• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Công cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền thời Bắc Thuộc

Trang Dimple

New member
Xu
38
Công cuộc đấu tranh giành lại độc lập và bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền thời Bắc Thuộc

Kể từ cuộc kháng chiến chống Triệu Đà xâm lược bị thất bại đến cuộc khởi nghĩa thành công của Khúc Thừa Dụ (179 tr.CN- 905), đất nước ta bị các triều đại phương Bắc kế tiếp nhau xâm lược và đô hộ. Hơn một nghìn năm Bắc thuộc đã có biết bao đau thương, tủi nhục mà nhân dân ta phải chịu đựng. Kẻ đô hộ đâu chỉ dừng lại ở vơ vét, cướp bóc, mà còn rắp tâm xoá bỏ độc lập, chủ quyền của nhân dân đất nước ta, ráo riết thực hiện chính sách thâm hiểm và trắng trợn đồng hoá nhằm Hán hoá Việt tộc. Những gì là cơ sở tồn tại, là sức mạnh tinh thần để phục hồi quốc gia, quốc thể từ lãnh thổ, tiếng nói, phong tục tập quán, lối sống, ý thức tư tưởng của dân tộc ta đều bị chúng dùng trăm phương nghìn kế để huỷ diệt.

Nhưng, đâu chỉ có Bắc thuộc, liên tục hơn một thiên niên kỷ, nhân dân ta đã liên tục vùng lên đấu tranh vũ trang giành lại độc lập. Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc còn diễn ra liên tục trên mặt trận văn hóa tư tưởng để bảo tồn và phát triển những tinh hoa, giá trị của nền văn hóa cổ truyền. Cuộc đấu tranh quyết liệt, lâu dài giữa xâm lược, đô hộ, đồng hóa với chống xâm lược, chống đô hộ và chống đồng hóa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của nhân dân ta trong suốt tiến trình lịch sử Bắc thuộc.

Các cuộc đấu tranh vũ trang giành lại độc lập

1. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
hai_ba_trung_tien_quan_500.jpg


Dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán, nhân dân Âu Lạc càng bị áp bức bóc lột nặng nề hơn thời Triệu và Tây Hán. Năm 34, Tô Định thay Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ càng tàn bạo, tham lam hơn. Y cùng bọn tay chân ra sức đốc thúc nhân dân nộp cống, thuế, thẳng tay trừng trị những người có tư tưởng và hành vi chống lại chính quyền đô hộ, chèn ép và ràng buộc các quan lại bản địa. Do đó, mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Giao Chỉ với Tô Định và chính quyền đô hộ càng ngày thêm sâu sắc. Không những ở Giao Chỉ mà các quận Cửu Chân và Nhật Nam đều có mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán. Nhiều cuộc đấu tranh lẻ tẻ đã diễn ra ở Kinh Môn (Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh), Duyên Hà (Thái Bình), Bắc Giang v.v... do các quý tộc bản địa lãnh đạo. Tất cả những cuộc nổi dậy đó đều bị Tô Định và chính quyền đô hộ đàn áp tàn bạo. Mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ đã lên tới cực điểm. Đó là thời cơ để Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) hô hào nhân dân vùng lên khởi nghĩa vũ trang.

Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, con lạc tướng huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), thuộc dòng dõi “họ Hùng”. Mẹ hai bà là bà Man Thiện (tức Trần Thị Đoan) thuộc dòng dõi quý tộc bản địa có ý thức bất khuất và tự chủ. Theo sự ghi chép của sử sách nhà Hán thì Trưng Trắc là người “rất hùng dũng” “có can đảm, dũng lược”. Bà vừa có sức khoẻ vừa có chí lớn. Chồng bà là Thi Sách, con trai của lạc tướng Chu Diên (Hà Tây). Mối quan hệ thông gia gắn bó giữa hai gia đình quý tộc càng làm tăng thêm uy thế của Hai Bà Trưng và càng khiến Tô Định theo dõi, chú ý hơn.
Mặc dù vậy, với sự giúp đỡ và cổ vũ của bà Man Thiện, lại được sự ủng hộ của nhiều quan lang, phụ đạo và nhân dân quanh vùng, Trưng Trắc cùng em gái đã hô hào nhân dân vùng lên khởi nghĩa.

Đầu năm 40, cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Hát Môn (cửa sông Hát, huyện Phúc Thọ, Hà Tây). Khi cờ nghĩa phất lên, liền được đông đảo nhân dân khắp nơi nhiệt liệt hưởng ứng. “Trưng Trắc, Trưng Nhị hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và 65 thành trì ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng”.
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Rất nhiều phụ nữ đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa và trở thành những tướng soái của Hai Bà như nữ tướng Lê Chân, Vũ Thục Nương, Thiều Hoa, Diệu Tiên, Man Thiện, Đào Kỳ v.v... Hai Bà còn liên lạc và phối hợp với các cuộc đấu tranh vũ trang ở các địa phương khác đang hoạt động độc lập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân lớn mạnh nhanh chóng. Cả nước đã đứng lên theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Hai Bà chỉ huy nghĩa quân ồ ạt tiến về vây hãm quận lỵ Giao Chỉ. Tô Định hoảng hốt bỏ thành trì tháo chạy về nước. Cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Cả bốn quận được giải phóng. Chính quyền đô hộ bị lật đổ. Nền độc lập, tự chủ của đất nước, dân tộc được khôi phục sau hơn 150 năm bị nô lệ.

