Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
CUỘC ĐẢO CHÍNH NGÀY 19-9-2006 Ở THAILAND
Nếu như lịch sử hiện đại của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cho đến khi kết thúc chiến tranh lạnh có thể phác họa bằng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống xâm lược, các cuộc cách mạng,… thì lịch sử hiện đại của Thailand lại mang màu sắc khác và cần được phác họa theo cách khác. Sẽ không thái quá khi cho rằng, có thể dựng lại diện mạo lịch sử nước Thái từ năm 1991 trở về thời điểm năm 1932 bằng hàng chục các cuộc đảo chính nối tiếp nhau. Cuộc đảo chính năm 1991 tưởng chừng là chương kết thúc câu chuyện trường kỳ về đảo chính ở Thailand. Nhưng, như một tất yếu, ngày 19 – 9 – 2006 đảo chính vẫn xảy ra. Trong phạm vi một bài viết nhỏ này chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu tất cả các vấn đề liên quan mà chỉ xin đề cập đến một số khía cạnh về cuộc đảo chính này nhằm góp phần tìm hiểu rõ hơn hiện tượng đảo chính ở Thailand.
1. “Đảo chính” (“coup d’état”) là hành động tìm cách lật đổ thay thế chính quyền trung ương hiện hành bằng cơ quan quyền lực khác ngoài khuôn khổ pháp luật, tức là nó chống lại nhà nước bằng các biện pháp không theo hiến pháp. Bởi thế nên đảo chính dù diễn ra dưới hình thức nào, đổ máu hay không đổ máu, vẫn là hành động đáng bị lên án đối với nhiều người, nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tính chất và xu hướng chính trị của đảo chính có thể là tiến bộ hay phản động tuỳ theo mục đích của các lực lượng làm đảo chính và lợi ích của các thế lực mà các lực lượng đó đại diện. Và, “hài hước thay lịch sử!”(1), những ngoại lệ “tuy nhiên” của nó đôi khi lại là nét thường gặp trong lịch sử một dân tộc, một quốc gia cụ thể. Đảo chính ngày 19 – 9 – 2006 ở Thailand là một trường hợp như vậy.
Đảo chính không phải là cách mạng. Đảo chính kiểu Thailand chỉ thực hiện nhiệm vụ thay đổi bộ phận lãnh đạo cũ bằng bộ phận lãnh đạo mới, dân sự hay quân sự. Và nguồn gốc sâu xa của chúng đều bắt nguồn từ những bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong từng thời điểm nhất định.
Theo “Vai trò của phe quân nhân Thailand ở ngã tư đường” của Anan Samudavajia, một cuộc đảo chính có thể xảy ra nếu xuất hiện những điều kiện sau:
1. Nhà vua và nền an ninh của đất nước bị nguy hiểm thực sự.
2. Nhà nước bị đe dọa do một sự can thiệp của một kẻ địch bên ngoài và sự can thiệp này được thấy và được chứng minh một cách rõ ràng.
