Con cóc là cậu ông trời
[FONT=Verdana, Arial] Ngày xửa ngày xưa, con cóc vẫn sần sùi xấu xí như ngày nay. Nhưng cóc nổi tiếng giữa muôn loài là một con vật tuy bé nhỏ nhưng rất gan dạ, gan cóc tía mà lại. Vào một năm không nhớ rõ năm nào, trời làm hạn hán khủng khiếp, nắng lửa hết tháng này đến tháng khác thiêu cháy cây cối, hút cạn nước sông ngòi, đầm hồ. Muôn loài không còn một giọt nước để uống. Các con vật to lớn hùng mạnh xưa nay tác oai tác quái trong rừng đều nằm lè lưỡi mà thở để đợi chết, không ai nghĩ được kế gì để cứu mình, cứu muôn loài. Sức mạnh của chúng chỉ để bắt nạt nhau thôi chứ đâu có thể làm gì nổi ông trời. Duy có anh chàng Cóc tía bé nhỏ, xấu xí kia là có gan to. Anh tính chuyện lên thiên đình kiện Trời làm mưa cứu muôn loài.
Khởi đầu chỉ có một mình nhưng anh không nản. Ði qua một vũng đầm khô, Cóc tía gặp Cua càng. Cua hỏi Cóc đi đâu, Cóc bèn kể rõ sự tình và rủ Cua cùng đi kiện Trời. Ban đầu Cua định bàn ngang, thà chết ở đây còn hơn chứ Trời xa thế đi sao tới mà kiện với tụng, nhưng những con vật ở quanh Cua nghe Cóc nói lại tranh nhau mà bàn ngang bàn lùi, làm cho Cua nổi giận. Nói ngang bàn ngang là chuyện ngang của Cua thế mà họ lại dám tranh mất cái quyền ấy, cái quyền được phép ngang như cua cơ mà. Thế là Cua làm ngược lại, Cua tình nguyện cùng đi với Cóc.
Ði được một đoạn nữa, Cóc lại gặp Cọp đang nằm phơi bụng thở thoi thóp, Gấu đang chảy mỡ ròng ròng và khát cháy họng. Cóc rủ Gấu và Cọp đi kiện trời, Cọp còn lưỡng lự thì Gấu đã gạt đi mà nói rằng:
- Anh Cóc nói có lý, chẳng có lẽ chúng mình cứ nằm ở đây đợi chết khát cả ư? Ta theo anh Cóc thôi! Ðến ngang như anh Cua còn theo anh Cóc được thì tại sao chúng mình không theo.
Cả bọn nhập lại thành đoàn. Ði thêm một chặng nữa thì gặp đàn Ong đang khô mật và con Cáo bị lửa nướng cháy xém lông. Cả hai con vật này cũng hăng hái nhập vào đoàn loài vật đi kiện Trời do Cóc dẫn đầu.
Cóc dẫn các bạn đi mãi, đi mãi đến tận cửa thiên đình. Khi đi trên đường cả bọn đều hăng hái nhưng đến trước cửa Trời oai nghiêm, bọn Cọp, Gấu, Cáo, Ong, Cua đều sợ, duy chỉ có Cóc là gan liền dõng dạc ra lệnh:
- Bây giờ các anh phải nghe lời tôi. Kia là chum nước của Trời, anh Cua vào nấp trong ấy. Anh Cáo nấp ở phía bên trái tôi, anh Gấu nằm ở phía bên phải tôi, còn anh Cọp chịu khó nằm đằng sau tôi. Các anh có nghe lệnh của tôi thì mới thắng được Trời.
Tất cả đều nghe lệnh của Cóc. Sắp đặt xong đâu đấy Cóc mới nhảy lên mặt trống trờ đánh ba hồi trống ầm vang như sấm động.