Được các lạc tướng, tầng lớp quý tộc và nhân dân cả nước ủng hộ và suy tôn, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã xưng Vương (Trưng nữ Vương) bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền tự chủ, lấy Mê Linh làm Kinh đô của cả nước, phong chức tước cho những người có công lao lớn trong sự nghiệp giành lại độc lập. Bà Trần Thị Đoan được phong làm Man Hoàng hậu, nữ tướng Lê Chân được phong làm Thánh thiên Công chúa, nữ tướng Thiều Hoa làm Phụ Vương Công chúa Đông quân tướng quân, nữ tướng Ngọc Lâm làm Thánh Chân Công chúa, nữ tướng Vũ Thục Nương làm Bát nàn Công chúa v.v...

Tổ chức chính quyền tự chủ của Hai Bà Trưng còn rất sơ sài. Chúng ta chưa tìm thấy tài liệu mô tả về tổ chức và hoạt động của nhà nước tự chủ thời Hai Bà Trưng. Nhưng điều có thể khẳng định đó là một nhà nước độc lập, tự chủ của nhân dân ta.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Chính quyền mới do Trưng Vương đứng đầu đã xá thuế 2 năm liền cho nhân dân hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân. Nhân dân Âu Lạc được sống trong một đất nước độc lập, tự chủ trong gần 2 năm.
Mùa hè năm 42, Vua nhà Hán phong Mã Viện làm Phúc Ba tướng quân chỉ huy đạo quân kéo sang xâm lược nước ta. Bấy giờ Mã Viện đã 58 tuổi, là một lão tướng có nhiều chiến công và kinh nghiệm đàn áp phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc Tạng- Miến và nông dân ở An Huy (Trung Quốc). Cùng với Mã Viện còn có Phiêu kị tướng quân Đoàn Chí được phong làm Lâu thuyền tướng quân chỉ huy đạo binh thuyền sang Giao Chỉ. Lưu Long vốn làm thái thú Nam quận (Hồ Bắc) được phong làm Trung lang tướng quân tước hầu làm phó tướng cho Mã Viện, Binh lạc hầu Hàn Vũ. Quân xâm lược nhà Hán kéo vào xâm lược nước ta lần này vào khoảng hai vạn bao gồm 8000 lính tuyển từ các quận Trường Sa, Quế Dương, Linh Lang, 12.000 lính lấy ở các quận thuộc bộ Giao Chỉ, 2000 thuyền bè với một đạo thuỷ quân. Đạo quân xâm lược này toàn người Hoa Nam (Trung Quốc) nên rất dễ thích nghi với thuỷ thổ nước ta với những viên tướng tàn ác, giàu kinh nghiệm chiến đấu.

Quân Mã Viện chia thành hai đạo: một đạo quân bộ do Mã Viện trực tiếp chỉ huy vượt qua Quảng Tây, Quảng Đông đến Hợp Phố tiến vào Âu Lạc. Đạo thuỷ quân do Đoàn Chí chỉ huy theo đường biển đến Hợp Phố để hội quân với đạo quân bộ của Mã Viện để cùng tiến vào Âu Lạc. Đến Hợp Phố, Đoàn Chí chết. Viện thống suất cả 2 đạo thuỷ, bộ. Quân Mã Viện theo hai đường thuỷ, bộ kéo vào Âu Lạc. Từ vùng ven biển nước ta, hai đạo quân thuỷ bộ ngược sông Bạch Đằng tới Lục Đầu Giang tiến sâu vào Giao Chỉ, đến thẳng Lãng Bạc (Tiên Du, Bắc Ninh). Mùa hạ năm 43, quân giặc ráo riết chuẩn bị tấn công vào quân đội của Hai Bà Trưng.

Sau một thời gian chờ đợi, chưa thấy Mã Viện tiến quân, Hai Bà Trưng chủ động kéo quân tấn công giặc. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra ở vùng Lãng Bạc. Quân của Hai Bà Trưng chiến đấu kiên cường nhưng do quân giặc mạnh và đông, có lực lượng thuỷ bộ phối hợp với nhau, có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, quân Hai Bà Trưng thiếu trang bị và thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên bị thất bại nặng nề, nhiều người bị hy sinh hoặc bị bắt. Hai Bà phải lui quân về Mê Linh rồi về Cấm Khê (vùng chân núi Ba Vì). Mã Viện tấn công vào Cấm Khê; quân của Hai Bà Trưng bị đánh bại, Hai Bà chạy đến sông Hát (sông Đáy) thì nhảy xuống sông tự tử, một số tướng lĩnh noi theo gương Hai Bà Trưng cũng tự tử.
Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo
Chị em thất thế cũng liều với sông.

