Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
CUỘC CẢI CÁCH NÔNG NÔ Ở NGA GIỮA THẾ KỶ XIX
I - TÌNH HÌNH NƯỚC NGA GIỮA THẾ KỶ XIX
1. Sự phát triển kinh tế nửa đầu thế kỷ XIX
Đến giữa thế ki XIX, nước Nga vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, quan hệ phong kiến chiếm địa vị thống trị. Hầu hết ruộng đất ở trong tay giai cấp quý tộc địa chủ và nhà nước nông nô chuyên chế. Đến đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, chỉ có 20% ruộng đất được dùng để canh tác nông nghiệp. Quyền sở hữu phong kiến trở thành trở lực chủ yếu của sự phát triển sản xuất ở Nga.
Cũng trong thời gian này, tính chất tự nhiên của nền kinh tế nông nghiệp dần dần thay đổi. Bọn địa chủ bị lôi cuốn vào sợi dây liên hệ thị trường: tăng cường sản xuất lúa mì để bán, mở rộng việc trồng trọt các loại cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi và kinh doanh cây nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Quan hệ hàng hóa xâm nhập vào nông thôn, nhất là ở những vùng kinh tế tiểu nông phát triển. Đồng thời, ở một số nơi đã sử dụng sức lao động làm thuê, áp dụng kỹ thuật mới, có khuynh hướng tư bản chủ nghĩa. Nhưng sự tăng cường bóc lột nông dân theo phương thức phong kiến bằng tô thuế, tạp dịch và trói buộc thân phận của họ với ruộng đất đã ngăn trở sự chuyển biến sang chủ nghĩa tư bản, làm phá sản hàng loạt nông dân và làm cho mối mâu thuẫn giữa nông dân và phong kiến thêm sâu sắc. Trong thời gian này, nền sản xuất công nghiệp ở Nga cũng có nhiều chuyển biến lớn. Bên cạnh những sản phẩm thủ công lâu đời như vải gai, tơ, da thuộc... đã bắt đầu phát triển một số ngành khác như dệt vải bông, làm đồ trang sức, đồ gỗ, đồ chơi...
Quần chúng cơ bản của các ngành sản xuất nhỏ này đều bị rơi vào địa vị phụ thuộc bọn chủ bao mua. Nhiều nông dân làm nghề thủ công bị phá sản, bị tách rời khỏi những tư liệu sản xuất và phải vào làm việc trong các công xưởng. Trên cơ sở của nền sản xuất hàng hóa nhỏ, các công trường thủ công ra đời. Trong những năm 40 của thế kỷ XIX, số công trường thủ công ở Nga tăng gấp rưỡi, tới 2.800 cơ sở và số công nhân tăng gấp hai lần rưỡi, 86 vạn người, trong đó 53 vạn hoàn toàn làm thuê. Các công trường ngày càng lớn và sử dụng sức lao động làm thuê ngày càng nhiều.
Đồng thời, các ngành sản xuất bằng máy cũng tăng lên nhanh chóng. Công nghiệp dệt vải bông mới ra đời từ nửa sau thế kỷ XVIII đến những năm 30 của thế kỷ XIX thì mới bắt đầu xây dựng những nhà máy kéo sợi lớn hoàn toàn sử dụng máy móc. Đến những năm 40, công nghiệp vải bông phần lớn dùng sợi sản xuất ở trong nước. Kỹ thuật mới bắt đầu được áp dụng trong công nghiệp mỏ làm cho lượng khai thác mỏ tăng lên nhanh chóng. Nhưng sự tồn tại của chế độ nông nô không cho phép việc cơ khí hóa trong công nghiệp nặng được phát triển rộng rãi. Trong nửa đầu thế kỷ XIX, nước Nga sản xuất than tăng gấp hai lần, trong khi nước Anh tăng lên 12 lần.
Công nghiệp Nga bị tụt xuống hàng thứ tư sau Anh, Pháp và Mỹ. Cùng với công nghiệp, các ngành thương nghiệp và giao thông vận tải cũng có một số tiến bộ. Tàu biển, đường sắt bắt đầu được xây dựng với tốc độ rất chậm. Đến những năm 40, việc chuyên chở hàng hóa mới dùng tàu chạy bằng hơi nước và tiến hành xây dựng 3 đường sắt Pêtécbua-Matxcơva, Vácsava-Viên và Pêtécbua-Vácsava. Như vậy, sự phát triển kinh tế ở Nga nửa đầu thế kỷ XIX gặp rất nhiều trở ngại.
