canh. Quảng canh là biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp chủ yếu do mở rộng diện tích đất trồng trọt (đặc trưng của nền nông nghiệp ở trình độ thấp), còn mức độ sử dụng máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu... trên một đơn vị diện tích rất thấp. Hình thức quảng canh phổ biến ở những nước có nền kinh tế chậm phát triển. Thâm canh là biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp do tăng năng suất cây trồng và sức sản xuất của vật nuôi, đặc trưng của nền nông nghiệp tiên tiến hiện đại. Nền nông nghiệp thâm canh áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp, như máy móc, tưới tiêu khoa học, lai tạo giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Nhìn chung, hình thức thâm canh phổ biến ở những nơi bị hạn chế về diện tích đất canh tác, ít có khả năng khai hoang, mở rộng diện tích, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người thấp.

b) Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các sinh vật, cơ thể sống

Trong khi đối tượng sản xuất của công nghiệp phần lớn là các vật vô tri, vô giác thì nông nghiệp có đối tượng sản xuất là các cây trồng, vật nuôi, nghĩa là các cơ thể sống. Cây trồng, vật nuôi sinh trưởng và phát triển theo các qui luật sinh học và đồng thời cũng chịu tác động rất nhiều của quy luật tự nhiên (điều kiện ngoại cảnh như thời tiết, khí hậu, môi trường). Quá trình sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp là quá trình chuyển hóa về vật chất và năng lượng thông qua sự sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi. Quá trình phát triển của sinh vật tuân theo các quy luật sinh học không thể đảo ngược. Ví dụ như hạt giống được nẩy mầm rồi mới sinh trưởng, phát triển và ra hoa kết trái, hoặc sự thụ thai, sinh đẻ, lớn lên và trưởng thành của vật nuôi.

Các quy luật sinh học và điều kiện ngoại cảnh tồn tại độc lập với ý muốn chủ quan của con người. Vì vậy, nhận thức và tác động phù hợp với quy luật sinh học và quy luật tự nhiên là một yêu cầu quan trọng nhất của bất cứ một quá trình sản xuất nông nghiệp nào.

c) Sản xuất nông nghiệp có tính thời vụ

Tính thời vụ là nét đặc thù điển hình nhất của sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt, bởi vì, một mặt, thời gian lao động không trùng với thời gian sản xuất của các loại cây trồng và mặt khác, do sự biến đổi của thời tiết, khí hậu, mỗi loại cây trồng có sự thích ứng khác nhau.

Thời gian lao động là khoảng thời gian mà lao động có tác động trực tiếp tới việc hình thành sản phẩm. Còn thời gian sản xuất được coi là thời gian sản phẩm đang trong quá trình sản xuất.

Quá trình sinh học của cây trồng, vật nuôi diễn ra thông qua hàng loạt các giai đoạn kế tiếp nhau: giai đoạn này là sự tiếp tục của giai đoạn trước và tạo tiền đề cần thiết cho giai đoạn sau. Vì vậy, sự tác động của con người vào các giai đoạn sinh trưởng của chúng hoàn toàn không phải như nhau. Từ đây nảy sinh tình trạng có lúc đòi hỏi lao động căng thẳng và liên tục, nhưng có lúc lại thư nhàn, thậm chí không cần lao động. Việc sử dụng lao động và các tư liệu sản xuất không giống nhau trong suốt chu kỳ sản xuất là một trong các hình thức biểu hiện của tính thời vụ.

Tính thời vụ thể hiện không những ở nhu cầu về đầu vào như lao động, vật tư, phân bón, mà còn ở cả khâu thu hoạch, chế biến, dự trữ và tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Chu kỳ sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp tương đối dài và không giống nhau. Trong nông nghiệp, thời gian sản xuất bao giờ cũng dài hơn thời gian lao động cần thiết để tạo ra sản phẩm đó, kể cả sản phẩm trồng trọt và sản phẩm chăn nuôi.

