Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Con người văn hóa trong tư tưởng của một số danh nhân dân tộc
So với một số nước có nền văn minh phát triển sớm như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Tây Âu thì Việt Nam không có những học thuyết tư tưởng lớn có vai trò chi phối sự phát triển xã hội như Nho gia, Đạo gia... Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam cũng có những nhà tư tưởng tiêu biểu của mình. Tư tưởng của họ tuy chưa được trình bày một cách hệ thống như những học thuyết lớn nhưng lại chứa đựng không ít những giá trị sâu sắc. Những giá trị đó không những đã là cơ sở cho tư duy dân tộc trong một thời gian dài mà còn có giá trị tích cực nhất định trong thời đại ngày nay. Tiêu biểu phải kể đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trường Tộ ... Các ông sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau vì thế có những quan điểm khác nhau rất cơ bản nhưng có một điểm chung, các ông đều là những người đại biểu cho trí tuệ và tinh thần Việt Nam trong thời đại của mình.
1.Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, sinh năm 1380, là con trai của một đại quan triều Hồ, cháu ngoại của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 20 tuổi ông thi đậu Thái học sinh (Tiến sĩ) triều Hồ, được sung chức Ngự sử đài chánh chưởng. Khi quân Minh xâm lược nước ta, ông đã tham gia phong trào Lam Sơn, phò giúp Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước. Trong thời gian kháng Minh, ông là quân sư của Lê Lợi. Trong thời kỳ đầu của triều Lê, ông giữ chức Nhập nội hành khiển, kiêm Thượng thư bộ Lại và chức Giám nghị Đại phu, kiêm Tri tam quán sự, chức Hàn lâm viện thừa chỉ kiêm Quốc tử giám. Chính hoàn cảnh lịch sử, hoạt động thực tiễn, thiên tài trí tuệ và nhân cách vĩ đại của ông đã làm cho tư tưởng của ông có nhiều giá trị không chỉ đối với đương thời mà còn có ý nghĩa mãi về sau. Sách lịch sử tư tưởng Việt Nam viết: "Tên tuổi của ông sáng chói trên cuốn sử vàng của dân tộc. Có được vị trí đó, không những do cuộc đời, đức độ và ý thức vì dân, vì nước của ông, mà quan trọng hơn là do tư tưởng của ông đã đạt tới tầm cao của thời đại, ông đã khái quát được những vấn đề có tính quy luật của công cuộc cứu nước và dựng nước, chỉ ra được tầm quan trọng của nhận thức lý luận trong hoạt động thực tiễn, từ đó nâng tư duy của dân tộc lên một trình độ mới".
Con người và văn hoá không tách rời nhau
Nguyễn Trãi không bàn đến nguồn gốc con người, mối quan hệ giữa con người với tự nhiên mà chủ yếu bàn đến con người với các mối quan hệ xã hội trên lập trường Nho gia phong kiến. Chính vì thế, con người trong tư tưởng của ông là con người văn hoá, thiên về các giá trị văn hoá tinh thần, lấy đạo đức nhân nghĩa làm nền tảng, đó là con người thuộc tầng lớp trên, nắm quyền cai trị xã hội. Nói cách khác, con người trong tư tưởng Nguyễn Trãi là con người thuộc giai cấp phong kiến thống trị. Vì vậy, trong đó tất yếu có những yếu tố giá trị nhân văn, đồng thời cũng có những yếu tố mang tính hạn chế lịch sử giai cấp.
Từ các di sản của Nguyễn Trãi có thể thấy nhân nghĩa là khái niệm được ông trân trọng nhất, bàn tới nhiều nhất. Đó là cơ sở cho niềm tin, ý nghĩa cuộc sống, là nguồn gốc của sức mạnh chính nghĩa. Theo ông, người cầm quyền, kẻ làm tướng mưu tính việc lớn, gánh trọng trách trước dân phải xuất phát từ nhân nghĩa mà xác định chủ trương đường lối và hành động cho phù hợp. Chỉ có như vậy mới có thể thành công, mang lại hạnh phúc cho dân, tránh tai họa bị thất bại hay huỷ diệt. Tư tưởng nhân nghĩa của ông thể hiện tập trung trong các tác phẩm ông viết trong thời kỳ kháng chiến chống Minh.
