Cung Từ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần là một trong 3 người vợ của vua Lê Thái tổ (gồm Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, Huệ phi Phạm Thị Nghiêu và Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần) từ thuở còn náu mình nơi hoang dã, chiêu hiền đãi sĩ, củng cố lực lượng chờ thời cơ khởi nghĩa. Sử cũ chép, “Cung Từ Hoàng Thái hậu họ Phạm, húy là Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, xứ Thanh Hóa”. Còn theo Gia phả của dòng họ Trần ở làng Quần Đội (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), bà Phạm Thị Ngọc Trần, sinh năm Bính Ngọ 1386, là con tướng công Trần Hoành và phu nhân Trịnh Thị Ngọc Liễu, em của khai quốc công thần – thiếu úy Trần Vận. Cho đến nay, dù chưa tìm thấy tài liệu nào ghi lại việc bà về làm vợ vua Lê Thái tổ ra sao, song nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng, cuộc đời và sự ra đi của bà gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp của vị Thái Tổ Nhà hậu Lê.
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng và Lê Xuân Kỳ (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) khi tìm hiểu về nhân vật lịch sử này, đã cho rằng: Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, bà Phạm Thị Ngọc Trần đã 32 tuổi và chí ít, bà đã làm vợ Lê Lợi được 7-8 năm. Chính vì thế, mọi diễn biến mang tính lịch sử trong gia đình Lê Lợi là động lực để bà toàn tâm, toàn ý giúp chồng lo việc binh lương chuẩn bị khởi nghĩa. Bà Ngọc Trần hoạt động như một nội tướng của Lê Lợi.
Với vai trò là “nội tướng” của Bình Định Vương, đóng góp quan trọng của bà Ngọc Trần - như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ – là lo liệu lương thực, hậu cần giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Thậm chí, ngay cả khi mang thai (cuối năm 1423 bà sinh ra Lê Nguyên Long), bà cũng không rời nhiệm vụ này. Sau thời gian hòa hoãn với quân Minh để thực hiện chiến thuật “bên trong rèn vũ khí, bên ngoài giả thác hòa thân”, năm Bính Thìn 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào đất Nghệ An và có nhiều trận thắng ở Trà Lân, Lậu Thư, Bồ Ải... buộc quân địch phải co cụm vào thành Nghệ An. Đến năm Ất Tỵ 1425, Lê Lợi vây đánh Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên gặp đền thờ thần Phổ Hộ. Đêm đó vua nằm mộng thấy một vị thần đến bảo “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Minh làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua bèn đem chuyện trong giấc mộng nói với các bà vợ và hứa khi lấy được nước sẽ lập con của người này làm thiên tử. Trong khi những người khác còn đắn đo, chỉ có Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Vua khen ngợi và thương cảm, nói với bề tôi nhận theo lời hẹn đó, rồi sai làm lễ tế thần, dùng bà Ngọc Trần làm vật tế. “Hoàng hậu bèn mất. Đó là vào ngày 24 tháng 3”.
Sự tích về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần được sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép lại tường tận như vậy.
Vì lúc sinh thời, vua Lê Thái tổ không lập chính thất, nên khi con trai bà là Lê Nguyên Long lên kế vị (vua Lê Thái tông) liền truy tôn thân mẫu làm Cung từ Quốc thái mẫu. Sự kiện này được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Thần chủ cũ của Quốc thái mẫu để ở Lam Kinh, vua sai cậu là Hữu ban Lê Liên và Trung thư thị lang là Trần Thuấn Du rước thần chủ mới và sách vàng đến miếu làm lễ truy tôn”; “Ngày mùng 8, sai Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái Mẫu”.
Đến năm 1437, vua Lê Thái tông lại truy tôn thân mẫu làm Cung Từ Tuyên Mục Hoàng Thái hậu và rước thần chủ phụng thờ ở Thái Miếu. Về việc thờ phụng Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần sau khi bà mất đến khi được truy tôn và phụng thờ ở Thái Miếu, sách Đại Việt thông sử còn ghi lại: Khi vua Lê Thái tổ lên ngôi, nhớ đến người vợ đã hy sinh tại Triều Khẩu, bèn bảo rằng “bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”, rồi sai Lê Cố rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Khi đoàn rước về đến Thịnh Mỹ chưa kịp qua sông thì trời tối đành phải ở lại. Đêm đến, quanh quan tài mối đùn lên một đống đất cao thành nấm mồ. Thấy là sự lạ, sứ giả liền hồi kinh tâu với vua, vua liền bảo “cứ để quan tài ở đó, dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời dựng miếu ở Lam Kinh đặt thần chủ cúng tế”. Đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) sông Chu đổi dòng, mộ Hoàng Thái hậu bị sạt lở, quan tài trôi xuống làng Láng Động Thượng (nay là làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa) và được nhân dân mai táng, lập đền thờ gọi là Cung Từ Quang Mục Quốc Thái mẫu Hoàng thái hậu.
