Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo


Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo

Trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, các nước Hà Lan, Anh, Pháp cũng phát triển dần trở thành cường quốc, bị đụng chạm quyền lợi, không chịu chấp hành sắc lệnh của Giáo Hoàng Alexandre VI ký ngày 4 tháng 5 năm 1493 xác định nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Âu. Từ thực tế này, các nước đã tìm ra nguyên tắc mới về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Đó là thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" một vùng lãnh thổ thuộc về quốc gia nào đã phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Đó chính là thuyết "quyền phát hiện".

Trên thực tế, việc phát hiện như trên chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định chính xác thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ. Vì thế việc phát hiện đã mau chóng được bổ sung bằng việc chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu vết trên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện.

Một đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau hội nghị Berlin về châu Phi năm 1885 của 13 nước Châu Âu và Hoa Kỳ và sau khoá họp của Viện Pháp Luật Quốc Tế ở Lausanne ( Thụy Sĩ) năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thật sự trở thành quan điểm chiếm ưu thế trên thế giới. Điều 3, điều 34 và 35 của Định ước Berlin ký ngày 26 tháng 6 năm 1885 xác định nội dung của nguyên tắc chiếm hữu thật sự và các điều kiện chủ yếu để có việc chiếm hữu thật sự như sau:

- “Phải có sự thông báo về việc chiếm hữu cho các nước ký định ước trên".

- "Phải duy trì trên những vùng lãnh thổ mà nước ấy chiếm hữu sự tồn tại của một quyền lực đủ để khiến cho các quyền mà nước ấy đã giành, được tôn trọng…”

Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hữu độc quyền … thì phải là thật sự tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”.

Chính tuyên bố trên của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne đã khiến cho nguyên tắc chiếm hữu thật sự của định ước Berlin có giá trị phổ biến trong luật pháp quốc tế chứ không chỉ có giá trị với các nước ký định ước trên.

Nội dung chính của nguyên tắc chiếm hữu thật sự là :

1.Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do nhà nước tiến hành. Tư nhân không có quyền thiết lập chủ quyền lãnh thổ vì tư nhân không có tư cách pháp nhân quốc tế, vì quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia.

2. Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hoà bình trên một vùng lãnh thổ thật sự là vô chủ (res nullius) hoặc là đã được quốc gia làm chủ chủ động từ bỏ (derelicto). Dùng võ lực để chiếm một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp.

3. Quốc gia chiếm hữu trên thực tế phải thực hiện những hành động chủ quyền ở mức độ tối thiểu phù hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó.

4. Việc thực hiện chủ quyền phải liên tục trên vùng lãnh thổ đó.

Ngày 10 tháng 9 năm 1919, công ước Saint Germain đã được các cường quốc lúc bấy giờ ký tuyên bố hủy bỏ định ước Berlin năm 1885 với lý do là trên thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa và như thế nguyên tắc chiếm hữu thật sự không còn giá trị pháp lý nữa. Song do tính hợp lý của nguyên tắc này, các luật gia trên thế giới vẫn vận dụng nó khi phải giải quyết các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo. Như phán quyết của toà án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 về vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan, phán quyết của toà án quốc tế của Liên Hợp Quốc tháng 11 năm 1953 về vụ tranh chấp các đảo Minquiers và Écrehous giữa Anh và Pháp.

Những thay đổi trong pháp luật quốc tế nửa đầu thế kỷ XX đã làm thay đổi phương pháp thủ đắc chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Hợp Quốc được thành lập tiếp theo Hội Quốc Liên. Từ các cuộc chiến tranh xâm lược, Hiến Chương Liên Hợp Quốc đưa ra nguyên tắc (điều 2 khoản 14) có giá trị như một nguyên tắc pháp lý áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trên đã được phát triển và tăng cường trong Nghị Quyết 26 – 25 năm 1970: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với “các quy định của Hiến Chương”. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Nghị quyết trên cũng qui định: “Các quốc gia có bổn phận không dùng đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hay như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế , kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia.”

Năm 1982, Công ước về luật biển Liên Hợp Quốc gọi là “United Nations Convention on Law of Sea" ,viết tắt là UNCLOS Convention công bố ngày 10-2-1982 tại Montego Bay ở Jamaica đã được 159 quốc gia ký nhận. Sau khi có đủ 60 quốc gia duyệt y (ratification), kể từ ngày 16-11-1994 thoả ước UNCLOS hay LOS Convention trở thành luật quốc tế đối với các quốc gia phê chuẩn và được mang ra, thi hành, đã xác định về chủ quyền trên biển của mỗi quốc gia …

Như thế trước khi bị các nước ngoài xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tức đầu thế kỷ XX trở về thế kỷ XVII, theo pháp lý quốc tế theo kiểu Phương Tây lúc bây giờ, sự xác lập chủ quyền Việt Nam một cách thật sự, liên tục, hoà bình là cơ sở pháp lý quốc tế đương thời. Đến khi chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm, vào thời đểm 1909, pháp lý quốc tế có giá trị phổ biến là Tuyên bố của Viện Pháp Luật Quốc Tế Lausanne năm 1888.

