• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Con đường khởi nghiệp

small star

Moderator
Xu
94
Biết bao tâm huyết bạn đã đổ vào 1 cuộc khởi nghiệp thì sẽ "xót xa" gấp 10 lần khi đứa con của mình bị khai tử. Và bạn đã bao giờ ngẫm ngĩ vì đâu ra "nông nổi" đó. Phải chăng bạn đã thiếu 1 kế hoạch kinh doanh bài bản. Thật vậy, để đạt hiệu quả cao, doanh nghiệp cần xác định đúng lĩnh vực kinh doanh, khách hàng mục tiêu và chiến lược thị trường.

conduongkhoinghiep.jpg


Khi xây dựng được kế hoạch kinh doanh bài bản, bạn sẽ có sự chuẩn bi hơn và sẽ biết được liệu ý tưởng kinh doanh của bạn có khả thi hay không. Cần lưu ý, bạn không nên đi đường tắt, trừ phi bạn là người dày dạn kinh nghiệm và có đủ kiến thức về lĩnh vực bạn muốn kinh doanh.
Kế hoạch kinh doanh của bạn phải giải đáp được các câu hỏi: Lĩnh vực kinh doanh của bạn độc đáo như thế nào? Làm sao sản phẩm/dịch vụ của bạn thu hút được khách hàng? Những khác biệt cơ bản giữa công ty mới của bạn với các đối thủ cạnh tranh? Lý do chính khiến khách hàng muốn làm ăn với công ty bạn là gì?


1. Xác định lĩnh vực kinh doanh và tầm nhìn

Xác định tầm nhìn là điều vô cùng quan trọng. Vì đó sẽ là động lực cho hoạt động kinh doanh của bạn. Sau đây là những câu hỏi giúp bạn xác định được tầm nhìn và lĩnh vực kinh doanh:
- Khách hàng của bạn là ai?
- Lĩnh vực kinh doanh bạn tham gia?
- Sản phẩm/dich vụ mà bạn cung cấp?
- Kế hoạch phát triển của bạn?
- Lợi thế cạnh tranh chú yếu của bạn?


2. Đề ra mục tiêu

Nên viết ra danh sách các mục tiêu, trong đó mô tả ngắn gọn nhưng hành động cụ thể. Về cơ bản, có 2 nhóm: mục tiêu ngán hạn (từ 6-12 tháng) và mục tiêu dài hạn (có thể từ 2-5 năm). Nếu công ty của bạn mới thành lập, bạn phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Vì một công ty mới thường phải trải qua giai đoạn nghiên cứu và phát triển, từ đó mới đưa ra nhưng dự đoán về kết quả có thể đạt được trong dài hạn.
Ghi rõ nhưng điều bạn muốn đạt được, càng cụ thể càng tốt. Hãy bắt đầu từ các mục tiêu cá nhân, sau đó liệt kê các mục tiêu kinh doanh của bạn bằng cách trả lời các câu hỏi: Là chủ doanh nghiệp, bạn muốn đạt được điều gì? Bạn muốn doanh nghiệp của bạn có quy mô như thế nào? Số lượng, chất lượng sản phẩm/dịch vụ và mức độ hài lòng của khách hàng? Lợt thế cạnh tranh chủ yếu của bạn? Sản phẩm/dịch vụ của bạn có thế tạo nên sự thay đổi đối với cuộc sống của khách hàng như thế nào?


3. Hiểu được khách hàng

Không một doanh nghiệp nào có thế đáp ứng nhu cầu của tất cả khách hàng. Vì thế, hãy suy xét kỹ đâu mới là khách hàng mục tiêu của bạn. Để xác định khách hàng mục tiêu, trước hết phải hiểu rõ các vấn đề:
Nhu cầu: Khách hàng tiềm năng của bạn có nhu cầu gì chưa được thỏa mãn? Công ty bạn đáp ứng những nhu cầu đó như thế nào?
Mong muốn: Tìm hiểu những khát vọng, mong ước của khách hàng. Khách hàng mua sản phấm/dịch vụ là để giải quyết một vấn đề nào đó. Vậy sản phẩm/dịch vụ của bạn có thể giải quyết được nhưng vấn đề gì của khách hàng?
Cảm nhận: Nắm bắt những cảm nhận tiêu cực lẫn tích cực của khách hàng về công ty của bạn và sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp. Điều này sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả cao khi quảng bá, tiếp thị hình ảnh công ty.


4. Học từ đối thủ cạnh tranh

Bạn có thể học rất nhiều về việc kinh doanh bằng cách nhìn vào cách kinh doanh của các đối thủ. Trả lời tốt một số câu hỏi sau có thể giúp bạn học hỏi được từ các đối thủ và tập trung vào khách hàng của bạn:
- Bạn biết gì về thị trường mục tiêu của mình?
- Đối thủ của bạn là ai?
- Đối thủ của bạn tiếp cận thị trường như thế nào?
- Đối thủ của bạn có nhưng điểm yếu và điểm mạnh gì?
- Bạn có thể cải thiện, phát triển như thế nào dựa trên cách tiếp cận của đối thủ?


