• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chuyện tình vợ chồng nữ phi công đầu tiên của Việt Nam

Hide Nguyễn

Du mục số
Nguyễn Ly Hương - cô gái được Vietnam Airlines đầu tư tới 3 tỷ đồng để đào tạo - hiện đang lái máy bay ATR72. Không chỉ thuyết phục bằng thành tích thi cử, nữ phi công đầu tiên của Đoàn bay 919 còn chinh phục luôn trái tim chàng phi công cùng đoàn. Lấy nhau năm 2009, Ly Hương và Hồng Hạnh trở thành đôi vợ chồng phi công đầu tiên của Việt Nam.

Lấy vợ phi công

Nguyễn Hồng Hạnh trầm tính, ít nói, có vẻ chững chạc hơn hẳn vợ dù cả hai cùng sinh năm 1983. Học cùng nhau 2 năm ở Pháp, rồi Bỉ, từng là bạn thân, từng cùng vượt qua bao khó khăn nơi đất khách rồi yêu nhau lúc nào không hay.​
Hạnh ngạc nhiên khi tôi hỏi: “Sao dám lấy vợ phi công”? Có lẽ, chinh phục “bông hồng bay” là điều không hề đáng ngại với chàng trai Hà Nội vẫn quen chỉ huy những con chim sắt A 320 nặng hàng chục tấn. Tình yêu và sự cảm thông đủ lớn để Hạnh chấp nhận vợ mình san sẻ rất nhiều thời gian riêng tư và sức lực cho những chuyến bay. Điều tưởng chừng rất khó lại không thành vấn đề với đôi bạn trẻ bởi một điều thật giản dị: Họ cùng có một khao khát được bay, được khẳng định chính mình.​
“Lịch làm việc khác nhau nên nhiều khi em đi bay về đến nhà thì vợ đã ra sân bay hoặc đang ở đâu đó trên bầu trời rồi. Ngày lễ tết bọn em chả mấy khi được nghỉ, còn những hôm đi bay đường dài, gặp thời tiết xấu thì mệt mỏi vô cùng, Hạnh kể. Nhưng điều đó chẳng hề làm chàng trai lấy vợ phi công hối hận.​
Hạnh bật mí: “May mắn nhất với vợ chồng em là bố mẹ luôn ủng hộ và thông cảm cho nghề nghiệp của hai đứa. Điều may mắn thứ hai là vợ chồng cùng nghề nên hiểu công việc, tâm lý của nhau, đồng cảm và giúp nhau được rất nhiều”.

depnhhu.jpg


Chẳng kịp nghĩ có khó lấy chồng không?

Ly Hương cười rất tươi, khi nói nụ cười sáng bừng khuôn mặt thông minh của cô gái trẻ: “Từ khi nộp đơn thi tuyển phi công, đến khi được đi Pháp đào tạo rồi về đi bay, em chả kịp nghĩ xem con gái làm nghề này có khó lấy chồng không nữa”. Người ta bảo con gái làm phi công thường nam tính, mạnh mẽ nhưng ở Hương tôi thấy sự duyên dáng luôn ẩn đâu đó trong mỗi câu trả lời thông minh, chuẩn xác.
Cô gái 27 tuổi quê Lào Cai đáng ra đã làm nghề khác khi tốt nghiệp ngành quy hoạch, quản lý đô thị, Trường Đại học GTVT năm 2006. Không hề có ai quen biết làm hàng không nhưng sự tò mò, háo hức đến một chân trời mới đã khiến Hương thi tuyển vào khóa đào tạo phi công của Vietnam Airlines trong sự ngỡ ngàng của bạn bè.

depnhhu.jpg1.jpg

Hình ảnh đôi vợ chồng phi công đầu tiên của VN

Thông minh, quyết đoán, sức khỏe tốt, ham học hỏi là 4 yếu tố khiến Hương vượt qua tất cả các kỳ thi từ tiếng Anh, logic, toán học, thể lực, kỹ năng bay, xử lý tình huống... Và cô gái chỉ cao mét sáu đã chiến thắng hàng chục chàng trai to khỏe, vạm vỡ để giành một vị trí lái chính thức đầu tiên về cho “phái yếu”. Ngày Hương mới về Đoàn bay 919, đi đến đâu, các anh cũng xúm vào hỏi han trêu đùa, nhiều chàng phi công nhận xét “có phi công nữ, cockpit (buồng lái) mềm mại hơn, đội bay cũng “màu sắc” hơn hẳn”.​
“Giờ thì Việt Nam đã có 3 phi công nữ. Chị Thủy sinh năm 1982 bay cùng đội ATR72 với em và cũng vừa lấy chồng phi công. Em Nhung sinh năm 1987 thì đang bay đội A320”, Hương kể. Điều khiến Hương cảm động nhất đó là trong công việc, cô luôn được tôn trọng, không hề có sự phân biệt trong nghề mà đàn ông luôn chiếm đa số này.