Sau đó Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Luật Biển 1982 cũng là cơ sở pháp lý quốc tế mà các thành viên ký kết bao gồm các nước đang vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei đều phải tôn trọng.

Tính pháp lý quốc tế của sự xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa


Vào đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, năm 1909, Việt Nam đã chiếm hữu thật sự, hoà bình và thực thi liên tục theo đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế lúc bấy giờ với những chứng cứ sau đây:

Một là với tính cách nhà nước, đội Hoàng Sa, một tổ chức bán quân sự đã được giao nhiệm vụ, riêng một mình kiểm soát và khai thác định kỳ, liên tục và hoà bình hải sản quý cùng các sản vật kể cả súng ống của các tàu đắm tại các đảo Hoàng Sa suốt thời Đại Việt, trong thời các chúa Nguyễn và thời Tây Sơn, tức từ đầu thế kỷ XVII đến năm 1801 và sau đó là buổi đầu triều Nguyễn từ 1802 – đến trước 1815. Từ năm 1816, đội Hoàng Sa phải phối hợp với thủy quân. Hàng năm, đội Hoàng Sa hoạt động trong 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch (tháng 4 đến tháng 9 dương lịch) để phù hợp với điều kiện thời tiết ở vùng biển của quần đảo Hoàng Sa.

Hai là suốt thời nhà Nguyễn, bắt đầu từ 1816, thủy quân được giao trọng trách liên tục kiểm soát, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.

Ba là về mặt quản lý hành chánh liên tục suốt trong 4 thế kỷ từ thế kỷ XVII đến năm 1974 (khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm), Hoàng Sa được các chính quyền ở Việt Nam để thể hiện quyền lực tối thiểu của mình, đặt dưới sự quản lý hành chánh của Quảng Ngãi (khi là phủ hoặc là trấn hay tỉnh qua từng thời kỳ lịch sử) hoặc của tỉnh Thừa Thiên (thời Pháp thuộc) hoặc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (thời chia cắt Nam Bắc) rồi đến thành phố Đà Nẵng (thời thống nhất đất nước).

Việc xác định sự quản hạt này hoặc đựợc ghi trong các sách địa lý của nhà nước biên soạn như bộ Hoàng Việt Địa Dư Chí hoặc Đại Nam Nhất Thống Chí dưới triều Nguyễn, hoặc do chính hoàng đế hay triều đình (Bộ Công) như thời vua Minh Mạng khẳng định, hoặc bằng các dụ, sắc lệnh, quyết định của chính quyền ở Việt Nam như dụ của Bảo Đại, triều đình Huế, Toàn Quyền Đông Dương ở thời Pháp thuộc, hoặc tổng thống, tổng trưởng trong thời kỳ Việt Nam bị chia cắt, hoặc quyết định, nghị quyết của nhà nước, quốc hội thời độc lập thống nhất. Điều này khác với Trung Quốc, chỉ xác định sự quản lý hành chánh sau năm 1909 tức vào năm 1921 và rồi vào năm 1947… có nghĩa là sau Việt Nam hơn 3 thế kỷ. Còn tất cả chỉ là suy diễn không có bằng chứng cụ thể rõ ràng.

Chính quyền ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, ngay cả thời Pháp thuộc, chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, nên ngay cả khi bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau chiến tranh thế giới thứ 2 hay năm 1974, quần đảo Hoàng Sa vẫn được tỉnh Quảng Nam và từ năm 1997 đến nay là thành phố Đà Nẵng quản lý.

Bốn là trước thời kỳ bị xâm phạm, bất cứ dưới thời đại nào, nhà nước ở Việt Nam cũng có những hành động tiếp tục khẳng định và thực thi chủ quyền hàng năm như đo đạc thủy trình, để vẽ bản đồ do đội Hoàng Sa cuối thời chúa Nguyễn hay do thủy quân từ năm 1816 dưới triều Nguyễn (bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên hoặc Đại Nam Hội Điển Sự Lệ của Nội Các, hoặc Châu Bản triều Nguyễn đã ghi rất rõ, đã được trình bày trong phần tài liệu). Sau này, từ đầu thế kỷ XX cho đến năm 1974, Việt Nam cũng tiếp tục tổ chức các đoàn thám sát, đo đạc, vẽ bản đồ.

Năm là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn, nhất là từ năm 1836 trở thành lệ, hàng năm đều luôn luôn tổ chức xây dựng bia chủ quyền từng hòn đảo. Trong thời bị xâm phạm cũng thế, các chính quyền ở Việt Nam luôn tiếp tục cho dựng bia chủ quyền thay thế bia bị hư hỏng.

