• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Đề thi thử môn Ngữ văn 9 số 8 - có đáp án

Sen Biển mời các em cùng giải Đề thi thử môn ngữ văn 9 số 8 - có đáp án. Chúc các em làm bài tốt

PHẦN I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu:


Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghi đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ được rửa sạch. Lỗi lầm của người khác thay vì gìn giữ trong lòng và tức giận, thì bỏ qua mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn sống được 100 năm, xem như là môt bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 số tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia ly, mất mát...
... Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt bừng sáng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Theo “Tony buổi sáng, cà phê cùng Tony – Tư duy tích cực” – NXB trẻ 2016)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn?

Câu 2: Tìm và phân tích tác dụng biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng trong câu văn:

“... Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt bừng sáng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.”

Câu 3: Từ “cháy” trong câu cuối cùng được hiểu như thế nào? Diễn đạt bằng một đoạn văn khoảng 5 dòng.

Câu 4: Những thông điệp cho cuộc sống ý nghĩa mà em cảm nhận được qua đoạn trích?

Đề thi thử môn Ngữ Văn số 8 - có đáp án - vnk.jpg

( Ảnh sưu tầm internet)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1: “Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt bừng sáng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập”.

Viết một đoạn văn khoảng 300 chữ bàn về ý nghĩa của thông điệp này.

Câu 2: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng).

Hãy làm rõ điều đó qua hình tượng người lính thời chiến và thời bình trong hai tác phẩm “Đồng Chí” (Chính Hữu) và “Ánh Trăng” (Nguyễn Duy).

Mời các em xem phần gợi ý đáp án và các bbi văn mẫu dưới phần bình luận và đừng quên ghé thăm vnkienthuc.com mỗi ngày nhé!

Sen Biển( biên soạn)
 
Sửa lần cuối:
GỢI Ý ĐÁP ÁN
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1 Phương thức biểu đạt: Nghị luận

2 Biện pháp nghệ thuật tu từ:


+ Liệt kê: gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực, sống, học tập, làm việc….

+ Nói quá: “dù ngày mai trời có sập”

(HS có thể tìm thêm phép tu từ Ẩn dụ: “cháy hết mình”, Điệp ngữ: “hết mình”(2 lần)

- Tác dụng: Bộc lộ sâu sắc, đầy đủ những biểu hiện trong thái độ, hành động của người có tinh thần lạc quan, sống tích cực.

- Khẳng định khát vọng cống hiến, sẵn sàng đón nhận và đối mặt với những gian khó, nguy nan.

3 - Từ “cháy” được hiểu theo nghĩa chuyển.

- Viết đoạn văn toát lên ý chủ đạo: “Cháy” là không do dự, không sợ hãi trước khó khăn, thử thách.

- Một thái độ sống tích cực, có đam mê, khát vọng hòa vào cuộc đời chung, quan niệm “sống lâu không bằng sống sâu”.

4 Có thể trả lời theo các ý sau:

- Cần có thái độ sống lạc quan, tích cực trong bất kỳ tình huống nào.
- Sau những biến cố, con người biết tìm nguyên nhân và cách khắc phục, thấy cơ hội trong khó khăn.

- Biết tha thứ, bao dung, cao thượng để tâm hồn được thoải mái, nhẹ nhàng, cuộc sống thanh thản.

- Luôn tạo ra cho cuộc sống của mình nhiều niềm vui và lan tỏa niềm vui cho những người xung quanh.

- Sống có khát vọng, hoài bão cống hiến cho đời hết mình.

( HS có thể phát hiện các thông điệp khác hợp lí, giám khảo linh hoạt cho điểm)

PHẦN II. LÀM VĂN

Câu 1 * Yêu cầu:

a. Đảm bảo là một đoạn văn nghị luận hoàn chỉnh, diễn đạt trôi chỷ, không sai lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b. Triển khai hợp lý theo các định hướng sau:
- Dẫn dắt trích dẫn câu nói:

* Giải thích:

+ “Cháy hết mình”: con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.

