Đặc trưng thi pháp truyện thần thoại

Chị Lan

New member
Truyện thần thoại Việt Nam là tập hợp những truyện kể dân gian về các vị thần, các nhân vật anh hùng, các nhân vật sáng tạo văn hóa, phản ánh quan niệm của người thời cổ về nguồn gốc thế giới và đời sống con người.


1. Hiện thực và tưởng tượng trong truyện thần thoại

Hiện thực trong truyện thần thoại là hiện thực của các hiện tượng và hoạt động của tự nhiên. Tưởng tượng trong thần thoại chính là niềm tin thơ ngây của người nguyên thuỷ về đặc điểm của loài vật và sự hoạt động của chúng. Hiện thực trong thần thoại cũng là hiện thực kì ảo.

Hoạt động và đặc điểm của sự vật và hiện tượng tự nhiên được nhìn dưới màu sắc hoang đường, kì vĩ. Vai trò và hoạt động của các vị thần tự nhiên là hệ quả của sự tưởng tượng rằng thế giới này mọi vật đều có hồn và đáng sợ. Nguyên liệu hay nói cụ thể hơn là hiện thực tự nhiên thời nguyên thuỷ đã chắp cánh cho sự tưởng tượng. Thiên nhiên thời thần thoại kì vĩ và hoang sơ đến ghê sợ khiến con người với trình độ khoa học thấp kém không thể lý giải nổi. Họ chỉ biết tôn sùng thành thần thánh. Nhưng thần hoạt động như thế nào thì không ai biết nên người nguyên thuỷ đành lấy bản thân mình ra, tô vẽ thêm một màu sắc hoang đường, kết quả thành một vị thần mà hoạt động của thần vừa mang đặc điểm hoạt động của một hiện tượng tự nhiên vừa mang hoạt động của con người. Fontenelle đã giải thích sự xuất hiện các hình tượng huyền thoại (các vị thần) ở người nguyên thuỷ như sau: “trong khi muốn tìm đến tận ngọn nguồn nguyên nhân của những hiện tượng tự nhiên khó hiểu, họ đã cung cấp cho những hiện tượng này những đặc tính người, cường điệu chúng và qui cho chúng những phẩm chất kì diệu” (Dẫn theo E.M.Meletinsky: Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.3). Bản thân nhân vật thần thoại là phi hiện thực nhưng chất liệu xây dựng nên nó lại là hiện thực. Những điều tưởng tượng trong thần thoại bắt nguồn từ hiện thực. Hình thức sơ khai của thần thoại là thần thoại suy nguyên vũ trụ, lý giải vũ trụ do đâu mà có. Sau khi vũ trụ đã hình thành xã hội của thần thánh thì tiến đến bộ phận thần thoại suy nguyên các hiện tượng tự nhiên gắn liền với sùng bái các vị thần thiên nhiên. Meletinsky khi bàn về tính chất phản ánh hiện thực của huyền thoại cho rằng: “Phản ánh hiện thực trong các huyền thoại bị chế định bởi hiện tượng: bất kỳ một huyền thoại nào cũng đều là một hệ thống biểu tượng ngầm ẩn nào đó” (Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.222). Biểu tượng trong thần thoại chính là hệ thống các thần mang những đặc trưng văn hoá bộ lạc. Vậy, thần mang biểu văn hoá của bộ lạc.

2. Cốt truyện thần thoại

Cốt truyện thần thoại đơn giản, ngắn gọn. Câu truyện xoay quanh một nhân vật thần, tập trung miêu tả, kể về hành động của nhân vật thần như Thần Trụ Trời, thần Biển, thần Mưa, thần Gió...Những truyện có hai nhân vật trở lên đều có dáng dấp của truyền thuyết và sử thi. Đa số truyện thần thoại, cốt truyện tập trung lý giải các hiện tượng thiên nhiên qua việc chú trọng miêu tả hành động của thần. Hành động và cốt cách của thần mang đặc điểm của hiện tượng tự nhiên mà thần thể hiện. Cốt truyện tập trung xây dựng nhân vật chính.

