• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.
Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn hay của nhà văn Nguyễn Thành Long. Trong bài viết này Sen Biển sẽ giới thiệu với các em Đề cương ôn tập truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa. Hi vọng với bài viết này các em sẽ được cung cấp một số kiến thức tổng hợp về truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa cũng như tác giả Nguyễn Thành Long.

Soạn văn Lặng lẽ Sa Pa chi tiết

I. Tác giả


- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

- Ông viết văn từ thời còn kháng chiến chống Pháp.

- Là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và kí.

- Một số tác phẩm tiêu biểu:

• Ta và chúng nó (tập truyện ngắn, 1950),

• Bát cơm Cụ Hồ (tập bút ký, 1952),

• Gió bấc gió nồm (tập bút ký, 1956),

• Hướng điền (tậptruyện ngắn, 1957),

• Tiếng gọi (truyện, 1960),

• Chuyện nhà chuyện xưởng (tập truyện ngắn, 1962),

• Trong gió bão (truyện vừa, 1963),

• Gang ra (tập bút ký, 1964)...

- Nguyễn Thành Long nhận được giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội văn nghệ liên khu V trao tặng vào năm 1953 cho tập bút ký “Bát cơm Cụ Hồ” (1952). Ngày 25 tháng 7 năm 2008, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

II. Tác phẩm

1. Hoàn cảnh sáng tác


- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyển đi lên Lào Cai trong mùa hè 1970 của nhà văn.

- Truyện được rút ra từ tập “Giữa trong xanh” (1972).

2. Bố cục

Gồm 3 phần:


• Phần 1: Từ đầu đến “Thế nào bác cũng thích vẽ hắn”. Hình ảnh anh thanh niên qua lời kể của bác lái xe.

• Phần 2: Tiếp theo đến “có vật gì như thế”. Cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa anh thanh niên, cô kĩ sư và bác họa sĩ.

• Phần 3. Còn lại. Cuộc chia tay của ba nhân vật.

3. Tóm tắt

Lặng lẽ Sa Pa nội dung chính kể về anh thanh niên làm việc trên đỉnh núi Yên Sơn thời tiết khắc nghiệt. Công việc chính của anh thực hiện công tác khí tượng để cung cấp các số liệu thời tiết đã thu thập được.

Trong một lần nọ, anh được gặp gỡ với những người ở xuôi đó là ông họa sĩ và cô kĩ sư đến thăm. Anh đã kể cho họ nghe về công việc cũng như cuộc sống hàng ngày của mình. Tuy công việc vất vả nhưng anh vẫn tự giác thực hiện mỗi ngày. Ông họa sĩ là người đã phát hiện ra phẩm chất cao quý, tâm hồn chân thực của anh nên muốn vẽ một bức chân dung về anh. Nhưng anh đã từ chối và giới thiệu cho ông những người mà anh cho là xứng đáng hơn.
Khi ra về, anh tặng cho họ một làn trứng. Qua chuyến đi đó, anh thanh niên để lại những ấn tượng tốt đẹp cho ông họa sĩ và cô kĩ sư về những người lao động âm thầm cống hiến sức lực của mình cho đất nước.

Đề cương ôn tập truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa-vnk.jpg

(Ảnh sưu tầm internet)

III. Đọc - hiểu văn bản

1. Nhân vật anh thanh niên

a. Đôi nét về nhân vật:


- Qua lời giới thiệu của bác lái xe:

• Tuổi tác: một anh thanh niên hai mươi bảy tuổi

• Nghề nghiệp: công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu
• Nơi sống: sống một mình trên đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo.

- Qua ấn tượng của người họa sĩ: người con trai có tầm vóc nhỏ bé, nét mặt rạng rỡ.

=> Cách giới thiệu gián tiếp cho thấy hoàn cảnh sống cô đơn của anh thanh niên.

b. Nơi ở của anh thanh niên:

- Nơi ở: sạch sẽ, gọn gàng với một chiếc giường con, một bàn học và một giá sách.

- Cách sống: nuôi gà, trồng rau, đọc sách và tự học.

c. Công việc và suy nghĩ về công việc:

- Công việc hàng ngày: Có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày.

=> Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác cao. Dù vất vả, khó khăn nhưng anh thanh niên vẫn yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao.

- Suy nghĩ về công việc:

• Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi.

• Anh luôn nghĩ: mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc.

• Anh khâm phục những con người lao động khác: Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa: ngồi im rình xem ong lấy phấn thụ phấn, đồng chí nghiên cứu khoa học đang làm bản đồ sét.

=> Một người nghiêm túc trong công việc, biết trân trọng những người xung quanh mình.

2. Các nhân vật khác

a. Ông hoạ sĩ:


- Một con người hết lòng vì nghệ thuật: đi thực tế trước khi về hưu, yêu mến anh thanh niên liền đem giấy bút ra phác họa anh ngay…

- Cảm xúc của người họa sĩ già trước anh thanh niên

• Xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bẻ nhỏ, khuôn mặt rạng rỡ.

• Ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh anh thanh niên đang hái hoa rồi tặng cho cô kỹ sư.

• Cảm thấy người con trai làm ông nhọc quá.
- Sau cuộc trò chuyện với anh thanh niên:

• Ông bày tỏ ý định muốn vẽ bức chân dung về anh.

• Nhận ra rằng nghệ thuật, hội hoạ bất lực trong hành trình cuộc đời. Vẽ là công việc khó nhọc, gian nan.

=> Một con người biết trân trọng những người lao động.

b. Cô kỹ sư:

- Tính cách dễ gần, hồn nhiên và lãng mạn: trông thấy anh thanh đang hái hoa, quên mất e lệ chạy đến bên anh, nhận lấy bó hoa mà anh đã cắt.

- Cô yêu mến bác họa sĩ và anh thanh niên: chăm chú lắng nghe câu chuyện của anh, cố tình để lại chiếc khăn tay làm tin nhưng bị anh vô tình ngây ngô trả lại...

- Sau cuộc gặp gỡ với anh thanh niên, càng thêm tin tưởng vào quyết định của bản thân.

=> Một con người trẻ trung, giàu nhiệt huyết nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế.

c. Một số nhân vật khác:

- Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa: tỉ mỉ quan sát ong thụ phấn, tận tâm với công việc, tự tay thụ phấn cho cây su hào, nghiên cứu ra giống cây su hào chất lượng.

- Nhà nghiên cứu sét: cứ trời sét là chạy ra quan sát, liên tục trong 11 năm, không màng chuyện hạnh phúc cá nhân.

=> Họ chỉ hiện lên qua lời kể của anh thanh niên, nhưng đó đều là những con người say mê công việc của mình.

Tổng kết:

- Nội dung: Truyện Lặng lẽ Sa Pa đã khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình sống trên đỉnh núi cao. Từ đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động, cũng như ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

- Nghệ thuật: Tình huống truyện hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận…

Mời các em đọc tiếp các bài viết về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa dưới phần bình luận nhé! Đừng quên ghé thăm Vnkienthuc.com mỗi ngày.

Sen Biển(sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
Dàn ý Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa trong Ngữ Văn 9


1. Mở bài:


Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

2. Thân bài:

Phân tích chi tiết tác phẩm

a. Cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa


• Nắng đốt cháy rừng cây, mạ bạc con đèo…
• Cây hoa tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng.

• Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe.

=> Vài nét chấm phá điểm xuyết, nghệ thuật nhân hóa, so sánh -> Tác giả đã khắc họa bức tranh thiên nhiên Sa Pa với vẻ đẹp rực rỡ, tráng lệ, thơ mộng, hữu tình. Miêu tả bức tranh thiên nhiên bằng ngôn ngữ trong sáng, mỗi chữ, mỗi câu như có đường nét, hình khối, sắc màu. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu mang âm hưởng một bài thơ về thiên nhiên đất nước.

• Có thể nói, vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa hoàn toàn tương xứng và hài hòa với vẻ đẹp của con người giàu chất mộng mơ, đầy ý nghĩa.

b. Nhân vật anh thanh niên

Hoàn cảnh sống và làm việc


- Hoàn cảnh sống và làm việc của anh thanh niên khá đặc biệt:

• Một mình sống trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo” => hoàn cảnh sống cô đơn, vắng vẻ, cô đơn đến mức “thèm người”.

• Công việc: làm công tác khí tượng, kiêm vật lí địa cầu, đo nắng, đo gió, đo mưa, tính mây, đo chấn động mặt đất dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu => Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.

• Công việc không khó nhưng giản khổ: bốn lần trong một ngày đêm đều đặn, dù mưa, nắng, gió, bão,…

Những phẩm chất tốt đẹp

- Lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm về công việc:

• Anh thanh niên hiểu rằng công việc mình làm tuy nhỏ bé nhưng liên quan đến công việc chung của đất nước, của mọi người.

• Làm việc một mình trên đỉnh núi cao,không có ai giám sát, thúc giục anh vẫn luôn tự giác, tận tụy: suốt mấy năm ròng rã ghi và báo “ốp” đúng giờ, phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn và đêm tối lúc 1h sáng, anh vẫn không ngần ngại.

• Anh đã sống thật hạnh phúc khi được biết do kịp thời phát hiện đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng.

• Anh yêu công việc của mình, anh kể về nó một cách say sưa và tự hào.

• Với anh, công việc là niềm vui, là lẽ sống: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất” => anh đã thực sự tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc thầm lặng giữa Sa Pa và sương mù bao phủ.