5. Tài chính

Bạn kiếm tiền như thế nào? Lợi nhuận có thể kiếm được là bao nhiêu? Hãy dành thời gian thực hiện các kế hoạch tài chính. Kế hoạch tài chính cũng phải tính cả khoản thời gian thu hồi đối với các khoản phải thu (khách hàng nợ) cũng như thời gian thanh toán đối với các khoản phải trả (nợ nhà cung cấp). Chẳng hạn, bạn phải trả tiền cho nhà cung cấp trong 30 ngày, nhưng phải đợi 45-60 ngày mới nhận được tiền thanh toán từ khách hàng. Một kế hoạch về dòng tiền sẽ cho bạn biết, bạn sẽ cần bao nhiêu vốn lưu động trong suốt thời gian thiếu hụt đó.
Một kế hoạch tài chính phải tập trung vào các yếu tố:
- Đầu tư ban đầu.
- Giả định: Những nhận định của bạn về thị trường, đối thủ, khách hàng, tài chính… Giả định càng chính xác, việc khởi nghiệp kinh doanh càng thuận lợi.
- Chi phí phải trả hằng tháng (có thể sẽ rất cao đối với một số doanh nghiệp)
- Dự báo doanh thu
- Tiền mặt tích lũy được
- Điểm hòa vốn


6. Vạch chiến lược marketing

Xây dựng chiến lược marketing gồm 4 bước:
Xác định thị trường mục tiêu: Xác định khách hàng mục tiêu hoặc thị trường mục tiêu của bạn. Tại hầu hết các công ty, 80% doanh thu đến từ 20% khách hàng của họ. Vì thế, bạn cần tập trung thời gian và nỗ lực vào những khách hàng quan trọng nhất.
Xác định các thị trường mục tiêu tốt nhất: Mục đích của bước này là chỉ rõ hơn nữa và quyết định xem khách hàng nào có ảnh hưởng lớn nhất đến thành công của công ty và hướng các hoạt động marketing tập trung vào những khách hàng mục tiêu này.
Xác định các công cụ, chiến lược và phương pháp: Marketing chính là quá trình tìm kiếm, giao tiếp và nâng cao nhận thức của thị trường mục tiêu về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Hãy thực hiện kết hợp nhưng công cụ và chiến lược marketing nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh công ty.
Kiểm tra các công cụ và chiến lược marketing: Những giả định mà chúng ta không kiểm tra lại thường là những cái có khả năng gây ra nhưng rắc rối trong kinh doanh nhiều nhất. Hãy dành thời gian để kiểm tra tất cả nhưng giả định, đặc biệt khi bạn phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn.
Công việc kinh doanh của bạn sẽ có ít khả năng thất bại hơn nếu bạn có thể dự đoán trước kết quả. Kế hoạch kinh doanh của bạn phải chỉ ra được những mục tiêu thực tế. Tất cả nhũng điều đã đề cập ở trên không phải là những điều duy nhất bạn cần biết khi muốn khởi nghiệp. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia nếu bạn không chắc chắn về điều bạn đang làm.
https://www.diendanquantri.com/
Theo Doanhnhan360
 
Khởi nghiệp một mình hay với nhóm tốt hơn?

Lúc bắt đầu khởi nghiệp, nhiều người băn khoăn trước câu hỏi. Làm một mình tốt hơn hay làm với một nhóm người tốt hơn. Bài viết này xin gửi đến các bạn một số điều lợi và bất lợi khi bạn khởi nghiệp một mình và khởi nghiệp với nhóm bạn cùng chí hướng.


Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu khởi nghiệp càng tăng cao vì lợi nhuận đem lại cao hơn thu nhập kỳ vọng, mặt khác nền kinh tế phát triển cũng phát sinh thêm các nhu cầu mới cần được đáp ứng. Hai quan điểm này sẽ thúc đẩy một bộ phận người không đi làm thuê mà tự đứng ra kinh doanh để tạo ra lợi nhuận trên vốn đầu tư.

ceovietnam.jpg




Kinh doanh có trăm loại kinh doanh từ sản xuất, thương mại, dịch vụ, từ những việc lớn như đóng tàu, xây nhà đến những việc nhỏ như quét dọn, trông trẻ. Mọi doanh nhân khi tham gia vào nền kinh tế đều mong muốn một mức lợi nhuận lớn hơn việc họ phải bỏ công sức đi làm thuê cho người khác, đây là xét theo khía cạnh tài chính ngoài ra còn có các khía cạnh khác như tâm lý, sức khỏe, học thức cũng là những động lực thúc đẩy việc khởi nghiệp. Hôm nay bạn đang chỉ là nhân viên nhưng ngày mai bạn đã làm ông chủ, người quản lý cơ ngơi, sự nghiệp của mình, không ai không muốn điều đó.

Như Dr. Vương đã đề cập trong trích đoạn cuốn sách sắp phát hành, và một số các phương tiện truyền thông khác. Khởi nghiệp đang là mốt ở Việt Nam và đặc biệt là trong giới trẻ. Có người thành công, có những thất bại cay đắng. Nhưng quan trọng chúng ta có thể rút ra những bài học cho bản thân và cho những con người đam mê trở thành doanh nhân trong tương lai. Bài viết hôm nay tôi sẽ tập trung vào một chủ đề đang làm đau đầu không ít các bạn trẻ khi khởi nghiệp, đó là nhân sự cho khởi nghiệp, bên cạnh bài viết về vốn cùng chủ đề hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận những trở ngại, khó khăn khi khởi nghiệp hơn là ảo tưởng về vầng hào quang lấp lánh khi thành công.

Một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là gì?

