CUỘC CHIẾN HOA HỒNG CỦA TRÁI TIM RỚM LỆ
Chúng ta đang bước vào thánh địa hoa hồng của tình yêu, còn hơn thế đó là chiếc giường thiên thai của đôi uyên ương ngập tràn hạnh phúc tột đỉnh mà người ta chẳng biết gán cho nó tên gọi nào hay hơn là "cực lạc”, nhưng đó cũng là nơi tình trường ác liệt hơn cả chiến trường, văn hào Shakespear đã từng viết: hầu hết bi kịch của nhân loại xảy ra trên giường ngủ.
Than ôi, chiến trường làm sao có thể ác liệt bằng tình trường, vì ở chiến trường người ta nhìn thấy đối phương, ẩn nấp và né tránh những vết đạn, và trên cánh đồng mênh mông hay những khu rừng rậm rạp vẫn còn cơ hội để sống sót, nhưng trên chiếc giường của ái tình, khi gối chăn đã xới tung và giáp bào đã tháo cởi không còn một chút để hộ vệ, và trên "cánh đồng" chu vi vừa lọt hai người, làm sao có thể tránh nổi khi đối phương giáng đòn chí tử vào giữa trái tim?
Người Trung Quốc đã thừa nhận sự thất trận trên tình trường như sau: "Anh hùng khó qua ải mỹ nhân". Anh hùng là kẻ sức địch muôn người, tả xung hữu đột như chẻ tre, xông vào đội quân của đối phương như vào chốn không người, vậy mà oái oăm thay lại không vượt qua nổi hàng lệ của đàn bà. Một thi hào có viết: "Tình yêu là đại dương chìm trong giọt lệ. Một chiến hạm có thể bất khả chìm trên đại dương nhưng hoàn toàn có thể bị dìm sâu trong một giọt lệ của tình yêu. Chính vì sự bất khả trốn thoát của tình trường mà người Ba Lan nói: "Khi ra biển hãy cầu nguyện hai lời, nhưng khi đám cưới hãy cầu nguyện ba lời". Tại sao vậy? Vì khi ra biển vẫn còn nhiều cơ hội sống sót, khi ra trận cũng còn dù ít hơn, nhưng khi bước vào đám cưới ngay lập tức người ta bước vào cánh cửa một mất một còn: hôn nhân hoặc là thiên đường hoặc là địa ngực. Không còn cơ hội thứ ba.
Cuộc chiến nào khốc liệt và dằng dai nhất trong lịch sử? Hiển nhiên nhìn cái thấy ngay không thể nào cãi được, đó là: cuộc chiến giữa đàn ông và đàn bà. Thực tế, nếu coi ngày 01/01/1882, ngày Tổng thống Mỹ Lincoln ký vào tuyên bố giải phóng 3 triệu nô lệ da đen là ngày giải phóng nô lệ, thì hơn nửa thế kỷ sau, bước sang thế kỷ XX, mới diễn ra giải phóng phụ nữ. Và ngay giờ đây, vẫn hiện ra sờ sờ trước mắt, phụ nữ còn bị hạ thấp hơn cả nô lệ da đen. Tại sao? Ngay những cuộc họp mới đây ở Liên Hiệp Quốc, người ta còn róng rả dồn dập sang chuông cảnh báo nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, nóng bỏng hơn bao giờ hết. Như vậy, ngày nay nạn buôn bán nô lệ đã chấm dứt, nhưng nạn buôn bán phụ nữ lạt đang được khai thác một cách rầm rộ.
Có thể nói, không có cuộc chiến tranh nào trong lịch sử lại mất cân bằng về lực lượng đến vậy. Khi những người phụ nữ cột mình bên hào rào sắt của Nghị viện Anh quốc đòi bình đẳng, thì có thể nói: đó là cuộc đấu tranh của những khăn mùi xoa. Những phụ nữ tay không tấc sắt kiên trì đòi quyền tự do, quyền bầu cử và cả quyền chơi thể thao, họ chẳng có vũ khí nào khác hơn là chiếc khăn mùi xoa để thấm mồ hôi và lệ. Có thể nói cuộc đấu tranh của phái đẹp là giành giật trên từng mảnh vải. Xưa kia họ phải mặc váy dài, cưỡi ngựa phải để hai chân qua một bên, giờ họ đòi mặc quẩn, giang hai chân cưỡi ngựa vừa nhanh vừa tiện, rồi họ còn đòi mặc soóc lửng để chơi quần vợt, hay thi đấu thể thao và cứ thế trong cuộc giải phóng phụ nữ càng tiến lên thì chiếc cạp váy cũng nâng dần độ cao, từ váy dài đến mini Juýp...
