Nguyễn Địch Long học kiến trúc, từng làm Phó giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Hà Tây (cũ) vào những năm cuối thế kỷ XX, đồng thời là một cây bút thơ được bạn đọc và nhiều người trong giới biết tiếng.
Gần đây, đến thăm trang trại rộng tới 4.000 mét vuông của Nguyễn Địch Long ở dưới chân núi Ba Vì, tôi đặc biệt chú ý tới bộ sưu tập ảnh cổng làng của anh được treo la liệt xung quanh các bức tường trong hai ngôi nhà sàn. Những bức ảnh cổng làng cổ xứ Đoài được chính anh chụp, rồi dùng công nghệ phóng to sao chép phiên bản lên khung gỗ, và ở bên lề mỗi bức ảnh ấy lại kèm một bài thơ anh viết.
Nguyễn Địch Long kể rằng, anh đã lùng sục khắp các miền quê xứ Đoài để chụp được bộ sưu tập cổng làng cổ, mỗi cái mang một kiểu dáng kiến trúc khác nhau, nhìn vào đó người ta có thể cảm nhận một điều gì đó về nền văn minh của từng triều đại hoặc một giai đoạn lịch sử. Có những cái cổng vẫn còn bề thế, chắc chắn; nhưng cũng có những cái chỉ còn như một phế tích mà nếu ống kính của anh không chớp nhanh, rất có thể nó sẽ biến mất nay mai trong làn sóng đô thị hóa đang diễn ra ngày càng dữ dội.
Thế hệ Nguyễn Địch Long và thế hệ chúng tôi thấm nhuần hơn ai hết vị thế của cái cổng làng trong đời sống người dân quê Bắc Bộ. Cách đây chưa lâu, nếu có dịp đi rong ruổi vào các làng quê hai bên bờ sông Hồng, hầu như tới đâu ta cũng gặp những cái cổng làng. Làng giàu thì xây to, bề thế. Làng nghèo thì xây nhỏ, nghèo nữa thì cổng gỗ, cổng tre.
Nhà thơ, kiến trúc Nguyễn Địch Long (bên phải) và tác giả bài viết.
Theo chỗ tôi được biết, ở Hà Nội mới đây có ông tên là Vũ Kiêm Ninh đã bỏ công sưu tầm, sao chụp được tới 109 bức ảnh cổng làng cổ thuộc địa bàn Hà Nội cũ. Những bức ảnh này đã được một nhà xuất bản in thành cuốn sách có tên là "Cổng làng Hà Nội xưa và nay". Anh Nguyễn Địch Long là người thứ hai, sau ông Ninh, làm việc này. Nhưng anh Long không dẫm lên bước chân của người đi trước. Địa bàn sưu tầm của anh Long là tỉnh Hà Tây cũ. Hiện anh đã sưu tầm và chụp được hơn một trăm chiếc cổng. Anh mới chỉ chọn một số bức ảnh tiêu biểu, ấn tượng để trưng bày trong hai ngôi nhà sàn ở trang trại của mình.
Quan sát một phần bộ sưu tập ảnh cổng làng của anh Nguyễn Địch Long thì có thể thấy:
Có những cái cổng làng bề thế, một cửa to ở giữa, hai cửa nhỏ hai bên - đây đích thị là cổng của một ngôi làng có nhiều người học hành thi cử đỗ đạt, làm quan. Cái cửa to, ở chính giữa đôi cánh cửa thường khép quanh năm, nó chỉ được mở mỗi khi làng có lễ lạt, hội hè, hoặc một người đỗ đạt được ngồi trên kiệu rước về làng vinh quy bái tổ, nghinh tiếp quan trên vi hành hạ giá thăm nom, có khách quý tới... Còn hàng ngày dân làng thường chỉ đi lại qua hai cái cửa nhỏ hai bên.