Sự không phù hợp giữa thời gian lao động và thời gian sản xuất là nguyên nhân nảy sinh tính mùa vụ. Thời gian nông nhàn và thời gian bận rộn thường xen kẽ nhau. Tất nhiên, trong giai đoạn hiện nay bằng nhiều biện pháp kinh tế- tổ chức, người ta đã hạn chế tính thời vụ tới mức thấp nhất. Chẳng hạn để khắc phục tính thời vụ, chúng ta có thể xây dựng một cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, thực hiện đa dạng hóa sản xuất (tăng vụ, rải vụ...), phát triển các ngành nghề dịch vụ ở nông thôn.

d) Nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nhất là vào đất đai và khí hậu. Đặc điểm này bắt nguồn từ chỗ đối tượng lao động của nông nghiệp là cây trồng và vật nuôi. Chúng chỉ có thể tồn tại và phát triển được khi có đủ 5 yếu tố cơ bản của tự nhiên là nhiệt độ, nước, ánh sáng, không khí và chất dinh dưỡng, trong đó yếu tố này không thể thay thế yếu tố kia. Các yếu tố trên kết hợp và cùng tác động với nhau trong một thể thống nhất. Chỉ cần thay đổi một yếu tố là có hàng loạt các kết hợp khác nhau và dĩ nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp.

Mỗi yếu tố và sự kết hợp của các yếu tố thay đổi từ nơi này sang nơi khác. Những thay đổi ấy phụ thuộc vào tính quy luật theo lãnh thổ và theo thời gian (mùa). Đất, khí hậu, nước với tư cách như tài nguyên nông nghiệp quyết định khả năng (tự nhiên) nuôi trồng các loại cây, con cụ thể trong từng lãnh thổ và khả năng áp dụng các quy trình kỹ thuật để sản xuất ra nông phẩm.

Do những đặc điểm trên, sản xuất nông nghiệp được tiến hành trên không gian rộng lớn, liên quan tới khí hậu, thời tiết, đất đai của từng vùng cụ thể. Trong cơ chế thị trường, việc bố trí sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái sẽ tăng thêm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, cần xem xét, vận dụng các đặc điểm trên của sản xuất nông nghiệp một cách linh hoạt.

1.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nông nghiệp

a) Vị trí địa lí kết hợp cùng khí hậu, thổ nhưỡng qui định sự có mặt của các hoạt động nông nghiệp

Vị trí địa lí của lãnh thổ với đất liền, với biển, với các quốc gia trong khu vực và nằm trong một đới tự nhiên nhất định sẽ có ảnh hưởng tới phương hướng sản xuất, tới việc trao đổi và phân công lao động trong nông nghiệp.

Thí dụ, vị trí của Việt Nam nằm ở khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa đã qui định nền nông nghiệp nước ta là một nền nông nghiệp nhiệt đới với các sản phẩm đặc trưng là lúa gạo, cà phê, cao su, điều... Các nông sản trao đổi trên thị trường thế giới tất nhiên chủ yếu là sản phẩm của nền nông nghiệp nhiệt đới.

b) Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên là tiền đề cơ bản để phát triển và phân bố nông nghiệp

Từ những đặc điểm đặc thù của sản xuất nông nghiệp, có thể thấy rằng sự phát triển và phân bố của ngành này tuỳ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Sự phân đới nông nghiệp trên thế giới phụ thuộc vào sự phân đới tự nhiên. Sự tồn tại của các nền nông nghiệp gắn liền với các đặc trưng của từng đới tự nhiên. Tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, trong việc sử dụng lao động và các nguồn lực khác, trong việc trao đổi sản phẩm cũng chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Tính bấp bênh, không ổn định của nông nghiệp phần nhiều là do tai biến thiên nhiên và thời tiết khắc nghiệt. Mỗi loại cây trồng, vật nuôi chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định. Rõ ràng, các nhân tố tự nhiên có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó nổi lên hàng đầu là đất, nước và khí hậu.
- Đất đai

