Công cuộc cải tổ và sự tan rã của Liên Xô

hoangphuong

New member
CÔNG CUỘC CẢI TỔ VÀ SỰ TAN RÃ CỦA LIÊN XÔ

1. Tình hình Liên Xô trước cải tổ

Vào năm 1973, trên thế giới đã diễn ra một cuộc khủng hoảng về năng lượng dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng này chính là do các nước OPEC chủ động ngưng sản xuất dầu và thực hành cấm vận, không cung cấp dầu cho Mỹ và những nước phương Tây đã ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Syrie và Ai Cập. Giá dầu tăng lên đột ngột từ 20 USD/thùng lên 45-50 USD/thùng. Tranh biếm họa về khủng hoảng dầu mỏ.

Cuộc khủng hoảng này đã tác động mạnh mẽ tới nhiều quốc gia, dân tộc nhưng các nhà lãnh đạo Liên Xô lại cho rằng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chung toàn thế giới, hơn nữa các nguồn tài nguyên của Liên Xô vẫn còn dồi dào nên chậm đề ra đường lối cải cách, không kịp thời có những biện pháp đối phó. Kết quả là nền kinh tế Liên Xô trong những năm 70 có dấu hiệu suy giảm rồi khủng hoảng và đến đầu những năm 80 đã trở nên khủng hoảng trầm trọng biểu hiện ở các mặt sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một giảm: Nếu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1950, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng giá trị sản phẩm xã hội là 14,2%, từ 1951 – 1960 là 10%, thì từ thập kỉ 60 bắt đầu giảm: từ 1966 – 1970 là 7,1%, từ 1970 – 1975 là 5,1%, 1976 – 1980 là 3,9%, đến 1982 khi Brêgiơnhép qua đời còn 2,6% (tương đương mức thấp nhất của thời kì trước chiến tranh).

- Thu nhập quốc dân giảm xuống 2,5 lần; sản xuất công nghiệp giảm 2,5 lần; sản xuất nông nghiệp giảm 3,5 lần. Thu nhập thực tế tính theo đầu người giảm 3 lần.

- Kinh tế phát triển theo chiều rộng, không phát triển theo chiều sâu. Các nhân tố phát triển kinh tế theo chiều rộng cũng bị hạn chế. Nền kinh tế thiếu năng động, thiếu sức sống, hiệu quả thấp.

- Cơ cấu kinh tế mất cân đối giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ IX (1971 – 1975) đầu tư cho công nghiệp nhóm A gấp 7 lần nhóm B, tỉ trọng giá trị sản lượng nhóm A = 74,8%, nhóm B = 25,2% (1985). Ngay trong công nghiệp nặng thì công nghiệp quân sự, quốc phòng cũng phát triển hơn các ngành khác.

- Giữa công nghiệp và nông nghiệp cũng mất cân đối nghiêm trọng. So sánh năm 1976 với năm 1940, giá trị sản lượng công nghiệp tăng 18 lần, còn giá trị sản lượng nông nghiệp chỉ tăng 2,4 lần. So sánh năm 1975 với năm 1960, con số đó là 3,2 lần và 0,4 lần. Hàng năm Liên Xô phải nhập 30 – 40 triệu tấn lương thực.

- Mất cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng. Từ năm 1965 – 1980 tỉ trọng tích lũy trong thu nhập quốc dân là 25 – 28%, trong đó năm 1970 là gần 30%. Tích lũy và đầu tư cao làm cho mức sống của nhân dân tăng chậm, gây khó khăn về sức người, sức của.

- Việc đẩy nhanh tiến bộ khoa học – kĩ thuật và ứng dụng khoa học – kĩ thuật vào sản xuất cũng bị hạn chế nhiều do cơ chế quản lí mệnh lệnh hành chính, quan liêu bao cấp, mặc dù khoa học – kĩ thuật của Liên Xô khá phát triển và có đội ngũ đông đảo các nhà khoa học. Cán bộ khoa học kĩ thuật của Liên Xô chiếm 25% tổng số cán bộ khoa học kĩ thuật toàn thế giới, phát minh kĩ thuật mới hàng năm chiếm 1/3 tổng số phát minh của thế giới, xếp thứ hai sau Nhật Bản, nhưng hàng năm chỉ có 1/4 thành quả khoa học kĩ thuật mới được ứng dụng trong nền kinh tế quốc dân và thời gian ứng dụng thường kéo dài từ 10 – 12 năm. Theo thống kê 1984 – 1985 trình độ khoa học kĩ thuật chung của Liên Xô lạc hậu so với các nước phát triển phương Tây khoảng 15 năm, nhất là các lĩnh vực mới như vi điện tử, năng lượng, vật liệu mới, kĩ thuật thông tin, vi sinh vật. Vào thời điểm đó, lao động chân tay ở Liên Xô vẫn còn khoảng 50 triệu người. Trong công nghiệp, lao động chân tay chiếm khoảng 1/3, xây dựng chiếm 1/2 và nông nghiệp chiếm 3/4.

