Dấu vết hậu hiện đại trong "Những đứa trẻ chết già" và "Thoạt kì thủy" của Nguyễn Bình Phương

DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG QUA NHỮNG ĐỨA TRẺ CHẾT GIÀTHOẠT KỲ THUỶ

Lê Minh Hiền
Đại học Khoa học Huế

1. Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học được sử dụng từ những năm 30 của thế kỷ XX và được vận dụng khá nhiều từ những năm 50, 60 trở đi. Phương thức biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại là cố gắng tiếp cận gần hơn nữa tính khách quan trong phản ánh hiện thực bằng sự cực hạn và ghép mảnh, tiến tới “độ không của lối viết” bằng cách trao lại nghĩa gốc cho ngôn ngữ, đả kích tính ước lệ trong ngôn ngữ như hiện tượng hoán dụ nhiều hơn ẩn dụ; có sự tan rã của cốt truyện…Chủ nghĩa hậu hiện đại đề xuất những đứt gãy không tuyến tính, tiếp nối của logic, “sự phá vỡ trật tự không gian, sự rỉ mòn của cảm thức về thời gian, việc sử dụng lối nhại văn tràn ngập và vô cớ, việc trải chữ lên bề mặt văn bản như những ký hiệu vật chất manh mún. Sự liên kết lỏng lẽo giữa các ý tưởng…”[ 4, tr238]. Nói tóm lại, chủ nghĩa hậu hiện đại đó là sự phá vỡ các khuôn mẫu đã định hình từ trước, cố gắng kiếm tìm một thực tại thuần khiết, tiến tới chấp nhận một thực tại hỗn tạp, đa chiều về một thế giới đa tầng. Tác phẩm hậu hiện đại là sự kết hợp của các mảnh độc lập tạo nên tính đa tâm điểm, có sự phân mảnh và liên văn bản. Đây là những kỹ thuật phổ biến để các nhà văn hậu hiện đại tạo nên lối trần thuật hỗn độn, chuyện kể như bị đứt mạch, đảo chiều, xé vụn một cách khác thường. Với cảm quan giải trung tâm, tiểu thuyết hậu hiện đại càng đào sâu thế giới đa chiều kích của cuộc sống cũng như tâm hồn con người.

2. Từ thập niên 80 của thế kỷ XX cho đến nay, trong sự vận động đổi mới và phát triển, văn xuôi Việt Nam đương đại, đặc biệt là tiểu thuyết đã tự mình dung nạp những yếu tố hậu hiện đại, thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm của Hồ Anh Thái, Thuận, Tạ Duy Anh và Nguyễn Bình Phương. Ở đó, các yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại đã được các nhà văn lựa chọn tiếp biến ở nhiều cách thức và mức độ khác nhau, nhưng hầu hết các tác giả trên đều có ý thức muốn làm mới thể loại tiểu thuyết bằng kỹ thuật lạ hoá như bút pháp nhại, nghịch dị, trò chơi ngôn ngữ…nhằm thể hiện rõ hơn tính chất phức tạp quay cuồng của trật tự đời sống, đó là sự bế tắc không lối thoát của con người, sự băng hoại về nhân cách đạo đức, sự đánh mất bản ngã, sự đau đớn bơ vơ và bất an của số phận con người trước thời cuộc; sự đảo lộn giữa thực và hư, giữa siêu nhiên huyền bí và đời thường…Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có tham vọng đi sâu vào các phương diện, các kiểu cấu trúc của chủ nghĩa hậi hiện đại trong tiểu thuyết của các nhà văn nói trên mà chỉ đi vào tìm hiểu dấu ấn hậu hiện đại trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, cụ thể là qua hai tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷNhững đứa trẻ chết già ở nghệ thuật huyền ảo và hiện thực phân mảnh.