Sau khi đánh bại được quân chủ lực của Hai Bà Trưng, Mã Viện còn phải vất vả và khó khăn trong việc tiêu diệt nhiều đội quân kháng chiến ở rải rác các quận, huyện, mãi tới cuối năm 43 mới cơ bản hoàn thành sau khi tiêu diệt được một bộ phận nghĩa quân Trưng Vương do lão tướng Đô Dương chỉ huy hoạt động ở quận Cửu Chân. Cuộc xâm lược của Mã Viện đã tàn sát hàng vạn nhân dân Lạc Việt. Nhiều quý tộc bản địa bị giết, bị bắt đày sang Trung Quốc (Linh Lăng- Hồ Nam). Chế độ Lạc tướng bị bãi bỏ, nhà Hán thực hiện chế độ trực trị tới cấp huyện.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng bị thất bại, đất nước ta lại rơi vào ách đô hộ của phong kiến Hán tộc, nhưng nó đã có một ý nghĩa thời đại to lớn, định hướng, mở đường cho công cuộc giành lại độc lập của nhân dân ta sau đó, trong suốt hơn một nghìn năm bị đô hộ. Đó là ý chí kiên quyết đấu tranh bằng mọi giá để giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước và dân tộc.
Chính vì lẽ đó, sau thất bại của Trưng nữ Vương, đã có nhiều cuộc nổi dậy chống lại nền đô hộ của phong kiến phương Bắc tiếp theo nổ ra khắp nơi.


2. Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Chămpa

Nhân dân Chămpa sống chủ yếu ở huyện Tượng Lâm. Năm 111 tr.CN, nhà Hán thay thế nhà Triệu thống trị Âu Lạc. Ngoài hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân, nhà Hán lập thêm một quận mới- quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam thuộc phạm vi địa giới từ Hoành Sơn đến Quảng Nam, Quảng Ngãi. Quận này có 5 huyện: Tây Quyền, Chu Ngô, Tỷ Cảnh, Lô Dung, Tượng Lâm. Huyện Tượng Lâm bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay.

Dưới ách đô hộ tàn bạo của các triều đại phương Bắc, nhân dân Chămpa cũng như nhân dân Âu Lạc đều bị áp bức, bóc lột của phong kiến phương Bắc, nên đều có mâu thuẫn sâu sắc với chính quyền đô hộ. Nhân dân hai nước lại có mối quan hệ gần gũi, gắn bó với nhau trong lao động, đấu tranh. Nhân dân Chămpa đã nhiều lần nổi dậy chống chính quyền đô hộ phương Bắc và cũng đã nhiều lần phối hợp cùng nhân dân Âu Lạc đấu tranh. Đầu công nguyên, nhân dân Nhật Nam đã hưởng ứng mạnh mẽ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Khi chính quyền tự chủ của Hai Bà Trưng bị nhà Hán tiêu diệt, nhân dân Tượng Lâm ở xa, ít bị ràng buộc hơn nên có điều kiện tiếp tục cuộc đấu tranh. Năm 100, hơn 3000 nhân dân Tượng Lâm nổi dậy đốt phá dinh thự của bọn quan lại đô hộ. Năm 137, hàng ngàn người nổi dậy ở Tượng Lâm đốt phá công sở, giết bọn trưởng lại. Thứ sử Giao Chỉ phải huy động hơn một vạn quân đi đàn áp, nhưng binh lính người Việt đã quay lại chống chính quyền đô hộ, bao vây phủ lị. Thứ sử Giao Chỉ phải huy động lực lượng quân Hán để đàn áp cuộc nổi dậy của binh lính người Việt. Cuộc nổi dậy của binh lính người Việt đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Tượng Lâm phát triển lực lượng, đánh thắng bọn đô hộ. Phàn Diễn, thứ sử Giao Chỉ không có điều kiện huy động lực lượng để đàn áp cuộc đấu tranh của nhân dân Tượng Lâm. Quân Hán ở Tượng Lâm không chống đỡ nổi nghĩa quân, buộc nhà Hán phải cử Chúc Lương sang làm thái thú quận Cửu Chân, Trương Kiều làm thứ sử quận Giao Chỉ. Chúc Lương đã dùng thủ đoạn chiêu dụ, mua chuộc nên cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Đây là cuộc nổi dậy lớn nhất của nhân dân Tượng Lâm, tạo điều kiện thuận lợi và chuẩn bị cho sự ra đời quốc gia Chămpa độc lập vào cuối thời Đông Hán.

- Phong trào đấu tranh liên tục của nhân dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam.
Cùng với cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Tượng Lâm, nhân dân khắp 3 quận đã nổi dậy đấu tranh liên tục.