- Biết sắp xếp một cuộc sống một cách khoa học

• Anh chủ động, sắp xếp cho mình một cuộc sống ngăn nắp, đầy đủ, phong phú và thơ mộng: trồng hoa, nuôi gà, đọc sách…

• Trong cái cuộc sống lẻ loi của mình, ngoài công việc anh còn tìm thấy một niềm vui khác nữa – đó là đọc sách. Với anh, đọc sách không chỉ là nâng cao kiến thức mà để trò chuyện, để thanh lọc tâm hồn
- Sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách

• Vì “thèm người” mà anh đã đẩy một khúc gỗ ra chắn giữa đường, buộc xe khách đi qua phải dừng lại => niềm khao khát được gặp gỡ, được trò chuyện với mọi người

• Anh quan tâm đến người khác một cách thật lòng: gửi biếu vợ bác lái xe củ tam thất vì hôm nọ “bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?”, đón tiếp ông họa sĩ và cô kĩ sư thật thân tình, nồng hậu.

• Lòng mến khách của anh đã khiến ông họa sĩ xúc động: “người con trai ấy đáng yêu thật!”.

• Anh có cách sống đẹp và những suy nghĩ khiến chúng ta phải ngạc nhiên, khâm phục: Bác lái xe đùa anh là “người cô độc nhất thế gian” nhưng anh lại thổ lộ với ông họa sĩ: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia.” Và anh tâm sự cùng cô kĩ sư: “Lúc nào tôi cũng có người trò chuyện nghĩa là có sách ấy mà”. Anh nhớ người nhưng không phải là nỗi nhớ phồn hoa đô thị bởi “người thì ai mà chả thèm, song mình sinh ra để làm gì? Mình đẻ ở đâu? Mình vì ai mà làm việc?” => Từ đó ta thấy thực chất của nỗi khát khao là được hòa nhập, được sống vì mọi người. Anh đã lập được những kì tích trong công việc trong cuộc sống khiến ông họa sĩ cảm phục và xúc động.

- Sự khiêm tốn, thành thật

• Khi ông họa sĩ phác họa bức chân dung anh, anh đã khẩn khoản: “Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn” => Anh cảm thấy mình là người bình thường trong muôn vàn những người khác.

• Dù còn trẻ tuổi nhưng anh đã thấm thía cái nghĩa, cái tình của mảnh đất Sa Pa nơi mà mình được sinh ra và lớn lên; thấm thía sự hi sinh thầm lặng của những con người ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

• Có thể nói, qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện, nhân vật anh thanh niên được khắc họa giản dị, khiêm nhường, đẹp trong suy nghĩ, trong cách sống và trong tâm hồn. Đó là nét vẽ đơn sơ, chân dung một con người có tầm vóc nhỏ bé mà nét mặt rạng rỡ.

c. Các nhân vật khác
Nhân vật ông họa sĩ


• Tuy không dùng cách kể ở ngôi thứ nhất nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của chuyện. Từ đó, gửi gắm suy nghĩ về con người, về nghệ thuật.

• Ngay từ những phút ban đầu gặp gỡ anh thanh niên, bằng sự từng trải nghề nghiệp và niềm khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối.

• Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút kí họa và “người con trai ấy đáng yêu thật nhưng làm cho ông nhọc quá”. Những xúc cảm và suy tư của nhân vật ông họa sĩ về người thanh niên và về những điều khác nữa được gợi lên từ câu chuyện của anh làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng.

Nhân vật cô kĩ sư

• Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, những điều anh nói, cả những chuyện anh kể đã khiến cô vô cùng bàng hoàng. Cô hiểu thêm cuộc sống một mình dũng cảm, tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới những con người như anh và quan trọng hơn nữa là về con đường cô đã lựa chọn, cô đang đi tới. Đây là cái “bàng hoàng” đáng lẽ cô phải biết khi yêu, nó giúp cô đánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình. Đó là sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao, cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cuộc sống, từ tâm hồn của người khác.

• Cùng với sự “bàng hoàng” ấy, là một tình cảm hàm ơn với người thanh niên không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng cô một cách hết sức vô tư mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.

Bác lái xe

• Có vai trò giới thiệu nhân vật chính với ông họa sĩ và cô kĩ sư. Chính điều này, đã tạo ra sự thu hút chú ý của người đọc. Qua cảm xúc, suy nghĩ và thái độ cảm mến của bác lái xe, cô kĩ sư, ông họa sĩ, hình ảnh anh thanh niên được hiện ra càng rõ nét và đẹp hơn. Chủ đề của tác phẩm mở rộng thêm và gợi ra nhiều ý nghĩa. Bức chân dung nhân vật chính như được soi rọi nhiều luồng ánh sáng khiến nó thêm rạng rỡ và ánh lên nhiều màu sắc.

Ông kĩ sư dưới vườn rau Sa Pa

• Kiên trì, bền bỉ, làm việc trong âm thầm lặng lẽ “ngày này sang ngày khác”. Ông ngồi im trong vườn su hào rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào. Và tự ông đi thụ phấn cho từng cây su hào để củ su hào nhân dân toàn miền Bắc ăn được to hơn, ngọt hơn. Ông kĩ sư làm cho anh thanh niên cảm thấy cuộc đời đẹp quá! Công việc thầm lặng ấy chỉ những con người nơi mảnh đất Sa Pa mới hiểu hết được ý nghĩa của nó.

