Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ XIX

Bút Nghiên

ButNghien.com
Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta nửa cuối thế kỷ XIX


I.Âm mưu xâm lược Việt Nam của Pháp. Tình hình Việt Nam phong kiến giữa TK 19

1.1.1. Pháp âm mưu thôn tính Việt Nam từ lâu


Sau các cuộc phát kiến địa lí lớn ở thế kỉ XV và XVI, chủ nghĩa Tư bản và các nước phương Tây được xác lập và đẩy mạnh các cuộc xâm lăng thuộc địa. Việc cướp đoạt châu Mỹ và phương Đông trong thế kỉ XVI đã làm cho Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trở thành các quốc gia giầu mạnh nhất Sang thế kỉ XVII, Hà Lan mạnh lên, cũng đến Hội An (1636) và Phố Hiến lập thương điếm. Để gây thanh thế và ảnh hưởng ở Việt nam, Hà lan đã can thiệp vào cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn, giúp Trịnh đánh Nguyễn (1642-1643) nhưng việc không thành.

Đầu thế kỉ XVIII người Anh có mặt ở Phố Hiến, Thăng Long. Đến đầu thế kỷ XIX (1802) Anh cho quân chiếm đảo Côn lôn, phái binh lính người Mã Lai (Ma-lai-xi-a) đến đóng giữ. Năm 1803, binh lính Mã Lai đã phối hợp với viên quan trấn thủ người Việt Nam nổi dậy tiêu diệt quân Anh, lấy lại đảo.

Trong cuộc chạy đua sang phương Đông, tư bản Pháp ngày càng chú ý tới Việt nam thông qua các tài liệu của Hội truyền giáo hải ngoại Pháp cũng như của những giáo sĩ Pháp mà người tiêu biểu là A-lếch-xăng-đơ-Rốt (Alexndre de Rhodes).

Đờ-Rốt đến Việt nam từ 1624, ở Việt Nam khoảng 17 năm, tích cực truyền bá đạo thiên chúa ở cả trong Nam lẫn ngoài Bắc: Sau thời kỳ phục vụ vua Bồ Đào Nha, năm 1645 A-lếch-xăng-đờ-Rốt mở cuộc vận động lập các tòa giám mục Pháp ở Viễn đông và hệ thống công giáo bản xứ. Năm 1664 Hội truyền giáo hải ngoại Pháp được thành lập ở Paris. Trong các năm tiếp theo, các giáo hội tích cực hoạt động, vừa truyền đạo, vừa buôn bán, vừa tích cực chuẩn bị lập một dự án xâm lăng Việt Nam.

Sau chiến tranh 7 năm giữa Anh và Pháp (1756-1763), nước Pháp thua trận, phải nhường sự chiếm đoạt Ấn Độ cho Anh, Pháp chỉ còn được làm chủ một số thị trấn ven biển. Từ đó tư bản Pháp càng muốn có các thuộc địa ở Viễn đông, nhất là tại Việt nam, nơi mà các giáo sĩ của Hội truyền giáo hải ngoại Pháp và các thương gia của công ty Đông Ấn Pháp đã từng quen biết từ thế kỷ XVII.

Cho dù Công ty Đông ấn của Pháp sau đó bị giải thể, các tàu buôn Pháp không qua lại buôn bán nữa, song các giáo sĩ Pháp vẫn lén lút vào Việt Nam hoạt động.

• Tại Đàng Ngoài một số giáo sĩ đội lốt thương gia ở lại Phố Hiến tiếp tục truyền giáo

• Ở Đàng Trong, một số giáo sĩ dưới sự chỉ đạo của Bá đa lộc (Pignau de Béhaine), người đã từng phụ trách một chủng viện ở Hòn Đất (Kiên giang), vẫn lén ở lại miền Tây đất Gia Định. Nhờ vậy sau khi chúa Nguyễn bị phong trào nông dân Tây Sơn đánh đổ, giám mục Bá Đa Lộc đã nảy ra ý đồ giúp Nguyễn Phúc Ánh với hy vọng đi trước các nước châu Âu khác, chiếm lấy Việt Nam nhằm khuếch trương thế lực công giáo.

Về phần mình,sau khi đã cầu cứu phong kiến Xiêm, để cho quân Xiêm tàn phá đất Việt Nam từ Hà Tiên, Rạch Giá đến Vĩnh Long rồi quân Xiêm bị Nguyễn Huệ tiêu diệt ở Rạch Gầm - Xoài Mút (Định Tường), năm 1785 Nguyễn Ánh đã quay sang cầu xin bọn thực dân Tây Âu giúp đỡ.Tại thời điểm đó, chẳng những Pháp mà còn cả Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đều có phái nhân viên đến liên lạc với Nguyễn Ánh, đề nghị được ”viện trợ”. Bản thân Nguyễn Ánh cũng có ý định sang Batavia (In-đô-nê-xi-a) để cầu viện Hà Lan hoặc sang Goa (Ấn độ) cầu viện Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng do có mối quan hệ từ trước, ông ta quyết định nhờ vả người Pháp.

Cuối năm 1784, được sự ủy nhiệm của Nguyễn Ánh, Pi nhô đờ Bê hen (Bá đa lộc) đã đem theo ấn tín và người con trai của Ánh là Nguyễn Phúc Cảnh (hoàng Tử Cảnh) lúc đó mới 6 tuổi đi cầu viện Pháp. Trong một tài liệu nói về cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh, được trích trong một bức thư do Bá Đa Lộc viết vào tháng 12/1784 có một đoạn như sau: ”Sau khi sửa chữa xong thuyền... chúng tôi giong buồm về đảo Pulo Punjan (Phú Quốc) để từ đó vượt qua vịnh Xiêm-la. Ở đây một lần nữa chúng tôi đã gặp nhà vua Đàng trong; ông kể lại cho nghe lí do vì sao ông đã sang Xiêm. Họ mượn cớ giúp ông trở lại ngôi vua và lợi dụng danh nghĩa ông để cướp bóc dân chúng. Chính vào thời điểm này, nhà vua đã giao cho tôi chăm sóc người con trai mới lên 6 tuổi mà tôi hiện đem theo đây... sau đó chúng tôi vượt vịnh Xiêm La đến Malaque ngày 19 tháng 12”.

Ngày 28/11/1787 giữa Pi-nhô-đờ-Bê-hen đại diện cho Nguyễn Ánh và Bá tước Mông-mô-ranh, đại diện cho Hoàng đế Pháp Lu-i XVI đã kí kết một bản hiệp ước mang tên ”Hiệp ước tương trợ tấn công và phòng thủ” tại Véc-Xây, trong đó người Pháp cam kết gửi binh lính, lương thực, tầu bè, súng đạn sang giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại quyền bính. Đổi lại, Pháp được sở hữu Đà Nẵng, đảo Côn Lôn và được độc quyền buôn bán tại Việt nam.

Hiệp ước 1787 đã không được thực hiện bởi lẽ ngay sau đó, vào năm 1789 cách mạng Pháp bùng nổ,người Pháp bỏ lỡ cơ hội can thiệp ngay vào Việt nam. Tuy nhiên chúng vẫn không từ bỏ âm mưu của mình và âm mưu đó đã được coi là “quốc sách” để rồi hết chính phủ này đến chính phủ khác ở Pháp thay nhau theo đuổi.

Tuy chính phủ Pháp bỏ lỡ cơ hội để thâm nhập vàoViệt nam sau khi ký hiệp ước 1787 nhưng bọn tư bản Pháp ở Ấn Độ Dương vẫn ra sức ủng hộ kế hoạch của Pi-nhô-đờ-Bê-hen, bởi kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho giới tư bản tài phiệt. Chúng đã gửi tàu chiến, sĩ quan, kĩ sư, binh lính, vũ khí đạn dược sang giúp Nguyễn ánh lấy lại đất Gia Định. Bản thân Pi-nhô-đờ-Bê-hen cũng tham gia chinh chiến trong đội quân của Nguyễn Ánh chống Tây Sơn từ Gia Định bến Bình Định cho đến chết như một viên tham mưu trưởng.

Sau khi đánh thắng Tây Sơn, năm 1802 Nguyễn Ánh tái lập vương triều Nguyễn. Tuy vậy, nguy cơ bị Pháp nhòm ngó vẫn chưa hết.

Sau cách mạng Pháp và chiến tranh châu Âu kéo dài từ 1792 đến 1814 tình hình nước Pháp trở lại yên tĩnh. Giai cấp tư sản Pháp đã lớn mạnh, chúng tiếp tục tìm cách xâm nhập Việt Nam.

Năm 1812 Na-pô-lê-ông Bô-na-pac sau khi xem các giác thư của bọn thực dân hoạt động tại Viễn Đông đã ra lệnh nghiên cứu lại hiệp ước Véc-xây (1787). Song ngay năm sau, Hoàng đế Na-pô-lê-ông đệ nhất bị đổ - âm mưu xâm lăng Việt nam của Pháp vì thế chưa thực hiện được.


1.1.2. Bối cảnh thế giới và tình hình nước Việt Nam phong kiến giữa thế kỷ XIX

Thế kỉ XVIII và XIX là thế kỉ có đầy rầy những biến động đối với thế giới và khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt nam.

Ở phương Tây, giai cấp tư sản các nước lần lượt nắm chính quyền. Công thương phát triển mạnh, khoa học kỹ thuật trong thế kỉ ánh sáng gặt hái được nhiều thành công. Vào những năm 60-70 của thê kỉ XVIII cách mạng Anh đã nổ ra. Cuộc chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ thành công đã đưa giai cấp tư sản lên địa vị thống trị Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Hàng hoá của tư bản các nước ùn ùn được chở ra nước ngoài và cũng tới tấp chở về những vàng, bạc châu báu, hương liệu và các sản vật quý hiếm.

Khi thị trường thương mãi đã trở nên chật hẹp, các nước tư bản phương Tây bắt đầu đua nhau kéo sang phương Đông, vừa để bán sản phẩm của nền công nghiệp, vừa đầu tư vốn để kiếm lời trong các ngành kinh doanh, khai thác nguyên liệu và nguồn nhân công rẻ mạt.

Vận mạng của các dân tộc bị chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây đe doạ. Giữa lúc đó, trật tự phong kiến ở các nước châu Á đang lung lay trước mâu thuẫn không thể điều hoà giữa giai cấp phong kiến nắm quyền và nông dân trong nước.

Cuộc chạy đua xâm chiếm các nước phương Đông làm thuộc địa đã dần dẫn xác lập vị trí của thực dân Anh và Pháp ở vùng này.

Cuộc chạy đua xâm chiếm các nước phương Đông làm thuộc địa đã dần dẫn xác lập vị trí của thực dân Anh và Pháp ở vùng này.

Tại Trung quốc từ giữa thế kỷ XVII giai cấp thống trị Hán tộc đã phải khuất phục trước sự thống trị của phong kiến ngoại tộc. Nhà Mãn Thanh lên cầm quyền. Trước nguy cơ bị phương Tây xâm lược, phong kiến Trung Quốc vẫn khư khư ôm lấy mớ lý thuyết sáo rỗng cũ kĩ, cho Trung Quốc là trung tâm của nền văn minh thế giới. Đối nội thì ra sức củng cố chế độ chuyên chế độc tài, đối ngoại thì bành trướng và bế quan toả cảng.

Trong khi đó thì nước Việt Nam cũng không có gì khá hơn, cũng lại lăn theo vết xe đổ Trung Quốc, dập theo kinh nghiệm Trung quốc để chìm đắm trong giấc ngủ phong kiến ngàn năm.

Về chính trị luật pháp:

Sau khi lên ngôi, Gia Long cho củng cố chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền.

Trên hết có hoàng đế, nắm tất cả quyền bính; có Cơ mật viện bàn quốc sự lớn lao, nhưng ý kiến quyết định cuối cùng vẫn là ý kiến của nhà vua.