Năm 1983, Ban lãnh đạo đất nước, đứng đầu là Anđrôpốp đã cố gắng uốn nắn tình hình kinh tế bằng việc tăng cường kỉ luật lao động. Ở Mátxcơva, trong một loạt vùng đất đã tiến hành “bắt giữ” các công dân ở tuổi lao động nhằm làm rõ “lí do vắng mặt trong giờ làm việc”. Cuộc đấu tranh bảo đảm kỉ luật lao động bằng phương pháp lung bắt đã gây nên sự phẫn nộ trong xã hội, mặc dù đã đem lại một số hiệu quả tuy chỉ mang tính chất tạm thời.


Tóm lại, trước “cải tổ”, nền kinh tế Liên Xô tăng trưởng chậm, cơ cấu mất cân đối, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, lãng phí nhiều, hiệu quả thấp, kĩ thuật công nghiệp dân dụng và nông nghiệp lạc hậu, hàng tiêu dùng thiếu thốn, nhân dân lao động thiếu hăng hái.

Vị trí cường quốc kinh tế của Liên Xô bị các nước khác thách thức, trước hết là Nhật Bản. Năm 1986, khi Liên Xô đã bước vào cải tổ, tổng giá trị sản phẩm xã hội của Mĩ là 3.900 tỉ USD, Liên Xô: 1.800 tỉ USD, Nhật Bản: 1.700 tỉ USD. Nhưng sau đó hai năm, Nhật Bản đã vượt Liên Xô. Tại Mĩ, năng suất lao động công nghiệp tăng 5 lần so với Liên Xô. Và Liên Xô đã không trở thành nước có mức sống “cao nhất thế giới” như tuyên bố năm 1961.

Tình trạng giảm sút của nền kinh tế đất nước không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng của nhân dân mà còn gây sự hoài nghi, dao động, làm giảm sút uy tín của Đảng và chính quyền nhà nước.
Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên suy cho cùng là do mô hình tập quyền cao và thể chế quản lí xơ cứng của thời kì chiến tranh và khôi phục kinh tế sau chiến tranh không còn phù hợp với phát triển kinh tế trong điều kiện hòa bình. Tình trạng quan liêu diễn ra hết sức trầm trọng và phổ biến.

Vào nửa đầu thập niên 80, tình hình chính trị ở Liên Xô mất ổn định, luôn trong tình trạng lên “cơn sốt” bởi sự thay đổi thường xuyên những người lãnh đạo cấp cao. Trong vòng chưa đầy hai năm, nhà tư tưởng chủ yếu của Liên Xô là Xuxlốp qua đời (1/1982), sau đó tiếp tục là ba nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô liên tiếp qua đời Brêgiơnhép (11/1982), Anđrôpốp (2/1984), Trécnencô (3/1985). Đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân hết sức chán chường vì những người cao tuổi lên cầm quyền rồi vội vàng ra đi. Họ rất bất bình với tình trạng trì trệ của đất nước và mong muốn có một người lãnh đạo trẻ, khỏe, tài năng tiến cùng thời đại. Trong bối cảnh đó, Goócbachốp lúc bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất đã được đề cử vào cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (3/1985).


Như vậy, trước khi tiến hành cải tổ, trên thực tế, mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và những cơ chế của nó về kinh tế, chính trị, xã hội chứa đựng những thiếu sót, sai lầm được tích tụ từ lâu. Nó cản trở sự phát triển của đất nước. Xã hội Xô viết lâm vào tình trạng thiếu dân chủ và công bằng, kỉ cương và pháp chế xã hội chủ nghĩa bị vi phạm nghiêm trọng, tệ nạn xã hội gia tăng, sản xuất tăng trưởng chậm, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm kém và ngày càng thua kém các nước phương Tây về khoa học – kĩ thuật. Nền kinh tế Liên Xô ngày càng mất cân đối nghiêm trọng, nợ nước ngoài và lạm phát không ngừng tăng lên. Đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Hơn nữa, đây lại là thời kì Liên Xô chạy đua vũ trang và chạy đua vũ trụ với cường độ cao và coi ưu thế quân sự và vũ trụ so với Hoa Kì như một minh chứng của tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội và đã có lúc Phương Tây cho rằng Liên Xô đã phá vỡ thế cân bằng chiến lược. Thời kì này đối đầu giữa hai phe khá căng thẳng nhưng cả hai bên đều có ý thức kiềm chế trong phạm vi an toàn. Trong thời gian này, Liên Xô giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chống lại Quân đội Hoa Kì trong Chiến tranh Việt Nam. Cuộc chạy đua vũ trang và vũ trụ càng làm trầm trọng thêm những điểm yếu của nền kinh tế Xô viết và sau này nhiều người Nga cho đó là nguyên nhân để Liên Xô sụp đổ.


2. Bước đầu cải tổ (4/1985 – 6/1988)

Sau khi Brêgiơnhép qua đời, các Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lần lượt là Anđrôpốp, Trécnencô. Từ tháng 3/1985 là Goócbachốp.

Tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (4/1985), Goócbachốp đã đề ra tư tưởng cải tổ mới thông qua việc trình bày “Chiến lược tăng tốc”. Mục đích của công cuộc cải tổ được tuyên bố là nhằm đổi mới mọi mặt đời sống của xã hội Xô viết, sửa chữa những thiếu sót, sai lầm trước đây, đưa đất nước thoát khỏi sự trì trệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội đúng như bản chất của nó. Nhưng trên thực tế, cải tổ là nhằm dần dần từng bước đưa Liên Xô ra khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.

Sau một thời gian chuẩn bị, đến cuối tháng 2, đầu tháng 3/1986 đã diễn ra Đại hội XXVII Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại Đại hội, “Chiến lược tăng tốc” của Goócbachốp đã được cụ thể hóa. Đại hội đã vạch ra đường lối, phương hướng, chính sách cho công cuộc cải tổ ở Liên Xô. Đại hội đã đề ra chiến lược tăng tốc và dự kiến đến cuối thế kỉ phải tăng thu nhập quốc dân, tổng giá trị công nghiệp tăng, tăng tiềm lực sản xuất lên 2 lần và cải tạo về chất, tăng năng suất lao động 2,3 - 2,5 lần… Phương tiện, yếu tố chủ yếu để thực hiện đường lối đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội là cải tổ nền kinh tế quốc dân, trên cơ sở tiến bộ khoa học – kĩ thuật bằng cách thay đổi chính sách cơ cấu đầu tư, tiếp tục phát triển công nghiệp nặng, coi ngành chế tạo máy là then chốt, giải quyết lương thực – thực phẩm được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; xác định phương hướng cơ bản của chính sách xã hội và hoàn thiện quan hệ xã hội – giai cấp và quan hệ dân tộc, xác định Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo xã hội Xô viết, xác định đường lối đối ngoại hữu nghị, hợp tác, hòa bình, chống chạy đua vũ trang, chống chiến tranh hạt nhân. Tuy có sai lầm nhưng nhìn chung Đại hội XXVII về cơ bản đã định hướng đúng và tích cực.

Sau Đại hội, tháng 6/1986, Xô viết Tối cao Liên Xô đã thông qua Pháp lệnh về kế hoạch 5 năm lần thứ XII. Từ đó, Liên Xô đẩy mạnh cải tổ, lấy cải tổ kinh tế là trọng tâm. Hàng loạt các biện pháp được đề ra nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế: Ra các đạo luật về lao động cá thế (11/1986) về thành lập các hợp tác xã, trao quyền xuất khẩu trực tiếp cho các xí nghiệp, thành lập Hội đồng nghiệm thu quốc gia về chất lượng sản phẩm…

Ngày 25/6/1987, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp và thông qua văn kiện: “Những nguyên tắc cơ bản trong cải cách căn bản quản lí kinh tế”. Văn kiện này coi là “Phương án tổng thể cải cách cơ chế kinh tế” với nội dung cơ bản là chuyển từ những phương pháp quản lí hành chính là chủ yếu sang những biện pháp kinh tế là chủ yếu.

Đồng thời, Hội nghị đã thông qua dự luật rất quan trọng để trình Xô viết Tối cao phê chuẩn là Luật về xí nghiệp (liên hiệp xí nghiệp) quốc doanh và Luật về việc toàn dân thảo luận những vấn đề quan trọng trong sinh hoạt Nhà nước.

Văn kiện Hội nghị và hai văn bản luật mới được thông qua đã quy hoạch bức tranh cải tổ kinh tế khá rõ ràng, đúng hướng và có nhiều điểm mới so với cải cách kinh tế dưới thời Khơrútsốp và Brêgiơnhép.

Song song với nhiệm vụ cải tổ kinh tế, Liên Xô cũng đặt ra và giải quyết một số vấn đề cơ bản khác như chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, loại bỏ cán bộ thiếu trách nhiệm, công tác trì trệ, thiếu kinh nghiệm và thiếu năng lực… đề bạt, cất nhắc cán bộ, tăng cường biện pháp quản lí và giám sát cán bộ, mở các đợt sinh hoạt tư tưởng, phê phán cái gọi là “cơ chế cản trở cải tổ”, tức là phê phán khuyết điểm của mô hình, thể chế cũ, tác phong lãnh đạo kiểu mệnh lệnh hành chính, quan liêu…

Nhìn chung, trong những năm đầu của cải tổ, đường lối chiến lược của Liên Xô đảm bảo được mục tiêu và định hướng xã hôi chủ nghĩa. Các chính sách, biện pháp cải tổ kinh tế đã có kết quả bước đầu khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và có xu hướng phát triển. Mức tăng thu nhập quốc dân năm 1986 là 4%, đến năm 1987 là 3,4%, 9 tháng đầu năm 1988 là 4,3%. Mức tăng của tổng giá trị sản lượng công nghiệp các năm đó là 5%, 3,8% và 4,3%. Năng suất lao động mức tăng cao nhất là 10,4%… Nhân dân lao động hồ hởi, tin tưởng vào thành công của công cuộc cải tổ.

Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đầu cải tổ, Liên Xô có một số sai lầm:

- Nhận thức mơ hồ, quanh co về các giai đoạn phát triển chủ nghĩa xã hội. Văn kiện Đại hội XXVII vừa thừa nhận vừa không thừa nhận Liên Xô đã ở vào giai đoạn chủ nghĩa xã hội phát triển.

- Chủ quan, nóng vội, duy ý chí trong việc đề ra mục tiêu và tốc độ trong chiến lược đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo chỉ tiêu Đại hội XXVII đề ra thì trung bình mỗi năm thu nhập quốc dân tăng 6,5%, năng suất lao động tăng 8,6 – 10%. Nhưng trong mấy năm đầu cải tổ đều không đạt chỉ tiêu trên.

- Sai lầm trong biện pháp, chỉ đạo, Đại hội XXVII đề ra biện pháp “tiếp tục phát triển hơn nữa công nghiệp nặng”, “coi ngành chế tạo máy có vai trò then chốt”… làm cho cơ cấu kinh tế vốn mất cân đối càng bị mất cân đối nghiêm trọng. Không chú trọng phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp nên đã không giải quyết được nhiệm vụ hàng đầu là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, những thứ mà Liên Xô đang thiếu thốn nặng nề.

Tóm lại, trong giai đoạn đầu của cải tổ, Liên Xô đã có một số biểu hiện sai lầm. Đó là điều kiện khó tránh khỏi, bởi cải tổ thực sự là quá trình khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, những sai lầm này không lớn, chưa phải nghiêm trọng, nếu những người khởi xướng và lãnh đạo cải tổ bình tĩnh, suy xét, tìm ra nguyên nhân đích thức để khắc phục. Nhưng tiếc thay, do nóng vội, duy ý chí, họ cho rằng nguyên nhân cải tổ kinh tế không đạt kết quả theo mong muốn là do thể chế chính trị. Vì vậy, họ vội vàng chuyển trọng tâm từ cải tổ kinh tế sang cải tổ chính trị, đẩy cải tổ chính trị đi trước cải tổ kinh tế.


3. Cải tổ sâu rộng và sự chệch hướng chủ nghĩa xã hội (7/1988 – 6/1990)


Hội nghị toàn Liên bang Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XIX (họp từ 28/6 đến 1/7/1988) là sự kiện đánh dấu Liên Xô chuyển sang giai đoạn cải tổ sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Qua hội nghị này, Liên Xô muốn tổng kết kinh nghiệm và bài học cải tổ, nêu phương hướng, nhiệm vụ cụ thể nhằm tăng cường công cuộc cải tổ. Các văn bản của Hội nghị cho thấy tư tưởng cải tổ của Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô đã có nhiều biến đổi so với tư tưởng Đại hội XXVII. Cụ thể: Đặt cải tổ lên vị trí chủ đạo hàng đầu: đặt vấn đề cải cách căn bản thể chế chính trị, nhấn mạnh cải cách thể chế chính trị là then chốt của toàn bộ cuộc cải tổ; thực hiện chế độ sở hữu đa nguyên hóa, phân quyền giữa Đảng và Nhà nước, đặt việc dân chủ hóa đời sống xã hội và dân chủ hóa trong nội bộ Đảng là hạt nhân của cải cách thể chế chính trị.

Hội nghị đưa ra biện pháp cải tổ cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất: Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô. Đại hội đại biểu sẽ giải quyết những vấn đề thuộc Hiến pháp, những vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng nhất trong đời sống Nhà nước.

Sau hội nghị XIX, trọng tâm của cải tổ đã chuyển từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực chính trị, cải tổ Đảng, thực hiện việc tách bộ máy Đảng ra khỏi chức năng chính quyền hành chính. Từ nửa cuối năm 1988, Liên Xô tiến hành cải cách cơ cấu Đảng, cắt giảm các ban chuyên môn của Đảng từ Trung ương xuống địa phương, sắp xếp lại tổ chức, thay đổi nhân sự. Đợt thay đổi nhân sự lớn nhất là cho nghỉ cùng lúc 110 ủy viên chính thức và dự khuyết Trung ương.

Như vậy, nếu như trong giai đoạn đầu của cải tổ, Goócbachốp đã không dám công khai chống lại chủ nghĩa Mác – Lênin và lí tưởng của Cách mạng tháng Mười, thì bắt đầu từ năm 1988 trở đi, đường lối cải tổ đã chuyển sang lập trường của chủ nghĩa xã hội dân chủ, thực chất là theo mô hình chủ nghĩa tư bản: chấp nhận đã nguyên đa đảng, thay Xô viết bằng Đại hội đại biểu nhân dân – đây là chính quyền mang màu sắc của nhiều đảng phái chính trị, thành phần rất phức tạp, tuy có chức năng như một quốc hội nhưng quyền lực không phải là của nhân dân.