Anh kĩ sư bản đồ sét

• Anh luôn ở trong tư thế sẵn sằng suốt ngày chờ sét “nửa đêm mưa gió,rét buốt,mặc, cứ nghe sét là choáng choàng chạy ra”. Anh đã hi sinh hạnh phúc cá nhân vì niềm đam mê công việc để khai thác “của chìm nông, của chìm sâu” dưới lòng đất làm giàu cho Tổ quốc.

3. Kết bài:

Khẳng định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Sen Biển (sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, nhân vật ông hoạ sĩ già ít được bạn đọc chú ý tới. Có phải vì đó chỉ là một nhân vật phụ? Song, nếu biết lắng lại trong cảm xúc, tìm tới những mạch sau ý nghĩa của ngôn từ, cội nguồn cảm hứng của nhà văn, chúng ta sẽ thấy ông họa sĩ không là người phụ. Ông vừa là nhân vật tham gia câu chuyện, đẩy các sự việc, tình tiết tiến tới, vừa là người kể chuyện. Dường như chính tác giả Nguyễn Thành Long hóa thân vào người nghệ sĩ cao tuổi, giàu kinh nghiệm, say mê sự nghiệp sáng tạo ấy để gửi tới bạn đọc những điều tâm đắc nhất về cuộc sống, về con người. Một trong những điều tâm đắc nhất phải chăng đã được biểu hiện trong giây phút xáo động tâm hồn của nhà hoạ sĩ. Khi trò chuyện với anh thanh niên làm việc tại trạm khí tượng, ông đã nghĩ: “Những điều suy nghĩ đứng đắn bao giờ cũng có những vang âm, khơi gợi bao điều suy nghĩ khác trong óc người khác…”. Vậy, những vang âm nào đã ngân lên từ tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”.
Trước hết, đó là vang âm của cuộc gặp gỡ giữa ông hoạ sĩ, cô kĩ sư nông nghiệp và anh thanh niên khí tượng. Làm một công việc âm thầm, lặng lẽ, trên đỉnh núi cao hai ngàn sáu trăm mét, giữa mênh mông đất trời, sương tuyết, anh thanh niên vẫn yêu đời, đầy trách nhiệm, cần cù, dũng cảm. Anh không để xảy ra sơ suất nào trong nhiệm vụ đã dành, anh còn biết tự tạo một cuộc sống nền nếp, phong phú và thơ mộng: nuôi gà, trồng hoa, đọc sách. Thỉnh thoảng xuống núi, anh tìm gặp bác lái xe, cùng khách các đoàn để thăm hỏi, giúp đỡ, để vơi bớt nỗi cô đơn, nỗi “nhớ người”…Con người ấy đã biết sống một cuộc sống thật đẹp, thật phong phú, một cuộc sống làm chủ mình, giúp ích cho đời. Kể về một lần nhờ anh góp phần phát hiện một đám mây khô nên không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực, anh đã sung sướng nói với ông hoạ sĩ: “Từ hôm ấy cháu sống thật hạnh phúc”. Ý thức sâu sắc mục đích việc mình, say mê làm việc để đạt hiệu quả, thấm thìa niềm vui, tìm được hạnh phúc trong cuộc sống, phong cách sống ấy của anh thanh niên khí tượng khiến ông hoạ sĩ xúc động nhủ thầm “người con trai ấy đáng yêu thật”. Phải chăng đó chính là những vang âm từ một cách sống? Đối với ông hoạ sĩ, anh thanh niên không chỉ đáng yêu vì cách sống mà còn vì những điều anh suy nghĩ. Đó cũng là những âm vang vừa có chiều sâu vừa có sức khơi gợi. Thứ nhất, về quan niệm “người cô độc”, anh nói với bác hoạ sĩ: “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi… huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia”. Thứ hai, về nỗi “nhớ người”, anh cho rằng: “người thì ai mà chả “thèm”… Mình sinh ra làm gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?”. Thứ ba, về vị trí cuộc sống, về ấn tượng mà mỗi con người tạo ra trong đời, anh luôn luôn cảm thấy mình nhỏ bé, bình thường so với nhiều người khác. So độ cao nơi ở, anh không bằng người bạn “trên trạm đỉnh Phăng-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét”. Tìm một chân dung cho tác phẩm hội hoạ, anh giới thiệu ông kĩ sư vườn rau, ngày này sang ngày khác rình xem cách ong thụ phấn cho su hào để nâng cao năng suất trồng rau; rồi một người làm công tác nghiên cứu khoa học, mười năm không một ngày xa cơ quan, luôn trong tư thế sẵn sàng đợi sét để lập bản đồ sét, tìm cho ra của chìm dưới lòng đất của Tổ quốc. Thứ tư, về vùng đất anh đang sống và làm việc mà anh thấu hiểu hơn ai hết: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Thế đấy, mỗi suy nghĩ của con người trẻ tuổi ấy đều thấm đẫm tình yêu con người, yêu cuộc sống, yêu mến và tự hào về mảnh đất mình đang sống. Chính những suy nghĩ và tình cảm ấy đã trở thành sức mạnh, thành điểm tựa để anh làm việc, học tập, vươn lên những đỉnh cao trong cuộc sống. Anh biết sống cho một sự nghiệp lớn lao là công cuộc xây dựng đất nước, cũng biết sống cho riêng mình và chia sẻ với mọi người. Vì thế, gặp gỡ, trò chuyện với anh, ông hoạ sĩ cảm thấy “nhọc quá”,cô kĩ sư nông nghiệp dạt lên trong lòng “một ấn tượng hàm ơn”…