Khi một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là việc anh ta sử dụng vốn và trí não để kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho bản thân. Bản thân những người tự mình đứng ra khởi nghiệp luôn là những người có đam mê và nhiệt huyết. Không chỉ riêng cá nhân tôi và xã hội luôn phải trân trọng những con người này, bao năm bao cấp chúng ta đã có những suy nghĩ sai lầm về kinh doanh và điều đó đã đẩy nước nhà vào khủng hoảng vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau đổi mới, có rất nhiều doanh nghiệp ra đời và đã cho ra đời một thế hệ doanh nhân đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Họ là những con người có tầm nhìn, có những khát vọng và dám đứng ra để đương đầu với những thử thách để xây dựng cho bản thân và đất nước những doanh nghiệp mà ngày nay chúng ta đã nhìn thấy họ dám đương đầu với những thách thức bên ngoài như Trung Nguyên, Kinh Đô, Thái Tuấn , Mai Linh, LiOA, Prime Group…

Chúng ta đáng tự hào và kính trọng họ về những cố gắng, công sức của họ đưa Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Những doanh nhân trên có những thành công có thể xuất phát từ bản thân, có thể xuất phát từ một tập thể. Nhưng liệu đã bao giờ bạn đặt câu hỏi :

"Tự mình kinh doanh tốt hơn hay kinh doanh với một nhóm người tốt hơn?"

Để giúp những doanh nhân thể hệ trẻ có thể chuẩn bị hành trang khi khởi nghiệp chúng ta phải biết chúng ta sẽ làm gì? làm như thế nào? liệu có thể làm được không?

Cá nhân kinh doanh

Chúng ta sẽ bắt đầu nói về việc tự bản thân đứng ra kinh doanh. Một cá nhân khi đứng ra kinh doanh có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau :

- Kinh doanh cá thể (Hộ gia đình)

- Doanh nghiệp tư nhân

Đây là sự phân chia mà khi ngồi trên giảng đường ai cũng đã biết khi học về các thành phần kinh tế. Kinh doanh cá thể có thể đem lại cho ông chủ toàn bộ lợi nhuận trên vốn bỏ ra, người làm chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định vận mệnh của doanh nghiệp mình. Cá nhân kinh doanh sẽ giúp cho bản thân họ không phải đi làm thuê cho người khác mà đi làm thuê cho chính mình. Tự họ bỏ tiền, tự họ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp thuộc dạng này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng kinh doanh tự phát, số vốn cũng không lớn vì khó có thể huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài.


Khởi nghiệp theo hình thức kinh doanh một mình có những điểm lợi và cũng có những điểm hại do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh, mặt khác vì tự kinh doanh nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ, khi đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ… Các cụ xưa đã có câu " Đơn thương độc mã" để ám chỉ những hình ảnh cô đơn lang thang trên một con đường mà không có ai là bầu bạn. Con đường có thể dài có thể ngắn, chàng hiệp sỹ có thể giỏi có thể không, lấy gì đảm bảo cho chàng sẽ an toàn đi được đến đích.

Kinh doanh theo nhóm

Kinh doanh theo nhóm được hiểu là việc hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau góp vốn để kinh doanh. Các loại hình mà chúng ta có thể tìm thấy là các loại hình sau: Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần


Chúng ta khoan hãy bàn về vấn đề góp vốn như thế nào, ai quản lý doanh nghiệp mà hãy tập trung quan tâm tới việc công ty như thế khởi nghiệp có gì thuận lợi và khó khăn. “Buôn có bạn, bán có phường”, việc đứng ra một mình kinh doanh một mình là việc rất mạo hiểm và mang tính rủi ro cao. Thường khi khởi nghiệp người ta thích tìm những bạn bè cùng chí hướng. Những bạn bè này không chỉ là những người góp vốn mà sẽ là những người cùng điều hành công ty. "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao" một người làm việc sẽ vấp phải nhiều vấn đề khó khăn, nhưng nhiều người cùng làm việc sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.


Khởi nghiệp theo nhóm giúp bạn có thể phân tán rủi ro vì có nhiều người tham gia cùng bạn góp vốn, cùng bạn điều hành công ty, mặt khác bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Khởi nghiệp cùng nhóm còn có thể đảm bảo các nguyên tắc quản trị khi các quyết định kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ dựa trên quyết định của tập thể. Ngoài ra làm việc nhóm sẽ đem lại sự sáng tạo trong sản xuất,kinh doanh vì có sự tham gia brainstorming-một phương pháp tư duy theo nhóm -của nhiều người.


Khởi nghiệp luôn là hành trình gian nan, vất vả đầy cam go, nếu có những người bạn đồng hành ở bên cạnh trợ giúp thì con thuyền sẽ đi đúng hướng và mau tới đích hơn là loay hoay một mình giữa biển cả mênh mông. Mặc dù vậy con thuyền nào cũng đòi hỏi thuyền trưởng cũng như doanh nghiệp cần có lãnh đạo. Lúc này chúng ta phải quyết đinh xem ai là người sẽ lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Người lãnh đạo giỏi sẽ là người đi đầu và xây dựng lên nhóm làm việc của mình. Họ có nhiều xu hướng, phong cách khác nhau nhưng họ phải có một điểm chung là điều hành tốt nhóm của mình.


Khởi nghiệp với nhóm có điểm tốt nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra như xung đột về lợi ích khi góp vốn, quản lý doanh nghiệp, chia lợi nhuận, rút vốn… và những xung đột khác trong quyết định của doanh nghiệp.