Điều đặc biệt nguy hiểm là Đại hội đại biểu nhân dân bất thường lần thứ ba (1/3/1990) đã quyết định sửa đổi điều 6 trong Hiến pháp năm 1977. Từ chỗ quy định “Đảng Cộng sản Liên Xô là lực lượng lãnh đạo và chỉ đạo xã hội Xô viết, là hạt nhân của thể chế chính trị Xô viết và mọi cơ quan Nhà nước và các đoàn thể xã hội” đã bị sửa thành: “Đảng Cộng sản Liên Xô, các chính đảng khác và công đoàn, đoàn thanh niên, các đoàn thể xã hội và phong trào quần chúng thông qua việc lựa chọn đại diện của mình vào các Xô viết đại biểu nhân dân và dùng các hình thức khác tham gia vào việc vạch ra chính sách của Nhà nước Xô viết, quản lí Nhà nước và công việc xã hội”. Việc sửa đổi điều 6 Hiến pháp, trên thực tế là sự loại bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và chính thức đặt nền móng cho chế độ đa đảng. Cải tổ Đảng đã dẫn đến sự thay đổi địa vị và vai trò lãnh đạo của Đảng, gây ra những hậu quả trầm trọng: Đảng Cộng sản bị suy yếu, trong nội bộ xuất hiện phe phái, số lượng đảng viên ra khỏi Đảng tăng lên, tính chất giai cấp của Đảng giảm sút, xu thế “Liên bang hóa Đảng” – tức Đảng Cộng sản ở các nước cộng hòa có xu hướng trở thành đảng độc lập tăng lên, uy tín và niềm tin với Đảng của nhân dân giảm sút. Ngoài xã hội xuất hiện nhiều đảng phái, tổ chức xã hội…

Trong khi Đảng bị loại bỏ dần quyền lãnh đạo thì trung tâm quyền lực Nhà nước dần dần chuyển sang Đại hội đại biểu nhân dân và Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao. Tại cuộc bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô (26/3/1989), Đảng Cộng sản chỉ có 100 trên tổng số 2250 ghế. Ngày 1/3/1990, Đại hội đại biểu nhân dân đã thông qua quyết định lập chức vụ Tổng thống và hai tuần sau Goócbachốp được bầu làm Tổng thống Liên Xô. Hội đồng Tổng thống cũng được thành lập để lãnh đạo, điều hành công việc đất nước.

Sau khi lên nắm quyền, Goócbachốp đã dần dần tập trung hết quyền lực vào tay mình. Sau khi loại bỏ những lực lượng trung thành của chủ nghĩa xã hội, Goócbachốp đã đưa tay chân vào những vị trí quan trọng trong chính quyền với mục tiêu “ai theo cải tổ thì chấp nhận, ai chống lại cải tổ thì phải tự lùi bước”. Điều này thể hiện sự độc đoán chuyên quyền của Đại hội đại biểu nhân dân, mà người đứng đầu là Goócbachốp.

Do đặt trọng tâm vào cải tổ chính trị, nên cải tổ kinh tế bị gác lại, hoặc nói đúng hơn là tiến hành nhỏ giọt, cho đến tận tháng 5/1990, Chính phủ Liên Xô do Rưgiơcốp đứng đầu mới đưa ra phương án quá độ sang nền kinh tế thị trường có điều tiết. Đồng thời Chính phủ Liên bang Nga cũng đưa ra “Kế hoạch 500 ngày” do Enxin đề xướng. Hai phương án này tranh giành quyền ưu tiên, quyền hợp pháp và cạnh tranh rất gay gắt. Cuối cùng Liên Xô ngả sang phương án quá độ sang kinh tế thị trường theo “Kế hoạch 500 ngày” của Nga.

Đây là thời kì chữa cháy” của Liên Xô. Với “Kế hoạch 500 ngày”, Liên Xô hi vọng chuyển nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường trong 500 ngày. Xét về mọi khía cạnh, đó là một điều không tưởng. Lúc này Liên Xô đã kiệt quệ về nhiều mặt. Thời kỳ L. Brêgiơnhép, Liên Xô đã tiến hành khai thác vô tội vạ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Giữa những năm 1980, cuộc chạy đua vũ trang của Liên Xô đã tiêu hao sức tài, vật lực của bản thân một cường quốc nhất nhì thế giới.

Do cải tổ kinh tế đình đốn, các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều giảm. Năm 1989 là năm xấu nhất về kinh tế cùng những diễn biến cực kì phức tạp về chính trị, xã hội của Liên Xô. Tổng sản phẩm quốc dân giảm 4 – 5%, năng suất lao động xã hội giảm 2,5%, thâm hụt mậu dịch lên tới 5 tỉ USD và nợ nước ngoài là 58 tỉ USD.

Đến năm 1990, tình hình kinh tế của Liên Xô tiếp tục xấu đi. Tổng sản lượng quốc dân giảm 2%, thu nhập quốc dân giảm 4%, năng suất lao động giảm 3%, ngân sách Nhà nước thiếu hụt 58,1 tỉ Rúp, nửa triệu người Liên Xô bỏ ra nước ngoài.