+ Dù ngày mai trời có sập: Dù phía trưới có phải đối diện trước những nghịch cảnh, những điều tồi tệ nhất.

=> Thông điệp khẳng định thái độ sống tích cực, lạc quan tạo cho con người tâm thế, thần thái tươi vui, hạnh phúc. Điều đó được thể hiện không chỉ ở nội lực bên trong mà còn lan tỏa ra bên ngoài qua gương mặt bừng sáng và nụ cười thường trực trên môi.

* Bàn luận:

- Sống Tích cực, lạc quan giúp ta nhìn cuộc đời bằng cặp mắt yêu thương, tin tưởng vào chính mình, có sức mạnh vượt qua sợ hãi, khó khăn.

- Người lạc quan sẽ có thêm nhiều phẩm chất tốt đẹp khác nữa như: dũng cảm, kiên trì…

* Mở rộng:
- Tấm gương sống tích cực, lạc quan.

- + Phê phán một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu ước mơ, hoài bão, sợ va vấp, sợ thất bại hoặc sống vội vàng dẫn đến áp lực học tập, công việc gây trầm cảm…..

* Bài học hành động:
+ Tuổi trẻ cần phải sống và “cháy” hết mình. Chúng ta hãy cứ tự do làm những gì mình muốn, mong đợi... Vì tuổi trẻ không bao giờ quay lại. Nhưng không mù quáng, không sống vội, sống gấp và cống hiến hết

- Liên hệ bản thân.
(HS có thể tìm thêm các bài học khác nếu hợp lí giám khảo cho điểm)

2 Yêu cầu:
a. Về mặt hình thức: Đảm bảo là một bài nghị luận văn học hoàn chỉnh, có bố cục 3 phần, diễn đạt trôi chảy, sáng tạo, không mắc sai phạm vào các lỗi chính tả, dùng từ, câu….

b. Về nội dung cụ thể:
1. Mở bài: - Dẫn dắt trích dẫn nhận định

2. Thân bài:
a. Giải thích nhận định:
- Thơ: thể loại văn học bộc lộ cảm xúc, tình cảm.

- Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp: Con người và thời đại là đối tượng khám phá và cũng là cái đích cuối cùng của thơ ca nghệ thuật.

=> Ý kiến trên bàn về mối quan hệ gắn bó giữa thơ với con người và cuộc sống thời đại đã sản sinh ra nó. Nhưng thơ ca không sao chép máy móc con người và thời đại mà thể hiện một cách cao đẹp, nghĩa là ca ngợi, tự hào, yêu mến… bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo, được cảm nhận thanh lọc qua tâm hồn, trí tuệ của thi nhân để thành thơ.

b. Khái quát về điểm giống nhau của hai bài thơ:

- Hai tác giả là nhà thơ chiến sĩ (giới thiệu đôi nét )

- Hai tác phẩm chung đề tài người lính.

-> Yêu cầu: H/s viết thành đoạn văn có sức hấp đẫn.

2. Chứng minh vấn đề: (HS có thể làm nhiều cách, chẳng hạn chỉ cần làm rõ vấn đề “vẻ đẹp con người mang đậm chất thời đại” trong bài thơ, hoặc có thể tách hai phần “con người” – “thời đại”như định hướng dưới đây, nhưng phải có có sự liên hệ khăng khít).

a. “Đồng chí” của Chính Hữu.

* Con người cao đẹp trong “Đồng chí”:
+ Đó là những người nông dân mặc áo lính có tâm hồn cao đẹp: Giàu lí tưởng, yêu nứớc, sẵn sàng lên đường kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc: Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau, súng bên súng đầu sát bên đầu, đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới….