Bản thân tôi và các bạn của tôi cũng rất đam mê mở một doanh nghiệp khi ra trường kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Chúng tôi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phân chia nhau nghiên cứu một số phần trong doanh nghiệp để tập sự làm các dự án kinh doanh. Tôi là trưởng nhóm nên nghiên cứu bao quát toàn bộ doanh nghiệp và bộ phận marketing. Sau quá trình làm việc với nhau với dự án Café Doanh Nhân, chúng tôi đã thu được cả thành công và thất bại. Thành công lớn nhất mà chúng tôi nhận được là tinh thần làm việc nhóm, sự chia sẻ, sự sáng tạo của tập thể, chỉ với vài tháng hè chúng tôi đã cho ra đời một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh. Trong thời gian làm việc nhóm tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm quản lý, tác phong làm việc,lãnh đạo… và vấn đề tôi thấy khó khăn nhất là sự nhất trí các quyết định của nhóm. Không chỉ bản thân nhóm của tôi mà các doanh nghiệp có hai thành viên trở lên luôn luôn mắc phải sự xung đột này, nhiều doanh nghiệp chỉ vì không giải quyết được các xung đột này đã thất bại ngay từ nội bộ. Cho dù sau này chúng tôi có mở hay không mở doanh nghiệp mà mình mong muốn nhưng câu hỏi lớn nhất mà chúng tôi đặt ra là "Chúng ta chơi với nhau tốt nhưng làm việc với nhau có thật sự hiệu quả?"

Theo saga.
 
10 lời khuyên cho người lần đầu tiên khởi nghiệp

Tôi luôn khuyến khích các doanh nghiệp trẻ gây dựng cơ đồ và có thể cố vấn, giúp đỡ thế hệ kế tiếp chinh phục giấc mơ của họ. Chính những kiến thức được truyền từ thế hệ doanh nhân này sang thế hệ doanh nhân khác sẽ tạo ra cái nhìn sâu sắc, là nền tảng của sự thành công của những doanh nhân khởi nghiệp trong tương lai.

Dưới đây cũng chính là những gì mà tôi đã mong muốn được biết khi thành lập doanh nghiệp đầu tiên của mình.


48_12754792356DRD.jpg


1. Tập trung. Tập trung. Tập Trung

Nhiều doanh nhân nghĩ rằng mình luôn phải nắm bắt mọi cơ hội có được. Tuy thế, nhiều cơ hội kinh doanh cũng thường là con sói trong lốt cừu non. Đừng quan tâm quá nhiều tới những thứ bên lề. Việc ôm đồm quá nhiều sẽ làm sức mạnh của bạn giảm đi, dẫn đến hạn chế cả hiệu quả và năng suất. Tốt nhất là làm được một việc trọn vẹn, hoàn hảo, còn hơn là làm 10 việc một lúc mà việc nào cũng làng nhàng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần phải nhảy sang một dự án khác cũng có nghĩa rằng ý tưởng ban đầu của bạn đang có vấn đề.


2. Biết việc mình làm, làm việc mình biết

Đừng bắt đầu kinh doanh chỉ bởi bạn cảm thấy nó có vẻ hấp dẫn hay có thể đem lại lợi nhuận lớn, mà hãy bắt đầu từ những gì bạn yêu thích. Công việc kinh doanh được gây dựng nên từ chính những điểm mạnh và tài năng của bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn. Kinh doanh tạo ra lợi nhuận cũng quan trọng đấy, nhưng cảm giác vui vẻ, hạnh phúc, thỏa mãn khi nuhững gì mình tâm huyết đang phát triển mạnh mẽ hơn mỗi ngày còn là điều quan trọng hơn. Nếu trái tim bạn không dành cho công việc ấy, chắc chắn bạn sẽ không thể đạt được thành công.


3. Ngắn gọn trong 30 giây hoặc đơn giản là không nói gì cả

Khi có cơ hội gặp gỡ với một nhà đầu tư hay một khách hàng đang tìm hiểu, hãy luôn luôn sẵn sàng để quảng bá về công việc kinh doanh của bạn. Nói rõ những sứ mệnh, dịch vụ và mục đích mà bạn hướng tới một cách rõ ràng, ngắn gọn, súc tích. Hãy chọn cách nói phù hợp với người nghe, hơn là cố gắng nói nhiều hơn, với nhiều người hơn.


4. Biết mình biết gì, biết mình không biết gì, và biết rằng ai biết những điều mình không biết

Chắc chắn trong cuộc sống này chẳng có ai có thể biết hết mọi thứ, nên đừng bao giờ tỏ ra mình là Biết-tuốt. Hãy tập hợp quanh mình những cố vấn, những người sẽ bồi dưỡng bạn thành một lãnh đạo tốt hơn, một doanh nhân thành đạt hơn. Tìm kiếm thành công, kiến thức ở những người mà bạn có chung mối quan tâm cũng như những người nhận thấy có thể nhận được lợi ích khi làm việc với bạn dài hạn.


5. Hành xử như một người mới khởi nghiệp

Hãy tạm gạt những yêu cầu xa xỉ về văn phòng tiện nghi, xe hạng sang hay những khoản chi phí phù phiếm to lớn, trong khi sự sống của công ty bạn vẫn còn phụ thuộc vào ví tiền của bạn. Hãy thực hành và hoàn thiện nghệ thuật tiết kiệm, cẩn trọng với từng đồng, và cũng như uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, hãy uốn tay bảy lần trước khi tiêu bất cứ một khoản nào. Duy trì một chi phí thấp và quản lý dòng tiền của bạn thật hiệu quả.


6. Học từ thực tế

Không một cuốn sách kinh doanh, kế hoạch kinh doanh nào có thể dự đoán chắc chắn được tương lai, hoặc trang bị đầy đủ kiến thức cho bạn để có thể trở thành một doanh nhân thânhf công. Cũng không bao giờ có một kế hoạch hoàn hảo, không có con dường hoàn hảo, không có đường tắt. Tất nhiên, đừng bao giờ nhảy vào giữa một công việc kinh doanh mới mà không có bất kỳ ý niệm nào về nó hay một kế hoạch cụ thể với nó, nhưng cũng đừng mất đến hàng tháng, hàng năm chỉ để ôm cây đợi thỏ. Bạn sẽ dần trở thành doanh nhân thành công chính nhờ va chạm thực tế, quan trọng nhất là bạn phải học hỏi từ những sai lầm và không bao giờ mắc một sai lầm đến lần thứ hai.


