ngan trang
New member
- Xu
- 159
Chuyện về ấn vàng của các ông hoàng triều Nguyễn
Ấn vàng của các Hoàng đế thời Nguyễn được gọi là Kim Bảo để phân biệt với Ngọc tỷ là ấn được làm bằng ngọc. Trong số hàng trăm quả Kim Bảo dừng với ý nghĩa quốc gia đại sự đó, có một quả ấn vàng "Ngự tiền chi bảo" mà tên tuổi của nó gắn liền với sự kiện trọng đại của nước Đại Nam cuối thế kỷ XIX.
Năm 1802 khi mới lên ngôi Gia Long đã ra ngay sắc lệnh dùng vàng đúc ấn Bảo, Tỷ. Sử cũ còn ghi "Đức Hoàng khảo thế tổ Cao Hoàng đế ta dựng thành quy chế lập ra pháp luật trăm chế độ đều mới cả, ra sắc lệnh đúc các loại ấn như chế cáo chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Mệnh đức chi bảọ.." (1). "Ngự tiền chi bảo" được đúc bằng vàng mười, núm hình rồng, mặt dấu làm theo khuôn hình bầu dục có kích thước 2,5 x 3cm, viền ngoài được khắc hoạ tiết rất đẹp. Điều đặc biệt ở đây là tất cả Kim Ngọc Bảo Tỷ đều khắc theo thể chữ triện ở mặt ấn, riêng "Ngự tiền chi bảo" mặt ấn lại khắc theo thể chữ Chân, nét khắc đậm nhạt như chữ viết trên giấy.
Cũng như các Bảo Tỷ truyền quốc khác, "Ngự tiền chi bảo" tồn tại qua nhiều đời vua Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mệnh tới vị Hoàng đế trẻ Hàm Nghi. Rất nhiều hình dấu "Ngự tiền chi bảo" gắn liền với những văn bản chữ Hán quan trọng của các vua nhà Nguyễn được lưu giữ cẩn trọng ở Văn phòng Nội các và những cơ quan đơn vị cao cấp khác. Nhưng rồi biến cố đã xảy ra bằng cuộc chiến giữa người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Năm 1885 Kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi rời bỏ Kinh thành Huế và mang theo ấn "Ngự tiền chi bảo" và nhiều báu vật khác. Quả ấn vàng đã theo vua Hàm Nghi cùng đoàn quân kháng chiến từ Cam Lộ vượt Trường Sơn hiểm trở đến châu Mường Mahasay của đất Lào, rồi lại lặn lội qua đèo Quy Hợp về lại đất Việt để lập bản doanh ở vùng Hương Khê núi Ấu. Tại nơi đây chiếu Cần Vương và bao chỉ dụ có đóng dấu Ngự bảo được gửi đi khắp nơi, đã dấy động lòng dân và sĩ phu cả nước tinh thần ái quốc trung quân quyết tử chống giặc Pháp. Bên cạnh vua Hàm Nghi, tên tuổi của Lê Trực, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Đạm... vẫn còn sống mãi, mấy năm ròng họ chiến đấu chống quân xâm lược chủ yếu không phải bằng khí giới và bằng khí phách tinh thần.
Tại nơi rừng thẳm, lúc vua Hàm Nghi đóng dấu Ngự bảo lên chiếu Cần Vương thì ở Huế người Pháp và phái chủ hoà đã dựng Ưng Kỷ lên ngôi với niên hiệu Đồng Khánh. Việc làm đầu tiên của Đồng Khánh là cho chế tác ngay Bảo ấn để thay thế số ấn vàng bị Tôn Thất Thuyết mang đi. Sử cũ chép năm Đồng Khánh Ất Dậu (1885) "... Sai làm hai ấn Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát...". Bảo ấn "Ngự tiền chi bảo" trước đây đúc bằng vàng hình bầu dục, Đồng Khánh cho rằng nếu đúc theo khuôn cũ sẽ nhầm với ấn Ngự bảo mà Tôn Thất Thuyết đang giữ, nên mới sai làm "Ngự tiền chi bảo" mới theo hình bát giác và dùng chất liệu bằng ngà voi. Mấy tháng sau khi mọi việc đã yên ổn, Đồng Khánh sai lấy vàng đúc lại "Ngự tiền chi bảo", núm hình rồng, mặt dưới hình bát giác dài 8 phân 5 ly, rộng 7 phân 5 ly, khắc chữ chân phương như cũ.