Năm 137, nhân dân ủng hộ binh lính người Việt chống lại chính quyền đô hộ. Cuộc đấu tranh rất mạnh mẽ, kéo dài, buộc nhà Hán phải điều những tên quan lại xảo quyệt đi đối phó.
Năm 144, hơn 1000 nhân dân Nhật Nam lại nổi dậy đốt phá dinh luỹ của bọn quan lại đô hộ. Nghĩa quân liên kết với nhân dân Cửu Chân đánh phá khắp quận, huyện Cửu Chân, Nhật Nam. Thứ sử Giao Chỉ bấy giờ là Hạ Phương phải tìm mọi thủ đoạn để đàn áp, song phong trào vẫn không bị dập tắt.

Một thời gian sau, do bọn quan lại đô hộ đứng đầu là huyện lệnh Cư Phong (Cửu Chân) tham lam, tàn bạo, bóc lột tàn tệ nhân dân, mọi người rất căm phẫn. Nhân cơ hội đó, năm 157, Chu Đạt kêu gọi nhân dân đứng dậy, cùng với quân sĩ đánh giết huyện lệnh. Lực lượng nghĩa quân lên đến 4-5 nghìn người. Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức đem quân đi đàn áp, bị giết chết tại trận. Cuộc đấu tranh kéo dài, nhà Hán phải cử Nguỵ Lăng làm Đô uý Cửu Chân dùng kế dụ dỗ và đàn áp mới dẹp tan được.

Năm 170, nhân dân vùng biên giới Việt-Trung nổi dậy chống lại bọn quan lại đô hộ, thứ sử Giao Chỉ là Chu Ngung không đàn áp nổi.
Năm 178, Lương Long kêu gọi nhân dân các quận Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam nổi dậy, lực lượng nghĩa quân đông đến mấy vạn người. Nghĩa quân lại liên kết được với thái thú Nam Hải là Khổng Chi chống lại nhà Hán nên thanh thế càng mạnh. Thứ sử Chu Ngung phải đóng cửa thành cố thủ, cho người cầu cứu nhà Hán.

Năm 181, nhà Hán sai huyện lệnh Lan Lăng là Chu Tuấn đem quân sang cứu viện. Trong một cuộc giao chiến, thủ lĩnh nghĩa quân là Lương Long tử trận, cuộc khởi nghĩa thất bại.
Sau khi đàn áp được cuộc khởi nghĩa, thứ sử Chu Ngung vẫn tiếp tục chính sách bóc lột tàn bạo như trước. Bởi vậy, quân lính người Việt đã đứng về phía nhân dân, làm binh biến, bắt giết Chu Ngung, nhà Hán phải cử Giả Tông sang làm thứ sử Giao Chỉ.


Cuối thế kỷ II, thứ sử Giao Chỉ là Chu Phù nhũng nhiễu, ức hiếp nhân dân, do đó, họ đã nổi dậy đánh phá châu thành. Năm 190, Chu Phù chống không nổi phải chạy trốn. Bấy giờ nhà Đông Hán đã suy sụp, tình hình Trung Quốc rối loạn, lợi dụng thời cơ, nhân dân huyện Tượng Lâm đã nổi dậy đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đưa đến thắng lợi và thành lập một quốc gia độc lập tồn tại lâu dài mà thời gian đầu thường gọi là nước Lâm Ấp.

Sau khi nhà Đông Hán sụp đổ, nước ta rơi vào ách đô hộ của nhà Ngô. Nhà Ngô ra sức bóc lột, vơ vét nhân dân ba quận, thẳng tay giết hại những người chống đối và đàn áp tàn bạo các cuộc nổi dậy đấu tranh. Để phục vụ cho nhu cầu xây dựng kinh đô mới ở Kiến Nghiệp (Nam Kinh), nhà Ngô đã bắt hàng ngàn thợ thủ công giỏi của Giao Chỉ đưa về Trung Quốc càng làm tăng thêm mâu thuẫn giữa nhân dân ba quận với chính quyền đô hộ. Trong bối cảnh đó, một cuộc khởi nghĩa tiêu biểu ở Cửu Chân đã bùng nổ vào năm 248 dưới sự lãnh đạo của một phụ nữ là Triệu Thị Trinh.

3. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (248)
cly_bi_chong_lng_500.jpg


Bà Triệu quê ở huyện Nông Cống (Thanh Hoá), là người có chí khí, có hoài bão đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho đất nước. Truyền rằng có người hỏi về ý chí của bà, bà đã trả lời bằng một câu nổi tiếng đầy khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Năm 19 tuổi, bà cùng anh là Triệu Quốc Đạt hiệu triệu nhân dân trong vùng nổi dậy.

Nghĩa quân chiến đấu liên tiếp nhiều trận, thế lực ngày càng mạnh, quân số có tới hàng vạn người. Nhà Ngô lo sợ, phải điều động hơn 8000 quân do An nam hiệu uý, thứ sử Giao Châu là Lục Dận chỉ huy sang đàn áp. Triệu Quốc Đạt bị hi sinh trong trận chiến đấu với quân Ngô, Triệu Thị Trinh thay anh chỉ huy nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng trong nhiều trận, nhưng lực lượng bị tiêu diệt dần, liệu thế không chống nổi, bà đã chạy lên núi Tùng Sơn tự vẫn.
Cuộc khởi nghĩa tuy bị thất bại, nhưng đã khẳng định tinh thần yêu nước, bất khuất sáng ngời của nhân dân từ thời Trưng nữ Vương vẫn chưa phai. Nó đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta bấy giờ.
Tùng Sơn nắng quyện mây trời
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh
(Thơ ca dân gian).
Sau cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, nhân dân ba quận lại liên tiếp nổi dậy khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ, mặc dù đó là triều Ngô, Tấn, Tống, hay Tề, Lương, Đường.