7. Sẽ không ai đem tiền cho bạn đâu

Thực thế, khi khởi nghiệp, sẽ không ai đưa không tiền cho bạn đâu. Nếu ngay từ đầu bạn cần một nguồn vốn lớn để bắt đầu đầu tư, kế hoạch của bạn cần phải xem xét lại. Tìm một điểm để bắt đầu thay vì cố chọn điểm kết thúc. Giảm quy mô cũng như các chí phí đắt đỏ. Hãy đơn giản hóa các ý tưởng cho đến khi bạn có thể quản lý nó một cách dễ dàng, tìm cách để kế hoạch hóa mô hình kinh doanh của bạn trên một ngân sách eo hẹp. Nếu bạn muốn tìm kiếm đầu tư, hãy chứng minh được giá trị của mình trước đã. Nếu ý tưởng của bạn thành công một cách hiện hữu, cơ hội huy động vốn từ các nhà đầu tư sẽ được cải thiện đáng kể.


8. Hãy giữ gìn sức khỏe

Không, tôi không phải là mẹ của bạn đâu nhé. Nhưng tôi đảm bảo rằng bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu tự biết chăm sóc cho mình. Công việc kinh doanh cũng chính là một phong cách sống. Nếu cứ làm việc đến kiệt sức, bạn sẽ tự đốt cháy bản thân mình và công việc cũng sẽ kém hiệu quả hơn. Đừng lý do lý trấu gì nữa, hay ăn uống hợp lý, tập thể dục và dành thời gian cho riêng mình.


9. Đừng trở thành nạn nhân của công việc kinh doanh

Lời nói không quan trọng bằng việc làm. Hãy khẳng định giá trị của bạn thông qua những gì bạn có thể đạt được thay vì những lời ba hoa bốc phét. Hãy cho khách hàng và các nhà đầu tư thấy rằng doanh nghiệp của bạn nhiệt tình mà vẫn trang nhã, thân thiện nhưng không vồ vập. Tránh làm mất lòng tin bằng cách tô vẽ những mục tiêu cao xa nhưng không chắc chắn. Tóm lại, hoặc là bạn chắc chắn làm được, hoặc là nên im lặng.


10. Biết rằng lúc nào cần phải dừng lại

Ngược lại với những gì người ta thường nói, người thuyền trưởng sáng suốt không phải là người sẽ ở lại và chìm nghỉm cùng con tàu. Đừng làm những việc ngu ngốc chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình, tỏ ra mình anh hùng mã thượng, vậy nên cũng phải biết lúc nào cần rút chân khỏi vùng bùn. Nếu ý tưởng của bạn đang tỏ ra thất bại ngày một rõ ràng, chứng tỏ bạn đã làm gì đó sai. Hãy xem lại mình có thể làm gì khác. Rút ra bài học từ những thất bại của chính mình sẽ là hành trang tốt hơn cho bạn và cho những công việc kinh doanh sau này. Thất bại là không thể tránh khỏi, nhưng một doanh nhân đích thực là người sẽ trưởng thành từ những nghịch cảnh.


Sưu tầm.
 
5 bài học thú vị về con đường khởi nghiệp

1. Không cần đột phá

Trên thực tế, nhiều doanh nhân đã thành công khi chỉ cần thay đổi một đặc tính rất nhỏ của các sản phẩm, dịch vụ hay mô hình kinh doanh hiện tại. Cinemex là ví dụ điển hình, họ đã rất thành công trong việc đưa hệ thống rạp chiếu phim đa màn hình từ Mỹ về Mexico. Nhà đồng sáng lập ra công ty này cho biết: “Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi dùng nước chanh thay vì bơ để cho vào bỏng ngô”. Chỉ nhờ có vậy, họ đã thay đổi được văn hóa xem phim rạp ở đây, thống trị hoàn toàn thị trường và tạo ra khoản lợi nhuận 300 triệu USD.



2. Không cần rủi ro

Khởi nghiệp thường đi kèm với nguy cơ mất tiền hoặc thất bại. Tuy nhiên, kể cả khi bạn đã có một vị trí với mức lương ổn định, thì vẫn còn nhiều rủi ro khác, như bị sa thải, gặp phải sếp kém cỏi hay chế độ đãi ngộ thấp.
Và một khi đã có quyết định kinh doanh, thì các doanh nhân sẽ cố gắng giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro, một phần bằng cách hình thành các mối quan hệ hợp tác để phân tán rủi ro, đồng thời biến các động thái rủi ro cao trở nên ít nguy cơ hơn để có thời gian học hỏi và thích nghi dần dần.
Mary Gadams, nhà sáng lập RacingThePlanet ở Hong Kong, đã rất thành công trong việc tổ chức các sự kiện thể thao và siêu marathon thương mại. Bà sử dụng các tình nguyện viên, giữ chi phí cố định ở mức thấp, đưa nhiều sự kiện vào cùng một lúc và buộc người tham gia phải trả trước hàng nghìn USD, và đó chính là nguồn dự trữ tiền mặt lớn để bà tổ chức các sự kiện này.