3. Là nhà văn được xếp vào nhóm theo khuynh hướng hậu hiện đại, những tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương bắt đầu từ Bả giời (1991), Vào cõi (1991), Những đứa trẻ chết già (1994) …cho đến tiểu thuyết gần đây nhất là Thoạt kỳ thuỷ (2005) và Ngồi (2006) là những thể nghiệm về một lối viết riêng biệt, khác lạ từ cách tiếp cận nhân vật, xây dựng không gian thời gian, ngôn từ cho đến cách nhìn hiện thực của tác giả. Với cách viết riêng lạ này, tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương có thể xem là sự tích hợp phong phú nhiều trạng thái tư duy nghệ thuật của tiểu thuyết hiện đại và đương đại thế giới để từ đó đúc kết tạo nên một kiểu tư duy độc đáo Nguyễn Bình Phương. Phải thừa nhận rằng, đọc và hiểu được tác phẩm của Nguyễn Bình Phương là rất khó, tiểu thuyết của ông vì thế cũng rất kén chọn độc giả. Các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương như Thoạt kỳ thuỷ, Ngồi …dường như không đem đến cho người đọc một sự khoái cảm dễ dãi thường thấy như ở các tiểu thuyết khác mà nó thường bắt người đọc phải trăn trở, suy tư, nghiền ngẫm để rồi từ đó mới tìm được sự thoả mãn và những ẩn nghĩa sau một quá trình vật lộn với sự đọc. Đây cũng chính là nét khác biệt của tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương và các cây bút văn xuôi hiện nay.

Biểu hiện rõ nhất trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương là sự đan cài, lồng ghép giữa các yếu tố ảo- thực- đời thường, nội tâm- hành động, thiện- ác…Thoạt kỳ thuỷ, Những đứa trẻ chết già là hai trong số nhiều tiểu thuyết của tác giả thể hiện rõ nhất tư duy hậu hiện đại với hiện thực phân mảnh và yếu tố huyễn ảo. Các nhân vật luôn mang trong mình một tâm trạng hoang mang, dằn vặt, đổ vỡ, lạc lõng với thế giới xung quanh và ngay cả với chính mình. Tất cả như phơi bày trước mắt một thực tại hỗn độn với những cơn ác mộng chập chờn luôn rình rập bủa vây và những ảo giác siêu thực.

Nội dung tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ Những đứa trẻ chết già tuyệt nhiên không đề cập đến những vấn đề lớn lao trọng đại của hiện thực đời sống, những hình tượng kỳ vĩ, hay là những gào thét về những vấn đề đương đại mà chỉ giản đơn là những hình ảnh và những nhân vật rất bình thường, giản dị như: hình ảnh của một con cú trôi dọc triền sông, là giấc mơ của kẻ điên loạn (trong Thoạt kỳ thuỷ), hay là những biến cố xung quanh ngôi làng nhỏ bé Linh Nham (trong Những đứa trẻ chết già). Ở đó, các nhân vật như những kẻ mộng du mải mê bị cuốn đi trong cuộc đua tìm kho báu, đến khi sực tỉnh nhìn lại thì hiện hữu quanh họ chỉ còn là sự chết chóc, hoang tàn, là sự đau khổ tột cùng và bức bí đến nghẹt thở.