Nhưng cũng có ngôi làng sinh hạ hoặc dung dưỡng được người hiền tài, danh tiếng cao sang, như làng Nhị Khê dung dưỡng Nguyễn Trãi, nhưng cái cổng làng chỉ làm một cửa. Bù lại sự thiếu bề thế ấy, bên trên vòm cổng làng Nhị Khê các cụ cho trạm khắc bốn chữ nho rất trang trọng: "Như kiến đại bảo". "Như kiến" nghĩa là dường như thấy. "Đại bảo" nghĩa là điều lớn lao, quý giá. Ngụ ý rằng trong làng này dường như thấy một bảo vật quý, lớn lao. Bảo vật ấy chính là Nguyễn Trãi. Hay như cái cổng làng Cự Đà, một ngôi làng sinh ra khá nhiều nhân vật tài giỏi trong lĩnh vực doanh thương, đi làm ăn nơi nào cũng phát đạt, kể cả sang nước ngoài, thì trên vòm cổng làng có trạm hai chữ: "Trung tín". Người làng mỗi khi đi về qua cổng nhìn thấy hai chữ ấy sẽ tự nhủ mình làm ăn sinh sống nơi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cái đức trung thực, tín nghĩa.
Trong bộ sưu tập ảnh của Nguyễn Địch Long còn có một cái cổng làng ba cửa rất cổ kính, nó có mặt ở làng Phương Viên đã hơn 7 thế kỷ. Làng Phương Viên thuộc xứ Đoài nhưng hình dáng kiến trúc cái cổng làng lại rất giống một ngôi chùa cổ xứ đàng trong, nơi có người Chămpa sinh sống.
Trong bộ sưu tập của anh Long tôi còn chú ý tới hai cái cổng có những biến hóa rất độc đáo. Cái cổng làng Yên Cốc núp dưới gốc cây đa cổ thụ. Cây đa tồn sinh lâu đời, một phần thân, rễ của nó đã trùm lên bên trên thành cổng, nhưng dân làng vẫn có cách giữ cho những bức tường cổng không bị rễ cây làm vỡ, và hàng ngày họ vẫn đi về qua cái cổng này. Cái cổng đáng chú ý thứ hai là cổng làng Văn Khê, nó đã bị gốc cây cổ thụ uốn thành vòm cổng, thay cho cái vòm xây bằng gạch đã biến mất qua sự phôi phai của thời gian, và người làng vẫn đi lại qua cái vòm cổng rễ cây độc đáo có một không hai ấy. Anh Long bảo người ta vẫn đi lại trong những cái cổng đã bị phong hóa như thế thực chất là người ta thích đi trong hoài niệm.
Cổng làng Văn Khê.
Lại có những cái cổng mà do thổ địa biến đổi, đường làng không đi qua lối ấy nữa, cỏ đã mọc um tùm xung quanh, người ta lại còn đào ao, hồ ngay đằng trước, nhưng chiếc cổng vẫn đứng trầm mặc, thâm nghiêm thách thức với thời gian, như cổng làng My Dương, cổng làng Tri Lễ.
Nguyễn Địch Long tỏ ra rất hài lòng với bộ sưu tập cổng làng của mình. Tuy nhiên, trong câu chuyện anh cũng bộc lộ chút băn khoăn, rằng trong nhiều tháng ngày qua anh rong ruổi đã nhiều làng quê, nhưng chỉ tìm được những cái cổng chính (cổng tiền) để chụp, còn cổng phụ (cổng hậu) anh không tìm thấy cái nào. Ngày xưa, làng nào không có điều kiện làm cổng thì chẳng nói làm gì, nhưng đã làm thì bao giờ người ta cũng xây cổng chính đi kèm với cổng phụ.
Cổng chính ở đầu làng, nối với đường cái; cổng phụ ở cuối làng, áp với cánh đồng. Cổng chính bao giờ cũng to hơn, đẹp hơn, sáng sủa hơn cổng phụ. Cổng chính để diện kiến, giao hòa với những gì là sinh sôi, hanh thông, đẹp đẽ. Đám cưới dù rước dâu hay đưa dâu cũng phải đi qua cổng chính. Ngày tết người ta chỉ đi cổng chính dù từ làng đi ra hay từ nơi khác đến làng. Cổng phụ thường dùng cho đám ma đi qua. Bắt được kẻ gian đột nhập vào làng người ta cũng giong đi qua cổng phụ. Ngày xưa làng nào phong tục nghiệt ngã, con gái chửa hoang bị đuổi khỏi làng là phải đi qua cổng phụ. Tóm lại, cổng chính dùng cho những gì là quang minh chính đại, sinh sôi; cổng phụ dùng cho những khuất tất, hao mòn, chết chóc.