3. Không cần theo đuổi những cơ hội

Cơ hội không phải là thứ có thể theo đuổi được. Thế nhưng phần lớn chúng ta lại cho rằng cơ hội là những chùm quả chín mọng trên giàn đang chờ được hái xuống. Trên thực tế, cơ hội là yếu tố chủ quan, và nó chỉ nảy sinh khi doanh nhân tin tưởng rằng họ đang nắm giữ một khả năng, thông tin hoặc tài sản đặc biệt nào đó.
Công ty tư vấn luật Clutch Group được hình thành từ chính kĩ năng bán hàng xuất sắc của Abhi Shahi. Kĩ năng này có được từ việc bán kinh thánh suốt thời sinh viên của anh. Chính nó đã giúp anh thuyết phục được các lãnh đạo của một số ngành công nghiệp hàng đầu hợp tác và đầu tư vào công ty của mình. Kết quả là ClutchGroup luôn được đánh giá là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý hàng đầu trên thị trường.

Chúng ta càng tránh xa thứ gì đó, thì ta lại càng thấy nó đơn giản. Các nhà khởi nghiệp thực thụ biết rằng khởi nghiệp là một tập hợp các hoạt động và thái độ phức tạp thách thức tất cả những lời giải thích đơn giản. Do vậy, một quan điểm thực tế về khởi nghiệp thực sự là gì sẽ giúp tất cả chúng ta thành công trên lĩnh vực mà ta đã chọn.


Sưu tầm
 
Khởi nghiệp - dấn thân vào thử thách

Hầu hết các công ty không còn tồn tại sau 5 năm hoạt động vì người chủ đó không đủ "lớn". Nếu tôi không kiểm soát được bản thân mình thì tôi cũng không kiểm soát được doanh nghiệp của mình.
Khi đạt đến suy nghĩ "Tôi sẵn sàng đầu tư tiền bạc, tư trang, thời gian dành cho gia đình để có được số vốn ban đầu; tôi luôn hi vọng sẽ đạt được kết quả mong đợi, cho dù nhân viên hay khách hàng ai cũng chực chờ kiếm lợi từ tôi?" Chắc chắn người đó đã sẵn sàng khởi nghiệp.


Có phải khởi nghiệp là thành công?

Con đường khởi nghiệp không dễ và không có khuôn mẫu để mỗi người cứ thế mà theo. Kinh doanh cũng như nhiều nghề nghiệp khác đòi hỏi sự nỗ lực, ý chí, bản lĩnh và kiến thức cần thiết. Mỗi năm, trên thế giới, hàng trăm, hàng ngàn người tự đứng ra khởi nghiệp kinh doanh. Có người thành công và không ít kẻ thất bại. Theo một cuộc nghiên cứu ở Mỹ thì cứ 10 doanh nghiệp sau 5 năm chỉ còn chưa đến 6 tồn tại và sau 10 năm thì 9/10 doanh nghiệp biến mất. Điều đó cho thấy không phải cứ khởi nghiệp là bạn sẽ thành công.

Hoc%20khoi%20nghiep.jpg


Bước vào con đường khởi nghiệp như thế nào?

Có nhiều lý do để bạn bắt tay vào kinh doanh. Bạn có thể có những khả năng, năng khiếu đặc biệt và cảm thấy mình có thể làm được điều gì đó tốt hơn người khác, đặc biệt là ông chủ của bạn. Bạn phát hiện ra những cơ hội kiếm nhiều tiền trong khi những người khác không thấy hoặc có thấy mà bỏ qua. Bạn có ý tưởng mới mẻ, bạn thích xây dựng cái gì đó của riêng bạn và muốn trở thành ông chủ. Hay đơn giản bạn muốn có sự linh hoạt trong công việc và muốn làm việc theo thời gian riêng của bạn và cũng có thể bạn bắt buộc phải khởi nghiệp, nếu không bạn sẽ không tồn tại.

Không nhất thiết phải có bằng cấp hay đạt điểm cao những môn học về kinh doanh hoặc sở hữu nhiều kinh nghiệm chuyên môn để vận hành một doanh nghiệp. Những yếu tố này rất hữu dụng, tuy nhiên chúng không thật sự cần thiết. Tất cả phụ thuộc vào loại hình kinh doanh mà bạn muốn thành lập và bạn quyết định để vận hành nó thế nào. Khởi nghiệp nghĩa là bạn có thể chủ động về những gì bạn chọn để làm. Bạn sẽ nhanh chóng có được những kinh nghiệm trong việc đón nhận nguy cơ, khám phá cơ hội và vượt qua những thách thức.

Bắt đầu từ đâu?

Nếu bạn quyết định làm chủ một doanh nghiệp, bạn cần phát triển ý tưởng. Một ý tưởng có thể đến từ những điều truyền cảm hứng cho bạn. Nếu làm công việc yêu thích, bạn sẽ làm hăng say hơn và sẽ dễ thành công hơn.

Hãy tiến hành nghiên cứu. Tìm hiểu mọi thứ bạn có thể về nền công nghiệp, thị trường, đối thủ, sản phẩm và dịch vụ, nhà phân phối và khách hàng. Bạn cũng nên thu thập thông tin về chi phí, nguồn lực, kỹ năng và thời gian cần thiết để bắt đầu kinh doanh.