3. Đặc trưng nhân vật thần thoại

Nhân vật thần thoại là thần. Một trong những yếu tố tạo nên màu sắc hoang đường trong thần thoại là nhân vật thần. Đa số thần có nguồn gốc từ thiên nhiên như: thần Trụ Trời, thần Mặt Trăng, thần Mặt Trời, thần Mưa, thần Núi, thần Gió, thần Biển...Đây là lớp thần thoại đầu tiên, thần thoại suy nguyên. Từ một hiện tượng thiên nhiên suy ra nguồn gốc thần do đâu, từ đâu. Bế tắc trong việc lý giải các hiện tượng thiên nhiên vì trình độ ấu trĩ, hiểu biết thế giới còn non nớt, ngây thơ nên người nguyên thủy cho tất cả các hiện tượng thiên nhiên mà họ luôn vừa kinh ngạc vừa khiếp sợ bắt nguồn từ hành động của thần thánh. Lý giải điều này Ăng Ghen đã viết: “Cơ sở của mọi sự nhận định sai lầm ấy về thế giới tự nhiên, về sự cấu tạo ra bản thân con người, về quỷ thần, về những thế lực mầu nhiệm...thường thường chỉ là một yếu tố kinh tế tiêu cực mà thôi: tức là trình độ kinh tế thấp kém của thời kỳ tiền sử thì đẻ ra những nhận định sai lầm về thiên nhiên”(1)

Để xây dựng nhân vật thần thoại, biện pháp chủ yếu của người nguyên thủy là thần thánh hóa và nhân cách hóa các hiện tượng tự nhiên. Đây là biện pháp nghệ thuật “Vô ý thức” bắt nguồn từ thế giới quan thần thoại, nghĩa là thế giới quan thần linh. Người ta cho tất cả mọi vật, mọi hiện tượng trong thiên nhiên đều có hồn, có thần. Ít nhiều nhân vật thần cũng có dáng dấp, tính cách lấy từ khuôn mẫu con người. Thần Trụ Trời tạo ra vũ trụ bằng chính sức lao động: Đào đất đá đắp cột chống trời. Thần Mặt Trăng thì tính tình nóng nảy lại hay sà xuống dòm ngó hạ giới. Mặt Trời đi kiệu có người khiêng, khi nào người khiêng là thanh niên thì hành trình thần chậm hơn vì thanh niên có tính hay chơi đùa, la cà dọc đường...khi nào khiêng kiệu là người đứng tuổi thì hành trình của thần nhanh hơn vì họ không làm phí thì giờ dọc đường. Ðđy lă lớp thần thoại suy nguyên về các hiện tượng thiên nhiên.

Nhân vật thần thoại có hình dạng và hành động phi thường. Hình dạng của nhân vật thần mang tầm cỡ vũ trụ. Lớp nhân vật thần thoại có nguồn gốc thiên nhiên vũ trụ không có hình hài rõ ràng, vô hạn định. Hành động của thần thì biến hóa khôn lường, đi mây về gió, thoắt biến thoắt hiện. Hành động của thần là nguyên do của các hiện tượng thiên nhiên. Hành động đó vừa có yếu tố thực, vừa có yếu tố hoang đường. Yếu tố thực là lấy các hoạt động của con người, của thiên nhiên để miêu tả hành động của thần. Yếu tố hoang đường là màu sắc thần thánh, là cách lý giải ngây thơ về các hiện tượng thiên nhiên và xã hội.

Tên nhân vật và màu sắc thần thoại người Việt đã bị Hán học hóa và Nho giáo hóa. Trong dân gian gọi là ông trời(1) thì đã bị biến thành tên Ngọc Hoàng, là tên Hán- Việt. Trong khi đó, thần thoại các dân tộc, tên nhân vật vẫn được gọi theo ngôn ngữ của họ.

4. Không gian thần thoại

Không gian thần thoại là không gian vũ trụ, khó xác định cụ thể kích cỡ, nơi chốn, vị trí. Trong thần thoại có ba không gian chủ yếu: không gian trên trời, không gian mặt đất, không gian dưới nước, chia thành ba cõi: cõi trời, cõi đất và cõi nước, không nói tới cõi âm phủ, mãi cho đến thể loại cổ tích mới có. Tuy nhiên ba cõi không gian đó cũng không phải là cố định, ngăn cách thành ba thế giới riêng biệt mà nó luôn biến chuyển, hòa nhập với nhau. Các thần dù được phân chia cai quản các cõi cụ thể nhưng khi cần thì thần trên trời xuống hạ giới làm nhiệm vụ như thần Thiên Lôi, thần Mưa...Hoặc thần ở dưới cõi nước vẫn lên cõi đất để lấy tài sản, khoáng sản như thần nu?c. Các thần, người, vật ở cõi đất khi cần cũng có thể lên trời như thần Thổ Công, con Cóc, Cua...để làm nhiệm vụ hoặc đấu tranh. Cõi đất là nơi trung tâm của vũ trụ, chốn giao lưu đi về của các thần.