Hoàng đế tự xưng là Thiên tử - Con trời, thay trời trị dân. Vua có uy quyền tuyệt đối, cho ai sống thì được sống, bắt ai chết thì kẻ đó phải chết. Ý vua là phép nước và nước là nước của vua. Trong thực tế, vua là một địa chủ lớn nhất, có toàn quyền quyết định trong việc sử dụng ngân khố nhà nước, có quyền tước đoạt bất kì caí gì, của bất cứ ai nếu nhà vua muốn.

Lúc đầu thời Gia Long, ở Bắc kì và Nam Kì có đặt chức khâm sai tổng trấn thay mặt vua trông nom, về sau triều đình trực tiếp với tay xuống các địa phương. Các hàng quan đầu tỉnh đều do Nhà nước bổ nhiệm, thông qua thi cử. Ở vùng thượng du, triều đình không có khả năng trực trị thì thông qua các tù trưởng để nắm quyền.

Từ Minh Mạng trở đi, tính tập quyền ngày càng cao. Nhà vua tự mình”châu phê", soạn thảo các văn bản, và sắp đặt mọi việc.

"Vua sáng suốt về việc chính trị, những tờ sớ dâng lên, vua đều xem hết và trước mặt chỉ bảo cho; hễ việc gì quan trọng tâu lên thì phần nhiều là vua tự nghị soạn lấy, hoặc bảo ra rồi giao phó cho, hoặc châu phê vào. Bản châu phê bắt đầu từ đấy mới có".

Để cai trị những vùng thôn quê rộng lớn, nhà Nguyễn chú trọng tận dụng tầng lớp địa chủ phú hào và chuyển bộ phận này thành công cụ thừa hành đắc lực của quan lại từ cấp tri huyện trở lên và được coi là ”dân quan". Và như vậy, trong khi đám quan lại ở triều đình tự biến mình thành gia nhân trung thành của nhà Nguyễn, thì đám quan lại ở địa phương đã trở thành những kẻ ”cuớp ngày", được dung dưỡng, bợ đỡ, tha hồ đục khoét nhân dân. Năm 1828, Nguyễn Công Trứ tâu rằng: "Quan lại nhũng tệ chỉ mới hai ba phần, còn điêu hào làm hại đến bảy tám phần; cuớp của giết người, giết vợ cuớp con mà trên vẫn không biết, vẫn không tội vạ gì".

Việc cai trị trong các làng thì nhất nhất ở tay ban hội tề, hương chức. Ban hương chức có nhiều quyền hành trong làng. Ngoài việc thu thuế, bắt sưu, bắt lính còn đảm đương việc chia công điền, công thổ. Họ đuợc quyền cho mướn công điền để thu tô; lập sổ bộ người và đất, đề ra lệ làng... hình thành cơ chế “tự trị” với những luật kệ hà khắc, phức tạp. Nói cách khác, dưới các thôn xã, quyền bính nằm trong tay bộ phận phú hào, cả về kinh tế, cai trị, giáo dục. Vận mạng của dân làng phụ thuộc vào các tổng lí, kì dịch.

Bộ luật Gia Long (còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) nói là đã tham khảo bộ luật Hồng Đức thời Lê nhưng thực chất đã gạt bỏ những điều tiến bộ của luật Hồng Đức, sao chép gần hết bộ luật của triều Mãn Thanh, một quốc gia phong kiến phản động nhất châu Á. Trong tổng số 328 điều thì có tới 166 điều là luật hình, 58 điều luật quân sự. Để áp dụng có hiệu lực bộ luật trên, nhà Nguyễn lập ra một tổ chức chuyên trách về tư pháp ở cấp tỉnh gọi là Ty Niết.

Quần chúng nhân dân bị áp bức thậm tệ. Ngoài thuế khóa, sưu dịch họ còn phải chịu vô số luật lệ quái gở ví dụ:dù có tiền cũng không được xây nhà lầu. Nhà dân không được làm theo kiểu ”Nội công ngoại quốc”... Dân thường không được ăn vận quần áo có các mầu vàng, lam, tím... chỉ được dùng màu đen, nâu. Không được đi giày...


Về kinh tế xã hội:

Thời Nguyễn, chế độ sở hữu ruộng đất công đã suy yếu nhiều. Nạn chấp chiếm ruộng đất của địa chủ ngày càng trầm trọng. Sách Minh Mạng chính yếu cho biết vào năm 1840 tại tỉnh Gia Định ”không có ruộng công, các nhà giàu đã bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu,dân nghèo không được nhờ cậy”. Cũng theo sử cũ, vào năm 1852 trong 31 tỉnh của toàn quốc thì chỉ có hai tỉnh là Thừa Thiên và Quảng Trị là có số ruộng công nhiều hơn ruộng tư. 01 tỉnh là Quảng Bình có ruộng công và ruộng tư bằng nhau, còn lại 28 tỉnh khác ruộng tư nhiều hơn ruộng công, trong đó, phần ruộng tốt thì cường hào chiếm cả, thừa ra thì hương lí bao chiếm. Dân chỉ được phần ruộng xấu, cằn cỗi, xác màu.

Nạn cường hào nhũng nhiễu đã nhiều lúc làm cho triều đình Huế lo ngại. Song vì đây là bộ phận riềng cột của chế độ, cho nên dù có biết vậy mà triều đình đành phải làm ngơ.

Vì không còn ruộng công để phong cấp cho quan lại như trước, mà lại cần nhiều tiền để chi dùng, nhà nước Nguyễn không có cách nào khác là phải vơ vét bóc lột nhân dân bằng mọi mánh khóe, thủ đoạn.

Vì không còn ruộng công để phong cấp cho quan lại như trước, mà lại cần nhiều tiền để chi dùng, nhà nước Nguyễn không có cách nào khác là phải vơ vét bóc lột nhân dân bằng mọi mánh khóe, thủ đoạn.

Do bị áp bức trăm đường, không chịu nổi nên nhiều nông dân đã phải bỏ làng mà đi. Có năm tại trấn Hải Dương, trong tổng số 13 huyện, dân phiêu tán mất 108 thôn xã.

Để giải quyết tình trạng khó khăn về kinh tế, tài chính, nhà Nguyễn cho thực hiện chính sách khai hoang.

Từ 1802 đến 1855 nhà nước ban hành 25 quyết định về khai hoang, trong đó có 16 quyết định cho áp dụng ở Lục tỉnh, 2 ở Bắc thành,1 ở vùng Kinh kì và 6 đối với toàn quốc. Trong Nam cũng như ngoài Bắc, hình thức chủ yếu là chiêu mộ dân lưu tán để khai hoang lập ấp. Đồn điền phát triển mạnh ở Lục tỉnh, theo hình thức: hoặc Nhà nước giao cho binh lính hay tù nhân bị lưu đày khai hoang, hoặc cho tư nhân chiêu mộ dân khai thác. Một số quan lại tổ chức tốt việc khai hoang như Nguyễn Công Trứ lập ra hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải và một số tổng ở Nam Định; Nguyễn Văn Thoại đào sông Núi Sập Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế và khẩn hoang vùng Châu Đốc (An Giang); Trương Minh Giảng lập được 25 thôn ở vùng biên giới Việt Nam- Căm Pu Chia; Nguyễn Tri Phương lập được 21 cơ đồn điền và tổ chức 124 ấp ở Lục tỉnh. Diện tích đất nông nghiệp nhờ thế mà đã tăng nhanh so với trước. Theo thống kê vào năm 1820 có 3.076.300 mẫu; năm 1840:4.063.892 mẫu và năm 1847 tăng lên 4.278.013 mẫu.

Tuy diện tích canh tác có tăng nhưng tình trạng dân lưu tán vẫn tiếp tục xảy ra vì số đất khai hoang được chỉ một thời gian sau đã lại rơi vào tay giai cấp địa chủ phong kiến.

Tình trạng của nông nghiệp đã như vậy, thì công thương nghiệp lại càng bi đát.

Dưới thời Nguyễn, nhà nước vẫn duy trì chế độ công tượng cũ. Việc lùng bắt các thợ giỏi đưa về kinh đô phục vụ cuộc sống cung đình khiến cho thủ công dân gian ngày thêm tàn lụi. Thêm vào đó là chính sách ngăn sông cấm chợ, tục giấu nghề và các quy định ngặt nghèo vô lý của nhà nước như cấm buôn bán đồ sắt, cấm khai thác mỏ ở một số vùng; tư nhân không được giao thương với nước ngoài... đã khiến cho các trung tâm thương mại trở nên thưa thớt, công thương nghiệp tiêu điều. Những người thợ khéo tay nhiều khi chỉ được sử dụng vào việc làm thỏa mãn tính hiếu kì của các bậc vương giả... đã khiến cho nền công nghiệp chân chính không thể ra đời.

Chính sách ”bế quan tỏa cảng” khước từ mọi quan hệ thông thương với bên ngoài đã làm cho Việt Nam bị tách biệt với các nước. Chính sách thuế ngặt nghèo lại giáng tiếp đòn nặng nề vào công thương nghiệp làm cho nó không sao phát triển được; công nghiệp cũng không có điều kiện để trở thành một ngành riêng, ngược lại, nó có xu hướng bị hòa tan vào nền kinh tế tự cung tự cấp của xã hội phong kiến lạc hậu.

Ách áp bức nặng nề cùng với những chính sách đối nội, đối ngoại thiển cận của Nhà nước phong kiến Nguyễn đã trở thành nguyên nhân của hàng loạt cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài suốt từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, trong đó có những cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài nhiều năm thu hút hàng ngàn người tham gia, khiến cho mâu thuẫn xã hội ngày càng trở nên sâu sắc.
Trong suốt 18 năm thời Gia Long (1802-1820) có 73 cuộc khởi nghĩa nông dân. Từ thời Minh Mạng trở về sau, cho đến năm 1858, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày càng nhiều hơn, quy mô ngày càng lớn hơn. Năm 1821 có cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành ở vùng Nam Định (kéo dài tới tận năm 1827). Năm 1833 có khởi nghĩa của Lê Duy Lương ở Ninh Bình, Lê văn Khôi ở Gia Định, Nông văn Vân ở Tuyên Quang. Năm 1854 nổ ra cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát ở Bắc Ninh...

Trong vòng 7 năm ở ngôi của Thiệu Trị, đã có tới 56 cuộc khởi nghĩa nông dân.

Thời Tự Đức, cao trào nông dân khởi nghiã đã làm cho nền tảng chế độ phong kiến lung lay muốn đổ. Đáng chú ý nhất là các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Phan Thái, khởi nghĩa của cai tổng Vàng (ở Bắc Ninh) và cuộc khởi nghĩa năm 1854 ở vùng Sơn Tây (giặc Châu chấu) do Cao Bá Quát, một nhà thơ và nhà tư tưởng bậc nhất thế kỉ 19 lãnh đạo. Theo thống kê chưa đầy đủ chỉ từ năm 1848 khi Tự Đức lên ngôi đến năm 1862 là năm thực dân Pháp cuớp trắng ba tỉnh miền Đông Nam Kì đã có 40 cuộc khởi nghĩa và nếu tính đễn năm 1883, khi nhà Nguyễn ký điều ước Hác măng, thừa nhận sự chiếm đóng của Pháp trên toàn cõi Việt nam thì các cuộc khởi nghĩa chống triều đình đã lên tới con số 103.

Phong trào nông dân khởi nghĩa nói trên đã khẳng định rằng, vào lúc thực dân Pháp chuẩn bị nổ súng xâm lược nước ta là lúc mâu thuẫn giữa nông dân với phong kiến đã trở nên hết sức sâu sắc. Tuy nhiên nông dân bao giờ cũng là một lực lượng yêu nước quan trọng. Họ tỏ ra hết sức tỉnh táo và nhậy bén trước thời cuộc và có sức sống, sức quật khởi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chính quần chúng nhân dân, trong đó chủ yếu là nông dân, chứ không phải là ai khác đã trở thành chỗ dựa của các sĩ phu yêu nước, làm tách một bộ phận phong kiến tiến bộ ra khỏi triều đình phong kiến đầu hàng, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh chống xâm lăng của dân tộc ta ở giai đoạn sau.