3. Sự đấu tranh giữa các nhóm và các giai cấp khác nhau diễn ra khắp trong nước tạo thành một cuộc khủng hoảng dữ dội.
4. Chính phủ tỏ ra bất lực và không thể làm gì được để dẹp tan xáo trộn và duy trì tình trạng ổn định.
Bốn tiêu chí trên do một viên tướng nêu ra(2). Tất nhiên, dù chúng xuất hiện đồng thời hoặc riêng biệt thì một cuộc đảo chính vẫn có khả năng bùng nổ. Phần lớn các cuộc đảo chính ở Thailand đều xuất phát từ điều kiện 3 và 4. Cuộc đảo chính ngày 19 – 9 – 2006 cũng thế.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 đã hình thành trong suốt thời gian Thailand được điều hành theo “phong cách Thaksin”. “Phong cách Thaksin”(3) bao trùm lên toàn bộ cục diện nước Thái về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội,… Nó góp phần giúp Thailand đạt được bước phát triển mới trong những năm đầu của thế kỷ XXI, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Thành tựu này giải thích tại sao Thaksin lại là vị thủ tướng đầu tiên trong lịch sử hiện đại Thailand tại nhiệm qua hết một kỳ bầu cử(4), và tái đắc cử thêm hai nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, “phong cách Thaksin” cũng tạo ra những lực lượng đối lập mạnh mẽ cho Thaksin, trong đó tầng lớp trung lưu với thượng lưu thành thị và phần đông giới quân sự giữ vị trí chủ chốt. Lực lượng thứ nhất phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ trên đường phố trong suốt những tháng đầu năm 2006, dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng trầm trọng. Lực lượng thứ hai đưa cuộc khủng hoảng đó lên đỉnh điểm, đồng thời chấm dứt nó bằng hành động đảo chính. “Phong cách Thaksin” trở thành nguồn gốc quyết định sự kiện ngày 19-9-2006. Ngoài ra phải kể đến một số lí do quan trọng mang tính khách quan mà chính phủ Thaksin không may gặp phải. Đó là nạn tham nhũng tràn lan trong bộ máy quan liêu di căn từ các thời kỳ trước, sự gia tăng những tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn lậu vũ khí, buôn bán và sử dụng ma túy… sản phẩm của nền văn hóa “mở” thời hiện đại, và nhất là tình trạng tái phát bạo loạn ở miền Nam từ đầu năm 2004 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Những vấn đề may này không được giới cầm quyền giải quyết tốt (miền Nam, tham nhũng) hoặc giải quyết bằng những biện pháp quá cứng rắn (trong cuộc chiến chống ma túy)(5) đã góp phần làm trầm trọng hơn những mâu thuẫn ủ sâu giữa người dân với chính quyền để rồi tất cả thẩm thấu vào nhau và cùng phát nổ ở cuộc khủng hoảng chính trị vào đầu năm 2006. Cuộc đảo chính ngày 19-9 là kết quả trực tiếp từ cuộc khủng hoảng này.
Như vậy, đảo chính ở Thailand luôn được xem là giải pháp khả thi để dẹp yên những xáo trộn trong nước và duy trì trạng thái ổn định. Nó liên quan đến đặc thù xã hội và tâm lý cộng đồng người Thái nói chung.
Một số nhà nghiên cứu đã chứng minh, Thailand khó có thể bước vào những cuộc cách mạng sâu rộng, triệt để. Thực tế, theo đúng nội hàm của khái niệm “cách mạng”, lịch sử Thailand chưa từng có một cuộc cách mạng nào. Cuộc cách mạng năm 1932 thay đổi thể chế quân chủ sang quân chủ lập hiến, nhưng cái gọi là “quân chủ lập hiến” đó cũng chỉ mang tính chất nửa vời(6). Hay cuộc cách mạng sinh viên năm 1973, thực chất là một cuộc đấu tranh bạo lực theo khuynh hướng dân chủ tư sản, và chỉ thu hút được một bộ phận quần chúng thành thị, cuối cùng lại đi tới chỗ thỏa hiệp với giai cấp tư sản.
Trong phần kết cuốn “Thailand là thế đó!”, Tanaka Tadaharu cho rằng “Thailand là một xã hội khó thay đổi”(7). Người Thái ngay từ thuở bé thơ đã được dạy bảo phải tôn thờ: “Nhà vua, Phật giáo, và Đất nước” - ba biểu tượng thiêng liêng của quốc gia dân tộc. Tư tưởng này dần thấm sâu vào tâm hồn, “trở thành một phần xương thịt của người Thailand” (8). Nó tạo cho họ một tâm lý rộng mở, bao dung, ưa cuộc sống yên ổn nhưng lại không có những hoài bão cao siêu, không theo đuổi một lý tưởng gì đến cùng (thậm chí “tôn sùng cá nhân hơn lý tưởng”, tôn vinh người có danh tiếng, người mình kính yêu bất chấp lý tưởng và lợi ích xã hội(9). Có lẽ vì thế mà người Thái vô duyên với cách mạng. Mỗi khi tình hình trong nước lên cơn sốt, đảo chính lại được chấp nhận như một cách hạ nhiệt tự nhiên. Sự kiện ngày 19-9-2006 cũng thuộc “thói quen” này.