Sự phát triển nhanh chóng của sức sản xuất tư bản chủ nghĩa làm lay chuyển cơ sở của chế độ xã hội phong kiến nhưng sự thống trị của chế độ phong kiến đã kìm hãm bước quá độ của Nga sang chế độ tư bản. Mâu thuẫn đó biểu hiện sự không phù hợp giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất, tất yếu dẫn tới cuộc đấu tranh gay gắt trong xã hội.
2. Phong trào đấu tranh chống chế độ nông nô
Từ đầu thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh chống phong kiến đã bùng nổ mạnh mẽ ở Nga. Nông dân không cam chịu địa vị nô lệ của mình đã vùng dậy khởi nghĩa giết bọn địa chủ, đòi xóa bỏ tô thuế và mọi thứ tạp dịch; nên trong khoảng từ năm 1801-1825 nổ ra 281 cuộc đấu tranh của nông dân thì đến năm 1826-1850 đã lên tới 576. Hoạt động chống phong kiến có tiếng vang lớn trong thời kỳ này là cuộc khởi nghĩa năm 1825 của “Đảng tháng chạp” ở Pêtécbua, Cuộc khởi nghĩa mang tính chất tư sản do những người quý tộc tiến bộ thực hiện nhằm ủng hộ cuộc cách mạng tư sản lớp trên.
Họ đại biểu cho quyền lợi của giai cấp tư sản Nga mới lớn lên, nhưng còn rất yếu ớt, chưa đủ sức để bảo vệ mình, vì thiếu quyết tâm và không liên hệ với quần chúng, họ bị chế độ Nga hoàng Nicôlai I dập tắt nhanh chóng. Cũng trong thời gian này, trào lưu tư tưởng dân chủ được truyền bá vào Nga qua con đường văn học.
Các tác phẩm văn học của Puskin, Gôgôn, Sepsencô và của các nhà văn ưu tú khác đã giáo dục những tư tưởng tiên tiến cho thanh niên thời ấy. Nhà phê bình văn học Bêlinxki đóng vai trò lãnh tụ tư tưởng chỉ đạo sự phát triển của văn học Nga trong những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX. Về tư tưởng chính trị ông là một nhà dân chủ cách mạng đầu tiên của nước Nga và là người ủng hộ phong trào cách mạng nông dân. Ông đấu tranh quyết liệt với chế độ nông nô và chế độ chuyên chế, vượt qua mọi trở ngại của chế độ kiểm duyệt để truyền bá tư tưởng của mình, đóng góp vào sự giáo dục tư tưởng cách mạng sau này.
3. Chiến tranh Crưm (1853-1856) và tình thế cách mạng chín mùi
Trong khi mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt ở trong nước thì Nicôlai I lại đẩy toàn nước Nga vào cuộc chiến tranh Crưm. Trong thế kỷ XIX, nước Nga Sa hoàng đóng vai trò sen đầm châu Âu, đàn áp khởi nghĩa Ba Lan (1830), Hunggari (1848), ngăn cản sự thống nhất Đức và hai lần chuẩn bị dập tắt cách mạng Pháp. Đến đầu những năm 50, Nga hoàng muốn bành trướng thế lực của mình ở phương Đông.
Trong khi đó, Anh và Pháp cũng muốn lợi dụng sự suy yếu của Thổ Nhĩ Kỳ để khống chế cảng Côngxtăngtinốp, ngăn cản không cho tàu Nga qua lại các eo biển nhưng lại có thể đưa chiến hạm vào tấn công bờ biển Nga. Về phía Nga, Nicôlai I cũng muốn giữ các eo biển để bảo đảm cho các tàu bè của mình được tự do qua lại. Sau một thời gian tranh chấp về ngoại giao, năm 1853, chiến tranh bùng nổ.
Cuộc chiến tranh này, đối với cả hai phía Nga và quân đồng minh Anh-Pháp đều mang tính chất xâm lược phi nghĩa. Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Anh-Pháp nhằm đặt lại quyền thống trị đối với các dân tộc xung quanh. Nhưng khi cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào Xêvaxtôpôn bắt đầu (9-1854) thì nhân dân Nga đã tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ rất anh dũng.
Cuộc chiến tranh kéo dài đến năm 1855 thì chấm dứt. Nước Nga bị thất bại vì chế độ chính trị thối nát, kinh tế kiệt quệ, các phương tiện chiến tranh lạc hậu và thiếu thốn, sự chuẩn bị không chu đáo. Sự thất bại của nước Nga càng đẩy nhanh sự hình thành tình thế cách mạng đã âm ỉ từ nhiều năm trước. Sự phá sản và sự cùng khổ của nông dân làm cho lòng bất mãn của họ mỗi ngày một tăng. Trong khoảng từ 1858-1860 đã nổ ra hơn 300 cuộc đấu tranh của nông nô chống địa chủ. Cũng trong thời gian này, cuộc “khủng hoảng lớp trên” đã diễn ra, giai cấp quý tộc địa chủ không thể thống trị như cũ và chính quyền chuyên chế đại diện cho lợi ích phong kiến bị bắt buộc phải thay đổi chế độ chính trị - xã hội ở trong nước.
