Bài làm
Cuộc sống và số phận của người nông dân trước Cách Mạng Tháng Tám chìm sâu trong bóng tối của sự bất công và tủi nhục. Điều đó được thể hiện rõ nét qua giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài) và "Vợ nhặt" (Kim Lân).
Ở "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã miêu tả chân thực cuộc sống cơ cực, bị áp bức bóc lột của người dân miền núi trước Cách Mạng Tháng Tám. Họ (điển hình là Mị) bị bóc lột sức lao động, bị áp chế về tinh thần một cách cùng cực. Hơn thế nữa, dưới sự áp bức của cường quyền, hai nhân vật Mị và A Phủ còn phải chịu sự thống trị của thần quyền hủ tục. Người dân miền núi Tây Bắc bị chà đạp một cách tàn nhẫn về tinh thần đến mức tê liệt cảm giác về sự sống, mất dần ý niệm về cuộc đời. Từ những con người có lòng ham sống mãnh liệt trở thành những người sống như đã chết, vô thức như đồ vật trong nhà. Một sự huỷ diệt sự sống con người thật đáng sợ, "Ở lâu trong cái khồ, Mị quen khổ rồi". "Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa".
Ở "Vợ nhặt" (KIm Lân), cái cảm giác về thần quyền hủ tục không còn mà là nỗi đau khác_đói. Nạn đói năm 1945, cướp đi hơn hai triệu dân số ở Việt Nam, nỗi ám ảnh về cái đói vẫn ngấm trong từng con chữ. Dưới sự áp bức của bọn Nhật "bắt giồng đay, bắt đóng thuế", người dân luôn phải sống trong hoang mang, lo lắng. "Người chết như ngả rạ", "xanh xám như những bóng ma". Câu văn tả người sống liền kề câu văn tả người chết, hao hao nhau, từa tựa nhau nhấn mạnh ấn tượng về ranh giới mong manh giữa sống và chết, cõi âm và cõi dương, chỉ chút sơ sẩy là sa vào âm địa. Khung cảnh đau thương, tang tóc, trần gian mấp mé bờ vực âm phủ,... Giữa khung cảnh bi thảm ấy, thân phận con người bị rẻ rúng đến cùng cực. Tràng nhặt được vợ như nhặt cái rơm cái rác bên đường, người phụ nữ vì miếng ăn sẵn sàng theo không Tràng về làm vợ. Nồi cháo cám thay cho cỗ tân hôn. Thật đau xót và bi thảm đến nhường nào!
Nhưng ngay trong nước mắt và khổ đau, tâm hồn họ vẫn hướng về ánh sáng của niềm hạnh phúc, của tương lai. Họ như những viên ngọc sáng ngời bị vùi trong bùn đen tăm tối được niềm ham sống rửa trôi đi lộ ra những viên ngọc sáng lấp lánh. Nhân vật Mị sống trong khổ đau vẫn cháy trong mình sức sống mùa xuân mãnh liệt (trong đêm tình mùa xuân); từ lòng xót thường A Phủ mà cứu người rồi tự giải thoát đời mình. Hành động đấu tranh tự phát dẫn đường cho đấu tranh tự giác sau này. Sức sống tiềm tàng trong Mị trỗi dậy mãnh liệt. Mị cùng A Phủ hướng đến chân trời mới.
Tràng trong "Vợ nhặt" (Kim Lân) tuy khốn cùng nhưng vần chấp nhận cưu mang người đàn bà xa lạ. Bà cụ Tứ vẫn đùm bọc, chở che "nàng dâu" dù bà biết nạn đói vô cùng khủng khiếp. Phải ăn cháo cám mà bà vẫn khen ngon. Tình yêu và hạnh phúc dành cho con đã khiến bà biến đắng chát thành ngọt ngào. Ngay trên bờ vực cái đói, khi tưởng như miếng ăn là nhu cầu bức thiết thì tình người, giá trị con người và khao khát được yêu thương vẫn cao quý hơn cả và không bị mất đi. Hạnh phúc làm thay đổi con người. Trong tăm tối khốn cùng, khát vọng được yêu thương giống như bản năng bất diệt vẫn cháy sáng.
Qua hai tác phẩm, hai tác giả đã khẳng định: Được ánh sáng cách mạng soi đường sẽ dẫn họ tới cuộc đời tươi sáng và sức sống tiềm tàng của họ không gì huỷ diệt được. Đó là điểm khác biệt cơ bản của văn học cách mạng và văn học hiện thực phê phán.
(sưu tầm - bài viết của Quỳnh Như - Yume)