2. Các cuộc đảo chính ở Thailand thường xảy ra bất ngờ, trong không gian hẹp, và nhanh chóng kết thúc. Trừ một vài cuộc đảo chính và âm mưu đảo chính bị thất bại, đa phần đều đạt được mục đích đề ra.
Cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 bùng nổ vào đúng thời điểm Thaksin đang ở New York (Mỹ) tham dự kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Toàn bộ diễn biến của cuộc đảo chính đều hiện hữu ở thủ đô Bangkok, trung tâm chính trị, quyền lực của Thailand. Không gian đảo chính có chăng được mở rộng sang Mỹ qua mạng lưới truyền thông, nơi Thaksin chuẩn bị phát biểu về “Tương lai dân chủ ở châu Á”. Quỹ thời gian cho các sự kiện thuộc về đảo chính diễn ra cũng chưa trọn vẹn một ngày. Mỗi sự kiện không gắn liền với ngày, tháng mà đi liền với giờ, phút cụ thể. Những hành động quyết định của quân đội thuộc về ban đêm, nhưng những điều bất thường thì đã xuất hiện từ buổi sáng ngày 19-9-2006.
Cuộc đảo chính không bắt đầu bằng một tiếng súng hay một hồi đại bác, mà hiệu lệnh của nó là các giai điệu ca ngợi Tổ quốc và Hoàng gia được Đài truyền hình phát đi khắp cả nước thay vì các chương trình bình thường như mọi ngày. Bởi vậy, Bangkok đã trải qua cuộc đảo chính từ thính giác đến thị giác trong đêm 19-9. Rất nhẹ nhàng, binh lính tiến hành đảo chính nhanh chóng lật đổ chính phủ Thaksin trong vài giờ mà không có bất cứ sự cản trở nào, không mất một viên đạn nên cũng không có máu đổ. Dù đã dự cảm trước, người dân Thailand, nhất là dân Bangkok vẫn cảm thấy bất ngờ. Nhưng rồi họ nhanh chóng đón nhận sự thay đổi chính trị này và nụ cười lại nở trên môi(10).
3. Sau khi chính phủ Thaksin bị phế truất, nền kinh tế có chao đảo nhẹ đôi chút vẫn tiếp tục phát triển, nền chính trị dần ổn định dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời, trật tự xã hội không bị xáo trộn. Cục diện nước Thái đương thời dường như chỉ thay đổi ở một bộ phận thuộc thượng tầng kiến trúc khi có sự góp mặt của giới quân sự và một ngài thủ tướng không phải Thaksin trong chính phủ lâm thời mà tương lai sẽ được quyết định bằng một cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2007. Nhìn từ các cuộc đảo chính trước đó, cuộc đảo chính này đã thể hiện bước phát triển tiếp theo của nền dân chủ Thailand trong phạm vi ảnh hưởng của quân đội.
