• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Cuộc chiến tranh Pháp- Phổ và sự sụp đổ của đế chế II

Trang Dimple

New member
Xu
38

CUỘC CHIẾN TRANH PHÁP – PHỔ VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA ĐẾ CHẾ II

Cuối tháng 6-1870, Đế chế II bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc. Khi chiến tranh Pháp-Phổ mới bắt đầu, nhân danh Quốc tế I, Mác đã gửi lời kêu gọi công nhân toàn thế giới.

Trong lời kêu gọi đó, Mác phân tích tính chất của chiến tranh và nêu rõ rằng trong giai đoạn đầu, về phía Đức, cuộc chiến tranh đó là tiến bộ bởi vì Napôlêông III trong nhiều năm đã cản trở sự thống nhất nước Đức, kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa của nước Đức. Đồng thời, Mác cũng đề ra nhiệm vụ cho giai cấp công nhân Đức là phải ngăn chặn không để cho cuộc chiến tranh này trở thành chiến tranh xâm lược. Mác chỉ ra rằng chiến tranh phải được kết thúc bằng cách lật đổ Napôlêông III, nhưng không để cho nước Phổ cướp phá nước Pháp và phải đi đến ký kết hòa ước danh dự giữa nhân dân Pháp và nhân dân Đức.

Dù rằng nền Đế chế II đã chi tiêu cho quân đội một món tiền khổng lồ, nhưng vì thiếu kế hoạch, tổ chức hỗn loạn và chỉ huy tồi nên bị thất bại.

Quân đội Pháp thua hết trận này đến trận khác. Có 2 đạo quân lớn thì một bị vây hãm trong pháo đài Métdơ, một bị dồn về Xơđăng. Ngày 2-9, Napôlêông III kéo cờ trắng trên thành Xơđăng và cùng với 4 ngàn quân bị bắt làm tù binh. Sau khi nghe tin này, ngày 4-9-1870 nhân dân Pari căm phẫn đã tự phát nổi dậy tràn vào dinh Buốcbông hô lớn: “Phế truất hoàng đế”, “Nước Pháp muôn năm”, “Cộng hòa muôn năm”, đòi thành lập chế độ cộng hòa và tổ chức bảo vệ Tổ quốc. Nền Đế chế II sụp đổ. Chiều ngày 4-9 một chính phủ lâm thời tư sản được thành lập lấy tên là “Chính phủ vệ quốc”.

Trong chính phủ có những người cộng hòa tư sản, phần nhiều thuộc phái hữu, và có cả những phần tử bảo hoàng nữa. Tướng Tơrôsuy, nguyên thống đốc Pari có xu hướng bảo hoàng được cử làm bộ trưởng chiến tranh và đứng đầu chính phủ mới. Sau khi ở Pháp đã tuyên bố thành lập nước cộng hòa, nhân danh Quốc tế I, Mác lại gửi lời kêu gọi thứ hai cho công nhân toàn thế giới. Mác kêu gọi công nhân Đức hãy buộc chính phủ Phổ ký hòa ước với nước Cộng hòa Pháp không có điều kiện thôn tính đất đai và không bắt bồi thường chiến phí.

Mác cũng giải thích cho công nhân Pháp thấy rằng “Chính phủ vệ quốc” là chính phủ thù địch với nhân dân Pháp, nhưng nhận định rằng trong điều kiện lúc đó, chưa thể lật đổ được chính phủ ấy ngay tức khắc khi quân thù còn đang ở cửa ngõ Pari. Sau thất bại của Pháp ở Xơđăng, đường về Pari bỏ ngỏ, quân đội Phổ tiếp tục tiến vào thủ đô nước Pháp. Khi quân Phổ tiến về Pari và bao vây thành phố ngày 19-9 thì việc phòng ngự không phải không còn có hiệu lực vì ở Pari còn có 246.000 vệ binh biệt động và thủy quân, 125.000 vệ quốc quân sẵn sàng chiến đấu.

Nhân dân yêu nước và dũng cảm muốn chiến đấu đến cùng để quét sạch quân Đức, sống chết bảo vệ thủ đô. Nhiều ủy viên của chi nhánh Quốc tế ở Pari đều có mặt trong các tiểu đoàn vệ quốc. Giai cấp tư sản thù ghét quân Đức, nhưng lại sợ quần chúng nhân dân và quân Vệ quốc. Giai cấp tiểu tư sản thì do dự. Bọn thống trị thì tìm cách giải quyết vấn đề hòa bình và chiến tranh bằng con đường đầu hàng, không chịu bảo vệ thủ đô. Nhân dân rất lo lắng cho vận mệnh nước Pháp, đòi chính phủ phải võ trang cho nhân dân.