II.Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Cuộc kháng chiến ở Đà Nẵng và Gia Định (1858-1859)

2.1. Âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của Pháp

Nguyễn Ánh, sau khi lên ngôi (1802) lấy hiệu Gia Long đã có các chỉ dụ đặc biệt ưu ái đối với các giáo sĩ người Pháp. Tuy vậy, sự hoạt động ráo riết của các thế lực theo đạo thiên chúa và các cố đạo người Âu đã khiến Gia long lo ngại, cảnh giác và đề phòng. Năm 1817. Gia long đã cự tuyệt việc yết kiến của phái bộ Pháp do Lu-i XVIII cử đến, đồng thời cũng cự tuyệt luôn ý đồ của người Pháp muốn thương thuyết trên cơ sở hiệp ước Véc xây. Nhưng rồi nước Pháp ngày càng bị tụt hậu so với Anh về vấn đề thuộc địa, nhất là khi người Anh đã có mặt tại Sinhgapo (1819) rồi đang ráo riết mở các cuộc tấn công vào nội địa Trung quốc - điều đó càng khiến cho Pháp phải nhanh tay hành động, nhằm tìm cách đứng chân ở một căn cứ nào đó gần bể Trung Quốc và sau đó tìm cách chiếm lấy một thuộc địa ở gần Trung Quốc để có thể tham gia vào việc tranh chấp miếng mồi béo bở, đầy hấp dẫn này.

Dưới thời Minh Mạng (1820-1840) đã mấy lần Pháp cử lãnh sự cùng Sứ giả sang Việt Nam yêu cầu thông thương nhưng đã bị từ chối.

Lấy cớ triều đình Việt nam cự tuyệt bang giao và giết giáo sĩ, giáo dân, chính phủ Pháp quyết định dùng vũ lực để thực hiện tham vọng của mình.

Về phía Việt nam thì từ năm 1840 khi Miên Tôn (Thiệu Trị) nối ngôi Phúc Đảm (Minh Mạng), việc cấm đạo tuy có nới tay hơn, nhưng Pháp không vì thế mà ngừng ý đồ xâm lược.

Vốn đã có dã tâm can thiệp vào công việc nội bộ Việt nam từ lâu và đã từng thị phi về vấn đề kế vị Gia long(1), từng kích động sự chống đối của Lê Văn Duyệt với Minh Mạng(2), nay Pháp lại tiếp tục sử dụng con bài công giáo để gây dư luận.

Sau năm 1840, Tạp chí Truyền giáo (Les Annales de la Propagation de la foi) của Hội truyền giáo nước ngoài Paris đã đem những việc sát hại giáo sĩ và giáo đồ ra tuyên truyền, khiến cho một bộ phận thuộc phái hữu xôn xao.Họ yêu cầu chính phủ Pháp phải hành động ngay bằng vũ lực để bảo vệ giáo sĩ và giáo dân Việt Nam.

Ngoài các chiến dịch tuyên truyền tại Pháp, Hội truyền giáo hải ngoại Pháp còn kích động những phần tử bất hảo trong số gần 50 vạn giáo dân, liên tiếp gây ra các vụ rắc rối, gây hận thù lương - giáo, vi phạm luật lệ triều đình... cố làm mục ruỗng xã hội Việt nam bằng cách chia rẽ nội bộ dân tộc ta, đi tới thủ tiêu tinh thần kháng chiến cũng như sức đề kháng của nhân dân ta trước quân xâm lược. Tiến thêm một bước, ngày 25/2/1843 tàu chiến Pháp Heroine vào Đà nẵng. Hạm trưởng Favin Lơvêque xin tha cho 5 giáo sĩ bị kết án tử hình đang còn bị giam ở Phú Xuân...

Năm 1845 thiếu tướng hải quân Cécile chỉ huy hạm đội Đông Hải phái tàu Alemêne đến Đà Nẵng, yêu cầu thả giám mục Le febvere bị kết án tử hình đang bị giam tại Huế.

Năm 1847 biết ở Phú Xuân không còn có giáo sĩ nào bị giam nữa, chính phủ Pháp mới sai đại tá hải quân Lepierre lên thay Cecile phản đối việc cấm đạo ở Việt Nam và yêu cầu Thiệu Trị để cho dân được tự do theo tôn giáo mới.
Tháng 3 - 1847 hai tàu chiến Pháp tới Đà nẵng. Thuyền trưởng và giáo sĩ Pháp ngang nhiên đi thẳng vào công quán đe dọa. Trấn thủ Đà Nẵng, một mặt không chịu nhận thư của đại diện Pháp, mặt khác ra lệnh cho binh lính sẵn sàng đối phó. Thấy vậy Lapierre đã ra lệnh cho hai tàu chiến Pháp bắn phá 5 chiếc tàu đồng của quân ta rồi cho nổ neo kéo buồm ra khơi. Ngày 15/7/1847 chiến hạm Pháp lại kéo đến bắn phá dữ dội các chiến thuyền của triều đình đậu tại Đà Nẵng. Tình thế trở nên căng thẳng.

Nghe tin quân Pháp hành hung tại Đà Nẵng. Vua Thiệu Trị vô cùng tức giận đã hạ dụ: ”cấm đạo sát tả” (cấm đạo, giết giáo dân) để đối phó, rồi ra lệnh cho các nơi chỉnh trang quân bị, chế tạo thêm khí giới để chuẩn bị kháng chiến.

Tháng 11/1847 Hồng Nhậm (Tự Đức) lên ngôi. Lệnh cấm đạo vẫn tiếp tục được duy trì và có phần còn ráo riết hơn trước. Các giáo sĩ ngoại quốc có nguy cơ không còn chỗ dung thân. Chiến tranh tưởng chừng đã nổ ra đến nơi.Nhưng một lần nữa ở châu Âu, cách mạng Pháp 1848 lại bùng nổ, tư bản Pháp mắc việc ở trong nước nên chưa thực hiện được kế hoạch xâm lăng Việt Nam.

Năm 1852, Lu-i Bô-na-pác (Luis Bonaparte) được sự ủng hộ của cánh đại tư sản phản động ở Pháp lên ngôi hoàng đế lập ra đế chế III, xưng là Na-pô-lê-ông III. Việc chuẩn bị xâm lược Việt nam của Pháp được đẩy mạnh thêm một bước. Năm 1856 Mông-ti-nhi (De Montigni) được vua Pháp Na-pô-lê-ông III phái đến công cán tại khu vực ấn Độ, Trung Quốc, mục đích là điều đình để ký các hiệp ước thương mại thân thiện với Xiêm, thương nghị với vua Việt Nam về việc giao hiếu và thông thương, nhưng vì mắc việc tại Xiêm, Môngtinhi đã phái Lơ-Li-ơ-dơ (LeLieur) hạm trưởng tàu Catinat đem thư trước tới Việt Nam. Ngày 21/9/1856 tàu Catinat tới cửa biển Đà nẵng. Quan trấn thủ Đà Nẵng lại khước từ không tiếp nhận bức thư của Pháp. Lơ-Li-ơ dơ tức giận sai phá các thành lũy của quân ta. Ngày 24 tháng 10 năm 1856 một tuần dương hạm khác do Cô-li-ê chỉ huy lại đến Đà nẵng trực tiếp gửi thư hăm doạ quan đầu tỉnh Quảng Nam. Sau đơ ít lâu, ngày 23/1/1857 Mông ti nhi tới Việt nam. Sau nửa tháng thương thuyết không có kết quả Mông-ti-nhi bỏ về nước. Cùng về Pháp với Mông-ti-nhi có giám mục Pen-lơ-ranh (Pellerin), bấy lâu nay vẫn lẩn lút ở Việt Nam và trốn được xuống tàu Catinat. Pen-lơ-ranh đem tình hình cấm đạo và sát tả ở Việt Nam ra tuyên truyền rồi ra sức xúi dục Chính phủ Pháp hành động bằng vũ lực.

Ngay sau đó, một cơ quan chuyên nghiên cứu vấn đề Việt Nam của Pháp đã được lập ra vào ngày 22-4-1857 lấy tên là Uỷ ban Nam kì. Lá cờ ”bảo hộ công giáo” được giương lên để chuẩn bị cho cuộc hành binh xâm lược.

Chỉ mấy ngày sau khi thành lập, theo lệnh của Na-pô-lê-ông III Uỷ ban Nam Kì đã họp ròng rã ba tuần liền (từ 28-4-1857) để quyết định kế hoạch đánh chiếm Việt Nam.Trong các cuộc họp này Uỷ ban Nam kì đã toan dựa vào văn bản của hiệp ước Véc-xây (1787) để hợp pháp hoá việc đem quân xâm lược nước ta và chủ trương điều động gấp rút quân đội sang chiếm ba đô thị lớn là Sài gòn, Đà nẵng và Kẻ Chợ (Hà Nội) biến Việt Nam thành đất thuộc Pháp, biến triều đình Nguyễn thành tay sai, phục vụ đắc lực lợi ích của bọn thực dân...

Tháng 7-857 Na-pô-lê-ông duyệt y kế hoạch xâm lược vũ trang của uỷ ban Nam kì, giao cho Bộ hải quân Pháp thực hiện. Vừa lúc có hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị triều đình Nguyễn sát hại ở Bắc kỳ (hai giáo sĩ này cùng hoạt động trong Hội truyền giáo nước ngoài Pháp), Na-pô-lê-ông III và Giáo hội Pháp đã thương nghị với Chính phủ Tây Ban Nha phối hợp hành động.

Tháng 7-857 Na-pô-lê-ông duyệt y kế hoạch xâm lược vũ trang của uỷ ban Nam kì, giao cho Bộ hải quân Pháp thực hiện. Vừa lúc có hai giáo sĩ Tây Ban Nha bị triều đình Nguyễn sát hại ở Bắc kỳ (hai giáo sĩ này cùng hoạt động trong Hội truyền giáo nước ngoài Pháp), Na-pô-lê-ông III và Giáo hội Pháp đã thương nghị với Chính phủ Tây Ban Nha phối hợp hành động.


2.2. Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xân lược Việt nam

Chiều ngày 31/8/1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha do Rigault de Genouilly (Giơnuiy) chỉ huy dàn trận trước cửa biển Đà nẵng. Quân Pháp có 2.500 tên, bố trí trên 13 chiếc thuyền được trang bị vũ khí hiện đại. Tây Ban Nha góp thêm 1 chiến thuyền và 450 lính.

Dụng ý của Pháp là sau khi chiếm được Đà nẵng, sẽ tiến thẳng ra Huế, buộc triều đình Huế đầu hàng bẻ gãy ý chí kháng chiến của đối phương.

Sáng ngày 1/9/1858 Pháp gửi tối hậu thư cho quan trấn thủ thành Đà nẵng là Trần Hoàng hạn trong 2 giờ đồng hồ phải trả lời. Vì phải đợi lệnh triều đình nên Trần Hoàng cứ án binh bất động. Chưa hết 2 giờ hẹn quân Pháp đã nổ súng dữ dội bẵn phá các mục tiêu trên bờ rồi đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà.
Quân các đồn bên ta bắn trả nhưng vì vũ khí lạc hậu nên không gây cho quân địch tổn thất.