Điểm nổi bật trong tư tưởng nhân chính của Nguyễn Trãi thời kỳ này là phải cứu dân. Nguyễn Trãi đã khéo sử dụng những luận điểm trong hệ tư tưởng của bọn xâm lược để chỉ ra sai lầm của chúng và cảm hoá chúng. Trong Đại cáo bình Ngô ông viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Trong thư trả lời Phương Chính, Nguyễn Trãi viết: "Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của". "Phàm mưu việc lớn phải lấy nhân nghĩa làm gốc, công to phải lấy nhân nghĩa làm đầu”, "Đem quân nhân nghĩa đi đánh giặc cốt ở yên dân". Ông căm giận quân giặc vì chúng “thui dân đen trên ngọn lửa hung tàn, hầm con đỏ dưới hố tai ương". Nhưng khi kẻ địch đã ở bước đường cùng, đã đầu hàng thì ông lại không giết chúng để hả giận mà còn tạo điều kiện để chúng được rút về nước một cách dễ dàng. Bởi lẽ, "trả thù báo oán là lẽ thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân". Cũng tương tự như vậy, đối với kẻ lầm đường, lạc lối theo giặc hoặc phạm tội, ông vẫn chủ trương khoan hồng để cứu vớt.
Thái bình lập lại, tư tưởng nhân chính được Nguyễn Trãi sử dụng tập trung vào việc giáo dục tầng lớp quan lại vừa bước ra khỏi chiến tranh. Ông cho rằng trách nhiệm của nhà cầm quyển là phải nuôi dân, chăn dân, huệ dân, làm cho dân nhanh chóng thoát khỏi đau khổ bởi sự áp bức bóc lột của bọn ngoại xâm, bởi sự tàn phá của chiến tranh. Hơn ai hết, ông thấu hiểu nỗi đau khổ của người dân vì chính ông đã từng trải qua nỗi gian nan mà quân thù gây ra. Điều làm ông xúc động nhất là cảnh đói cơm, rách áo của con người. Ông cho rằng việc cấp bách nhất là phải làm sao cho dân không đói, không rách, trên cơ sở đó đưa dân đến với lễ nghĩa, đến với nếp sống có trật tự, kỷ cương.
Tư tưởng của Nguyễn Trãi về con người văn hoá thể hiện tập trung trong quan niệm về đạo làm người. Đạo làm người của ông là đạo Nho, là thuyết cương thường. ông cho cương thường là biểu hiện cao đẹp nhất của con người, là đạo của con người. "Nẻo xưa nay cũng một đường, đây chen chóc nẻo tam cương, đạo này để trong trời đất, nghĩa ấy bền chưng đá vàng" càng trải nghiệm ông càng thấy giá trị của đạo cương thường: " Gẫm hay mùi đạo các chưng ngon, nghìn kiếp dầu ăn vẫn hãy còn. Nhật nguyệt dễ qua bên sáng, cương thường khôn biết tấc son". Ngay cả khi ông bị nhà Lê ngược đãi, phải ở ẩn ở Côn Sơn ông vẫn cho rằng cương thường là cái quý giá nhất, là nguyên tắc sống mà con người không được quên: "Chữ học ngày xưa quên hết dạng, chẳng quên có một chữ cương thường". Theo thuyết cương thường, Nguyễn Trãi cho rằng phẩm chất trung và hiếu là quan trọng nhất. Ông tha thiết với trung hiếu, yêu cầu từ quan đến quân phải thực hiện trung hiếu. Riêng ông, chỉ có một lòng trung hiếu, "mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen", "quân thân" là vị thuốc chữa nhiều bệnh.
Ngoài trung hiếu ra, trong xã hội còn nhiều mối quan hệ khác. Do lợi ích cá nhân, trong xã hội có giai cấp chi phối mà các quan hệ đó của con người trở nên hết sức phức tạp. Ghen ghét, tranh chấp để được phần hơn, lo lót bề trên, chà đạp kẻ dưới là điều tất yếu xảy ra, vì thế con người phải chịu nhiều đau khổ. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Trãi quan niệm một nếp sống có văn hoá cao đẹp theo nguyên lý của Nho gia là lý tưởng. Nhưng làm thế nào để có được một nếp sống văn hóa như vậy lại là cả một vấn đề xem ra còn phức tạp hơn nữa. Nguyễn Trãi đã khẳng định thêm một lần nữa nguyên tắc đạo đức tất đẹp trong truyền thống của dân tộc: Đó là chịu thiệt về mình, nhường cho người khác phần hơn để cầu lấy sự hoà thuận. Bên cạnh những yêu cầu làm hết phận sự, cần mẫn, hết trung, hết hiếu, bỏ thói tham ô, sửa trừ lười biếng, ông còn khẩn thiết yêu cầu sự khiêm nhường, chịu thiệt không bất nghĩa. ông nói: " Ngõ ốc nhường khiêm là mỹ đức, Đôi co ai dễ kém chi ai”. “Khiêm nhường ấy mới miều quân tử, Ai thấy Di, Tề có thửa tranh"?