Hiển nhiên, cuộc chiến đàn ông và đàn bà là cuộc chiến xót xa nhất lịch sử, đó là cuộc chiến của hai kẻ yêu nhau đến độ không thể nào sống nổi nếu thiếu nhau. Vậy mà cuộc chiến đó lại mở màn bất đồng và khốc liệt ngay từ lúc chưa lọt lòng. Trước đây, ở Trung Quốc, vì chính sách chỉ cho có một con, người ta siêu âm, phát hiện thai nhi gái thì đem loại bỏ, ở Ấn Độ mới đây dù có đạo luật nghiêm cấm siêu âm thai nhi, người ta vẫn cứ lén lút siêu âm và loại bỏ thai nhi gái. Như vậy thấy rõ tương quan Nam - Nữ bất bình đẳng đến nhường nào. Lần lại buổi bình minh của lịch sử thì thấy, phụ nữ không chỉ bị "nạo phá" khi còn thai nhi mà bị nguyền rủa ngay từ lúc có mặt ở trần thế. Trong thần thoại Hy Lạp, để trả thù thần Promether đã đánh cắp lửa của thần thánh đem xuống cho loài người, thần Dớt đã nghĩ ra kế, nặn ra một thiếu nữ thật xinh đẹp đem theo những hạt giống bệnh tật bất hạnh xuống trần gian để làm hại gã đàn ông. Mặc dù đã được thần Promether cảnh báo đừng nhận món quà đó, nhưng khi nhìn thấy thiếu nữ đẹp tuyệt vời gã đàn ông đành mê mẩn nhận lấy bất chấp tất cả mối bất hạnh mà nàng đem theo. Còn trong Kinh Thánh, người phụ nữ chỉ là chiếc xương sườn thứ bảy được rút ra từ người đàn ông. Những lời xỉ vả ở thế gian, đại loại như "đàn bà tóc dài nhưng đầu ngắn" hoặc "đàn bà không có thì thiếu, có thì thừa”... đầy rẫy đến mức một nữ văn hào có viết: “Vì đa số nhà văn là nam giới nên họ viết xấu về đàn bà đó thôi. Giả sử đa số phụ nữ viết văn, thì nam giới sẽ trở nên xấu xí trước ngòi bút của họ”.
Tại sao người ta phải giải phóng nô lệ? Vì nô lệ bị o ép nên giáng trả. Bài học của Spartacus, làm nên cuộc nổi loạn của nô lệ ở La Mã năm 71 trước công nguyên dù thất bại, người La Mã giết đi hàng vạn nô lệ da đen, để sau đó không còn ai làm những việc hạ cấp, thì tự họ phải bắt tay làm.
Và cuộc giải phóng phụ nữ buộc phải diễn ra cũng vậy. Nếu như người đàn ông chiến thắng ngoài xã hội bao nhiêu, thì dưới mái nhà, trên chiếc giường ân ái, họ bị trả giá bấy nhiêu. Phụ nữ biến đàn ông - những kẻ gia trưởng hãnh tiến kia trở thành lao công tình dục, hắn phải leo núi cao, lặn biển sâu đi tìm ngọc ngà châu báu làm trang sức cho nàng, hắn phải làm đến lao lực trong các xí nghiệp sản xuất mỹ phẩm, nước hoa và son phấn cho nàng. Người ta tính rằng hầu hết công nghiệp nặng là để cung cấp năng lượng cho công nghiệp nhẹ, và hầu hết công nghiệp nhẹ lại là nơi để và phải "nịnh đầm", thật khốn khổ cho những mày râu kiêu hãnh! Và kịch tính giữa phái đẹp và đàn ông diễn ra thực sự một chọi một ở thế kỷ XX, một cuộc đấu không phải thứ đòi nợ lén sau màn the nữa, mà là cuộc đấu công khai, đó là trước đây khi đàn ông ném găng đòi đấu với đàn ông, thì chỉ là các cuộc đấu kiếm, đấu cung, nói chung là các cuộc đấu của cơ bắp, nhưng khi thành tựu "bình đẳng" của loài người, với khẩu súng ngắn xuất hiện, thì phụ nữ đã trực tiếp nhận lấy đôi găng thách đấu của đàn ông. Và nàng chẳng kém cạnh gì khi nâng nòng súng lên và khẽ bóp cò...
Người phương Tây có bài hát: tình yêu không thể tách rời hôn nhân như con ngựa và cỗ xe ngựa. Và hôn nhân thì không thể tách rời việc ra hoa và kết trái. Một đứa trẻ chào đời sẽ làm gì? Nó sẽ khóc! Khóc cho tương lai ư? Không, nó chưa hể nhìn thấy tương lai để mà khóc! Vậy thì nó khóc cái gì? Khóc để gửi một lời chào vừa thương cảm vừa cám ơn trước hàng triệu đồng đội của nó đã ngã xuống (hàng triệu tinh trùng và trứng đã tuyển lựa cho việc thụ thai). Các triết gia Hy Lạp cho rằng: các bé trai và bé gái đều ra đời từ giữa cuộc thụ thai của cha và mẹ. Một cuộc phối hợp hân hoan, và chúng lớn lên để đi tìm lại "thiên đường" đã đánh mất đó. Một thiên đường mà họ không hiểu gì nhưng tham gia từ đầu chí cuối. Và con đường tìm lại thiên đường đó là một cuộc chinh phục, đấu tranh và hợp tác thiên khó vạn nan. Mới đây Liên Hiệp Quốc đã nghiên cứu, phát hiện và công bố: ở đâu, nếu chị em không bình đẳng tham gia trong việc xã hội, thì ở đó xã hội sẽ nghèo đói, đơn giản vì "gã" đàn ông phải làm lao công một mình.
Dù vậy, dù cuộc giải phóng phụ nữ đã kéo cờ đại thắng trên nhận thức, nhưng cuộc hành trình về phía trước còn rất lắm chông gai. Biết bao giờ con người mới thôi là bi kịch của chính mình trong khi họ vẫn là một cặp diễn viên bi hùng kịch của tình yêu?
Theo Nguyen Hoang Duc
Ngay Ngay