Được tin bán đảo Sơn Trà rơi vào tay giặc, Tự Đức lệnh cho các quân thứ cấp tốc tiếp ứng. Nguyễn Tri Phương (đang làm kinh lược sứ lục tỉnh Nam Kì) được điều ra làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam, gấp rút chấn chỉnh quân ngũ và thống nhất chỉ huy chống giặc. Nguyễn Tri Phương cho thực hiện kế hoạch gồm hai điểm chính: Thứ nhất là tổ chức cho dân lùi sâu vào nội địa, làm vườn không nhà trống, triệt để bất hợp tác với giặc. Thứ hai là triệt để phòng ngự, ra sức đào hào đáp luỹ cản giặc, không cho giặc đánh lan ra.
Hưởng ứng kế hoạch của Nguyễn Tri Phương, các lực lượng dân binh cùng nhân dân địa phương ra sức đào hào đắp lũy, phối hợp với quân của triều đình chặn đánh tàu địch. Những đội dân quân bao gồm “tất cả những người không đau yếu và tàn tật” được thành lập, chiến đấu vô cùng quả cảm.
Phối hợp với mặt trận Đà nẵng, nhân dân Nam bộ cùng với quân đội triều đình cơi cao thêm thành lũy,củng cố thêm hệ thống phòng thủ. Đội nghĩa binh của Trương Định được tập hợp, ra sức tập luyện, chuẩn bị đánh Pháp.

Tiếng súng xâm lăng của quân Pháp ở Đà Nẵng đã thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong nhân dân. Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị tập hợp 300 người - vốn là những học trò của mình, khăn gói lên đường Nam tiến, xin Vua ra chiến trường giết giặc.

Nhờ có sự ủng hộ tích cực của nhân dân, Nguyễn Tri Phương đã tạm thời đẩy lui được quân địch ở Đà Nẵng, dồn chúng về phía biển. Thêm vào những tổn thất bước đầu do cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam gây nên là sự khắc nghiệt về thời tiết, thuỷ thổ khiến quân Pháp bị ốm đau rất nhiều.

Sau 5 tháng hành binh xâm lược, quân Pháp chỉ chiếm được bán đảo Sơn Trà và đồn Đông. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của chúng bước đầu bị phá sản. Tuy nhiên đại phòng thủ bị động nên cũng không tiêu diệt được hết quân thù và cũng không đuổi được chúng ra khỏi Đà Nẵng.

Bị thất bại trong kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh tháng 2-1859 Giơnuiy buộc phải để một toán quân nhỏ ở lại Đà Nẵng còn mình thì kéo đại quân vào Gia Định, nhằm cắt nguồn tiếp tế lương thực của triều đình Huế, đồng thời cũng để chuẩn bị cho việc mở rộng cuộc hành quân sang Căm Pu Chia
Chiếm lục tỉnh Nam kỳ, quân Pháp một mặt muốn gấp rút phong toả miền Nam Việt Nam, nơi mà tư bản Anh sau khi chiếm Singapo và Hương cảng cũng đang gấp rút nhòm ngó, đồng thời chúng còn tính tới một tương lai xa hơn: thăm dò đường sông Mêkông, tìm đường thâm nhập vào vùng Tây Nam Trung quốc - một thị trường rộng lớn, dân cư đông đúc và còn lạc hậu. Vào Tây Nam Trung quốc theo con đường này sẽ tránh cho Pháp khỏi phải chạm trán với người Anh ở vùng ven biển Trung Hoa, nhất là không phải đọ súng với lực lượng hải quân đáng gờm của họ.

Ngày 9/2/1859 quân Pháp tập trung ở Vũng tàu gồm 20 chiến thuyền trong đó có 4 tàu buôn chở lương thực.

Ngày 10/2 chúng công phá pháo đài Phúc Thắng ở núi Lại Sơn (thuộc tỉnh Biên hòa). Sau đó tàu Pháp theo sông Cần Giờ tiến vào Gia Định. Trong vòng 6 ngày liên tiếp, quân Pháp vừa đi vừa đánh phá các đồn bốt và các ụ cản trên sông. Sáng 17/2/1859, chiến thuyền địch tập trung hỏa lực bắn vào thành Gia Định - một thành lũy được xây dựng từ khi Nguyễn Ánh lấy lại được đất Nam Kỳ. Thời Minh Mạng (1837) thành được xây lại, theo hình vuông, mỗi chiều 475 thước, tường thành được xây bằng đá ong, gạch, đất...
Lúc quân Pháp đến, trong thành có khoảng 1.000 quân Nguyễn và chứa đầy khí giới, lương thực đủ cung cấp cho khoảng 10.000 quân giữ thành trong 1 năm.

Trận chiến diễn ra dữ dội trong suối buổi sáng ngày 17/2. Đến khoảng giữa trưa quân ta phải rút, bỏ lại trong thành 200 đại bác bằng đồng và bằng gang, 20.000 vũ khí các loại, 86.000 kg thuốc súng, 9 chiến thuyền đã đóng và đang đóng nằm dưới ụ. Sau khi Gia Định thất thủ. Vũ Duy Ninh là quan trấn thủ thành sợ trách nhiệm đã treo cổ tự tử, mở đầu cho một chuỗi tự sát của một bầy tôi bất lực dưới trướng Tự Đức.

Trong khi quân Nguyễn liên tiếp thất bại, phải rút quân thì thực dân Pháp lại rơi vào thiên la địa võng của cuộc chiến tranh nhân dân ở Nam bộ. Chúng phải giăng lực lượng ra để đối phó với nhiều toán dân binh mọc lên ở khắp nơi ví như toán quân của Lê Huy (trước là quân nhân bị thải hồi), toán quân của Trần Thiện Chính (trước là tri huyện bị triều đình cách chức). Dân các vùng đất mà Pháp chiếm được đều tự tay thiêu huỷ nhà cửa bỏ đi hoặc tự động tổ chức thành đội ngũ đánh giặc.


Giữa lúc đó, toán quân Pháp còn lại ở Đà nẵng cũng đang trong tình thế nguy cấp, giặc phải gấp rút đưa đại binh từ Gia Định ra cứu viện chỉ để lại ở đây một lực lượng nhỏ. Vừa ra đến Đà Nẵng, để củng cố tinh thần binh lính Giơ-nui-y quyết định mở cuộc tấn công vào các đồn Điện Hải, Phúc Ninh, Thạch Giản, mong giành lại thế chủ động nhưng bị thất bại. Gần 100 quân Pháp và Tây Ban Nha bỏ mạng.

Trong tình thế hết sức khốn đốn: bị quân dân Việt Nam bao vây; viện binh không có; chiến tranh Pháp - Áo đã nổ ở châu Âu từ tháng 4-1859; cuộc xung đột Anh - Pháp ở Đông Dương có thể xảy ra và lúc đó số quân Pháp ở Đà nẵng chắc chắn sẽ bị tiêu diệt...

Trong một tình thế bức bách, chính phủ Pháp đã phải ra lệnh cho Giơ-nu-y đưa thư nghị hòa với triều đình Huế.

Để gây áp lực với triều đình, song song với việc đưa thư nghị hoà, Giơnuiy đưa quân đánh phá các vùng ven biển thuộc các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị...

Thái độ bất ngờ của phía Pháp đã gây nên một cuộc bàn luận sôi nổi trong cơ mật viện của triều đình Huế. “Người bàn chiến”, “kẻ bàn hòa”, vô số ý kiến trái ngược nhau, không sao thống nhất (3).

Thương thuyết chưa xong thì liên quân Anh - Pháp khai chiến với Trung Hoa. Hạm đội Pháp phải tham chiến ở Hoàng Hải. Pháp chỉ để lại một ít quân lại chiếm giữ thành Gia định để cầm cự với quân ta còn thì dồn cả sang chiến trường Trung Quốc.

Trước khi rút, Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng quanh thành Gia định, chiếm Chợ lớn - trung tâm thương mại của Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Mặc dù với một lực lượng ít ỏi, chỉ chưa đầy 1.000 quân nhưng nhờ chiến thuật ”thủ để hòa” (cố thủ rồi thương thuyết) của triều đình Nguyễn, nên 1.000 quân Pháp vẫn ung dung đi lại, xuôi ngược trên các dòng sông, ra bể, buôn bán kiếm lời, vừa để nuôi quân vừa để mua chuộc một số người giao thương với chúng, biết được tình hình nội địa của ta, dụ được một số người làm tay sai, tạo thêm điều kiện để mở rộng cuộc xâm lăng.

Trong lúc đó, dưới quyền chỉ huy của tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương có tới hàng vạn quân song không chủ trương tranh thủ thời cơ tấn công tiêu diệt địch mà suốt trong 1 năm (1860) Nguyễn Tri Phương một mặt án binh bất động, mặt khác chỉ chú tâm huy động quân đội và dân binh xây dựng Đại Đồn (Chí Hòa) với thành lũy kiên cố, tưởng rằng như vậy sẽ có thể làm nản ý chí xâm lăng của giặc. Sự sai lầm trong chiến lược phòng ngự bị động này đã khiến Nguyễn Tri Phương đã không những không đuổi được 1.000 quân giặc đóng trên phòng tuyến các chùa (từ Thị Nghè đến Mai Sơn) dài 10 cây số, có chỗ ta địch cách nhau chưa đầy 500 mét, mà ngược lại, Đại đồn vô hình đã biến thành một cái rọ 3 cây số vuông nhốt hàng ngàn binh lính, chuẩn bị làm mồi cho đạn đại bác có hạt nổ của địch.

________________________________________
(1) Vận động cho Đông cung Cảnh nối ngôi.
(2) Ngoài vụ này, Pháp còn nhúng tay vào cuộc khởi nghĩa ở Bắc thành năm 1826.Năm 1833-1836 chúng lại thâm nhập vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định
(3) Sau khi xin hòa với Tự Đức không thành, Ri Gô đờ Giơ nu y bị triệu hồi về Pháp.Cuối năm 1859
Lơ-Pa-Giơ qua thay thế. Tháng 11-1859 Pa-Giơ tập trung lực lượng thử vượt đèo Hải Vân nhưng không thành công.
Tháng 3-1860 Pa-Giơ quyết định rút toàn bộ lực lượng vào Gia Định. Giữa lúc đó dân tâm Pháp, kể cả nghị viện Pháp lo ngại và bất bình về cuộc chiến tranh phiêu lưu ở Việt nam. Pa Giơ đã trao cho Tôn Thất Cáp (quan đại thần triều Huế ) một bức thư gồm 11 đề nghị đồng thời Pa-Gơ ra Đà Nẵng đi đường bộ tới Kinh thành, trao thư của Chính phủ Pháp . Nội dung gồm mấy điểm :
-Pháp Nam giao hảo lâu dài
-Khoan xá kẻ đã cộng tác với Pháp.
-Không truy nã kẻ theo đạo,thả hết giáo sĩ bị bắt.
-Tự do thông thương, tự do giảng đạo, lập lãnh sự,mở cử hàng ở các bến cảng.
-Ký hòa ước
-Pháp lập tức rút chiến thuyền khỏi Gia Định.

(Còn nữa)
 
III.Bốn tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay giặc. Thực dân Pháp tiếp tục chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây.