Cuối năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị bắt, bên cạnh nhà vua chỉ có một ít quần áo cũ, một số tiền vàng tiền bạc, mảnh giấy ghi nơi chôn giấu vàng ở Huế và mấy thi thể đẫm máu của các bề tôi trung thành. Ngoài những thứ đó ra tuyệt nhiên quân Pháp không tìm thấy ấn Ngự tiền chi bảo đâu cả.
Trở lại với Tôn Thất Thuyết, sau khi phong trào Cần Vương đã dấy lên mạnh mẽ, Thuyết quyết định sang phương Bắc cầu viện Thanh triều. Đội quân ở lại từ lúc Thuyết đi cho đến khi ngã xuống người cuối cùng, không ai còn trông thấy đâu nữa. Phải chăng Tôn Thất Thuyết đã mang theo Ấn Ngự bảo kia sang Trung Quốc với hy vọng lấy lại cơ đồ? để rồi không thành và ông phải nằm lại nơi đất khách quê người, bao bí mật và số phận quả ấn vàng đã theo ông xuống mồ tại đất Long Châu, Quảng Tây năm 1913.
Ngày nay nếu ai muốn tìm lại dấu tích của "Ngự tiền chi bảo" xin mời đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Nội. Trong các tập châu bản giấy đã ngả màu, chúng ta dễ dàng tìm ra dấu Ngự bảo xưa có hình bầu dục, nét chữ Hán chân phương với màu son đỏ thắm như màu máu không phai của các nghĩa sĩ Cần Vương năm nào.
Ấn vàng của các Hoàng đế thời Nguyễn được gọi là Kim Bảo để phân biệt với Ngọc tỷ là ấn được làm bằng ngọc. Trong số hàng trăm quả Kim Bảo dừng với ý nghĩa quốc gia đại sự đó, có một quả ấn vàng "Ngự tiền chi bảo" mà tên tuổi của nó gắn liền với sự kiện trọng đại của nước Đại Nam cuối thế kỷ XIX.
Năm 1802 khi mới lên ngôi Gia Long đã ra ngay sắc lệnh dùng vàng đúc ấn Bảo, Tỷ. Sử cũ còn ghi "Đức Hoàng khảo thế tổ Cao Hoàng đế ta dựng thành quy chế lập ra pháp luật trăm chế độ đều mới cả, ra sắc lệnh đúc các loại ấn như chế cáo chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Mệnh đức chi bảọ.." (1). "Ngự tiền chi bảo" được đúc bằng vàng mười, núm hình rồng, mặt dấu làm theo khuôn hình bầu dục có kích thước 2,5 x 3cm, viền ngoài được khắc hoạ tiết rất đẹp. Điều đặc biệt ở đây là tất cả Kim Ngọc Bảo Tỷ đều khắc theo thể chữ triện ở mặt ấn, riêng "Ngự tiền chi bảo" mặt ấn lại khắc theo thể chữ Chân, nét khắc đậm nhạt như chữ viết trên giấy.