Cõi trời bao la đã đành nhưng cõi đất, cõi nước cũng khó giới hạn. Thần núi ngự trị ở cõi đất nhưng ở núi nào cũng có thần. Thần Biển là con Rùa to lớn nằm dưới đáy biển nhưng biển cũng mênh mông. Tuy là vô biên nhưng đối với thần thì có giới hạn. Các thần ở dưới mặt đất hoặc trên trời, thoắt một cái là đến nơi. Thần Thủy Tinh, Hà Bá...có thể dễ dàng lên mặt đất. Tuy nhiên thần Nước không bao giờ lên được cõi cai quản của thần Núi hoặc cõi trời. Cõi đất và cõi nước tuy gần nhau nhưng có giới hạn, ngăn cách còn cõi đất và cõi trời hoặc cõi trời với cõi nước thường dễ dàng xâm nhập lẫn nhau. Thần Mưa đem vòi rồng xuống hút nước ở cõi nước. Thần Thiên Lôi xuống cõi đất thường xuyên, thần Thổ Công lên trời vào dịp cuối năm. Trong khi thần nước chỉ lên được mặt đất chứ không chiếm lĩnh được không gian của cõi đất, (Thần Nước không bao giờ lên chiếm được nơi trú ngụ của thần Núi).

Không gian chiều dọc trong thần thoại thể hiện sự xâm nhập củacác vị thần trên trời xuống mặt đất và từ mặt đất lên trời như thần mưa, thần sét, thần thổ công. Nhưng không gian này biểu hiện trong thần thoại suy nguyên là biểu hiện của sự phân đôi vũ trụ, tạo thành hai khối đối lập phần trên và phần dưới: trời trên và đất dưới bằng cái cây vũ trụ trong nhiều thần thoại của các nước. Ở thần thoại Việt, cây vũ trụ được biểu hiện bằng cột vũ trụ, thần Trụ Trời đã tạo nên cột chống trời để phân đôi trời đất.

5. Thời gian thần thoại

Thời gian trong thần thoại cũng không xác định. Thời gian vĩnh hằng. Các truyện không chỉ ra vào thời gian nào, chỉ biết thuở xưa, thuở mới khai thiên lập địa. Nhưng thuở khai thiên lập địa là vào khi nào rồi kết thúc ra sao, thần thoại không nói rõ bởi lẽ thế giới thần là thế giới của vĩnh hằng. Thần không có tuổi, không biết thần sinh ra khi nào. Thần không bao giờ chết. Theo Meletinsky thì “Thời đại của huyền thoại là thời đại của các vật thể và hành động đầu tiên…Do tính chất nguyên hợp của tư duy huyền thoại mà quá khứ trong huyền thoại được coi là khởi nguồn vạn năng…Huyền thoại nguyên thuỷ thường là truyện kể về quá khứ, còn quá khứ thì lại là cội nguồn của mọi thực thể trong hiện tại…Quan niệm về chu kì tự nhiên trong huyền thoại nguyên thuỷ thật sự phụ thuộc vào sự phân đôi quá khứ sáng tạo xa xôi và hiện tại bất động…Mô hình chu kì thời gian trong chính các xã hội cổ xưa phụ thuộc vào mô hình phân đôi…Tư duy huyền thoại về nguyên tắc là phi lịch sử, bỏ qua tính hỗn tạp của lịch sử, qui tất cả những thay đổi nhiều lần của thời gian theo kinh nghiệm phàm tục vào hành động sáng tạo một lần, được hoàn tất trong thời gian huyền thoại mang tính chất tiên nghiệm…Bất kỳ sự kiện lịch sử đích thực nào sau đó cũng được thu xếp vào lô khung cấu trúc huyền thoại có sẵn. ” (Thi pháp của huyền thoại, Sđd, tr.226-231). Khái niệm và những vấn đề mà Meletinsky nêu về thời gian huyền thoại tương ứng với các thể loại thần thoại và truyền thuyết suy nguyên.


(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top