+ Người lính sáng ngời tình đồng chí cao đẹp: gắn bó keo sơn (đôi tri kỉ - Đồng chí…); Thấu hiểu nỗi niềm riêng thầm kín (gửi bạn thân cày, mặc kệ gió lung lay, nhớ người ra lính…); cùng giúp nhau vượt qua gian lao, thiếu thốn (sốt run người, áo anh rách vai - quần tôi có vài mảnh vá…) - Con người lạc quan, yêu đời (Miệng cười buốt giá)., đoàn kết (Thương nhau tay nắm lấy bàn tay), đó là tình cảm xúc động, thiêng liêng của con người Việt Nam trong chiến đấu.

+ Nổi bật trong bài thơ thể hiện một cách cao đẹp tình đồng chí chính là hình ảnh Đầu súng trăng treo. đó là một biểu tượng đẹp về người lính cũng là kết tinh phẩm chất tâm hồn Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

* Thời đại cao đẹp:
- H/s tái hiện được hoàn cảnh lịch sử, không khí thời đại khi bài thơ ra đời: Là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai, sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, con người Việt Nam đã sẵn sàng giã từ tất cả để ra đi bảo vệ Tổ Quốc.

+ Vẻ đẹp của tình đoàn kết giai cấp, hình ảnh làng quê, ruộng đồng, cái nghèo… là chi tiết cuộc sống rất chân thực những năm 1948 khi tác giả viết bài thơ này (nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá, ruộng nương, cày, gian nhà, giếng nước, gốc đa…)thể hiện vẻ đẹp lí tưởng anh hùng của thời đại cách mạng Hồ Chí Minh.

* Nghệ thuật thể hiện con người và thời đại:
+ Ngôn ngữ giản dị, chân thực, cô đọng, giàu sức biểu cảm.

+ Sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và màu sắc lãng mạn, bay bổng…..

b. “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

* “Ánh trăng” là bài thơ thể hiện tâm tư người lính vừa bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống thời bình, “thể hiện con người một cách cao đẹp”.
- Hoài niệm về sự gắn bó nghĩa tình với vầng trăng trong những năm tháng tuổi thơ và khi ở chiến trường.
(Phân tích – chứng minh).

- Nghĩ về sự lãng quên, thờ ơ, vô tình của mình với vầng trăng trong hiện tại (Phân tích – chứng minh).

- Xúc động nhớ thương và giật mình thức tỉnh khi bắt gặp vầng trăng xưa vẫn tròn đầy vẹn nguyên.
(Phân tích – chứng minh)

=> Hình ảnh người lính thời bình với những trăn trở, suy nghĩ về tư tưởng, lẽ sống và nhắc nhở về đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam.

* Thời đại cao đẹp:
H/s tái hiện được không khí lịch sử, hoàn cảnh ra đời của bài thơ. Đó là khi đất nước hòa bình được 3 năm. Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978 và in trong tập thơ cùng tên, con người vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Ba năm sống trong độc lập, tự do không phải ai cũng còn nhớ những tháng ngày gian khổ vừa qua đi: “Đồng đội cũ về đây gần đủ mặt. Không tránh khỏi những người rẽ ngoặt. Lòng đang phai màu máu đỏ chiến hào” (Bùi Minh Quốc). Một bộ phận người lính thời bình đã vô tình lãng quên đồng đội, đồng chí lãng quên những năm tháng gian lao. Bài thơ như một lời nhắc nhở, đánh thức người lính sống lại với quá khứ nghĩa tình.
* Nghệ thuật thể hiện con người và thời đại trong bài thơ Ánh Trăng
- Bài thơ Ánh trăng với hình tượng thơ nhiều ý nghĩa, ngôn từ biểu cảm mà sâu sắc giàu tính triết lí….

3. Kết bài:

- Đánh giá nhận định: Khẳng định con người và thời đại luôn được thể hiện một cách cao đẹp trong thơ ca đặc biệt qua hai tác phẩm.