Cái cổng làng quan trọng nhường ấy nên tôi biết có chuyện, cách đây chưa xa, một nhà trí thức nọ, vì hoàn cảnh đặc biệt phải sang nước ngoài sinh sống. Ông vốn có nhiều kỷ niệm về ngôi làng của mình. Trước ngày xuất ngoại, biết mình không còn cơ hội trở lại làng nữa, ông đi xe con về giã biệt làng. Xe ông đậu ở ngoài đường cái, còn ông thì không dám bước qua cổng làng. Ông đứng bên ngoài ngả mũ, cúi đầu, chắp tay vái lạy cái cổng làng ba vái, rồi mới nước mắt vắn nước mắt dài quay gót bước lên xe...
Những chuyện "nhớ quê nhớ nhất cái cổng làng" như thế không hiếm. Chính vì thế mà anh Nguyễn Địch Long đã nảy ra ý tưởng dùng 4 cái ảnh cổng làng ấn tượng nhất: Văn Khê, My Dương, Yên Cốc, Tri Quan để in vào bình gốm sứ, gọi là bộ "Tứ bình cổng làng". Cách lưu trữ như thế này sẽ rất lâu bền, qua nhiều niên đại. Dù mai đây "Con-quái-vật-đô-thị-hóa" có nuốt hết sạch sành sanh cổng làng của xứ Đoài vào cái bụng tham lam của nó, thì ít nhất con cháu vẫn còn được chiêm ngưỡng cổng làng trên những cái bình gốm sứ. Và những người xa quê mà trong tâm vẫn mang nặng nỗi niềm người xa xứ như người trí thức nọ, chắc chắn sẽ đwọc an ủi rất nhiều khi sở hữu bộ "tứ bình cổng làng" mà tác giả của nó chính là kiến trúc sư - nhà thơ Nguyễn Địch Long.
Lê Hoài Nam
Theo CAND
Gần đây, đến thăm trang trại rộng tới 4.000 mét vuông của Nguyễn Địch Long ở dưới chân núi Ba Vì, tôi đặc biệt chú ý tới bộ sưu tập ảnh cổng làng của anh được treo la liệt xung quanh các bức tường trong hai ngôi nhà sàn. Những bức ảnh cổng làng cổ xứ Đoài được chính anh chụp, rồi dùng công nghệ phóng to sao chép phiên bản lên khung gỗ, và ở bên lề mỗi bức ảnh ấy lại kèm một bài thơ anh viết.
Nguyễn Địch Long kể rằng, anh đã lùng sục khắp các miền quê xứ Đoài để chụp được bộ sưu tập cổng làng cổ, mỗi cái mang một kiểu dáng kiến trúc khác nhau, nhìn vào đó người ta có thể cảm nhận một điều gì đó về nền văn minh của từng triều đại hoặc một giai đoạn lịch sử. Có những cái cổng vẫn còn bề thế, chắc chắn; nhưng cũng có những cái chỉ còn như một phế tích mà nếu ống kính của anh không chớp nhanh, rất có thể nó sẽ biến mất nay mai trong làn sóng đô thị hóa đang diễn ra ngày càng dữ dội.
Thế hệ Nguyễn Địch Long và thế hệ chúng tôi thấm nhuần hơn ai hết vị thế của cái cổng làng trong đời sống người dân quê Bắc Bộ. Cách đây chưa lâu, nếu có dịp đi rong ruổi vào các làng quê hai bên bờ sông Hồng, hầu như tới đâu ta cũng gặp những cái cổng làng. Làng giàu thì xây to, bề thế. Làng nghèo thì xây nhỏ, nghèo nữa thì cổng gỗ, cổng tre.
Nhà thơ, kiến trúc Nguyễn Địch Long (bên phải) và tác giả bài viết.