Cùng trong thời kỳ này, trên vũ đài đấu tranh chính trị đã xuất hiện một lực lượng mới là trí thức tiểu tư sản. Đi theo xu hướng của Bêlinxki, các nhà văn “bình dân” Đôbrôliubốp, Secnưsépxki trở thành hạt nhân của phái dân chủ cách mạng. Họ đưa ra cương lĩnh cách mạng dân chủ tư sản tiến bộ, đồng thời phê phán những thối nát của chủ nghĩa tư bản, muốn đưa nước Nga chuyền sang chủ nghĩa xã hội. Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân cùng với sự hoạt động của các nhà trí thức dân chủ cách mạng đã làm rung chuyển chế độ nông nô. Đến những năm 60 của thế kỷ XIX, tình thế cách mạng chín mùi ở nước Nga.
II - CUỘC CẢI CÁCH TƯ SẢN KHÔNG TRIỆT ĐỂ Ở NGA TRONG NHỮNG NĂM 60 - 70 CỦA THẾ KỶ XIX
Đến những năm 60 của thế kỷ XIX, vấn đề thủ tiêu chế độ nông nô ở Nga đã trở thành một yêu cầu cấp thiết của xã hội. Nhưng có hai con đường thực hiện: cách mạng hoặc cải lương. Quần chúng nhân dân và những nhà dân chủ muốn tiến hành cách mạng để xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến. Nhưng chính phủ do Alếchxăngđrơ II làm vua với bộ phận quý tộc muốn đi theo con đường cải lương, tiến hành trong một thời gian dài để duy trì quyền lợi giai cấp. Giai cấp tư sản non yếu cũng ngả về phía cải lương.
Chính Sa hoàng để lộ rằng nên “giải phóng” nông dân theo con đường “từ trên xuống” hơn là chờ đến lúc họ tự giải phóng “từ dưới lên”. Sau một thời gian thảo luận lâu dài, ngày 19-2-1861, Sa hoàng phê chuẩn sắc luật “giải phóng” những nông dân lệ thuộc địa chủ.
Nông dân được thừa nhận quyền tự do thân thể, có quyền tư hữu, được tham gia các hoạt động công thương nghiệp, được trao đổi, ký kết giao kèo với người khác. Sự giải phóng đó làm tăng nguồn cung cấp sức lao động làm thuê, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh chóng sức sản xuất.
Nhưng thực tế, những quyền lợi trên của nông dân bị hạn chế khá nhiều vì họ vẫn lệ thuộc vào kinh tế địa chủ trong một thời gian dài do phải trả tiền chuộc rất nặng cho bọn địa chủ. Họ cũng ít có khả năng chọn lựa nghề nghiệp vì những nghĩa vụ phong kiến trong thời gian chuộc tiền trói chặt họ vào mảnh ruộng. Việc điều chỉnh quan hệ kinh tế giữa địa chủ và nông dân được tiến hành trong hai năm.
Địa chủ sẽ thảo ra bản khế ước quy định số lượng đất đai người nông dân được sử dụng và những nghĩa vụ mà họ phải làm theo sắc luật trên. Trong khi thảo khế ước, người nông dân phải chịu cái gọi là “nghĩa vụ tạm thời” phục vụ cho địa chủ.
Họ chỉ được tự do và trở thành người nông dân tư hữu khi địa chủ đã bằng lòng cho họ chuộc lại ruộng đất. Do đó, quá trình thực hiện sắc luật trên tiến hành rất chậm chạp và nặng nề. Sắc luật “giải phóng” ngày 19 tháng 2 năm 1861 làm cho nông dân thất vọng. Làn sóng phản kháng lan rộng khắp nơi, Nhiều cuộc xung đột vũ trang bùng nổ giữa nông dân với quân đội Nga hoàng. Cùng với nông dân, các phần tử trí thức, sinh viên cũng tham gia đấu tranh. Phong trào sinh viên lan tràn khắp các thành phố.
Những người tiến bộ, đứng đầu là Secnưsepxki tăng cường hoạt động. Báo chí, truyền đơn xuất hiện, đề ra yêu cầu giải phóng thực sự nông dân cùng với ruộng đất của họ, thủ tiêu ách thống trị các dân tộc, thiết lập chế độ dân chủ, lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế.