- Rút ra bài học cho bản thân: cảm hóa ý thức sâu sắc tuổi trẻ hôm nay về những ân nghĩa thủy chung, uống nước nhớ nguồn, về lòng yêu nước và tự hào dân tộc

Sen Biển( biên soạn)
 

Hide Nguyễn

Du mục số
Phần I nhiều chữ thì không có khoảng cách đoạn, khó đọc. Phần II ít chữ thì đúng nguyên tắc, có khoảng trắng cách đoạn, dễ đọc.

Kỳ thế :p
 
Bài văn mẫu
Câu 1: “Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt bừng sáng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập”.

Viết một đoạn văn khoảng 300 chữ bàn về ý nghĩa của thông điệp này.

Bài làm




Trong bài viết Tư duy tích cực (Tony buổi sáng), tác giả có viết: “Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập”. Thái độ sống mãnh liệt ấy khiến chúng ta, những người trẻ tuổi, không ngừng suy nghĩ. Cháy hết mình có nghĩa là sống sôi nổi, tràn trào sinh lực, dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng. Sẵn sàng học tập và làm việc hết mình là không ngại khó, ngại khổ chiếm lĩnh tri thức và hoàn thiện kỹ năng làm việc cho tương lai chưa hẳn đã hứa hẹn những thành tựu tốt đẹp. Đó là tư thế mà con người cần có để đối diện với những nghịch cảnh, những điều tồi tệ nhất đang chờ đợi ở phía trước. Thông điệp trên kêu gọi và động viên mọi người cần nhìn cuộc sống hiện tại một cách tích cực, tràn đầy năng lượng. Sống có ước mơ, khát vọng, sống với đam mê và “cháy” hết mình vì nó mà không hối tiếc. Tác giả đã đưa ra một bài học đúng đắn và giàu tính nhân văn. Bởi khi sống và “cháy” hết mình ta sẽ thu được một nguồn năng lượng tích cực và lan tỏa nguồn năng lượng ấy đến nhiều người. Từ đó, tạo ra một môi trường sống tích cực. Tuổi trẻ cần phải sống và “cháy” hết mình. Tuổi trẻ là để khát khao, mơ ước, cống hiến hết mình. Chúng ta hãy cứ tự do làm những gì mình muốn, mong đợi… Vì tuổi trẻ không bao giờ quay lại. Thật đáng buồn khi vẫn còn có một bộ phận giới trẻ hiện nay sống thiếu ước mơ, hoài bão, sợ va vấp, sợ thất bại. Họ sẽ không thể có thành công nếu bản thân họ không có động lực để thành công. Hiểu được điều đó, ngay bây giờ, các bạn trẻ hãy sẵn sàng “sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập”. Đừng sợ vấp ngã. Mỗi lần lần vấp ngã sẽ giúp bạn đứng dậy mạnh mẽ và vững vàng hơn.

Sen Biển(biên soạn)
 
Bài văn mẫu

Câu 2: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng).

Hãy làm rõ điều đó qua hình tượng người lính thời chiến và thời bình trong hai tác phẩm “Đồng Chí” (Chính Hữu) và “Ánh Trăng” (Nguyễn Duy).

Bài làm


Người lính, cho đến hôm nay vẫn là hình tượng và hình ảnh đẹp trong lòng người đọc. Thế giới vẫn chưa bình yên, con người vẫn còn đầy mâu thuẫn, xung đột giữa con người, giữa các phe phái, các sắc tộc, cộng đồng vẫn diễn ra. Người lính vẫn phải ra chiến trường, làm nhiệm vụ quốc gia và quốc tế. Cuộc chiến tranh của dân tộc đã lùi xa, hai cuộc chiến tranh vĩ đại mà dân tộc ta đã trải qua, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. “Đồng chí” của Chính Hữu ra đời năm 1948, “Ánh trăng” được Nguyễn Duy viết tại thành phố Hồ Chí Minh khi đất nước độc lập chưa lâu. Chính Hữu là người lính thời chống Pháp, Nguyễn Duy là người lính chống Mỹ. Hai bài thơ ra đời trong bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Nhưng mang tâm thế của người lính, tình đồng chí và ký ức chiến tranh không phai mờ. Và có lẽ, câu nói của nhà thơ Sóng Hồng “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” đã phản ánh và khái quát nhất về hình tượng người lính và thời đại họ đã sống.