4. Hiện thực phân mảnh trong Thoạt kỳ thuỷ được Nguyễn Bình Phương dựng lên đặc biệt gây ấn tượng cho người đọc. Nó dường như bị xé lẻ, cắt vụn, bấu vá vào nhau. Các nhân vật quay cuồng vật vã trong niềm ẩn ức riêng không lối thoát. Hiền- chưa một lần được làm vợ thực sự, cô luôn chao đảo giữa một bên là niềm khát khao cháy bỏng bản năng của tuổi thanh xuân luôn thôi thúc thiêu đốt tâm can, còn một bên là sự ràng buộc nghiệt ngã, là bổn phận làm vợ với kẻ tâm thần vô cảm. Tính- một kẻ điên chỉ biết sống trong thế giới hoang tưởng, vô thức. Được ví như một “thanh gươm không vỏ”, Tính chỉ chực đâm chém, giãy giụa, la hét, đặc biệt thích máu và sự chết chóc. Hưng- thương binh cụt tay sống tàn tạ, vật vờ. Liên- chìm đắm trong chuỗi ngày buồn lê thê bên cạnh người chồng như không tồn tại. Phùng, Khoa, Phước, Nheo... chìm ngập trong vũng lầy, trong những ẩn ức khó giải bày, trong những trói buộc đeo bám vô hình của cuộc sống, trong những khát khao cháy bỏng không cất nổi thành lời. Cách dựng lời thoại trong Thoạt kỳ thuỷ cũng thể hiện rõ hiện thực phân mảnh. Lời thoại rời rạc, đứt đoạn không ăn nhập vào nhau và phi logic. Hãy lắng nghe lời thoại giữa Tính và Hiền : …

- Bố anh có còn gặm chén không?

- Mắt chó vàng như trăng!

- Em về đây!

Tính nuốt nước bọt:
- Dạo ấy nhà em cháy to nhỉ? [2, tr36]