Họ đưa ra khẩu hiệu xây dựng “nước Nga cộng hòa xã hội dân chủ”. Cuối năm 1861, một tổ chức bí mật ra đời là “Ruộng đất và tự do” đi theo quan điểm của Secnưsepxki, bị chính phủ Nga hoàng ngăn cấm và đàn áp dữ dội.
Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân buộc chính phủ Nga hoàng phải tiến thêm một bước nữa trong việc thủ tiêu chế độ nông nô. Những cải cách tư sản được tiến hành trong khoảng 1864-1874. Nội dung của nó thu hẹp trong phạm vi kinh tế địa phương, y tế, giáo dục. Cơ quan cai trị địa phương do bầu cử theo điều kiện cử tri khắt khe dựa trên tài sản nhằm bảo đảm ưu thế của bọn địa chủ quý tộc.
Tại thành phố, viện Đuma cũng được bầu theo quy định về tài sản, ở trong tay các nhà buôn lớn, các nhà công nghiệp lớn và các chủ nhà cho thuê. Những quyết nghị của viện Đuma chỉ có hiệu lực sau khi được Nga hoàng phê chuẩn.
Cải cách tư pháp dùng lối xử có dự thẩm, công khai, có luật sư bào chữa thay thế cho tòa án cũ xử theo đẳng cấp. Nhưng những vụ án quan trọng đều xử ở tòa án quân sự, công cụ thống trị trực tiếp của chế độ nông nô. Trong quân đội, chế độ nghĩa vụ binh dịch thay thế chế độ chiêu binh, nhưng những tàn tích phong kiến như hình phạt đánh đập vẫn tồn tại. Những cải cách trên, một lần nữa làm quần chúng thất vọng. Phong trào đấu tranh của nông dân và các tầng lớp khác bùng nổ ớ khắp nơi.
Đáng chú ý là phong trào Dân túy, về căn bản là một tổ chức tiến bộ chủ trương đi vào “dân chúng” và lôi kéo “dân chúng” chống chế độ Nga hoàng. Nhưng họ không nhìn thấy được quy luật phát triển lịch sử, không thấy được vai trò giai cấp vô sản, đi vào khủng bố cá nhân. Đến những năm 80 - 90 thì phái này biến chất, đại biểu cho quyền lợi của phú nông, căn bản đối lập với chủ nghĩa Mác.
III - KẾT LUẬN
Trong khi hầu hết các nước châu Âu tiến hành cuộc cách mạng tư sản thì ở nước Nga diễn ra cuộc cải cách nông dân. Giai cấp tư sản Nga yếu ớt không đảm đương được vai trò lịch sử lãnh đạo cuộc cách mạng chống phong kiến.
Chính phủ Nga hoàng ban hành một số cải cách nhằm xoa dịu phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, duy trì địa vị thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp quý tộc địa chủ. Về mặt khách quan, đạo luật thủ tiêu chế độ nông nô năm 1861 và những cải cách tiếp theo có tác dụng tạo một số điều kiện nhất định cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga. Nó làm tăng nguồn cung cấp sức lao động cho công nghiệp, nâng cao một bước địa vị chính trị của giai cấp tư sản, biến nước Nga Sa hoàng thành một nước quân chủ tư sản.
“Cuộc cải cách nông dân là một cuộc cải cách có tính chất tư sản do bọn phong kiến thực hiện. Đó là một bước chuyển biến của nước Nga sang nền quân chủ tư sản”. Nhưng cuộc cải cách nửa chừng, không triệt để ở Nga còn duy trì nhiều dấu vết của trật tự phong kiến, thể hiện trên các mặt của chế độ chính trị và kinh tế xã hội. Chính quyền chuyên chế vẫn ở trong tay giai cấp quý tộc địa chủ. Các cơ quan cai trị địa phương, viện Đuma thành phố, tòa án, giáo dục, báo chí... đều bị phụ thuộc vào Nga hoàng.
Hầu hết ruộng đất tốt vẫn thuộc về quý tộc. Còn nông dân vẫn phải chịu các thứ tô thuế nặng nề, các đóng góp phức tạp như chế độ “nghĩa vụ tạm thời”. Hàng triệu quần chúng nông dân được “giải phóng” về mặt danh nghĩa vẫn không có quyền hành thực sự và vẫn bị lệ thuộc vào ruộng đất của quý tộc.
Nó không tạo nên người công nhân tự do trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa hay người nông dân tự do mà vẫn là người lĩnh canh lệ thuộc bị trói buộc trên lãnh địa của địa chủ. Những trở lực của sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa được giải quyết căn bản.