3.1. Hiệp ước 5-6-1862 - Cuộc kháng chiến tiếp tục của nhân dân Việt nam


Sau khi kết thúc chiến sự ở Trung quốc, ngày 7/2/1861 đại quân Pháp kéo về Việt Nam dưới quyền chỉ huy của tướng già Sác-ne. Viên tướng này này được chính phủ Na-pô-lê-ông III trao cho những quyền hành rất lớn: thống lãnh toàn bộ lực lượng võ trang Pháp ở viễn đông, có quyền tuyên chiến hoặc ký hòa ước với Việt Nam. Pháp hội quân tại Bến Nghé, cả thảy có khoảng 4.000 tên (trong đó có cả lực lượng cũ, mới và dân phu bị bắt ở Quảng Châu cùng 250 lính Tây Ban Nha...) Sáng sớm ngày 24/2/1861 đại bác địch bắt đầu tàn phá Đại Đồn. Quân ta chống cự mãnh liệt đẩy lui nhiều đợt tấn công của giặc. Ngày hôm sau thành vỡ, Nguyễn Tri Phương phải ra lệnh lui binh bỏ lại 150 đại bác, 2.000 khẩu súng tay. Thừa thắng quân Pháp đánh lan về phía Biên hòa, chiếm được Thuận Kiều, Trảng Bàng, Tây Ninh... Nghe tin Đại đồn thất thủ, triều đình vội điều thêm viện binh ứng cứu lại cử Tôn thất Cáp và Nguyễn Bá Nghi vào Nam bộ. Song vì việc hành quân quá chậm, đến rồi lại không chủ động tiến công, nên quân giặc thừa thế lánh lan ra nhiều nơi. Đầu tháng 4 năm1861 chúng chiếm Định Tường (gồm cả Mĩ Tho, Tân An, Gò Công) - một tỉnh giàu có và đông dân nhất Nam bộ lúc đó, có sông Tiền giang dẫn tới biên giới Căm-pu-chia. Quân triều đình cố gắng dựa vào các cản trên sông để tiêu diệt và ngăn chặn bước tiến của địch. Mặc dầu bị tổn thất nặng, ngày 12/4/1861 quân Pháp vẫn tới được Mĩ Tho. Quan trấn thủ là Nguyễn Hữu Thành đã cho thiêu hủy kho tàng, dinh thự chạy về Cái Bè. Quân Pháp ung dung vào thành với vô số chiến lợi phẩm qúi giá. Sau khi chiếm được Định Tường, quân Pháp liền thực hiện chính sách dùng người Việt trị người Việt, tăng cường xây dựng lực lượng ngụy binh để chuẩn bị tiến đánh Biên Hòa. Tháng 12/1861 quân địch dưới sự chỉ huy của Bô-Na (thay Sác-ne) mở cuộc tiến công Biên Hòa bằng cả hai đường thủy bộ. Quân Nguyễn chống cự yếu ớt. Một số quan lại (điển hình như Nguyễn Bá Nghi - quan trấn thủ Biên Hoà) mới nghe tin quân Pháp tới đã hèn nhát bỏ chạy. Thừa thắng, địch đánh chiếm luôn thành Vĩnh Long thuộc miền Tây Nam Kỳ (ngày 23 tháng 3/1862). Như vậy, sau 3 năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp mới chỉ chiếm được 4 tỉnh thành mà quan quân triều đình bỏ ngỏ. Tuy chiếm được đất nhưng quân Pháp chưa thể tổ chức được việc cai trị ở 4 tỉnh đó bởi vì chúng đã vấp phải cuộc kháng chiến hết sức quyết liệt của nhân dân ta. Phát huy truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc, cũng giống như nhân dân Quảng Nam - Đà nẵng năm 1858, từ năm 1859 nhân dân Gia Định đã tự động đứng lên chống giặc mạnh hơn cả quân triều đình. Đội quân 5.800 người của Lê Huy và Trần Thiên Chính đã làm cho địch thất điên bát đảo. Phong trào bất hợp tác đã làm cho thực dân Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức bộ máy ngụy quyền. Bị bao vây, đánh phá ở khắp nơi, tháng 3/1859 thực dân Pháp buộc phải phá thành Gia Định rút xuống tàu. Cuối năm 1860 trong lúc Nguyễn Tri Phương và quan quân triều đình ngại đánh giặc, chỉ ra sức đào hào đắp lũy thì các đội quân nghĩa dũng đã mưu trí dũng cảm phục kích giết chết tên quan ba Bác-bê ở gần Trường Thi. Đêm đêm họ tìm cách lọt qua phòng tuyến của địch, đốt cháy kho tàng, doanh trại của chúng, vào tận sông để bắn tàu Primôghe và phục kích tiêu hao sinh lực của Pháp. Trái ngược với tư tưởng chủ hòa do dự của những viên quan lại trong triều đình Huế tiêu biểu như Nguyễn Bá Nghi, hay khác với sự chậm trễ tiếp cứu của triều đình, mất hết thời giờ trong các lễ nghi phiền phức và vô bổ như việc ban kiếm, ban nhung y... mở lịch xem giờ tốt để ”khởi mã”, giao cho Khâm thiên giám xem “bản mệnh tốt xấu của đại tướng”... nhân dân Nam bộ đã ngay lập tức nổi lên đánh giặc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Họ tự lực chiến đấu từ trong thành Gia Định đến ngoài thôn xã, họ không nhờ cậy vào triều đình mà tự tin ở mình. Họ biến xóm ấp thành pháo đài chống Pháp chứ không cần lui vào rừng sâu theo chỉ dụ của nhà vua. Các đội nghĩa binh của Trương Công Định (6000 người) của Nguyễn Thành Ý (2000 người) của Phan Trung (2000 người) và các đội nghĩa binh dưới sự chỉ huy của Trần Xuân Hoà, Phan Văn Đạt, Lê Cao Dũng, Đỗ Trình Thoại, cai tổng Là, Nguyễn Trung Trực... có mặt ở khắp nơi, thoắt ẩn, thoắt hiện trong những ”trung tâm kháng chiến được chia nhỏ ra vô tận”, ngày đêm tiễu trừ quân Pháp. Đến đầu năm 1862 phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã buộc thực dân Pháp phải rút khỏi một loạt cứ điểm ở Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè... nghĩa quân đã chiếm lại được nhiều vùng đất đai rộng lớn. Những cuộc đánh phá, gây rối của quân ta đã khiến cho thực dân Pháp đang tính đến chuyện ”phải chinh phục lại những vùng đã chinh phục”, nhưng triều đình Huế đã không biết đến điều đó. Xuất phát từ những toan tính nhỏ nhen, ngày 5-6-1862 triều Nguyễn đã kí bản hiệp ước nhượng đất đầu tiên, nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kì (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) Hiệp ước 5/6/18629 (Hiệp ước Nhâm Tuất) được mang danh là ”Hiệp ước hòa bình và hữu nghị”. Nội dung gồm 12 khoản, trong đó qui định: Triều đình Huế phải nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam kì (Gia định, Định Tường, Biên Hòa) và đảo Côn lôn. Bồi thường chiến phí cho Pháp 4.000.000 đô-la (tương đương 2.880.000 lạng bạc); Mở các cửa biển Đà nẵng, Ba lạt, Quảng yên cho Pháp và Tây Ban Nha tự do buôn bán; Pháp sẽ trả thành Vĩnh Long cho triều đình chừng nào Huế ngừng hẳn phong trào chống Pháp ở 3 tỉnh miền Đông. Ngay sau khi hoà ước được kí kết,thực dân Pháp cho tàu đi các nơi để loan tin, còn triều đình Huế thì vội vàng phái Phan Thanh Giản vào Nam ra lệnh cho nghĩa quân các nơi hạ vũ khí, nạp súng đạn cho Pháp hi vọng nhân dân sẽ ngoan ngoãn thi hành. Tuy nhiên, hiệp ước 5/6/1886 đã như lửa đổ thêm dầu, càng gây nên sự bất bình trong dân chúng cả nước.

Tại Gia Định, Định Tường, Biên Hoà, các toán nghĩa quân không chịu công nhận chính quyền của giặc, họ cũng không chịu dời sang ba tỉnh miền Tây, kiên quyết bám đất bám dân chống giặc ngay trong lòng địch. Các văn thân sĩ phu ba tỉnh miền Đông rầm rộ tổ chức phong trào tị địa (di rời gia đình, vợ con, mồ mả tổ tiên, thậm chí phần mộ thầy học...) ra Bình Thuận, khảng khái bất hợp tác với Pháp.

Ở các nơi khác, phong trào phản đối hoà ước Nhâm tuất cũng hết sức rầm rộ.
Nguyễn Văn Viện (người tỉnh Bình định) đã cùng Hồng Tập và một số người trong dòng họ Tôn Thất chủ trương khởi sự ở kinh thành Huế, mưu giết tên Khâm sứ Pháp và những kẻ cầm đầu phái chủ hòa như Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành, nhưng cuộc bạo động ngày 3-8-1864 của họ bị thất bại.
Các sĩ tử trong kỳ thi hương khóa tháng 11/1864 ở ba trường Hà nội, Nam Định, Thừa thiên Huế đã đồng thanh phản đối hòa ước với Pháp - Họ viết truyền đơn, hò reo và tẩy chay đòi hoãn cuộc thi.

Tại Nam kỳ lục tỉnh một loạt sĩ phu yêu nước đã đứng dậy. Họ đánh giặc bằng thơ, bằng bút, bằng trí tuệ, tài năng và nhiều người đã hiến dâng cả tính mạng của mình cho cuộc đấu tranh vì quyền sống và tự do. Đó là quản cơ Trương Công Định - người đã bất tuân lệnh triều đình (bãi binh) mà ở lại cùng nhân dân phất cao là cờ ”Bình tây đại nguyên soái”, kháng chiến chống Pháp. Đó là tri huyện Lưu Tấn Thiện và thơ lại Lê Quang Quyền lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu ở vùng Gò công, là Đỗ Trình Thoại hoạt động ở vùng giữa sông Đồng Nai và sông Vàm cỏ. Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân hoạt động ở vùng Mỹ Quý, Chợ Gạo, Rạch gầm, Nguyễn Trung Trực, Quản Là ở vùng Tân An. Phan Trung, Trà Qúy Bình ở vùng Tân Thạch, Tân An (Long An). Hương thân Lê Cao Dũng và Hồ Huân Nghiệp ở vùng Bình Dương thuộc Định Tường. Võ Duy Dương, đốc binh Kiều ở Đồng Tháp Mười. Tri huyện Âu Dương Lân, cử nhân Phan Văn Trị, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tuần phủ Đỗ Quang ở Gia Định...

Trong số những lãnh tụ nổi tiếng của cuộc kháng chiến ở Nam bộ lúc đó, phải kể đến Trương Công Định.

Ông người quê Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, là con của lãnh binh Trương Cầm, theo cha vào Nam giữa thời Thiệu Trị. Khi Trương Cầm làm lãnh binh, Trương Định đã mộ nhiều dân nghèo ở vùng Gia định khai hoang, lập đồn ấp, được phong chức quản cơ nên còn gọi là Quản Định.

Khi Đại đồn thất thủ, Trương Định đem quân về Tân Hòa, Gò công. Ông ra sức chiêu tập nghĩa binh, tổ chức những trận phục kích tiêu diệt quân Pháp.
Khởi nghĩa Trương Định mau chóng phát triển ra các vùng xung quanh, liên hệ với hầu hết các sĩ phu yêu nước ở 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng ra các vùng Mỹ tho, Tân An, Chợ lớn, sang các vùng ven sông Vàm cỏ, từ biển Đông đến biên giới Việt nam - Căm Pu Chia.

Trước khi ký hiệp ước 1862, triều đình phong cho Trương Định làm chức phó lãnh binh tỉnh Gia định. Dưới quyền ông có 6.000 quân. Đội quân này sau đó tăng lên gấp bội và buộc địch phải rút chạy khỏi Gò công, Tân An, chợ Gạo.
Sau điều ước 1862, thể theo yêu cầu của Pháp, triều đình buộc Trương Định bãi binh, giải tán nghĩa quân và bổ nhiệm ông làm lãnh binh tỉnh An Giang (thuộc miền Tây lục tỉnh). Ông đã khẳng khái bất tuân lệnh chỉ, ở lại cùng nhân dân 3 tỉnh miền Đông kháng chiến. Hịch Quản Định được truyền đi khắp nơi, hô hào nhân dân,nghĩa sĩ chống giặc đến cùng.

Từ đại bản doanh Tân Hòa, Gò công nghĩa quân đã tỏa đi khắp nơi, hoạt động dữ dội, làm chủ cả một vùng nông thôn rộng lớn, được nhân dân các nơi hết lòng ủng hộ.

Một chính quyền kháng chiến sơ khai ra đời, thoát li khỏi sự ràng buộc của triều đình Huế.