Điểm đáng chú ý là những đức tính mà Nguyễn Trãi cho rằng phải cần tu dưỡng lúc bấy giờ, theo yêu cầu của xã hội, không phải toàn bộ Ngũ thường Nho gia mà chủ yếu là Nhân, Trí, Dũng. Ông đã ít nhiều thoát khỏi những ràng buộc nặng nề, kìm hãm tính tích cực, chủ động của con người, không đề cao nghĩa và lễ. Chính vì vậy, các tác giả sách Lịch sử Việt Nam đã đánh giá rằng đạo làm người của Nguyễn Trãi là Nho nhưng không phải Nho nguyên thuỷ, Nho Hán hay Nho Tống. ở đó không có tư tưởng chính danh, tôn ty trật tự của Khổ, Mạnh, cũng không có màu sắc thần bí của Hán Nho, không có những luân lý khắc nghiệt của Tống Nho.
Tuy nhiên, tư tưởng về một nền văn hoá tốt đẹp theo lập trường Nho gia (mặc dù Nguyễn Trãi đã có cải biến, làm cho gần với truyền thống văn hoá dân tộc) nói trên vẫn chứa đựng những yếu tố duy tâm, không phù hợp với trật tự xã hội phong kiến, không được xã hội đó tích cục chấp nhận, cho dù nó bênh vực, bảo vệ trật tự đó. Nguyễn Trãi cố gắng thực hiện, thành thật khuyên người khác thực hiện nhưng quan niệm đó vẫn không thể đi vào hiện thực cuộc sống. Tính ích kỷ, phong kiến đã làm cho con người ngày càng thoái hoá, và vì thế người ta càng xa lánh đạo của ông, bài xích, cô lập ông, biến ông thành kẻ cô trung đáng thương. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Nguyễn Trãi hoài nghi, oán giận hiện thực, oán giận cả học thuyết thánh hiền mà bấy lâu nay ông hết lòng ngưỡng mộ, nguyện hy sinh cho nó. Có lúc ông đã chuyển sang lập trường Lão - Trang nhưng rồi ông lại trở lại với Nho gia và để rồi cuối cùng mắc huyết nạn với nó.
Nguồn lực con người được phát huy cao độ cả ở sức mạnh vật chất lẫn sức mạnh văn hoá, tinh thần
Trên đây đã phân tích quan niệm con người không tách rời những giá trị văn hoá tinh thần trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. Nhưng thực ra quan niệm đó của Nguyễn Trãi không tách rời quan niệm về nguồn lực con người, vấn đề mà bất kỳ vị lãnh tụ phong trào xã hội nào cũng phải quan tâm giải quyết.
Là một trong những lãnh tụ hàng đầu của nghĩa quân Lam Sơn và sau đó giữ các chức quan đầu triều của nhà Lê sơ, Nguyễn Trãi cần phải có quan niệm về vai trò của con người, cách khai thác, phát huy nguồn lực con người để có thể tiến hành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đặt ra. Tư tưởng của ông về vấn đề này thể hiện trên mấy điểm chủ yếu như xem dân là gốc của nước, tôn trọng cộng đồng, bồi, dưỡng tư tưởng cộng đồng.
Nguyễn Trãi nhận thức rất rõ vai trò vả sức mạnh của dân. Dân là số đông, là lực lượng có vai trò quyết định đối với thắng lợi của kháng chiến, đối với sự tồn tại hay bị phế truất của một triều đại. Trong Chiếu răn bảo Thái tử, thay lời vua Lê, ông viết: "Mến người cố nhân là dân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân", "Thuyền bị lật mới tin rằng dân như nước". Từ đó, Nguyễn Trãi cho rằng mọi chủ trương, đường lối, mọi quan hệ đối xử của triều đình đều phải căn cứ vào lòng dân. Dân đồng lòng thì có sức mạnh. Vì vậy, việc gì hợp lòng dân thì làm, việc gì không được dân ủng hộ thì bỏ, không được trái lòng dân. Để dân đồng lòng, theo Nguyễn Trãi, cần phải cố kết họ lại bằng tình thương, bằng đối xử công bằng về quyền lợi, chăm lo đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng của họ. Đây là quan niệm rất đúng đắn của Nguyễn Trãi, mặc dù ông chưa đặt ra được vấn đề mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi.