Cuộc đảo chính quân sự năm 1932 không chỉ biến Thailand thành nước quân chủ lập hiến, mà còn đưa quân đội Thái lên nắm giữ quyền lực chính trị. Sức mạnh cũng như ảnh hưởng của họ từ đây có thể sánh ngang với Hoàng gia – đại diện là nhà vua. Nếu như vua Thailand có một vị thế đặc biệt và tối cao tới mức chưa bao giờ một lực lượng đối lập nào dám công khai hoặc bóng gió ý định chống đối ông, thì cũng ít có một lực lượng chính trị nào đủ khả năng chi phối tầng lớp sĩ quan cao cấp trong quân đội. Trước năm 1973, các cuộc đảo chính đều đưa giới quân nhân lên chấp chính. Thông lệ này chỉ bị gián đoạn bởi phong trào dân chủ do sinh viên khởi xướng vào tháng 10-1973 và kéo dài đến năm 1976 có nhiều người gọi đây là cuộc “Cách mạng sinh viên” vì nó đã hạ bệ tướng Thanom Kittikachon, đưa các thủ tướng dân sự Sanya Dharmasakti, Seny Pramoj, Kukrit Pramoj lần lượt thay nhau lên lãnh đạo Thailand. Nhưng gọi đây là cuộc đảo chính phi quân sự có lẽ phù hợp hơn với đặc điểm của nước Thái. Lực lượng tham gia bao gồm sinh viên và quần chúng Bangkok, bằng tinh thần kiên quyết đấu tranh đã thực sự làm xuất hiện một nền dân chủ. Dù nền dân chủ này còn ít nhiều mang tính “thử nghiệm” và đoản mệnh nhưng nó đã làm dấy lên một động thái chính trị mới ở Thailand. Ba năm sau thời gian tồn tại của phong trào sinh viên, cuộc đảo chính quân sự năm 1976 lại tiếp tục đưa các tướng lĩnh quân đội lên chấp chính, nhưng họ đã tỏ ra ôn hòa và dân chủ hơn. Các đời thủ tướng như Prem Tinsulanonda (1980-1988), Chatichai Choonhavan (1988-1991) đều không lấy thân phận quân nhân để chấp chính(11) (đặc biệt chính phủ Chatichai được coi là chính phủ dân sự đầu tiên kể từ năm 1976). Cuộc đảo chính quân sự năm 1991 đã đưa tướng Suchinda Kraprayoon lên làm thủ tướng qua một cuộc bầu cử, nhưng Suchinda nhanh chóng bị phong trào đấu tranh của quần chúng hạ bệ. Dường như đến thời điểm này, khi chiến tranh lạnh kết thúc và chủ nghĩa cộng sản không còn là một nguy cơ nữa, thì sự có mặt trên chính trường của giới quân sự có vẻ lạc lõng. Họ tạm rút vào hậu trường, nhường cho các nhà phi quân sự như Chuan Leekpai, Chavalit Yongchaiyudh, Thaksin Shinawatra đạo diễn sân khấu chính trị Thái. Nền dân chủ Thailand quá độ lên một bước cao hơn. Cuộc đảo chính vừa qua của quân đội Thái là hành động can dự vào công việc chính trị của đất nước sau một thời gian dài lực lượng này vắng bóng. Điều đáng nói, họ đã không trực tiếp tham gia chấp chính mà chỉ đóng vai trò cố vấn tạm thời cho chính phủ lâm thời của tướng về hưu Surayud Chulanont được lập ra sau đó.
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể thấy mặt đóng góp hay ý nghĩa của các cuộc đảo chính đối với tiến trình phát triển của lịch sử hiện đại Thailand, đồng thời thấy được ảnh hưởng sâu sắc cũng như vai trò của lực lượng quân đội Thái trước mối lâm nguy của đất nước.
Tương lai Thailand sẽ ra sao với sự trở lại vai trò của quân đội là điều không dễ dàng dự báo trước. Mọi chuyện bất ngờ vẫn thường ập đến ở đất nước quân chủ lập hiến chưa bao giờ xảy ra chiến tranh hay cách mạng này. Có lẽ vì vậy mà Thailand chưa từng phải trả những cái giá quá đắt trên con đường phát triển. Nhưng đổi lại, nó vẫn phải đứng trong hàng ngũ những nước đang phát triển và cần đến đảo chính như một “phương thuốc” đồng hành.