Vào trung tuần tháng 12/1862 Trương Định đã phát động một chiến dịch lớn tiến công các vị trí của địch ở Biên Hòa, Gia định, Mỹ Tho,giành thắng lợi ròn rã trong trận Rạch Tre, giết được tên đồn trưởng người Pháp và thu nhiều vũ khí đạn dược. Tại Biên Hòa hàng vạn người gồm cả người kinh, người Thượng nhất tề nổi dậy làm chủ con đường Sài gòn - Biên hòa. Tại Bà Rịa, quân nổi dậy giành lại từ tay địch nhiều xã, huyện. Ở Mỹ Tho, trận gây được tiếng vang lớn nhất là trận đánh đồn Thuộc Nhiêu.

Trước tình hình nguy khốn trên đây, đồng thời thừa biết, muốn bình định Nam bộ không thể không tiêu diệt căn cứ Tân Hoà, trung tâm của khởi nghĩa Trương Định, bọn thực dân ở Sài Gòn đã cấp báo về Pháp, xin thêm viện binh và yêu cầu hạm đội từ Trung Quốc về ngay chiến trường Việt Nam. Chúng còn điều thêm 800 quân Tây-Ban-Nha từ Phi-líp-pin sang tiếp cứu.

Nhờ có viện binh, ngày 25/2/1863 thực dân Pháp, dưới sự chỉ huy của tướng Bô-Na mở cuộc tấn công qui mô vào căn cứ Gò Công. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt trong suốt ba ngày.Nhưng tối 28/2/1863 căn cứ Tân Hòa đã bị rơi vào tay giặc. Nghĩa quân phải rút dần ra vùng biển và vùng đám lá tối trời. Từ tháng 3/1863 nghĩa quân tiếp tục hoạt động ở 3 tỉnh miền Đông, tổ chức các trận phục kích quân Pháp ở Mĩ Tho, Cần Giuộc...

Thực dân Pháp lại khốn đốn. Chúng không thể ngồi yên chừng nào chưa dẹp yên nghĩa quân. Ngày 25-9-1863 chúng mở đợt tấn công mới Nghĩa quân vừa chống trả quyết liệt, vừa lui dần từ căn cứ Lí Nhân về Tân Phước, một căn cứ hiểm yếu ở vùng sông Soài ráp. Lúc này Trương Định có gần 1 vạn nghĩa binh, ông đang chuẩn bị đánh úp giặc lấy lại Tân Hoà nhưng dựa vào Huỳnh Công Tấn (tên này trước đây theo nghĩa quân, sau về hàng địch) giặc Pháp đã dò được nơi ở của Trương Định. Ngày 20/8/1864 chúng đem quân vây đánh bất ngờ. Trương Định bị thương nặng, đã rút gươm tự sát, lúc đó ông mới 44 tuổi.

Sau khi Trương Định mất, đồng đội của ông tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu thêm một thời gian: ở vùng Gia Thuận có Nguyễn Ngọc Thăng, ở vùng Giao Loan (Tây Ninh) có Lê Quang Quyền (một bộ tướng gần gũi của Trương Định). Cũng ở Tây Ninh, Phan Chính cầm đầu một tập đoàn nghĩa quân, ông tự xưng là Bình Tây Phó Nguyên soái, còn Trương Quyền (con trai của Trương Định) thì liên kết với Pu-Côm-Pô, nhà yêu nước Căm-Pu-Chia đánh Pháp từ 1864 đến 1867. Võ Duy Dương lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Hoạt động của nghĩa quân Võ Duy Dương đã gây cho địch những thiệt hại nặng trong khoảng thời gian từ tháng 7/1865 đến tháng 4/1866. Sau Thiên hộ Dương (Võ Duy Dương), Đốc bình Kiều lại lấy Đồng Tháp Mười làm căn cứ. Vùng đất này từ đó về sau trở thành nơi tụ họp của nhiều nhà yêu nước.


3.2. Mất ba tỉnh miền Tây (1867) cuộc kháng chiến chống Pháp lan khắp 6 tỉnh Nam

Sau hiệp ước 5-6-1862 tình hình Việt nam ngày càng trở nên tồi tệ: dân các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hoà bị biến thành thần dân của Na-pô-lê-ông III. Triều đình thì phải lo nộp chiến phí hàng năm cho giặc. Từ Bình Thuận ra Bắc, nhân dân càng đói khổ hơn vì thiên tai địch hoạ và vì ách áp bức ngày càng nặng thêm từ phía triều đình. Chính sách thiển cận của nhà nước phong kiến Nguyễn đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Các cuộc khởi nghĩa nông dân và binh lính đã lại liên tiếp nổ ra, trong khi thực dân Pháp đang mưu mô mở rộng cuộc xâm lăng.

Tại Bắc kì, năm 1862 Tạ Văn Phụng, một người theo đạo Thiên chúa, nêu danh nghĩa phù Lê, nổi lên ở vùng Quảng Yên, bao vây và định đánh chiếm tỉnh thành Hải Dương, triều đình phải phái đại quân, phối hợp với quân Thanh đánh dẹp.

Sau cuộc nổi dậy của Tạ Văn Phụng, đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của cai tổng Vàng (tức Nguyễn Văn Thịnh) ở Bắc Ninh vào tháng 4-1862. Cai Vàng cũng nêu danh nghĩa phù Lê, tự phong làm nguyên soái, tôn một người tự xưng là dòng dõi nhà Lê làm minh chủ, tập hợp nhân dân trong vùng đứng dậy. Nghĩa quân đã đánh chiếm các huyện Lạng Giang, Yên Dũng rồi tiếp tục bao vây tỉnh thành Bắc Ninh. Mãi đến cuối năm 1862 toán quân khởi nghĩa của Cai Vàng mới bị đánh tan.

Một cuộc sự kiện khác cũng rất đáng chú ý là cuộc nổi dậy của nhân công và binh lính trên công trường xây dựng Khiêm lăng của Tự Đức do anh em Đoàn Trưng, Đoàn Hữu Ái, Đoàn Tư Trực cầm đầu, nổ ra vào tháng 9 năm 1866. Cuộc nổi dậy này vừa mang tính chất một cuộc khởi nghĩa, vừa mang tính chất một cuộc đảo chính cung đình, phản ánh sự phân hoá sâu sắc trong nội bộ tập đoàn phong kiến, nhưng đồng thời cũng phản ánh mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân với giai cấp thống trị. Nó chứng tỏ sự suy yếu từ bên trong của giai cấp phong kiến và sự chán ghét đến cao độ của quần chúng nhân dân đối với triều đình. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu nhưng dư âm của nó lại rất dai dẳng và bay rất xa vì nó nổ ra ngay tại kinh thành Huế.

Trong lúc nội tình đang rối ren như vậy thì về đối ngoại, triều đình Nguyễn chỉ biết khư khư ôm lấy quyền lợi của giai cấp và của dòng họ, đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác trong đối sách với thực dân Pháp.Trước hết là trong vụ chuộc đất tháng 6-1863.

Cuối năm 1862 khi triều đình Huế bồi thường chiến phí đợt 1 cho Pháp thì đồng thời Tự Đức cũng cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm phó sứ, Ngụy Khắc Đản làm bồi sứ sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông. Do bị sa lầy trên cả hai chiến trường: Mê-hi-cô và Việt nam, trong cuộc tiếp kiến sư bộ Phan Thanh Giản, Na-pô-lê-ông III có ý muốn cho triều Huế được chuộc đất, hứa sẽ cử Ô-ba-rê sang Huế để sửa lại điều ước năm 1862. Rồi từ 16-6-1864 đến 15-7-1864, tại Huế, giữa Ô-ba-rê và Phan Thanh Giản đã có một cuộc điều đình trên cơ sở bản đề án mà Ô-ba-rê đã trình Na-pô-lê-ông III. Một thỏa ước về vấn này với 21 điều khoản đã được thảo ra, trong đó Pháp đồng ý trả lại triều đình 3 tỉnh miền Đông Nam kì và đảo Côn lôn, nhưng lại làm chủ Sài Gòn và một số địa điểm quan trọng khác cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Riêng khoản 4 thì ghi rõ triều đình Tự Đức thừa nhận sự bảo hộ của Pháp trên cả 6 tỉnh Nam kì.

Như vậy theo thoả thuận này thực dân Pháp gần như giữ nguyên hiệp ước 1862, chúng lại còn giành thêm một khoản tiền chuộc khá lớn để bù vào ngân sách đang thiếu hụt. Còn về phía triều đình, rõ ràng phải chịu những điều khoản nặng nề hơn nhưng lại thoả mãn được tâm lí ”chuộc lại” được đất quê ngoại Tự Đức, tránh được tiếng xấu là bất hiếu với vua chúa tổ tiên.Tuy nhiên, ý muốn cá nhân trên đây của Tự Đức đã không thực hiện được. Ngay sau khi Ô-ba-rê rời khỏi Việt Nam, cánh thực dân hiếu chiến ở Pháp, nhất là cánh thực dân ở Nam Kì đã kiên quyết phản đối đề án của ông ta. Chúng hiểu quá rõ sự bạc nhược của triều đình phong kiến Việt nam. Rốt cuộc, hiệp ước mới giữa Ô-ba-rê và Phan Thanh Giản ngày 26 tháng 1 năm 1864 đã không được chính phủ Pháp phê chuẩn. Ngược lại, ngay sau khi cho quân chiếm Căm-Pu-Chia vào năm 1863, chúng bắt đầu mở rộng cuộc chiến tranh để thanh toán nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ của Việt nam. Lúc đầu, lấy lý do ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên ở vào ”địa thế treo lơ lửng, không tiện cho nước Nam” vậy ”xin để cho Pháp cai trị tất cả”.. Nhưng sau vì lo đất của triều đình Huế có thể gây ra đổ bể cho âm mưu ăn cướp của Pháp, bọn võ quan thực dân bèn quyết định mở cuộc tấn công bằng vũ lực chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên từ ngày 18 đến 24/6/1867.

Ngày 18-6-1867 quân Pháp gồm 1200 tên cùng 400 ngụy binh tập hợp ở Mĩ Tho. Ngày 19-6 La-gơ-răng-đi-e cũng đưa thêm 16 tàu chiến đến nơi. Sáng 20-6, chúng dàn trận trước thành Vĩnh Long rồi đưa thư cho khâm sai đại thần của triều đình Huế là Phan Thanh Giản đòi nộp thành không điều kiện. Tiếp đó quân Pháp lại buộc Phan viết thư khuyên quan quân triều đình ở hai tỉnh còn lại là An giang và Hà tiên hạ khí giới. Như thế là chỉ trong vòng mấy ngày, thực dân Pháp đã chiếm đóng được cả ba tỉnh miền Tây Nam kì không tốn một viên đạn. Ngày 5/7/1867, sau khi nộp thành và viết thư khuyên hàng, Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử. Còn La-gơ-răng-đi-e, đã được Pa-ri cử làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở ba tỉnh miền Tây (ngày 24/6/1867).

Mặc dù phải chiến đấu trong một tình thế khó khăn gấp bội, nhân dân 6 tỉnh nam kỳ vẫn kiên cường chống Pháp, làm thất bại ý đồ bình định cấp tốc của chúng.

Tại những vùng dọc theo sông Cửu long, hàng chục ngàn người đã gia nhập nghĩa quân. Nhiều nhà nho yêu nước ở các tỉnh Vĩnh, An Hà đã nhất quyết không chịu hợp tác với giặc, tị địa ra Bình Thuận, lập ra tổ chức Đồng châu xã để nương tựa lẫn nhau và lập căn cứ Tính linh để mưu tiếp tục chống giặc. Số đông sĩ phu khác đã ở lại tham gia phong trào kháng chiến của nhân dân.

Năm 1867, Phan Tôn, Phan Liêm (còn gọi là Phan Tam, Phan Ngũ), hai người con của Phan Thanh Giản, hoạt động kháng Pháp ở vùng Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh long.