Theo chỗ tôi được biết, ở Hà Nội mới đây có ông tên là Vũ Kiêm Ninh đã bỏ công sưu tầm, sao chụp được tới 109 bức ảnh cổng làng cổ thuộc địa bàn Hà Nội cũ. Những bức ảnh này đã được một nhà xuất bản in thành cuốn sách có tên là "Cổng làng Hà Nội xưa và nay". Anh Nguyễn Địch Long là người thứ hai, sau ông Ninh, làm việc này. Nhưng anh Long không dẫm lên bước chân của người đi trước. Địa bàn sưu tầm của anh Long là tỉnh Hà Tây cũ. Hiện anh đã sưu tầm và chụp được hơn một trăm chiếc cổng. Anh mới chỉ chọn một số bức ảnh tiêu biểu, ấn tượng để trưng bày trong hai ngôi nhà sàn ở trang trại của mình.
Quan sát một phần bộ sưu tập ảnh cổng làng của anh Nguyễn Địch Long thì có thể thấy:
Có những cái cổng làng bề thế, một cửa to ở giữa, hai cửa nhỏ hai bên - đây đích thị là cổng của một ngôi làng có nhiều người học hành thi cử đỗ đạt, làm quan. Cái cửa to, ở chính giữa đôi cánh cửa thường khép quanh năm, nó chỉ được mở mỗi khi làng có lễ lạt, hội hè, hoặc một người đỗ đạt được ngồi trên kiệu rước về làng vinh quy bái tổ, nghinh tiếp quan trên vi hành hạ giá thăm nom, có khách quý tới... Còn hàng ngày dân làng thường chỉ đi lại qua hai cái cửa nhỏ hai bên.
Nhưng cũng có ngôi làng sinh hạ hoặc dung dưỡng được người hiền tài, danh tiếng cao sang, như làng Nhị Khê dung dưỡng Nguyễn Trãi, nhưng cái cổng làng chỉ làm một cửa. Bù lại sự thiếu bề thế ấy, bên trên vòm cổng làng Nhị Khê các cụ cho trạm khắc bốn chữ nho rất trang trọng: "Như kiến đại bảo". "Như kiến" nghĩa là dường như thấy. "Đại bảo" nghĩa là điều lớn lao, quý giá. Ngụ ý rằng trong làng này dường như thấy một bảo vật quý, lớn lao. Bảo vật ấy chính là Nguyễn Trãi. Hay như cái cổng làng Cự Đà, một ngôi làng sinh ra khá nhiều nhân vật tài giỏi trong lĩnh vực doanh thương, đi làm ăn nơi nào cũng phát đạt, kể cả sang nước ngoài, thì trên vòm cổng làng có trạm hai chữ: "Trung tín". Người làng mỗi khi đi về qua cổng nhìn thấy hai chữ ấy sẽ tự nhủ mình làm ăn sinh sống nơi đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ cái đức trung thực, tín nghĩa.
Trong bộ sưu tập ảnh của Nguyễn Địch Long còn có một cái cổng làng ba cửa rất cổ kính, nó có mặt ở làng Phương Viên đã hơn 7 thế kỷ. Làng Phương Viên thuộc xứ Đoài nhưng hình dáng kiến trúc cái cổng làng lại rất giống một ngôi chùa cổ xứ đàng trong, nơi có người Chămpa sinh sống.
Trong bộ sưu tập của anh Long tôi còn chú ý tới hai cái cổng có những biến hóa rất độc đáo. Cái cổng làng Yên Cốc núp dưới gốc cây đa cổ thụ. Cây đa tồn sinh lâu đời, một phần thân, rễ của nó đã trùm lên bên trên thành cổng, nhưng dân làng vẫn có cách giữ cho những bức tường cổng không bị rễ cây làm vỡ, và hàng ngày họ vẫn đi về qua cái cổng này. Cái cổng đáng chú ý thứ hai là cổng làng Văn Khê, nó đã bị gốc cây cổ thụ uốn thành vòm cổng, thay cho cái vòm xây bằng gạch đã biến mất qua sự phôi phai của thời gian, và người làng vẫn đi lại qua cái vòm cổng rễ cây độc đáo có một không hai ấy. Anh Long bảo người ta vẫn đi lại trong những cái cổng đã bị phong hóa như thế thực chất là người ta thích đi trong hoài niệm.