Ước mơ bay và khát vọng khẳng định mình

Năm 23 tuổi, đối mặt với một áp lực tưởng chừng không thể vượt qua - Hàng không Việt Nam chưa từng có phi công nữ người Việt, Hương đã quyết thử sức. Rồi càng học, cô càng thôi thúc khát vọng được bay, được khẳng định mình. “Sao con gái không thể lái máy bay”? - suốt hơn 3 năm theo học phi công dự khóa, rồi lớp phi công cơ bản, đi học chuyển loại, không ít người rớt lại, phải bỏ cuộc chơi, Hương vẫn cố gắng trả lời cho được câu hỏi này bằng sự kiên trì, nỗ lực không ngừng.​
“Lần đầu tiên bay lên bầu trời lạ lắm chị ạ. Phấn khích vô cùng. Có cái gì đó thật khoáng đạt ào đến khó diễn tả. Em có cảm giác mình như một chú chim đang tự do chao liệng...”, Hương tiết lộ. Giờ đây, dù mỗi tuần bay từ 5 đến 7 ngày, Hương vẫn còn vẹn nguyên cảm giác thích thú khi phía trước là bầu trời. Khoang lái rộng mở đã trở thành tình yêu của cô và của Hạnh.​
Với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng chưa kể các khoản thu nhập khác và luôn được khám phá những chân trời mới, nghề phi công đang là mơ ước của không ít bạn trẻ. Nhưng để trở thành phi công có khó không? Cả Hạnh và Hương cùng khẳng định: Chỉ cần có sức khỏe, có tri thức, niềm đam mê, sự quyết đoán, tính kỷ luật. Hương bảo máy bay thương mại không có dù, phi công sẽ quyết định sự sống còn của hàng trăm hành khách bằng chính khả năng xử lý sự cố của mình.​
Tôi thắc mắc: “Bay liên tục tới những sân bay có địa hình và thời tiết phức tạp như Phú Quốc, Điện Biên, em có sợ không”? Hương cười. Cô nói, đi máy bay là an toàn nhất. Hành khách luôn lo sợ máy bay rơi mỗi khi bị chao đảo, xóc hay hẫng hụt nhưng với phi công thì chuyện đó hết sức bình thường. Mọi thứ hầu như đã được lường trước. Kể cả trong trường hợp hỏng động cơ, hỏng càng, phi công vẫn có thể cho máy bay tiếp đất an toàn... Việc phân biệt đâu là mây tĩnh điện để tránh, đám mây nào có thể bay xuyên qua mà không sợ bị sét đánh, sự cố xảy ra thì xử trí thế nào là bài học nằm lòng của tất cả những người cầm lái.​
Trò chuyện với Hạnh, Hương... những phi công trẻ thế hệ 8X của Vietnam Airlines, điều tuyệt vời mà tôi nhận thấy là các em đều có ước mơ và ý chí để biến điều đó thành hiện thực. Một lãnh đạo Đoàn bay 919 cho biết trong số 700 phi công của hãng hàng không quốc gia, mới có vài chục các bạn trẻ như Hạnh, Hương, nhưng chúng tôi tin rằng chính thế hệ các em, bằng sức trẻ, bằng tình yêu và khát vọng chinh phục bầu trời sẽ là động lực cho Vietnam Airlines bay cao, bay xa hơn nữa.


Rèn kỷ luật sắt cho phi công trẻ

Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nguyên Đoàn trưởng Đoàn bay 919 Phan Xuân Đức khẳng định hãng hàng không quốc gia đang bổ sung và vẫn cần bổ sung rất nhiều phi công mới để đáp ứng tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm của hãng. Hiện nay, hãng có 700 phi công, trong đó phải thuê 350 phi công nước ngoài.
Những năm trước đó, phi công dự khóa của Việt Nam luôn yếu về tiếng Anh, sức khỏe, hãng cũng không có đủ kinh phí đầu tư cho nguồn nhân lực nên lượng phi công luôn thiếu so với nhu cầu. Năm 2010, lần đầu tiên hãng đưa đi đào tạo được hơn 120 phi công theo đúng tiến độ. Ông Đức cho biết, chi phí trung bình để đào tạo được 1 phi công vào khoảng 3 tỷ đồng. Để có 100 phi công mới, mỗi năm, hãng phải đầu tư 300 tỷ.
Mới đây, Vietnam Airlines đã có thỏa thuận với Quân chủng Phòng không không quân để đưa các phi công mới tốt nghiệp của hãng theo học 1 khóa 3 tháng tại Trường Sỹ quan không quân - nơi đào tạo phi công quân đội. Tại đây, các phi công trẻ sẽ phải cắt đầu cua, rèn thể lực và tuân thủ kỷ luật sắt như đi lính. Điều này là cần thiết, ông Đức khẳng định, bởi phi công cần được học chính trị, quân sự... để nâng cao ý thức về Tổ quốc, về nghề nghiệp.
Ông Đức cũng cho biết Vietnam Airlines không biệt nam hay nữ khi tuyển học viên phi công. Cơ hội luôn mở rộng với các bạn gái có ước mơ chinh phục bầu trời. Tuy nhiên, nữ phi công sẽ phải chấp nhận những thiệt thòi vì công việc đòi hỏi tập trung cao, vất vả, sự đào thải nghiệt ngã, thời gian và chi phí đào tạo lại sau khi nghỉ sinh con tốn kém hơn nam giới. VNN
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top