Tại miền cực tây lục tỉnh, phát huy truyền thống Nhật Tảo năm xưa, Nguyễn Trung Trực tiếp tục nổi dậy. Tháng 9/1868 ông bị giặc bắt ở Phú Quốc rồi bị đem về xử tử tại Rạch Giá. Trước khi chết, nhà yêu nước đã dõng dạc nói với kẻ thù: ”Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”
Sau khi Nguyễn Trung Trực bị giết hại, những nghĩa quân ủng hộ ông đã tiếp tục cùng anh em Đỗ Thừa Long, Đỗ Thừa Tự lập căn cứ kháng Pháp ở vùng rừng U Minh. Tại An Giang có khởi nghĩa của Trần Văn Thành. Vùng Ba Tri (Bến tre) có khởi nghĩa của Phan Tôn... Ngoài ra trong những năm từ 1869 đến 1875 còn có nhiều cuộc khởi nghĩa khác. Ở Ô Môn - Bình Thủy (Cần Thơ) có khởi nghĩa của Lê Công Thành, ở Vĩnh long, Long xuyên có khởi nghĩa của Phan Văn Đồng....

Năm 1875, Nguyễn Hữu Huân một lần nữa lại đứng dậy ở Tân An, Mĩ Tho. Tháng 5/1875 ông bị Pháp bắt và xử tử hình tại xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang.


IV. Việt Nam trước khi thực dân Pháp tiến đánh Bắc kỳ lần thứ nhất. Pháp ráo riết chuẩn bị cuộc xâm lược.

4.1. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam trước khi Pháp kéo ra Bắc kỳ.


Sau khi chiếm được ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, song song với việc thiết lập chế độ thực dân tại những nơi vừa chiếm được, ban chỉ huy quân Pháp ở Sài gòn nghĩ ngay đến việc hoạt động ở Bắc kỳ.

Về phía triều đình Huế thì từ sau khi Pháp chiếm lục tỉnh, đã không có một biện pháp nào để chấn chỉnh kinh tế, củng cố quốc phòng nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng hiểm nghèo. Trái lại vẫn thi hành những chính sách thiển cận khiến cho đất nước càng ngày càng lún sâu vào khủng hoảng, bế tắc.

Công cuộc phòng thủ đất nước không được chăm lo. Trình độ tổ chức, trang bị, kĩ thuật tác chiến của quân đội không được cải tiến. Nông nghiệp đình đốn, công thương nghiệp bị kìm hãm ngặt nghèo. Tài chính thiếu hụt nghiêm trọng. Thiên tai xảy ra thường xuyên: năm 1867, đê vỡ ở các tỉnh Sơn tây, Hà nội, Bắc ninh, Hưng Yên, Nam Định. Vùng ven biển Bắc kì cũng bị bão lụt to. Năm 1868 đến lượt các tỉnh Ninh bình, Hải Dương bị bão lụt, nhân dân xiêu tán tứ tung. Tháng 5-1870 Quảng Bình, Quảng Trị hết đại hạn đến lụt lớn.

Công thương nghiệp đã kém cỏi nay lại càng đình đốn. Những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa xuất hiện ở nước ta trong các thế kỉ trước đã bị nhà nước phong kiến Nguyễn chặn đứng. Về thương nghiệp, những đột phá bước đầu của Vương triều Tây Sơn vào chính sách bế quan toả cảng truyền thống đã bị xoá bỏ hẳn. Các trung tâm thương mại của các thế kỉ trước dần dần chỉ còn lại trong kí ức mọi người. Giao thông đường biển hoàn toàn ỷ lại, trông chờ vào Chiêu thương cục nhà Thanh. Việc buôn bán giao thiệp với nước ngoài coi như bị đóng của hoàn hoàn. Trong điều kiện quốc tế mới ở nửa sau thế kỉ XIX một số nước châu Âu đã đến giao thiệp và xin thông thương như Anh, Tây-ban-nha, Phổ... nhưng triều đình Tự Đức thiển cận, đã tìm mọi cách từ chối.

Trong khi thiên tai, thuế má, tạp dịch, đói khổ, cướp bóc đang xô đẩy cuộc sống của nhân dân đến bước đường cùng thì bọn phong kiến quý tộc vẫn sống sa hoa phung phí. Công trình Khiêm lăng của Tự Đức đã ngốn không biết bao nhiêu tiền bạc và sức lực của nhân dân.

Ách áp bức nặng nề đã khiến cho các cuộc khởi nghĩa chống triều đình tiếp tục bùng nổ ngày càng dữ dội: Năm 1866 có cuộc khởi nghĩa ở kinh thành. Tiếp đó là các cuộc nổi dậy của nông dân Đan Phượng (Hà Đông), nông dân Kim Anh, Đa Phúc (Phúc Yên), nông dân Bắc Ninh, Quảng Yên. Nạn thổ phỉ, hải phỉ, ”giặc khách” như giặc cờ đen (Lưu Vĩnh Phúc), cờ trắng (Bàn văn Nhị, Lương Văn Lợi), cờ vàng (Hoàng Sùng Anh, Vương Thiên Tích, Ngô Anh), cùng những đám ”tàu ô”, cướp biển thừa dịp suy yếu bất lực của triều đình đã mặc sức tung hoành quấy nhiễu ở các vùng thượng du, trung du và ven biển Bắc kì, làm cho nhân dân càng thêm điêu đứng.


4.2. Trào lưu đòi cải cách và thái độ của triều đình Huế

Trước tình cảnh tiêu điều của đất nước, nhiều sĩ phu yêu nước có tầm nhìn xa, hiểu biết rộng như Đinh Văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch, đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ đã mạnh dạn đưa ra những đề nghị cải cách, những mong có thể cải biến tình hình, nhưng tất cả đều bị triều đình Tự Đức cự tuyệt.

Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) là con ông Nguyễn Quốc Thư ở làng Bùi Chu, tổng Hải Đô, huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An. Năm 1847, khi Tộ 19 tuổi, cũng là lúc thực dân Pháp đe doạ xâm lược Đà nẵng, ông bắt đầu từ bỏ con đường nho học và theo con đường âu học, do một giáo sĩ Pháp âm thầm truyền bá tại Chủng viện Xã đoài. Một thời kì, Tộ xin dạy chữ Hán ở nhà thờ Tân Ấp rồi ông đi du lịch Hồng-Kông, Sinh-ga-po.Năm 1858, Nguyễn Trường Tộ sang Pháp lưu học ở Pa-ri trong 2 năm, quyết chí khảo cứu những thành tựu của cuộc cách mạng kĩ thuật châu Âu và nhanh chóng trở thành một nhà khoa học có tài. Năm 1861 ông trở về Tổ quốc rồi 8 năm sau đó, năm 1871 mất tại quê nhà, thọ 43 tuổi.

Với tấm lòng yêu nước, yêu dân tha thiết, Nguyễn Trường Tộ muốn đem tất cả trí tuệ và sức lực của mình vào việc canh tân xứ sở. Tháng 3 năm 1863 Nguyễn Trường Tộ nhờ Phạm Phú Thứ gửi lên triều đình Huế một bản trần tình và ba tập điều trần. Hệ thống sáng kiến duy tân đất nước của ông bắt đầu từ đó. Điểm xuất phát trong toàn bộ các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ là lòng yêu nước,tinh thần độc lập và niềm tin vào vận mệnh dân tộc. Trong các bản điều trần, ông cực lực lên án những kẻ mưu phản quê hương đất nước, hứng khởi cảm quan về địa lợi tốt và Nhân vật tốt, về cách làm cho hoạ trở thành phúc, bại chuyển thành thắng, phát triển trí tuệ dân tộc để đưa nước ta thoát ra khỏi tình thế ”bốn mặt chịu ép” và nguy cơ bị nước ngoài xâm lăng.

Những tư tưởng trên đây của Nguyễn Trường Tộ được gắn liền với một cơ sở lí luận đối lập với ý thức hệ phong kiến truyền thống, những ”nho phong” và ”học thuật” cũ kĩ. Cũng trên cơ sở của những xuất phát điểm trên đây, ông đưa ra hàng loạt sáng kiến duy tân, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị, quân sự, văn hoá, giáo dục, ngoại giao... tất cả đều nhằm vào mục đích: ”hiến mưu hiến sức phấn đấu phòng ngừa để mà giữ nước, giữ nhà”.

Về kinh tế, Nguyễn Trường Tộ đề cập đến các mặt công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, thuế khoá, đê điều... cho đến cách thức giao dịch kinh tế, kí hợp đồng với nước ngoài. Ông vạch rõ những tiềm năng của đại công nghiệp nước ta, về 4 nguồn: hải lợi, lâm lợi, thổ lợi, khoáng lợi. Ông đặc biệt nhấn mạnh: để khai thác được những tiềm năng đó, đặc biệt phải chú ý giải quyết việc thiếu tài nghệ, tức là nhân tài kĩ thuật, đến vấn đè khai thác mỏ. Ông tình nguyện làm việc thăm dò các mỏ, lập bản đồ khoáng chất nước ta và cũng là người đầu tiên phát hiện nguồn than đá ở Quảng Yên, chứ không phải là kĩ sư Phay-sơ (Pháp) năm 1882.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nguyễn Trường Tộ cho rằng, tuy triều đình trọng nông, nhưng thực tế lại không hề có khoa học nông nghiệp, kĩ thuật canh tác rất lạc hậu. Ông đề nghị thành lập Bộ nông chính để chăm sóc nông nghiệp, mở trường nông chính để phổ biến khoa học kĩ thuật nông nghiệp, nghiên cứu nghề nông và nâng cao trình độ canh tác ở nước ta. Một điểm rất đặc sắc là ông đã đề xuất việc trị thuỷ sông Hồng. Ông phản đối chủ trương phá bỏ hệ thống đê sông Hồng của Tự Đức và đưa ra sáng kiến khoa học, sử dụng tổng hợp nguồn nước chống thủy tai theo nguyên lí ”khơi nước chứ không cản nước” mà đến nay vẫn còn có nhiều giá trị.

Trên các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, văn hoá giáo dục... Nguyễn Trường Tộ cũng mạnh dạn đề xuất những chủ trương cải cách, trong đó luôn luôn đề cao tinh thần tự lực tự cường, “lĩnh hội thời biến”, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước phương tây để tìm cách chống ”ngoại địch” chứ không chỉ bó hẹp ngoại giao một cách không bình đẳng với Pháp. Nguyễn Trường Tộ tỏ ra là người hết sức tâm huyết và suất sắc trong việc đề nghị đường lối cải tổ về giáo dục. Ông công kích nền giáo dục khô cứng, khuôn sáo của nho học cũ; nêu ra những sáng kiến cải tổ học chế nước ta, trong đó, hết sức coi trọng lối học thực dụng, khuyến khích học tiếng nước ngoài, đề cao Quốc âm (tiếng Việt).

Về chính trị, xã hội, ông cũng đưa ra nhiều ý kiến nhưng đã có những hạn chế lịch sử không thể vượt qua được.

Hệ thống các đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ cũng như những bản điều trần đề nghị cải cách của Đinh văn Điền, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Huy Tế... có nhiều điểm tiến bộ và cũng không phải là không có cách gì để thực hiện, nhưng rất tiếc nó đã không được triều đình Huế quan tâm, tiếng vang ra ngoài xã hội của các đề nghị đó, vì thế cũng bị hạn chế. Mặt khác, những đề nghị cải cách này lại đưa ra vào lúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang ngày càng mở rộng, đang thu hút sự chú ý của toàn xã hội, cho nên nó đã bị rơi vào quên lãng, dù là cố ý hay không cố ý.

Trong lúc đó, để gỡ tình thế rối ren, Tự Đức đã điều động các tướng lĩnh chủ chốt của chiến trường lục tỉnh ra Bắc để đối phó. Triều đình Huế còn thu nạp thêm tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc, thậm chí nhờ ”Soái phủ” Pháp ở Sài gòn đem tàu ra giúp tiễu trừ hải phỉ ở ven biển Bắc Kì.


