Chuyện về nhạc hiếu xưa-Lý Khắc Cung

Bút Nghiên

ButNghien.com
CHUYỆN VỀ NHẠC HIẾU XƯA

Xưa kia (và cả bây giờ), những đám tang thường mời phường hiếu đến giúp đỡ. Phường hiếu còn gọi là phường kèn hát, phường bát âm. Mọi người rất coi trọng điều này, bảo: "Sống dầu đèn, chết kèn trống". Nhà nghèo thì mời phường nhỏ, chỉ có kèn, nhị và trống cơm. Phường bát âm gồm đủ tám nhạc cụ: hồ, nhị, hồ gáo, sáo, đàn tứ, trống cơm, tiu cảnh, kèn; kèn lại có kèn đại, kèn pha. Mỗi nhạc công điều khiển một nhạc cụ. Có người điều khiển 2, 3 nhạc cụ. Người chỉ huy tối cao là ông trùm phường, ông trùm phường đảm nhiệm kèn. Vì kèn giữ vị trí "soái âm". Nhạc hiếu truyền thống của ta có 10 làn điệu chính là: Lâm khốc, Nam Ai, Nam Xuân, Nam Thương, Ngũ Đối, Lưu Thuỷ, Con nhạn lạc đàn, Điếu Quân, Xuân Nữ, Mã đáo vô nhân. Nhưng mỗi làn điệu lại có nhiều biến tấu và những đoạn đệm, đoạn chuyển màu của nó. Do vậy mà trở nên có rất nhiều làn điệu vô cùng phong phú, mang sắc thái truyền thống sâu sắc và có giá trị cao. Chính những nét nhạc Xuân Nữ đã gợi ý để chúng ta có được những “Lỡ bước sang ngang” của nhà thơ Nguyễn Bính, những " Cô gái Việt nam" của Hồ Dzếch.

Những năm 1975 - 1980, người viết những dòng này đã đưa những nhà nghiên cứu âm nhạc của Hunggari, Bulgarie, Nga, Pháp đến thăm một vài phường ở Bưởi, Sài Sơn Hà Bắc. Họ đều đánh giá rất cao nhạc hiếu Việt nam. Họ rất cảm động khi được tiếp xúc với những ông trùm phường như ông Kha, ông Sinh, ông Côn. Họ đã vái các ông. Làn điệu Lâm Khốc còn gọi là Lâm Khốc, Lấm là từ cổ, có nghĩa là cũng khóc. Điệu Nam Ai buồn, bi thống. Nam Xuân đỡ buồn hơn. Ngũ Đối và Lưu Thuỷ nhẹ nhàng, lăn tăn, vồ vập. Con nhạn lạc đàn miêu tả sự cô đơn, tan tác. Điệu Quân tả cái chết bi hùng của một tướng quân chết trận. Xuân Nữ buồn cho tuổi xuân của một thiếu nữ. Nó nhắc đến những giấc mộng ban đầu rất xa. làn điệu này rất hay và rất đẹp. Mã đáo vô nhân mô tả sự bi thương, hùng tráng khi con ngựa chiến trở về mà trên mình nó không có người… Xưa kia, ở nhiều nơi có những phường hiếu do một số người tập hợp lại.

Họ mời thầy về, luyện tập với nhau trong những lúc nhàn rỗi. Mỗi phường thường có một, hai chàng trẻ học nghề. Họ phải hầu hạ rượu, thuốc, nước cho những người được gọi là quan viên của phường. Nhạc cụ do phường tự mua sắm. Nhà có đám đến mời phường. Một nhóm người đi theo nhà đám, gọi là đi nhận đám. Người chết nằm xuống được liệm đặt vào áo quan. Cả gia đình, các con, cháu, họ hàng túc trực sẵn quanh áo quan. Lúc này, phường kèn cử lên đoạn Lâm Khốc với sự hoà tấu náo nhiệt của tất cả các nhạc cụ. Nhưng tiếng kèn vẫn là chủ đạo. Chính vào lúc này, nhà đám tiến hành phát tang… Tiếp theo, phường kèn tấu những điệu Nam Ai, Nam Xuân, Lưu Thuỷ, Ngũ Đối v.v…

