• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, và có thể thấy rằng ở Nguyễn Đình Chiểu không chỉ thành công với văn tế mà ông dường như lại còn còn thành công với thể loại truyện thơ. Thật dễ có thể nhận thấy rằng Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng với “Lục Vân Tiên” đặc biệt hơn là trong đoạn trích “Lẽ ghét thương” như cũng đã thể hiện được những lẽ ghét thương thật đáng ngưỡng mộ ở ông lão quán trọ.
Bài viết này chúng ta cùng nhau tìm hiểu về chuyên đề đoạn trích “Lẽ ghét thương” (Trích “Truyện Lục Vân Tiên”) của Nguyễn Đình Chiểu.

Chuyên đề đoạn trích Lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu siêu hay - vnkienthuc.com.png


Chuyên đề đoạn trích “Lẽ ghét thương”

(Trích “Truyện Lục Vân Tiên) của Nguyễn Đình Chiểu



I. Đôi nét về tác giả Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) là “ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ”. Ông là một nhà văn có tấm lòng tha thiết với đất nước, với dân tộc. Cuộc đời sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn:

Trước 1858, ông sáng tác để tuyên truyền và giáo dục đạo đức, nổi tiếng có truyện thơ Truyện Lục Vân Tiên. Sau 1858, sáng tác của ông thể hiện tấm lòng tha thiết với đất nước, với dân tộc trước nạn ngoại xâm, ca ngợi những tấm gương anh hùng đã đứng lên chống giặc, dù họ là ai, tướng lĩnh, binh sĩ hay nhân dân…

Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn, nhà giáo yêu nước, có tấm lòng tha thiết với dân tộc. Cuộc đời Đồ Chiểu là tấm gương sáng ngời về nghĩa khí, về đạo đức. Là một người mù loà, không thể trực tiếp cầm gươm đánh giặc, Đồ Chiểu đã sử dụng ngòi bút của mình như một thứ vũ khí sắc bén để chiến đấu chống kẻ thù. ông luôn ca ngợi những người đã dám anh dũng đứng lên cầm gươm giết giặc và đã viết những bài văn tế xúc động về họ, như Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu chất phác, giản dị và có giá trị tư tưởng lớn. Đó đều là những tác phẩm được sáng tác theo quan điểm:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà


II. Đôi nét về “Truyện Lục Vân Tiên”

Truyện Lục Vân Tiên là truyện thơ, được viết dưới hình thức thơ lục bát. Truyện thơ Nôm là thể loại văn học khá phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIX. Đó là những thành tựu đáng tự hào của nền văn học dân tộc.

Truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm lớn của văn học Việt Nam. Cũng như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiênđược rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Tác phẩm đã đi vào đời sống nhân dân và các nhân vật của truyện đã được dân gian hoá. Lục vân Tiên trở thành biểu tượng về một đấng nam nhi ngay thẳng tốt bụng, sẵn sàng cứu giúp người yếu thế. Kiều Nguyệt Nga trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng chung thuỷ, mẫu mực của người phụ nữ phương Đông đoan trang, nết na… Mỗi nhân vật của tác phẩm đều đã đi vào đời sống dân gian và trở thành một yếu tố của nền văn hoá dân gian. Truyện Lục Vân Tiênlà tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác trước 1858 của Nguyễn Đình Chiểu, đó là giai đoạn sáng tác theo quan điểm “văn chương chở đạo”. “Đạo” ở đây là những quan niệm đạo đức truyền thống phương Đông theo quan niệm của Nho giáo. Tính cách của nhân vật tốt – xấu, ngay – gian rất rõ ràng. Qua thế giới nhân vật ấy, tác giả thể hiện những quan niệm của mình về đạo đức, về con người và lẽ sống.

III. Tìm hiểu chung về đoạn trích “Lẽ ghét thương”

1. Vị trí đoạn trích “Lẽ ghét thương”


Nằm ở phần đầu của truyện, từ câu 473 đến câu 504 trong tổng số 2082 câu, kể lại cuộc đối thoại giữa ông Quán và 4 chàng nho sinh khi họ cùng uống rượu, làm thơ trong quán của ông Quán, trước lúc vào phòng thi.

Lục Vân Tiên và Vương Tử Trực trên đường đến trường thi thì gặp Trịnh Hâm và Bùi Kiệm cũng đi thi. Tại cửa hàng của ông Quán đã diễn ra một cuộc thi tài thơ. Trịnh Hâm và Bùi Kiệm thua, nên rất tức tối, nghi Vân Tiên, Tử Trực lấy cắp thơ cổ. Chúng bị ông Quán chê cười, Trịnh Hâm bực bội buông lời xấc xược, lập tức ông Quán đáp lời ngay. Lời ông cương trực, thẳng thắn, bộc lộ thái độ thương ghét phân minh.