4. Cuộc khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân
chong_luong_545_500.jpg


Năm 502, nhà Tề đổ, nhà Lương thành lập ở Trung Quốc. Năm 505, nhà Lương cử người sang phong Lý Tắc (vốn là quan Trưởng sử trong chính quyền đô hộ của nhà Tề đã giết thứ sử Giao Châu của Tề là Lý Nguyên Khải, chiếm quyền thứ sử) làm thứ sử Giao Châu. Từ đó, nước ta lại bị nhà Lương đô hộ.

Dưới ách thống trị của nhà Lương, nhân dân 3 quận phải chịu hàng trăm thứ thuế, lòng oán hận ngày càng tăng. Nhà Lương còn thực hiện chính sách phân biệt đẳng cấp khắt khe, chế độ sĩ tộc thịnh hành, làm cho mâu thuẫn trong nội bộ quan lại đô hộ cũ và mới ở Giao Châu sâu sắc, nhất là giữa chính quyền đô hộ nhà Lương với tầng lớp quý tộc người Việt. Lòng bất mãn của tầng lớp quý tộc người Việt với chính quyền đô hộ ngày càng lên cao giữa lúc mâu thuẫn giữa nhân dân lao động với bọn đô hộ đã sâu sắc cực điểm. Đó chính là thời cơ chín muồi cho sự bùng nổ cuộc khởi nghĩa Lý Bí vào năm 542.

Lý Bí quê ở huyện Thái Bình quận Giao Chỉ (thuộc Sơn Tây), vốn xuất thân từ một hào trưởng địa phương, đã từng nhận một chức vụ nhỏ trong chính quyền đô hộ, nhưng ông sớm từ quan về quê, nhân lúc lòng dân oán hận chính quyền đô hộ, sẵn có lòng căm ghét chế độ sĩ tộc của nhà Lương, nên đã bí mật chiêu tập nhân dân, luyện tập quân sĩ chờ ngày nổi lên khởi nghĩa.
Cùng quê với Lý Bí có Tinh Thiều, là người có học thức, nhưng không được trọng dụng. Nhà Lương chỉ cho ông giữ chức gác cổng thành Quảng Dương. Tinh Thiều căm giận, bỏ về quê theo Lý Bí chuẩn bị khởi nghĩa. Lý Bí đã liên kết với cha con tù trưởng Chu Diên là Triệu Túc và các tướng Phạm Tu, Triệu Quang Phục.

Năm 542, cuộc khởi nghĩa bùng nổ. Nhân dân và hào kiệt nhiều nơi nổi dậy hưởng ứng, thanh thế nghĩa quân lên nhanh chóng. Sau khi đánh chiếm được các địa phương, nghĩa quân tiến về bao vây Châu thành Long Biên. Quân Lương đại bại, thứ sử Tiêu Tư hoảng sợ bỏ chạy về nước, thành Long Biên được giải phóng.

Cuộc khởi nghĩa diễn ra chỉ trong 3 tháng đã hoàn toàn thắng lợi. Nghĩa quân đã làm chủ đất nước. Nghĩa quân còn đánh bại các đạo quân của các thứ sử Việt Châu là Trần Hầu, thứ sử La Châu là Ninh Cự, thứ sử An Châu là Lý Trí, thứ sử Ái Châu là Nguyễn Hán do nhà Lương phái sang đàn áp. Sau chiến thắng này (tháng 4 năm 542) nghĩa quân Lý Bí kiểm soát cả một vùng rộng lớn gồm vùng Bắc bộ đến Nghệ An, Hà Tĩnh, cả vùng Ái Châu, An Châu (Quảng Ninh).

Mùa xuân năm 543, vua Lương lại sai thứ sử Giao Châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu là Lư Tử Hùng đem quân sang đánh một lần nữa. Để giành thế chủ động tiêu diệt quân giặc, Lý Bí tổ chức một trận tấn công lớn tại Hợp Phố. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, quân Lương 10 phần bị tiêu diệt đến 7,8 phần, bọn sống sót tháo chạy về Quảng Châu. Nghĩa quân toàn thắng, bảo vệ được thành quả của cuộc khởi nghĩa. Lý Bí bắt tay xây dựng chính quyền tự chủ.