Lời thoại trên dường như chỉ thu mình trong thế giới riêng của nó. Không chỉ có lời thoại mà các đoạn văn ngắn miêu tả về Tính và Hiền cũng là những hình ảnh được nhặt nhạnh, lắp ghép, xâu chuỗi thành những mảnh đứt gãy không kém: “ Trăng rơi u u, miên man, rên xiết. Tính vùng dậy, xô cửa ra sân, nhặt đá đáp lên trời. Tính đáp điên cuồng… Nó đấy. Lạnh. Mắt chó vàng như trăng. Lại sáng. Nó dội lên bao nhiêu nước… Bố còn gặm chén, không ai hiểu được. Hiền cầm rau vừng tung cho lợn. Lợn cười thành trăng. Lạnh lắm mẹ ạ…” [ 2, tr 26] . Với lời thoại và đoạn văn trên người đọc có cảm nhận như nhà văn không có ý muốn thiết lập lại các mối quan hệ, cũng không có ý muốn sắp xếp lại thế giới đổ nát mà chấp nhận sự rời rạc tồn tại tự nhiên như là hệ quả tất yếu của đời sống hiện thực. Ở tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, Nguyễn Bình Phương thể hiện thực tại phân mảnh theo kiểu cấu trúc vòng xoáy ốc. Ở đây, các mạch truyện được móc nối, đan xen theo hai mạch chạy song song cho đến cuối tác phẩm thì lại nhập làm một. Mạch thứ nhất được thiết lập riêng bởi các chương, là câu chuyện về làng Phan với những số phận và tính cách méo mó như Cung rỗ, Bồi còng, Nguyện goá, Bào Mù, Bính chuột… tất cả xoay quanh hai nhân vật trung tâm là ông Trình và đại gia đình Trường hấp. Tất cả dường như không có cử chỉ thương yêu, thiện cảm, thân tình mà là sự hằm hè, rình rập, chực chờ nuốt gọn lẫn nhau chỉ bởi tất cả bọn họ đều muốn hướng tới việc giành giật kho báu bí ẩn sẽ được mở khi ba cái chết, con nghê và sao chổi đến cùng một lúc. Mạch thứ hai kể về cuộc hành trình không có điểm khởi đầu, không có đích đến của bốn người không quen biết trên một chiếc xe trâu ỳ ạch lê bước. Mỗi người tự mình theo đuổi trong đầu một ý nghĩ và sự suy tính riêng. Tất cả được thể hiện qua những lời thoại rời rạc, đứt gãy, đan xen với nhau là những hình ảnh quá khứ, hiện tại chắp nối khó hiểu đến mức không thể tái hiện được dòng suy tưởng của họ. Đôi chỗ, dòng suy tưởng của nhân vật “ông” mới được thể hiện khá rõ nét với những bi kịch đau đớn khó lý giải trong cuộc đời. Hai mạch truyện chạy song song trong cùng một tiểu thuyết tưởng chừng như không có điểm dừng và không có liên hệ với nhau, nhưng đến cuối tác phẩm nó lại quy tụ về một điểm (trên quả đồi bên cầu sông Linh) để thực hiện chặng cuối của cuộc hành trình trong thù hận, thanh toán và kết liễu lẫn nhau. Hoá ra, trong suốt cuộc đời với hành trình dài đằng đẵng, gần hai mươi con người gặp nhau trong một trận đồ bi hài kịch do chính họ tạo ra để rồi cái họ nhận lấy chỉ còn là đắng cay, tủi nhục, bàng hoàng và cuối cùng là sự lặng câm trong tiếc nuối. “Gió mạnh dần, sau đó thốc tháo, cây cối ngã rạp xuống. Bầu trời nghiêng bên nọ ngả bên kia. Nước sông Linh Nham bốc khói ngùn ngụt sóng vỗ vào chân cầu oàp oạp” [1,tr228]. Cảnh làng Linh Nham hiện ra thật im lìm, sầu thảm thê lương, nhuốm một màu tang tóc, ma mị. Nó như cảnh một làng quê bị quên lãng, chỉ có tiếng động của tiếng đập đá là dội lên chát chúa. Bằng nhiều mạch truyện, Nguyễn Bình Phương đã tạo cho mình lối đi thoáng đãng, nhiều điểm nhìn soi chiếu để tiếp cận hiện thực đa chiều, từ đó tạo sự tự do thoải mái cho độc giả khi bước vào thế giới tiểu thuyết của mình. Từ mạch truyện theo kiểu vòng xoáy ốc này đã mở ra một quan niệm mới trong khâu sáng tác và tiếp nhận của tác giả, đó là xem người đọc giữ vai trò then chốt trong việc khám phá, bóc tách các lớp nghĩa của tác phẩm còn nhà văn chỉ là người giữ vai trò đứng sau quan sát. Đây là bước thể nghiệm làm mới văn chương đương đại của Nguyễn Bình Phương rất đáng để ghi nhận, đồng thời thể hiện rõ tính nhất quán trong quan niệm sáng tác của tác giả, đó là: “ không thích sự giả dối, lên gân, nhưng cái đa dạng trong văn chương là cần thiết. Đương đại là cái gì khốc liệt nhưng không nhất thiết phải dùng giọng văn gân guốc, nghiệt ngã. Điều quan trọng là ngửi hơi văn phải thấy được đó là văn chương của những năm 30, 60 hay 90, chứ không căn cứ vào sự kiện trong tác phẩm” [5, tr 3]