Đất trồng là tư liệu sản xuất chủ yếu, là cơ sở để tiến hành trồng trọt và chăn nuôi. Không thể có sản xuất nông nghiệp nếu không có đất đai. Quĩ đất, cơ cấu sử dụng đất, các loại đất, độ phì của đất có ảnh hưởng rất lớn đến qui mô và phương hướng sản xuất, cơ cấu và sự phân bố cây trồng, vật nuôi, mức độ thâm canh và năng suất cây trồng. Đất đai không chỉ là môi trường sống, mà còn là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng (các chất khoáng trong đất như N, P, K, Ca, Mg... và các nguyên tố vi lượng).

Những vùng đất màu mỡ, phì nhiêu trên thế giới đều là những vùng nông nghiệp trù phú. Chẳng hạn những vùng đất đen có tầng mùn dày, độ phì cao ở những vùng ôn đới của châu Âu, Bắc Mỹ trở thành vựa lúa mỳ lớn trên thế giới. Những kho lúa gạo của nhân loại thuộc về các vùng phù sa châu thổ sông Mê Công, Trường Giang, sông Hằng, sông Hồng của châu Á gió mùa.

Kinh nghiệm dân gian đã chỉ rõ vai trò của đất đối với việc phát triển và phân bố nông nghiệp như đất nào, cây ấy; tấc đất, tấc vàng.

Tài nguyên đất nông nghiệp rất hạn chế, chỉ chiếm 12% diện tích tự nhiên của toàn thế giới. Ở nước ta tương ứng là 28,5% với 9,3 triệu ha. Xu hướng bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người ngày một giảm do gia tăng dân số, do xói mòn, rửa trôi, do hoang mạc hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất công nghiệp, đất đô thị và đất cho cơ sở hạ tầng. Vì vậy con người cần phải sử dụng hợp lí diện tích đất nông nghiệp hiện có, duy trì và nâng cao độ phì cho đất.

- Khí hậu

Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa, ánh sáng, độ ẩm, chế độ gió và cả những bất thường của thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán, gió nóng… có ảnh hưởng rất lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tính mùa của khí hậu quy định tính mùa trong sản xuất và cả trong tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi loại cây trồng, vật nuôi chỉ thích hợp với những điều kiện khí hậu nhất định (nghĩa là trong điều kiện đó cây trồng, vật nuôi mới có thể phát triển bình thường). Vượt quá giới hạn cho phép, chúng sẽ chậm phát triển, thậm chí bị chết.

Ví dụ, cây lúa ưa khí hậu nóng, ẩm, nhiệt độ trung bình tháng từ 20°C đến 30°C. Nhiệt độ thấp nhất vào đầu thời kỳ sinh trưởng không xuống dưới 12°C. Trong quá trình sinh trưởng, cây lúa cần có nước ngập chân.

Những vùng dồi dào về nhiệt, ẩm và lượng mưa, về thời gian chiếu sáng và cường độ bức xạ có thể cho phép trồng nhiều vụ trong năm với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng, có khả năng xen canh gối vụ, chẳng hạn như vùng nhiệt đới. Còn như vùng ôn đới, với một mùa đông tuyết phủ nên có ít vụ trong năm. Trên thế giới, sự hình thành 5 đới trồng trọt chính (đới nhiệt đới, đới cận nhiệt, đới ôn hoà có mùa hè dài và nóng, đới ôn hoà có mùa hè mát và ẩm và đới cận cực) phụ thuộc rõ nét vào sự phân đới khí hậu.

- Nguồn nước

Muốn duy trì hoạt động nông nghiệp cần phải có đầy đủ nguồn nước ngọt cho cây trồng, nước uống, nước tắm rửa cho gia súc. Nước đối với sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết như ông cha ta đã khẳng định “Nhất nước, nhì phân”.