Phường kèn ngồi tập trung vào một hai chiếc chiếu bên cạnh bàn thờ. Phía trong bàn thờ là áo quan người chết. Khi có đoàn nào hoặc người nào đến phúng viếng, ban nhạc gõ mấy tiếng trống báo tin khách đến rồi cả ban nhạc cứ những làn điệu: Con nhạn lạc đàn, Điếu quân, Mã đáo vô nhân hoặc Xuân Nữ sao cho phù hợp phần nào với thân phận và sự nghiệp lớn hay nhỏ của người chết. Trên đường đưa linh cữu người chết ra mộ, đám ma phải qua cái cổng làng. Lúc này linh cữu phải khiêng hạ xuống thấp, và ban nhạc cử bài "con nhạn lạc đàn" để người chết có lời cáo biệt. Ra đến mặt trước cổng làng, linh cữu phải quay lại 180 độ để mặt người chết được nhìn cái cổng làng lần cuối. Lúc này, ban nhạc rúc lên bài Điếu Quân hoặc Mã đáo vô nhân. Tiếng kèn nổi lên rất hùng tráng, bi thương mà cũng tiêudao, sương khói.

Sau đó, trên đường ra đồng, ban nhạc cử những nét nhạc bồng bềnh, thanh thản không buồn lắm mà tung tăng, hao hao cái vị "Đường trường tiễn đưa” của chèo… Lúc hạ huyệt, phường kèn biểu diễn hầu hết cả mấy làn điệu chính có biến tấu và xen kẽ vào nhau. Lúc thật buồn, lúc lại nhẹ nhàng như gió thoảng, mây bay với những Kim Tiền, Lưu Thuỷ… Đến chiều tối, nhà đám cúng vong, khách đến phúng viếng đã vãn, phương kèn dạo đi, dạo lại một số làn điệu để chuẩn bị cáo từ nhà đám. Nhưng, lúc này lại là lúc sôi nổi. Một số người thân thích của người chết mượn một người trong phường có giọng hay, khóc hộ mình. Những tiếng khóc đó được cả phương đệm nhạc, nghe thật thấm thía, não ruột. Nhưng lại là tiếng lòng. Cô em gái người chết làm ăn ở nơi xa, lận đận về chịu tang người anh. Cô ta nhờ bác trong phường khóc hộ mình, bác Giáp của phường kể lể trong tiếng nhạc: "Em có ngờ đâu, em định bụng về thăm làng… lại được tin nhắn… anh lạc đường mệnh chung… tưởng đâu nhớ họ hàng… Lại thành ra chuyện… em về chịu tang…". Tiếng nhị ngẩn ngơ vuốt theo: "Cò cò… cư… cư ư"

Người nhờ khóc hộ biếu phường một số tiền nhỏ, đặt vào chiếc đĩa giữa chiếu. Việc làm này gọi là "thưởng". Rồi cứ thế, tiếp tục với những đoạn khóc hộ như: Cha ơi! các anh các chị vuông tròn Đời con rách nát, mỏi mòn cha không hay Hoặc: Bây giờ hồn thác không còn Thì thím trông cậy vào ai bây giờ…? Lại như: Cây rầu rầu, cỏ rầu rầu Chú đi đê nhớ, để sầu cho ai? Hoặc: Ai làm cho phấn xa hương Cho duyên lìa phấn, cho tôi mất chồng v.v… Trời đã về khuya, phường kèn rúc lên hồi kèn "Tế vong" rồi xin ra về. Nhà đám đưa chân phường ra ngoài ngõ, biếu phường một số tiền lót tay, nói lời cảm ơn, biếu phường 1 chân giò, một đĩa xôi và một nải chuối. Tất cả những thứ này được cậu bé đi theo học nghề cho vào tay nải...

(Nguồn: Hà Nội văn hóa và phong tục)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top