4.3.Pháp tiến đánh thành Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873-1874)

Trong khi đang muốn tìm đường thông thương với miền Hoa Nam (Trung quốc) - một miền đất đông dân cư, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nằm sâu trong lục địa, cách xa vùng ảnh hưởng của người Anh, lại cũng biết một cách chắc chắn rằng con đường sông Hồng rất thuận tiện cho việc đi lại lên vùng Vân Nam (Trung Hoa), thực dân Pháp đã quyết định đánh chiếm lấy Bắc Việt Nam và coi đó là ”một vấn đề sống chết cho tương lai quyền thống trị của Pháp ở Viễn Đông”.

Để xúc tiến âm mưu này, năm 1872, sau khi thám thính vịnh Hạ Long, sử dụng đồng đảng Tạ Văn Phụng để gây sức ép với triều đình Huế, thực dân Pháp đã dùng tên lái buôn J.Duy-Puy gây rối trên sông Hồng, tự tiện xâm phạm chủ quyền của Việt nam. Năm 1872 - 1873 Đuy-Puy liên tiếp gây ra những vụ khiêu khích thậm chí cướp phá ở Hà nội. Sau đó lấy cớ giải quyết vụ Duy-Puy ngày 11-10-1873 Fhơ-răng-xi Gác-ni-ê được lệnh từ Sài gòn đem quân ra Bắc. Sau khi tự tiện tuyên bố mở cửa sông Hồng, F.Gác-ni-ê quyết định đánh thành Hà Nội.

Fhơ-răng-xi Gác-ni-ê hạ thành Hà Nội lần thứ nhất.

Ngày 20/11/1873 Đại tướng Nguyễn Tri Phương - lúc đó được cử giữ chức Trấn thủ thành Hà Nội, đã cùng Hiệp quân Trần Văn Cát, suất đội Ngô Triều xông lên mặt thành chỉ huy tác chiến. Phan Tôn, Phan Liêm những lãnh tụ nghĩa quân miền Tây lục tỉnh năm xưa đã anh dũng chiến đấu cho đến khi bị giặc bắt. Một viên chưởng cơ cùng 100 quân chống chọi đến người cuối cùng ở ô Thanh Hà (về sau đổi thành ô Quan Chưởng). Nguyễn Tri Phương bị trọng thương ở bụng, không chịu để giặc buộc thuốc, nhịn ăn, nhịn uống cho đến chết.

Trong vòng 3 tuần lễ, giặc Pháp đánh lan ra các tỉnh Bắc kỳ, chiếm các tỉnh: Hưng yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình Nhân dân các địa phương nói trên đã phối hợp với quan lại, sĩ phu tự đứng lên tổ chức chống giặc, ở Hải Dương có Lê Hữu Thường, tuần phủ Đặng Xuân Bảng, bố chính Nguyễn Hữu Chính, án sát Nguyễn Đại. ở Nam Định, văn thân chia nhau trấn giữ các huyện: Nguyễn Mậu Kiến tập hợp nghĩa binh, xây dựng trung tâm kháng chiến ở Trực Định (nay là Kiến Xương). Phạm Văn Nghị, Nguyễn Hữu Lợi... chống Pháp ở Phong Doanh, Ý Yên.

Tại Bắc Ninh, Sơn Tây, hai cánh quân của Trương Quang Đản, Hoàng Kế Viêm đã phối hợp với toán quân cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc tạo thành thế bao vây uy hiếp thành Hà nội.

Ngày 21/12/1873 tại Cầu Giấy, quân ta tổ chức mai phục tiêu diệt toán quân Pháp, trong đó có tên tổng chỉ huy F.Gác-ni-ê, đồng thời ở các nơi, quân dân ta ráo riết bao vây Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình.

Hiệp ước 1874

Quân Pháp hoang mang dao động. Cuộc kháng chiến kiên cường anh dũng của nhân dân ta đã đặt thắng lợi giải phóng đất nước trong tầm tay. Giữa lúc đó triều đình Huế ký điều ước 15/3/1874 mang tên Hiệp ước Hòa bình và liên minh (còn gọi là điều ước Giáp Tuất). Điều ước gây nên sự bất bình và phẫn uất trong dân chúng. Nhiều cuộc nổi dậy chống triều đình kết hợp với chống thực dân Pháp đã bùng nổ, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn - Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh (1874):

Dập dìu trống đánh cờ xiêu
Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây.​

Hiệp ước Giáp Tuất là điều ước thứ hai, đánh dấu bước trượt dài trên đường suy vong của triều đình Huế. Nó gồm 22 khoản. Những khoản chính là: triều đình chính thức thừa nhận việc quân Pháp chiếm cứ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, thừa nhận cho người Pháp được tự do truyền đạo ở khắp nước ta và được tự do thông thương, đặc biệt là ở Hà nội và trên sông Hồng.


V. Quân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai (1882-1884)


Âm mưu của Pháp sau Hiệp ước 1874 và cuộc tấn công Hà Nội lần thứ hai của Pháp.

Việc cắt đất đầu hàng của triều đình Huế vẫn chưa làm vừa lòng quân Pháp. Để cứu vãn những vùng còn lại, một mặt triều đình Tự Đức tiếp tục lao sâu vào con đường phản bội, cùng quân Pháp đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân, mặt khác, tìm cách cầu cứu nhà Thanh.

Lợi dụng việc triều đình Huế vẫn nhờ tàu Pháp từ Sài gòn ra dẹp bọn cướp biển ở vùng biển Hạ Long, Quảng Yên rồi lấy cớ triều đình Huế không nghiêm chỉnh thi hành Hiệp ước 1874, vẫn tiếp tục quan hệ với Trung Hoa, ngăn trở việc đi lại buôn bán của người Pháp trên sông Hồng... bọn thực dân sau khi do thám tình hình đã quyết định tăng quân số ở miền Bắc rồi gửi thêm quân viễn chinh từ Pháp sang. Tháng 3/1882 thống đốc Nam Kì lại phái Trung tá hải quân Ri-vi-e đem 300 quân ra Bắc đổ bộ lên Hà Nội nâng tổng số quân của chúng ở đây lên 600 tên. Ngày 25/4/1882 Ri-vi-e nổ súng đánh thành Hà Nội.

Tổng đốc Hoàng Diệu đốc quân kháng chiến anh dũng.

Nối tiếp tinh thần bất khuất của Nguyễn Tri Phương năm xưa quân ta dựa vào các thành lũy, chiến hào đẩy lui từng đợt tiến công của địch. Nhưng cuộc cầm cự chỉ kéo dài được hơn nửa ngày. Sức đề kháng của quan ta yếu dần, cuối cùng tổng đốc Hoàng Diệu đã phải tuẫn tiết sau khi lấy máu viết tờ di biểu gửi triều đình.

Ngay từ giữa năm 1882, biết âm mưu Pháp sắp thanh toán hết Việt Nam triều đình Mãn Thanh đã hạ lệnh cho tập trung quân ở miền biên giới và đưa một bộ phận sang đóng ở Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Sơn tây. Nhưng khi thành Hà nội thất thủ chúng vẫn án binh bất động. Vì giữa nhà Thanh và Pháp đang có cuộc thương lượng tại Bắc Kinh, chúng gắng đi đến một hiệp nghị (cuối 1882) để định vị trí chia nhau thống trị Bắc Việt nam.
Trước thái độ bạc nhược của triều đình Huế và thái độ dè dặt của triều đình Mãn Thanh, thực dân Pháp càng củng cố quyết tâm đánh chiếm bằng được phần thị trường Bắc Việt Nam, vừa để khai thác tài nguyên, vừa để thâm nhập vào vùng Tây Nam Trung Hoa.

Từ tháng 2/1883 chính phủ Pháp gấp rút chuẩn bị hành động. Chúng tăng quân ở bắc Việt Nam lên 2000 tên năm 1883 và 15000 tên đầu năm 1884.
Việt nam, hỗ trợ về tinh thần cho triều Nguyễn và cũng là để lợi dụng cuộc kháng chiến của nhân dân Việt nam mà mặc cả với Pháp.Trong lúc đó, cũng như trước kia, Pháp và Mãn Thanh lại tiếp tục thương lượng ở Pa-ri và Thượng Hải. Lập trường của nhà Thanh là thừa nhận cho Pháp chiếm 6 tỉnh Nam Kì nhưng đòi Pháp phải thừa nhận quyền Thiên triều của Bắc Kinh đối với Huế.

Quân dân Hà Nội kháng chiến. Trận Cầu Giấy lần thứ hai 19/5/1883

Ngày 19/5/1883 Hăng-ri Ri-vi-e bị quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích, tử trận ở Cầu Giấy. Tin này khiến Chính phủ Pháp quyết định khai chiến để buộc triều đình Việt Nam đầu hàng hoàn toàn. Hác-măng là lãnh sự Pháp ở Băng-Cốc được cử làm ủy viên toàn quyền điều khiển cuộc chinh phục. Giữa lúc nguy kịch như vậy thì ngày 19/7/1883 Tự Đức chết.


Pháp tấn công Thuận An. Nhà nước phong kiến Việt Nam sụp đổ. Hòa ước 1883 và 1884

Triều đình đang còn lục đục trong việc suy tôn người kế nghiệp thì thực dân Pháp đã đưa quân chiếm Thuận An (20/8/1883) rồi ngày 25/8/1883 chúng buộc triều đình Nguyễn ký ”Hiệp ước Hòa bình” - một hiệp ước được Pháp soạn thảo sẵn với tinh thần nô dịch, đặt nền thống trị của chúng tên toàn bộ đất nước Việt nam.

Hiệp ước 25/8/1883 (còn gọi là Hiệp ước Hác-măng) gồm 27 khoản. Nội dung qui định triều đình Huế thừa nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, phần còn lại đặt dưới chế độ ”Bảo hộ”. Đất nước Việt nam từ đây bị chia thành 3 khúc: Co Sanh Sin (Nam kỳ), An Nam: từ Khánh Hòa tới Đèo Ngang và Tông canh: từ Đèo ngang ra Bắc

Hiệp ước Hác măng tước bỏ hoàn toàn quyền ngoại giao của triều đình Huế, kể cả với Bắc Kinh - tức là thủ tiêu ý đồ của Mãn Thanh dùng Huế để mặc cả với Pháp.

Ngày 11/5/1884 - tại Thiên Tân, Mãn Thanh ký một qui ước với Pháp, theo đó, Trung Quốc nhận rút quân khỏi Bắc kỳ và tôn trọng các hiệp ước đã ký kết giữa Pháp và triều đình Huế.

Ngày 6/6/1884 Pháp soạn thảo một hiệp ước mới sai Pa-tơ-nốt đưa cho triều đình Huế ký nhận. Nội dung sửa lại mấy khoản của hòa ước Hác măng, để các tỉnh Bình thuận, Hà tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa đều thuộc Trung kỳ, về danh nghĩa do triều đình cai quản nhưng dưới sự bảo hộ của Pháp.

Để yên tâm thống trị Việt nam, ngày 9/6//1885, tại Thiên Tân, Pháp ký với Trung Quốc một bản hiệp ước mang tên ”Hòa bình hữu nghị và thương mại”. Bản hiệp ước này có 10 khoản, theo đó Pháp rút khỏi Đài Loan còn Trung Quốc thừa nhận nền thống trị của Pháp tại Việt Nam. Sau đó, Trung quốc còn nhượng cho Pháp một số quyền lợi trên lãnh thổ Trung Quốc còn Pháp cũng nhượng cho Trung Quốc nhiều vùng đất của Việt Nam tại vùng biên giới, sáp nhập các vùng đất này vào 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung quốc. Ngày 26/6/1887 và 20/6/1895 - Pháp - Trung Quốc ký 2 công ước hoạch định biên giới Việt - Trung. Đường biên giới trên biển cũng được chúng thỏa thuận trong công ước ngày 26/6/1887./.

(Sưu tầm)
 
cau hoi nay ban tra loi gium minh nha?
"vì sao tất cả các cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta ở cả ba miền Bắc Trung Nam trước khi Đảng Cộng Sản ra đời dều bị thất bại"?
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top