Điểm nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là ông không chỉ quan niệm nguồn lực con người như một tập hợp các cá nhân yêu nước, chịu sự chỉ bảo của chính quyền một sức mạnh vật chất con người thuần tuý, mà cao hơn, đúng đắn hơn, ông đã nhận thức được sức mạnh của con người có văn hoá, của cộng đồng dân tộc Đại Việt có nền văn hoá truyền thống giầu bản sắc, có sức sống mãnh liệt. Sức mạnh của Đại Việt là sức mạnh tổng hợp, bao gồm cả sức mạnh vật chất và tinh thần. Vai trò của lực lượng vật chất, của quân số và binh khí thì không ai có thể phủ nhận. Song còn có một nguồn lực khác sâu xa hơn, tuy không có hình hài một cách cụ thể nhưng lại có sức mạnh hết sức to lớn, hay nói đúng hơn, nếu biết cách khai thác thì sức mạnh của con người và những vật chất có sẵn sẽ được nhân lên gấp bội. Đó chính là sức mạnh văn hoá tinh thần. Chính Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã thành công khi biết khai thác và phát huy sức mạnh của cộng đồng Đại Việt có văn hóa. Thành công về mặt này của Nguyễn Trãi đã mang lại sức mạnh dân tộc để chiến .thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, những nhân tố cấu thành sức mạnh văn hoá tinh thần của dân tộc bao gồm lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc về cương vực của tổ quốc cũng như những giá trị bản sắc văn hoá, ý chí đấu tranh bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ bản sắc văn hóa của mình. Chính vì vậy, tư tưởng về Quốc gia độc lập luôn được ông nêu ra một cách tập trung nhất, bao trùm các nhân tố khác. Trong Đại cáo bình Ngô, ông viết:
" Như nước Đại Việt ta
Thật là một nước văn hiến
Bờ cõi núi sông đã riêng
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu.
Trong tư tưởng trên, văn hóa, phong tục tập quán là một bộ phận cấu thành của dân tộc. Bộ phận đó nằm trong cấu trúc dân tộc không chỉ như một tiêu chỉ biểu hiện sự khác biệt giữa dân tộc ta vời dân tộc khác mà còn là biểu hiện về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển, sức sống, tính độc lập của dần tộc. Vì thế, trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược cũng như trong quá trình dựng nước, nhân tố đó phải được phát huy. Phát huy được nhân tố đó thì sức mạnh dân tộc mới được phát huy đầy đủ, đạt mức cao nhất. Trong thư dụ thành Bắc Giang, để chỉ cho địch thấy sức mạnh truyền thống vốn có của dần tộc, ông viết: " Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử đâu đâu là không có. Nước An Nam tuy ở ngoài Ngữ Lĩnh, mà tiếng là nước thư thi, những bậc trí mưu tài thức đời nào cũng có. Với một dân tộc như vậy, cách thức tốt nhất đối với quân Minh là "chẳng gì bằng sớm bỉ giáp binh, ra ngoài thành cùng quân của Thái đô đốc lục tục kéo về, để trả lại cho ta cảnh thổ nước An Nam, khiến cho hai bên đều tiện” (Thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt). Khi đã giành được độc lập, ông vẫn nêu trách nhiệm giữ gìn phong hóa của đất nước, coi đó là một trong những cội nguồn sức sống của dân tộc. Trong cuốn Dư địa chí, ông viết: "Người nước Nam không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước".
Phương thức huy động nguồn lực con người của Nguyễn Trãi còn bao hàm phương thức lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy đại nghĩa thắng hung tàn. Theo ông, phải biết sử dụng sức mạnh cộng đồng đánh trúng vào điểm yếu của quân địch, hướng vào giải quyết đúng nhiệm vụ quan trọng nhất.