Ngọc Hoàng đang ngủ trưa một cách lười biếng bị tiếng trống lôi đình đánh thức dậy nên bực tức, bắt Thiên lôi ra xem có chuyện gì. Thiên lôi lười biếng vội phủi bụi và mạng nhện giăng đầy trên lưỡi búa tầm sét cắm cổ chạy ra. Thiên lôi ngạc nhiên vì ở ngoài cửa thiên đình chẳng thấy có một người nào cả chỉ thấy mỗi một con Cóc xù xì xấu xí đang ngồi chễm trệ trên mặt trống của nhà Trời. Thiên lôi hết nhìn con Cóc lại nhìn lưỡi búa tầm sét khổng lồ của mình và thở dài vì cái búa to quá mà Cóc bé quá, đánh chưa chắc đã trúng được. Thiên lôi bèn vào tâu Ngọc hoàng, Ngọc hoàng nghe xong bực lắm bèn sai con gà trời bay ra mổ chết chú Cóc hỗn xược kia.
Gà trời vừa hung hăng bay ra thì Cóc đã nghiến răng ra hiệu, lập tức chàng Cáo nhảy ra cắn cổ gà tha đi mất. Cóc lại đánh trống lôi đình. Ngọc hoàng càng giận giữ sai Chó nhà trời xổ ra cắn Cáo. Chó vừa xồng xộc chạy ra thì Cóc lại nghiến răng ra hiệu. Lập tức anh Gấu lừng lững xổ ra đón đường tát cho chó một đòn trời giáng. Chó chết tươi.
Cóc lại thúc trống lôi đình đánh thức Ngọc hoàng. Ngọc hoàng bèn sai Thiên lôi ra trị tội gấu. Thiên lôi là vị thần trời có lưỡi tầm sét mỗi lần vung lên thì thành sét đánh ngang trời, thành sấm động bốn cõi. Sức mạnh của Thiên lôi không có ai bì được. Ngọc hoàng yên trí lần này cử đến ông Thiên lôi ra quân thì cái đám Cóc, Cáo ắt hẳn là tan xác. Vì thế khi ông Thiên lôi vác lưỡi tầm sét đi là Ngọc hoàng lại co chân nằm trên ngai vàng mà ngủ tiếp.
Thiên lôi vừa hùng hổ vác búa tầm sét ra đến cửa thiên đình thì Cóc đã nghiến răng ra lệnh, lập tức đàn Ong nấp trên cánh cửa bay vù ra và cứ nhè vào mũi Thiên lôi mà đốt. Nọc ong đốt đau lắm, mũi Thiên lôi rát như phải bỏng. Nhớ là ở cửa trời có một chum nước. Thiên lôi vội vàng vứt cả búa tầm sét nhảy ùm vào chum nước chạy trốn. Nào ngờ vừa nhảy ùm vào trong chum nước thì anh Cua càng nấp trong đó từ bao giờ đã chờ sẵn để giương đôi càng như đôi gọng kìm cắp chặt lấy cổ. Thiên lôi đau quá gào thét vùng vẫy vỡ cả chum nước nhà Trời. Thiên lôi tìm đường chạy trốn thì Cóc tía lại nghiến răng ra lệnh. Lập tức Cọp nấp sau Cóc tía nhảy bổ ra gầm lên một tiếng vang động xé tan xác Thiên lôi thành hai mảnh.
Ngọc hoàng thấy thế sợ quá bèn xin giảng hoà với Cóc, và xin Cóc cho nhận lại xác của Thiên lôi để cứu chữa. Cóc bằng lòng ngay. Theo lệnh nghiến răng của Cóc, Cọp và Gấu vác xác Thiên lôi về xếp lại ở giữa sân điện thiên đình. Ngọc hoàng phải ra tay làm phép tưới nước cam lồ vào cái xác đầy thương tích đó. Nhờ phép của Ngọc hoàng, Thiên lôi mới được sống lại. Ngọc hoàng nghĩ mình đường đường là một ông Trời mà lại chịu thua Cóc thì thật là điều sỉ nhục, nên tính lật lọng, sai Thiên lôi vác búa tầm sét chống lại Cóc và các bạn của Cóc. Biết thế nào Ngọc hoàng cũng tính chuyện lật lọng nên Cóc lại nghiến răng. Lập tức các bạn của Cóc dàn trận. Ong giương nọc, Cáo giương nanh, Cọp giương vuốt, Cua giương càng, Gấu giương cánh tay đầy sức mạnh... Thiên lôi vừa mới thoát chết hoảng quá lui lại không dám tiến lên, mà thụt vào nấp sau chiếc ngai vàng của Ngọc hoàng. Các tướng nhà Trời oai phong lẫm liệt thấy đến ông Thiên lôi còn sợ sệt như thế thì hoảng quá tìm kế thối lui.