Đầu năm 544, Lý Bí tự xưng hoàng đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức (có sách ghi là Đại Đức), xây dựng triều đình, cắt cử quan lại, đặt tên nước là Vạn Xuân. Triệu Túc được phong làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ. Điện Vạn Thọ được xây dựng làm nơi văn võ bá quan triều hội. Định đô ở miền cửa sông Tô Lịch. Sử cũ gọi đây là nhà Tiền Lý. Nhà Tiền Lý còn cho đúc tiền đồng để tiêu dùng trong nước. Đây là tiền đồng đầu tiên của nước ta.

Lý Nam Đế còn phong cho Lý Phục Man làm tướng quân canh phòng, bảo vệ vùng biên ải từ Đỗ Động (Thanh Oai, Hà Tây) đến Đường Lâm (Ba Vì) và tiến hành trấn áp các lực lượng chưa thần phục ở một số địa phương. Lý Nam Đế làm vua đến năm 548 thì qua đời, nhưng từ năm 545 đã phải đương đầu với cuộc xâm lược của nhà Lương.

Tổ chức bộ máy nhà nước của nước Vạn Xuân tuy còn sơ sài, nhưng thực có ý nghĩa lớn lao, đây là một chính quyền tự chủ của một quốc gia độc lập sau 500 năm đấu tranh bền bỉ của nhân dân ta. Nó khẳng định sự trưởng thành của ý thức dân tộc, lòng tự tin vào năng lực quản lý, làm chủ đất nước của tầng lớp quý tộc bản địa, khẳng định nền độc lập, tự chủ của nhân dân ta và phủ nhận quyền đô hộ, thống trị của đế chế phương Bắc đối với đất nước và dân tộc ta. Nó đánh dấu một bước phát triển của phong trào đấu tranh giành lại độc lập của nhân dân ta trong thời Bắc thuộc.

Mùa hè năm 545, nhà Lương sai Dương Phiêu làm thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm tư mã đem quân sang xâm lược nước ta. Được tin, Lý Nam Đế liền đem 3 vạn quân ra trấn giữ Chu Diên. Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt, Lý Bí phải rút quân về giữ cửa sông Tô Lịch và trong một trận đánh với quân Lương, Lý Bí lại phải lui quân về thành Gia Ninh (Bạch Hạc). Được sự phối hợp của quân Dương Phiêu, Trần Bá Tiên đã đánh chiếm được thành. Đầu năm 546 Lý Nam Đế chạy vào vùng Động Lão ở Tân Xương (Phú Thọ) củng cố lực lượng. Sau một thời gian bổ sung quân số, tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế kéo 2 vạn quân ra đóng ở hồ Điển Triệt (thuộc xã Yên Lập, Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Tại đây quân nhà Tiền Lý lại bại trận trước một cuộc tấn công lớn với một lực lượng mạnh của quân Trần Bá Tiên, Lý Nam Đế phải vượt sông Thao, chạy vào động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ) và giao binh quyền lại cho Triệu Quang Phục là một tướng trẻ, có tài năng.

Triệu Quang Phục lui quân về đóng ở đầm Dạ Trạch để cố thủ. Đây là một vùng lầy lội đầy lau sậy, cây cỏ um tùm, ở giữa đầm có một khoảnh đất cao, có thể đóng quân an toàn. Địa thế ở đây rất hiểm trở, không quen địa hình, địa vật không thể tiến vào được. Được nhân dân ủng hộ, quân đội lại quen thuỷ thổ, nên Triệu Quang Phục đã đóng quân tại đây để chờ thời cơ tiêu diệt giặc.
Quân Trần Bá Tiên kéo đến bao vây chật Dạ Trạch, nhưng bất lực không thể nào tiến vào được, buộc phải đóng quân chung quanh. Càng ngày lực lượng quân giặc càng bị tiêu hao bởi quân của Triệu Quang Phục đêm đêm bí mật tiến ra, lương thực ngày càng cạn dần. Trước tình trạng bế tắc đó, năm 550, Trần Bá Tiên quyết định xiết chặt vòng vây, chặn mọi đường tiếp tế của nhân dân cho nghĩa quân. Giữa lúc đó, Trần Bá Tiên được lệnh vua Lương phải trở về Trung Quốc dẹp loạn Hầu Cảnh, giao binh quyền lại cho tì tướng là Dương Sàn. Chớp lấy thời cơ đó, Triệu Quang Phục tập trung toàn bộ quân lực phản kích mãnh liệt vào quân Lương. Dương Sàn là một viên tướng bất tài, quân Lương lại mỏi mệt nên nhanh chóng tan vỡ, bỏ chạy tán loạn. Nhân đà thắng lợi đó, Triệu Quang Phục chỉ huy quân đội kéo về giải phóng Long Biên, xây dựng lại nhà nước Vạn Xuân. Đến năm 571 bị Lý Phật Tử đánh úp, chiếm đoạt toàn bộ quyền hành và đất đai thuộc quyền quản lý của Triệu Quang Phục. Lý Phật Tử cũng tự xưng là Lý Nam Đế nên sử cũ gọi là hậu Lý Nam Đế.