Trước anh chàng trẻ tuổi đáng yêu, ông họa sĩ ngỡ như lồng ngực có thêm một quả tim nữa, hay chính là quả tim cũ được “để cao” lên? Đang bước vào tuổi già, tuổi của những nghỉ ngơi, ông bỗng trẻ lại, thấy yêu thêm cuộc sống, khao khát sống, khao khát sáng tạo. Vừa nói chuyện, ông vừa kí hoạ. Bàn tay ông như có thần, trái tim rung động, trí tuệ minh mẫn, suy nghĩ bao nhiêu điều tốt lành về cuộc sống, con người và mảnh đất Sa Pa. Như vậy, cảm giác “nhọc mệt” của người nghệ sĩ ấy chính là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Còn cô kĩ sư nông nghiệp, cái ấn tượng hàm ơn dạt lên trong lòng là những gì? Có phải đó cũng là những thu lượm bổ ích, phong phú, tươi non về nhận thức, về tâm hồn? Từ lúc bắt đầu lên xe, rồi được gần ông hoạ sĩ, được ông giúp đỡ, chăm sóc như với con gái, đến khi thăm vườn hoa, căn nhà và trò chuyện với anh khí tượng, cô gái hiểu ra bao nhiêu điều về cuộc sống. Cô hiểu anh thanh niên, hiểu cái thế giới những con người mà anh kể, và quan trọng, thiêng liêng sâu sắc nhất là “cô hiểu con đường cô đang đi tới”. Cô gái bàng hoàng, xúc động như giây phút tuổi trẻ đón nhận một tình yêu, tình yêu đích thực, chứ không phải mối tình nhạt nhẽo, sai lầm vừa qua. Cô yên tâm và tin tưởng ở con đường mình đang đi tới, ở công việc mình đã lựa chọn. Do đó, khi ôm bó hoa anh thanh niên tặng, cô gái hồi hộp và sung sướng vì nhận được một kỉ niệm đẹp của một tấm lòng, cũng “vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mộng mơ” đang bừng nở với muôn vàn hương sắc trong tâm hồn cô. Cô kĩ sư nông nghiệp đã “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tuy là hai nhân vật phụ, cô kĩ sư cũng như ông hoạ sĩ vẫn được nhà văn trân trọng gửi gắm nhiều ý tưởng. Hình ảnh cuối cùng của họ – “Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ, nắng đã bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ” – hệt như một bức tranh óng ánh sắc màu. Có thể nói, cuộc gặp gỡ của ba nhân vật giữa mịt mờ sương tuyết mà vẫn nồng ấm tình người, y như một mối duyên kì ngộ. Chỉ tiếp xúc trong ba mươi phút, họ đủ hiểu nhau, tỏa sáng cho nhau, khơi gợi trong nhau biết bao điều bổ ích. Điều bổ ích lớn lao nhất cho cả ba con người thuộc hai thế hệ khác nhau là sự ý thức về vị trí, trách nhiệm mỗi con người trong công cuộc dựng xây đất nước. Dù họ chia tay nhau, điều bổ ích ấy vẫn vang trong họ và từ họ, vang âm sang người đọc chúng ta.

Thực ra, những vang âm của tác phẩm không đợi đến cuộc gặp gỡ giữa ba nhân vật ở phần hai. Nó ngân nga, nhẹ nhàng, ấm áp ngay trong những dòng đầu, khi bác lái xe giới thiệu đã vào Sa Pa, khi những nhân vật bắt đầu gặp gỡ, chuyện trò. Họ nói về phong cảnh Sa Pa, về những hoạ sĩ đã quá cố, rồi về cuộc sống, con người ngày nay. Cảnh Sa Pa cứ hiện dần, mỗi lúc một đẹp đẽ, mơ màng. Những nhân vật cũng được khắc họa rõ nét dần. Cánh thơ mộng, người mộng mơ. Tất cả, từ bác lái xe, đến các hành khách, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư… Dường như trên chuyến xe ấy, mọi người đang đi tìm một điều gì thật giản dị nhưng cũng thật là thiêng liêng, những khát vọng, những háo hức… Đọc văn, có cảm giác được lần lần ngắm những tác phẩm hội hoạ lung linh kì ảo: “Nắng bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng, Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương rơi”. Ôi, phong cảnh đẹp biết nhường nào! Còn con người thì, như ta đã thấy, mỗi chân dung, mỗi lời nói, ý nghĩa, hành động đều như ngân lên những vang âm ngọt ngào, êm ái. Mỗi chữ, mỗi câu trong tác phẩm có hình khối, đường nét, màu sắc… đậm đà chất hội hoạ. Văn xuôi truyện ngắn mà giàu nhịp điệu, âm thanh, êm ái, mang âm hưởng của một bài thơ…