Nước có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những nơi có nguồn cung cấp nước dồi dào, thường xuyên đều là những vùng nông nghiệp trù phù, chẳng hạn như vùng hạ lưu các con sông lớn như Mêkông, Hoàng Hà… Ngược lại, nông nghiệp không thể phát triển được ở những nơi khan hiếm nước như các vùng hoang mạc, bán hoang mạc…

Do ảnh hưởng của khí hậu và địa hình, nên nguồn nước trên thế giới phân bố không đều và thay đổi theo mùa. Ở nước ta, mùa mưa lượng nước tập trung quá lớn, làm dư thừa nước, còn mùa khô, ngược lại rất khan hiếm nước. Điều đó gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong mùa khô và quá dư thừa nước trong mùa mưa, người ta đã xây dựng các công trình thuỷ lợi, hồ chứa nước… để phục vụ tưới tiêu một cách chủ động. Sự suy giảm nguồn nước ngọt cạn kiệt là một nguy cơ đe doạ sự tồn tại và phát triển nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, chúng ta cần phải sử dụng hợp lí, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước.

- Sinh vật

Sinh vật trong tự nhiên xưa kia là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng, vật nuôi. Sự đa dạng về thảm thực vật và hệ động vật, hay nói cách khác về loài cây, con là tiền đề hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng và tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên và sinh thái.

Trên thế giới, sản lượng lương thực (lúa, ngô, khoai...) và các cây công nghiệp quan trọng (cao su, cà phê, ca cao, bông, đay, dầu cọ, lạc…) tập trung ở vùng nhiệt đới vì tại đây đã có tới 6 trên 10 trung tâm phát sinh cây trồng.

Các diện tích đồng cỏ, bãi chăn thả và diện tích mặt nước tự nhiên là cơ sở thức ăn tự nhiên để phát triển ngành chăn nuôi. Ngày nay, mặc dù ngành chăn nuôi được đẩy mạnh nhờ ứng dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp dựa trên nguồn thức ăn được chế biến theo phương pháp công nghiệp, nhưng nguồn thức ăn tự nhiên vẫn còn vai trò quan trọng.

Những vùng đồng cỏ tươi tốt, chẳng hạn như preri ở Hoa Kỳ hay pampa ở Achentina, hoặc các đồng cỏ ở Anh, Pháp… nổi tiếng với hướng chuyên môn hoá thịt, sữa bò và các sản phẩm chế biến từ thịt, sữa bò. Trong khi đó ở Mông Cổ và các nước Tây Á, trên các vùng đồng cỏ khô cằn chỉ thích hợp cho việc nuôi cừu, dê, ngựa…

c) Các nhân tố kinh tế- xã hội có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp

- Dân cư và lao động ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp dưới hai góc độ: là lực lượng sản xuất trực tiếp và là nguồn tiêu thụ các nông sản.

+ Dưới góc độ là lực lượng sản xuất trực tiếp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nguồn lao động được coi là nhân tố quan trọng để phát triển theo chiều rộng (mở rộng diện tích, khai hoang…) và theo chiều sâu (thâm canh, tăng vụ…). Các cây trồng, vật nuôi đòi hỏi nhiều công chăm sóc thường được phân bố ở các vùng đông dân, nhiều lao động. Không phải ngẫu nhiên, vùng lúa gạo được thâm canh cao nhất của nước ta lại xuất hiện ở đồng bằng sông Hồng. Các cây trồng, vật nuôi tốn ít công chăm sóc hơn có thể phân bố ở các vùng thưa dân.

Nguồn lao động không chỉ được xem xét về mặt số lượng, mà còn cả về mặt chất lượng, như trình độ học vấn, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nghiệp, tình trạng thể lực của người lao động... Nếu nguồn lao động đông và tăng nhanh, trình độ học vấn và tay nghề thấp, thiếu việc làm sẽ trở thành gánh nặng cho nông nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

+ Dưới góc độ là nguồn tiêu thụ, cần quan tâm đến truyền thống, tập quán ăn uống, quy mô dân số với khả năng sản xuất lương thực, thực phẩm.