Sau khi nghiên cứu những ý tưởng, bạn cần tìm ra phương án khả thi nhất. Cách đơn giản nhất để làm điều này là hãy thực hiện một bảng phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Bạn cũng cần phải lập một kế hoạch kinh doanh, nó sẽ vạch ra đường đi rõ ràng cho bạn. Kế hoạch sẽ bao gồm những mục như tài chính, marketing, con người, cấu trúc, vấn đề pháp lý, thuế, các yêu cầu của nhà nước và địa phương... Ngay sau khi có bản kế hoạch kinh doanh, bạn nên đánh giá lại một lần nữa liệu ý tưởng của bạn có thể thực hiện được. Bạn cần biết nên đầu tư bao nhiêu, khi nào bạn có thể thu lợi nhuận. Dựa trên những đánh giá này, bạn sẽ quyết định mình có nên bắt đầu khởi sự kinh doanh hay không.

Dấn thân vào thử thách

Khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, nghĩa là bạn đang dấn thân vào thử thách, những khó khăn mà bạn thường gặp phải sẽ là: bạn có đủ những tố chất cần thiết của một doanh nhân không? Bạn có huy động đủ nguồn vốn để thành lập công ty và vận hành kinh doanh không? Liệu bạn có thể thu hút được người tài và có đủ thời gian để thực hiện những ý tưởng kinh doanh? Bạn có đủ sự hiểu biết cần thiết về kinh doanh để biến ước mơ thành tiền và công ty do bạn thành lập phát triển thịnh vượng trong tương lai hay không?

Bạn sẽ vượt qua những khó khăn này nếu có niềm tin và lòng dũng cảm. Theo một nghiên cứu, chỉ có một trong số mười người muốn kinh doanh có đủ dũng cảm để bắt đầu và bền bỉ tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Đừng sợ thất bại. Ông bà ta đã từng đúc kết: “Thua keo này, bày keo khác”. Nỗi lo sợ thất bại, lớn hơn bất cứ thứ gì khác đã ngăn ta lại, làm tê liệt mọi hoạt động và sự thất bại sẽ trở nên không thể tránh khỏi.

Những lời cuối

Khởi sự doanh nghiệp nghĩa là phải chấp nhận những công việc khó khăn, thách thức, giờ làm việc kéo dài và những nguy cơ về tài chính. Nhưng nó cũng sẽ đem lại những phần thưởng và kinh nghiệm tuyệt vời nhất cho bạn. Bạn sẽ học những bài học giá trị về cuộc sống, kinh doanh và bản thân mình. Đặc biệt, bạn sẽ có những cái nhìn mới hơn về thế giới.

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” - Con đường khởi nghiệp gập ghềnh và đầy chông gai, chỉ có những tinh thần “dám nghĩ dám làm”, không quản ngại gian khó mới mong tìm đến đích thành công.

MẸO TRƯỚC KHI KHỞI NGHIỆP

  • Hãy gặp một người cố vấn kinh doanh nhiều kinh nghiệm: Người này có thể giúp bạn trong những quyết định chiến lược, gợi ý những nơi bạn cần liên lạc và tạo những cơ hội kinh doanh mới.

  • Học những kỹ năng mới: Hãy tham gia học một khóa kinh doanh ngắn hạn, cao đẳng hay đại học, đọc những quyển sách về kinh doanh để có thể hiểu biết và trở nên thành thạo những kỹ năng trong kinh doanh.

  • Thiết lập các mối quan hệ: Hãy đi ra ngoài và làm quen với giới doanh nghiệp. Mối quan hệ có vai trò rất quan trọng khi bạn muốn tìm nhà cung cấp, dịch vụ, khách hàng và những cơ hội mới.
Sưu tầm
 
Bài học khởi nghiệp

Thêm ba lỗi mà doanh nhân mới khởi nghiệp thường mắc phải: bị những kẻ bi quan làm cho thui chột ý chí, từ chối lắng nghe nhu cầu thực tế của thị trường, và không biết cách giao phó công việc.

“Chẳng có nơi nào chấp nhận anh đâu”, người đàn ông nói với tôi bằng dáng vẻ khinh khỉnh. Ánh mắt của ông là sự trộn lẫn giữa khinh miệt và tội nghiệp, đúng ánh mắt mà mọi người thường ban cho những kẻ hành khất… Dù gì đi nữa, ông ấy cũng là quản lý cấp cao của một doanh nghiệp lớn, chắc chắn có kinh nghiệm nhận biết một ý tưởng kinh doanh có đáng thực hiện hay không. Và ông đã kết luận rằng tôi nên ngừng ngay trước khi bắt đầu.Nhưng, may thay, tôi không dễ nghe lời những kẻ ưa bàn ra. Tôi đã phớt lờ lời khuyên đừng mơ ngủ giữa ban ngày rằng sẽ thành lập công ty tư vấn chuyên về thị trường Trung Quốc và tính phí cao hơn các tập đoàn toàn thế giới như McKinsey và Bain. Năm năm sau, tôi ở vị trí này, điều hành doanh nghiệp có khả năng thắng hợp đồng cạnh tranh với các đối thủ cứng cựa.
Ngày ấy, khi tôi trình bày ý tưởng về doanh nghiệp sắp thành lập, thì không chỉ ông quản lý nói trên, mà rất nhiều người khác đã nói tôi không thể thành công, nên hãy bỏ cuộc. Mọi người nhìn tôi cứ như thể tôi là thằng ngốc ngây ngô đang có những ảo mộng rồ dại. Nhưng, tôi không để bất cứ ai hay bất cứ gì ngăn mình.

Bất cứ doanh nhân nào hẳn cũng nhận nhiều lời chê bai, chỉ trích khi bắt đầu lập nghiệp. Thế nên, doanh nhân sẽ mắc sai lầm lớn nếu để cho những kẻ ưa bàn ra đó làm thui chột ý chí.