Phát huy sức mạnh cộng đồng trên cơ sở hoà mục cũng là một điểm đáng chú ý trong tư tưởng của Nguyễn Trãi. Trước hết, ông đánh giá cao vai trò quan trọng của đội ngũ quan lại, giải quyết các mối quan hệ của đội ngũ này. Ông yêu cầu quan lại phải bớt lòng tư dục, sửa bỏ tệ tham ô, lười biếng, đối với vua thì hết trung, đối với dân thì hết hòa, biết nhường nhịn, chịu thiệt về mình. Đối với nhân dân, ông mong muốn nhà vua sửa đổi chỉnh sách, tạo điều kiện thuận lợi cho dân làm ăn, sinh sống để tạo sự hòa khí, lòng tin tưởng nơi dân. Ông coi đó là điều cốt lõi để giữ cho xã hội thái bình, thịnh trị.
Những tư tưởng trên đây cho thấy về cơ bản, Nguyễn Trãi có những quan niệm đúng đắn, nhân đạo sâu sắc về vấn đề con người. Con người trong tư tưởng của ông thực sự là con người văn hoá, không tách rời những giá trị văn hoá, đặc biệt là văn hoá tinh thần. Chính vì vậy mà việc khai thác nguồn lực của con người trong tu tưởng Nguyễn Trãi đã khá toàn diện, cả nhân tố vật chất lẫn nhân tố văn hoá, tinh thần. Đề cao những giá trị văn hoá tinh thần như độc lập dân tộc, phong tục truyền thống, tình yêu thương hoà mục, tôn trọng lợi ích chung... để phát huy cao độ nguồn nội lực dân tộc là một giá trị lớn trong tư tưởng của ông. Tư tưởng ấy có giá trị to lớn đối với hiện thực lịch sử lúc đó: Góp phần giáo dục lòng yêu nước thương dân, tinh thần chiến đấu vì độc lập, tự do, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng, xây đựng nếp sống hòa đồng, làm giảm phần nào lòng đố ký, tính ích kỷ của đội ngũ phong kiến đương thời. Tuy nhiên, do hạn chế lịch sử giai cấp, trong tư tưởng của Nguyễn Trãi còn chứa đựng một số điểm chưa hợp lý, mang tính duy tâm, siêu hình về xã hội: Chưa nhận thức được tính quy định của lợi ích giai cấp phong kiến đối với việc hình thành tư tưởng, đạo đức, lối sống của tầng lớp thống trị. Chính vì vậy, tư tưởng của ông mặc dù giầu giá trị nhân đạo, tiến bộ nhưng không được giai cấp thống trị áp dụng, ngược lại, ông còn bị các thế lực đối lập trong triều Lê bài xích, cô lập và hãm hại.
2.Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà tư tưởng Việt Nam tiêu biểu trong thế kỷ XVI, sinh năm 1491, tự Hanh Phú, hiệu Bạch Vân cư sĩ, quê làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại Lại, nay là Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đỗ trạng nguyên năm 1535 dưới triều Mạc, được cử giữ chức Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ. Do những mâu thuẫn vốn có của thời đại phong kiến đang suy tàn, những nguyên lý của đạo thánh hiền không thể thực hiện một cách triệt để theo sở nguyện của ông, ông chỉ làm quan 8 năm rồi cáo quan về quê dựng am Bạch Vân làm thơ và mở trường dạy học nhằm truyền bá kiến thức cho đời sau. Ông mất năm 1585, thọ 94 tuổi. Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại cho chúng ta một di sản thơ văn khá phong phú, đa số là thơ triết lý về đạo lý, lối sống, trong đó chứa đựng nhiều quan niệm về vũ trụ, nhân sinh. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng khá sâu sắc trong giai đoạn lịch sử đương thời và trong các giai đoạn tiếp theo.
Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là coi trọng con người có văn hoá, coi việc thực hiện những giá trị văn hóa theo tinh thần Nho gia là vấn đề có ý nghĩa cao nhất đối với con người và xã hội. Có thể nới ông đã giành phần lớn tâm sức của mình vào việc phân tích, truyền bá tư tưởng này.