Thơ là thể loại văn học nhạy cảm và tinh tế nhất. Người ta tìm đến thơ khi các thể lọa văn học khác khó và không thể truyền tải được ý và hồn của tác phẩm. Thơ là tiếng lòng, là khát vọng thầm kín mà sâu lắng, nhiệt huyết mà say mê, chân phương và giản dị. Sóng Hồng là nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ. Thơ ông phục vụ cho cách mạng, là tiếng lòng của người chiến sỹ vì nhân dân, vì lý tưởng. Nhà thơ Sóng Hồng đã có rất nhiều phát biểu, triết lý về thơ. Thơ đối với ông phải mang tình cảm cao thượng, gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng, không rời chủ nghĩa xã hội, là tâm sự của chủ thể trữ tình.
Câu nói “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” xét trong tương quan với bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy rất phù hợp và chính xác. Hôm nay, đọc lại hai bài thơ này, chúng ta thấy cái sâu nặng, tri ân, nghĩa tình của người lính thời chống Pháp; cái chất lính, tâm hồn lộng gió, không quên kí ức của người lính thời chống Mỹ. Người lính, suy cho cùng là biểu tượng và hình tượng đẹp trong văn học và đời sống. Họ là trung tâm của lịch sử, của thời đại đã qua. Họ đã biểu hiện sâu sắc tình cảm, tính chính nghĩa, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự hào hùng của dân tộc thế kỷ XX.

Chính Hữu viết bài thơ “Đồng chí” vào năm 1948, một năm sau ngày chiến dịch Việt Bắc 1947. Bải thơ của Chính Hữu mang nặng âm hưởng của thơ ca chống Pháp, là bài thơ tiêu biểu và xuất sắc giai đoạn này. Không có bài thơ nào về đồng chí, về đồng đội lại xúc động và hay hơn bài “Đồng chí’ của Chính Hữu. Mặc dù sau này, có rất nhiều bài thơ viết về tình đống chí, tình đồng đội nhưng “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu vẫn là thiêng liêng và cao quý nhất. Giữa lúc trận chiến diễn ra căng thẳng, giữa chiến khu Việt Bắc, giữa cái đói, cái no, giữa sự sống và cái chết, tình đồng chí đã bộc lộ và khiến chúng ta không khỏi cầm được nước mắt. Những người lính chống Pháp, “ra đi từ mái tranh nghèo”, họ có vùng quê khác nhau, tựu chung họ là người nông dân, người lao động. Về điều này, chúng ta còn gặp trong bài “Thăm lúa’’ của nhà thơ Trần Hữu Thung, người lính xuất thân từ cánh đồng, ruộng lúa, chân chất, thật thà như “củ khoai, củ mì’, họ tạm biệt vợ con, cha mẹ già ra chiến trường để bảo tồn văn hóa và làng quê mình.

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!


Kháng chiến bùng nổ, bao trai làng đã ra đi cứu nước. Những năm tháng ấy, cuộc kháng chiến đang bước vào thời kỳ căm go và căng thẳng nhất. Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập không lâu, điều kiện tập luyện và trang bị còn hết sức thô sơ và thiếu thốn. Một bộ phận người lính chủ yếu là con em nông dân lao động, có xuất thân là nông dân và dân nghèo. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, họ đã đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nên chiến thắng “Chín năm làm một Điện Biên. Nên vành hoa đỏ nên thiên chỉ vàng”. Nếu không có những người lính như trong bài thơ “Đông chí”, không có tình đồng chí sâu nặng và nghĩa tình, chúng ta không đánh và đuổi được giặc Pháp, không làm nên mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc.