2. Nhân vật ông Quán trong “Truyện Lục Vân Tiên”

Là nhân vật phụ trong truyện, mang dáng dấp của một nhà nho đi ở ẩn. tính cách nóng nảy, bộc trực, ghét kẻ tiểu nhân ích kỉ, nhỏ nhen, giàu lòng yêu thương những con người bất hạnh.

Ông Quán cùng với nhân vật ông Ngư, ông Tiều trong tác phẩm là những người lao động nghèo khổ, nhưng họ thực chất là những nho sĩ ở ẩn giữa cuộc đời đen bạc. Tính tình bộc trực thẳng thắn, yêu ghét phân minh.

3. Bố cục đoạn trích "Lẽ ghét thương"

Đoạn trích "Lẽ ghét thương" được chia làm 3 phần:

- 6 câu đầu: Lời đối đáp giữa ông Quán với Tử Trực, Vân Tiên.
- Từ câu 7 đến câu 16: Lẽ ghét
- Từ câu 17 đến câu 30: lẽ thương.

IV. Phân tích đoạn trích "Lẽ ghét thương"

1. Lẽ ghét của ông Quán


- Đối tượng ghét:
+ Việc tầm phào (vu vơ)
+ Đời Kiệt, Trụ: mê dâm, hoang dâm vô độ
+ Đời U, Lệ: đa đoan, lắm chuyện rắc rối.
+ Đời Ngũ bá, thúc quý: lộn xộn, chia lìa, đổ nát, chiến tranh liên miên.
Vua Trụ lấy rượu chứa thành ao, lấy thịt treo thành rừng rồi cho bọn con trai, con gái thả sức ăn chơi, dâm dật, xem đó là thú vui)
U Vương say đắm Bao Tự, để mua vui cho người đẹp có thể sai người xé mỗi ngày hàng trăm tấn lụa – vì Bao Tự thích nghe tiếng lụa xé.
→ Chính sự suy tàn, vua chúa say đắm tửu sắc, không chăm lo đến đời sống của dân.

- Lí do ghét:
+ Kiệt, Trụ mê dâm, “Để dân đến nổi sa hầm sẩy hang”
+ U, Lệ đa đoan,“Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần”
+ Ngũ bá phân vân, “Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn”
+ Thúc quý phân băng, “Sớm đầu tối đánh lằng nhằn rối dân”

Phê phán các triều đại suy tàn, cũng có thể xuất phát từ những lập trường khác nhau, hoặc là để bảo vệ trật tự xã hội phong kiến, vua ra vua, tôi ra tôi, bảo vệ quyền lợi của giai cấp phong kiến, hoặc vì trách nhiệm của một tôi trung,… với Nguyễn Đình Chiểu thì không hẳn như vậy. Ở đoạn thơ này, mỗi cặp câu lục bát là mỗi tiếng “dân” được nhắc đến, tất cả những lời kết tội đều xoay quanh một ý: Ở các thời đại đó, chỉ có dân là phải gánh chịu mọi tai ách, khổ sở trăm chiều…
→ Chỉ có dân là phải gánh chịu mọi tai ách, khổ sở trăm chiều. Tác giả đã đứng về phía nhân dân mà phẩm bình lịch sử.

- Cường độ ghét:
+ Điệp từ ghét: 10 câu thơ nói về ghét thì có đến 8 từ “ghét”. Đặc biệt 2 câu “Quán rằng…tận tâm” có đến 4 từ
+ Tăng cấp để diễn tả các màu sắc, mùi vị và độ sâu tăng dần của cái ghét. Từ cái ghét có vị cay, sang cái ghét có vị đắng, đến cái ghét có độ sâu của lòng người “ghét cay…tận tâm”
+ Cách dùng đại từ xưng hô. Khi nói tới 4 tên vua tàn ác trong lịch sử, nhà thơ không sử dụng đại từ xưng gọi mà chỉ nhắc tên một cách suồng sã: Kiệt, Trụ, U, Lệ.
→ Ghét trở thành căm thù, lời nguyền đanh sắc, quyết liệt→ tính nhân dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu.
Với nghệ thuật điệp từ + tăng cấp + cách gọi tên, cái ghét của ông Quán ăn tận trong sâu thẳm của lòng người, trở thành nỗi căm thù, lời nguyền đanh sắc, quyết liệt. “Ghét cay…tận tâm”→ tính nhân dân sâu sắc của NĐC.

2. Lẽ thương của ông Quán

Nếu như đoạn trên tác giả cho nhân vật nói lòng căm thù bọn người hại dân để nói lòng thương dân, thì ở đoạn này tác giả cho nhân vật trực tiếp bộc lộ lòng thương yêu đối với những người có tài cao chí cả, muốn cứu đời giúp dân mà gặp phải những rủi ro bất hạnh, nên nguyện vọng của họ không thực hiện được.