“Lặng lẽ Sa Pa” – mới đọc tên, ngỡ tác phẩm nói về một điều gì… im ắng, hắt hiu, giá lạnh. Vậy mà, thật kì diệu, trong cái lặng lẽ của Sa Pa vẫn vang ngân lên những âm thanh trong sáng, vẫn ánh lên những sắc màu lung linh, lan tỏa hơi ấm tình người và sự sống, sự sông những rừng cây, những đóa hoa, những tấm lòng nhân hậu. Chính những vang âm, sắc màu và hơi ấm của một vùng lặng lẽ ấy đã khơi gợi trong biết bao lớp người đọc tác phẩm này tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người, những con người đã một thời biết sống đẹp, suy nghĩ đẹp, để từ đó mà hướng tới, tìm cho mình một vẻ đẹp riêng trong sự sống, cách sống mỗi con người.


Sen Biển( sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
Dàn ý cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa

1. Mở bài


• Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long (những nét chính về con người, cuộc đời, các sáng tác chủ đạo, đặc điểm sáng tác,...)

• Giới thiệu khái quát về truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" (xuất xứ, hoàn cảnh ra đời, cảm hứng chủ đạo, khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,...)

2. Thân bài

a. Bức tranh thiên nhiên Sa Pa


• Nghệ thuật: liệt kê, nhân hóa

• Tác giả Nguyễn Thành Long như đã làm hiện lên trước mắt người đọc những nét đặc trưng, độc đáo rất riêng của mảnh đất Sa Pa - một bức tranh đẹp, thơ mộng.

b. Các nhân vật

* Nhân vật anh thanh niên


- Một con người yêu nghề, luôn đam mê và hết mình vì công việc
• Chấp nhận làm việc trong một điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt và đầy sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu.

• Coi công việc là bạn
• Luôn hoàn thành xuất sắc công việc của mình

- Một người luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống và sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

• Biết tự tạo niềm vui cho bản thân bằng những việc làm giản dị như trồng hoa, nuôi gà, nuôi ong

• Đọc sách để bồi đắp tâm hồn và nâng cao vốn hiểu biết

• Sắp xếp căn phòng, cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, gọn gàng - "một căn nhà ba gian sạch sẽ khiến ông họa sĩ phải trầm trồ và bất ngờ".

- Một người chân thành, cởi mở và giàu lòng hiếu khách.

• Trong anh luôn hiện hữu nỗi "thèm người"

• Khi gặp được người, anh vui mừng không xiết đến nỗi không thể làm chủ được cảm xúc của mình "anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến" hay "người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nói".

• Anh rất cởi mở, hiếu khách và quan tâm đến tất cả mọi người: hồ hởi pha trà, rồi lúc họ ra về anh còn tặng quà,...

- Một con người khiêm tốn: khi ông họa sĩ muốn được vẽ anh thì anh từ chối, e ngại và muốn được giới thiệu người khác mà với anh họ xứng đáng hơn mình

* Nhân vật ông họa sĩ

• Giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi ông mang điểm nhìn trần thuật của tác giả

• Ông là một người họa sĩ chân chính, nghiêm túc, say mê và không ngần ngại khó khăn để đi tìm cái đẹp- Khi gặp anh thanh niên, chứng kiến công việc và cuộc sống của anh, ông họa sĩ xúc động và bối rối

• Trước vẻ đáng yêu của anh, ông lại thấy "nhọc quá" vì những điều người ta nghĩ về anh
* Nhân vật cô kĩ sư
- Cô là hiện thân, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ.

- Cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng những câu chuyện, những lời tâm sự của anh thanh niên đã khiến cô cảm thấy "bàng hoàng", giúp cô hiểu hơn về anh và có niềm tin vào con đường mình đã chọn.

* Nhân vật bác lái xe

• Là nhân vật xuyên suốt toàn bộ câu chuyện, tạo nên cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ba nhân vật còn lại.

• Bác là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc, bác đã làm nghề lái xe ba mươi năm và có vốn hiểu biết phong phú về Sa Pa.

• Bác còn là một người niềm nở và cởi mở và có tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Sa Pa.

• Bác là cầu nối giữa anh thanh niên với miền xuôi, với cuộc đời

3. Kết bài

• Khái quát những nét đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" và nêu cảm nhận của bản thân.

Sen Biển( sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa

Nguyễn Thành Long (1925- 1991; quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam) chuyên viết về truyện ngắn và bút kí. Ông thành công hơn cả là ở những truyện ngắn và bút kí viết về cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc những năm 60- 70 thế kỉ XX. Nguyễn Thành Long là cây truyện ngắn- với một phong cách văn xuôi rất nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người và mang ý nghĩa sâu sắc. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa in trong tập Giữa trong xanh, giản dị, mộc mạc như một ghi chép về cuộc gặp gỡ những con người bình thường mà lắng đọng tình người.

Cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh cuộc trò chuyện giữa ông hoạ sĩ với người thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn. Tình huống truyện là Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa mấy người khách trên chuyến xe với anh thanh niên. Nhân vật chính là anh thanh niên. Anh được hiện ra qua lời giới thiệu của người lái xe và được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật ông hoạ sĩ và cô gái. Điểm đáng chú ý trong nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn này là mặc dù không sử dụng cách kể ngôi thứ nhất, nhưng truyện đã được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ. Vì vậy, dù không phải là nhân vật chính nhưng nhân vật ông họa sĩ có vị trí quan trọng trong truyện.
Tuy Lặng lẽ Sa pa có nhiều nhân vật, nhưng nhân vật chính là anh thanh niên. Truyện tập trung khắc họa nhân vật này qua cái nhìn và cảm nghĩ của các nhân vật khác, qua sự xuất hiện của anh trong cuộc gặp gỡ tình cờ mà ngắn ngủi với ông họa sĩ và cô kĩ sư. Nhân vật được xây dựng như một tranh chân dung. Là chân dung, nhân vật được hiện lên ở một số nét đẹp, nhưng chưa được xây dựng thành một tính cách hoàn chỉnh và hâu như chưa có cá tính.
Là nhân vật chính của truyện nhưng nhân vật này không xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ hiện ra qua lời giới thiệu của người lái xe và qua cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật khi xe của họ dừng lại nghỉ ngơi. Nhân vật ấy chỉ hiện ra chốc lát, đủ để các nhân vật khác kịp ghi nhận một ấn tượng, một ký họa về anh rồi dường như anh lại khuất lấp vào mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi rừng Sa Pa. Nhân vật anh thanh niên hiện ra để mọi người cảm nhận được rằng: Trong cái im lặng của Sa Pa…, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước. Nhân vật anh thanh niên được tái hiện Anh thanh niên qua nhìn nhận, đánh giá của mọi người trở nên rõ nét và đáng mến biết bao.
Nhân vật này có nhiều nét đẹp để ta khâm phục. Trước hết là hoàn cảnh sống và làm việc quanh năm suốt tháng giữa cỏ cây, mây núi và chỉ có một mình. Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc ấy đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao, phải thức dậy lúc nửa đêm, đúng giờ "ốp" thì dù trời mưa tuyết giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài làm công việc đã quy định. Nhưng cái gian khổ nhất là phải vượt qua sự cô đơn, vắng vẻ, quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người – hoàn cảnh thật đặc biệt.

Điều giúp anh vượt qua được hoàn cảnh đó là ý thức trách nhiệm về công việc, lòng yêu nghề và lòng yêu cuộc sống. Anh thấy được công việc thầm lặng ấy là có ích cho cuộc sống, cho mọi người khi được biết là một lần do phát hiện kịp thời một đám mây khô mà anh đã góp phần vào chiến thắng của không quân ta. Anh có những ý nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Cuộc sống của anh không đơn điệu vì anh còn có niềm vui ngoài công việc – đó là niềm vui đọc sách, anh biết sắp xếp, tổ chức cuộc sống của người ở trạm khí tượng một cách ngăn nắp, chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học, đọc sách.

Ngoài ra ở người thanh niên ấy còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng mến nữa: cởi mở, chân thành quý trọng tình cảm, khao khát được giao lưu, trò chuyện với mọi người. Anh còn là người khiêm tốn, thành thực khi nhận xét về công việc và những đóng góp của mình.

Bên cạnh nhân vật anh thanh niên. Tác giả cũng chú ý tập trung khắc họa nhân vật ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ.

Ông họa sĩ qua lời giới thiệu của bác lái xe và ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên, ông đã xúc động và bối rối. Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều mà ông vẫn ao ước, nó khơi gợi một ý sáng tác. Ông muốn ghi lại hình ảnh anh thanh niên bằng nét bút ký họa. Giá trị của tác phẩm chính là ở chỗ nó phải truyền tải được hiện thực cuộc sống, phản ánh cuộc sống nên người nghệ sĩ như ông phải khó nhọc.

Có thể nói người họa sĩ có những quan niệm rất tiến bộ về nghệ thuật chân chính. Ông là người lao động nghệ thuật thực thụ, thích khám phá và sáng tạo.
Còn cô kĩ sư trẻ, có lẽ đây là lần đầu tiên cô lên miền núi xa xôi, biết được những điều chưa từng có trong sách vở nên khi gặp gỡ anh thanh niên , nghe anh nói về bản thân và những người khác khiến cô "bàng hoàng". Bàng hoàng vì cô khám phá thêm được những nét đẹp của những con người xung quanh cô, là cô đã hài lòng với những quyết định đúng đắn mà cô đã lựa chọn. Đó la sự bừng dậy của những tình cảm lớn lao, cao đẹp khi người ta gặp được những ánh sáng đẹp đẽ tỏa ra từ cuộc sống, từ tâm hồn người khác.