Thành lập công ty có nghĩa là sự đột phá, là thay đổi trật tự thế giới, và làm thành công điều mà mọi người nghĩ rằng phi hiện thực. Đâu có ai nói với Steve Jobs rằng ông có thể lèo lái Apple đánh bại Microsoft. Đâu có ai từng khuyên Bill Gates bỏ học Harvard. Có bao nhiêu người thực sự tin rằng Howard Shultz có thể thành lập chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks bán ra ly cà phê đến 4 USD trong khi mọi người có thể mua chỉ 1 USD một ly ở bất cứ góc đường nào.




Đừng bao giờ để những kẻ bi quan và ưa bàn ra ngăn bước đường làm doanh nhân của bạn. Bạn gặp những kẻ như vậy nhiều vô số…

Dĩ nhiên, bạn cũng không thể quá cứng đầu và từ chối nghe lời khuyên từ mọi người. Nhưng đừng bao giờ dễ dàng lung lay bởi những hoài nghi và e ngại. Nếu thành lập doanh nghiệp mà dễ thì ai cũng có thể làm. Hãy để những người ưa bàn ra đó trở thành động lực thúc bạn tiến tới, thành công để chứng minh rằng họ đã sai.

Lỗi thứ hai là nhiều doanh nhân chưa lắng nghe nhu cầu thị trường. Hầu hết doanh nhân tự tin rằng mình có ý tưởng thay đổi thế giới và chỉ cần như vậy là đủ. Không phải vậy. Là doanh nhân thì phải nghĩ đến chuyện kiếm tiền nữa. Phải bảo đảm có người sẵn lòng bỏ tiền ra mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Điều đó đồng nghĩa với việc lắng nghe để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Cụ thể như trường hợp tôi thành lập công ty tư vấn thị trường Trung Quốc này, thì lắng nghe nhu cầu thị trường đồng nghĩa với việc phỏng vấn giám đốc, lãnh đạo của các tập đoàn đang có ý định tấn công vào thị trường Trung Quốc. Họ cần dịch vụ tư vấn gì? Họ đánh giá các công ty tư vấn khác như thế nào? Họ sẵn lòng chi trả bao nhiêu cho dịch vụ đạt chất lượng?
Câu trả lời của họ dẫn dắt các quyết định của tôi. Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khách hàng thể hiện thái độ không hài long vì các công ty tư vấn lớn thường sử dụng chương trình PowerPoint hoặc để những nhân viên phân tích cấp thấp thực hiện công việc, chứ không tư vấn sát hợp và chuyên nghiệp như yêu cầu.

Bên cạnh đó, khách hàng không thích việc các công ty tư vấn lớn thuê đơn vị thứ ba thực hiện khảo sát và nghiên cứu, vì sẽ tạo rắc rối trong việc kiểm soát chất lượng dữ liệu. Thế nên, tôi quyết định không thuê ngoài và tự quảng bá mình với thế mạnh nghiên cứu thị trường và cơ sở dữ liệu tốt.

Ngoài ra, khách hàng cho biết họ đầu tư hàng tỷ USD vào TQ, nên chẳng bận tâm nếu công ty tư vấn tính phí 500.000 USD hay 5 triệu USD. Điều quan trọng là chiến lược tư vấn giúp họ thành công. Cạnh tranh về giá cả là tư tưởng có thể sai lầm, bởi vì chẳng ai cân nhắc giá rẻ hay đắt cho những dự án lớn có thể thay đổi doanh nghiệp.

Sau khi nghiên cứu thị trường, tôi nhận thấy: khách hàng đòi hỏi dịch vụ chất lượng và có sự khác biệt để đem đến thành công. Và vì thế, chẳng cần phải là giá rẻ. Dù bạn là công ty tư vấn, bán cà phê hay phần mềm, thì cũng phải lắng nghe thị trường để quyết định chính sách giá và sản phẩm mình cung cấp sao cho đáp ứng nhu cầu khách hàng.



Sai lầm cuối cùng là các doanh nhân mới khởi nghiệp thường hạn chế giao việc. Hãy biết giới hạn của mình để ủy thác và giao việc càng nhiều càng tốt. Nếu không, thì chẳng thể tiến triển được bao xa.Tôi biết mình có kỹ năng bán hàng, nhưng yếu về kế toán và những lĩnh vực khác. Vậy nên, tôi lập công ty với các thành viên có những kỹ năng và tính cách khác nhau.
Sergei Brin và Larry Page rất thông minh khi rời vị trí CEO của Google, để nhường lại việc điều hành doanh nghiệp cho Eric Schmidt, còn mình thì làm chủ tịch và có thời gian tập trung vào lĩnh vực mình có khả năng.
Đối với công ty tư vấn thì chất lượng dịch vụ không nhất thiết tỷ lệ thuận với quy mô công ty. Tôi biết rằng nếu tìm được hai, ba nhóm dự án giỏi thì doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn ngay từ ngày đầu thành lập. Nhưng, làm thế nào tôi thu hút nhân tài từ tay những tập đoàn lớn như McKinsey và Goldman Sachs? Điều đó khó thật. Tôi chỉ có thể cung cấp môi trường làm việc linh hoạt, nhỏ gọn mà mọi nhân viên có thể gặp quản lý cấp cao hàng ngày.
Thành lập doanh nghiệp là điều khó, nhưng rất lý thú. Để tối đa hóa cơ hội thành công, hãy nhớ thành lập đội ngũ làm việc giỏi, theo dõi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Và quan trọng nhất, đừng bao giờ để những kẻ ưa bàn ra làm thui chột ý chí của mình!

Tác giả SHAUN REIN - dịch THỦY TIÊN
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top