Việc thờ phụng Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – người đã hy sinh cho đại nghiệp Bình Ngô của vua Lê Thái tổ đã được hậu thế hết lòng coi trọng. Cùng với Thái Miếu ở Thăng Long và Thái Miếu ở Lam Kinh, đền thờ bà tại làng Thịnh Mỹ (xã Thọ Diên), làng Thượng Vôi (xã Xuân Hòa) đều thuộc huyện Thọ Xuân và làng Triều Khẩu (xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn được người dân coi sóc, khói hương. Trải qua chiến tranh tàn phá và nhiều lần thay đổi các điểm thờ, song đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần vẫn được gìn giữ, khôi phục và bảo tồn như là nơi tôn thờ Người Mẹ - người phụ nữ đức hạnh, bậc nữ trung hào kiệt của khởi nghĩa Lam Sơn và dân tộc Việt Nam!
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng và Lê Xuân Kỳ (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa) khi tìm hiểu về nhân vật lịch sử này, đã cho rằng: Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, bà Phạm Thị Ngọc Trần đã 32 tuổi và chí ít, bà đã làm vợ Lê Lợi được 7-8 năm. Chính vì thế, mọi diễn biến mang tính lịch sử trong gia đình Lê Lợi là động lực để bà toàn tâm, toàn ý giúp chồng lo việc binh lương chuẩn bị khởi nghĩa. Bà Ngọc Trần hoạt động như một nội tướng của Lê Lợi.
Với vai trò là “nội tướng” của Bình Định Vương, đóng góp quan trọng của bà Ngọc Trần - như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ – là lo liệu lương thực, hậu cần giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua nhiều khó khăn ở giai đoạn đầu hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Thậm chí, ngay cả khi mang thai (cuối năm 1423 bà sinh ra Lê Nguyên Long), bà cũng không rời nhiệm vụ này. Sau thời gian hòa hoãn với quân Minh để thực hiện chiến thuật “bên trong rèn vũ khí, bên ngoài giả thác hòa thân”, năm Bính Thìn 1424, nghĩa quân Lam Sơn tiến vào đất Nghệ An và có nhiều trận thắng ở Trà Lân, Lậu Thư, Bồ Ải... buộc quân địch phải co cụm vào thành Nghệ An. Đến năm Ất Tỵ 1425, Lê Lợi vây đánh Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên gặp đền thờ thần Phổ Hộ. Đêm đó vua nằm mộng thấy một vị thần đến bảo “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Minh làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua bèn đem chuyện trong giấc mộng nói với các bà vợ và hứa khi lấy được nước sẽ lập con của người này làm thiên tử. Trong khi những người khác còn đắn đo, chỉ có Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Vua khen ngợi và thương cảm, nói với bề tôi nhận theo lời hẹn đó, rồi sai làm lễ tế thần, dùng bà Ngọc Trần làm vật tế. “Hoàng hậu bèn mất. Đó là vào ngày 24 tháng 3”.
Sự tích về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần được sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép lại tường tận như vậy.
Vì lúc sinh thời, vua Lê Thái tổ không lập chính thất, nên khi con trai bà là Lê Nguyên Long lên kế vị (vua Lê Thái tông) liền truy tôn thân mẫu làm Cung từ Quốc thái mẫu. Sự kiện này được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Thần chủ cũ của Quốc thái mẫu để ở Lam Kinh, vua sai cậu là Hữu ban Lê Liên và Trung thư thị lang là Trần Thuấn Du rước thần chủ mới và sách vàng đến miếu làm lễ truy tôn”; “Ngày mùng 8, sai Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Thái Mẫu”.
Đến năm 1437, vua Lê Thái tông lại truy tôn thân mẫu làm Cung Từ Tuyên Mục Hoàng Thái hậu và rước thần chủ phụng thờ ở Thái Miếu. Về việc thờ phụng Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần sau khi bà mất đến khi được truy tôn và phụng thờ ở Thái Miếu, sách Đại Việt thông sử còn ghi lại: Khi vua Lê Thái tổ lên ngôi, nhớ đến người vợ đã hy sinh tại Triều Khẩu, bèn bảo rằng “bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”, rồi sai Lê Cố rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Khi đoàn rước về đến Thịnh Mỹ chưa kịp qua sông thì trời tối đành phải ở lại. Đêm đến, quanh quan tài mối đùn lên một đống đất cao thành nấm mồ. Thấy là sự lạ, sứ giả liền hồi kinh tâu với vua, vua liền bảo “cứ để quan tài ở đó, dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời dựng miếu ở Lam Kinh đặt thần chủ cúng tế”. Đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) sông Chu đổi dòng, mộ Hoàng Thái hậu bị sạt lở, quan tài trôi xuống làng Láng Động Thượng (nay là làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa) và được nhân dân mai táng, lập đền thờ gọi là Cung Từ Quang Mục Quốc Thái mẫu Hoàng thái hậu.
Việc thờ phụng Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần – người đã hy sinh cho đại nghiệp Bình Ngô của vua Lê Thái tổ đã được hậu thế hết lòng coi trọng. Cùng với Thái Miếu ở Thăng Long và Thái Miếu ở Lam Kinh, đền thờ bà tại làng Thịnh Mỹ (xã Thọ Diên), làng Thượng Vôi (xã Xuân Hòa) đều thuộc huyện Thọ Xuân và làng Triều Khẩu (xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) vẫn được người dân coi sóc, khói hương. Trải qua chiến tranh tàn phá và nhiều lần thay đổi các điểm thờ, song đền thờ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần vẫn được gìn giữ, khôi phục và bảo tồn như là nơi tôn thờ Người Mẹ - người phụ nữ đức hạnh, bậc nữ trung hào kiệt của khởi nghĩa Lam Sơn và dân tộc Việt Nam!