Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
CHUYỆN NGÔI ĐÌNH
Ở các làng, xã Việt nam xưa, hầu như làng nào cũng có một ngôi đình. Có ngôi đình chung cho cả mấy xã hoặc huyện. Đình nằm ở một không gian trung tâm, rộng lớn và có phong cảnh đẹp của làng quê Việt nam. Mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế và xã hội của cộng đồng thời Lý thường diễn ra ở chùa. Nhưng từ giữa đời Trần, các sinh hoạt đó được chuyển sang đình và truyền thống đó được giữ cho đến tận đời Nguyễn.
Đình còn là nơi nghỉ ngơi, dừng chân của vua hoặc các quan lớn đi vi hành, tuần du. Đình làng là nơi tụ họp, bàn bạc công việc và là nơi thờ cúng Thành Hoàng. Chùa dùng nhân, nghĩa để trị dân, đình dùng pháp trị đối với dân. Đình còn là nơi thực thi lệ làng: thu thuế, xét xử khao vọng, ngả vạ… Con gái trong truyện xưa, không chồng mà chửa, bị mang ra đình ngả vạ. Những dịp lễ tết, hội hè, diễn xướng v.v… đều diễn ra ở đình và sân đình. Với người bình dăn, đình cũng là nơi giao tiếp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Đình là một tập hợp kiến trúc mở, chứ không khép kín như chùa. Đình không có tường bao quanh. Từ bốn phương, tám hướng đều có thể đến với đình. Nội thất, ngoại thất của đình được trang trí nguy nga, độc đáo. Có những bức tượng, phù điêu được chạm trổ công phu đã gây ấn tượng mạnh mẽ trong giới mỹ thuật trong và ngoài nước như ở đình Liên Hiệp (Hà Tây), đình Phù Lão (Hà Bắc đình Tam Canh (Vĩnh Phú), đền Giá (Hà Nội) v.v…
Vào đình phải qua cổng tam quan và sân đình. Đình thường được dựng lên bằng nhiều cột gỗ to và dài. Người ta thường nói: "To như cái cột đình". Còn câu: "bao giờ cây cải làm đình" là chỉ cái điều không bao giờ có thể xảy ra. Cổng đình thường rất rộng, có bể nước mưa và hòn non bộ. Nối tiếp sân là mấy bậc đá lát thềm dẫn vào đình gồm ba gian dài. Gian dài ở chính giữa gọi là chính tẩm. Bên trong gian giữa là nơi đặt bệ thờ, trên có bát hương, đỉnh trầm, cây nến, bài vị của Thành hoàng, lọ độc bình cắm hoa v.v… Sau bệ thờ là hậu cung đặt tượng Thành hoàng ngồi trên ngai sơn son thếp vàng.
Mái đình lợp ngói âm dương, viên nọ ốp lên viên kia, rủ nhau bò lên nóc cao, kéo lên 4 góc cong vút với những ngọn đao trang trí khoẻ mạnh mà bay bổng. Loại ngói này được gọi là ngói âm dương là ngói "cuộc đời”. Đôi vợ chồng nào đó thường giãi bày: "Ấy đấy, chúng ta ăn ở với nhau có đủ cả giận, hờn, đau khổ, sướng vui và yêu thương… Tất cả cứ lợp vào nhau như mái ngói âm dương…".
Hai bên đình còn có hai dãy nhà phụ để chứa kiệu bát cống, long đình, cờ, biển, trống, chiêng, quạt, những đồ tế lễ rước xách… Đình còn ngăn riêng một gian để cúng hậu gọi là nhà hậu. Có nơi, trước mặt đình còn có một công trình kiến trúc nhỏ gọi là "phương đình" hoặc "bái đình".
Mọi việc lớn, nhỏ trong làng được quyết định ở đình do một hội đồng kỳ mục điều khiển. Lý trưởng là thành viên cao nhất trong việc chấp pháp. Vai vế cao hơn lý trưởng có tiên chỉ. Ông ta là người đứng đầu một làng, xã Thường là người có danh vọng, nhiều chữ nghĩa và được mọi người kính trọng. Tiên chỉ ngồi riêng một mình một chiếu ở đình. Nếu vị nào có cỡ khoa bảng cao hơn tiên chỉ thì được ngồi chiếu trên của tiên chỉ. Dân gian đã tả một cách châm biếm chân dung của tiên chỉ như sau: "Người đứng chiếu ngang, người sang chiếu dọc, người đọc văn tế, người bệ bát nhang, người mang cỗ đài, người nhai thủ lợn, người trợn mắt lên…"
Tiên chỉ là người có quyền thế nhất làng. Phần riêng của ông bao giờ cũng phải có miếng thịt thủ.