Thấy tướng nhà trời của mình như vậy, Ngọc hoàng biết không thể thắng nổi Cóc và các bạn của Cóc. Ðến lúc bấy giờ Ngọc hoàng mới thực bụng giảng hoà, và hỏi Cóc lên tận thiên đình có việc gì. Cóc oai phong nhảy hẳn lên tay ngai vàng và dõng dạc thưa:
- Ðã bốn năm nay ở dưới trần gian hạn hán kéo dài, không một giọt mưa. Muôn cây khô héo, vạn vật chết khát. Cứ tưởng Ngọc hoàng bận gì hoặc là Ngọc hoàng giận gì trần gian mà ra phúc họa, ai ngờ lên đây mới biết Ngọc hoàng và các tướng nhà trời ngủ quên không nhớ đến việc làm mưa cứu muôn vật muôn loài dưới trần thế. Chúng tôi phải lên tận đây đánh thức Ngọc hoàng, xin Ngọc hoàng làm mưa ngay cho trần gian được nhờ.
Thấy Cóc nói giọng oai phong và bạn bè Cóc lại đằng đằng sát khí, Ngọc hoàng vội cuống quýt chống chế:
- Cóc với ta là chỗ thân thích, việc gì mà cậu phải mất công đến như vậy, ta sẽ sai thần mưa, thần gió xuống hạ giới làm mưa ngay bây giờ. Cậu Cóc có bằng lòng thế không nào.
Cóc gật gù thưa:
- Muôn tâu Ngọc hoàng trần gian được một trận mưa cứu khát thì còn gì bằng nữa. Anh em tôi vô cùng đội ơn Ngọc hoàng. Nhưng nếu ở hạ giới mà hễ bị hạn hán là bọn anh em chúng tôi lại lên đây kêu với Ngọc hoàng đấy.
Nghe Cóc hẹn lại lên thiên đình, Ngọc hoàng hoảng hồn rối rít lắc đầu xua tay:
- Thôi khỏi, thôi khỏi phải bận đến cậu như thế. Chỗ cậu và ta là tình thân thích, cậu chả nên bầy vẽ vất vả mệt nhọc như vậy làm gì. Cậu không phải lên thiên đình nữa, khi nào có hạn hán cậu muốn ta làm mưa, cậu chỉ cần ngồi dưới đất nghiến răng là ta nghe thấy liền.
Ðể chứng tỏ lòng thành thật không lật lọng của mình, Ngọc hoàng sai rồng đen bay xuống phun mưa, và đưa Cóc cùng các bạn về hạ giới. Cơn mưa cứu hạn làm cây cối tươi tốt, muôn loài nhảy múa chào đón anh em Cóc trở về. Từ đó hễ Cóc nghiến răng là trời lập tức đổ mưa nên đồng dao của trẻ nhỏ ngàn năm vẫn có câu hát rằng:
[/FONT][FONT=Verdana, Arial] Con Cóc là cậu ông Trời[/FONT]
[FONT=Verdana, Arial] Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho.[/FONT]
[FONT=Verdana, Arial]
_*_
[/FONT]
[FONT=Verdana, Arial] (Dị bản)[/FONT]
[FONT=Verdana, Arial]
Thuở xa xưa, Ngọc Hoàng cai quản tất cả các việc trên trời và dưới đất. Ngọc Hoàng giao cho thần Mưa chịu trách nhiệm làm mưa cho tất cả các con vật và cây cỏ có nước uống.