5. Yếu tố kỳ ảo trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương mang đậm màu sắc tâm linh và nó đã trở thành một công cụ đắc lực, hữu hiệu giúp tác giả chuyển tải ý tưởng của mình đến gần hơn với độc giả. Đến với tiểu thuyết Những đứa trẻ chết già, độc giả thấy Nguyễn Bình Phương luôn nhắc tới sự bí ẩn, hư hoặc của ngôi làng Linh Nham. Cảnh làng suốt ngày ngập tràn trong mùi hương trầm toả ra từ ngôi miếu thờ của dì Lãm, còn dưới gốc si già thì đêm đêm rì rầm tiếng nói chuyện của những hồn ma, thỉnh thoảng lại thấy bộ xương người hiện ra… “ Ngày mùng 7 tháng 6 giờ dậu, dân làng thấy trong đáy ao nhà Trường hấp bốc lên khí trắng hình con rắn; Ngày mồng 9 tháng đó, về phía tây có đám mây màu đỏ xuất hiện hình dáng không khác gì người đàn ông cụt đầu, tay cầm con dao quắm” [1; tr36]… Người trong làng thì đã quá quen thuộc và dửng dưng trước những hiện tượng ma quái này, họ sống chung xem đó là một phần tất yếu không thể khác đi, phải chăng vì thế mà con người nơi đây trở nên đầy phức tạp trong cách sống và nếp nghĩ. Sự bí ẩn, ghê rợn này cứ như từ một bóng ma vô hình nào đó quấn chặt, trì níu cái làng nhỏ bé ấy, mãi mãi không cho con người nơi đây thoát ra được từ ý nghĩ, thói quen, đời sống tâm linh. Sông Linh Nham thì đêm ngày gầm thét, thi thoảng người dân thấy sự trở mình của ngọn đồi mang hình dáng con nghê, và còn được thấy sự xuất hiện của sao chổi. Việc đưa thêm những đoạn vô thanh vào Những đứa trẻ chết già đã cho thấy sự đổi mới của tác giả trong cách tiếp cận các vấn đề huyễn ảo, đó là sự tỉnh lược biến thế giới hiện thực hỗn tạp thành thế giới linh ảo thể hiện về ý niệm dục vọng của con người. Con đường của chiếc xe trâu đồng nhất với hành trình tìm kho báu của con người đang sống trong cái bối cảnh không thời gian, không địa điểm. Có thể ở một kiếp trước nào đó họ là những kẻ thất bại và bây giờ, ở thế giới bên kia dù ý thức được sự phi lý của những dục vọng ấy nhưng họ vẫn phải gánh chịu hình phạt là tiếp tục cuộc hành trình tìm kho báu cho dù biết trước là sẽ không có gì. Sự lồng ghép giữa phần vô thanh và yếu tố huyễn ảo trong tác phẩm đã góp phần soi sáng chân thực nhất những dục vọng thấp kém và cái giả dối đang tồn tại trong mỗi con người, thực sự góp phần làm cho độc giả hiểu thêm phần hiện thực trong thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết đồng thời mở ra một bình diện khác về chiều sâu tư tưởng.

Tính chất triết luận của Những đứa trẻ chết già ngay trong cách đăt tiêu đề đến nội dung tác phẩm được tô đậm và trở thành ý hướng xuyên suốt tác phẩm, xoay quanh hàng loạt những nghịch lý đời người rồi kết tụ trong chiều sâu huyền thoại và mang tính quan niệm: thời gian thì không bao giờ suy chuyển, là vĩnh cửu, chỉ có đời người là thoáng chốc, là tạm bợ, con người ta chưa kịp lớn thì đã vội già, vì vậy hạnh phúc con người không phải là ở những khát vọng mà là ở sự nhận thức.Tiểu thuyết vì thế đã mang đến cho độc giả một cảm thức về thời gian và thân phận con người.

