• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Cổ vật gốm trong Văn hóa Óc Eo

caothutrungky

New member
Xu
0
Văn hóa Óc Eo – một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ hình thành và phát triển từ thế kỷ I đến thế kỷ VII và sau đó được bảo lưu như một truyền thống ở nơi đây. Dấu tích cư trú của cư dân cổ được tìm thấy khắp lưu vực các con sông Cửu Long, Vàm cỏ, Đồng Nai. Di vật phổ biến trong các di tích khảo cổ học văn hóa Óc Eo từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn là đồ gốm. Không có vẻ rực rỡ tinh xảo như các loại đồ trang sức, không có vẻ hoành tráng mà diễm lệ như những pho tượng thờ bằng đá, đồ gốm trong văn hóa Oc Eo mang một vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần độc đáo vì đã thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người và phản ánh nguồn gốc bản địa của nền văn hóa này.

Đồ gốm trong văn hóa Óc Eo có thể chia làm 3 loại hình chính: Vật liệu xây dựng – kiến trúc (gạch, ngói, điêu khắc, phù điêu trang trí…), công cụ sản xuất (bàn xoa, chì lưới, dọi se sợi, nồi nấu kim loại…), đồ gia dụng (bếp lò, đèn, hũ, bình, nồi lớn nhỏ), đồ thờ cúng (bình Kendi, ly chân cao…). Về chất liệu, gốm Óc Eo hầu hết là đất nung xương gốm khá mịn, gốm màu đỏ hay nâu hồng hoặc xám đen, trừ các chén nhỏ và nồi nấu kim loại cứng chắc như sành do xương gốm pha nhiều sạn sỏi nên có màu xám. Ở đây chỉ xin được giới thiệu một vài loại di vật gốm phản ánh nhiều mặt đời sống của cư dân cổ ở Nam bộ – chủ nhân của nhiều công trình kiến trúc đền tháp đồ sộ mà nay chỉ còn là phế tích.

Phổ biến nhất là các bàn xoa – một dụng cụ của kỹ thuật làm gốm cổ. Dụng cụ hình nấm làm bằng chất liệu sét lọc kỹ khá mịn, màu trắng ngà hay hồng nhạt, cầm không có cảm giác chắc nặng, tay cầm hình trụ hơi thon ở giữa tạo núm cầm ở đầu, một số tiêu bản có những đường gờ ren để cầm cho chắc chắn. Mặt xoa hình tròn cong lồi có hoa văn khắc chìm khá sắc nét kiểu chân chim, dấu nhân haỳ những đường tròn đồng tâm cách đều nhau từ 1mm đến 2-3mm, cũng có tiêu bản mặt để trơn láng. Một lỗ nhỏ 0,5 cm xuyên dọc chính giữa tay cầm đến tâm mặt xoa. Công cụ này được sử dụng để “xoa” làm nhẵn láng bề mặt đồ gốm vì những đường “hoa văn” rất nhỏ có tác dụng khi xoa sẽ làm bề mặt đồ gốm nhẵn đều, mặt cong lồi và lỗ xuyên tâm làm giảm ma sát của mặt tiếp xúc, động tác nhẹ nhàng và nhanh hơn. Những tiêu bản mặt xoa không có hoa văn có chức năng làm nhẵn bóng áo gốm, tăng thêm vẻ đẹp cho sản phẩm. Kích thước phổ biến là chiều cao và đường kính mặt xoa xấp xỉ nhau: 6-8cm. Cá biệt có tiêu bản lớn khoảng 10-12cm nhưng chất liệu cứng chắc gần như sành, màu đỏ nâu hoặc xám đen, không có hoa văn, đó là các bàn dập làm các loại đồ gốm lớn như lu, khạp, nồi lớn… cho xương gốm chắc và mỏng đều. Loại dụng cụ này đến nay vẫn còn được sử dụng tại các lò sản xuất lu gốm ở Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) và nhiều nơi khác.

Bếp lò (cà ràng): Đây là di vật tiêu biểu được tìm thấy trong nhiều di tích. Tuy chỉ còn các mảnh vỡ nhưng có thể nhận dạng di vật này qua sự so sánh với loại bếp lò bằng gốm hiện nay vẫn phổ biến ở Nam bộ. Di vật này có một số kiểu dáng:

- Ở giai đoạn sớm: Bếp lò hình chảo đáy rộng và khá bằng, trong lòng có 3 giá kê (hình trụ đầu hơi nhọn như sừng bò).