- Đối tượng Thương:
+ Thương Khổng Tử lận đận gian lao trong việc truyền đạo Nho.
+ Thương Nhan Tử chết sớm dở dang.
+ Thương Gia Cát Lượng có tài mưu lược lớn giúp Lưu Bị mà sự nghiệp không thành.
+ Thương Đổng Trọng Thư có tài đức hơn người mà bị dồn vào thế bí.
+ Thương Nguyên Lượng (Đào Tiềm) khí tiết thanh cao mà lui về ở ẩn.
+ Thương Hàn Dũ có tài văn chương chỉ vì dâng biểu can vua mà bị đi đày…
→ Họ là những người có tài, đức và có chí muốn hành đạo giúp đời, giúp dân, nhưng đều không đạt sở nguyện.

Bấy nhiêu con người ấy ít nhiều đều có những nét đồng cảnh với Nguyễn Đình Chiểu. Là một nhà nho, ông cũng từng nuôi chí hành đạo giúp đời, lập nên sự nghiệp công danh, nhưng cuộc đời dồn cho nhà thơ quá nhiều bất hạnh, thời buổi nhố nhăng, nên không thể đạt nguyện. Bởi thế, lẽ thương ở đây chính là niềm cảm thông sâu sắc tận đáy lòng nhà thơ Đồ Chiểu. Chuyện sách vở mà cũng là chuyện cuộc đời, Nguyễn Đình Chiểu đã vì cuộc đời, vì sự an bình của nhân dân mà thương, mà tiếc cho những người hiền tài không gặp thời vận để đến nỗi phải “đành phôi pha”.

- Cường độ thương:
Thương yêu tha thiết, đầy tính chất bác ái và nhân bản (thể hiện qua việc dùng điệp từ “thương” 9 từ trong đoạn còn lại)
=> Niềm cảm thông sâu sắc tận đáy lòng nhà thơ Đồ Chiểu.
=> Vậy, lẽ ghét thương của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ tình cảm yêu thương nhân dân, mong muốn nhân dân được sống yên bình, hạnh phúc, những người tài đức có điều kiện thực hiện chí nguyện bình sinh.

3. Ngôn ngữ nghệ thuật trong đoạn trích "Lẽ ghét thương"

- Đoạn thơ mang tính chất triết lí đạo đức, nhưng không hề khô khan, cứng nhắc mà dạt dào cảm xúc. Cảm xúc đó xuất phát từ cõi tâm trong sáng, cao cả của nhà thơ. Lời lẽ có khi mộc mạc đến thô sơ, đi thẳng vào trái tim người đọc, người nghe.

- Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ Nam Bộ. Ông dùng tiếng Việt phổ thông nhưng đồng thời cũng đưa vào sáng tác của mình những từ ngữ dân gian của nhân dân Nam Bộ như “coi” (đọc), “đàng công danh” (đường công danh), “phui pha” (uổng phí). Từ phương ngữ tạo nên sắc thái địa phương đậm đà cho tác phẩm.

Như vậy, mượn lời ông Quán trong đoạn trích “Lẽ ghét thương”, Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện quan điểm của một nhà nho chân chính. Nhà nho ấy tuy là đệ tử của chốn cửa Khổng sân Trình nhưng lại có tư tưởng rất tiến bộ. Đó là sự nối tiếp tư tưởng của Nguyễn Trãi thể hiện ở Bình Ngô đại cáo, đó là: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Cái tiêu chuẩn để “ghét thương” ở đây là quyền lợi của nhân dân, đi trái với quyền lợi của nhân dân là đáng ghét, là đáng phê phán. Tác giả đã dùng hình thức đàm đạo về ghét thương giữa ông Quán và các nho sĩ trẻ tuổi để thể hiện thái độ, quan điểm tư tưởng của mình về thời cuộc và nhân tình thế thái.

Chúng tôi – đội ngũ biên soạn đã soạn ra chuyên đề đoạn trích “Lẽ ghét thương” của Nguyễn Đình Chiểu (trích “Truyện Lục Vân Tiên) chi tiết và đầy đủ kiến thức nhất. Nếu bạn thấy bài viết hay thì ấn nút like và chia sẻ cho các bạn của bạn cùng đọc và cùng tham khảo tài liệu này nhé!
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Chuyên đề đoạn trích "Lẽ ghét thương" của Nguyễn Đình Chiểu:
- Đôi nét về tác giả Nguyễn Đình Chiểu
- Đôi nét về "Truyện Lục Vân Tiên"
- Tìm hiểu chung về đoạn trích "Lẽ ghét thương"
- Phân tích đoạn trích "Lẽ ghét thương":
+ Lẽ ghét của ông Quán
+Lẽ thương của ông Quán
+ Ngôn ngữ nghệ thuật trong đoạn trích.
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top