Chăn nuôi lợn ở các nước Nam Á và Trung Đông không phát triển, thậm chí không có như ở Bănglađet và Pakixtan do các quốc gia Hồi giáo không ăn thịt lợn. Ở Ấn Độ, một nước đa dân tộc và tôn giáo, ngành chăn nuôi lợn và bò cũng bị ảnh hưởng bởi tập quán kiêng ăn thịt bò của đạo Hinđu và không ăn thịt lợn của tín đồ Hồi giáo.

Ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Á- Phi, dân số đông và tăng nhanh. Trong cơ cấu nông nghiệp luôn có sự mất cân đối. Tỷ trọng chăn nuôi rất nhỏ bé so với trồng trọt, vì lương thực sản xuất ra chủ yếu để dành cho người.

- Khoa học- công nghệ đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp. Nhờ nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, con người hạn chế được những ảnh hưởng của tự nhiên, chủ động hơn trong hoạt động nông nghiệp, tạo ra nhiều giống cây, con mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên canh, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá.

Các biện pháp kỹ thuật như điện khí hoá (sử dụng điện trong nông nghiệp và nông thôn), cơ giới hoá (sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, chăm sóc và thu hoạch), thủy lợi hoá (xây dựng hệ thống kênh tưới tiêu hoặc áp dụng tưới tiêu theo khoa học), hoá học hoá (sử dụng rộng rãi phân hoá học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, các chất kích thích cây trồng, vật nuôi), sinh học hoá (áp dụng công nghệ sinh học như lai giống, biến đổi gien, cấy mô…) nếu được áp dụng rộng rãi thì năng suất trên một đơn vị diện tích và của một người lao động sẽ thực sự được nâng cao.

Trên thế giới có sự chênh lệch rất lớn về năng suất lao động. Ở các nước phát triển, bình quân một lao động nông nghiệp có thể sản xuất từ 8 đến 14 tấn lương thực, từ 1,5 đến 2,0 tấn thịt các loại, đủ nuôi sống cho 30 đến 80 người, trong khi đó ở các nước đang phát triển tương ứng chỉ là 1 tấn lương thực, 50- 100 kg thịt, đủ cho nhu cầu 2- 4 người.

- Quan hệ sở hữu và chính sách nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn tới con đường phát triển và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Chính sách khoán 10 ở Việt Nam từ năm 1988 là một thí dụ sinh động. Hộ nông dân được coi là một đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài để phát triển sản xuất, được tự do trao đổi hàng hoá, mua bán vật tư. Kinh tế hộ nông dân đã tạo đà cho việc khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng sẵn có, sản xuất nông nghiệp nước ta tăng lên rõ rệt. Có thể nói chính sách khoán hộ đã tạo động lực cho tăng trưởng nông nghiệp trong những năm 90 của thế kỉ XX.

Ngoài ra các chương trình giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân đã thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.

- Nguồn vốn và thị trường tiêu thụ có tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp và giá cả nông sản.

+ Nguồn vốn có vai trò to lớn đối với quá trình phát triển và phân bố nông nghiệp, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nguồn vốn tăng nhanh, được phân bố và sử dụng một cách có hiệu quả sẽ tác động đến tăng trưởng và mở rộng sản xuất, đáp ứng các chương trình phát triển nông nghiệp (như nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt xa bờ), đưa tiến bộ khoa học- công nghệ vào nông nghiệp…

+ Sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và giá cả nông sản, mà còn có tác dụng điều tiết đối với sự hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp chuyên môn hoá.

Ngoài các nhân tố kể trên còn có nhiều nhân tố khác nữa như cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nông nghiệp... Tất cả đã tạo thành một hệ thống cùng thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh tế quan trọng này.

Nguồn: ĐHSP ĐT
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top