Cũng như các Bảo Tỷ truyền quốc khác, "Ngự tiền chi bảo" tồn tại qua nhiều đời vua Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mệnh tới vị Hoàng đế trẻ Hàm Nghi. Rất nhiều hình dấu "Ngự tiền chi bảo" gắn liền với những văn bản chữ Hán quan trọng của các vua nhà Nguyễn được lưu giữ cẩn trọng ở Văn phòng Nội các và những cơ quan đơn vị cao cấp khác. Nhưng rồi biến cố đã xảy ra bằng cuộc chiến giữa người Pháp và triều đình nhà Nguyễn. Năm 1885 Kinh đô Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi rời bỏ Kinh thành Huế và mang theo ấn "Ngự tiền chi bảo" và nhiều báu vật khác. Quả ấn vàng đã theo vua Hàm Nghi cùng đoàn quân kháng chiến từ Cam Lộ vượt Trường Sơn hiểm trở đến châu Mường Mahasay của đất Lào, rồi lại lặn lội qua đèo Quy Hợp về lại đất Việt để lập bản doanh ở vùng Hương Khê núi Ấu. Tại nơi đây chiếu Cần Vương và bao chỉ dụ có đóng dấu Ngự bảo được gửi đi khắp nơi, đã dấy động lòng dân và sĩ phu cả nước tinh thần ái quốc trung quân quyết tử chống giặc Pháp. Bên cạnh vua Hàm Nghi, tên tuổi của Lê Trực, Phan Đình Phùng, Tôn Thất Đạm... vẫn còn sống mãi, mấy năm ròng họ chiến đấu chống quân xâm lược chủ yếu không phải bằng khí giới và bằng khí phách tinh thần.
Tại nơi rừng thẳm, lúc vua Hàm Nghi đóng dấu Ngự bảo lên chiếu Cần Vương thì ở Huế người Pháp và phái chủ hoà đã dựng Ưng Kỷ lên ngôi với niên hiệu Đồng Khánh. Việc làm đầu tiên của Đồng Khánh là cho chế tác ngay Bảo ấn để thay thế số ấn vàng bị Tôn Thất Thuyết mang đi. Sử cũ chép năm Đồng Khánh Ất Dậu (1885) "... Sai làm hai ấn Ngự tiền chi bảo và Văn lý mật sát...". Bảo ấn "Ngự tiền chi bảo" trước đây đúc bằng vàng hình bầu dục, Đồng Khánh cho rằng nếu đúc theo khuôn cũ sẽ nhầm với ấn Ngự bảo mà Tôn Thất Thuyết đang giữ, nên mới sai làm "Ngự tiền chi bảo" mới theo hình bát giác và dùng chất liệu bằng ngà voi. Mấy tháng sau khi mọi việc đã yên ổn, Đồng Khánh sai lấy vàng đúc lại "Ngự tiền chi bảo", núm hình rồng, mặt dưới hình bát giác dài 8 phân 5 ly, rộng 7 phân 5 ly, khắc chữ chân phương như cũ.
Cuối năm 1888 khi vua Hàm Nghi bị bắt, bên cạnh nhà vua chỉ có một ít quần áo cũ, một số tiền vàng tiền bạc, mảnh giấy ghi nơi chôn giấu vàng ở Huế và mấy thi thể đẫm máu của các bề tôi trung thành. Ngoài những thứ đó ra tuyệt nhiên quân Pháp không tìm thấy ấn Ngự tiền chi bảo đâu cả.
Trở lại với Tôn Thất Thuyết, sau khi phong trào Cần Vương đã dấy lên mạnh mẽ, Thuyết quyết định sang phương Bắc cầu viện Thanh triều. Đội quân ở lại từ lúc Thuyết đi cho đến khi ngã xuống người cuối cùng, không ai còn trông thấy đâu nữa. Phải chăng Tôn Thất Thuyết đã mang theo Ấn Ngự bảo kia sang Trung Quốc với hy vọng lấy lại cơ đồ? để rồi không thành và ông phải nằm lại nơi đất khách quê người, bao bí mật và số phận quả ấn vàng đã theo ông xuống mồ tại đất Long Châu, Quảng Tây năm 1913.
Ngày nay nếu ai muốn tìm lại dấu tích của "Ngự tiền chi bảo" xin mời đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hà Nội. Trong các tập châu bản giấy đã ngả màu, chúng ta dễ dàng tìm ra dấu Ngự bảo xưa có hình bầu dục, nét chữ Hán chân phương với màu son đỏ thắm như màu máu không phai của các nghĩa sĩ Cần Vương năm nào.