Cổng làng Văn Khê.
Lại có những cái cổng mà do thổ địa biến đổi, đường làng không đi qua lối ấy nữa, cỏ đã mọc um tùm xung quanh, người ta lại còn đào ao, hồ ngay đằng trước, nhưng chiếc cổng vẫn đứng trầm mặc, thâm nghiêm thách thức với thời gian, như cổng làng My Dương, cổng làng Tri Lễ.
Nguyễn Địch Long tỏ ra rất hài lòng với bộ sưu tập cổng làng của mình. Tuy nhiên, trong câu chuyện anh cũng bộc lộ chút băn khoăn, rằng trong nhiều tháng ngày qua anh rong ruổi đã nhiều làng quê, nhưng chỉ tìm được những cái cổng chính (cổng tiền) để chụp, còn cổng phụ (cổng hậu) anh không tìm thấy cái nào. Ngày xưa, làng nào không có điều kiện làm cổng thì chẳng nói làm gì, nhưng đã làm thì bao giờ người ta cũng xây cổng chính đi kèm với cổng phụ.
Cổng chính ở đầu làng, nối với đường cái; cổng phụ ở cuối làng, áp với cánh đồng. Cổng chính bao giờ cũng to hơn, đẹp hơn, sáng sủa hơn cổng phụ. Cổng chính để diện kiến, giao hòa với những gì là sinh sôi, hanh thông, đẹp đẽ. Đám cưới dù rước dâu hay đưa dâu cũng phải đi qua cổng chính. Ngày tết người ta chỉ đi cổng chính dù từ làng đi ra hay từ nơi khác đến làng. Cổng phụ thường dùng cho đám ma đi qua. Bắt được kẻ gian đột nhập vào làng người ta cũng giong đi qua cổng phụ. Ngày xưa làng nào phong tục nghiệt ngã, con gái chửa hoang bị đuổi khỏi làng là phải đi qua cổng phụ. Tóm lại, cổng chính dùng cho những gì là quang minh chính đại, sinh sôi; cổng phụ dùng cho những khuất tất, hao mòn, chết chóc.
Cái cổng làng quan trọng nhường ấy nên tôi biết có chuyện, cách đây chưa xa, một nhà trí thức nọ, vì hoàn cảnh đặc biệt phải sang nước ngoài sinh sống. Ông vốn có nhiều kỷ niệm về ngôi làng của mình. Trước ngày xuất ngoại, biết mình không còn cơ hội trở lại làng nữa, ông đi xe con về giã biệt làng. Xe ông đậu ở ngoài đường cái, còn ông thì không dám bước qua cổng làng. Ông đứng bên ngoài ngả mũ, cúi đầu, chắp tay vái lạy cái cổng làng ba vái, rồi mới nước mắt vắn nước mắt dài quay gót bước lên xe...
Những chuyện "nhớ quê nhớ nhất cái cổng làng" như thế không hiếm. Chính vì thế mà anh Nguyễn Địch Long đã nảy ra ý tưởng dùng 4 cái ảnh cổng làng ấn tượng nhất: Văn Khê, My Dương, Yên Cốc, Tri Quan để in vào bình gốm sứ, gọi là bộ "Tứ bình cổng làng". Cách lưu trữ như thế này sẽ rất lâu bền, qua nhiều niên đại. Dù mai đây "Con-quái-vật-đô-thị-hóa" có nuốt hết sạch sành sanh cổng làng của xứ Đoài vào cái bụng tham lam của nó, thì ít nhất con cháu vẫn còn được chiêm ngưỡng cổng làng trên những cái bình gốm sứ. Và những người xa quê mà trong tâm vẫn mang nặng nỗi niềm người xa xứ như người trí thức nọ, chắc chắn sẽ đwọc an ủi rất nhiều khi sở hữu bộ "tứ bình cổng làng" mà tác giả của nó chính là kiến trúc sư - nhà thơ Nguyễn Địch Long.
Ba Vì, Hà Nội, thu 2009
Lê Hoài Nam
Theo CAND