Tình hình kinh tế - chính trị sa sút đã làm gay gắt hơn vấn đề dân tộc vốn âm ỉ từ truớc. Tại các nước cộng hòa Acmênia, Adecbaigian, Grudia, Udơbêkixtan, Tatgikixtan, Mônđôva và 3 nước cộng hòa Ban Tích liên tiếp xảy ra tranh chấp, xung đột sắc tộc, dân tộc. Nhiều cuộc xung đột làm chết và bị thương hàng trăm người. Liên Xô phải đưa quân đội, lực lượng vũ trang đến giải tán, lập lại trật tự. Cho tới tháng 9/1989, trừ Bêlarutxia và Kiêcghidia, ở các nước cộng hòa đều nổ ra xung đột và tranh chấp với cường độ ngày một tăng và tính chất đã leo thang thành vấn đề chính trị đòi độc lập, tách khỏi Liên Xô. Mâu thuẫn dân tộc bùng nổ mạnh mẽ đã đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại hoàn chỉnh của Liên bang Xô viết.


Cùng với sự bùng nổ vấn đề dân tộc, giai đoạn này ở Liên Xô đã xảy ra làn sóng bãi công lớn của công nhân ngành than với hàng trăm ngàn người tham gia kéo dài nhiều tháng. Trong hoàn cảnh cải tổ kinh tế bế tắc, bãi công đã đe dọa toàn bộ nền kinh tế quốc dân, làm chấn động xã hội. Theo thống kê, riêng tháng 1/1990 Liên Xô bị thiệt hại khoảng 3 tỉ Rúp do bãi công và tình hình mất ổn định.

Trong giai đoạn hai của cải tổ, chính sách đối ngoại của Liên Xô cũng có nhiều thay đổi như rút lực lượng quân sự và vũ khí khỏi các nước Đông Âu, vô hiệu hóa Khối Quân sự Vácsava. Khi Đông Âu xảy ra biến động mạnh mẽ, Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo, chủ nghĩa xã hội bị phủ nhận, Ban Lãnh đạo Liên Xô tỏ thái độ hờ hững, buông xuôi. Chính sách đối ngoại của Liên Xô ngả dần sang phương Tây.

Như vậy, kể từ Hội nghị toàn quốc của Đảng XIX, Liên Xô chuyển sang “cải tổ sâu rộng”, nhưng đó cũng là thời điểm cuộc cải tổ biến đổi có tính chất bước ngoặt. Trọng tâm cải tổ từ lĩnh vực kinh tế chuyển sang lĩnh vực chính trị. Cải tổ chính trị trở thành cuộc đấu tranh giành quyền lực, làm suy yếu để đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hiện dân chủ nghị viện, đa nguyên chính trị và chế độ đa đảng… Cải tổ chính trị đã đưa con tàu cải tổ đi chệch hướng, trượt khỏi quỹ đạo tự hoàn thiện chủ nghĩa xã hội đẩy đất nước Liên Xô vào cuộc khủng hoảng chế độ.


4. Thất bại của cải tổ và sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (7/1990 – 12/1991)

Công cuộc cải tổ ngày càng lún sâu vào khó khăn, bế tắc, đất nước Xô viết lâm vào khủng hoảng về mọi mặt. Do cải tổ chệch hướng chủ nghĩa xã hội, tình trạng tiền khủng hoảng không những không được khắc phục mà Liên Xô còn bị lâm vào khủng hoảng nặng nề hơn. Về kinh tế, năng suất lao động tăng trưởng từ số dương giảm xuống số âm, hàng hóa trên thị trường khan hiếm, thâm hụt ngân sách rất lớn, nợ nần chồng chất, lạm phát tiền tệ tăng nhanh. Về chính trị, khủng hoảng cơ cấu Nhà nước, mâu thuẫn dân tộc trở nên gay gắt, nhiều nước cộng hòa đòi tách khỏi Liên bang, tuyên bố “Tuyên ngôn chủ quyền”, Đảng Cộng sản bị chia rẽ, phân liệt, mất dần quyền lãnh đạo; an ninh trật tự xã hội rối ren.

Trong bối cảnh trên, Đảng Cộng sản Liên Xô triệu tập Đại hội XXVIII (họp từ ngày 2 đến 11/7/1990), Đại hội lần này bộc lộ rõ sự bất đồng trong nội bộ Đảng, sự bất mãn đối với đường lối hiện hành của các đảng viên. Các văn kiện của Đại hội thông qua cho thấy đường lối Đảng Cộng sản Liên Xô đã tiệm cận tư tưởng của chủ nghĩa xã hội dân chủ, xa rời các nguyên lí chủ nghĩa xã hội khoa học.

Cải tổ kinh tế chủ yếu xoay quanh việc chuyển sang nền kinh tế thị trường để thoát khỏi khủng hoảng. Cùng lúc ở Liên Xô xuất hiện hai phương án chuyển sang kinh tế thị trường: Phương án của Chính phủ Liên Xô do Thủ tướng mới Paplốp chủ trương và “Kế hoạch Havớt” do Viện sĩ G. Iavlinxki cùng nhóm chuyên viên kinh tế của Đại học Havớt soạn thảo. Về cơ bản cả hai phương án đều chủ trương lấy kinh tế thị trường thay kinh tế kế hoạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu, thực hiện phi quốc hữu hóa và tư nhân hóa, thả nổi giá cả và tự do cạnh tranh.