Thoạt kỳ thuỷ, Nguyễn Bình Phương tiếp tục đi sâu khai thác yếu tố huyền ảo ở những khía cạnh dị thường, chủ yếu là ở những toan tính, hiếu sát, thô tục, điên loạn như một hiện hữu bất thường của cuộc sống. Trong tiểu thuyết Thoạt kỳ thuỷ, Nguyễn Bình Phương đi từ bản thể con người đến bản thể đời sống, từ vấn đề sử dụng các yếu tố huyền ảo sang sử dụng các yếu tố vô thức nhằm mở rộng phương diện phản ánh. Hiện trạng trong tác phẩm được tác giả mô tả ở bờ vực của sự băng hoại về nhân cách. Cả cái xã hội làng Phan đang dần chạm đến ngưỡng hoại tử ở mọi phương diện cấu thành nên nó. Cái xã hội thu nhỏ đó được Nguyễn Bình Phương miêu tả ở cả hai chiều, từ cõi sống đến cõi chết, từ hữu thức đến vô thức, từ cõi âm đến cõi dương. Hiện lên trong tác phẩm không chỉ có nhân vật Tính bị điên mà hầu hết những con người ở làng Phan đều quay cuồng không khác gì những kẻ điên loạn. Các biểu tượng ám ảnh được sử dụng dày đặc nhằm để nhấn mạnh sự điên loạn, tha hoá phi nhân của con người, tất cả đều tập trung xoay quanh biểu tượng con cú - một loài vật sống hoạt động về đêm tượng trưng cho sự chết chóc, lạnh lùng, ác độc, và trong vòng xoáy của biểu tượng cú mèo ấy con người dần bị đẩy đến một xã hội tha hoá phi nhân tính. Hình ảnh con cú bay lên kéo dòng sông tuột khỏi đôi bờ bằng đôi móng sắc báo hiệu cho sự thắng thế của cái chết và sự huỷ diệt. Trong chiều sâu nhân bản, tác giả cố gắng đem đến cho người đọc một tia sáng đó là sự xuất hiện của ánh trăng song hành với biểu tượng con cú, ứng với nhân vật Tính, sự điên dại của Tính chính là biểu hiện của sự thức tỉnh giữa sự bao vây của cộng đồng vô thức luôn cho mình là hữu thức. Cái bi kịch của Tính là dùng cái điên của mình để chống chọi với cái điên chung của cả cộng đồng như là một biểu hiện của sự băng hoại. Tính chết trên ngưỡng của sự nhận thức và mang tính chất của sự tái sinh với hy vọng cái thiện, cái đẹp dù nhỏ nhoi nhưng sẽ dần nảy nở, lớn lên và sẽ lấn át cái ác đang ngự trị.

Càng đi sâu vào tác phẩm Những đứa trẻ chết giàThoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, người đọc càng như thấy cái thực và ảo, cái hữu thức và vô thức đan xen vào nhau như hoà làm một, khó tách bạch một cách rạch ròi, đòi hỏi cần được nhận thức. Tiểu thuyết thôi thúc người đọc phải suy ngẫm về cuộc sống nhân sinh, truyền thống, tương lai, giữa cái thật và cái giả, giữa cái thực và cái ảo và đặc biệt là phải suy ngẫm về chính mình. Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả, và là quan niệm của tác giả về hiện thực bởi vì cái quái đản, huyễn ảo từ lâu đã ăn sâu vào máu thịt và tồn tại một cách bền bỉ trong tiềm thức mỗi con người khó có thể lay chuyển. Những đứa trẻ chết giàThoạt kỳ thuỷ của Nguyễn Bình Phương có lắp ghép và xáo trộn các tầng bậc, chiều kích thời gian, không gian. Tư duy mảnh vỡ về thế giới hiện thực trong tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương được thể hiện qua cảm quan con người cô đơn đi tìm kiếm bản thể, con người vỡ mộng, thức tỉnh, hoài nghi, hoang mang đan xen giữa các yếu tố ảo và thực. Vì vậy tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương ít nhiều hàm chứa trong nó nhiều vấn đề của cảm thức hậu hiện đại, bước đầu đưa văn học Việt Nam tiến tới hoà nhập với văn học thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Bình Phương (2003), Những đứa trẻ chết già, NXB Văn học, Hà Nội.
  2. Nguyễn Bình Phương ( 2005), Thoạt kỳ thuỷ, NXB Văn học, Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Bình, “Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây”, Tạp chí Văn học, số 11/2005, trang 57.
  4. Richard Appignanesi - Chris Gattat, 2006, Nhập môn chủ nghĩa Hậu hiện đại - Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Sơn hiệu đính, NXB Trẻ.
  5. Vn Express, “Nguyễn Bình Phương tạo nét mới cho tiểu thuyết Việt Nam”, Báo Thể thao Văn hoá, ngày 11/10/2002.
  6. Phùng Gia Thế, “Dấuấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986”, Báo Văn nghệ, số ra ngày 18/2/2007.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top