Là nhà tư tưởng có tài năng hơn người, theo lập trường Nho gia, lý tưởng xã hội của Nguyễn Bỉnh Khiêm là xây dựng một xã hội thái bình thịnh trị theo kiểu Đường Ngu: Một xã hội hòa bình, không có chiến tranh, nhân dân được sống no đủ, trong kết cấu xã hội thì trên vua sáng, dưới tôi hiền, xã hội có bộ mặt đạo đức, văn hoá tết đẹp, con người giàu lòng thương, chân thành, hoà mục. Thời đại của ông là thời đại nhà Lê đi vào suy tàn, vì thế ông càng khao khát được thấy lại thời bình trị của Đường Ngu, Nghiêu Thuấn: "Hà thời tái đổ Đường Ngu trị, Y cựu kiền khôn nhất thái hòa" hay "Hà hạnh phùng Nghiêu Thuấn thế, Nhất triều nguyện tác thái bình dân".
Để có được xã hội như vậy cần có đường lối chính trị với việc xác định nguồn lực, sử dụng nguồn lực phù hợp. Kế thừa tư tưởng nhân đạo của các thế hệ nhà Nho đi trước, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương một đường lối vương đạo cho phép khai thác nguồn lực xã hội từ đội ngũ những người cầm quyền đến sức mạnh dân chúng. Đặc điểm lớn trong đường lối vương đạo Khiêm là đường lối đó dựa vào nhân nghĩa, lấy nhân nghĩa để cảm hóa, tập hợp mọi lực lượng xã hội chứ không dựa cả vào Tam cương, Ngũ thường để ràng buộc con người.
Đường lối nhân nghĩa của Nguyễn Bỉnh Khiêm có lập trường thân dân, coi dân là gốc của nước. Kế thừa tư tưởng của người xưa ông viết: "Trời sinh ra chúng dân, sự ấm no ai cũng có lòng mong muốn cả" (Duy thiên sinh chúng dân, Bão noãn các hữu dục). "Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cất phải được lòng dân" (Cổ lai quốc dĩ dân vi bản. Đắc quốc ưng tri tại đắc dân - Cảm hứng).
Làm thế nào để có dân làm gốc, để được lòng dân là vấn đề không đơn giản, không phải lúc nào người cầm quyền cũng có thể thực hiện được. Dưới chế độ tư hữu phong kiến, lợi ích vật chất gắn liền với địa vị, điều đó dễ làm cho các bậc vua chúa, quan lại lợi dụng chức quyền vơ vét của cải để làm giàu. Kế thừa tư tưởng người xưa về nguyên lý "tài tụ, nhân tán" Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên những người cầm quyền rằng muốn có bình trị thì không được tham lam, đừng vì tiền bạc mà mất đi lòng nhân nghĩa vì không có nhân nghĩa sẽ mất lòng dân: "Người xưa câu ví đâu có lầm, lấy thuở dương mà biết thuở âm. Yên bách tính thì yên trị đạo, thất thiên kim chớ thất nhân tâm". Mặt khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm yêu cầu nhà cầm quyền phải chăm lo đến đời sống của nhân dân, nhất là dân nghèo. Trong bài Cảm hứng ông viết: "Quân vương như hữu quang minh chúc, ủng chiếu cùng lư bộ ốc dân". Để có cơ sở thực hiện đường lối vương đạo nhân nghĩa nói trên, Nguyễn Bỉnh Khiêm coi trọng việc xây dựng con người văn hóa. Ông cho rằng sụ tất xấu của của xã hội. Thực ra, quan niệm của ông cũng không có gì khác quan niệm cổ truyền của Nho gia: coi đạo đức là nguyên nhân cơ bản của mọi tình trạng xã hội, coi tấm gương đạo đức của người cầm quyền, đặc biệt nhà vua là cội nguồn của tình trạng đó.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tin vào tác dụng của việc giáo hoá đối với dân chúng bằng những quy tắc đạo đức và nêu gương đạo đức. Chính vì vậy, ông viết nhiều về vấn đề này, viết để cho người đời biết, hiểu và thực hiện. Bản thân ông rất tự hào về đạo làm người của thánh hiền mà ông đã theo, ông nguyện sống để làm gương.
Theo ông, con người phải thực hiện Cương thường. Không còn gì phải nghi ngờ, bởi lẽ, "Nghĩa phải thờ vua sáng như mặt trời, mặt trăng, vua tôi, cha con là nghĩa bền vững ngàn đời, con người phải nghĩ đến điều đó, cho đến khi trời đất già cỗi (Quân thân tại niệm kiền khôn lão). Làm được như vậy thì không có gì phải xấu hổ với trời và người (Phủ ngưỡng thiên nhân vô quý tạc).