Năm 581, nhà Tuỳ thành lập ở Trung Quốc. Đến năm 589 sau khi diệt được nhà Trần ở Giang Nam, nhà Tuỳ mới rảnh tay nhòm ngó đến đất Giao Châu. Đầu năm 602, vua Tuỳ buộc Lý Phật Tử phải vào chầu và thần phục nhà Tuỳ. Lý Phật Tử đã chống lại, tìm kế hoãn binh để chuẩn bị lực lượng chống lại sự xâm lược của nhà Tuỳ. Đầu năm 603, Vua Tuỳ liền phong Lưu Phương thứ sử Qua Châu làm Giao Châu đạo hành quân tổng quản, Kinh Đức Lượng làm trưởng sự chỉ huy 27 quân doanh (chừng 10 vạn quân) tiến vào xâm lược nước ta.

Lý Phật Tử đã chỉ huy hơn 2000 quân sĩ chiến đấu dũng cảm, nhưng vì quân ít, lực yếu nên bị thất bại. Lý Phật Tử đầu hàng và bị giải về Trường An. Nhiều tướng sĩ tiếp tục cuộc chiến đấu nhưng đã bị thất bại, bị giết hoặc bị bắt đem về Trung Quốc xử tử.
Từ đó, nhân dân ta lại bị nhà Tuỳ đô hộ cho mãi tới năm 618 nhà Tuỳ đổ, nhà Đường lên thay thế, thống trị đất nước ta.


5. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế năm 722)

mai_thuc_loan_500.jpg


Từ nửa cuối thế kỷ VII, dưới sự cai trị hà khắc và tham lam của viên An nam đô hộ Lưu Diên Hựu, nhân dân nhiều nơi đã nổi dậy khởi nghĩa, điển hình là cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Tiên và Đinh Kiến vào năm 687. Đầu thế kỷ VIII, bọn quan lại đô hộ của nhà Đường ra sức hoành hành, cướp ruộng đất, hạch sách nhân dân. Ách lao dịch nặng nề, cống nạp phiền nhiễu. Nhân dân hàng năm còn phải vận chuyển nhiều thức ngon vật lạ nhất là nhãn, vải tươi nộp cho nhà Đường. Nhân dân ta rất căm phẫn, đó là lý do dẫn đến cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Mai Thúc Loan người Thiên Lộc (Hà Tĩnh), sau theo mẹ đến trú ngụ ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) làm nghề đốn củi kiếm sống, rồi ở đợ cho nhà giàu. Ông là một thanh niên có sức khoẻ, nhanh nhẹn, da đen nên sau này nhân dân gọi là Mai Hắc Đế.

Năm 722, Mai Thúc Loan hiệu triệu dân phu nổi dậy khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Nhiều nghĩa sĩ, nhân tài khắp vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh đã kéo về tụ nghĩa dưới cờ của Mai Thúc Loan. Nhiều quân lính thuộc các quốc gia Chămpa, Chân Lạp, Kim Lân cùng với 32 châu quanh vùng đã liên kết với nghĩa quân. Mai Thúc Loan tự xưng là hoàng đế, xây thành trên núi và lấy vùng Sa Nam hiểm yếu làm căn cứ chống giặc.
Nhà Đường được tin đã cử Dương Tư Húc cùng An Nam đô hộ là Quang Sở Khách đem 10 vạn quân tiến sang đàn áp. Nghĩa quân sau nhiều trận chiến đấu đã thất bại, tan rã, chạy vào rừng, Mai Thúc Loan chết ở đó, kết thúc một cuộc khởi nghĩa khá tiêu biểu của nhân dân ta chống lại nhà Đường ở nửa đầu thế kỷ VIII.
Nhân dân quanh vùng thương nhớ và biết ơn Mai Hắc Đế, đã lập đền thờ ông ở núi Vệ.


6. Cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng
phung_hung_500.jpg


Cuối thế kỷ VIII, tình hình Trung Quốc rối loạn, nhà Đường bước vào giai đoạn suy yếu, các tướng tá nhiều nơi nổi dậy cát cứ. Nhân cơ hội đó, bọn đô hộ ở nước ta như Cao Chính Bình ra sức lộng hành, bòn rút của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng, khiến trăm họ oán hận. Trước tình hình đó, Phùng Hưng cùng với người em là Phùng Hải đã hô hào nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Phùng Hưng là một hào trưởng ở Đường Lâm (Ba Vì) có lòng thương dân. Những năm gặp mất mùa đói kém thường đem thóc lúa chẩn cứu bần dân nên được lòng dân. Ông lại có sức khoẻ hơn người. Ban đầu, nghĩa quân đánh chiếm các vùng xung quanh Đường Lâm.

