• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Dấu tích Chăm Pa trong những ngôi tháp cổ

huyvietnamhoc

New member
Xu
0
Dấu tích Chăm Pa trong những ngôi tháp cổ

my-son-2.jpg
Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn tồn tại và lưu giữ rất nhiều ngôi tháp cổ mang phong cách của kiến trúc Phật giáo Chăm Pa.
Trải qua hàng ngàn năm, cùng những biến thiên của lịch sử và sự “khai phá” của thời gian, những ngôi tháp cổ này với những giá trị về kiến trúc, điêu khắc và trình độ xây dựng vẫn là một “bí ẩn” của nền văn minh hiện đại.
Đầu tiên là Di tích tháp Chiên Đàn nằm cạnh quốc lộ, xã Tam An, thành phố Tam Kỳ, gồm 3 tháp Bắc - Giữa - Nam đứng song song nhau theo trục Bắc- Nam. Tháp được xây vào cuối thế kỷ XI, hình dáng giống nhau, trên mặt bằng hình vuông, mái tháp từng tầng thu nhỏ vươn cao, thân không có hoa văn trang trí. Mỗi tháp có ba cửa giả và một cửa quay về hướng Đông.





24346832d92bd615.jpg

Tháp Chiên Đàn




Tại xã Tam Xuân, huyện Núi Thành cách TP Tam Kỳ chừng 1km theo hướng Tây Nam, có tháp Khương Mỹ. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo của dân tộc Chăm Pa. Cụm kiến trúc này gồm 3 tháp Chăm Pa truyền thống với mặt bằng gần vuông, mái tháp có ba tầng, trên đỉnh là chóp tháp làm bằng đá thạch sa. Tháp Khương Mỹ được xây vào khoảng đầu thế kỷ X, hoa văn trang trí theo môtíp nghệ thuật Khơ Me với nhiều cành lá cuốn vành ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Nhiều tác phẩm điêu khắc tìm thấy ở đây mang tính Vishnu nên Khương Mỹ được xem là một khu đền thờ thần Vishnu. Phần lớn hiện vật như đài thờ, tượng, phù điêu... được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chàm - Đà Nẵng. Các nhà nghiên cứu xếp chúng vào phong cách riêng, phong cách Khương Mỹ (giữa phong cách Đồng Dưong và phong cách Trà Kiệu).




2434684db07e025b.jpg

Tháp Khương Mỹ


Nằm cách TP cổ Hội An chừng hơn 15km, trên địa bàn huyện Điện Bàn, tháp Bằng An là tháp Chăm Pa duy nhất có mặt bằng hình bát giác tồn tại đến nay. Với chiều cao hơn 20m, không có trụ áp tường, cửa giả và hoa văn trang trí, chóp nhọn và thon. Nhìn từ ngoài vào, sẽ thấy tháp có dáng một Linga khổng lồ vươn cao biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của vũ trụ. Ngay cửa ra vào tháp là hai con Gajasimha đầu voi, mình sư tử bằng đá đứng sừng sững đón chào du khách đến tham quan. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm thì tháp Bằng An là một di tích có giá trị cao về mặt lịch sử liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm.


369729680_2420422386.jpg

Tháp Bằng An


Khu di tích văn hóa tháp Chăm thuộc thánh địa Mỹ Sơn nằm trong thung lũng sâu, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách TP Đà Nẵng khoảng hơn 70km về phía Tây Nam được học giả người Pháp M.C. Pa-ri phát hiện năm 1898. Đây là thánh địa Ấn giáo của Chăm Pa được xây dựng từ thế kỷ VII – XIII nhằm dâng tế thần Siva. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng đá, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chăm Pa và có thể sánh ngang với các di tích nổi tiếng vùng Đông Nam Á như Tháp Ăngco của Cam-pu-chia hay Bôrôbudua của In-đô-nê-xi-a...



my-son-2.jpg

Thánh địa Mỹ Sơn

Những gì còn lại của hệ thống các di tích, di vật này đã đặt ra nhiều câu hỏi cho thế hệ mai sau về sự tồn tại, phát triển rực rỡ và huy hoàng của vương quốc Chăm Pa xưa trên dải đất dọc miền Trung. Những ngôi tháp cổ này cho thấy sự sáng tạo đạt tới đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc của nền văn hóa Chăm Pa và chúng đã thực sự hồi sinh, trở thành bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật bí ẩn của nhân loại hôm nay, đang chờ nền văn minh hiện đại khám phá.
 