Nhân vật bác lái xe chính là người mở đầu cho câu chuyện và là nguyên cớ để các nhân vật chính có thể được gặp nhau. Bác lái xe có lời giới thiệu đặc sắc, hấp dẫn, khơi dậy được trí tò mò trong lòng ông họa sĩ và cô kĩ sư.

Nét nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm chính là chất trữ tình. Nó toát lên từ những trang tả phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng của núi rừng Sa Pa qua cái nhìn của họa sĩ, toát lên từ vẻ đẹp của cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên trong cuộc gặp gỡ tình cờ của ba nhân vật, nhưng để lại dư vị trong lòng mỗi người.

Sen Biển( sưu tầm)
 
Sửa lần cuối:
Câu hỏi trắc nghiệm về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

Câu 1: Trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn không đặt tên cụ thể cho nhân vật là vì :


• A. Cuộc gặp của các nhân vật trong truyện quá bất ngờ, vội vã, không cần xưng tên

• B. Nhà văn muốn nói họ chẳng là ai nhưng lại là tất cả.

• C. Chi phối cách viết truyện : họ là những con người vô danh, sống đẹp có mặt ở khắp nơi.

• D. Cần tìm một hướng lí giải khác.

Câu 2: Tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa được viết theo thể loại nào?

• A. Truyện dài

• B. Tiểu thuyết

• C. Truyện ngắn

• D. Tùy bút

Câu 3: Chuyện Lặng lẽ Sa Pa có nhân vật chính là ai?

• A. Ông họa sĩ

• B. Cô kĩ sư

• C. Bác lái xe

• D. Anh thanh niên

Câu 4: Thử thách lớn nhất đối với anh thanh niên là gì?

• A. Thời tiết khắc nghiệt

• B. Công việc vất vả, nặng nhọc

• C. Cuộc sống thiếu thốn

• D. Sự cô đơn, vắng vẻ

Câu 5: Cốt truyện của Lặng lẽ Sa Pa là gì?

• A. Cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư với anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa

• B. Cuộc nói chuyện thú vị giữa người lái xe lên Sa Pa với cô kĩ sư và ông họa sĩ già

• C. Anh thanh niên làm công tác trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa tự kể về cuộc đời mình

• D. Cuộc gặp gỡ giữa những người đang sống và làm việc trên đỉnh Yên Sơn thuộc Sa Pa nhưng trước đó chưa biết về nhau

Câu 6: Truyện Lặng lẽ Sa Pa chủ yếu được kể qua cái nhìn của ai?

• A. Tác giả

• B. Anh thanh niên

• C. Ông họa sĩ già

• D. Cô gái

Câu 7: Dòng nào nói đúng nhất điều mà NguyễnThành Long ca ngợi trong “Lặng lẽ Sa Pa” ?

• A. Vẻ đẹp của anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh Yên Sơn

• B. Vẻ đẹp của anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét

• C. Vẻ đẹp của bác kĩ sư nghiên cứu giống su hào

• D. Vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng

Câu 8: Trong tác phẩm, anh thanh niên chủ yếu được tác giả miêu tả bằng cách nào?

• A. Tự giới thiệu về mình

• B. Được tác giả miêu tả trực tiếp

• C. Hiện ra qua sự nhìn nhận, đánh giá của các nhân vật khác

• D. Được giới thiệu qua lời kể của ông họa sĩ già

Câu 9: Câu “Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu” có tác dụng gì?

• A. Giới thiệu hoàn cảnh sống của anh thanh niên

• B. Giới thiệu công việc của anh thanh niên

• C. Giới thiệu cảnh sống của anh thanh niên

• D. Giới thiệu đặc điểm khí hậu, thời tiết của Sa Pa

Câu 10: Ý nào sau đây không đúng khi nói về cảm hứng âm vang từ Lặng lẽ Sa Pa mang lại

• A. Nơi nghỉ mát và đầy cảm hứng nghệ thuật.

• B. Sa Pa không hề lặng lẽ bởi âm vang tình người

• C. Nơi những con người âm thầm cống hiến mà không đòi hưởng thụ.

• D. Âm vang từ cuộc gặp, nảy nở một tình yêu lứa đôi

Câu 11: Vấn đề “thèm người” của anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa có thể hiểu là gì ?

• A. Đây là con người hết sức cô đơn.

• B. Đây là con người tình cảm.

• C. Một chi tiết “giật gân”.

• D. Một chi tiết thừa .

Câu 12: Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của NguyễnThành Long có sự kết hợp của các phương thức biểu đạt nào ?

• A. Tự sự , trữ tình , bình luận , miêu tả

• B. Tự sự , bình luận , thuyết minh

• C. Tự sự , miêu tả , thuyết minh

• D. Tự sự , trữ tình , thuyết minh

Đáp án
Câu 1: C
Câu 2: C
Câu 3: D
Câu 4: D
Câu 5: A
Câu 6: C
Câu 7: D
Câu 8: C
Câu 9: B
Câu 10: A
Câu 11: B
Câu 12: A
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top