Sáu là trước thời kỳ bị xâm phạm, các triều đại Việt Nam, nhất là thời vua Minh Mạng của triều Nguyễn đã cho dựng miếu thờ làm bằng nhà đá (đá san hô), đào giếng mà năm 1909 các đoàn khảo sát đầu tiên của Trung Quốc ở Hoàng Sa đã trông thấy và khẳng định không biết có từ thời nào. Riêng tại đảo Phú Lâm, tài liệu Trung Quốc [ ghi có miếu ghi rõ Hoàng Sa Tự của Việt Nam. Sau khi có sự xâm phạm, chính quyền ở Việt Nam cũng tiếp tục cho xây miếu và nhà thờ.

Bảy là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Nguyễn nhất là thời vua Minh Mạng đã cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đàng xa nhận thấy, tránh bị nạn, và các nhà nghiên cứu thực vật như La Fontaine cũng thừa nhận các thực vật cây cối ở Hoàng Sa phần lớn có nguồn gốc ở Miền Trung Việt Nam.

Tám là trước thời kỳ bị xâm phạm, dưới triều Gia Long như tài liệu phương Tây của Gutzlaff viết trong The Journal of The Geographical Society of London, vol 19, 1849, trang 97, đã cho biết Việt Nam đã thiết lập trại binh nhỏ và một điểm thu thuế. Đến thời kỳ bị xâm phạm từ năm 1909, các chính quyền Việt Nam lại là chính quyền sớm nhất đã tổ chức các trại lính đồn trú ở đảo Hoàng Sa (Patlle). Trong khi Trung Quốc chỉ cho quân chiếm đóng một thời gian ngắn sau chiến tranh thế giới lần 2 rồi rút đi (năm 1956, Trung Quốc chiếm lại đảo Phú Lâm (Ile Boisée). Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm trái phép các đảo còn lại trong các trận đánh trên đảo và ở biển với hải quân Việt Nam Cộng Hoà, kết thúc vào ngày 20 –1-1974).

Chín là chính quyền ở Việt Nam đã cho xây trạm khí tượng đầu tiên tại đảo Hoàng Sa (Pattle) vào năm 1938 hoạt động trong thời gian dài cho đến khi Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974.

Mười là trước thời kỳ bị xâm phạm tức năm 1909, chính các hoàng đế Việt Nam như vua Minh Mạng và triều đình, cụ thể là Bộ Công đã lên tiếng khẳng định Hoàng Sa là nơi hiểm yếu trong vùng biển của Việt Nam, nằm trong cương vực của Quảng Ngãi.

Mười một là trước khi bị xâm phạm, chưa có một hải đảo nào được nhiều tài liệu chính thức của nhà nước, từ chính sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên, hoặc địa dư như Hoàng Việt Dư Địa Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, hoặc sách hội điển, một loại pháp chế ghi những điển chương pháp chế của triều đình như Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Cũng chưa có một hải đảo nào tại Việt Nam lại được những nhà sử học lớn của nước Việt Nam đề cập đến như Lê Quí Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục (1776), Phan Huy Chú (1821) trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí , Dư Địa Chí, hay Nguyễn Thông trong Việt Sử Cương Giám Khảo Lược. Đặc biệt việc xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa lại còn do sách của chính người Trung Hoa viết như Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán viết năm 1696. Đó là chưa kể nhiều tác giả tây Phương như là Le Poivre (1749), J Chaigneau (1816-1819), Taberd (1833), Gutzlaff (1849)… cũng đã khẳng định rõ ràng Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam!

Mười hai là bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ Của Giám mục Taberd trong cuốn Tự Điển Việt – La Tinh, nhan đề Latino – Anamiticum xuất bản năm 1838 đã ghi rõ : Paracel Seu Cát Vàng ở Biển Đông. Trong khi bản đồ "An Nam" này chỉ vẽ có Paracel Seu Cát Vàng, lại không có vẽ Hải Nam của Trung Quốc trong biển Đông. Rõ ràng bản đồ An Nam Đại Quốc Hoạ Đồ đã minh chứng Cát Vàng tức Hoàng Sa chính là Paracel nằm trong vùng biển của Việt Nam.

Như thế với chức năng kiểm soát sự khai thác các sản vật ở Biển Đông và những hành động cụ thể trực tiếp khai thác các sản vật của Đội Hoàng Sa, một tổ chức dân binh liên tục gần hai thế kỷ suốt từ đầu thế kỷ XVII cho đến năm 1816 cùng những hành động xác lập và thực thi chủ quyền rất cụ thể như nêu cột mốc, dựng bia, xây miếu, trồng cây, đo đạc thủy trình vẽ bản đồ của thủy quân Việt Nam từ năm 1816 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua và triều đình cũng như những lời tuyên bố của vua , triều đình nhà Nguyễn và sự quản hạt hành chánh vào Quảng Ngãi từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX là những bằng chứng hiển nhiên, bất khả tranh nghị về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Mọi sự tranh giành chủ quyền với Việt Nam là hành động trái với luật pháp quốc tế.


Nguyễn Nhã (Tiến sĩ sử học)

Nguồn : VietnamNet
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top