Nhưng đã ba năm nay, không có một giọt mưa nào. Khắp nơi đất đai nứt nẻ, cây cỏ khát nước chết rụi, các con thú cũng chết dần chết mòn vì khát. Muôn loài đều kêu than ai oán, vậy mà trời đâu có thấu.
Một hôm, các con vật họp bàn với nhau lại, chúng quyết định cử Cóc lên gặp Ngọc Hoàng. Cùng đi với Cóc có Cáo, Gấu và Cọp.
Bốn con vật đi mãi, cuối cùng cũng lên đến cửa nhà trời. Ở cánh cửa có đặt một cái trống rất to. Theo tục lệ, nếu ai có điều gì oan ức, thì đánh trống lên, Ngọc Hoàng sẽ ra giải quyết. Cóc bảo Cáo, Gấu, Cọp nấp vào bụi rậm, còn Cóc thì nhảy lên đánh trống inh ỏi.
Ngọc Hoàng nghe tiếng trống liền sai một thiên thần ra nhìn xem ai. Thiên thần bước ra nhìn ngược nhìn xuôi mãi không thấy ai, chỉ thấy một con Cóc bé nhỏ ngồi trên trống. Khi biết Cóc có ý định gặp Ngọc Hoàng, thiên thần tỏ ý khinh bỉ Cóc, lẳng lặng đi vào và thưa với Ngọc Hoàng:
- Thưa Ngọc Hoàng, kẻ dám cả gan đánh trống ầm ĩ nhà trời là một con Cóc bé tí, xấu xí, thần hỏi nó đi đâu, nó nói lên gặp Ngọc Hoàng để kiện.
Ngọc Hoàng nghe thiên thần nói vậy thì giận lắm, bèn sai bầy gà ra mổ Cóc. Bầy gà vừa ló khỏi cửa, Cóc ra hiệu cho Cáo từ trong bụi rậm ra vồ gà.
Biết Gà bị Cáo vồ mất, Ngọc Hoàng liền sai Chó ra giết Cáo. Chó chạy ra chỉ kịp sủa một tiếng đã bị Gấu ra chộp lấy tha đi. Ngọc Hoàng lại sai một toán lính ra trị Gấu. Lần này, Cọp xông ra quật chết toán lính không chừa một người nào.
Ngọc Hoàng không ngờ Cóc tuy bé nhỏ mà lại khó trị như vậy, Ngọc Hoàng đổi giận làm lành sai thiên thần ra mời Cóc vào. Ngọc Hoàng hỏi Cóc:
- Cậu lên đây có việc gì?
Cóc thưa:
- Muôn tâu Ngọc Hoàng, đã 3 năm nay, chúng tôi không được một giọt mưa nào. Loài vật cử tôi lên đây để kiện trời, vì sao không làm mưa?
Ngọc Hoàng cho gọi thần Mưa đến. Té ra là thần Mưa mải rong chơi, tối về đắp chiếu nằm ngủ quên không làm mưa bị Ngọc Hoàng trách mắng, thần Mưa vội sai các con rồng phun nước ào ào xuống đất. Ngọc Hoàng đưa tiễn Cóc ra về và dặn:
- Từ nay về sau, nếu cần mưa thì Cóc nghiến răng ken két báo cho Ngọc Hoàng biết. Ta sẽ sai thần làm mưa ngay. Cóc không phải lên kiện trời nữa.
Cóc, Cáo, Gấu, Cọp từ biệt Ngọc Hoàng trở về. Khi bốn con vật đến nơithì thấy nước đã tràn đầy hồ, ao, sông suối, cây cỏ, muôn loài uống nước thỏa thuê. Tất cả đều phục Cóc bé tí mà kiện được trời nên đặt ra câu hát:
“Con Cóc là cậu ông trời
Hễ ai đánh Cóc thì trời đánh cho”[/FONT]