Song hai phương án còn bất đồng về tốc độ và phương pháp tiến hành. Cuối cùng, Liên Xô chọn phương án của chính phủ, coi Kế hoạch Havớt có vai trò bổ sung. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế ở trong trạng thái vừa không có kế hoạch, vừa chưa có thị trường. Hơn nữa, trong tình hình các nước cộng hòa tự làm theo ý mình thì phương án của chính phủ chẳng qua chỉ có ý nghĩa là nền tảng điều hòa hoạt động của các nước cộng hòa. Nhìn chung, các biện pháp đưa ra không khắc phục được khủng hoảng. Kinh tế vẫn tiếp tục hỗn loạn, tiêu điều. Nửa đầu năm 1991, tổng giá trị sản phẩm quốc dân giảm 10%; thu nhập quốc dân giảm 12%; nợ trong nước 800 tỉ Rúp, nợ nước ngoài 65 tỉ USD, tỉ lệ lạm phát ở mức 3 con số (dự tính cả năm 1991 giá trị sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp giảm 8% và 4%, thu nhập quốc dân giảm 15%, xuất hiện tăng trưởng âm), nhiều triệu người thất nghiệp. Bức tranh kinh tế do cải tổ đem lại quá bi thảm.

Bức tranh chính trị cũng không có gì sáng sủa. Sau Đại hội XXVIII ở một số nơi đã có hiện tượng cấm các tổ chức Đảng hoạt động trong các cơ quan Nhà nước. Từ tháng 10/1990, các thế lực chống cộng và dân tộc chủ nghĩa mở cuộc tấn công Đảng Cộng sản, âm mưu gạt Đảng Cộng sản ra khỏi đời sống chính trị bằng các quyết định “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa”, điển hình như ở Bêlarutxia, Grudia. Đặc biệt là ngày 20/7/1991, Enxin (Tổng thống Nga) ra sắc lệnh cấm Đảng Cộng sản hoạt động trong các tổ chức Nhà nước. Nhiều Đảng Cộng sản ở các nước cộng hòa tuyên bố tách khỏi Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhiều cơ sở Đảng ở địa phương phải ngừng hoạt động, đảng viên bị khủng bố. Thực sự Đảng Cộng sản Liên Xô đứng trước nguy cơ sống còn. Chủ trương cải tổ lúc này là nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn mới theo thể chế tư bản nhưng duy trì Liên bang Xô viết theo một tên mới. Chủ nghĩa xã hội dân chủ thực chất là đại nghị tư sản.

Khủng hoảng cơ cấu Nhà nước tiếp tục lao xuống dốc. Sau Litva, các nước cộng hòa khác như: Latvia, Extônia, Ucraina, Grudia, Cadắcxtan, Ácmênia… lần lượt tuyên bố chủ quyền riêng, thay đổi luật pháp, thành lập lực lượng vũ trang riêng, vô hiệu hóa luật pháp Liên Xô trên lãnh thổ của mình. Sự tồn tại của Liên bang bị đe dọa nghiêm trọng. Trước tình hình đó, ngày 23/11/1990 Xô viết Tối cao công bố “Dự thảo hiệp ước Liên bang mới” và dự định đổi tên “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết” thành “Liên bang các nước Cộng hòa Xô viết có chủ quyền”. Ngày 17/3/1991, Liên Xô tiến hành trưng cầu dân ý về vấn đề trên, nhưng có 6 nước không tham gia (3 nước vùng Ban Tích, Grudia, Mônđôva và Ácmênia). Cuối tháng 4/1991, Tổng thống Liên Xô và lãnh đạo 9 nước Cộng hòa liên bang kí tuyên bố chung về những biện pháp khẩn cấp ổn định tình hình trong nước nhằm khắc phục khủng hoảng và quyết định kí hiệp ước Liên bang mới vào ngày 20/8/1991.

Nhưng vào trung tuần tháng 8/1991, cuộc khủng hoảng trì trệ kéo dài ở Liên Xô đã đến đỉnh điểm và kết quả là xảy ra cuộc “Chính biến 19/8”, thực chất là cuộc đảo chính của “phái tả” chống lại “phái dân chủ”. Ngày 18/8/1991, Goócbachốp đang nghỉ tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam Liên Xô. Chiều hôm đó, tại biệt thự nhà nghỉ của Tổng thống có mấy vị khách không mời mà đến. Đó là Pêrhanốp, Cục trưởng Cục Bảo vệ, Phunkin, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống và Valenlicốp, Tổng Tư lệnh lục quân, yêu cầu Goócbachốp từ chức.

6 giờ sáng hôm sau (19/8) Phó Tổng thống Liên Xô G. Đanaép tuyên bố do tình trạng sức khỏe, Goócbachốp không đảm nhiệm chức Tổng thống nữa. Theo luật pháp, Phó Tổng thống sẽ đảm nhận chức trách Tổng thống. Mấy phút sau, Đài phát thanh tin: Đanaép công bố tuyên bố của Ban lãnh đạo Liên Xô danh sách ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, gồm 8 người và tuyên bố cả nước Liên Xô ở trong tình trạng khẩn cấp.