Sau cuộc đảo chính ngày 19-9-2006, người ta đã tưởng tượng ra một viễn cảnh xa xôi rằng Thailand sắp trở lại thời kỳ của những chính phủ độc tài trong quá khứ, rằng Thailand vừa kinh qua “những ngày tháng đen tối của nền dân chủ”(12)… Nhưng đã một năm, kể từ khi quân đội tiến hành đảo chính đến nay, tình hình mọi mặt của Thailand vẫn không vượt ra ngoài quỹ đạo phát triển bình thường của nó (dù bạo loạn ở miền Nam chưa thực sự chấm dứt, dù còn xảy ra chuyện này, chuyện kia mà bất kỳ quốc gia nào cũng có). Sau một thời gian chuẩn bị, mặc cho những tranh cãi, bất đồng trong công chúng, ngày 19 tháng 8 năm 2007, một cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp mới của Thailand, thay thế cho Hiến pháp năm 1997, đã được tổ chức(13). Kết quả: 57,8% cử tri tán thành Hiến pháp mới và nó đã trở thành luật. Bản hiến pháp mới này thay thế bản Luật tối cao của Vương quốc, bản Hiến pháp tạm thời năm 2006.
Như vậy, với Thailand, tất cả những phương cách giới lãnh đạo đất nước sử dụng, dù hợp hiến hay không hợp hiến, đem lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, đều được đa số dân chúng chấp nhận. Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc đảo chính ngày 19-9-2006 ở Thailand cũng đang được đa số chấp nhận như các cuộc đảo chính trước đó.
Chú thích
(1) Chữ dùng của Will Durant trong Lịch sử văn minh Ấn Độ (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, Hà Nội 2003, tr. 248.
(2) Tanaka Tadaharu, Thái Lan là thế đó, Thông tấn xã Việt Nam. (1985), tr. 12
(3) “Phong cách Thaksin”:
Về kinh tế: Coi Thái Lan như một công ty và nền kinh tế đất nước như công việc kinh doanh.
Về chính trị: Tập trung quyền lực vào tay Thủ tướng và Đảng Thai Rak Thai, kiềm chế hiến pháp.
Về xã hội: Áp dụng những biện pháp quản lý mạnh tay.
(Xem: Pasuk Phongpaichit và Chrit Beker, Thaksin Shinawatra – Thương trường và chính trường, Nhà xuất bản Thông tấn, 2005).
(4) Trong lịch sử Thái Lan, chưa từng có vị thủ tướng dân bầu nào trước Thaksin giữ được ghế Thủ tướng qua hết một nhiệm kì.
(5) Trong cuộc chiến chống ma túy do chính phủ Thái Lan phát động từ đầu năm 2003 đến cuối năm đã làm 2500 người chết, trong đó có nhiều cái chết mờ ám (Xem: Pasuk Phongpaichit và Chrit Beker, Thaksin Shinawatra – Thương trường và chính trường, Nhà xuất bản Thông tấn, 2005, tr. 264).
(6) Thực tế Hoàng gia, đứng đầu là nhà vua vân có quyền lực đáng kể trong đới sống chính trị của đất nước.
(7) Tanaka Tadaharu, “Thái Lan là thế đó”, Thông tấn xã Việt Nam, 1985, tr. 141.
(8) Nguyễn Khắc Viện, Thái Lan - một số nét chính về kinh tế, chính trị, xã hội và lịch sử, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội 1987, tr. 163.
(9) Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.269.
(10) Thái Lan vốn được mệnh danh là “mảnh đất của những nụ cười” (Land of smiles ) (Xem: Nguyễn Tấn Đắc, Văn hoá Đông Nam Á, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.269).
(11) Năm 1957, Chatichai rời khỏi lĩnh vực quân sự, bước vào hoạt động ngoại giao.
(12) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 28-10-2006.
(13) Xem: - CDA unanimously accepts draft constitution, Bangkok Post, 6 July 2007.
Văn Ngọc Thành - Đàm Thị Đào