Hình tượng người lính, những con người đẹp nhất của thời đại, của cuộc kháng chiến chống Pháp và tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ, đã biểu hiện phẩm chất và giá trị thiêng liêng về chính nghĩa và tình đồng đội.

Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.


Mỗi người từ các làng quê khác nhau ra đi. Người lính tập trung và đoàn kết ở mỗi một đơn vị và trung đoàn. Trước khi khoác áo lính, là người lính cụ Hồ, họ là các trai làng giản dị và chân phương. Có người đã có vợ và con cái, có người mới có người yêu, có người đang hò hẹn, và có người chưa nắm tay bạn gái mình. Làng quê họ là các vùng quê chiêm trũng “nước mặn, đồng chua’, “đất cày lên sỏi đá”. Bởi chung mục đích, chung lý tưởng mà người lính tề tựu về đây. Họ là đồng chí. Họ bảo vệ người thân của mình, bảo vệ làng quê mình. Nơi họ đang chiến đấu và sát cánh bên nhau đây là bom rơi, đạn nổ. Ở làng quê họ, có người vợ trẻ, mẹ già cha đau, có cô gái cùng làng mới hò hẹn mà chưa dám cưới. Người lính kháng chiến chống Pháp, người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu là cụ thể minh chứng sinh động nhất cho tình nghĩa của con người, của đồng đội và sức mạnh của dân tộc, của khát vọng tự do, của ấm no và chiến thắng. Không có hình ảnh nào đẹp hơn “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Đó là tượng đài về người lính. Tượng đài về độc lập, tự do và hạnh phúc.

Còn nữa....
 
Tiếp theo...

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ


Thời bình, sau 1975, người lính Nguyễn Duy trở về thành phố. Ông đã trở thành nhà thơ và người nổi tiếng. Bài thơ “Ánh trăng” viết về cảm xúc của người lính thời bình, tưởng rằng đã quên và có lúc đã quên đi “vầng trăng thời chiến” song “hôm nay vầng trăng sáng quá, ánh trăng nhắc con người ta nhớ về cái hồn nhiên, trần trụi của đời lính, khó quên, và không thể quên được”. Nhà thơ bỗng “giật mình”, rưng rưng đầy hoài niệm. Bản chất lính, phẩm chất lính không mất đi. Nó thể hiện thiên lương của người lính, con người thời đại, hào khí, hào hùng “thời hoa lửa đã qua”, thời mà chúng ta đã đánh đổ cả máu xương mới có ngày hòa bình, có cuộc sống thành thị, có ánh điện rạng ngời thay vầng trăng “vành vạnh”.

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.


Thiếu thốn, khó khăn cả vật chất và tinh thần. Xa người thân, xa mái nhà, xa cánh đồng. Thiếu ăn, thiếu mặc, bị sốt rét. Người lính kháng chiến chống Pháp đối diện bao hiểm nguy, họ có thể chết vì sốt rét thay vì viên đạn của kẻ thù. “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu cho chúng ta hình dung và hiểu biết về hiện thực mà người lính phải vượt qua. Tiễn biệt quê hương lên đường chống Pháp, hiểm nguy không sờn lòng, lo lắng cho hậu phương, cho mái nhà, cho người thân bao nhiêu lòng người lính càng thêm ý chí căm thù và quyết tâm. Xa xa kia ruộng lúa mùa này bỏ hoang, thiếu người cày đất, gian nhà tranh không có bàn tay đỡ đần, giếng nước, gốc đa quê tôi. Tất cả sẽ chịu bàn tay xâm lược, đốt cháy của giặc Pháp ư? Người lính, biên giới trận địa, đứng đầu hiểm nguy vất vả, sẵn sàng vì tổ quốc mến thương. Khổ thơ thứ hai của bài “Đồng chí” khẳng định sự gắn bó, lòng thủy chung, tình đồng đội “vào sống ra chết”.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường


Đời lính trận mạc, đời lính phong lưu, có thể nói như vậy về khí phách và tính cách của con người cá tính như hồn thơ Nguyễn Duy. Nhà thơ Nguyễn Duy từng có bài thơ “Đò Lèn” viết về tuổi thơ, về quê ngoại, về bà của mình rất tình cảm. Cả vầng kí ức, cả vầng kỉ niệm không bao giờ lãng quên và mất đi về tuổi thơ. Với bài “Ánh trăng”, Nguyễn Duy cho chúng ta bắt gặp tâm sự của người lính sau 30/4, ông sống tại thành phố, và vào ngày điện bị mất, đối diện trước lòng mình, ông khắc khoải về giá trị con người và kí ức. Đây là thời kỳ chiến tranh lùi dần về kí ức, con người tự sự, tính đối thoại trong thơ nói riêng và văn hoc nói chung là xu hướng chủ yếu. Người lính thời bình kiên trung, giữ mãi phẩm chất bộ đội cụ Hồ.

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!

Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.

Đâu chỉ có sốt rét rừng, người lính trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu áo “rách vai’, quần “vài mảnh vá”. Có thể nói muôn vàn khó khăn đến với người lính nơi chiến trường Việt Bắc. Trời giá buốt. Chân họ không có giày. “Rừng hoang và sương lạnh”. Người lính chỉ biết nắm lấy tay nhau. Xua đi giá lạnh, xua đi đêm đen, xua đi hận thù, xua đi cô đơn. Họ là một tập thể, một đoàn quân, một đội quân, họ là người lính kháng Pháp. Họ không đầu hàng kẻ thù, Họ như vầng trăng nơi đầu súng. Họ là bất tử. Là thời đại Hồ Chí Minh anh hùng. Những người lính trong bài “Đồng chí’ là biểu tượng của anh hùng cách mạng, vẻ đẹp của thời đại, là hiện thân của kháng Pháp gian khổ, họ là niềm tin, bản lĩnh Việt Nam.

Chất tự vấn, tự sự trong “Ánh trăng” rất rõ rệt và đậm đặc. Người lính thời bình và kí ức không quên. Không quên ánh trăng kỉ niệm, ánh trăng nơi rừng sâu, thời trận mạc, đồng đội, khói lửa, cái thời mà “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” (Đồng chí – Chính Hữu). Cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta cách xa chưa lâu, nếu kháng chiến chống Pháp là đánh đuổi thực dân Pháp thì kháng chiến chống Mỹ là thống nhất nước nhà và chống can thiệp Mỹ. Người lính ở bài “Ánh trăng” là người chiến thắng, người hưởng thụ trực tiếp hòa bình, thành quả mà mình và đồng đội đã hy sinh.

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
vột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình


Bộn bề và mưu sinh cuộc sống, người lính có thể lãng quên và đôi khi không nhớ về kí ức, nhưng không vì thế mà kỷ niệm mất đi ý nghĩa trong họ, họ là người lính kháng chiến chống Mỹ, người lính của ngày hôm nay. Sống và đối diện với quá khứ. Chất hào sảng và lý tưởng của ‘‘Ánh trăng’’ là vậy.

Bài “Đồng chí” của Chính Hữu và bài “Ánh trăng” của Nguyễn Duy nói về người lính, tình đồng chí. Đó là biểu tượng, hình tượng đẹp trong văn chương cách mạng thể hiện sâu sắc và chân thực sức mạnh và chiến thắng thời đại, thời đại quên mình vì dân tộc, giữ và không khuất phục trước mình. Câu nói “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” của nhà thơ Sóng Hồng thật đúng với trường hợp “Đồng chí” và “Ánh trăng”. Hai bài thơ xuất sắc của nền thơ ca cách mạng, là tâm hồn và con người thời đại của chúng ta.

Sen Biển( biên soạn)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top