Trưa ngày 19/8, Tổng thống Nga B. Enxin họp báo tuyên bố Phó Tổng thống Đanaép làm đảo chính phi pháp và kêu gọi bãi công vô thời hạn. Quần chúng ủng hộ Enxin ngăn chặn xe tăng, xe bọc thép tiến vào thành phố. Enxin tuyên bố giữ chức Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang trong thời gian Goócbachốp vắng mặt. Các nước cộng hòa tẩy chay mệnh lệnh giới nghiêm.

Như vậy, cuộc đảo chính ngày 19/8/1991 lại tiếp tục đẩy Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng một cách trầm trọng.

Ngày 21/8, tất cả các thành viên Ủy ban khẩn cấp bỏ trốn đi ra sân bay Vuncôvô. Enxin ra lệnh phong tỏa sân bay, 8 thành viên ủy ban khẩn cấp bị bắt. 9 giờ tối ngày 21/8, Goócbachốp được trả tự do. Ngày 22/8, Enxin giải tán các Đảng bộ Đảng Cộng sản trong các lực lượng vũ trang đóng trên lãnh thổ Liên Xô.

Ngày 23/8, Goócbachốp bãi miễn toàn bộ nội các. Ngày 24/8, từ chức Tổng Bí thư và giải tán Ban Chấp hành Trung ương. Báo chí của Đảng Cộng sản bị cấm. Tổ chức Đảng trong quân đội bị coi là phi pháp. Văn phòng Trung ương Đảng bị niêm phong. Lá cờ trên nóc Văn phòng Trung ương Đảng bị đám người chống cộng giẫm đạp dưới đất và kéo lên lá cờ xanh, trắng, đỏ - cờ của nước Nga dân chủ do Enxin cầm đầu.

Cuộc đảo chính không thành, gây hậu ra quả cực kì nghiêm trọng. Quyền lực Trung ương Liên bang đã chuyển hẳn sang phái dân chủ. Ngày 24/8, Goócbachốp tuyên bố Đảng tự giải tán và từ chức Tổng Bí thư. Ngày 6/11, Tổng thống Nga Enxin ra sắc lệnh thủ tiêu bộ máy của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Nga trên lãnh thổ Nga. Một làn sóng chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội được dấy lên ồ ạt khắp cả nước.

Sau cuộc đảo chính, Liên bang Xô viết – nhà nước liên minh của nhiều quốc gia dân tộc trước đây – đã đứng trên bờ vực của sự sụp đổ hoàn toàn. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, tất cả các nước cộng hòa (trừ Nga và Cadắcxtan) đều tuyên bố độc lập.

Ngày 6/9/1991, Quốc hội bãi bỏ Hiệp ước Liên bang năm 1922, trao quyền hành cho các cơ quan lâm thời. Hiệp ước Liên bang dự định kí vào ngày 20/8 không thực hiện được. Cho tới ngày 14/11/1991 có 8 nước cộng hòa thương lượng kí Hiệp ước Liên bang mới, gọi là “Liên bang các quốc gia có chủ quyền” theo kiểu hợp bang với quan hệ còn lỏng lẻo, rời rạc hơn so với hiệp ước liên bang dự kiến trước đây. Đến ngày 25/11/1991, các nhà lãnh đạo 7 nước cộng hòa từ chối không kí Hiệp ước Liên bang mới mà trước đây họ đã soạn thảo.

Nhưng ngày 7/12/1991, nguyên thủ của Ucraina, Nga, Bêlarutxia đã đàm phán bí mật và ra tuyên bố chung: Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết chấm dứt tồn tại. Cuối cùng, ngày 8/12/1991, họ kí hiệp ước quyết định thành lập một hình thức liên minh mới gọi là Cộng đồng các quốc gia độc lập (viết tắt và phiên âm tiếng Nga là SNG). Tám nước – Udơbêkixtan, Cadắcxtan, Adécbaigian, Ácmênia, Mônđôva, Tátgixtan, Cưrơgưxtan, Tuốcmênixtan tuyên bố tham gia SNG.


Ngày 21/12/1991, tại thủ đô Anma Ata (Cadắcxtan), 11 nước cộng hòa chính thức kí kết Hiệp định về giải tán Liên bang Xô viết và chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập. Trong buổi tối giá lạnh ngày 25/12/1991, Tổng thống Liên Xô Goócbachốp tuyên bố từ chức, lá cờ đỏ búa liềm - Quốc kì của Liên Xô trên nóc tròn điện Cremli đã bị hạ xuống.

Tới 31/12/1991, tất cả các định chế chính thức của Liên Xô đã dừng hoạt động.

Như vậy, cải tổ thất bại và chấm dứt. Cùng với sự thất bại của cải tổ là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự tan vỡ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết sau 74 năm tồn tại.

(Sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top