- Ở giai đoạn muộn: Bếp lò hình khay thắt ở giữa giống số 8. Có chân đế và thành lò cao, từ thành lò nhô ra 3 giá kê. Phần ngoài có thể để than tro nướng thức ăn.

Dù hình thức nào thì bếp lò gốm đều giống nhau ở chỗ cấu tạo phù hợp để có thể đặt trên nhà sàn hay ghe xuồng mà vẫn an toàn, lại có thể di chuyển dễ dàng. Điều đặc biệt là loại bếp lò gốm này đã được tìm thấy rất nhiều trong các di tích thuộc văn hóa Đồng Nai thời tiền sử (niên đại từ 3000 – 2000 năm cách ngày nay) vừa là vật dụng tìm thấy tại nơi cư trú, vừa là đồ tùy táng trong các ngôi mộ. Như vậy loại bếp lò gốm (cà ràng) này đã tồn tại và phổ biến trong đời sống cư dân vùng sông nước, cư trú trên nhà sàn hay ghe xuồng, suốt từ thời xa xưa. Vì vậy, việc gọi nó là “cà ràng” như cách gọi của người Khmer Nam bộ không có nghĩa là nó là di vật của người Khmer, mà chỉ là sự ghi nhận tên gọi hiện nay của loại bếp lò này.Các loại nắp vung bằng gốm khá đặc biệt vì là nắp đậy ngửa (núm cầm trên mặt lõm của nắp). Loại nắp này đặc biệt thích hợp đậy nồi, bình hũ sử dụng trên ghe xuồng, khi di chuyển tròng trành không bị rơi bể.

Đèn gốm: làm bằng chất đất chắc nặng, đế hình đĩa có vành và đường kình lớn hơn đĩa đèn để hứng tàn bấc. Chân cao để tiện cầm nắm và tạo độ cao cho đèn. Phía trên đặt một đĩa đèn đường kính nhỏ hơn đế, dĩa này có chỗ lõm để gác bấc đèn. Khi cần thì có thể đặt chiếc đĩa đèn này trên sàn nhà, sàn ghe xuồng hay trên bàn cũng được.

Đồ dùng nghi lễ tôn giáo: Bình kiểu Kendi là loại bình có vòi thân hình cầu, phình tròn ở giữa, thu nhỏ ở cổ và đáy bình. Miệng bình loe cong. Kích thước của bình khá lớn, nhiều chiếc có hoa văn khắc vạch tam giác hay sóng nước ở thân. Có chiếc tô màu đỏ (thổ hoàng) hay tô màu đen chì rất đẹp. Điều đáng lưu ý là những bình bình Kendi thường được tìm thấy trong các phế tích đền tháp, hầu hết bị gãy vòi, dấu vết cho thấy sự “cố ý” đập gãy rời vòi khỏi thân bình. Vì vậy nhiều khả năng cho biết đây là di vật dùng trong các nghi lễ tôn giáo Bàlamôn, những chiếc vòi bình mang bóng dáng ngẫu tượng Linga – tượng trưng cho thần Siva.

Được tìm thấy cùng với những chiếc bình là nhiều chiếc ly chân cao trông giống ly uống sâm-banh, kiểu dáng khá “hiện đại”. Ngoài ra còn có những chiếc nắp gốm hình tháp có trổ lỗ, dùng để đậy bình “xông hương”.

Những loại đồ gốm tiêu biểu trên đây của văn hóa Óc Eo chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng đồ gốm của văn hóa này. Di vật gốm cổ cho ta nhận biết về đời sống của chủ nhân văn hóa Óc Eo, những yếu tố văn hóa bản địa Đồng Nai – Cửu Long và những yếu tố văn hóa ngoại sinh từ vùng biển và hải đảo mang đến. Tuy nhiên, cũng như “số phận” của những di vật gốm – đất nung trong nhiều nền văn hóa cổ, dù mang vẻ đẹp bình dị mà sâu lắng hồn đất, cổ vật gốm của văn hóa Óc Eo chưa được nhiều người dành sự quan tâm tìm hiểu như đối với cổ vật bằng đá và kim loại quý.


NGUYỄN THị HẬU - Văn Nghệ sông Cửu Long
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top