Nhân dân tôn Phùng Hưng làm Đô quân và Phùng Hải làm Đô bảo. Dần dần, nghĩa quân Phùng Hưng chiếm giữ được một vùng rộng lớn quanh Phong Châu và xây dựng nơi này thành căn cứ chống giặc. Quân nhà Đường không đàn áp được. Nghĩa quân tiến về bao vây phủ thành, liên kết với tù trưởng Đỗ Anh Hàn. Cao Chính Bình đem quân ra ngoài thành đánh nghĩa quân bị đại bại, quay vào thành sợ quá phát bệnh ốm chết. Nghĩa quân chiếm được phủ thành. Phùng Hưng tổ chức lại việc cai trị. Được mấy năm, ông qua đời. Nhân dân đã tôn Phùng Hưng làm Bố cái đại vương và lập đền thờ ông ở nhiều nơi để ghi nhớ công ơn. Tướng của Phùng Hưng là Bồ Phá Lặc tôn con ông là Phùng An lên thay.

Mùa thu năm 791, nhà Đường cử Triệu Xương làm đô hộ An Nam, đem quân sang đàn áp. Triệu Xương vừa dùng áp lực quân sự, tổ chức một đội quân mạnh gọi là Nhu viễn quân, vừa dùng thủ đoạn dụ dỗ thuyết phục Phùng An. Cuối năm 791, Phùng An đã đầu hàng. Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng thắng lợi, nghĩa quân và nhân dân ta làm chủ đất nước được mấy năm, cuối cùng bị thất bại, nhưng đã có tác dụng cổ vũ lớn lao đối với phong trào đấu tranh giành lại nền độc lập của nhân dân ta.

7. Cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ năm 905.

Từ thế kỷ IX, đế chế Đường suy sụp nhanh chóng. Ở Trung Quốc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi và cuối cùng kết lại trong cuộc khởi nghĩa rộng lớn do Hoàng Sào lãnh đạo. Với chủ trương hợp với lòng dân: lấy của nhà giàu cấp phát cho dân nghèo, nên số người đi theo nghĩa quân ngày càng đông lên tới 60 vạn. Năm 880, nghĩa quân bao vây thành Lạc Dương. Kinh đô của nhà Đường bị rơi vào tay nghĩa quân. Vua tôi nhà Đường phải chạy trốn. Chiếm được kinh đô, Hoàng Sào từ lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân đã tự xưng hoàng đế, phong chức cho các tướng tá và chuẩn bị việc phòng thủ. Trước tình hình sụp đổ của đế chế Đường, bọn lãnh chúa phiên trấn và người Hồ theo lời cầu cứu của vua Đường đã hợp lực kéo về Lạc Dương tấn công vào nghĩa quân. Cuộc nội chiến diễn ra quyết liệt. Bọn lãnh chúa phong kiến câu kết với binh lính nước ngoài thẳng tay tàn sát nghĩa quân và nhân dân. Nghĩa quân Hoàng Sào mặc dù chiến đấu anh dũng nhưng vì thiếu tổ chức nên không địch nổi được lực lượng có tổ chức của các lãnh chúa và quân đội nước ngoài. Hoàng Sào thất thế phải tự tử. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu nhưng ảnh hưởng của nó rất to lớn, đã góp phần dẫn đến sự sụp đổ của nhà Đường.

Cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ đã bùng nổ và thắng lợi nhanh chóng trong bối cảnh đó.
Khúc Thừa Dụ tính khoan hoà, có lòng thương người, có chí lớn. Ông xuất thân từ một vọng tộc ở Hồng Châu (Ninh Giang, Hải Dương), bản thân là một hào trưởng. Đầu thế kỷ X, chính quyền đô hộ ở nước ta suy yếu, nhân dân nổi dậy ở nhiều nơi. Tiết độ sứ An Nam là Chu Toàn Dục bất lực, không đàn áp nổi. Đầu năm 905, nhà Đường cử Độc Cô Tổn sang thay. Độc Cô Tổn vốn là tể tướng thời Đường Chiêu Tông, vì phạm tội bị bãi chức phải sang thay Chu Toàn Dục. Tổn nổi tiếng là một viên quan tàn ác mà bất lực, nên chưa đầy hai tháng sau đã bị cách chức rút về và bị đày ra Hải Nam. Chớp lấy thời cơ, Khúc Thừa Dụ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành lấy chính quyền, tiến quân ra phủ thành Tống Bình (Hà Nội). Năm 906, nhà Đường buộc phải công nhận chính quyền của Khúc Thừa Dụ và phong ông làm Tĩnh hải tiết độ sứ đồng bình chương sự.
Tuy vẫn nhận danh hiệu một chức quan của nhà Đường, nhưng trong thực tế và về thực chất, chính quyền của Khúc Thừa Dụ là một chính quyền tự chủ, đặt cơ sở cho nền độc lập bền lâu của dân tộc.

Năm 905, đánh dấu sự thắng lợi oanh liệt và vẻ vang của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta liên tục trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc và xây dựng nhà nước độc lập, tự chủ thoát hẳn ách đô hộ lâu dài của các triều đại Trung Quốc. Thành quả hết sức to lớn đó không phải là sản phẩm chỉ của riêng cuộc đấu tranh của thế hệ đương thời, mà là sản phẩm của hàng chục thế kỷ đấu tranh kiên cường, liên tục và toàn diện của nhân dân ta, trong đó có thành quả của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.

Theo Đại cương lịch sử Việt Nam
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top