Dưới thời Đế chế đã có 60 tiểu đoàn vệ quốc. Do đòi hỏi kiên quyết của giai cấp công nhân trong tình thế lúc đó, chính phủ buộc phải tổ chức thêm 200 tiểu đoàn vệ quốc quân trong đó đa số là công nhân, thợ thủ công và công chức nhỏ. Phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp, đặc biệt là nhân dân Pari lên rất mạnh.

Trong khi nhân dân Pháp tích cực kháng chiến thì giai cấp tư sản ngày càng đi sâu vào con đường phản bội. Ngày 27-10, tướng Bađen chỉ huy 15 vạn quân Pháp bị bao vây ở Mátdơ đã đầu hàng nhục nhã. Tin thành Mátdơ đầu hàng làm dư luận trong nước xôn xao: Nhân dân Pari và vệ quốc quân tập hợp trước tòa thị chính hô lớn: “Đả đảo Tơrôsuy! Không đàm phán!” và đến chiều thì chiếm đóng tòa thị chính.

Trong khi đó, Bộ trưởng ngoại giao của chính phủ tư sản là Giuynlơ Phavrơ bí mật thỏa thuận với Bixmác về những điều khoản hòa ước mà thực chất là sự đầu hàng “Chính phủ Vệ quốc” đã lộ nguyên hình là một chính phủ phản quốc. Cuộc đàm phán giữa chính phủ Tơrôsuy với Đức bắt đầu ở Vecxai từ ngày 23-4-1871.

Đến ngày 28, Chính phủ Pháp ký hiệp định đình chiến, chấp nhận những điều kiện của Phổ. Theo quy định của điều khoản đình chiến, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ được tổ chức vào ngày 8-2-1871 để Quốc hội mới đứng ra ký kết hòa ước. Mặt khác, giai cấp thống trị muốn bầu cử Quốc hội để củng cố chính quyền chống lại cuộc đấu tranh của nhân dân.

Kết quả, bầu vào Quốc hội phần lớn là bọn phú nông, tu sĩ, đại địa chủ, vì thế trong số 750 nghị viên thì đã có đến 450 người thuộc phái bảo hoàng, không thừa nhận chính thể cộng hòa mà định khôi phục chế độ quân chủ. Chie được cử làm Thủ tướng chính phủ và Giuynlơ Phavrơ làm Bộ trưởng ngoại giao.

Chie gặp Bixmác, ngày 28-2 ký những điều khoản tiên quyết của hòa ước: nước Pháp phải trả khoản bồi thường chiến tranh là 5.000 triệu phrăng, những pháo đài của Pari bị quân Đức chiếm đóng cho tới lúc Pháp nộp 500 triệu đầu tiên, còn những quân phía đông bị chiếm đóng cho đến khi Pháp trả hết khoản bồi thường, phải nhường tỉnh Andát và một phần ba tỉnh Lôren, quân Phổ tiến vào chiếm đóng Pari.

Trước hành động phản quốc của Chie và Quốc hội Boócđô hôm trước ngày quân Phổ tiến vào thủ đô, dân chúng và quân đội vệ quốc Pari đã chiếm và di chuyển đến Môngmáctơrơ và Benlơvinlơ 227 đại bác và súng liên thanh do bọn đầu hàng bỏ lại trong các khu phố mà quân Phổ sắp đến. Chính vì tinh thần dũng cảm đáng khâm phục đó mà quân Phổ chỉ dám chiếm đóng một góc nhỏ của thành phố Pari và chỉ ở lại 62 giờ.

Trong cuộc đấu tranh chống bọn phản động ngày 15-2, 215 trong số 270 tiểu đoàn vệ quốc đã thành lập “Liên minh quân đội vệ quốc” và bầu ra cơ quan lãnh đạo của nó ở từng đơn vị, đứng đầu là Ủy ban trung ương quân vệ quốc, ủy ban trung ương gồm đại biểu của tất cả các đơn vị, có cả những người xã hội và những hội viên của Quốc tế I. Ủy ban là một tổ chức dân chủ, có quan hệ với giai cấp công nhân. Ngày 24-2, ủy ban trung ương tổ chức một cuộc biểu tình tuần hành lớn trước nhà tù La Baxti để kỷ niệm nền Cộng hòa thứ hai và để ngăn chặn hoạt động của lực lượng phản cách mạng.

Trung tuần tháng 3-1871, Quốc hội hạ lệnh tước vũ khí quân vệ quốc. Một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định giữa chính phủ Vecxai và Pari cách mạng bắt đầu và đó chính là nguyên nhân trực tiếp nổ ra cuộc cách mạng ngày 18-3-1871.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top