H

HuyNam

Guest
Tháp Bằng An

Tháp Bằng An thuộc làng Bằng An, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm trên đường 606, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 27 km về phía Nam.


Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An, vua Bhadravarman II cho xây dựng một đền thờ tên là Linga Paramesvara (thượng đế tuyệt đỉnh-một tên hiệu của thần Siva). Theo các nhà nghiên cứu thì tấm bia này được xây dựng vào khoảng năm 875 đến 977 CN.


Bằng An là ngôi tháp duy nhất có mặt bằng hình bát giác còn tồn tại đến nay (tháp Chánh Lộ ở Quảng Ngãi cũng có mặt bằng hình bát giác, nhưng đã sụp đổ từ lâu, không thể biết được hình dạng bên trên của nó).

Chiều cao hiện nay của tháp trên 20m, đế tháp khá cao, thân tháp là một hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần tiền sảnh khá lớn, cửa ra vào ở hướng Đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa ra vào phụ. Tường tháp bằng phẳng, không có cửa giả, không có trụ ốp tường và hoa văn trang trí. Ở phần chân tường có các đường gờ kỷ hà loe dần ra tiếp xúc với phần đế tháp, trên đỉnh tường cũng được xây những đường gờ kỷ hà loe dần ra đỡ lấy vòm mái hình chóp, gồm 8 mái cong thu nhỏ dần và nhọn ở trên đỉnh. Trên các đường gờ dọc theo mái tháp còn để lại dấu vết của những vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch. Chóp tháp đã bị rơi mất.

Trước đây phần tiền sảnh bị hư hại nặng, được Công chánh Pháp trùng tu vào năm 1940, hai cửa phụ ra vào ở 2 bên tiền sảnh bị biến thành 2 cửa sổ.

Bên ngoài tháp hiện nay còn 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch, chiếc vòng lục lạc của Gajasimha Bằng An giống như vòng lục lạc của Gajasimha Chánh Lộ và Chiên Đàn, bộ lông gáy được cách điệu, các móng chân được thể hiện rõ, chiếc vòi ngắn và cong lên.

Dựa vào 2 pho tượng Gajasimha thuộc phong cách Chánh Lộ và mặt bằng của tháp Bằng An có hình bát giác như tháp Chánh Lộ, J.Boisselier đã định niên đại tháp Bằng An ngang với Chánh Lộ (thế kỷ XI).

Một số nhà nghiên cứu khác cho rằng kiểu thân tháp có hình trụ bát giác giống như những chiếc cột lớn bằng gạch hình bát giác ở di tích Đồng Dương và Pô-Nagar, do đó niên đại của tháp khoảng cuối thế kỷ IX-đầu thế kỷ X, còn 2 tượng Gajasimha được dựng vào thế kỷ sau, khi tháp vẫn còn là nơi thờ thần Siva.

Theo ý kiến chúng tôi, hình dáng bên ngoài của tháp Bằng An giống như chiếc Linga khổng lồ, đó chính là Linga Paramesvara mà vua Bhadravarman II đã cho xây dựng vào cuối thế kỷ IX, có thể tháp đã được tu sửa đôi lần, nhưng về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu.

Theo khảo tả và bản vẽ của H.Parmentier, trước đây trong khu vực này còn dấu vết nền móng của 2 kiến trúc phụ nhỏ, một ở phía Tây Nam, một ở phía Đông Bắc tháp chính, nhưng ngày nay dấu vết của 2 kiến trúc phụ này đã bị biến mất vì lũ lụt.



 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top