Ngày xưa, người ta rất chú ý đến việc chọn lựa hướng đình và trồng những cây cảnh to, nhỏ để tô điểm cho cảnh quan của đình. Về tổng thể, đình và những công trình phụ là những công trình xây dựng choáng ngợp và hoa mỹ.
Trong dân gian, đình là một hình ảnh quen thuộc và gắn bó trong tâm hồn mỗi người dân Việt nam:
"Qua đình ngả nón, trông đình
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu".
Hoặc như:
"Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng một mình cũng xinh"
Nam nữ tình tự với nhau ở đình:
"Bên đình tôi đã si mê.
Tôi yêu người lắm, xin thề đình ơi"…
Có anh chàng kể lể: "Hôm qua tát nước bên đình với em…" Sân đình thường có những cây cổ thụ, cây đại, cây si cây táo v v… Thị Mầu trong vở chèo Quan âm Thị Kính hát rằng:
"Tiểu như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua".
Đình là ngôi nhà đẹp đẽ, trang nghiêm, to lớn nhất làng. Nó thường được ví với những gì to lớn. Cái nồi đình là nồi to. Cô gái có "một đình duyên" là Cô gái duyên dáng có thừa. Trong gam màu folkhor Việt nam, người xưa cho rằng bộ ngực và mông của cô gái càng to thì càng đẹp. Người ta nói: “Hai phần to được tày đình, thì con người ấy càng xinh càng giòn". Câu ca dao này phù hợp với quan niệm thẩm mỹ ngày nay, khi nhấn mạnh vòng đo số 1 và vòng đo số 3 của người phụ nữ càng lớn thì giá trị thẩm mỹ càng cao.
Tiếng trống đình là tiếng trống đánh rất to, báo một điều gì quan trọng. Người quản lý, trông nom đình là ông Từ. ông thường là người có tuổi, hiền lành, chất phác, được mọi người quý mến, có khi lại là người chay tịnh, không có vợ ông trông nom đình, thắp hương đón khách đến lễ đình trông nom vườn cây cảnh. ông cũng trồng thêm cây ăn quả để thêm vào thu nhập của cuộc sống đạm bạc, thanh bạch.
Những năm trước cách mạng tháng Tám, đình là nơi đi lại, hoạt động của một số chiến sĩ cách mạng. Từ năm 1945 trở đi, sân đình là nơi luyện tập quân sự tuyển quân, tổ chức những cuộc họp mặt hoặc mít tinh kêu gọi dân làng hưởng ứng những phong trào yêu nước, cứu nước, đồng thời cũng là nơi tập trung của các thanh niên nhập ngũ, là nơi người thân đưa tiễn con em lên đường ra mặt trận.
Trong làng có hai âm thanh đặc biệt khắc sâu trong tiềm thức mỗi người, đó là tiếng chuông chùa và tiếng trống đình. Tiếng trống đình báo hiệu lễ cơm mới sau mùa gặt, tiếng trống mừng quân hoặc tiễn người ra tiền phương v.v… thật là xúc động. Đình là nơi thờ Thành hoàng, có thể là tổ sư các ngành nghề, là người có Công với dân làng, là liệt sĩ, anh hùng. dân tộc như Hai Bà Trưng, Phùng Hưng v.v… và có khi cũng là một con người bình thường.
Ở nước ta còn giữ lại được nhiều ngôi đình lớn hoành tráng, tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến tạo đình chùa truyền thống của Việt nam như: đình làng Đình Bảng, đình Chu Quyến, đình Tây Đằng, đình Triều Khúc, đình Kim Liên, đình Chèm… đó là những di sản văn hoá vô giá của dân tộc. Tiến sĩ A. Samadi, nhà nghiên cứu mỹ học người Philippine đã viết: "Đến Việt nam mà không đến thăm mấy ngôi đình là chưa biết gì về Việt nam".
Ngôi đình, một vang vọng của tâm hồn Việt nam, từ ngàn xưa cho tới hôm nay.
Theo LÝ KHẮC CUNG