Đào tạo giáo viên ở ĐBSCL: Thiếu qui hoạch mang tính chất vùng

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Kỳ 1: Còn mãi chuyện thiếu - thừa

Hiện nay, công tác đào tạo giáo viên(GV) ở ĐBSCL đã có sự chuyển biến tích cực, về cơ bản tình trạng thiếu GV không còn. Tuy nhiên, chính sự phát triển GV ồ ạt bằng nhiều hình thức mà không có định hướng cụ thể, nên ngành giáo dục ĐBSCL vẫn đang có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng: thừa nhưng vẫn thiếu GV!

GV trẻ: long đong tìm chỗ dạy…


Chị Hà Ngọc T., ở huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ ngành Anh văn, niên khóa 1999-2003. Sau hơn hai năm tìm việc tại các trường THPT của TP. Cần Thơ không được, chị đành bỏ lên TP.HCM làm việc cho một công ty nước ngoài. Chị nói: “Tôi thích làm GV từ nhỏ nên đã cố gắng theo học sư phạm và tôi không đắn đo ký cam kết sẽ đi dạy sau khi tốt nghiệp. Nhưng khi cầm tấm bằng sư phạm trong tay, đến trường phổ thông nào người ta cũng nói đã dư GV Anh văn. Mấy người bạn của tôi nộp hồ sơ vào Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, chờ phân công cũng không thấy ai gọi. Sợ vi phạm cam kết, chúng tôi không dám tìm việc khác, nhưng mòn mỏi suốt hai năm vẫn không được gì nên đành bỏ nghề. Đây là quyết định hết sức khó khăn đối với chúng tôi”.

Công bằng mà nói, thời điểm chị T. tốt nghiệp là lúc GV Anh văn ở TP. Cần Thơ đang trong tình trạng thừa. Do thiếu qui hoạch cụ thể nên sau một thời gian đào tạo ồ ạt, Anh văn lại trở thành môn có số lượng GV đông nhất. Tương tự, chị Nguyễn Thị H., ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ, tốt nghiệp CĐ Sư phạm ngành giáo dục công dân đã ba năm nay nhưng vẫn chưa tìm được chỗ dạy. Nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chờ mãi vẫn không ai gọi. Chị ngậm ngùi nói: “Lúc đầu, tôi nghĩ học sư phạm không tốn học phí sẽ đỡ cho gia đình. Giờ thất nghiệp, ăn bám cha mẹ, tốn kém và lãng phí thời gian còn hơn gấp bội!”.

Học ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Cửu Long và tốt nghiệp vào thời điểm ngành giáo dục đưa môn tin học vào chính khóa, nên Nguyễn Văn T., quê ở Cà Mau, quyết định học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm của Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ, với hy vọng được đi dạy. Thế nhưng, khi T. cầm tấm bằng đại học và chứng chỉ sư phạm xin vào dạy tại một trường phổ thông ở gần nhà thì không được tiếp nhận dù trường này chưa có GV tin học. T. nuôi hy vọng chờ đợi gần 2 năm nhưng không thấy thông tin gì nên quyết định đi làm nơi khác.

Thực tế những trường hợp vừa nêu hiện nay không ít và hầu như ở tỉnh nào của ĐBSCL cũng có. Theo quy định, hầu hết những sinh viên học sư phạm tốt nghiệp ra trường muốn có chỗ đứng trên bục giảng đều phải chờ 2-3 năm, đến khi không được tiếp nhận thì mới chọn việc khác.

Cũng không ít người dù theo học sư phạm các môn: địa lý, giáo dục công dân, lịch sử… nhưng đành phải chấp nhận làm việc tại các văn phòng xã, thị trấn; nhân viên thông tin… Đơn cử trường hợp Nguyễn Thị L., ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ. Tốt nghiệp CĐ Sư phạm ngành giáo dục công dân, sau thời gian 2 năm ở nhà, chịu không nổi, chị phải xin vào làm tại UBND xã.

Tình trạng thiếu GV vẫn còn tồn tại


Nếu như lực lượng GV ở nhiều bậc học bị thừa thì GV mầm non tại ĐBSCL lại thiếu trầm trọng. Hầu hết các tỉnh, thành ở ĐBSCL đều lâm vào cảnh này, nơi thiếu ít từ 300-400 GV, nơi thiếu nhiều lên tới 600-700 GV. Tuy là thành phố trực thuộc trung ương, nhưng TP. Cần Thơ còn thiếu gần 400 GV mầm non; bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng thiếu hơn 600 GV mầm non… Nguyên nhân là do trong một thời gian dài, các tỉnh, thành không quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo GV ở bậc học này để đáp ứng nhu cầu trẻ mầm non, mẫu giáo ra lớp ngày càng nhiều. Mặt khác, làm GV mầm non cực hơn so với các bậc học khác nhưng thu nhập lại thấp nên khó thu hút. Theo dự báo của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, trong những năm tới, tình trạng thiếu GV mầm non lại càng trầm trọng hơn khi các tỉnh, thành ở ĐBSCL thực hiện phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.

Tình trạng thiếu GV một số bộ môn ở các trường phổ thông cũng đang ở mức báo động. Năm học 2009-2010, Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ), thiếu 22 GV các môn: toán, Anh văn, sinh học, hóa học… nhưng chỉ tuyển được 2 GV (đợt 1). Điều bất hợp lý là một số giáo sinh xin việc, được trường đồng ý nhưng khi hồ sơ nộp về Sở GD-ĐT lại không được phân công. Một nguyên nhân khác là do không ít người ngại khó, ngại khổ khi về các trường vùng sâu, vùng xa. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai cho biết: “Có một GV đến tận trường nộp quyết định, hỏi thăm lương bổng, các đãi ngộ đối với vùng ven, tình hình làm thêm…, sau đó không quay lại nữa. Thì ra, người này cho rằng điều kiện như thế không đủ sống nên bám lại thành phố làm thêm, chờ xin vào một trường trung tâm”.

Có thể nói, mức lương GV mới ra trường không đủ sức thu hút người về vùng sâu, nhất là với những GV có chuyên môn tốt. Cũng có không ít người chấp nhận về các trường vùng sâu, nhưng sau một thời gian “đủ lông đủ cánh” thì lập tức “bay” về các trường trung tâm. Vòng luẩn quẩn này vẫn cứ tiếp diễn chưa có lời kết.

Tình trạng thiếu GV cũng diễn ra ở các môn không có nguồn đào tạo như: kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, tin học… hoặc do đào tạo không kịp so với nhu cầu như: giáo dục quốc phòng, thể dục… TS. Võ Văn Thắng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH An Giang chia sẻ: “Năm 2009, trường phải bỏ hai ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp và nông nghiệp vì không tuyển đủ sinh viên để mở lớp. Trong khi đó, đây là 2 ngành mà Sở GD-ĐT tỉnh An Giang... đặt hàng do các trường phổ thông đang thiếu GV. Năm 2010, trường lại tiếp tục chiêu sinh nhưng chưa biết có tuyển đủ không”.

Bảo Ngọc - Báo GDTĐ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top