Khi chế độ phong kiến lâm vào suy thoái thì những mặt hạn chế của nó càng có điều kiện bộc lộ ra đầy đủ hơn. Trong xã hội đó đầy rẫy bất công, đầy rẫy những kẻ quan tham. Họ là những người mồm nói nhân nghĩa, cần, kiệm, liêm, chính... nhưng trong hành động lại lợi dụng địa vị, chức quyền ra sức vơ vét tiền của làm giàu cho gia đình và bản thân. Họ là những người chỉ biết đến lợi ích cá nhân, lao vào danh lợi như con ruồi, con kiến thấy mật, thấy mỡ. Cương thường lúc này, dù hay đến mấy cũng không được thực hiện, chỉ như cái ang không mật mỡ mà thôi. Những yêu cầu về thực hiện lối sống nhân văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không thể được đông đảo quan lại hưởng ứng. Trước bối cảnh đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm không tránh khỏi thất vọng nhưng ông vẫn tích cực tìm cách .thuyết phục con người sống có đạo đức, theo đạo đức cương thường. Đặc biệt, thuyết phục quan lại không có kết quả, ông đã hướng vào thuyết phục nhân dân. Bên cạnh việc làm rõ hơn về trung nghĩa, ông nói nhiều đến sự hòa thuận giữa anh em, chồng vợ, khuyến khích mọi người vui làm điều thiện, không tham lam, biết độ lượng, bao dung với người khác.
Tư tưởng và hành động vì một nếp sống văn hoá cao đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm nói trên, mặc dù không được đông đảo giai cấp thống trị đương thời chấp nhận và tích cực thực hiện nhưng đã có ảnh hưởng khá sâu sắc đến một bộ phận không nhỏ quan lại, nho sỹ và nhân dân. Nhiều người tôn thờ ông, kính phục đạo giả đức và cuộc sống thanh 'bạch của ông, họ coi đó là tấm gương lớn mà suất đời họ nguyện noi theo. Có người ngợi ca tri thức của ông, cho rằng ông đã đạt tới sự tinh tuý, cao sâu nhất của đạo thánh hiền. Khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, học trò của ông đã viết: "Sáu bộ thi thư suốt nghĩa, bơi thuyền đến bến thầy Chu, Một kinh "Thái ất" thuộc lòng, đốt lửa soi gan Dương tử". "Ngang trời dọc đất, cùng lòng Chu Tể tâm tư, Suy trước biết sau, giáo học lối Nghiên phu môn hộ".
Bên cạnh những giá trị tích cực nói trên, trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn nhiều điểm bất hợp lý, tiêu cực, không tưởng, duy tâm. Hạn chế này biểu hiện ở chỗ: Xét về bản chất những tư tưởng về đạo làm người cũng như những chính sách thân dân của ông là nhằm bênh vực quyền lợi, trật tự phong kiến, nhưng do "gần dân" mà có ý nghĩa tiến bộ (nếu được thực điều sẽ có lợi cho nước, cho dân) đồng thời lại đối lập với lợi ích của giai cấp cầm quyền. Do đó, việc yêu cầu giai cấp thống trị thực hiện những tư tưởng của ông phần nào mang tính duy tâm, siêu hình, không có khả năng thực hiện.
Từ hạn chế trong thế giới quan, coi sự phát triển chỉ là sự tuần hoàn, không có đấu tranh, ông đã phủ nhận vai trò năng động chủ quan của con người. Nguyên lý "dĩ hoà vi quý", coi hoà là mục đích của ông được nêu ra trong tình trạng xã hội phong kiên suy thoái đã khiến người ta từ bỏ đấu tranh, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Từ kinh nghiệm của bản thân, từ quan về ở ẩn để giữ lấy đạo đức trong sạch, ông khuyên người ta phải "vụng" chứ không đua tranh, thậm chí coi mưu trí như một thứ giặc cũng là tư tưởng tiêu cực, sai lầm.
Có tình trạng trên là do ông không giải thích được các mâu thuẫn xã hội đương thời, không thấy được bản chất của giai cấp phong kiến và tình trạng suy tàn của nó. Ngoài ra ông còn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết tướng số, lý số và những thuyết duy tâm thần bí khác trong triết học cổ trung đại của Trung Quốc.